Thọ Khang Bảo Giám


Phước thiện án(Những câu chuyện kể về được phước do làm lành)* Trong niên hiệu Tuyên Đức[60] đời Minh, Văn Trung Công Tào Nãi thi đậu khoa thi Hương, được bổ làm Học Chánh[61].

Do ông không nhậm chức, nên được đổi sang làm chức Điển Sứ[62] huyện Thái Hòa.

Do bắt cướp, bắt được một cô gái, giữ tại công quán.

Cô ta rất đẹp, muốn theo ông.

Ông nghiêm khắc quở: “Há có thể xâm phạm gái chưa chồng ư?” Bèn lấy giấy viết bốn chữ “Tào Nãi bất khả” (Tào Nãi chẳng thể) đem đốt.

Sáng ra, gọi mẹ cô ta đến lãnh về.

Về sau, khi đang làm văn sách trong kỳ thi Đình, chợt có một tờ giấy bay tới rớt trước ghế, có bốn chữ “Tào Nãi bất khả”, thế là ý văn dồi dào, đậu Trạng Nguyên.* Thầy thuốc họ Trần ở Dư Hàng, có người nghèo mắc bệnh nguy ngập được ông Trần chữa lành, mà cũng chẳng đòi phải đền đáp.

Về sau, do đụt mưa, ông Trần vào nhà ấy.

Mẹ chồng bảo vợ người ấy hãy ngủ với ông để báo ân.

Người vợ vâng lời, đến khuya bèn mò đến chỗ ông, thưa: “Ngài đã cứu chồng thiếp.

Đây là ý mẹ chồng”.

Ông Trần thấy cô ta trẻ tuổi, xinh đẹp, cũng động tâm, tận lực kiềm chế [dục niệm], tự nhủ: “Không thể được”.

Cô ta nài ép, ông Trần liên tiếp bảo: “Không được!”, ngồi đợi trời sáng.

Cuối cùng, gần như chẳng thể kềm mình được, lại hô to hai chữ: “Hai chữ ‘không thể’ quá khó!” Trời vừa rạng sáng bèn bỏ đi.

Ông Trần có đứa con đi thi.

Quan giám khảo loại bỏ bài văn của nó, chợt nghe có tiếng hô: “Không thể”.

Khêu đèn đọc lại, lại gạt bỏ.

Lại nghe có tiếng hô liên tiếp: “Không thể”.

Cuối cùng quyết ý loại bỏ, chợt nghe có tiếng hô to “hai chữ ‘không thể’ khó quá” liên tục không dứt.

Do vậy bèn cho đậu.

Sau khi yết bảng [công bố kết quả], [quan chủ khảo] bèn gọi nó đến hỏi nguyên do.

Đứa con ấy cũng chẳng hiểu.

Trở về, kể với cha, cha bảo: “Đấy là chuyện lúc ta còn trẻ, không ngờ trời báo đáp ta như thế”.* Phùng Thương tuổi đã trung niên chẳng có con.

Vợ thường khuyên chồng cưới thiếp để sanh con trai.

Về sau, trên đường lên kinh đô, ông mua một người thiếp.

Đã ký xong bằng khoán, giao tiền, hỏi tên tuổi cô ta; cô ta nức nở, không đáp được.

Cố gạn hỏi, cô đáp: “Do cha thiếp nhận chuyển giao hàng hóa cho quan phủ, [bị thất thoát] mà mắc nợ, phải đem thiếp bán đi để lấy tiền trả nợ”.

Ông Phùng thương xót, lập tức trả cô ta về với cha, chẳng đòi tiền lại.

Khi trở về, vợ hỏi: “Người thiếp đâu rồi?” Ông kể cặn kẽ nguyên do.

Vợ bảo: “Ông dụng tâm như thế, lo gì không con”.

Mấy tháng sau, vợ hoài thai.

Buổi tối hôm vợ ông sắp sanh, người trong làng đều thấy tiếng trống, tiếng kèn rộn rã, tuyên bố: “Đưa Trạng Nguyên tới nhà họ Phùng”.

Sanh con trong ngày hôm ấy, tức là Phùng Kinh.

Về sau, [Phùng Kinh] đỗ Tam Nguyên, làm quan tới chức Thái Tử Thiếu Sư[63], rồi làm Tể Tướng, quan chức rất vinh hiển.* Đời Minh, ông Tôn Kế Cao ở Vô Tích, dạy học tại một nhà nọ.

Bà chủ sai cô hầu gái biếu thầy một chén trà, trong chén có bỏ một chiếc nhẫn vàng.

Ông Tôn giả vờ không biết, bảo cô hầu gái dọn đi.

Đêm đến, cô hầu đến gõ cửa, bảo: “Bà chủ đến đấy!” Ông vội lấy một tấm ván lớn, chặn cửa không cho vào.

Ngày hôm sau xin về, người khác hỏi nguyên do, ông đáp: “Học trò không thể dạy được!” Trọn chẳng lộ chuyện ấy.

Về sau, ông Tôn đỗ Trạng Nguyên, con cháu quý hiển.* Cha ông Châu Toàn ở Ôn Châu, đông con, nhà nghèo.

Hàng xóm giàu có, không con, sai người thiếp xin giống.

Đêm đến, mời cha ông Châu Toàn uống rượu, người chồng giả vờ say lui ra, người thiếp ra bồi tiếp, nói rõ nguyên nhân.

Cha ông Toàn kinh ngạc, vùng đứng dậy, nhưng cửa đã đóng, bèn vung tay viết lên không trung rằng: “Muốn truyền thuật gieo giống, lại sợ thần trên trời”, xoay mặt vào vách, không ngó ngàng tới [người thiếp ấy].

Năm Ất Mão niên hiệu Chánh Thống[64], ông Châu Toàn thi Hương trúng tuyển.

Thái Thú[65] nằm mộng thấy đón tiếp vị Tân Trạng Nguyên, tức là ông Châu Toàn, trên cờ hiệu đề chữ lớn “muốn truyền thuật gieo giống, lại sợ thần trên trời”.


Quan Thái Thú chẳng đoán được nguyên do.

Quả nhiên, ông Toàn đỗ Trạng Nguyên vào năm Bính Thìn.

Thái Thú chúc mừng, nhân đấy, kể lại chuyện đã thấy trong mộng.

Cha ông Toàn thưa: “Đấy là câu nói do lão phu đã viết lên không trung vào hai mươi năm trước”, còn tên họ của người trong chuyện trọn chẳng nói ra.* Đời Minh, ông Lục Công Dung ở Thái Thương, dáng dấp rất đẹp đẽ.

Vào năm Thiên Thuận thứ ba (1459)[66], đi thi ở Nam Kinh.

Trong quán trọ, có nữ nhân nửa đêm đến chỗ ông ngủ, toan tằng tịu.

Thoạt đầu, ông viện cớ mắc bệnh, hẹn đêm sau.

Cô ta lui ra.

Ông bèn làm thơ rằng: “Phong thanh nguyệt bạch dạ song hư, hữu nữ lai khuy tiếu độc thư, dục bả cầm tâm thông nhất ngữ.

Thập niên tiền dĩ bạc Tương Như” (Song thưa gió mát trăng thanh, cô gái ngấp nghé trêu anh học trò, mượn đàn toan những hẹn hò, mười năm trước đã phụ phàng Tương Như).

Đợi đến sáng, ông mượn cớ rời khỏi.

Mùa Thu năm ấy đi thi.

Trước đó, cha ông ta nằm mộng thấy quan Quận Thủ tặng cờ, tấm, [kèm thêm một đội] trống, kèn.

Trên tấm biển ấy, đề bốn chữ “nguyệt bạch phong thanh”.

Người cha nghĩ là điềm báo con thi đậu, viết thư gởi cho ông.

Ông càng thêm dè dặt.

Về sau, đỗ Tiến Sĩ, làm quan tới chức Tham Chánh[67].* Ở Tỳ Lăng, có một ông họ là Tiền, làm việc thiện, nhưng không có con nối dõi.

Trong làng có cụ Dụ bị kẻ có thế lực xiết nợ, bị gông xiềng giam cầm, vợ con đói rét, xin vay tiền ông.

Ông trao tiền đúng số, chẳng giữ bằng khoán mượn nợ.

Chuyện được giải quyết, cụ Dụ dẫn vợ con đến cảm tạ.

Bà vợ ông Tiền thấy con gái của họ xinh đẹp, muốn mua về làm thiếp.

Vợ chồng ông Dụ hoan hỷ.

Ông Tiền bảo: “Thừa dịp người ta gặp khó khăn tức là bất nhân.

Ý ta vốn làm lành, kết cục trở thành chuyện để thỏa dục, tức là bất nghĩa.

Ta thà không có con, quyết chẳng dám phạm!” Vợ chồng ông Dụ khóc lóc bái tạ, lui về.

Tối hôm ấy, vợ ông Tiền nằm mộng thấy có vị thần bảo: “Chồng bà âm đức rất trọng, sẽ ban cho bà đứa con quý”.

Năm sau, quả nhiên sanh một trai, đặt tên là Thiên Tứ.

Vào năm mười tám tuổi, [Thiên Tứ] liên tiếp đỗ đạt, làm quan đến chức Ngự Sử.* Trầm Đồng ở Quy An, có tên tự là Quán Di, nhà nghèo.

Người anh trong họ là Tốn Châu giới thiệu ông đến nhà sui gia dạy trẻ vỡ lòng.

[Nhà ấy] mẹ góa, con thơ.

Một đêm, bà góa đến dụ dỗ ông làm chuyện chim chuột, Trầm Đồng nghiêm khắc cự tuyệt.

Ngày hôm sau liền từ tạ trở về.

Bà góa sợ lộ chuyện, sắm sửa lễ vật van nài [Trầm Đồng trở lại dạy học].

Lại thúc giục Tốn Châu mời giùm mấy lượt, ông đều chẳng nhận lời.

[Tốn Châu] vặn hỏi nhiều lần, ông Đồng trọn chẳng hé môi, chỉ nói “bất tiện” mà thôi! Năm sau, [Trầm Đồng] đỗ đạt, làm quan tới chức Tuần Phủ.* Vương Chí Nhân là thương gia ở tỉnh An Huy, đã ba mươi tuổi không có con.

Có thầy bói nói: “Vào tháng Mười này, ông sẽ gặp đại nạn”.

Ông Vương vốn hết sức tin tưởng tài bói toán của người ấy; do vậy, vội vàng sang Tô Châu kiểm điểm sổ sách để [mau chóng] quay về quê nhà.

Buổi chiều, ngẫu nhiên tản bộ, thấy một phụ nữ gieo mình xuống nước.

Ông Vương vội lấy mười lạng bạc, gọi thuyền chài cứu lên.

Hỏi nguồn cơn, cô ta đáp: “Chồng tôi làm công sống qua ngày, tôi nuôi lợn bán lấy lời.

Hôm qua đem bán, không ngờ bị trả toàn là bạc giả, sợ chồng trở về trách mắng, không muốn sống nữa, cho nên toan tìm cái chết”.

Ông Vương thương xót, bù tiền đầy đủ.

Cô ta trở về kể với chồng, chồng không tin, bèn cùng với vợ tới chỗ ông Vương hỏi han.

Ông Vương đã ngủ.

Bà vợ gõ cửa, gọi to: “Người đàn bà gieo mình xuống nước đến cảm tạ”.


Ông Vương sẵng giọng quát: “Ngươi là thiếu phụ, ta là người khách lẻ loi.

Đêm khuya làm sao gặp gỡ cho được?” Người chồng run sợ, thưa: “Vợ chồng tôi cùng có mặt”.

Ông Vương bèn khoác áo ra tiếp.

Cửa vừa mới mở, bỗng tường đổ sụp, chiếc giường ông đã nằm bị đè nát vụn.

Vợ chồng người ấy cảm thán từ biệt.

Sau đó, ông trở về nhà.

Thầy bói gặp mặt, hết sức kinh hãi, bảo: “Khắp mặt ông hiện toàn nét âm chất.

Ắt là ông đã từng cứu mạng người khác.

Sau này, phước sẽ chẳng thể lường được!” Về sau, ông sanh liên tiếp mười một đứa con, thọ đến chín mươi sáu tuổi, vẫn khoẻ mạnh.* Dương Hy Trọng đời Tống là người huyện Tân Tân.

Lúc còn hàn vi, ngồi dạy học tại một nhà giàu ở Thành Đô.

[Tay nhà giàu ấy] có một người thiếp xinh đẹp, tự phụ tài sắc, tới chỗ ông ở để lả lơi chòng ghẹo.

Hy Trọng nghiêm mặt cự tuyệt.

Vợ ông Hy Trọng nằm mộng thấy thần bảo: “Chồng bà ở một mình nơi đất khách, trong chốn phòng kín chẳng dám khinh nhờn, sẽ đỗ đạt đứng đầu nhiều người, hòng tỏ rõ thiện báo”.

Năm sau, quả nhiên ông Dương đỗ đầu tỉnh Tứ Xuyên.* Hiếu liêm họ Trình ở Huy Châu, nhà ở bên một con suối nhỏ.

Cây cầu gỗ bắc qua suối rất hẹp.

Có một cô gái đến thăm người thân đi qua đó, trượt chân, rơi xuống nước.

Hiếu liêm sai người cứu lên, sai vợ hong khô quần áo.

Trời đã tối, [cô ta] không thể trở về, lại bảo vợ ngủ chung với cô ta.

Hôm sau, đưa cô ta về nhà mẹ.

Bố mẹ chồng [sắp cưới của] cô ta nghe tin, không vui, bảo: “Con dâu chưa qua khỏi cửa, đã ngủ đêm tại nhà người ta, chẳng phải là hạng gái tốt đẹp”, sai bà mối từ hôn.

Hiếu liêm nghe tin, đích thân đến đó, tận lực khuyên nhủ, khiến cho cô ta được thành hôn.

Chưa đầy một năm, chồng chết, để lại một đứa con trong bụng vợ.

Từ đấy, bà góa dạy con, đọc sách dưới đèn, thường ứa nước mắt nói: “Nếu con thành danh, đừng quên ơn của ông hiếu liêm họ Trình”.

Đứa con ấy còn bé đã đỗ đạt, năm Bính Thìn đi thi Hội, mỗi khi viết xong một bài, ắt đều đọc to lên, vỗ bàn đắc ý.

Sau đấy bỗng òa khóc ầm ĩ.

Khéo sao, hiếu liêm ở trong lều thi gần đó, vội hỏi nguyên cớ.

Thiếu niên đáp: “Bảy bài văn đều tột bậc đắc ý, chẳng ngờ muội đèn rơi xuống, đều đốt thủng quyển chép bài thi, ắt sẽ bị loại bỏ.

Cháu khóc là do lẽ ấy”.

Ông Trình nói: “Tiếc cho bài văn hay, trở thành vô dụng.

Nếu chịu cho tôi chép lại, thi đậu, tôi sẽ hậu tạ”.

Thiếu niên bèn trao quyển thi cho ông Trình chép.

Quả nhiên, ông đỗ Tiến Sĩ.

Sau khi yết bảng, thiếu niên đến chỗ ông Trình đòi báo đáp.

Ông Trình rót rượu mời uống; do đó, thiếu niên hỏi: “Ngài có âm đức gì chăng, do văn chương của tôi mà thành danh?” Ông Trình tự xét lại đời mình, chẳng có âm đức chi khác.

Thiếu niên cố gạn hỏi không ngừng, thật lâu sau, ông Trình kể chuyện trước kia đã từng cứu một người nữ.

Thiếu niên quỳ mọp xuống đất, lạy thưa: “Tiên sinh là đại ân nhân của mẹ cháu, dám đòi báo đáp ư?” Nhân đó, kể lại lời mẹ thường khóc kể trước đèn, và coi ông Trình như là thầy mình.

Hai nhà bèn kết sui gia.* Từ Ngang là người xứ Dương Châu, đi thi Hội vào mùa Xuân.

Trong kinh thành có thầy bói họ Vương đoán quẻ phần nhiều rất đúng.

Ông Từ đến xem bói, ông Vương bảo: “Tướng ông không có con, biết làm sao được?” Về sau, ông Từ thi đậu, làm quận thủ Tây An.

Trên đường, mua được một cô gái rất xinh đẹp làm thiếp.

Ông Từ hỏi han dòng dõi.

Cô ta đáp: “Cha tôi là ông X… làm quan xứ nọ, mất vào năm nọ.


Vào năm đói kém, tôi bị kẻ cường bạo bắt đem bán tới đây”.

Ông Từ hết sức thương xót, liền đốt bằng khoán, chẳng lấy cô ta làm thiếp.

Đến chỗ trấn nhậm, sắm sửa đầy đủ của hồi môn, chọn người đàng hoàng để gả.

Mãn nhiệm, trở về kinh, ông Vương trông thấy, kinh hãi nói: “Tướng ông khác hẳn, khắp mặt toàn là tướng có con cái.

Lẽ nào chẳng phải là do âm đức gây nên ư?” Chẳng lâu sau, người tiểu thiếp của ông sanh liên tiếp năm đứa con!* Diêu Tam Cửu vốn họ Biện, học rộng, giỏi thơ văn, ngồi dạy học tại nhà họ Hoài.

Có cô gái thường lén nhòm ngó, ông Biện tỉnh bơ, chẳng ngó ngàng tới.

Một hôm, ông phơi giày ngoài sân, cô gái viết thư bỏ vào đó.

Nhận được thư, ông Biện mượn cớ, từ tạ quay về.

Viên Di Hạnh [viết thư thăm dò, trong thư] có kèm một bài thơ, có những câu [ngụ ý châm chọc] như sau: “Nhất điểm trinh tâm kiên phi thạch, xuân phong đào lý mạc tương sai” (Một tấm lòng trinh bền tựa đá, gió xuân đào mận chẳng thèm ngờ).

Ông Biện viết thư trả lời, cực lực biện định hoàn toàn chẳng có chuyện [trăng hoa] ấy.

Viên Di Hạnh trịnh trọng viết lên phong bì của bức thư ấy như sau: “Đức hết sức sâu dầy, con cháu ắt hưng thịnh”.

Về sau, con ông Biện là Kham, chắt là Tích, đều đỗ Tiến Sĩ.* Lâm Tăng Chí là người Ôn Châu, thờ Phật, giữ giới.

Một hôm, mộng thấy bảng trời, thấy đề tên mình đỗ thứ mười.

Dưới đó, viết sáu chữ: “Bất sát, bất dâm chi báo” (Quả báo do chẳng giết, chẳng dâm).

Năm Mậu Thìn, quả nhiên ông đỗ hạng mười.* Hà Trừng do làm nghề y mà nổi tiếng.

Có người họ Tôn ở cùng quận mắc bệnh đã lâu chẳng lành, mời ông Trừng đến chữa trị.

Vợ người ấy ngầm nói với ông Trừng: “Chồng tôi bị bệnh đã lâu, của cải đã bán sạch hết rồi.

Xin đem thân tôi để đền đáp tiền thuốc”.

Ông Trừng nghiêm mặt, từ chối: “Sao bà lại hồ đồ nói như vậy? Nhưng hãy yên tâm, đừng lo, ta sẽ chữa trị cho chồng bà, đừng dùng chuyện ấy làm xấu ta, cũng như ô nhục chính mình”.

Vợ người ấy hổ thẹn, cảm kích, lui ra.

Đêm ấy, ông mộng thấy có một vị thần, dẫn đến một tòa công thự.

Vị chủ tòa công thự ấy bảo: “Ngươi làm nghề y có công, lại chẳng do người ta gặp cảnh ngặt nghèo mà dâm loạn phụ nữ của kẻ khác.

Ta tuân theo sắc chỉ của Thượng Đế, thưởng cho ngươi một chức quan, tiền năm vạn đồng”.

Chẳng lâu sau, Thái Tử bị bệnh, [hoàng đế] hạ chiếu vời Hà Trừng đến chữa trị, [Thái Tử] lành bệnh.

Vua ban thưởng chức quan và tiền bạc đúng như giấc mộng.* Cha của Cao Thượng Thư ở Dương Châu buôn bán khắp một giải Nam Kinh và Hán Khẩu.

Ở nơi quán trọ, thường ngửi thấy mùi hương An Tức ngát mũi.

Một hôm, bỗng thấy một vệt kẽ hở nơi vách tường, ông dòm qua khe hở, thấy cô gái đang ngồi một mình.

Hôm sau, ông hỏi thăm chủ nhân, hóa ra cô ấy là con gái ông ta.

Hỏi sao không gả đi, ông ta đáp: “Chọn rể khó lắm!” Vài hôm sau, ông tìm kiếm được một chàng rể, bảo chủ nhân: “Tôi thấy chàng X… ở hàng xóm rất được, muốn đứng ra làm mai.

Ông thấy thế nào?” Chủ quán trọ đáp: “Ý tôi cũng nghĩ thế, nhưng nhà đó nghèo nàn!” Ông bảo: “Không sao đâu! Tôi sẽ cho họ mượn tiền chi phí hôn lễ”.

Bàn xong chuyện cưới gả, còn tặng nhà ấy mấy chục lạng bạc để lo liệu tốt đẹp hôn sự.

Ông trở về, mộng thấy thần nói: “Ông vốn không có con, nay ban cho ông một đứa, có thể đặt tên là Thuyên”.

Năm sau, quả nhiên sanh một trai.

Về sau, Thuyên đỗ Tiến Sĩ, làm quan tới chức Thượng Thư.* Chư sanh[68] Trầm Loan ở Tùng Giang, tuổi đã trung niên vẫn chưa có con nối dõi.

Nhà nghèo, phải đi làm gia sư.

Một đêm, trở về nhà gặp mưa, cửa đã đóng.

Nghe trong nhà có tiếng gái tơ.

Hỏi vợ [vọng qua cửa] thì ra là con gái nhà hàng xóm do thấy vợ ông ta quạnh quẽ nên đến bầu bạn.

Ông Trầm dặn vợ đừng mở cửa, đội mưa lánh đi, ngủ tại đạo quán.

Trong đêm ấy, mộng thấy Thượng Đế trao cho sợi tơ hai màu.

Tỉnh giấc thì mới là giờ Tý.

Thấy trong điện thờ bốn phía sáng rực, năm sắc chói mắt.

Chính là vì mây tan, trăng chiếu vào điện thờ khiến mọi vật rực rỡ.

Từ đấy, ông sanh liên tiếp hai đứa con, trưởng là Văn Hệ, thứ là Khả Thiệu, nối tiếp nhau đỗ đạt.* Đời Thanh, Thái Khải Truyền ở huyện Đức Thanh thoạt đầu đi thi Hương, khi ấy, không có con.

Vợ dành riêng ba mươi lạng để mua một người thiếp.

Đón người thiếp về, [cô ta] cứ khóc mãi không thôi.

Ông hỏi nguồn cơn, [cô ta] thưa: “Chồng tôi do mắc nợ trong quân doanh cho nên đến nỗi này”.

Ông bèn đi suốt đêm đi đến nhà chồng cô ta, bảo [người nhà của anh ta]: “Tôi sẽ vì mấy người giải quyết chuyện này.

Nay tôi không thể về; hễ về thì tâm tư lẫn hành vi đều không minh bạch”.

Đợi đến khi người lính từ quân doanh trở về, ông Thái nói cặn kẽ nguyên do cùng người đó, bảo: “Ông lấy giấy nợ ra đây, tôi sẽ trả tiền”.

Ông bèn sai người đem kiệu rước người vợ trả lại cho chồng, tặng họ ba mươi lạng bạc.


Về sau, phu nhân liền sanh con.

Năm Canh Tuất (1670) đời Khang Hy, ông thi đậu.* Đời Minh, Văn Chánh Công Tạ Thiên, thuở trẻ, ngồi dạy học tại nhà nọ ở Tỳ Lăng.

Có cô gái thừa dịp cha mẹ đi vắng, đến dụ dỗ ông tằng tịu.

Ông khuyên can: “Phụ nữ chưa lấy chồng mà đã thất thân với người khác, sẽ bị điếm nhục suốt đời, sẽ khiến cho cha mẹ, chồng, họ hàng đều bị mất mặt”.

Ông nghiêm mặt, cự tuyệt.

Cô gái ấy hổ thẹn, rút lui.

Ngày hôm sau, ông lập tức từ tạ, xin nghỉ dạy.

Về sau, vào năm Ất Mùi (1475) trong niên hiệu Thành Hóa[69], ông đỗ Trạng Nguyên, làm quan tới chức Thừa Tướng, con là Phi làm quan đến chức Thị Lang[70].* Phí Xu là người đất Thục (Tứ Xuyên) lên kinh đô thi Hội.

Vào lúc chạng vạng, một người đàn bà tới bảo: “Tôi là con nhà buôn vải vóc.

Sau khi xuất giá, chồng chết, nghèo hèn, không trở về nhà được, xin theo nương cậy ông”.

Ông Phí nói: “Ta chẳng muốn phạm tội phi lễ, sẽ mời cha ngươi đến đón”.

Cho người hỏi dò cha người ấy khắp nơi, cho biết tình trạng của nữ nhân ấy.

Cha cô ta khóc lóc, cảm tạ, đem con gái về.

Ngay trong năm ấy, ông Phí thi đậu, làm quan đến chức Thái Thú.* Ông Cận ở Trấn Giang đã năm mươi tuổi mà không con.

Dạy trẻ vỡ lòng tại huyện Kim Đàn.

Thấy con gái nhà hàng xóm khá xinh xắn, vợ ông liền bán thoa, xuyến, mua về làm thiếp.

Ông trở về nhà, bà vợ bày rượu trong phòng, bảo ông: “Tôi đã già chẳng thể sanh nở.

Nàng này khá hiền lành, chắc có thể sanh con nối dòng cho nhà họ Cận”.

Ông cúi đầu, đỏ mặt tía tai.

Bà vợ cho rằng mình có mặt thì chồng sẽ ngần ngại, bèn đi ra, đóng chặt cửa lại.

Ông bèn leo qua cửa sổ thoát ra, bảo vợ: “Ý bà tốt lành, nhưng tôi thường bồng bế cô ta thuở bé, luôn mong cô ta sẽ được gả vào chỗ đàng hoàng.

Tôi đã già rồi, lại còn lắm bệnh, chẳng thể làm nhục cô ta được”, bèn trả cô ấy về.

Năm sau, bà vợ sanh ra Văn Hy Công, mười bảy tuổi đã đậu Giải Nguyên[71], năm sau đỗ nghè.

Về sau, [Văn Hy Công] là một vị Tể Tướng hiền đức.* Thư sinh họ Tào ở Tùng Giang đi thi.

Ở quán trọ, có người đàn bà tìm đến [dụ dỗ].

Ông Tào kinh hãi, vội chạy sang chỗ khác tá túc.

Đi nửa đường, thấy có ánh đèn dẫn đường, dẫn vào một tòa cổ miếu.

Nghe đánh trống thăng đường, ông Tào phủ phục trước miếu.

Nghe trong điện thờ xướng danh những người được ghi tên trong bảng tân khoa.

Tới người thứ sáu, lại [có nha lại] bẩm rằng: “Ông X… gần đây làm chuyện sai trái, Thượng Đế gạch tên, hãy nên bù người nào vào?” Thần nói: “Ông Tào ở Tùng Giang chẳng hành dâm với người đàn bà ở quán trọ, là bậc chánh khí, đáng thêm tên vào”.

[Nha lại] bèn thêm tên ông Tào vào.

Ông Tào [nghe phán bảo như vậy] vừa sợ hãi, vừa vui mừng.

Quả nhiên [về sau] đỗ thứ sáu.* Đời Minh, tại Chiết Giang có viên Chỉ Huy Sứ[72], mời thầy đến dạy con.

Thầy bị bệnh, con đem mền đắp cho thầy đổ mồ hôi, vô ý cuộn theo cả chiếc hài của mẹ làm rớt dưới giường của thầy.

Thầy lẫn trò đều không biết.

Chỉ Huy Sứ trông thấy, bèn nghi ngờ, vào hỏi vợ, vợ chẳng nhận, bèn sai đứa tớ gái giả vờ vâng lệnh vợ đến mời thầy, cầm đao chờ sẵn sau đó.

Hễ thầy mở cửa sẽ giết ngay.

Thầy nghe tiếng gõ cửa, hỏi chuyện gì.

Đứa tớ gái thưa: “Bà chủ cho mời thầy”.

Thầy nổi giận, quát mắng đứa tớ gái, không chịu mở cửa.

Chỉ Huy Sứ lại ép vợ mình đích thân đến mời.

Thầy vẫn kiên quyết cự tuyệt, bảo: “Tôi được ông Đông mời về, há lén lút làm chuyện xấu xa ư? Xin hãy mau quay về”, trọn chẳng mở cửa.

Viên Chỉ Huy Sứ mau chóng nguôi giận.

Hôm sau, thầy xin thôi dạy.

Viên Chỉ Huy Sứ cảm tạ, thưa: “Tiên sinh đúng là bậc quân tử” rồi mới kể lại chuyện ấy để tạ tội.

Ngay trong năm ấy, thầy thi đỗ, làm quan to.* Ông Lâm Mậu Tiên ở Tín Châu, tài học hơn người, đã được chọn đi thi Hương.

Nhà hết sức nghèo, đóng cửa, đọc sách.

Vợ một tay hàng xóm rất giàu, chán ghét chồng thất học, riêng hâm mộ tài danh của Mậu Tiên, ban đêm tìm đến toan chung chạ.

Mậu Tiên quở trách: “Nam nữ khác biệt, lễ pháp chẳng dung.

Trời, đất, quỷ thần la liệt đông kín, há có thể ô nhục ta ư?” Bà ta hổ thẹn lui về.

Năm sau, Mậu Tiên thi đậu, ba đứa con trai đều đậu Tiến Sĩ..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận