Mọi người chưa bao giờ thấy tài khinh công như thế, chỉ nghe bên mình có tiếng gió qua lại khiến áo quần của họ cũng lây lắc theo hơi gió. Cuối cùng toàn thân Trác tam nương chỉ còn là một vệt trắng bay qua bay về. Mọi người chỉ thấy một vệt trắng khi thì ở trước mặt, khi thì ở sau lưng. Khiến ai nấy đều chóng mặt. Có một hai người chóng mặt quá phải ngã nhào xuống đất rồi không dám nhìn theo nữa.
Riêng Thần Phủ Lực Sĩ tuy mở lớn hai mắt nhưng hình như lão không trông thấy gì cả.
Trác tam nương thì cứ cười cười còn Phong Cửu U như đã thấm mệt. Cuối cùng tiếng cười của lão mỗi lúc một nhanh, mỗi lúc một vang xa.
Bỗng nhiên Phong Cửu U dừng lại nói :
- Không... không đuổi kịp!
Trác tam nương hỏi :
- Ngươi chịu thua rồi sao?
- Nếu như ta cũng nhỏ bé như ngươi, thì vị tất ta đã thua khinh công.
Ma Y Khách cũng lên tiếng :
- Khinh công nhanh thì chỉ giỏi chạy trốn chứ được gì.
Trác tam nương bay qua Ma Y Khách, thuận tay vỗ vào vai lão nói :
- Ngươi muốn gì thì cứ tìm Phong lão tứ, sao lại đi kiếm người khác, bởi hắn muốn lấy mạng ngươi mà.
Ma Y Khách nạt :
- Ta đang tìm hắn!
Lão liền phóng ngay ba chiêu.
Phong Cửu U cũng cười nói :
- Ta cũng muốn tìm ngươi, ta cũng chẳng sợ nữ nhân “giá y” ấy đâu?
Chỉ xong hai câu nói mà cả hai người đã phóng ra hàng chục chiêu.
Trác tam nương mỉm cười :
- Hai ngươi cứ đánh nhau, để ta xem thử.
Bà ta chỉ lắc mình một cái đã bay vào bức rèm màu đen.
Phong Cửu U la lên :
- Không được. Chẳng bao giờ lại để cho bà ta chiếm tiện nghi cả. Lão nói xong liền phóng ba quyền. Lão thối lui một chút để tìm Trác tam nương.
Không ngờ Trác tam nương vừa bay vào trong bức rèm lại bay ra ngay. Nét mặt tươi cười của bà bỗng thay đổi, thấy Phong Cửu U đuổi theo, bà lách mình nói :
- Ngươi muốn bước tới hả? Xin mời!
Phong Cửu U nói thì thầm :
- Con hồ ly tinh, còn muốn đùa cợt gì nữa đấy?
Tuy trong lòng đang nghi ngờ nhưng Phong Cửu U cũng bay tới. Ma Y Khách dừng lại nhìn. Bỗng nhiên nghe một tiếng “ái chà”, Phong Cửu U như bay lùi lại.
Hai mắt Phong Cửu U trợn tròn, tay lão chỉ vào bức rèm nói :
- Bà ấy... thì ra bà ấy chưa chết.
Trác tam nương nói :
- Ta đã nói ngươi đừng xông tới, nhưng ngươi cứ một mực xông tới làm chi.
Thủy Linh Quang cũng vừa tỉnh lại. Nàng vui mừng hỏi :
- Chàng... chàng vẫn chưa chết?
Trác tam nương nói :
- Tiểu muội tử, người nam nhân của ngươi thì đã chết. Người mà chúng ta nói đến là một nữ nhân làm sao ngươi biết được người này.
Thủy Linh Quang nghe hai tiếng “đã chết” nàng lại thấy choáng váng mặt mày.
Phong Cửu U hỏi :
- Nếu phu nhân hãy còn sống tại sao không bước ra?
Tiếng nói ngọt ngào từ sau bức rèm :
- Đúng, ta vẫn chưa chết, ngươi muốn gặp ta?
Phong Cửu U như lạnh người nói :
- Ta... ta..
Thấy thế Trác tam nương mỉa mai :
- Đồ vô dụng, thế mà cũng từng xưng là anh hùng.
Phong Cửu U ưỡn ngực :
- Đúng như vậy, tại hạ muốn ra mắt với phu nhân.
Tiếng nói kỳ quái vọng ra :
- Ngươi hãy chờ đấy, ta sẽ ra. Cũng có thể đưa ra những gì mà ngươi muốn mang đi, các ngươi chờ đi!
Phong Cửu U đáp :
- Dĩ nhiên là không bỏ đi!
Tuy nói vậy nhưng Phong Cửu U vẫn bước ra khỏi cửa. Đương nhiên lão không đi, nhưng thực ra lão vẫn sợ người đàn bà ở trên chiếc thuyền.
Thiếu phụ thấp bé đến gần Trác tam nương hỏi nhỏ :
- Bà... bà ta?
Trác tam nương đáp :
- Đúng vậy!
Trác tam nương cũng bước ra bên ngoài.
Thiếu phụ áo đen vừa muốn bước ra theo, nhưng Ma Y Khách đã đứng chắn ở cửa.
Lão lạnh lùng nói :
- Gia mẫu mời quí vị lưu lại thì còn ai dám bỏ đi!
Phong Cửu U trợn tròn mắt :
- Kẻ nào đi?
Lão ngồi xuống hỏi Tam nương :
- Trác tam nương! Ngươi đi hay không?
Trác tam nương đáp :
- Ngươi không đi thì tại sao ta lại đi.
Tuy tiếng nói của hai người này còn cứng rắn nhưng bên trong rõ ràng là họ đang sợ hãi.
Ma Y Khách nghe tim lão nhảy mạnh, lão mừng thầm :
- Mẫu thân đã ra mặt, Thiết Trung Đường thì đã chết. Bây giờ thì hoàn toàn tốt đẹp cả.
Nhưng nếu Ma Y Khách biết rõ sự tình thì sẽ không bao giờ ngăn cản Phong Cửu U và Trác tam nương. Lão đâu ngờ rằng mẫu thân lão nói như vậy vốn là muốn bọn họ bỏ đi. Lúc ấy ở trong đại sảnh không hề có một tiếng động. Những người lo sợ nhất chính là bọn Tư Đồ Tiếu, bởi bọn chúng không biết rốt lại sự tình sẽ diễn biến ra như thế nào, tốt hay xấu?
Nguyên do, võ công của Thiết Trung Đường tuy không cao nhưng cơ trí của chàng thì khó có người theo kịp. Thiết Trung Đường thấy một đường quyền tới, tuy chàng không thể tránh được nhưng chàng đã nhanh trí nương theo quyền thế nhảy lui luôn.
Chỉ vì sức quyền của Thần Phủ Lực Sĩ quá mạnh nên đẩy chàng bay đến hơn bốn trượng, xuyên qua bức rèm rồi rơi vào hồ nước.
Khi ấy thần trí của Thiết Trung Đường chưa hoàn toàn bị hôn mê. Nếu thay vì người khác thì chắc chắn không dám dùng chân mà cứ để cho thân hình rơi xuống nước. Nhưng Thiết Trung Đường không tiếc mạo hiểm, chàng sử dụng chân lực cuối cùng. Chàng đã vận dụng cả tay chân nhảy một bước chí mạng thế là toàn thân Thiết Trung Đường rơi vào chiết thuyền của mẫu thân Ma Y Khách. Chàng ói ra một ngụm máu tươi, người chàng mê mang. Đến lúc Thiết Trung Đường tỉnh lại mũi chàng ngửi thấy có mùi thơm dịu.
Thiết Trung Đường không biết mùi thơm ấy tỏa ra từ “Thiên Sư đàn”. Chỉ có ý trời rũ phước mới giúp đỡ cho con người. Công năng của nó là làm tăng trưởng công lực của người luyện võ công. Khi tập luyện nội công chỉ ngửi được mùi thơm của nó thì hiệu quả luyện tập sẽ khá hơn nhiều. Còn nếu không thì làm sao Thiết Trung Đường vừa bị nội thương như thế mà lại tỉnh ngay. Chàng càng ngửi mùi hương càng cảm thấy nhẹ nhàng khỏe khoắn nên chàng mới biết mình đã rơi vào thuyền.
Chàng chọt nghe có tiếng nói ở bên tai :
- Ngươi bị trọng thương nhưng vẫn không tiếc chân lực, một lòng muốn rơi vào thuyền này, rõ ràng là ngươi có ý đồ gì phải không?
Tiếng nói của bà ta sao nghe thật ngọt ngào. Thiết Trung Đường nghe qua một lần là nhớ trọn đời chẳng bao giờ quên được. Đó là mẫu thân của Ma Y Khách, chàng vừa kinh hoàng lại vừa mừng. Chàng vội vã thưa.
- Nội phủ của vãn bối đã bị chấn thương.
Thiết Trung Đường chỉ nói được từng đó, chàng phải dùng để thở một lát mới nói tiếp :
- Nếu vãn bối không có người cứu kịp, lại rơi xuống nước thì chỉ có chết, nhưng vãn bối thấy mình còn trẻ tuổi mà bị chết thì quá oan uổng.
Bà ta nói :
- Ngươi biết rằng nếu ngươi bị rơi xuống nước vị tất ta đã cứu nhưng đằng này ngươi lại rơi trước mặt ta thì ta không thể thấy người sắp chết mà không cứu, đúng không?
Thiết Trung Đường lễ phép :
- Xin phu nhân biết cho, tuy vãn bối bị trọng thương, nhưng với võ công thông thần của phu nhân, tất là có cách cứu. Đó là điều duy nhất mà vãn bối nghĩ đến.
Mẫu thân của Ma Y Khách nói :
- Ngươi không nói ngoa chứ!
Thiết Trung Đường nói đến đó, chàng cảm thấy ruột nóng như lửa. Chàng phải nhắm mắt điều khí một lát rồi mở mắt ra nhìn thái độ của mẫu thân Ma Y Khách.
Thiết Trung Đường nghe tiếng nói dịu dàng của bà ta. Chàng cứ tưởng là bà ta sẽ ra tay cứu chữa. Không ngờ chàng mới liếc nhìn bà ta, chàng thất kinh.
Trong lòng thuyền tối tăm, mùi trầm ngào ngạt, thấy bà ta ngồi trên tấm bồ hoàn theo thế thiền định. Sắc mặt của bà chuyển qua màu vàng, mái tóc của bà phủ xuống, tay chân bà ta như tay chân của một đứa trẻ nhưng cái bụng của bà ta cứ phồng ra như người bị cổ chướng.
Với dáng dấp rất kỳ lạ của bà ta, ai nhìn vào cũng không tránh được kinh hoàng.
Nhưng Thiết Trung Đường vẫn giữ được trạng thái tự nhiên. Chàng thầm nghĩ :
- “Vị phu nhân này trước kia ắt là một thiếu nữ thiên hương quốc sắc. Chỉ vì khổ tu võ công nên trở thành như vậy. Do vậy nên bà ta không muốn bất cứ người nào trông thấy.”
Thiết Trung Đường nghĩ đến đó chàng cảm thấy thương cho bà ta. Đấy là bản chất của Thiết Trung Đường. Khi gặp kẻ mạnh không hề sợ hãi, gặp kẻ yếu thì thương.
Hai mắt của phu nhân nửa nhắm nửa mở nhưng không nói gì. Thiết Trung Đường không dám nhìn lâu. Chàng thấy bên cạnh bồ đoàn có một cái lư. Bên cạnh chiếc lư có một cuốn sách bằng lụa, trang đầu viết :
“Vô đại thiền tông, Giá Y thần công.”
Thiết Trung Đường giật mình bởi cái tên rất lạ lùng. Chàng thầm nhủ :
- “Hèn gì Phong Cửu U muốn gặp người mặc “giá y” thì ra hắn ám chỉ cuốn bí kíp thần công này”.
Chợt nghe phu nhân chậm rãi nói :
- Tên ngươi là gì, ngươi là môn hạ của Đại Kỳ môn?
Thiết Trung Đường lại càng lấy làm kỳ. Tại sao bà ta lại biết lai lịch của mình.
Chàng buộc miệng thừa nhận.
Bà ta nói :
- Ngươi còn nhỏ tuổi, dù có muốn tịch mịch cũng không dễ gì!
Bây giờ Thiết Trung Đường mới hiểu ra rằng tất cả âm thanh ở bên ngoài, bà ta đã nghe rõ.
Phu nhân hỏi :
- Ngươi nhìn dáng dấp của ta sao không sợ?
Thiết Trung Đường đáp :
- Vãn bối chưa hề biết sợ, hà huống phu nhân là bậc đại trí, đại thần thông, vãn bối chỉ biết tôn kính mà thôi.
Trên gương mặt bà thoáng nét vừa ý.
Bà nói chậm rãi :
- Cái bị thịt này đẹp hay xấu thì người trí đều không màn. Nhưng trên cuộc đời này có mấy người mà không ưa cái vỏ bên ngoài.
Thiết Trung Đường không dám nói thêm mà chỉ điều hòa hơi thở. Phu nhân hỏi :
- Ngươi còn cử động thì hãy bò qua đây.
Thiết Trung Đường mừng quá :
- Phải chăng phu nhân đà rủ lòng thương cứu vãn bối?
Phu nhân nói :
- Nếu ngươi quả thật không bị trọng thương thì ngươi không vào đây. Giữa ngươi với ta cũng có duyên với nhau. Để ta cứu mạng ngươi rồi nói gì thì nói.
Bà ta thấy Thiết Trung Đường lao tới nhưng vẫn không hề đỡ. Chợt như bà ta phát hiện có tiếng chân đi tới.
- Có người đến!
Thiết Trung Đường giật mình. Chàng không nghe gì cả, chàng vẫn ngước mắt nhìn qua tấm vải đen, quả nhiên thấy có bóng người. Chàng biết đó là Trác tam nương nên giật mình.
Trác tam nương thấy trong chiếc thuyền có khói bay lên, bà ta cũng thất kinh. Bà ta dừng lại hỏi :
- Trong thuyền có người không?
Phu nhân không trả lời. Bỗng nhiên bà lấy hơi thổi vào làn khói trắng. Làn khói biến thành một dãi lụa bay ra chẳng khác nào một luồng kiếm khí.
Trác tam nương thấy vậy thất kinh rút lui.
Đến khi Phong Cửu U đến, phu nhân cũng thổi ra một làn khói trắng từ hồ lô.
Phong Cửu U trông thấy vậy cũng hoảng sợ tháo lui.
Thiết Trung Đường nhìn làn khói trắng vừa hữu hình lại hữu chất, tự nhiên lòng chàng thích thú rồi thầm nghĩ :
- “Chẳng biết đến ngày nào mình mới luyện tập đến địa bộ như thế”
Còn phu nhân thì đang ngưng thần lắng nghe với thái độ nghiêm trang.
Một lát sau nghe tiếng Phong Cửu U :
- Thì ra phu nhân chưa chết...
Rồi lại có lời qua tiếng lại, Thiết Trung Đường đều nghe rõ. Chàng thấy phu nhân như có ý rời khỏi thuyền nên lòng chàng mừng khấp khởi. Một lát sau lại nghe tiếng của Ma Y Khách :
- Gia mẫu mời các vị ở lại thì còn dai dám rời khỏi!
Phu nhân biến sắc :
- Thằng ngốc! Ý ta muốn bọn chúng rời khỏi, hắn lại muốn bọn chúng dừng đi.
Thiết Trung Đường lấy làm lạ mạnh dạn hỏi :
- Vì sao phu nhân...
- Ta muốn cứu ngươi, nhưng tại sao ta lại không đỡ ngươi dậy, ngươi có biết không?
Hai mắt phu nhân mở lớn trông sáng như hai ngọn đèn.
Thiết Trung Đường ngạc nhiên hỏi :
- Phải chăng phu nhân... cũng không thể đi đứng được?
Phu nhân đáp :
- Đúng vậy!
Thiết Trung Đường thở dài nói :
- Đó... đó...
Nghe vậy phu nhân lạnh lùng nói :
- Đó... đó...
Nghe vậy phu nhân lạnh lùng nói :
- Đó không phải công việc của ngươi. Qua đây mau để ta cứu ngươi cái đã rồi hãy nói gì thì nói.
Phu nhân vừa nói xong thì Thiết Trung Đường cũng vừa bò đến trước mặt bà.
Phu nhân từ từ đưa tay trái ấn vào giữa đầu Thiết Trung Đường để đả thông tâm mạch, để cho máu chạy đều khắp thân thể, tay phải phu nhân ấn vào huyệt “Thương Khúc”. Đầu ngón tay của bà nóng như lửa. Bà để tay vào hai huyệt lớn của Thiết Trung Đường. Chàng cảm nhận có luồng hơi nóng từ tay phu nhân chạy vào tim.
Thiết Trung Đường đang mệt mỏi như kiệt sức. Bây giờ chàng cảm thấy khí lực như được phục hồi, người chàng bỗng nhiên khỏe khoắn. Một lát sau, Thiết Trung Đường thấy trong người chàng nóng như lửa đốt, môi lưỡi khô rang, toàn thân như bị liệt.
Thiết Trung Đường thất kinh. Chàng vận công đề kháng. Chàng chưa kịp vận công thì trong người chàng như có luồng nội lực mới. Nguyên do nhờ năng lượng từ tay của phu nhân tryền qua huyệt đạo của Thiết Trung Đường, nhờ vậy nên nội lực của chàng được phục hồi.
Thiết Trung Đường quá vui mừng, chàng không kịp nghĩ vì sao mà nội lực được phục hồi nhanh đến thế. Chàng liên tục vận công đẩy sức nóng ở trong người chàng.
Một hồi lâu nhưng hơi nóng trong người chàng không hề giảm mà còn tăng thêm. Thiết Trung Đường càng vận công đề kháng thì sức nóng càng gia tăng. Sức nóng càng tăng thì sức đề kháng càng tăng hơn nữa. Hai sức mạnh vừa tương khắc, tương sinh. Chẳng biết đã trải qua lâu mau, chàng có cảm giác chân lực trong người chàng như hút sức nóng ấy. Sức nóng vào càng nhanh thì chân lực của chàng cũng hấp thu nhanh. Sức nóng từ tay phu nhân như chẳng bao giờ hết, cứ chảy vào người Thiết Trung Đường, thì hấp lực của chàng tiếp thu càng mạnh.
Thiết Trung Đường vốn mất hết chân lực, nhưng bây giờ từ không đến có, từ yếu đến mạnh. Chẳng khác nào ngọn núi cao bị tuyết phủ. Tuyết càng phủ thì núi càng cao.
Cái này lớn thì cái kia mất.
Trong làn khói từ chiếc lò xông lên, sắc mặt của phu nhân từ vàng chuyển qua màu hồng, từ hồng chuyển qua màu trắng. Phần đan điền của phu nhân phình ra dần dần xẹp như cũ.
Do từ nhiều năm nay bà ta chuyên luyện tập nội lực chân khí. Trong lúc này chẳng khác nào con sông lớn bị vỡ bờ, nước tuôn tràn qua thân thể của Thiết Trung Đường không tài nào dừng được.
Trong lúc đó những người đang có mặt ở trong đại sảnh đã chờ đến mấy giờ đồng hồ rồi.
Thủy Linh Quang thì dựa vào lòng của thiếu phụ áo đen, hai mắt nàng cứ nhìn lên nóc sảnh không có lấy một giọt nước mắt. Hình như nước mắt của nàng bây giờ đã khô cạn.
Còn Thần Phủ Lực Sĩ tay cầm cây búa đứng sừng như trời trồng. Lý Kiếm Bạch cứ đi tới đi lui như đang nóng lòng. Lý Lạc Dương thì vẫn ngồi ở chỗ cũ.
Riêng bọn Tư Đồ Tiếu thì kẻ đứng người ngồi có vẻ người nào cũng tự thấy bất an. Riêng thiếu niên tú sĩ thì đi tìm thức ăn mà mọi người đã không tài nào nuốt nổi.
Sắc mặt của Ma Y Khách tuy vẫn thản nhiên, nhưng bên trong lão cũng nôn nao hồi hộp. Ma Y Khách tự nhủ :
- “Mẫu thân đã bằng lòng ra mặt. Tại sao đến giờ này vẫn chưa thấy?”
Phong Cửu U và Trác tam nương thì dựa vào vách ngước nhìn những bức tranh vẽ chiêu thức võ công ở trên tường như say mê.
Trác tam nương cứ thầm thì :
- Hay... hay quả là chiêu thức hay.
Miệng bà ta thì khen, nhưng mắt bà ta lại không nhìn vào tranh mà lại thầm nhủ :
- “Nữ quái vật ấy tuy chưa ra mặt, nhưng thấy công phu vừa rồi của mụ so với công phu trước đây thì tiến bộ hơn nhiều. Một lát nữa đây cả hai mẹ con hắn liên thủ đối phó với mình thì mình chịu sao nổi. Chẳng bằng nhân lúc này mình tiếp tay với Phong lão tứ hạ thẳng tiểu quái vật này rồi sẽ hay.”
Nghĩ đến đó Trác tam nương đưa mắt nhìn qua Phong Cửu U.
Trong lúc ấy, Phong Cửu U vừa lắc đầu khen :
- Thật cao! Thật là cao siêu!
Lão cũng tự nhủ thầm :
- “Nếu chờ đến lúc mẹ con hắn động thủ với mình thì khó cho ta. Chi bằng bây giờ chỉ một mình thằng tiểu quái này ta ra tay hạ hắn rồi sẽ hay, nhưng một mình cũng không làm gì được.”
Lão vừa nghĩ đến đó liền đưa mắt nhìn Trác tam nương.
Hai người nhìn nhau như hiểu ý.
Trác tam nương liền hỏi :
- Tiểu hoàng tử, vì sao lệnh đường vẫn chưa ra?
Ma Y Khách đáp :
- Nếu ngươi nóng lòng thì cứ việc tìm đến mẫu thân ta mà hỏi.
Trác tam nương nói tiếp :
- Ta không dám hỏi. Phong lão tứ hãy đến mà hỏi.
Trác tam nương và Phong lão tứ vừa nói qua lại vừa tiến tới Ma Y Khách.
Ma Y Khách vẫn thản nhiên cười :
- Phải chăng hai ngươi nóng lòng rồi muốn đấu một trận hay sao?
Trác tam nương nói chậm rãi :
- Tiểu hoàng tử khá thông minh, ngươi đoán không nhầm. Phong lão tứ đang muốn lấy mạng ngươi đấy!
Phong Cửu U giật mình thầm mắng :
- Con hồ ly! Tại sao lại trút vào đầu ta. Nhưng sớm muội gì ta cũng lấy mạng của hắn rồi muốn gì thì muốn, để tránh khỏi phiền phức khi con quái vật ấy xuất đầu lộ diện.
Phong lão tứ vừa cười vừa nói :
- Lấy mạng của ngươi thì không dám, nhưng thử một trận thì đúng hơn.
Thế là Phong lão tứ phất ống tay áo, một luồng gió mạnh thổi tới Ma Y Khách.
Trác tam nương nói với Ma Y Khách :
- Tiểu hoàng tử hãy coi chừng Âm Phong của Phong lão tứ rất lợi hại. Còn Phong lão tứ ngươi cũng phải lưu ý Hí Hoa quyền của tiểu hoàng tử cũng không phải dễ đùa đâu.
Phong Cửu U và Ma Y Khách bắt đầu ra chiêu. Mỗi chưởng của Phong Cửu U phóng ra đều có một làn gió mạnh tạt vào người đối phương như lấy dao cắt. Nhưng chiêu thức của Ma Y Khách cũng xảo diệu vô cùng. Chỉ thấy Ma Y Khách mỉm cười, lão ra tay thoa vào mông của Phong Cửu U rồi lại phóng tay vuốt vào mặt chẳng khác nào lão đang đùa giỡn với nữ nhân.
Thấy vậy, Lý Kiếm Bạch cười thầm :
- “Hí Hoa quyền quả là nổi tiếng”
Lý Lạc Dương cũng giật mình khen :
“Quyền pháp thật lợi hại! Chẳng những lạ lùng về bộ vị khi ra chiêu, khiến đối phương không liệu tính được mà chiêu thức còn biến hóa phức tạp.”
Nghe Trác tam nương nói :
- Phong lão tứ, xem ra tiểu hoàng tử chỉ muốn đùa giỡn với ngươi mà thôi. Chi bằng ngươi hãy chịu thua cho rồi.
Phong Cửu U nghiến hai hàm răng mắng :
- Tiện nhân này quả là nhàn cư bất thiện. Thần Phủ Lực Sĩ ở đâu?
Thần phủ đáp lời :
- Có mặt.
Phong Cửu U phóng chiêu “Phụng Hoàng Xòe Cánh”, tay phải đánh Ma Y Khách, tay trái lão chỉ Trác tam nương rồi nạt lớn :
- Ngươi hãy tới đánh mụ đó cho ta!
Trác tam nương cũng mắng lại :
- Hèn gì Lôi lão đại nói rằng Phong lão tứ không phải là một người xấu hắn chỉ điên mà thôi.
Trác tam nương vừa nói vừa sử dụng khinh công. Thần Phủ Lực Sĩ múa búa đuổi theo quyết tâm hạ cho kỳ được Trác tam nương.
Dù hắn múa búa thật kinh hoàng nhưng hắn làm sao theo kịp một cao thủ đệ nhất khinh công như Trác tam nương. Chỉ khổ cho bọn Tư Đồ Tiếu. Cứ thấy một đường búa, bọn chúng lại chạy tránh. Còn Thần Phủ Lực Sĩ thì trợn mắt bất kể là người nào có dáng dấp cản đường thì hắn đều cho một búa chạy.
Khi ấy trong đại sảnh rối loạn cả lên.
Trác tam nương lại chọc tức Phong Cửu U :
- Con vượn bự, hãy nhanh lên.
Đột nhiên bà phóng một quyền vào Phong Cửu U. Khi Phong Cửu U né tránh thì bà ta đã bay xa. Thấy vậy Phong Cửu U mạ lỵ không ngớt mồm. Trác tam nương thì cứ cười trêu :
- Ngươi đừng già mồm, ta rất công bằng.
Trác tam nương lại bay ra phóng luôn ba chưởng vào Ma Y Khách. Chỉ thấy Trác tam nương bay qua bay lại, khi thì đánh Phong Cửu U một quyền, khi thì phóng một cước vào Ma Y Khách, nhưng quyền đánh vào Phong Cửu U thì nhẹ, còn cước đá vào Ma Y Khách lại nặng.
Làm sao Phong Cửu U không biết đó là cách giúp sức với lão. Tuy miệng lão cứ mắng không ngớt, nhưng trong lòng thì rất mừng. Lão nhủ thầm :
- “Bụng dạ mụ này thật khó lường!”
Riêng phần Ma Y Khách không còn nét tươi cười trên khuôn mặt, rõ ràng lão đang gặp khó khăn.
Tinh thần Phong Cửu U như phấn chấn :
- Ta sẽ đánh năm mươi chiêu nữa buộc ngươi phải ngã nhà.
Trác tam nương lại nói :
- Năm mươi chiêu chưa đủ, phải là bảy mươi chiêu mới đủ.
Lý Lạc Dương cho rằng Ma Y Khách không thể nào chịu nổi bảy mươi chiêu.
Họ Lý lại nghĩ thầm :
- “Nếu sau bảy mươi chiêu, Ma Y Khách thất bại thì cha con mình như thế nào?”
Lúc ấy Thiết Trung Đường có cảm nhận sức nóng trong người chàng chợt dứt.
Chàng thử vận công, chẳng những thương thế đã lành mà khí lực lại sung mãn hơn trước nhiều.
Chàng mừng qúa, cúi mình uống thưa :
- Đa tạ phu nhân!
Chàng mở mắt nhìn thì thấy hai mắt phu nhân nhắm lại, trên trán bà ta mồ hôi toát ra như tắm, mặt bà không còn một giọt máu.
Thiết Trung Đường hốt hoảng :
- Vãn bối không ngờ phu nhân trị liệu vết thương cho vãn bối mà phải hao tổn nội lực đến như thế. Nếu biết như thế này thì vãn bối đã không dám cầu phu nhân.
Khí lực trong người phu nhân từ từ phục hồi, bà ta chậm rãi nói :
- Là do ý trời, ta không trách gì ngươi cả.
Thiết Trung Đường vẫn cúi đầu sát đất :
- Nhưng… nhưng tại sao phu nhân lại đem hết nội lực trao cho vãn bối? Khiến cho vãn bối cảm thấy không yên lòng.
Phu nhân tươi cười nói :
- Đấy cũng là một sự kiện kỳ diệu, chính ta cũng không hiểu vì sao nhưng bây giờ thì ta đã hiểu rồi.
Thiết Trung Đường lễ phép :
- Vãn bối xin dám hỏi phu nhân...
Phu nhân nói thêm :
- Đó là “Vô đạo thiền tông, Giá Y thần công” mà ta đã luyện trong mười bảy năm nay. Tuy ta đã biết loại thần công này rất cao siêu, rất khó tu luyện, nhưng ta cũng biết rằng loại thần công này sau khi luyện thành sẽ trở thành vô địch thiên hạ. Ta lại nghe ngày xưa hai vị tổ sư khai sơn Đại Kỳ môn nhờ luyện thành công mà xưng hùng trong thiên hạ. Chính vì vậy nên ta mới hạ quyết tâm tu luyện.
Bỗng nhiên Thiết Trung Đường nhớ lại câu nói vừa rồi của Ma Y Khách, chàng hỏi :
- Có phải... cuốn bí kíp thần công này là do các vị Chưởng môn của Đại Kỳ môn cố ý để thất lạc?
Thiết Trung Đường vẫn chưa hiểu tại sao cuốn bí kíp thần công quí như vậy mà các vị tổ sư của chàng sau khi luyện thành công lại cố ý để thất lạc, nhưng trong giây phút này chàng không dám hỏi.
Chỉ nghe phu nhân nói :
- Đúng! Nhưng khi ta bắt đầu luyện thần công này ta mới biết là đã nhầm. Bỏi vì khi tu luyện thần công, chân khí của ta như khô cạn, không thể nào cử động được, nhưng ta có muốn chấm dứt cũng không thể nào được. Do vậy ta đành phải luyện tiếp. Không ngờ càng luyện thì chân khí của ta càng mạnh, nhưng muốn di chuyển thì đau đớn vô cùng. Chân khí ấy chạy tới chỗ nào thì chỗ đó đau như kim chích.
Nói đến đó phu nhân thở phào rồi nói tiếp :
- Nỗi đau đớn ấy hình như không có nỗi đau đớn nào trên đời này bì kịp. Nếu ta ngưng luyện thì công lực cũng tan ngay, khi công lực tan lại càng không thể nào chịu nổi. Do đó, chỉ còn một cách duy nhất là ta phải tiếp tục luyện. Chân lực càng mạnh thì đau đớn càng tăng. Ta chỉ còn cách đưa chân khí xuống đan điền, để cho nó vận hành tùy ý. Thế là từ đó hai chân của ta bị tê liệt.
Thiết Trung Đường ngơ ngác một hồi. Bây giờ chàng mới biết rõ do nguyên nhân nào mà bụng dưới của phu nhân như cổ trướng.
Phu nhân nói :
- Dù cho có chân khí thật mạnh nhưng không thể vận hành được thì cũng vô dụng. Ngươi thử nghĩ xem, trong lúc ta vận dụng chân khí để đấu với kẻ địch mà trong nội tạng đau đớn như kim chích thì làm thế nào mà sử dụng công lực nên ta cảm thấy vô cùng đau khổ. Ta đã nghĩ trăm cách nhưng không thể nào giải được. Ta nghĩ rằng mình đã luyện sai phương pháp. Khi ta đọc hai chữ “giá y” thì ta không thể nào hiểu nổi. Nhưng ta hiểu hai chữ “thiền tông”.
Phu nhân ngưng một lát rồi nói tiếp :
- Thiền định của Phật giáo rất chú trọng đến ngộ. Truyền đốn ngộ là một việc lớn. Đức Phật Thích Ca dạy rằng: “Pháp môn vi diệu, không lập văn tự, biệt truyền ngoài giáo.”, loại thiền công này trong vô đạo cũng chỉ lấy đến ngộ làm trọng. Chữ đốn ngộ có nghĩa là “ngộ đạo tức khắc” nhưng ngược lại ta đã mất mười bảy năm tu luyện tức là đã sai cái lý đó. Suốt đêm ngày ta khổ công tư duy nhưng càng tư duy càng thấy mơ hồ nên ta rất đau khổ.
Thiết Trung Đường nghe phu nhân kể xong. Chàng chỉ thở dài như có ý cảm thông chứ không thể nào dùng lời khuyên giải.
Phu nhân lại nói :
- Hôm nay ta gặp ngươi là một người nhân hậu, lại có trí, ta không nỡ để ngươi phải chết, nên ta phải dùng nội lực để trị thương, ta cũng muốn xem khi ta truyền nội lực vào thân thể của ngươi sẽ phản ứng như thế nào. Còn không giữa ta với ngươi chưa hề quen biết, tại sao ta lại vì người mà trị vết thương?
Thiết Trung Đường chỉ cúi đầu chứ không dám đáp lời.
Phu nhân nói tiếp :
- Không ngờ khi chân lực trong ta truyền cho ngươi, ngươi vẫn cử động như thường. Ta rất lấy làm lạ, ta liền truyền thêm. Khi đó, ngươi lại dùng chân khí của mình đề kháng, thì ra hai luồng chân khí đều xuất phát từ một gốc nên nó tự hấp thu. Thế là toàn bộ chân khí của ta đều bị ngươi hút sạch. Đến khi ta phát giác thì muốn dừng cũng không được nữa, ta cố thu về cũng không được.
Thiết Trung Đường thầm nghĩ :
- “Thì ra nguyên do là như vậy”
Phu nhân nói xong, trên trán ướt đẫm mồ hôi. Nhưng sắc mặt của bà ta lại rất hưng phấn. Bà ta nói tiếp :
- Ta chỉ mất hết nội công, nhưng lại hiểu ra tất cả nên rất sung sướng.
Phu nhân lại nói thêm :
- Vì sao loại thần công này lại dùng hai chữ “giá y”. Người có thần công này cũng như người may chiếc áo cưới nhưng để cho người khác mặc. Người đã công khâu may dù phải tốn mất hàng ngàn đường kim múi chỉ nhưng bản thân người ấy vẫn không có áo mới. Loại thần công này cũng như vậy. Luyện thành thì trao cho người khác sử dụng, người luyện dù mất biết bao nhiêu gian khổ nhưng rốt lại chẳng được gì cả. Chính vì vậy nên không lạ lùng gì các vị tiền bối của Đại Kỳ môn mới không tiếc liệng bỏ nó.
Càng nghe Thiết Trung Đường càng thấy lạ, toàn thân chàng cũng toát mồ hôi.
Phu nhân nói tiếp :
- Ta cũng biết rõ vì sao loại thần công ấy lại gọi là Vô Đạo thiền tông. Do hai chữ “đốn ngộ” cũng chỉ dùng cho người khác mà thôi.
Thiết Trung Đường hoảng hốt hỏi :
- Vì sao... vì sao lại như thế? Vì sao chân khí thần công khi ở trong người phu nhân cường mãnh như vậy. Đến khi truyền vào cho vãn bối liền... liền…
Phu nhân thở dài :
- Chẳng qua loại chân khí thần công ấy quá bá đạo, nhưng trải qua mười bảy năm khổ luyện của ta, rồi khi truyền qua cho ngươi thì sức nóng không còn nữa. Còn việc hai luồng chân khí cùng một nguồn cùng tương tức là cái lý tự nhiên.
Bà ta nói đến đó liền nhắm mắt không nói nữa. Chàng thấy trên tấm bồ đoàn có nước. Thiết Trung Đường nghĩ rằng đấy là do mồ hôi của bà ta chảy xuống. Thiết Trung Đường gieo mình lạy sát đất :
- Vãn bối nhận được ơn lớn, vãn bối không biết phải đền đáp như thế nào...
Tiếng nói của chàng bị nghẹn ngào không nói lên được. Thiết Trung Đường nghĩ đến việc nếu người nào đó, khi phát giác ra rằng bản thân cả một đời tâm huyết chỉ vì kẻ khác thì họ sẽ cảm nhận đau khổ như thế nào.
Phu nhân tự an ủi :
- Việc đó ngươi cứ vô tâm, ta không suy nghĩ gì về ngươi cả. Chỉ vì loại thần công này người nào luyện tập nó đều không tránh được khổ sở.
Thiết Trung Đường nghe phu nhân nói xong, chàng thương cảm không cầm được nước mắt.
Một lần nữa Thiết Trung Đường nghẹn ngào :
- Vãn bối... vãn bối...
Phu nhân thở dài một tiếng rồi nói :
- Đó là ý trời. Công phu ấy vốn dĩ của Đại Kỳ môn. Ngươi là đệ tử của Đại Kỳ môn, ta tưởng rằng ông trời xanh kia muốn ngươi trùng chấn lại Thiết Huyết Đại Kỳ nên đưa đẩy ngươi đến chốn này. Còn không thì ngươi có hết lòng tôi luyện cũng phải mất ba mươi năm thì làm sao có ngày để phục thù rửa hận?
Chỉ từng ấy tiếng nhưng phu nhân phải dừng lại nhiều lần và tiếng nói càng nhỏ hơn.
Thiết Trung Đường thầm nghĩ :
- “Bọn Tư Đồ Tiếu võ công có cao cường gì, tại sao phu nhân lại bảo ta phải khổ luyện ba mươi năm cũng không thể phục thù được?”
Trong giờ phút ấy, Thiết Trung Đường không có thời gian để suy nghĩ nhiều.
Chàng cúi mình xuống đất lễ phép :
- Vãn bối đã nhận ơn lớn của phu nhân. Chẳng bao giờ vãn bối quên được. Nếu phu nhân không thể cho vãn bối có cơ hội báo đáp thì vãn bối ân hận trọn đời.
Phu nhân thản nhiên nói :
- Hai chữ “đền ơn” ngươi không nên nhắc đến. Nhưng... nếu ngươi chịu làm cho ta mấy việc thì ta rất cảm kích.
- Xin phu nhân cứ nói ra. Dù nhảy vào nước lửa vãn bối cũng không dám từ nan.
Bà ta nói chậm rãi :
- Trong số nữ đệ tử của con ta có một người mù mắt. Suốt bao nhiêu năm ngày nào cũng lo cơm nước cho ta. Cũng vì hắn mang cơm cho ta, nhưng ta không muốn ai trông thấy nên đã móc hai mắt hắn. Ngươi hãy vì ta tìm cho ra cô gái này rồi thay ta cám ơn nó.
Thiết Trung Đường hứa ngay :
- Dù đệ tử có phải lên trời hay xuống đất, đệ tử quyết tìm cho ra cô ấy.
Phu nhân ngưng một lát rồi tiếp :
- Hài tử của ta tuy bất hiếu nhưng hắn cũng từ trong bụng ta mà ra, hắn cũng buồn vì thấy giữa ta với cha nó oán hận nhau khiến cho hắn rất khó xử. Bây giờ công lực của ngươi cao hơn hắn rất nhiều, nên ngươi vì ta chiếu cố đến hắn, không để cho người khác hại hắn.
- Vãn bối xin nguyện tôn huynh ấy làm đại ca, rồi hai huynh đệ khuyên can nhau làm điều lành.
Nghe xong, phu nhân cười sung sướng :
- Tốt, con thật tốt!
Một lát sau bà ta nói tiếp :
- Đây là cuốn “Vô đạo thiền tông, Giá Y thần công” con hãy mang theo thay ta trao lại cho một người khác.
Hai mắt phu nhân nhấp nháy có vẻ độc ác.
Thiết Trung Đường cũng giật mình hỏi :
- Trao... trao cho người nào?
Chàng hiểu rằng nếu đem cuốn bí kíp này trao cho người khác thì thà rằng giết họ còn hơn.
Phu nhân nói chậm rãi :
- Ngươi hãy trao nó cho một người nào trong số người mà ngươi đã gặp. Người nào ác độc nhất.
Thiết Trung Đường vốn chưa biết bà ta bảo chàng trao cuốn thần công cho người nào, nhưng chàng vừa nghe xong đã buộc miệng :
- Vãn bối tuân mệnh!
Nếu trao cuốn thần công này cho người hiền lương thì Thiết Trung Đường chẳng bao giờ nhẫn tâm như thế. Còn trao cho người rất độc ác chỉ vì tự tư tự lợi thì cũng được thôi.
Phu nhân lại nói :
- Ta đã viết một phong thư để trong cuốn thần công. Lúc nào ngươi quyết định trao bí kíp cho ai thì trước đó ngươi hãy bóc thư ra xem.
Trung Đường đáp lời :
- Dạ!
Phu nhân thở phào nhẹ nhõm :
- Tâm nguyện của ta chỉ có từng ấy. Nhưng... ta cũng muốn gặp mặt thằng con bất hiếu một lần cuối. Chẳng biết ngươi có vì ta đưa hắn đến đây hay không?
- Vãn bối xin đi ngay!
Phu nhân liếc nhìn Trung Đường nói :
- Nhưng con hãy nhớ rằng không được để người thứ ba đặt chân vào chiếc thuyền này dù chỉ một bước... vì ta không muốn bất cứ ai nhìn dáng dấp của ta cả.
Thiết Trung Đường lại càng thương kính phu nhân, chàng gật đầu rồi lạy xuống đất. Vừa ngước đầu lên, chàng thấy đôi mắt của phu nhân nhắm lại, thần sắc của bà ta tuy có phần mệt mỏi nhưng lại rất bình thản.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...