Thiên Táng

Văn, Zhuoma và Thiên An Môn đi về phía Nam. Trời đã sang hè khi họ đến được vùng được gọi là “Bách Hồ” và nhìn thấy hồ Zhaling rộng mênh mông, trải dài như biển cả bên dưới núi Anyemaqen. Gió hiu hiu thổi, ánh nắng khiến họ cảm thấy ấm áp và thơ thới. Khi đến gần hồ, họ ngạc nhiên thấy có rất nhiều ngôi lều dựng dọc ven bờ nước. Văn biết rằng dân du mục hiếm khi tụ họp đông người về một chỗ. Hẳn phải có một lễ lạc quan trọng nào đó thì mới khiến những người này đến đây. Hiện đang là mấy tháng hè, bò cừu béo tốt và người Tây Tạng cũng có thể thoải mái giao du với nhau luôn.

Họ tự dựng lều và buộc ngựa. Chiều hôm đó, Thiên An Môn đi tha thẩn quanh các lều khác, đổi một số món trang sức Zhuoma giữ gìn suốt bao năm qua để lấy thức ăn. Khi quay về, ông kể rằng nghe người ta nói hai hôm nữa sẽ có một buổi trình diễn ca kịch trên lưng ngựa. Ý nghĩ về một vở ca kịch diễn trên lưng ngựa khiến Văn tò mò. Zhuoma nhớ đã xem những vở ca kịch như vậy từ lúc còn bé. Bà giải thích rằng các vở đó được diễn bởi các lạt ma được huấn luyện đặc biệt, họ mặc lễ phục và cưỡi ngựa. Chẳng có thoại hay hát gì hết, mà chính những mẫu hình do các lạt ma tạo ra khi cưỡi ngựa trong tiếng nhạc sẽ kể ra câu chuyện.

Đêm hôm đó, mặc dù mỏi nhừ xương vì đi xa, Văn không sao ngủ được. Bà cứ trằn trọc bởi tiếng ai đó hát ở đằng xa nghe không rõ. Đó là một bài hát bà chưa nghe bao giờ. Bà tự hỏi có phải là do mình tưởng tượng ra không: Zhuoma và Thiên An Môn vẫn ngủ ngon lành.

Sáng hôm sau, khi Văn kể cho Zhuoma nghe về tiếng hát hồi đêm, Zhuoma liền nói các cụ già thường bảo đó là những giọng ma quỷ vang lên từ phía núi. Văn nghe lành lạnh dọc sống lưng.

Hai người phụ nữ quyết định sẽ dành suốt ngày để thăm thú cảnh hồ trên lưng ngựa, thế nên họ khởi hành sớm, mang theo một túi da đựng nước. Khi cưỡi ngựa về phía Đông dọc theo ven hồ, họ quan sát những con chim tìm thức ăn và chơi đùa bên mép nước lấp lánh. Vài đám mây mỏng lướt trên bầu trời xanh ngắt và những con chim từ trên cao bổ xuống nối liền trời với đất. Khung cảnh khiến Văn nhớ về đồng bằng châu thổ sông Dương Tử, về dòng sông chảy qua thị trấn quê bà, về hồ Động Đình và Đại Hồ với những con thuyền dập dềnh cùng những cây cầu nhỏ làm bằng đá và gỗ. Phần nào đắm mình trong suy nghĩ, bà kể cho Zhuoma nghe về cái ngày bà và Khả Quân đua thuyền giấy trên Đại Hồ. Thuyền của Văn hóa ra lại dong buồm chạy thẳng vào chính giữa hồ, trong khi thuyền của Khả Quân cứ quay vòng vòng một chỗ. Thật lạ là ở Tây Tạng, vuông giấy nhỏ dùng để xếp một chiếc thuyền giấy còn đắt hơn cả một bữa ăn.

Zhuoma kéo dây cương. “Chị có nghe tiếng người hát không?”

Khi tiếng lóc cóc vó ngựa của họ đã dừng, âm thanh nổi lên rất rõ: quả là có một giọng người, một giọng đàn ông đang hát một giai điệu buồn. Zhuoma nhìn thấy hai cô gái ở gần đó đang gánh nước, liền thúc ngựa về phía họ.

“Các cô có nghe tiếng hát kia không?” bà hỏi.

Các cô gật đầu.

“Các cô có biết là ai không?”

Người lớn tuổi hơn trong hai cô gái chỉ về phía một chấm nhỏ xíu ở phía bên kia hồ.

“Ấy là Lão Ẩn sĩ Cường Ba,” cô nói. “Ngày nào ông ấy cũng hát ở đó. Khi nào đi gánh nước cháu cũng nghe. Mẹ cháu nói ông ấy là thần gìn giữ hồ này.”

Hai người phụ nữ thúc ngựa lại gần người hát hơn, nhưng mặc dù đã cưỡi ngựa đi được hai tiếng đồng hồ, song hồ quá rộng đến nỗi nhà ẩn sĩ dường như vẫn còn ở rất xa. Họ không sao nhìn thấy mặt ông, chỉ thấy bộ quần áo rách tả tơi của ông bay phấp phới trong gió. Từ đằng xa, tảng đá lớn nơi ông ngồi trông như đang trôi bồng bềnh giữa mặt nước. Khi đến gần hơn, họ thấy tảng đá nằm ở cuối một doi đất nhỏ nhô ra hồ.

“Ông ấy hát gì vậy?” Văn hỏi Zhuoma.

“Nghe như là một phần của đại truyền thuyết của Vua Gesar[13],” Zhuoma nói. “Ngày mai người ta diễn kịch trên lưng ngựa cũng là về câu chuyện này. Truyền thuyết này đã được lưu truyền qua nhiều thời đại, từ người kể chuyện này tới người kể chuyện khác. Đó là câu chuyện dài nhất trên thế giới. Mặc dù ở Tây Tạng ai cũng biết câu chuyện, nhưng người vùng này đặc biệt yêu thích nó là bởi chính ở đây, nơi nguồn của Hoàng Hà, Vua Gesar đã tạo dựng vương quốc của người.”

Zhuoma nghĩ rằng có lẽ đi từ phía bên kia hồ sẽ dễ tới được chỗ nhà ẩn sĩ hơn nên đề nghị hôm khác họ sẽ thử. Khi ruổi ngựa quay về, bà kể cho Văn nghe đôi chút về Vua Gesar.

Gesar ra đời trong gia tộc cai trị vương quốc cổ Linh. Lúc nhỏ ngài dũng cảm và khéo léo khác thường. Nhưng khi ngài đủ tuổi làm vua, ông chú Trothung[14] của ngài muốn tiếm ngai vàng nên buộc Gesar và mẫu thân ngài phải đi đày ở một thung lũng nơi đầu nguồn Hoàng Hà. Thung lũng đó là một chốn hoang vu tăm tối lạnh lẽo không có cả ánh mặt trời lẫn ánh trăng, lại đầy quỷ dữ. Gesar và mẫu thân ngài thuần hóa các linh hồn ác và khuất phục lũ ngạ quỷ, khép nước non cây cỏ vào trật tự, biến thung lũng thành một thiên đàng màu mỡ cho những người chăn nuôi, nơi các đồng cỏ sum suê chật ních bò, ngựa và cừu. Sau đó trời cho bão tuyết và băng giá xuống để trừng phạt Trothung, khiến cho không ai còn sống được ở vương quốc Linh nữa. Dân chúng nước Linh khẩn cầu Gesar cho họ đến chỗ ngài, và ngài vui vẻ giúp sáu bộ lạc Linh định cư ở đầu nguồn Hoàng Hà. Vì lý do này, tất cả những người Tây Tạng sống ở thung lũng này đều tự coi mình là người của vương quốc Linh và là hậu duệ của Gesar.


Đến khi hai người phụ nữ về tới lều, Thiên An Môn đã xây xong một cái bếp lò bằng mấy tảng đá to, trên bếp là một cái nồi tỏa ra mùi thịt ngon lành. Ông cho Zhuoma biết ông đã kiếm được nửa con cừu và nấu theo kiểu Trung Quốc.

“Làm sao ông học nấu theo kiểu Trung Quốc được?” Zhuoma ngạc nhiên hỏi.

“Từ bà,” Thiên An Môn đáp. “Bà đã chỉ cho tôi, khi bà từ Bắc Kinh về.”

“Không thể có chuyện đó được,” Zhuoma đáp. “Hồi đó ngay cả tsampa tôi còn không biết nấu, nói gì tới món ăn Trung Quốc.”

Thiên An Môn mỉm cười.

“Nhưng bà có kể cho tôi nghe về những món Trung Quốc bà đã ăn ở Bắc Kinh, và mùi vị món cừu hầm của họ. Cha tôi thường nói, ‘Nếu ngửi phân một con ngựa, con có thể nói nó ăn cỏ ở đâu. Nếu con nếm rượu lúa mạch, con có thể nói vụ lúa mạch đó thế nào.’ Chẳng phải bà có bảo tôi rằng người Trung Quốc nấu thịt cừu với mấy thứ rau ngọt, rằng thịt mềm và để trong nước dùng mặn sao? Tôi nấu cừu bằng chính cách đó đấy.”

Cả Zhuoma lẫn Văn đều phá lên cười.

“Tôi bảo cô rằng anh ta chẳng hỏi gì,” Văn nói với Zhuoma. “Nhưng nhất định là anh ta nghe hết đó.”

Món thịt cừu của Thiên An Môn rất ngon. Văn không thể nhớ đã bao giờ ăn món gì nấu chung bằng mấy thứ rau đó chưa, nhưng bà không nói ra. Bà không sao tìm hiểu được chính xác ông ta đã dùng những rau gì.

Trong bữa ăn Thiên An Môn kể, ông nghe người ta nói hơn một ngàn người sẽ đến xem vở diễn trên lưng ngựa hôm tới. Họ có thể nhân cơ hội này để dò hỏi về chồng Văn. Ba người bạn tinh thần phấn chấn suốt tối hôm đó, như thể tin chắc rằng mọi hy vọng của họ chẳng mấy chốc sẽ thành sự thực. Văn đi ngủ mà cứ miên man nghĩ về Khả Quân. Có lẽ bà sẽ không cần đến Lhasa nữa. Có lẽ rốt cuộc thì những ngọn núi thiêng sẽ trả lại cho bà những gì bà đã mất. Trong đêm, tiếng hát của vị ẩn sĩ trôi vào trong những giấc mơ của bà. Bà cùng Khả Quân đang theo sau một Tôn sư vĩ đại, ngài đang chọn những hòn đá mani cho họ trên một trong các ngọn núi thiêng…

Sáng hôm sau, từng đám đông người bắt đầu tụ tập trên sườn đồi. Do vở kịch được diễn trên đất bằng nên từ triền dốc xem sẽ rõ hơn. Văn chưa hề thấy cảnh gì như thế kể từ buổi lễ Hoạt Phật ở Wendugongba. Bà vừa sợ hãi vừa phấn khích khi thấy quá đông người như vậy. Bà cùng Zhuoma và Thiên An Môn đến sớm, khi các lạt ma còn đang vẽ mặt và chuẩn bị quần áo. Nhìn qua vạt lều của các nghệ sĩ, họ có thể thấy nhiều trang phục màu sắc sặc sỡ rất đẹp. Vài chàng thanh niên lảng vảng quanh các lều, thử hết nón đến mũ trụ rồi vòng hoa. Những người trẻ khác múa, hát và vẫy những lá cờ nhiều màu sắc. Không khí rất ư sôi nổi.

Một dụng cụ dây đơn giản duy nhất cất lên vài nốt, thế là vở kịch bắt đầu. Văn cứ lo rằng mình sẽ không hiểu kịch nói gì, song những chuyển động cách điệu của các nghệ sĩ ngồi trên lưng ngựa khiến cho mọi chuyện đều rõ ràng. Vở kịch kể lại phần truyền thuyết về Gesar khi ngài được Bồ tát Cheresig tức Quan âm cho xuống trần gian, Quan âm là người quan sát thế giới loài người, giúp loài người gột bỏ những ác linh và ngạ quỷ, đánh bại mọi bạo lực và giúp đỡ kẻ yếu. Thần canh giữ đức tin và thần chiến tranh hộ tống Gesar vào thế giới của loài người. Gesar thắng trong cuộc đua ngựa để chọn người cai trị vương quốc Linh, được phong danh hiệu Vua Gesar và Vua của các Chiến Thần. Dẫn đầu tất cả các vị thần, Gesar bắt đầu tiến hành một cuộc chinh phạt trên khắp xứ sở, mang lại hòa bình và ổn định cho đất nước. Khi nhiệm vụ to lớn này hoàn thành, các vị thần bay về thiên đình ở trên trời.

Văn nghĩ các lạt ma trông như những nhân vật trong vở Kinh kịch mà bà xem hồi còn bé ở các quán trà Nam Kinh, chỉ có điều họ ngồi trên lưng ngựa. Họ vừa vẫy cờ vừa cưỡi ngựa theo nhiều kiểu khác nhau, lại vừa hét và rống lên những tiếng lạ lùng. Tất cả khiến Văn nhớ tới cảnh trong Tây Du Ký khi Tôn Ngộ Không đại náo thiên đình. Zhuoma đứng cạnh bà, khe khẽ giải thích một số chỗ mà Văn không hiểu:

“Đây là trận chiến với vua quỷ.”

“Đó là nàng thiếp xinh đẹp của vua đang cầu nguyện cho ngài.”

“Tên đại ác kia là Trothung, chú của ngài, đang đứng ngoài hể hả nhìn.”


Trong khi xem, Văn đầy khâm phục khi thấy cử chỉ của các nghệ sĩ đều là mô phỏng theo cuộc sống hàng ngày. Bà ngạc nhiên thấy rằng cách kịch sĩ lạt ma này tuy sống khép kín trong tu viện nhưng lại biết rõ những cử chỉ đó đến thế. Nhưng có lẽ không có gì khác biệt nhiều lắm giữa trong tu viện với ngoài tu viện. Càng lúc bà càng hiểu rằng toàn bộ Tây Tạng là một tu viện vĩ đại. Ai ai cũng thấm nhuần một tinh thần tôn giáo như nhau, dù họ có mặc bộ áo tu hành hay không.

Khi trời sẩm tối và các lạt ma đã buộc ngựa rồi gói ghém trang phục, khán giả liền tụ tập quanh những đống lửa mà uống rượu lúa mạch và trà bơ. Người ta quay cừu nguyên cả con, mùi thơm thoang thoảng trong không khí khi mỡ bắn ra cháy xèo xèo trên ngọn lửa giống như pháo hoa.

Đột nhiên có tiếng ồn ào nhốn nháo, và ai nấy liền bật dậy để xem chuyện gì xảy ra. Có người lớn tiếng nhờ mang nước nóng và một menba tới.

Zhuoma len vào đám đông để xem người ta nói gì.

“Một phụ nữ đang đau đẻ,” bà nói với Văn. “Nghe như bà ấy đẻ khó nên gia đình nhờ người tới giúp. Chị có làm gì được không?”

Văn do dự. Trong ngần ấy năm sống ở Tây Tạng, bà hầu như không dùng tới kiến thức y khoa của mình. Hàng rào ngôn ngữ, rồi thảo dược dùng cũng khác nhau, thật ra khi có ai ốm nặng thì người Tây Tạng lại thường chỉ cậy nhờ vào lời cầu nguyện, tất cả những điều đó khiến cho vốn tri thức mà khó khăn lắm bà mới có được trở nên vô dụng. Liệu có phải đây là lúc bà có trách nhiệm tuyên bố mình có thể giúp một ca đẻ khó hay không?

Zhuoma nhận ra sự phân vân của Văn.

“Nào,” bà nói. “Họ đang tuyệt vọng. Ít ra cũng tới xem thế nào.”

Trong một căn lều bày biện đơn sơ có một phụ nữ nằm, mặt xám như tro. Toàn thân chị ta run bần bật và loang lổ những vệt máu chảy. Cái đầu đứa bé đã lộ ra, nhưng phần còn lại không ra được vì dây nhau quấn quanh cổ. Còn nguy hiểm hơn, gia đình người mẹ vẫn hối thúc chị ta cố hết sức, nên đứa bé đang tím tái dần bởi dây nhau siết lại làm nó nghẹt thở.

Văn la lên bảo người phụ nữ thôi đừng rặn nữa. Bà vừa rửa tay vừa hét lên chỉ bảo cho Zhuoma biết phải làm gì để giúp bà. Gia đình người mẹ bối rối khi thấy bà cương quyết quá, nên chỉ im lặng đứng nhìn.

Văn cẩn thận đẩy đầu đứa bé vào trở lại trong cơ thể người mẹ. Bà nghe vài hơi hít vào the thé ở ngay bên cạnh và cố hết sức để nhớ lại cách đỡ đẻ bà đã học ở trường y. Với những ca khó như thế này, bà cần phải xoa bóp nhẹ vùng dạ con. Zhuoma bảo mọi người rằng văn là một menba người Trung Quốc, rằng bà dùng phương pháp sinh đẻ của người Trung Quốc để giúp họ. Rồi Văn ra hiệu cho người mẹ rặn, và sau một lát đứa bé trồi ra, chậm nhưng chắc. Đó là một bé trai khỏe mạnh. Giữa những tiếng kêu trầm trồ thích thú, Văn khéo léo cắt dây nhau, rút nhau ra, rồi rửa thân dưới người phụ nữ bằng một thứ rượu y tế đặc biệt mà gia đình người mẹ đem tới cho bà. Thế rồi bà quan sát thấy, cũng như con của Án và của Bát, đứa bé được người ta bôi cho một thứ nước sắc thuốc đặc biệt để bảo vệ cho nó khỏi bị côn trùng cắn.

Khi Văn trao cho đứa bé quấn trong tã cho người cha, anh ta sợ không dám đỡ lấy nó. Thay vì, anh mở rộng áo choàng rồi bảo Văn đặt đứa bé vào trong cho ông. Anh tràn trề xúc động. Anh bảo Văn và Zhuoma rằng cả nhà mong có con từ nhiều năm nay, nhưng lần nào hy vọng của họ cũng vỡ tan tành vì sẩy thai hay đẻ khó.

“Giờ thì tôi biết menba thứ hai người Trung Quốc đã làm một điều tốt,” người đàn ông nói.

Văn sững sờ. “Ý anh là gì?” bà hỏi “Ông từng gặp một bác sĩ Trung Quốc khác à?”

“Cha tôi có kể cho tôi nghe về một người,” người đàn ông đáp. “Cha tôi kể rằng nhiều năm trước, có một bác sĩ người Trung Quốc được Thiên táng, do vậy mà giao tranh giữa người Trung Quốc với người Tây Tạng ở vùng này chấm dứt.”

Văn nhìn Zhuoma. Tim bà đập thình thịch, bà hầu như không thở được.


Liệu người bác sĩ đó có thể là Khả Quân không?

Nhận thấy cảm xúc của bà, Zhuoma giúp bà ngồi xuống.

“Chi tiết thì tôi không biết,” ông ta nói tiếp, “nhưng cha tôi thường nói Lão Ẩn sĩ Cường Ba biết chuyện này.”

Ngay lúc đó, một người lao vào lều dúi cho Văn một chiếc khăn choàng khata trắng như tuyết, dấu hiệu tỏ lòng biết ơn. Rồi ông ta dẫn bà ra ngoài nơi đám đông đang đợi, họ chào đón bà bằng những tiếng huýt sáo và hoan hô vang dậy. Hai bà lão đang nấu món thịt cừu trên lửa tiến lại gần dọn cho bà hai cái chân cừu béo ngậy để tưởng thưởng cho việc bà đã làm. Bữa ăn thịnh soạn kéo dài đến tận đêm. Mãi mấy giờ sau Văn mới về được đến lều. Bà và Zhuoma quyết định rằng ngay sáng hôm sau họ sẽ lên đường tìm Cường Ba. Bà nằm xuống, đầu óc hơi váng vất vì món rượu lúa mạch vừa uống. Trong khi gió thổi ngoài trời và những ngọn đèn thắp bằng bơ cháy chập chờn, bà căng tai nghe tiếng hát từ phía hồ vẳng tới.

Hôm trước diễn kịch thì hôm sau dành trọn cho trò đua ngựa, nhưng Văn và Zhuoma không để ý đến không khí rộn ràng náo nhiệt chuẩn bị cho trò chơi, họ cứ thế tiến về phía hồ. Khi gần đến nơi lần trước họ trông thấy ẩn sĩ, Văn rất hồi hộp. Nhưng tảng đá nơi ẩn sĩ ngồi giờ đây trống trơn, và trong số những người đang lấy nước bên ven hồ không ai biết ông ta đi đâu. Hai người phụ nữ ruổi ngựa quay trở lại để hỏi những đám đông đang xem đua ngựa, nhưng ở đó cũng chẳng ai biết. Họ đợi suốt ngày bên bờ hồ nhưng ẩn sĩ không xuất hiện. Người ca sĩ bí ẩn đã biến mất mang theo câu chuyện của mình.

Người nào họ bắt chuyện cũng đều tin chắc ông ta sẽ trở lại: “Ông là thần cai quản hồ này mà.” Nhưng đối với Văn, lại thêm một hy vọng nữa tan thành mây khói và nỗi thất vọng quá lớn khó mà chịu nổi. Cảm thấy như mình sắp sửa mất trí, bà dứt ra khỏi những người khác mà phi ngựa như điên quanh hồ, vừa phi vừa thét to tên của Khả Quân và Cường Ba vào trong làn gió.

Suốt mấy ngày, Văn không nói năng, Zhuoma cố an ủi bà bằng cách nói rằng họ cần phải tìm một người nào khác am hiểu hơn truyền thuyết về vùng này và về vị menba người Trung Quốc, nhưng Văn không thể trả lời. Dường như chuỗi cú sốc và nỗi thất vọng nối tiếp nhau không dứt đã khiến bà không còn khả năng diễn đạt điều gì nữa.

Chính Thiên An Môn đã đánh thức bà. Một sáng sớm nọ, ông và Zhuoma thắng yên vào ngựa rồi khích lệ Văn cùng họ đến một sườn núi gần đó.

“Tôi muốn dẫn chị đi xem một lễ Thiên táng,” Thiên An Môn nhỏ nhẹ nói.

Một lễ Thiên táng vừa mới diễn ra khi ba người bạn lên tới đỉnh núi. Những chiếc khăn choàng khata và cờ phướn trắng lốp bay phấp phới trong làn gió nhẹ, các mẩu tiền giấy nhỏ nhảy múa và lăn lóc trên mặt đất giống như bông tuyết. Họ thấy mình đang ở giữa một mảnh đất rộng có rào bao quanh và cổng vào, chính giữa là một khoảng trũng lát đá. Có một lối đi hai bên là hai hàng bệ thờ bằng đá.

Trong khi họ đứng nói chuyện, một người đàn ông lại gần họ tự giới thiệu là chủ lễ Thiên táng. Ông ta hỏi liệu ông có giúp gì được không. Thiên An Môn tiến lên cúi chào.

“Chúng tôi muốn tìm hiểu về Thiên táng,” ông nói.

Mặc dù vị chủ lễ Thiên táng có vẻ hơi ngạc nhiên khi có người yêu cầu một chuyện như vậy, song chẳng phải là ông không vui vẻ đáp ứng nguyện vọng của họ.

“Con người ta là một phần của tự nhiên,” ông bắt đầu nói. “Chúng ta đến thế giới này một cách tự nhiên và rời khỏi đó cũng tự nhiên. Sống và chết đều là một phần của bánh xe luân hồi. Không nên sợ cái chết. Chúng ta ai cũng háo hức mong được đến kiếp sau. Khi ta đốt lên ngọn lửa tỏa khói của những nhánh dâu tằm trong lễ Thiên táng, nó mở ra một con đường có năm màu giữa trời và đất, con đường ấy mời gọi các linh hồn xuống bàn thờ. Thi hài trở thành đồ dâng cúng cho các linh hồn, và chúng ta nhờ họ mang linh hồn người chết lên trời. Khói cây dâu tằm là để dụ đại bàng, kền kền và các loài ăn thịt chết thiêng liêng khác tới, các loài này sống nhờ ăn thi hài. Làm việc này là để bắt chước Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài đã ‘hy sinh thân mình để nuôi loài hổ’.”

Văn nhỏ nhẹ yêu cầu vị chủ lễ giải thích rõ người ta bày thi thể người chết ra cho kền kền như thế nào.

“Đầu tiên người ta rửa ráy xác,” ông nói, “rồi cạo hết tóc và lông. Rồi người ta bọc xác trong một tấm vải trắng và đặt trong tư thế ngồi, đầu chúi xuống hai gối. Khi chọn được ngày lành, người ta cho một người chuyên được thuê làm việc này khiêng cái xác trên lưng đem đến bàn thờ Thiên táng. Các lạt ma của tu viện trong vùng đến để tiễn vong linh người chết đi, và trong khi các lạt ma tụng kinh để cho thiền siêu thoát, vị chủ lễ Thiên táng thổi kèn sừng, đốt lửa dâu tằm để dụ kền kền tới rồi xẻ cái xác ra, đập vỡ xương theo trình tự quy định từ trước theo nghi lễ. Xác được xẻ theo nhiều cách khác nhau tùy theo nguyên nhân chết, nhưng dù chọn cách nào đi nữa, các đường dao không được phạm một lỗi nào, nếu không thì ngạ quỷ sẽ tới đánh cắp linh hồn.”

Ký ức về những bài học mổ xác hồi đại học thoáng qua trong trí Văn, nhưng bà buộc mình nghe tiếp.

“Lũ chim có khi nào từ chối ăn xác không?” bà hỏi.

“Vì kền kền thích ăn thịt hơn xương nên chúng tôi cho chim ăn xương trước,” chủ lễ thiên táng đáp. “Đôi khi chúng tôi trộn xương đã đập nát với bơ sữa bò. Nếu người ta uống nhiều thảo dược khi còn sống thì khi họ chết xác sẽ đậm mùi thuốc mà kền kền thì không ưa mùi ấy. Bơ và những thứ khác cho thêm vào giúp dễ ăn xác hơn. Điều quan trọng là chim phải ăn toàn bộ xác. Nếu không thì xác sẽ bị ngạ quỷ chiếm mất.”


Văn đứng xem lễ Thiên táng một hồi. Bà nghe Thiên An Môn hỏi vị chủ lễ xem có đúng là một vị chủ lễ Thiên táng từng giữ lại đầu của tất cả những xác chết người ta đem tới cho ông ta, dùng các sọ đó xây thành một bức tường sọ khổng lồ, bởi hồi bé ông ta đã chứng kiến một vụ giết người nên muốn làm vậy để ngăn không cho hồn ma của kẻ giết người đó lại gần. Bà không lắng nghe câu trả lời của vị chủ lễ. Bà cố làm cho chính mình quen dần với những ý nghĩ để cho cái mỏ sắc lẻm, tham lam của một con kền kền vục vào thịt của người mình yêu. Trong thời gian sống ở Tây Tạng, bà đã dần dần hiểu được nhiều điều trong những điều mà thoạt tiên khiến bà kinh hãi và ghê tởm. Đức tin Phật giáo nay là một phần của đời bà. Vậy thì tại sao bà lại thấy khó khăn đến thế để tin - như Zhuoma và Thiên An Môn tin - rằng Thiên táng là một nghi lễ tự nhiên và thiêng liêng chứ không phải một việc làm man rợ? Nếu Khả Quân chính là vị menba người Trung Quốc mà người ta nói tới thì liệu bà có chịu đựng nổi không?

Khi họ đi, bà quay về phía vị chủ lễ Thiên táng.

“Ông đã bao giờ làm lễ Thiên táng cho một người Trung Quốc chưa?” bà hỏi.

Vị chủ lễ nhìn bà với vẻ tò mò. “Chưa bao giờ,” ông đáp. “Nhưng Lão ẩn sĩ Cường Ba, vị ngồi bên kia hồ Trát Lăng ấy, vẫn thường hát về một chuyện như thế.”

Quay lại hồ Trát Lăng, ba người bạn dựng lều gần nơi Cường Ba thường hát để họ có thể hỏi những người đến đó lấy nước xem có ai biết chuyện gì xảy ra với vị ẩn sĩ không. Vài người bảo họ rằng Cường Ba đã ra đi trên sóng, vừa đi vừa hát. Người khác thì nói tiếng hát của ông khiến những linh hồn đến với ông và mang ông lên trời. Nhưng ba người không chịu tin rằng Cường Ba đã ra đi mãi mãi mang theo niềm hy vọng của họ.

Hầu như tuyệt vọng, họ quyết định đi dâng tế cho một hòn đá mani mong rằng nó sẽ cho họ vận may. Ngay khi họ đang chuẩn bị đi, một người đàn ông cao lớn phi ngựa tới chỗ lều họ.

“Các vị là những người đang tìm Lão Ẩn sĩ Cường Ba phải không?”

Cả ba người cùng gật đầu xác nhận, tất cả đều sửng sốt.

“Vậy thì đi với tôi.”

Lời nói chưa dứt, người đó đã cho ngựa quay đầu lại rồi quất ngựa đi. Không kịp dừng lại để suy nghĩ, Văn và những người khác vứt khăn gói, nhảy ngay lên ngựa đuổi theo người lạ.

Chẳng mấy chốc họ tới một căn lều. Họ trao cương ngựa của mình cho một phụ nữ đang đợi ở ngoài lều rồi theo người đàn ông vào trong. Cạnh bếp lò họ thấy có người đang nằm ngủ, quấn mền bông kín mít. Chỉ nhìn thấy khuôn mặt nhợt nhạt của người đó.

“Cường Ba!” Văn thì thầm. Dựa vào tiếng thở của nhà ẩn sĩ, bà biết rằng phổi của ông rất yếu.

Người đàn ông Tây Tạng ra hiệu bảo họ hãy im lặng, rồi đưa họ ra ngoài. Ông đoán ra qua vẻ mặt khắc khoải của họ rằng họ muốn hỏi điều gì, nên ông bảo họ hãy ngồi xuống cỏ.

“Đừng lo, tôi sẽ giải thích. Vào một buổi sáng cách đây một tuần hay khoảng đấy, hai đứa con gái tôi đi lấy nước chỗ hồ về kể rằng Lão Ẩn sĩ Cường Ba cứ chỉ ngồi đó mà không hát. Vợ tôi thấy chuyện này không bình thường nên bảo tôi đích thân đi xem sao. Thế là ngay hôm đó, tôi ruổi ngựa cùng hai con gái đến ven hồ. Như chúng nói, ẩn sĩ ngồi đó im lặng, đầu gục sang bên. Tôi lại gần ông, gọi to tên ông, nhưng ông không trả lời hay làm gì để đáp lại cả. Ông có vẻ không khỏe, nên tôi cố lay ông, nhưng ông chỉ rũ xuống. Tôi thấy cả hai mắt ông nhắm nghiền, trán và tay ông nóng bừng, thế là tôi cho ông lên ngựa mang về đây. Chúng tôi đã thử cho ông uống ít thảo dược, nhưng xem ra không tác dụng mấy. Tuy đã bớt sốt nhưng ông cứ ngủ li bì và chẳng nói gì cả. Chúng tôi đang định đưa ông tới tu viện gần đây cho các lạt ma chữa.

“Hôm nay, khi con gái tôi đi lấy nước về, nó bảo nó nghe nói các vị lưu lại ở ven hồ đã mấy ngày nay, gặp ai cũng hỏi về vị ẩn sĩ, thế nên tôi đến tìm các vị.” Ông liếc vào trong lều. “Mặc dù ở đây ai cũng yêu mến và kính trọng Lão Ẩn sĩ Cường Ba, nhưng không ai biết ông ấy từ đâu tới. Chúng tôi chỉ biết rằng hai mươi năm trước, ông xuất hiện ở đây cứ như nhờ phép màu và bắt đầu vừa trông nom hồ vừa hát về vua Gesar, Núi Anyemaqen và các vị thần vĩ đại của Tây Tạng. Đôi khi ông cũng hát về chuyện một vị menba người Trung Quốc đã làm cho giao tranh giữa người Trung Quốc và người Tây Tạng ở vùng này chấm dứt. Những người ra hồ lấy nước đều mang thức ăn cho ông, nhưng không ai trong chúng tôi biết ông sống ở đâu. Thỉnh thoảng người ta thấy ông trò chuyện với các lạt ma ở tu viện gần đây. Vài người nói các lạt ma biết tất cả về quá khứ của ông, nhưng ông không chắc. Chúng tôi chỉ đến chỗ “Bách Hồ” vào mùa xuân và mùa hè thôi.”

Mặc dù Zhuoma cố thuyết phục người đàn ông rằng ông nên cho phép Văn vào khám cho vị ẩn sĩ, nhưng ông cứ khăng khăng bảo là ông muốn đưa vị ẩn sĩ tới tu viện gần đó. Ông cũng không muốn cho Zhuoma hay Văn đi cùng bởi phụ nữ không được phép vào trong tu viện mà tu viện này cũng không có nhà nghỉ cho khách. Sau một cuộc bàn luận ngắn, Văn và Zhuoma quyết định rằng Thiên An Môn sẽ đi theo Cường Ba trong khi họ sẽ dựng lều gần đây chờ tin tức.

Nhiều ngày sau Thiên An Môn mới quay lại. Văn không thể làm gì khác ngoài chờ đợi. Bà ngồi trên bãi cỏ ngoài lều, khẽ nói đi nói lại với chính mình “Án ma ni bát mê hồng”. Zhuoma đem đồ ăn cho Văn và đêm xuống thì giúp bà dọn giường. Thời gian còn lại, bà để mặc Văn đắm mình trong suy nghĩ.

Khi rốt cuộc Văn cũng thấy ngựa của Thiên An Môn ở đằng xa, bà đứng dậy. Ông ruổi ngựa tới thẳng chỗ bà và, không xuống ngựa, trao cho bà một cái bọc gói trong mấy dải vải màu vàng.

“Đã nhiều năm nay,” ông nói, “Lão Ẩn sĩ Cường Ba cất giữ cái này ở tu viện. Về chuyện bên trong nó có những gì, ông chỉ biết rằng cần phải đưa chúng cho một người phụ nữ người Trung Quốc quê ở Tô Châu tên là Thư Văn. Ông ấy nhiều lần cố tìm người thay mình mang chúng tới Tô Châu ấy, nhưng không một lữ khách nào giúp được cả. Phổi ông ấy bây giờ khá hơn một chút. Ông đã kể cho tôi về những gì ông đã trải qua. Tôi nghĩ cái bọc này chắc hẳn là cho chị.”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui