Lại nói Triệu Quan sau khi thành niên, thân hình cao lớn, dung mạo anh tuấn, đương nhiên đã khiến rất nhiều đệ tử trẻ tuổi trong Bách Hoa Môn khuynh tâm tưởng nhớ.
Thanh Trúc phải cùng các vị trưởng lão thương lượng, nhân thấy môn chủ thực không nên cùng đệ tử bên dưới phát sinh quan hệ, đề phòng xảy ra chuyện ghen tuông tranh giành cũng như tệ dựa bóng môn chủ hành động trái lẽ.
Năm người đặt ra quy định cẩn thận, thường ngày đối với môn chủ cùng quản lý chặt chẽ.
Triệu Quan cũng giữ mình nghiêm cẩn, tuyệt không trêu ghẹo các cô nương trong môn phái.
Duy nhất chỉ có một người được ngoại lệ là Đinh Hương, cô bé nguyên là tỳ nữ của Cơ Hỏa Hạc, đối với Triệu Quan một dạ trung thành, sau khi gã lên làm môn chủ, cô trở thành a hoàn tùy thân, phục dịch những công việc hằng ngày, ở ngay cạnh bên.
Triệu Quan tuổi trẻ khí huyết phương cương, không tránh được phát sinh tình cảm với cô a hoàn trung thành này.
Đối với chuyện đó, Thanh Trúc cũng đành mắt nhắm mắt mở, chỉ cần hai đứa không vượt quá giới hạn, cô cũng không buồn quản đến.
Mùa thu năm đó, Triệu Quan đưa Đinh Hương đến Bắc Kinh xem xét Di Điềm Viện mới mua, thấy Thanh Trúc bố cục, trang trí hoàn hảo mới yên tâm quay về.
Khi hai người về đến Hàng Châu Giang gia trang, gia đinh Sùng Phúc đến báo: “Hôm trước Lưu tứ thiếu gia gửi thiếp đến mời công tử đêm trung thu năm nay đến Lưu gia viên thưởng nguyệt, có nói là mời tất cả thanh niên gia thế có tiếng tăm trong thành.”
Triệu Quan cười nói: “Thì ra ta cũng có thể tính là con nhà có tiếng tăm! Chuyện nhiệt náo như vậy sao có thể bỏ qua được, Đinh Hương, cô cùng ta đến đó xem sao.” Đinh Hương chỉ cười khẽ nói: “Trong thành Hàng Châu này thanh danh của thiếu gia như thế nào, nếu lại mang theo a hoàn đến dự yến, không phải có chỗ bất tiện sao?”
Triệu Quan cười nói: “Cô không muốn đi cùng ta cũng không sao.
Sùng Phúc, ngươi thay ta dò hỏi xem có những người nào đến dự hội?” Sùng Phúc đắc ý nói: “Tôi sớm đã thay thiếu gia hỏi qua rồi, Lưu tứ thiếu gia cực kỳ hiếu khách, tất cả con em những nhà có danh khí như hào gia, phú thương, võ lâm, bang hội đều được mời đến, tính ra cùng đến năm sáu trăm người, nghe nói cả những nhân vật danh đầu lớn như Hà đại thiếu gia, Tư Đồ công tử, anh em nhà họ Thịnh ở Viêm Thử sơn trang, tam công tử của Phó viên ngoại cũng đều đến.”
Triệu Quan gật đầu nói: “Đều là người quen cũ cả.
Được, ngươi thay ta trả lời tứ công tử, ta nhất định sẽ tới.”
Triệu Quan ở đất Hàng Châu đến hai ba năm, cũng gặp gỡ khá nhiều con em nhà quyền quý trong thành.
Thường ngày những thiếu niên con nhà có tiền có thế không ít người tụ tập chốn thanh lâu yến ẩm, thành thử trong đám người đó, Triệu Quan cũng biết mặt đến bảy tám phần mười, ví dụ như chuyện gã quen biết tứ công tử nhà họ Lưu chính tại thanh lâu Thất Lý Uyển của Bách Hoa Môn.
Tổ phụ nhà họ Lưu từng đỗ tiến sỹ, cho đến nay con cháu vẫn tự xưng là thi thư thế gia, đến thời Lưu lão gia lại chọn nghề thương gia, làm ăn phát đạt, trở thành một trong những thương gia hàng đầu đất Hàng Châu.
Lưu tứ công tử đọc sách buôn bán đều không thông, chỉ thích những truyện hiệp nghĩa trên giang hồ, khi còn nhỏ anh ta cũng từng bái sư với nhị trang chủ Thịnh Phó của Viêm Thử Sơn Trang theo học võ công.
Đáng tiếc là tư chất tầm thường, học võ công cũng chẳng có thành tựu gì, bình thường chỉ lang thang khắp nơi chuyên xen vào những chuyện bất bình, cũng đã gây ra không ít phiền phức.
Có điều nhà họ Lưu có tiền có thế, dù chuyện có lớn bằng trời anh ta cũng không coi vào đâu.
Lần đầu Triệu Quan gặp anh ta là khi đang uống rượu thưởng hoa trên Thất Lý Uyển, khi trò chuyện gã luôn miệng tán dương anh ta là người hiệp nghĩa, võ công cao cường.
Tứ công tử nhà họ Lưu đối với Triệu Quan lại càng cao hứng, coi như tri kỷ, từ đó về sau thường kết bạn ở chốn thanh lâu yến ẩm.
Chiều hôm trung thu, Triệu Quan ngồi kiệu đến Lưu phủ.
Chỉ thấy trước cửa đèn đuốc huy hoàng, ngựa xe như nước, người qua lại không dứt.
Một tên gia đinh nhận ra Triệu Quan liền dẫn gã đi vào trong nhà.
Trong khu vườn rộng hơn trăm mẫu đã được dựng lên rất nhiều lều chõng, bên trong chất đầy rượu ngon thịt béo, sơn hào hải vị cùng vô số hoa quả để khách nhân tự do hưởng dụng, vô cùng xa hoa.
Năm sáu chục người đang đứng ngồi lộn xộn trước hí đài xem vở “Mẫu đơn đình hoàn hồn ký”, tiếng vỗ tay như sấm rền, cực kỳ nhiệt náo.
Xuyên qua một khung cửa hình bán nguyệt, vào trong vườn sau, không khí đã khác hẳn, chỉ thấy đàn sáo du dương, dìu dặt êm tai, trên cây ẩn hiện những chiếc lồng đèn lung linh, trang trí cực kỳ u nhã.
Gia đinh dẫn Triệu Quan đến một lương đình nhỏ, thấy mấy người Lưu tứ thiếu gia, Hà đại thiếu gia, Tư Đồ công tử, công tử nhà họ Phó cùng một đám thanh niên khác đang ngồi bên bàn, xung quanh có mười vị danh kỹ đất Hàng Châu hầu rượu, một ca nhi đang ôm tỳ bà, ca một khúc nhạc réo rắt vui tai.
Tiếng nhạc dừng lại, mấy vị thiếu gia đều vỗ tay khen ngợi không dứt.
Triệu Quan cũng nhận ra vị ca kỹ kia, vỗ tay cười nói: “Hay, hay! Nghe tỳ bà của Nhu Khanh, quả thực thế gian khó kiếm.
Lưu tứ ca, thể diện của huynh cũng thật lớn đó, có thể mời được Nhu Khanh đến đây.”
Lưu tứ thiếu gia thấy gã đến, cực kỳ cao hứng, nói lớn: “Giang hiền đệ, ngươi tới thật tốt.
Bọn ta đang định bày tửu lệnh cho vui, chính định chờ ngươi đến làm lệnh quan.”
Triệu Quan cười nói: “Chỉ cần huynh có thể mang rượu quý ra đây, đệ đương nhiên không từ chối.” Gã cùng mấy người trong tiệc đều đã biết nhau từ trước, thân mật chào hỏi một hồi rồi ngồi xuống tiệc.
Lưu tứ thiếu cười nói: “Có Giang đại thiếu gia ở đây, ta làm sao dám không mời rượu ngon?” Nói rồi bảo người nhà vào mang rượu ra, lại đi ra ngoài đình bẻ lấy một cành quế, đưa cho Triệu Quan, cười nói: “Chúng ta chơi trò chuyền cành, lấy trống làm lệnh (1), Nhu Khanh, cô phụ trách gõ trống có được không?” Nhu Khanh yêu kiều vâng dạ.
Triệu Quan nhận lấy cành quế, đón lấy hồ rượu từ tay bộc nhân, đổ đầy một chung, ngửa cổ uống một hơi cạn rồi cười nói: “Hay! Nữ nhi hồng đã mười tám năm, quả thực ngàn dặm khó tìm, Lưu tứ thiếu quả nhiên là người khẳng khái.
Chúng ta bắt đầu nào.” Gã đập tay lên bàn, cười nói: “Tửu lệnh quan có lời, các vị xin chú ý lắng nghe cho.
Tửu lệnh có ba đạo, thứ nhất lấy ba hồi trống làm lệnh, hết hồi trống mà chưa nghĩ xong, phạt ba chén đầy.
Thứ hai, câu không thông thuận, chiếu theo luật trước mà phạt.
Thứ ba, lệnh ra không được vi phạm, ai vi phạm một lần phạt mười chén.” Mọi người đều khen hay.
Triệu Quan nói: “Hay lắm! Tửu lệnh thứ nhất đây.” Nói rồi ngẩng đầu nhìn trời, nói: “Là câu bốn chữ, mỗi người đối một câu, mỗi chữ đều theo thanh vận.
Bốn chữ đầu tiên ‘Hạo nguyệt đương không’”.
Nói rồi truyền cành quế cho Lưu tứ thiếu, anh ta nghĩ ngợi một chút rồi nói: “Tiếu yến thanh ba”.
Triệu Quan cười nói: “Hay! Lưu tứ thiếu không hổ là tài tử.”
Lưu tứ thiếu cười rộ một hồi, chuyển xuống cho Hà đại thiếu.
Hắn lắc đầu cười nói: “Ta chỉ nghĩ có một câu: ‘Đại tự thanh phong’.(2)”
Triệu Quan vỗ bàn nói: “Hà đại thiếu gia tài ức vạn, sao lại có thể nói bốn chữ đó? Phạt ba chén.” Mọi người đều cười lớn khen hay, Hà đại thiếu bị phạt ba chén đầy.
Cành quế truyền đến tay Tư Đồ công tử, hắn ngâm nga nói: “Quế phức phiêu hương”.
Triệu Quan cười: “Tư Đồ công tử thi thư đầy bụng, xuất ngôn quả thực thanh nhã.”
Tư Đồ công tử truyền đến Phó gia tam thiếu gia, hắn nghĩ một lúc cũng không ra chữ nào, sau ba hồi trống liền bị phạt ba chén.
Phó ngũ thiếu gia nói: “Hứng trí cao siêu”.
Triệu Quan nói: “Hay! Hợp cảnh hợp tình.” Phó lục thiếu gia ngâm: “Khí hám giang san”.
Triệu Quan lại tán dương: “Hay! Rất có khí phách.” Một nàng ca kỹ nói: “Đến lượt thiếp: ‘Xướng hí thính ca’.” Mọi người cười rộ, lại một cô nữa lên tiếng: “Lần này là lượt của thiếp: ‘Thụy giác tát kiều’.” mọi người trong tiệc đều cười lớn.
Chuyển lại đến tay tửu lệnh quan, Triệu Quan cười nói: “Đệ nói ra nhất định sẽ bị phạt, chi bằng đệ tự phạt trước ba chén.
Câu của đệ là: ‘Cực lạc sinh bi’.” Mọi người đều nói: “Ngươi phá mất hứng thú, phải phạt mười chén.”
Triệu Quan cười lớn, uống liền mười chén, lại nói: “Được rồi, thêm một lệnh nữa đây, dùng câu bốn chữ, đều dùng từ có tính ẩn dụ, nói về những bộ phận trên cơ thể con người, ngôn ngữ không được hạ lưu.
Đệ thấy ở chỗ này, ai nói đến chỗ nào cũng có thể cùng các vị cô nương thân cận một chút, đệ nói trước: ‘Anh đào tiểu khẩu’.” Nói rồi ôm lấy cô nương bên cạnh hôn một cái.
Mọi người lại cười lớn, nói gã chiếm phần hơn, chỗ hay nhất đã dành lấy trước.
Các vị công tử còn lại tiếp tục truyền nhau, người đọc ‘Đạm tảo nga my’, người đọc ‘Tiễn thủy tinh mâu’, người nói: 'Nhược liễu tiêm yêu', rồi 'Nhu đề thập chỉ', đến Phó tam thiếu nói: 'Tam thốn kim liên' lại sờ vào chân cô nương bên cạnh, bị Triệu Quan chê là hạ lưu, phạt hết năm chén.
Mọi người cười lớn một hồi.
Triệu Quan tuy đọc sách không nhiều, nhưng gã vốn thông minh tinh quái, làm tửu lệnh độc đáo thú vị.
Mọi người đều lần lượt bị phạt, uống đến say khướt.
Sau một trận tửu lệnh, mọi người xúm lại nghe Nhu Khanh ca hát.
Lưu tứ thiếu thấy mọi người đều cực kỳ cao hứng, lại hướng Triệu Quan vẫy tay, đi ra khỏi lương đình, nói: “Giang hiền đệ, chúng ta ra ngoài một chút.”
Lưu tứ thiếu và Triệu Quan nhẹ nhàng đi ra phía ngoài, lại nói: “Hôm nay những khách đến đây có không ít các vị hiệp khách giang hồ, thường ngày không phải đệ nói rất hâm mộ nhân vật võ lâm sao, hôm nay ta giới thiệu vài người cho đệ.”
Lưu tứ thiếu đã từng bái làm đệ tử Thịnh gia, lại thích kết giao với những nhân vật hiệp khách trên giang hồ, hôm nay đến dự yến cũng có hơn trăm người.
Anh ta trước mặt họ cất tiếng chào hỏi, lại giới thiệu với Triệu Quan, đều là những quyền sư hạng nhất trên giang hồ.
Triệu Quan không có gì là hứng thú, chỉ thuận miệng đáp lại mấy câu, sau đó chuồn về hậu viện, cùng các thanh niên ở đó uống rượu hưởng hoa.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...