Thiên Quan Song Hiệp


Buổi tối hôm đó, Hàm Nhi dùng bữa xong, thần hồn toán loạn, ngồi trong khuê phòng, ánh mắt vô thần.

Cha mẹ cô đã ra ngoài vì chuyện giao tế, cô có muốn kể cho họ nghe chuyện xảy ra ban chiều cũng không được, huống hồ người lạ mặt đã cảnh cáo cô không được tiết lộ chuyện này cho bất cứ ai? Càng suy nghĩ, cô càng bối rối.

Cô vốn là bậc thiên kim nhà quan, được nuông chiều từ tấm bé, chuyện lớn chuyện nhỏ trước nay nếu không phải là má má, thì cũng là vú nuôi hoặc là nữ tỳ thân tín trong nhà an bài chu toàn, một chút cũng không phải để tâm đến, bây giờ gặp phải chuyện kinh tâm động phách như lần này, làm cho tâm thần cô bấn loạn, thật không biết làm sao.
Đến quãng giờ Tuất, nữ tỳ như thường lệ, đến phòng cô tháo búi, chải tóc, sửa soạn cho cô đi nghỉ.

Cô nằm trằn trọc trên giường, không sao chợp mắt được, trong lòng cứ nghĩ: “Liệu mình có nên đến chỗ miệng giếng hay không? Có nên ra chỗ hẹn nơi miệng giếng hay không?”
Cô ôn hết những chuyện người đó đã phó thác cho mình, ngẫm đi nghĩ lại trong đầu, nỗi sợ hãi từ từ suy giảm, thay vào đó là hiếu kỳ, bèn thò tay xuống dưới nệm giường lấy ra cái gói mà ông khách lạ đã đưa cho cô.

Trong ánh sáng trăng lờ mờ, cô thấy cái gói đó bọc vải thô mầu xanh, bên trên còn âm ẩm vài vệt máu nâu thẫm.

Hàm Nhi mở cái gói đó ra, thấy có một gói bọc giấy dầu, bên trên gói có một phong thư, bì thư đề bốn chữ “Kính gửi Y Hiệp”, đàng sau có gắn niêm bằng sáp.

Cô đặt phong thư sang một bên, cẩn thận mở gói giấy dầu, thấy có một quyển sách mỏng, bìa sách màu xanh lam đậm, trang bìa không thấy có đề chữ gì cả.

Mở xem trang đầu, cũng không thấy có văn tự gì, cô lần giở tiếp đến hơn ba mươi trang, toàn là giấy trắng.

Hàm Nhi trong lòng cực kỳ thắc mắc, sao quyển sách quan trọng như vậy lại chẳng có một chữ nào? Cô định đốt đèn lên cho sáng để xem cho kỹ hơn, lại e bên ngoài lỡ có ai thấy ánh sáng đèn sẽ ghé lại dò xét, bèn bỏ ý định đốt đèn.

Qua song cửa sổ, cô thấy vầng trăng lưỡi liềm đang treo trên đầu cành, trong lòng chợt hoảng loạn “Bây giờ là giờ gì rồi đây? Giờ Tý là mình phải ra đàng sau nhà chỗ miệng giếng!”
Cô càng lúc càng lo, đưa tay gói lại quyển sách kỹ như ông khách lạ đã gói, về nằm lại trên giường, nghe tiếng giọt nước đồng hồ tí tách rơi, suy nghĩ hồi lâu “Mình cứ ở lì lại trong phòng, không đi đâu cả, ai mà biết được, mình nhất định cứ ở lì tại đây!” Có lúc lại nghĩ “Không, mình có hứa giúp ông ta gì đâu, vậy có gì là thất tín kia chứ.

Ông ta bị thương nặng gần chết, nếu mình không giúp ông việc này, chuyển lời nhắn hộ cho ông ấy, thể nào ông ấy cũng sẽ buồn bực lắm đấy!” Lại nhớ đến lời hăm dọa của ông, như hãy còn văng vẳng bên tai “Nếu cô mà không làm y theo lời ta nhờ, ta lúc chết sẽ biến thành ma quỷ về hỏi tội cô!” Nghĩ đến đó, không khỏi thấy rét run trong lòng.

Cô nhắm mắt cố tìm giấc ngủ, cứ thấy liên tục hiện trước mặt cảnh đánh nhau đổ máu, cứ thấy cái gương mặt nhuộm đầy máu của ông.


Lòng cô bấn loạn “Đi hay không? Có nên đi hay không?”
Vào khoảng giờ tý, Hàm Nhi cuối cùng cũng mặc quần áo, rón rén đẩy cửa bước ra khỏi phòng, lặng lẽ đi về phía hậu viện.

Khu vườn nhà họ Chu tổng cộng có 7 lối ra vào, cô cuối cùng đi tới cửa sau nằm ở bên tiểu viện nơi ở của người giúp việc, toạ lạc bên cái vườn, bên cạnh là nhà bếp, cái giếng duy nhất trong Chu gia nằm ở góc phía đông bắc trong vườn sau lưng nhà bếp.
Hàm Nhi nhẹ nhàng đi qua mấy lớp cửa, luống hoa, khoảnh vườn, vào đến bên ngoài nhà bếp, chỉ nghe thấy bốn bề vắng lặng không một tiếng động, mấy người làm đã sớm ngủ cả rồi.
Cô đẩy cánh cửa lớn nhà bếp, dưới vầng sáng trăng mờ mờ, thấy lửa trong lò bếp vẫn còn lập loè trong bóng đêm.
Cô nắm chặt lấy cái gói dấu trong người, từng bước từng bước đi qua nhà bếp, lên đến chỗ cửa thông ra tiểu viện, cánh cửa đang khép hờ.

Cô theo khe cửa nhìn ra ngoài, chỉ thấy nơi tiểu viện hoàn toàn yên tĩnh, ánh trăng lấp loáng trên miệng giếng, mờ mờ ảo ảo.
Lúc này, Hàm Nhi giật thót mình: “Phong thư, phong thư!” Cô đã quên đem theo phong thư rồi!
Cô vội cúi đầu nhìn lại cái gói, quả nhiên, lúc bọc trở lại tấm vải xanh, đã quên đặt trở lại lá thư vào trong gói.
Hàm Nhi vốn đã lấy hết can đảm mới dám đi đến chỗ này, bây giờ phát hiện quên không đem theo lá thư, đâm ra bấn loạn, muốn quay về tìm, nhưng sợ phải đi đi về về, trong lòng cứ tự thầm trách mình “Hàm Nhi, Hàm Nhi, sao ngươi lại hồ đồ vô ý như vậy chứ”, nhưng lại nghĩ, “Đúng rồi, khi ta gặp được đại nương đó, sẽ giải thích rõ với bà, bảo bà ấy đợi ở đây một tí, ta lập tức quay về lấy phong thư đem trở lại đưa cho bà.”
Đúng vào lúc này bên miệng giếng thấy hiện ra một bóng đen, đang có người ở đấy.

Hàm Nhi trong lòng vui sướng, định bước ra cất tiếng gọi, chân vẫn còn chưa ra khỏi nhà bếp thì người đó đã chú ý đến cô, đột nhiên lướt về phía trước, tông cửa xông vào nhà bếp, đưa tay nắm tay cô, miệng hỏi: “Ai đó.”
Hàm Nhi thấy cổ tay bị xiết như đóng đai sắt, đau quá kêu lên một tiếng.

Người đó bèn đưa tay bịt miệng cô lại, làm cô nghẹn tiếng.

Y bèn nói “Ủa, ta biết rồi.

Mày là con của Trịnh Hàn Khanh, đúng không? Mẹ mày đâu?” Tiếng nói sắc gọn, âm thanh thật cổ quái.

Hàm Nhi nghe tiếng y, đưa mắt nhìn thấy mặt y cực kỳ xấu xí, cằm không râu.
Cô hoảng hốt không biết nói gì, lại nghe thấy người đó kêu khẽ lên, kéo cô lui lại mấy bước liền, Hàm Nhi quay đầu nhìn, chợt thấy một người mặc áo xám không biết từ đâu đến, phóng thẳng về phía trước, rồi hàn quang lóe lên, vung một thanh truỷ thủ tấn công vào người xấu xí, người đó cũng rút ra một thanh đoản đao, “choang choang choang” đã đón đỡ được mấy nhát trủy thủ, và cất tiếng quát, “Không muốn giữ mạng của con bé con nhà ngươi nữa hay sao?” Đột nhiên, y ho lên một tiếng, tựa hồ như đã bị thương, buông tay Hàm Nhi ra, ngã lăn quay xuống đất, người áo xám tiến tới mấy bước, đâm truỷ thủy thẳng vào ngực của gã xấu xí, y không rên được một tiếng nào, chết thảm ngay lập tức.
Dưới ánh trăng, người áo xám quay đầu lại nhìn Hàm Nhi, thấy vẻ kinh hãi của cô, liền hỏi: “Ồ, hoá ra là cô nương, sao cô lại vào đây?”

Hàm Nhi lúc này đã nhìn thấy rõ mặt của người ấy, không ngờ đây chính là Thụy Đại nương, vào làm đầu bếp nơi nhà cô từ hơn một năm nay!
Vị Thụy Đại nương này rất giỏi nấu các món ăn kinh thành, do Dương Đề đốc, bạn thân của cha cô giới thiệu tới.

Hàm Nhi vốn rất thích món thịt viên nhồi tôm bọc da gà của bà nấu, bà ta là đầu bếp, có mặt tại đây cũng không phải chuyện lạ, cái khác lạ là bà ta không ngờ xuất hiện vào lúc canh ba, lại còn ra tay giết người nữa.
Hàm Nhi ngẩn người ra, ấp úng: “Thụy Đại nương...!là ta, bà...”
Thụy Đại nương ra hiệu cho cô im tiếng, bước tới nắm lấy tay cô, nhanh chóng dẫn cô ra khỏi nhà bếp đi đến một góc hậu viện, cẩn thận quan sát bốn phía thấy không có ai rồi mới cúi đầu nhìn Hàm Nhi, hỏi:
“Ai xui cô nương đến đây vậy?”
Hàm Nhi chần chừ không biết đối đáp ra sao, chợt nghe một giọng trẻ con hỏi khẽ: “Mẹ ơi, cha đã đến chưa?”
Lại thấy từ sau giả sơn bước ra một đứa bé, trạc tuổi gần bằng mình, đàng sau lưng đeo một cái bọc, ăn mặc gọn gàng có vẻ đang chuẩn bị đi xa, chính là Bảo Nhi, cô con gái Thụy Đại nuơng.
Bảo Nhi hơn một năm nay cùng mẹ vào ở Chu gia, làm phụ việc trong nhà bếp.

Hàm Nhi từng gặp cô nhiều lần, cô bé đó tính tình lanh lợi, rất được lòng mọi người.

Cô nhìn cả hai mẹ con, chợt rúng động trong lòng: “Đúng rồi, ông khách lạ có nói một đại nương và một tiểu hài, vậy chẳng phải là hai mẹ con đây sao?” Cô dọ hỏi: “Đại nương, có phải là vừa rồi bà định đến bên miệng giếng không?”
Đại nương sắc mặt hơi biến, hỏi: “Đúng vậy, sao cô biết?” Hàm Nhi trả lời “Nhân vì có người nhờ ta đến chỗ miệng giếng gặp một bà và một đứa trẻ để trao lại một món đồ.”
Thụy Đại nương ngưng thần, nghiêm trọng hỏi: “Nhờ cô đưa có phải là một người đàn ông gầy gò, dong dỏng cao, mang họ Trịnh?”
Hàm Nhi gật đầu, thưa: “Đúng thế, ta có nghe thấy người kia gọi ông ấy là Trịnh Hàn Khanh.”
Đại nương vui mừng bảo “Ông ấy là chồng của ta”, rồi lại nhíu mày, hỏi tiếp: “Người kia? Là ai vậy?”
Cô bèn thuật lại sự việc chém giết xảy ra hồi trưa nơi xích đu, kể xong đưa cái gói ra cho Thụy Đại nương, nói “Ông ấy nhờ ta chuyển lại cái gói này, còn nhắn lời là bà phải nhanh chóng đi đến Hổ Sơn, tìm gặp một người...!tên...!gì ấy nhỉ, à gặp một thầy thuốc, nhờ ông ấy bảo trợ cho bà.

Và có nói là phải giao bằng được bức thư lại tận tay Y Hiệp, tối quan trọng...”
Thần sắc Thụy Đại nương mỗi lúc một nặng nề.

hỏi: “Ông ấy còn nhắn gì thêm không?”
Hàm Nhi nhớ lại câu nói của ông trước khi đi đã quày đầu lại bảo cô, bèn đáp: “Ông ấy bảo là món đồ trong cái gói này, tiểu hài không được mở ra xem trước khi hai mươi tuổi, còn nói thêm...!ậm ự...!rằng bố phải ra đi, rằng cô bé phải nhớ cô ta là bảo bối quý nhất đời của ông.” Những lời nói giản dị đó, qua giọng thuật lại của một đứa nhỏ, Thụy Đại nương và cô bé Bảo Nhi vừa nghe vào tai, cả hai bỗng dưng rơi nước mắt.


Hàm Nhi nhìn thấy tình cảnh hai mẹ con, tự nhủ ông khách lạ đúng là bố của Bảo Nhi, ông tự biết là từ giờ trở đi không còn gặp lại được cô con gái cưng nữa, Hàm Nhi trong lòng thấy buồn thương cho họ vô cùng.
Thụy Đại nương hít một hơi thở sâu, nói qua màn nước mắt: “Hàm Nhi, ta cám ơn cô đã giúp chuyển lời, giúp giao lại gói đồ của chồng ta, hai mẹ ta thật hết lòng biết ơn, cảm kích khôn xiết.

Bảo Nhi, cô Hàm Nhi đây đã nhắn truyền hộ lại lời của bố, vậy con hãy cảm tạ cô ấy đi.” Lập tức Bảo Nhi quỳ xuống, hành lễ tạ ơn Hàm Nhi.
Hàm Nhi chợt nhớ tới phong thư bỏ quên, trong lòng cực kỳ hổ thẹn, nói nhanh: “Đừng, đừng...!đứng dậy đi.

Thực ra ta còn bỏ quên phong thư tại phòng, ông ấy muốn ta cùng giao với gói đồ này, phong thư có lẽ rất là quan trọng.

Thật là hồ đồ, ta lại đem bỏ sót trong phòng.

Lỗi quá...”
Chợt nghe có một giọng nói cất lên: “Thụy Đại nương, chồng ngươi đã bị chết dưới tay Hồng đại tổng quản rồi, sao còn không mau đi lo tang sự cho sớm?”
Một giọng khác bảo: “Bắt mụ ấy ngay đi, món tang vật đó nhất định là ở trong người mụ ta!”
Thụy Đại nương thất kinh, quay người lại nhìn, thấy đàng trước mặt có hai người vận y phục Đông Xưởng, cầm phất trần xông vào tấn công.

Thụy Đại nương phản ứng cực nhanh, múa truỷ thủ đỡ đòn, nghe tiếng kim loại va chạm, thì ra phất trần dệt bằng sợi kim loại.

Thụy Đại nương thân thủ linh hoạt, đón đòn và phản công vào những chỗ yếu hại của địch thủ.

Hai tên công sai to tiếng chửi bới, cử phất trần đón đỡ, cả ba người giao phong loạn đả.
Bảo Nhi thấy mẫu thân động thủ, chạy lại bên Hàm Nhi.

Hàm Nhi trong lòng ray rứt về phong thư bỏ quên, bảo cô: “Bảo Nhi, cô và ta hãy mau chạy về phòng lấy bức thư, được không?”
Bảo Nhi nhẹ lắc đầu, trả lời: “Tôi phải ở lại đây chờ mẹ tôi, Hàm Nhi, chị hãy mau về phòng đi, đừng trở ra nữa.

Bọn ta đánh lui chúng xong, sẽ đến tìm chị lấy thư.

Chạy nhanh lên, đi đi.”
Hàm Nhi bị cô ta đẩy, lại nghe tiếng binh khí chạm nhau không dứt, trong lòng hoảng loạn, vội chạy thật nhanh về phía nhà trước.


Cô vừa chạy, vừa ngoái đầu trông lại, may mắn không bị ai đuổi theo.

Cô hoảng hốt vào phòng, tiếng bước chân chạy thình thịch, làm cho ả nha hoàn thức giấc.

Ả ta nhỏm dậy, thấy Hàm Nhi thở hồng hộc, liền hỏi: “Nửa đêm mà tiểu thư còn đi đâu về vậy?”
Hàm Nhi không để ý đến ả, chạy nhanh vào phòng, chụp lấy phong thư, trong lòng nóng như có lửa đốt, nhủ thầm: “Ta nhất định phải giao lá thư cho họ.” Cô chạy ngược trở về phía hậu viện.

Chừng độ một tuần trà, đến nơi chỉ thấy tối tăm, vắng lặng, không còn tiếng đánh nhau, Thụy Đại nương và hai người kia cũng không thấy tại nơi đó nữa.
Hàm Nhi trong lòng nghi hoặc, tự hỏi: “Bọn họ đi đâu cả rồi? Biết tìm họ ở đâu bây giờ?” Lại nghĩ “Bảo Nhi có nói là sẽ đến tìm ta lấy thư, vậy minh phải trở về phòng ngay.”
Đang định quay gót trở về phòng, hốt nhiên thấy nửa người trên chợt tê cứng, hoá ra đang bị một người ôm chặt mình ngang hông.

Hàm Nhi thất kinh, toan mở miệng hô hoán, thì bị người đó đưa tay bịt miệng.

Rồi cô thấy bị người đó xách chạy nhanh đi, vượt lên cao, nhảy xuống thấp, tựa hồ đang nhắm ngả hậu viện phóng ra ngoài.

Trong lòng cô cực kỳ hốt hoảng, cố gắng giãy giụa, nhưng chẳng vùng thoát ra được.
Sau khi chạy được một thôi đường, cao thủ đó dừng bước, lại nghe bên cạnh có tiếng người nói: “Vuột mất một con cá lớn, tóm được một con cá nhỏ, cũng có chút công lao không nhỏ!”
Thấy người đang ôm mình trả lời: “Thế là thế nào? Nhỏ với chẳng nhỏ! Cái thằng họ Trịnh đã chết mất rồi, chẳng thể bắt về được nữa, Hồng Tổng quản nổi giận mù trời đất, nếu bọn mình trở về tay không, sợ khó toàn mạng!” Người kia đáp: “Cũng không tệ lắm đâu, sáng sớm mai, bọn mình đưa con bé xíu này nộp tổng quản, đái công chuộc tội!”
Hàm Nhi nghe họ nói, đoán là họ nhầm mình với Bảo Nhi, lòng rất lo âu, muốn biện bạch rằng cô chẳng phải cô bé ấy, nhưng mồm đã bị người ta nhét một nắm giẻ vào, không nói ra tiếng được, đầu lại bị trùm kín trong một cái bao, tay chân bị trói, ném nằm lăn lóc trên mặt đất.

Hàm Nhi chưa bao giờ bị đối xử tàn tệ như vậy, trong lòng thấy càng lúc càng giận dữ, trộn thêm hãi sợ, cất tiếng khóc!
Mới nức nở hai tiếng, đã thấy thân trên trúng phải một cước đau điếng.
Một người thoá mạ: “Con nhỏ hôi thối này, khóc lóc gì! Còn khóc nữa, ông giết chết bây giờ!”
Hàm Nhi nước mắt giàn giụa, đành cố gắng giữ, khóc không ra tiếng, lại nghe tiếng hai người đó ngồi bên cạnh, thỉnh thoảng trao đổi nói chuyện, Nghe họ nói, biết họ là thị vệ trong cung, một người họ Vưu, tên Tuấn, người kia họ Ngô, tên Cương.

Qua câu chuyện, được biết Trịnh Hàn Khanh tiềm nhập vào cung, lấy trộm đi mất một vật tối quan trọng.

Hồng tổng quản hạ lệnh trọng thưởng cho ai bắt được thủ phạm đem về nộp, nếu không bắt được, sẽ bị phạt nặng, và đã có khá nhiều cao thủ thị vệ bị thiệt mạng trong tay Trịnh Hàn Khanh...!vân vân...
Hiển nhiên, hai người thị vệ trước sự việc không nắm rõ hết duyên cớ, chỉ đưa ra những lời phỏng đoán, chuyện vãn cả nửa ngày không dứt! Hàm Nhi thấy thời gian dường như dài dằng dặc, vừa khóc thầm, vừa bi lụy trong lòng, rồi cô dần dà thiếp vào giấc ngủ mê.
--- Xem tiếp hồi 3 ----


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui