Hôm đó, thuyền đội về gần đến Dương Châu, Triệu Quan theo Điền Trung ra đứng ở mũi thuyền.
Đột nhiên cậu bé cảm thấy trong lòng phấp phỏng bèn hỏi: “Điền đại ca, sắp đến Dương Châu rồi nhỉ?”
Điền Trung đáp: “Ngày mai là đến thôi.”
Triệu Quan trầm ngâm một lát, đột ngột hỏi: “Giang Nam Bang có cừu hận gì với Thanh Bang các huynh à?”
Điền Trung ngây ra, hỏi lại: “Sao tiểu huynh đệ lại hỏi vậy?”
Triệu Quan trả lời: “Lúc đệ ở Tô Châu nghe được một người tên Lang Hoa, làm cái gì tam đầu mục của Giang Nam Bang, đã giết sạch binh lính của trạm tuần tra, tráo đổi y phục của binh lính, rồi nói sẽ trà trộn lên thuyền của các huynh mà không để lộ dấu vết, đến Dương Châu sẽ lại ra tay.” Trí nhớ của nó rất tốt, nghe thấy Lang Hoa nói vậy nên ghi nhớ trong lòng, giờ Điền Trung tử tế với mình, thấy rằng phải cho họ Điền biết bèn kể ra.
Điền Trung lấy làm kinh hoàng: “Thật sao? Ta lập tức đi điều tra!”
Quả nhiên, chỉ sau một hồi tra xét đã tìm ra gian tế trà trộn lên thuyền, kẻ này giả làm quân lính nên suốt dọc đường không bị bất kỳ người nào trên thuyền để ý.
Điền Trung lại liên lạc với bang chúng Thanh Bang gần đó đến hiệp trợ, cùng ngăn chặn âm mưu cướp lương của Giang Nam Bang.
Nhớ lại chuyện kinh hiểm vừa qua, y không khỏi đổ mồ hôi lạnh ướt đầm lưng, tự nhủ: “Ta lần đầu tiên chỉ huy đã gặp phải chuyện nhức đầu thế này.
Ngộ nhỡ không có tin tức của Triệu huynh đệ, có khi lỡ mất đại sự rồi!” Bất giác cảm thấy mừng vì lần đó đã không giết hài tử này, đối đãi càng thêm phần kính nể.
Triệu Quan cùng Chu Hàm Nhi cưỡi thuyền vận lương của Thanh Bang ngược bắc, ăn uống rồi ngắm phong cảnh, tâm trạng rất đỗi thoải mái.
Một thời gian sau, thuyền đội do Điền Trung chỉ huy cũng đến được kinh thành một cách hanh thông.
Trước lúc tạm biệt Điền Trung, thình lình Triệu Quan bảo: “Đại ca, dọc đường huynh chiếu cố cho đệ thật chu toàn, đệ không nên giấu chuyện đã lừa đảo huynh.
Kỳ thật lần trước tỷ thí công phu dưới nước với huynh, đệ thắng hoàn toàn là nhờ vào mánh khóe.”
Điền Trung ngây mặt: “Mánh khóe gì?”
Triệu Quan đáp: “Lúc đó đệ cố ý muốn uống rượu với huynh, uống xong thì mang theo bình rượu rỗng xuống nước, hút không khí trong đó mà hô hấp, tất nhiên phải ở trong nước được lâu hơn.”
Điền Trung nghe vậy, cười ha hả: “Tiểu huynh đệ thông minh thật!” Rồi vỗ nhẹ lên vai Triệu Quan: “Đệ vốn không cần phải cho ta biết, nhưng lại nói ra sự thật đủ thấy đệ quang minh lỗi lạc thế nào.
Hơn nữa không nhờ đệ, ta làm sao mà phá được âm mưu của Giang Nam Bang.
Lão ca ca nợ đệ nhiều như vậy còn để ý đến chuyện vặt vãnh đó làm gì?”
Triệu Quan cười: “Đệ coi huynh là bằng hữu nên không thể lừa dối được.
Không nói ra thì sau này đệ không yên lòng.”
Điền Trung cảm động vô cùng: “Triệu tiểu huynh đệ, xưa nay ta chưa từng gặp qua hài tử nào như đệ.
Đợi đệ lớn thêm một chút, nếu có ý gia nhập Thanh Bang, Điền Trung ta nhất định sẽ toàn tâm toàn ý tiến cử với bang chủ.”
Triệu Quan mỉm cười: “Xin đa tạ đại ca trước.” Trong lòng nó lại nghĩ: “Ta sợ nhất là phải chịu khổ, năm nào các người cũng vận lương như khổ sai thế này, ta không dám đâu.”
Triệu Quan từ biệt Điền Trung rồi dẫn Hàm Nhi vào thành.
Nó hỏi han một hồi, nhanh chóng biết được Chu phủ tọa lạc ở phía nam thành, liền thuê một cỗ xe ngựa đưa Hàm Nhi đến tận cổng Chu gia.
Phủ đệ cực kỳ hoành tráng, cả đời Triệu Quan chưa được thấy qua phủ đệ nào lớn như ở kinh thành này, cứ tấm tắc mãi, bảo Hàm Nhi: “Không ngờ muội lại là thiên kim nhà quyền quý, quả nhiên đã không lừa huynh.
Chu đại tiểu thư, không vào nhà à?”
Hàm Nhi nhìn thấy ngôi nhà thân yêu xa cách đã lâu, cảm giác như đang trong mộng, mừng đến bật khóc, đột nhiên cô bé nắm tay Triệu Quan nói: “Huynh cùng muội vào nhà, được không?”
Triệu Quan lắc đầu, nó không muốn vào gặp cha mẹ Hàm Nhi nên gạt đi: “Thuyền của Thanh Bang sắp nhổ neo rồi, huynh không muốn để Điền đại ca phải đợi.”
Hàm Nhi vẫn quấn quít: “Huynh đừng đi, có được không?”
Triệu Quan lại cười: “Thôi nào, Chu đại tiểu thư chắc không định giữ huynh lại làm người hầu để sai khiến chứ?”
Chu Hàm Nhi ngẩn người: “Muội không có ý đó.
Muội chỉ muốn cha mẹ gặp huynh nói câu đa tạ thôi.”
Triệu Quan lắc đầu, thần thái nghiêm túc lại: “Huynh không cần cha mẹ muội đa tạ, cũng không cần muội phải đa tạ.
Huynh chỉ mong suốt đời này muội nhớ đến những điều tốt đẹp của huynh là được.”
Nghe cậu bé nói vậy, Hàm Nhi nhìn cậu chằm chằm, nói rất nghiêm chỉnh: “Muội nhớ rồi.”
Triệu Quan lại ha hả cười vang: “Huynh chỉ đùa một chút với muội thôi.
Chu đại tiểu thư, hẹn tái kiến!” Cậu bé quay người cất bước, thoáng sau đã khuất bóng ở góc đường.
Từ lúc Hàm Nhi bị Ngô Cương cùng Vưu Tuấn bắt đi đến lúc quay về nhà cũng đã hơn nửa năm.
Phu phụ Chu Minh Đạo tìm ái nữ khắp kinh thành không có kết quả, vốn không còn hi vọng nữa, giờ thấy cô bé bình an trở về vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ.
Chu đại nhân bế cô bé mà nước mắt chan hòa, Chu phu nhân thì liên tục lạy tạ Bồ tát.
Hai người hỏi những chuyện từ lúc thất tung đến lúc đó, Hàm Nhi nhất nhất kể lại.
Chu Minh Đạo thấy con gái bị hai thị vệ trong hoàng cung bắt đi bèn lập tức thông tri cho vị hảo hữu họ Dương đang làm Đề đốc kinh thành hạ lệnh truy nã hai người Ngô, Vưu.
Nhưng nghe đến chuyện người không quản ngàn dặm xa xôi đưa cô bé từ Tô Châu về kinh thành lại là một cậu bé con nhà kỹ viện cùng tuổi thì hai vợ chồng đều không tin.
Chu phu nhân là tín đồ theo Phật, cho rằng tiểu nam hài nhất định là sứ giả do Quan âm bồ tát phái xuống, hóa thân hạ phàm bảo vệ cho Hàm Nhi.
Chu đại nhân thì cho rằng người đó tất là kỳ nhân chốn giang hồ, vì luyện công phu đặc dị nào đó mà hình hài trông như hài đồng, thật ra đã là người truởng thành rồi.
Hàm Nhi biết Triệu Quan tịnh không phải sứ giả của Bồ tát hay dị nhân giang hồ gì hết, Triệu Quan chỉ là Triệu Quan.
Cả ngày cô bé nằm trong phòng, đắp tấm chăn gấm ấm áp nhớ đến dáng vẻ vừa đáng yêu vừa đáng ghét, ánh mắt lanh lợi thích trêu cợt người ta, nụ cười nghịch ngợm của cậu bé cùng những chuyện cùng trải qua trên đường mà cảm thấy ấm lòng, khóe miệng bất giác hé cười, một lúc sau thì chìm vào giấc mộng.
Lúc đó cô bé nào biết rằng những ngày yên ấm không còn dài.
Vào một ngày mùa đông mấy năm sau, một đám quân binh cầm đuốc xông vào nhà cô, không nói năng gì, trói gô Chu Minh Đạo dẫn đi.
Hàm Nhi cùng mẹ sợ hãi, mặt mày tái xanh tái xám, lục thần vô chủ.
Cô bé hỏi mẹ: “Vì sao họ lại bắt cha đi?” Chu phu nhân chỉ biết lắc đầu khóc ròng: “Mẹ cũng không biết.”
Mấy ngày sau, Hàm Nhi theo mẹ vào trong nhà lao thăm cha, tiếp tế đồ ăn và quần áo.
Cô thấy người cha phong độ ngày nào giờ mặc áo tù, ngồi trong nhà lao ô uế, thối hoăng, trên mình đầy vết máu do bị tra khảo, sợ quá không ngừng khóc lóc.
Cha cô nói không ra hơi, chỉ phều phào dặn phu nhân rằng đại nạn đã ập xuống đầu nhà họ Chu, mau chóng dẫn mọi người lánh đi, lại dặn con gái rượu phải nghe lời mẫu thân.
Ngày hôm sau, tin tức của Chu gia đã lan đi khắp thành, Chu phu nhân theo lời căn dặn của chồng, gạt lệ nhanh chóng thu thập của nả trong nhà, đưa con chạy sang những nhà thân thích lân cận.
Hàm Nhi theo mẹ bôn ba lặn lội, gõ cửa liền mười gia đình bạn bè thân cận của cha cầu khẩn đủ đường nhưng đều bị cự tuyệt từ ngoài cửa.
Tiết đông năm đó gió tuyết cực kỳ buốt giá, hai mẹ con vất vưởng ngoài đồng quê, không có nơi để nhờ vả, cuối cùng đành đến Cao Bưu cách đó hàng trăm dặm, tìm nhà biểu huynh của Chu lão gia là Lý thúc thúc.
Lý thúc thúc trong lòng không nỡ, giữ hai mẹ con lại, vì sợ bị người ta phát hiện đành phải để hai người ở trong chuồng ngựa hậu viện.
Được mấy hôm thì Chu phu nhân nhận được tin Chu lão gia thảm tử do không chịu nổi cực hình trong ngục, khóc mãi không ngừng, ngất đi tỉnh lại không ngớt kêu gào: “Lão gia ơi, tôi không được nhìn mặt ông lần cuối rồi!” Chuồng ngựa lạnh lẽo, lại gặp đả kích tinh thần lớn lao, bà không chịu nổi, ít lâu sau nhiễm cảm lạnh, được độ nửa tháng thì qua đời.
Trong vòng một tháng, Chu Hàm Nhi mất cả cha lẫn mẹ, tuổi cô bé mới lên mười, từ bé đã sống trong nhung lụa, nay thân thế gặp phải tai biến nhưng mỗi ngày ngoài khóc lóc ra không biết làm gì.
Lý thúc thúc thấy quan phủ truy lùng gắt gao, sợ vạ lây, tự nhủ: “Ta mạo hiểm giữ mẹ con nó lại qua mùa đông cũng là nghĩa khí lắm rồi.
Hiện giờ Chu đại tẩu đã mất, con bé này không thể kế thừa hương hỏa Chu gia, nuôi nó thì có ích gì? Nếu cứ giữ nó lại, chỉ e nhà mình cũng gặp họa diệt môn.”
Bèn liên lạc với đám buôn người bán cô bé đến Thiên các ở Yên Thủy tiểu lộng thành Tô Châu.
Hạ má má của Thiên các phái người đến xem hàng, thấy Hàm Nhi có thể mang lại món hời liền thương lượng giá tiền với Lý gia rồi kêu người dẫn cô bé đi.
Lúc đó là đầu hạ, Hàm Nhi theo chân Thạch a di của Thiên các rời Cao Bưu đến Tô Châu, bước chân vào Yên Thủy tiểu lộng.
Lần thứ hai này tình cảnh hoàn toàn khác, giờ không có ai có thể đưa cô thoát khỏi tiểu lộng về nhà, cô cũng không còn nhà để về.
Cô bé không còn là thiên kim, mà chỉ là con hát tự bán thân.
Tháng ngày sống trong Thiên các không vui sướng gì, Hạ má má hung ác nghiêm khắc, cô nương dưới tay có điểm nào không nghe lời thì đánh mắng không tiếc tay.
Từ khi đến Thiên các, Hàm Nhi không có ngày nào được ăn no, được ngủ trọn giấc.
Mấy năm qua đi, Hàm Nhi từ một cô bé con đã trở thành một cô nương, những giọt nước mắt ngày xưa hơi tí là đổ xuống đã sớm khô cạn.
Nhiều năm về sau này, Chu Hàm Nhi rốt cuộc cũng có lúc ngẩng đầu lên được, trở thành cô nương đứng đầu của Thiên các.
Năm đó cô bị ác nhân bắt mang đến Tô Châu, suýt nữa bị bán đi, phải chăng là lời tiên đoán rằng vận mệnh cô sẽ sa đà vào chốn phong trần mà không có cách nào nghịch lại?
Mãi khi lớn lên, Hàm Nhi mới hiểu được nguyên do nhà mình gia phá nhân vong.
Thì ra lúc đó một vị bằng hữu thân cận của cha cô đã xúc phạm quan đại thần Nghiêm Tung, họ Nghiêm nắm quyền nhiều năm, quyền thế nghiêng trời, luôn đuổi tận giết tuyệt những kẻ không ăn cánh; cha cô vì thế mà vạ lây, bị tống vào ngục rồi thảm tử chốn lao tù.
Trái tim non đau đớn nhưng một kẻ đơn độc, yếu nhược lưu lạc trong chốn phong trần như cô giữ được tính mệnh đã khó lắm rồi, còn nói gì đến những chuyện xa vời?
Trong lòng cô vẫn giữ một ý niệm ngốc ngếch về những chuyện xảy ra với mình.
Có lẽ bản thân cô gặp những tai biến này vì đã không tuân theo lời dặn dò của hắc y nhân, sơ xuất không chuyển giao lá thư trọng yếu đó cho Thụy đại nương và Bảo Nhi? Sau khi hắc y nhân chết đi chắc đã biến thành ác quỷ ám vào cô? Cô không biết có phải thế không, chỉ thấy muôn phần ăn năn, sám hối.
Cô vẫn cẩn thận gìn giữ lá thư đó, đợi cho đến khi Thụy đại nương và Bảo Nhi đến lấy và ảo tưởng về một ngày nào đó tự mình rũ sạch mọi lỗi lầm, thoát khỏi những đau khổ chốn phong trần.
Ngoài lá thư còn có một vật nữa cô vẫn giấu trong ngực áo, là một vuông khăn tay.
Chính là vuông khăn Triệu Quan đã gói điểm tâm mang cho cô ăn ngày đó, tuy cũ mèm, sờn rách nhưng cô quý như tính mệnh.
Lúc mới đến Yên Thủy tiểu lộng, cô cũng từng dò hỏi người ta tin tức về Tình Phong Quán và Triệu Quan mới biết Tình Phong Quán không may gặp phải hỏa hoạn, bị một ngọn lửa rừng rực đốt trụi thành bình địa, các cô nương cùng mọi người trong quán đều bị thiêu chết, kể cả Triệu Quan cũng chung số phận.
Hàm Nhi đau đớn vô cùng, từng đến bên ngôi Tình Phong Quán bị thiêu hủy đó đặt một bó hoa tươi, âm thầm khấn vái, nhỏ lệ khóc thương cho nam hài nhi đã mạo hiểm đưa cô quay về nhà, giờ vĩnh viễn không còn trên đời nữa.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...