Chạnh nhớ hương xưa hoa hé nụ,
Thầm thương chốn cũ nét vờn tranh.
*
* * C ả bọn Đoàn Dự ngựa không dừng vó nhưng từ Linh Châu đi Cao Châu, Tần Châu qua phương đông về Hán Trung, ngang qua Quảng Nguyên, Kiếm Các rồi tới Thục Bắc đường đi nào chỉ một ngày.
Trên đường liên tiếp nhận được tin tức của quần nữ hai bộ Huyền Thiên, Chu Thiên cung Linh Thứu truyền tới cho biết Trấn Nam Vương đang đi về hướng nam. Có một lần tin tức nói là hai nữ quyến Trấn Nam Vương dẫn theo, ở Tử Đồng đánh nhau một trận không phân thắng bại.
Đoàn Dự biết là hai phu nhân, một người là mẫu thân của Mộc Uyển Thanh Tần Hồng Miên còn người kia là mẹ của A Châu, A Tử Nguyễn Tinh Trúc. Luận võ công thì Tần Hồng Miên có vẻ giỏi hơn, về mưu trí thì Nguyễn Tinh Trúc lại vượt trội nhưng nhờ có cha mình ở giữa hòa giải nên không thành lớn chuyện. Quả nhiên cách hai ngày sau lại có tin truyền đến, hai vị phu nhân đã làm lành với nhau, cùng Trấn Nam Vương uống rượu tại một tửu quán. Huyền Thiên Bộ cũng đã cáo tri với Trấn Nam Vương là có kẻ đối đầu đang tính đường gia hại.
Trên đường đi Đoàn Dự đã cùng Ba Thiên Thạch, Chu Đan Thần thương nghị mấy lần, ai cũng thấy kẻ thù trừ người số một trong Tứ Đại Ác Nhân là Đoàn Diên Khánh ra không còn ai khác. Đoàn Diên Khánh võ công cực cao, nước Đại Lý trừ chính Bảo Định Đế ra không ai có thể địch nổi, nếu y đuổi theo gây chuyện với Trấn Nam Vương thì quả thật đáng lo.
Trước mắt chỉ còn cách cố gắng đi thật nhanh để gặp được Trấn Nam Vương, cùng góp sức để có thể đấu với Đoàn Diên Khánh. Ba Thiên Thạch nói:
- Chúng mình một khi gặp Đoàn Diên Khánh, thì một liều ba bảy cũng liều, tất cả cứ xông lên lấy đông đánh ít, đừng để lâm vào vết xe cũ nơi Tiểu Kính Hồ, để y đơn đả độc đấu với vương gia.
Chu Đan Thần nói:
- Chính thế! Bọn mình ở đây có Đoàn thế tử, Mộc cô nương, Chung cô nương, Vương cô nương, hai chúng ta, thêm vương gia và hai vị phu nhân, lại còn Hoa tư đồ, Phạm tư mã, Cổ đại ca tất cả bấy nhiêu người, có thêm các cô nương trong Linh Thứu Cung tương trợ. Người nhiều thế mạnh, nếu không giết nổi Đoàn Diên Khánh thì cũng không thể để cho y hiếp đáp được.
Đoàn Dự gật đầu đáp:
- Ta cũng nghĩ thế.
Đoàn người đến Cẩm Châu bỗng nghe có tiếng vó ngựa dồn dập từ phía trước, hai kỵ mã chạy đến. Hai người đàn bà từ trên lưng ngựa nhảy xuống kêu lên:
- Thuộc hạ Huyền Thiên Bộ cung Linh Thứu tham kiến Đại Lý Đoàn công tử.
Đoàn Dự vội vàng hạ mã đáp lễ:
- Hai vị quả là gian khổ, không biết đã gặp gia phụ chưa?
Người đàn bà trung niên bên phải đáp:
- Khải bẩm công tử, Trấn Nam Vương sau khi nhận được lời cảnh giác của chúng thuộc hạ thì đã đổi đường đi qua hướng đông, nói là sẽ vòng một vòng lớn trước khi về Đại Lý để khỏi gặp phải kẻ đối đầu.
Đoàn Dự nghe nói thế mới yên tâm, vui mừng nói:
- Thế thì hay lắm. Thân thể vàng ngọc của gia gia, lẽ nào lại đi tranh hơi với bọn hung đồ? Tránh voi chẳng xấu mặt nào, thứ hùm beo rắn rết
mình kiềng mặt chúng là hơn chứ có phải sợ gì đâu. Thế hai vị có biết đối đầu là ai không? Tin tức từ đâu mà có?
Người đàn bà đáp:
- Đầu tiên là Cúc Kiếm cô nương nghe một cô nương khác cho hay. Vị cô nương đó tên gọi A Bích ...
Vương Ngữ Yên vui mừng ngắt lời:
- Thì ra là A Bích. Đã lâu nay ta không gặp cô ấy.
Đoàn Dự tiếp lời:
- À, thì ra A Bích cô nương, ta biết cô đó. Cô ta vốn dĩ là thị tì của Mộ Dung công tử.
Người đàn bà nói:
- Quả đúng như thế. Cúc Kiếm cô nương nói rằng, A Bích cô nương và cô ta tuổi tác chẳng chênh lệch bao nhiêu, mặt mũi xinh xắn thật dễ thương, có điều giọng Giang Nam nên nói chuyện nghe chẳng hiểu rõ cho lắm. A Bích cô nương là đệ tử của Khang Quảng Lăng, sư điệt của chủ nhân chúng tôi, nói đúng ra với cung Linh Thứu cũng là người một nhà. Cúc Kiếm cô nương nói là chủ nhân cùng đi với công tử đến hoàng cung để cầu thân, A Bích cô nương cũng định đi Tây Hạ gặp Mộ Dung công tử. Trên đường nghe được tin có một nhân vật cực lợi hại muốn gây sự với Trấn Nam Vương, cô ta bảo Đoàn công tử đãi cô rất tốt nên nhờ chúng tôi tìm cách đưa tin đến công tử.
Đoàn Dự nhớ lại lần mới gặp A Bích ở Cô Tô, cũng nhờ cô ta và A Châu dẫn đường nên mới biết đến Vương Ngữ Yên, lần này lại chính nàng truyền tin, trong lòng hết sức cảm kích bèn hỏi:
- Vị A Bích cô nương đó bây giờ đang ở đâu?
Người đàn bà trung niên đáp:
- Thuộc hạ không biết. Đoàn công tử, cứ như lời của Mai Kiếm cô nương, kẻ gây chuyện với Đoàn vương gia thật là lợi hại. Chính vì thế Mai Kiếm cô nương không đợi chủ nhân ra lệnh đã sai Huyền Thiên, Chu Thiên hai bộ ra tay, công tử cũng nên cẩn thận.
Đoàn Dự nói:
- Đa tạ đại tẩu phí tâm tận lực, quí tính đại tẩu là chi, lần sau nếu ta có gặp nhị ca sẽ nhắc tới.
Người đàn ba kia cực kỳ hoan hỉ, cười nói:
- Bọn thuộc hạ Huyền Thiên, Chu Thiên tất cả mọi người trong hai bộ đều cùng làm, công tử chẳng cần phải đề cập tiện danh làm gì. Công tử gia có hảo tâm như thế, tiểu phụ nhân xin đa tạ.
Nói rồi cùng người đàn bà kia kéo vạt áo lên hành lễ, cất tiếng chào những người khác rồi lên ngựa ra đi. Đoàn Dự hỏi Ba Thiên Thạch:
- Ba thúc thúc nghĩ chuyện này ra sao?
Ba Thiên Thạch đáp:
- Vương gia nếu đã đi vòng qua hướng đông thì mình cứ tiếp tục xuôi nam, có lẽ sẽ gặp vương gia ở Thành Đô.
Đoàn Dự gật đầu đáp:
- Chính thế.
Cả đoàn đi qua Cẩm Châu, đến Thành Đô. Thành Cẩm Quan phồn hoa trù phú ở phía tây nam. Bọn Đoàn Dự ở trong thành du ngoạn mấy ngày vẫn không thấy Đoàn Chính Thuần đến nơi, ai nấy thầm nghĩ: "Trấn Nam Vương có hai vị phu nhân bầu bạn, trên đường du sơn ngoạn thủy hưởng cái thú ôn nhu diễm phúc nên có đi chậm một chút cũng không sao. Về đến Đại Lý thì đâu còn có thể tiêu dao khoái lạc được nữa".
Cả đoàn lại tiếp tục đi về hướng nam, mỗi một bước lại gần Đại Lý thêm một bước, trong lòng cũng cảm thấy thư thái hơn. Trên đường đi qua nhiều thành thị hoa lệ nhưng Đoàn Dự không dám thân mật với Vương Ngữ Yên sợ Mộc Uyển Thanh và Chung Linh khó chịu, cũng không dám nhạt nhẽo với hai cô em gái. Mộc Uyển Thanh trên đường đi đã cho Chung Linh hay Đoàn Dự chính là huynh trưởng của hai người, Chung Linh đích thực là con Đoàn Chính Thuần nên hai nàng đổi sang chị chị em em, thấy Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên hai người nói nói cười cười,
thần thái thân mật chỉ đành ngậm đắng nuốt cay chứ biết làm sao bây giờ.
Đến chiều hôm đó lúc sắp đến Dương Liễu Trường thì tiết trời thay đổi, mưa từng giọt to bằng hạt đậu rơi ào xuống. Mọi người vội vàng giục ngựa chạy cho nhanh tìm chỗ trú mưa, qua một rặng liễu thấy bên bờ sông có bảy tám căn nhà tường trắng ngói đen, ai nấy mừng rỡ vội đánh ngựa chạy đến. Đến nơi thấy một ông già chắp tay sau lưng đang nhìn mây đen ùn ùn dâng lên ở cuối chân trời.
Chu Đan Thần nhảy xuống ngựa, tiến lên chắp tay nói:
- Chào lão trượng, tại hạ một đoàn người đi đường xa, mong được vào bảo trang đụt mưa một lát.
Ông lão đáp:
- Không dám! Không dám! Ai chả có lúc cơ nhỡ có người nào đi đường mà vác theo cả cái nhà mình bao giờ? Mời liệt vị quan nhân, cô nương vào.
Chu Đan Thần nghe ông ta ăn nói rõ ràng, không phải giọng miền nam, hai mắt lấp lánh hữu thần, trong bụng không khỏi dè dặt, chắp tay nói:
- Vậy xin đa tạ.
Mọi người vào cửa rồi, Chu Đan Thần chỉ Đoàn Dự nói:
- Vị này là Dư công tử chủ nhân chúng tôi đi lên Thành Đô thăm song thân trở về. Vị này là Thạch lão ca, còn tại hạ họ Trần. Không dám lão trượng quí tính là chi?
Lão hán kia cười ha hả nói:
- Lão hủ họ Giả. Dư công tử, Thạch đại ca, Trần đại ca, mấy vị cô nương, xin mời vào nội đường uống chén trà. Cứ xem điệu này chắc mưa sắp đổ xuống rồi đây.
Bọn Đoàn Dự thấy Chu Đan Thần xưng tên họ giả biết ngay có chuyện gì đáng ngờ thành thử ai nấy đều lưu tâm. Ông già họ Giả dẫn mọi người đến một căn phòng. Trong phòng trên tường treo mấy bức tự
họa, trần thiết có chiều nhã khiết, xem ra không phải là nhà của một dân quê, Chu Đan Thần và Ba Thiên Thạch hai người vừa thoáng thấy, lại càng giữ ý.
Đoàn Dự thấy những bức họa đều do tay tầm thường vẽ nên cũng chẳng xem kỹ làm gì. Ông già họ Giả nói:
- Để lão đi ra bảo người đun trà.
Chu Đan Thần đáp:
- Không dám làm phiền lão trượng.
Giả lão cười nói:
- Chỉ e tiếp đãi quí nhân không chu đáo thôi.
Nói xong quay mình đi ra, khép cửa phòng lại. Cửa vừa đóng rồi, đằng sau cánh cửa lộ ra một bức tranh, trên vẽ mấy đóa sơn trà thật lớn, một đóa màu đỏ tươi mơn mởn, một đóa màu trắng cành tuy gầy guộc nhưng mạnh mẽ xanh tươi.
Đoàn Dự nhìn đóa hoa trong lòng tự nhiên vui vẻ, thấy bên cạnh bức tranh có đề một hàng chữ:
Trà hoa tối giáp hải nội, chủng loại thất thập hữu nhất, đại ư mẫu đơn, nhất vọng nhược hỏa ( ) vân ( ), thước nhật chưng ( ).
Cả câu viết để trống mấy chỗ, chính là một câu trích trong Điền Trung Trà Hoa Ký, Đoàn Dự vốn đã thuộc lòng, rõ ràng "hoa trà có bảy mươi loại, trong đó có hai" thì lại viết là "bảy mươi loại, trong đó có một". Chàng liếc mắt thấy trên bàn có sẵn văn phòng tứ bảo, nhịn không nổi giơ bút chấm mực ngay chữ "nhất" vạch thêm một nét ngang thành chữ "nhị", dưới chữ "hỏa" thêm một chữ "tề", dưới chữ "vân" thêm một chữ "cẩm", dưới chữ "chưng" thêm một chữ "hà".
Thêm vào mấy chữ rồi, câu đề biến thành:
Đại Lý trà hoa tối giáp hải nội, chủng loại thất thập hữu nhị, đại ư mẫu đơn, nhất vọng nhược hỏa tề vân cẩm, thước nhật chưng hà.2
Những chữ đó viết theo lối của Chử Toại Lương, Đoàn Dự cũng theo đúng kiểu đó thêm vào, không dấu vết gì để người khác biết được là đã sửa đổi. Chung Linh vỗ tay reo lên:
- Dự ca thêm vào như thế, bức tranh mới hoàn toàn không còn khuyết điểm gì nữa.
Đoàn Dự bỏ bút xuống chưa lâu thì Giả lão đã đẩy cửa bước vào, thuận tay đóng lại, thấy bức họa đã điền vào đầy đủ, mặt mày tươi rói, cười nói:
- Thật quí hóa quá! Tiểu lão nhi quả là thất kính. Bức tranh này do một người bạn cũ vẽ nhưng trí nhớ lại không tốt, lúc đề tự quên mất mấy chữ bảo là về nhà tra lại sách vở, lần sau đến sẽ viết thêm vào. Ôi, ngờ đâu y về nhà chưa lâu, bị bệnh không trở dậy được nữa, từ đó không ai điền vào được. Đâu có ngờ Dư công tử thông kim bác cổ, giúp cho lão hủ và người bạn quá cố hoàn thành tâm nguyện, dọn rượu, dọn rượu mau.
Y vừa nói vừa đi ra quát người nhà làm cơm. Chẳng mấy chốc, ông già họ Giả đã thay một trường bào mới ra mời bọn Đoàn Dự vào trong sảnh uống rượu. Mọi người nhìn ra ngoài cửa sổ thấy trời mưa như trút, làm thành hàng trăm dòng suối nhỏ chảy về phía đông, biết không thể nào ra đi được lại thấy Giả lão ý thành, không thể nào từ chối được đành phải vào trong nhà thấy trên mâm đã bày cá tươi, thịt heo, gà vịt, rau cỏ xếp đầy hàng chục bát. Đoàn Dự cả bọn cám ơn rồi ngồi vào bàn.
Ông già rót rượu ra cười nói:
- Chỉ có cây nhà lá vườn, ăn chẳng vừa miệng. Dư công tử, tiểu lão nhi vốn người đất Giang Nam, khi còn trẻ cũng có học qua một chút võ công thô thiển, đánh nhau với người ta lỡ tay giết chết hai kẻ thù, không thể ở cố hương được nữa đành phải trốn đến Tứ Xuyên. Ôi, thấm thoát
mấy chục năm rồi, bụng nhớ nhà lắm, rượu vùng quê lão so với loại rượu ủ bằng men này thì không mạnh bằng.
Ông ta vừa nói vừa rót rượu. Mọi người nghe ông già kể chuyện thân thế, tuy không tin hẳn nhưng thấy ông ta tự xưng là biết võ công cũng bớt hẳn nghi kỵ, sau khi rót xong lại nói:
- Xin uống trước để tỏ lòng kính trọng.
Nói xong uống một hơi cạn chén, mọi người lúc ấy yên tâm tận tình ăn uống. Ba Thiên Thạch và Chu Đan Thần uống rất ít, đến món ăn cũng đợi Giả lão gắp trước rồi mới đụng đũa gắp theo. Ăn uống xong trời vẫn chưa dứt hạt, ông già lại hết sức giữ khách lại, bọn Đoàn Dự đành ngủ qua đêm.
Trước khi ngủ, Ba Thiên Thạch nói khẽ với Mộc Uyển Thanh:
- Mộc cô nương, tối nay mình nên đề phòng, ta xem nơi này có điều gì tà môn.
Mộc Uyển Thanh gật đầu, để nguyên quần áo ngủ trên giường, trong tay áo dấu sẵn độc tiễn, nghe thấy bên ngoài vẫn mưa tí tách, chập chờn cho đến khi trời sáng nhưng không thấy chuyện gì khác lạ.
Mọi người rửa mặt xong thấy mưa đã ngớt nên lập tức cáo từ. Giả lão tiễn ra đến mấy chục trượng, cử chỉ hết sức cung kính. Mọi người đi một quãng xa vẫn còn tấm tắc lấy làm lạ. Ba Thiên Thạch nói:
- Giả lão đây không biết lai lịch thế nào mà sao cổ quái đến thế? Lần này ta quả đoán không ra!
Chu Đan Thần đáp:
- Ba huynh, đệ đoán lão già họ Giả này có bụng bất lương thế nhưng sau khi thấy công tử điền thêm mấy chữ khuyết trên bức họa, tự nhiên đổi hẳn thái độ. Công tử thử nghĩ bức tranh đó với mấy hàng chữ đề có liên can thế nào?
Đoàn Dự lắc đầu nói:
- Hai đóa sơn trà đó thật bình thường. Một đóa Phấn Hầu, một đóa Tuyết Tháp, tuy nói là danh chủng thật nhưng đâu phải là loại hiếm có.
Mọi người đoán mãi không ra nên đành bỏ mặc không lý tới nữa. Chung Linh cười nói:
- Tốt nhất là trên đường đi gặp thêm vài bức vẽ thiếu chữ nữa, Đoàn công tử nhà ta cứ tiếp tục điền thêm vào, vung bút một cái là mình có ngay hai bữa rượu thịt, ngủ qua một đêm mà chẳng tốn xu teng nào cả.
Mọi người nghe thế cười rộ cả lên. Thế nhưng lạ làm sao, câu nói đùa của Chung Linh trên đường đi lại mấy lần xảy ra thật. Trên bức tranh nào cũng vẽ hoa trà, có khi đề từ bị khuyết, có khi viết chữ sai, có khi lại có cành mà chẳng có hoa, có hoa mà chẳng có lá. Đoàn Dự vừa gặp phải liền cầm bút thêm vào ngay. Mỗi khi đề xong, chủ nhân lập tức bước ra ân cần khoản đãi, rượu thịt ê hề mà không hề lấy đồng tiền nào cả.
Chu Đan Thần và Ba Thiên Thạch mấy lần gặng hỏi, đối phương người nào cũng có cùng một câu trả lời, ấy là người vẽ còn thiếu sót, khuyết chữ, may nhờ Đoàn Dự giúp cho nên thực là cảm kích.
Đoàn Dự và Chung Linh tính còn trẻ con, thấy vậy vui lắm nên chỉ mong càng nhiều tự họa thiếu nét, thiếu chữ càng tốt. Vương Ngữ Yên thấy Đoàn Dự vui vẻ nên cũng thấy vui theo. Còn Mộc Uyển Thanh trước nay trời không sợ, đất không kiêng nên đối phương có ý tốt cũng được, mà có ý xấu nàng cũng chẳng coi vào đâu. Chỉ riêng Ba Thiên Thạch và Chu Đan Thần càng lúc càng lo âu, thấy bên địch bố trí rất chặt chẽ, bên trong hẳn có ý đồ trọng đại nhưng không nhìn ra được chút manh mối gì.
Ba Chu hai người mỗi khi được tiếp đãi ân cần đều hết sức quan sát từng ly từng tí, xem rượu thịt có chất độc gì không. Thế nhưng loại mạn tính độc dược thật khó mà biết được, bị phục độc đến cả chục lần mới phát ra. Ba Thiên Thạch hiểu nhiều biết rộng, nếu như đối phương hạ độc thì cũng khó mà qua mắt được y nhưng trước sau cơm rượu không thấy có gì khác lạ mà chủ nhân bao giờ cũng ăn uống trước để khỏi ai nghi ngại.
Càng đi càng về hướng nam nên tuy đã thượng tuần tháng mười mà khí trời cũng chưa đến nỗi lạnh. Đường càng lúc càng nhiều rừng rậm, núi sâu, cỏ cao so với khung cảnh của Tây Hạ ở phương bắc thật khác xa. Buổi chiều hôm đó cả bọn đến một cánh đồng cỏ thật lớn, màu xanh tít
mù đến tận cuối trời, bên trái là một khu rừng, xem ra cả chục dặm đường không người ở. Ba Thiên Thạch nói:
- Công tử, nơi đây địa thế hiểm ác, mình nên tìm chỗ nào trú chân là hơn.
Đoàn Dự gật đầu:
- Đúng thế! Hôm nay mình chắc không thể nào vượt qua được cánh đồng này, không biết kiếm chỗ nào mà nghỉ đây?
Chu Đan Thần nói:
- Trong đồng cỏ muỗi mòng rắn rết nhiều lắm, lại thêm chướng khí. Xem ra quế hoa chướng sắp qua, phù dung chướng đang tới, hai loại chướng khí trộn với nhau càng thêm độc địa. Nếu mình không tìm ra chỗ nghỉ thì chỉ còn nước trèo lên cây cao ngủ tạm, chướng khí không xông tới, trùng độc muỗi độc cũng ít đi.
Thế là cả đoàn rẽ qua bên trái nhắm hướng rừng già mà tới. Vương Ngữ Yên nghe Chu Đan Thần nói chướng khí ghê gớm lắm mới hỏi quế hoa chướng, phù dung chướng là thế nào? Chu Đan Thần đáp:
- Chướng khí là hơi độc từ núi non đầm lầy bốc lên, tháng ba thì có đào hoa chướng, tháng năm thì có lựu hoa chướng là lợi hại nhất. Thực ra chướng khí nào cũng như nhau nhưng thời tiết không giống nên cứ theo nguyệt lệnh mùa hoa nào thì đặt tên thế. Từ tháng ba đến tháng năm trời nóng, độc trùng muỗi mòng sinh sản nhiều nên ghê gớm nhất. Sở dĩ lúc đó đáng ngại vì chưng khí hậu ẩm thấp hơn cả nên cỏ mục tích chứa nhiều, chướng khí vì vậy rất mạnh mẽ.
Vương Ngữ Yên hỏi:
- Ồ, thế thì có trà hoa chướng không?
Bọn Đoàn Dự, Ba Thiên Thạch đều cười ồ. Chu Đan Thần đáp:
- Người Đại Lý chúng tôi rất thích hoa trà nên không đem chướng khí đáng ghét kia gộp chung với hoa trà.
Vừa đi vừa nói đã đến bìa rừng. Chân ngựa đạp vào bùn lầy, phọp phẹp khó đi thật là bất tiện. Ba Thiên Thạch nói:
- Xem chừng mình chẳng nên vào sâu thêm nữa, tối nay làm tổ trên cây ngủ qua đêm vậy. Đợi sáng mai mặt trời lên, chướng khí tan hết lúc đó lại lên đường.
Vương Ngữ Yên hỏi:
- Mặt trời mọc thì chướng khí không độc nữa hay sao?
Ba Thiên Thạch đáp:
- Đúng thế!
Chung Linh đột nhiên chỉ về phía đông bắc, thất thanh kêu lên:
- Trời ơi, hỏng rồi! Bên kia chướng khí bốc lên cao quá, đó là chướng gì đây?
Mọi người nhìn theo hướng cô ta chỉ quả nhiên thấy một đám mây cuồn cuộn bốc lên. Ba Thiên Thạch đáp:
- Cô nương, đây là thiêu phạn chướng.
Chung Linh thấp thỏm hỏi:
- Thiêu phạn chướng là chướng gì? Có ghê gớm lắm không?
Ba Thiên Thạch cười nói:
- Cái này không phải chướng khí, mà là khói người ta nấu cơm bốc lên.
Quả nhiên trong khói xanh có lẫn màu đen, lại tỏa màu trắng đúng là do củi đốt. Mọi người ai nấy cười ồ, cảm thấy lên tinh thần cùng nói:
- Mình đi kiếm chỗ thiêu phạn chướng xem sao.
Chung Linh bị mọi người chế riễu, bẽn lẽn đỏ mặt. Vương Ngữ Yên liền an ủi:
- Linh muội, cũng may muội muội nhìn thấy ... nhìn thấy khói nấu cơm nên mình khỏi phải trèo lên cây ngủ.
Cả đoàn người đi về hướng khói bốc lên, đến gần mới thấy trong rừng có bảy tám căn nhà, bên cạnh nhà chất đầy gỗ súc, hiển nhiên là nơi ở của thợ mộc. Chu Đan Thần giục ngựa lên trước, lớn tiếng gọi:
- Các đại ca thợ mộc ơi, chúng tôi đi đường xa muốn ngủ nhờ một đêm có được không?
Đợi một hồi không thấy tiếng ai trả lời, Chu Đan Thần lại gọi thêm lần nữa nhưng cũng không ai đáp lại. Khói từ trên mái nhà vẫn tiếp tục bốc lên, hẳn là trong nhà phải có người. Chu Đan Thần lấy trong bọc ra chiếc quạt nan thép dùng làm binh khí cầm trong tay, nhè nhẹ đẩy cửa đi vào nhà.
Trong nhà không một bóng người nhưng vẫn nghe tiếng củi nổ lép bép. Chu Đan Thần đi xuống nhà sau vào trong bếp thấy bên cạnh lò có một bà lão đang đun nấu. Chu Đan Thần nói:
- Lão bà bà, ở đây còn ai khác nữa không?
Bà lão giương mắt nhìn làm như nghe mà không hề hay biết. Chu Đan Thần hỏi tiếp:
- Chỉ có mình bà ở đây hay sao?
Bà già chỉ vào tai, rồi chỉ vào mồm ú ớ mấy tiếng biểu thị mình vừa câm vừa điếc. Chu Đan Thần quay trở vào thì bọn Đoàn Dự, Mộc Uyển Thanh đã đi tra xét một vòng những căn nhà khác, trong bảy tám căn ngoài bà lão ra không còn một ai khác. Trong gian nhà nào cũng có ván gỗ nhưng chẳng thấy chăn mền gì xem ra lúc này thợ thuyền chưa khai công. Ba Thiên Thạch ra ngoài đi vòng vòng hai lượt, xem xét các nơi không thấy gì khác lạ.
Chu Đan Thần nói:
- Bà lão này vừa câm vừa điếc, không có cách nào hỏi chuyện bà ta được. Vương cô nương kiên nhẫn hơn hết, cô thử vào ra hiệu hỏi xem sao?
Vương Ngữ Yên mỉm cười gật đầu nói:
- Được, để ta thử xem.
Nàng đi vào trong bếp, giơ tay giơ chân ra hiệu cho bà lão, lấy ra một đĩnh bạc cho bà ta cho đến khi hiểu rõ mọi chuyện. Mọi người chờ cho bà ta nấu cơm xong mới hỏi gạo đun cơm, trong đây không rượu không thịt, tất cả chỉ đành ăn cơm trắng cho qua bữa.
Ba Thiên Thạch nói:
- Chúng mình ngủ trong nhà này đừng phân tán.
Thế là đàn ông qua bên cánh đông, con gái ngủ bên cánh tây, bà lão thắp ở phòng giữa một ngọn đèn dầu. Mọi người vừa định ngủ bỗng có tiếng cạch cạch ở phòng giữa, có ai đó đang dùng hỏa đao, hỏa thạch đánh lửa nhưng đánh tới đánh lui mãi vẫn không xong. Ba Thiên Thạch lấy đồ đánh lửa trong túi mình ra, cạch một tiếng đánh lửa lên đi qua châm vào ngọn đèn. Bà lão vẻ mặt mừng rỡ, ra hiệu muốn mượn hỏa đao, hỏa thạch chỉ xuống bếp làm như muốn dóm lửa. Ba Thiên Thạch đưa cho bà ta rồi quay về phòng nằm ngủ.
Một hồi sau, lại nghe có tiếng cạch cạch cạch nữa, bọn Đoàn Dự nhắm mắt đang định ngủ lại bị tiếng động khiến mở choàng mắt ra nhìn qua khe cửa không thấy ánh sáng chiếu ra, thì ra chiếc đèn dầu đã tắt rồi. Chu Đan Thần cười nói:
- Bà lão này già cả lẩm cẩm mất rồi.
Y định mặc kệ bà ta nhưng tiếng đánh lửa cạch cạch cạch mãi, tưởng chừng suốt cả buổi chưa xong, vẫn tiếp tục thêm một buổi nữa. Chu Đan Thần nghe thế khó chịu trở dậy đi vào phòng, thấy mờ mờ trong bóng đêm bà già đang lịch kịch đưa lên đưa xuống, cạch cạch đánh lửa.
Chu Đan Thần lấy hỏa đao hỏa thạch của mình ra, đánh lửa châm vào ngọn đèn dầu. Bà lão nhe răng cười, giơ tay làm hiệu muốn mượn đồ đánh lửa đem xuống bếp dùng. Chu Đan Thần liền đưa cho bà lão rồi quay về phòng.
Ngờ đâu chỉ một lúc sau, phòng giữa lại có tiếng cạch cạch vọng ra. Ba Thiên Thạch và Chu Đan Thần đều bực tức cất tiếng chửi:
- Mụ già này không biết làm trò quái quỉ gì đây!
Thế nhưng cứ nghe tiếng cạch cạch mãi không thôi, Ba Thiên Thạch nhỏm dậy, đi ra giựt bộ đánh lửa trên tay bà ta đánh thử, cạch cạch mấy cái không thấy đốm lửa nào bắn ra, mò mò thử thấy không phải bộ đồ đánh lửa của mình, lớn tiếng hỏi:
- Hỏa đao, hỏa thạch của ta đâu?
Y vừa mở miệng không khỏi bật cười: "Sao mình lại nổi giận với một bà lão vừa câm vừa điếc làm gì?". Khi đó Mộc Uyển Thanh cũng đã dậy, lấy đồ đánh lửa ra nói:
- Ba thúc thúc muốn đốt đèn ư?
Ba Thiên Thạch đáp:
- Bà lão này thật là cổ quái, có một ngọn đèn mà cứ châm rồi lại tắt, tắt rồi lại châm tới tận nửa đêm.
Y cầm lấy hỏa đao, hỏa thạch đánh một cái châm vào ngọn đèn. Bà già coi bộ mãn nguyện, cười khì khì chăm chăm nhìn ngọn lửa. Ba Thiên Thạch nói với Mộc Uyển Thanh:
- Cô nương đi đường cũng mệt, thôi đi ngủ cho khỏe.
Nói xong liền quay trở về phòng. Ngờ đâu chỉ chừng thời gian uống một chén trà, lại nghe cạch cạch cạch tiếng đánh lửa vọng vào. Ba Thiên Thạch và Chu Đan Thần cùng đứng lên, định chạy ra nhưng chợt nghĩ ra: "Trên đời này làm gì có bà già nào quái lạ đến vậy? Hẳn là có ngụy kế gì đây!". Hai người nhẹ nhàng nắm tay nhau, rón rén ra khỏi phòng, chia ra hai bên ập vào vừa định xông lên, đột nhiên mũi ngửi thấy một mùi thơm nhè nhẹ, thì ra người đang đánh lửa kia chính là Mộc Uyển Thanh. Hai người lập tức rụt về, Ba Thiên Thạch nói:
- Cô nương đấy ư?
Mộc Uyển Thanh đáp:
- Đúng thế! Tôi thấy ở nơi đây có vẻ không bình thường, định đốt đèn lên soi xem có chuyện gì.
Ba Thiên Thạch đáp:
- Để tôi châm lửa cho.
Nào ngờ đánh cạch cạch mấy cái không thấy có lửa tóe ra. Ba Thiên Thạch kinh ngạc kêu lên:
- Hỏa thạch này không phải, bị bà lão kia tráo mất rồi.
Chu Đan Thần nói:
- Mau đi kiếm, không để cho mụ ta chạy mất.
Mộc Uyển Thanh chạy xuống bếp còn Ba Chu hai người chạy ra ngoài nhưng chỉ mới một thoáng mà bà lão kia đã biến đâu mất rồi. Ba Thiên Thạch nói:
- Đừng đuổi xa, bảo hộ công tử quan trọng hơn.
Hai người trở vào nhà, Đoàn Dự, Vương Ngữ Yên, Chung Linh cũng nghe tiếng động tỉnh dậy rồi. Ba Thiên Thạch nói:
- Ai có hỏa đao, hỏa thạch? Đốt đèn lên rồi tính sau.
Chỉ nghe Vương Ngữ Yên và Chung Linh cùng kêu lên:
- Hỏa đao hỏa thạch của tôi bà lão kia mượn mất rồi.
Ba Thiên Thạch và Chu Đan Thần cùng kêu khổ ngầm: "Mình đề phòng từng li từng tí, đâu có ngờ ở nơi đây lại trúng ngụy kế của địch nhân". Đoàn Dự lấy trong túi đồ đánh lửa ra, đánh cạch cạch mấy tiếng nhưng cũng nào có cháy lên đâu? Chu Đan Thần nói:
- Mụ già kia cũng mượn của công tử để dùng rồi chứ gì?
Đoàn Dự đáp:
- Đúng thế! Ngay lúc trước khi ăn cơm, bà ta đánh lửa xong liền trả lại cho ta.
Chu Đan Thần nói:
- Thế thì đá lửa cũng bị tráo mất rồi.
Trong nhất thời mọi người ai nấy lặng thinh, nghe tiếng côn trùng kêu trong đêm. Hôm ấy đúng ngày đầu tháng nên không có bóng trăng, sáu người tụm lại một chỗ, chỉ thấy lờ mờ bóng những người kia, ai nấy đều cảm thấy ở vào một tình cảnh cực kỳ nguy hiểm. Từ khi Đoàn Dự điền chữ lên những bức tranh được ông già họ Giả tiếp đãi ân cần đến giờ, sáu người tưởng như bị ai bịt mắt, không chủ định được tự đi vào tròng, biết rằng kẻ địch bày mưu tín khế thế nhưng độc địa đến chừng nào thì không hề hay biết. Ai nấy nghĩ thầm: "Nếu kẻ địch xông ùa lên thì đã không sợ, còn đằng này lấp ló thập thò, khiến cho không sao đề phòng được".
Mộc Uyển Thanh nói:
- Mụ già kia lấy hết hỏa đao hỏa thạch của mình cốt để mình không sao đốt lửa được, bọn chúng trong đêm tối thi hành ngụy kế.
Chung Linh đột nhiên rú lên:
- Tiểu muội sợ nhất là bọn chúng sẽ thả rết hay kiến ra đốt mình.
Ba Thiên Thạch chột dạ nói:
- Trong đêm tối mà những vật bé nhỏ như thế đến tấn công thì thật khó đề phòng.
Đoàn Dự đáp:
- Hay là mình đi ra ngoài ngủ trên cây?
Chu Đan Thần đáp:
- E rằng trên cây cũng đã gài sẵn độc vật rồi.
Chung Linh lại "A" lên một tiếng, níu chặt lấy tay Mộc Uyển Thanh. Ba Thiên Thạch nói:
- Cô nương không việc gì phải sợ, mình đốt đèn lên rồi tính sau.
Chung Linh hỏi lại:
- Không có đá lửa lấy gì mà đốt đèn?
Ba Thiên Thạch đáp:
- Địch nhân có dụng ý gì đến lúc này thật chưa biết được. Thế nhưng họ không muốn mình đốt lửa nếu mình cứ đốt đèn thì hẳn cũng không phải là sai.
Y nói xong quay mình đi xuống bếp, lấy hai khúc củi lên đưa cho Chu Đan Thần:
- Chu huynh đệ cắt vụn cây củi này ra càng nhỏ càng tốt.
Chu Đan Thần nghe thế hiểu ngay đáp:
- Đúng vậy, mình đâu để bó tay chờ họ đến tấn công.
Y lấy trong túi ra một con dao nhỏ, cắt khúc củi thành từng miếng. Đoàn Dự, Mộc Uyển Thanh, Vương Ngữ Yên, Chung Linh cũng tiếp tay
lấy chủy thủ tiểu đao ra cắt gỗ, kẻ băm người nghiền thành một đống mạt nhỏ. Đoàn Dự than:
- Tiếc rằng ta không có thần công như Khô Vinh sư tổ ở chùa Thiên Long truyền nội công vào là bén lửa lên ngay, hiện giờ chỉ có Cưu Ma Trí mới có tài ba như thế.
Thực ra nội lực súc tích trong người chàng lúc này còn cao hơn Khô Vinh đại sư và Cưu Ma Trí nhiều, có điều không biết vận dụng mà thôi. Mấy người luôn tay băm gỗ ra thật nhuyễn nhưng trong lòng ai nấy thấp thỏm không an, chẳng một ai nói năng gì, chỉ lắng tai nghe xem bên ngoài có động tĩnh gì không, nghĩ thầm: "Mụ già kia đánh lừa lấy được hỏa đao hỏa thạch của mình rồi, chắc không để lâu, e rằng lập tức phát động".
Ba Thiên Thạch mò thấy mạt gỗ đã được khoảng một bát ăn cơm rồi liền vun lại thành một đống, hai tay cầm hai thanh đao đập vào nhau nghe keng một tiếng, sống đao chạm nhau, lửa tóe ra bén vào mạt gỗ. Có điều vừa lửa bùng lên lại tắt ngay không cháy vào bùi nhùi được, mọi người còn đang tiếc rẻ thì Ba Thiên Thạch đã liên tiếp cọ đao vào nhau, leng keng không dứt, đến độ mươi cái thì mới cháy được miếng giấy dầu.
Cả bọn vui mừng reo lên, lấy lửa châm vào đèn. Chu Đan Thần sợ một ngọn đèn có thể bị gió thổi tắt nên bao nhiêu đèn đóm dưới bếp và các phòng bên lấy cả về đốt lên. Ngọn lửa yếu ớt nhợt nhạt chiếu lên mặt người, khói lại dầy xông vào mũi thật khó ngửi. Thế nhưng có được ngọn lửa rồi ai nấy tinh thần phấn chấn như vừa thắng một trận lớn.
Căn nhà gỗ cực kỳ giản lậu, gió theo khe cửa thổi vào. Sáu người nhìn nhau, ai nấy tay cầm sẵn binh khí, lắng tai nghe. Thế nhưng chỉ thấy tiếng gió thổi vào cây xào xạc, trộn lẫn với tiếng giun dế kêu vang bên ngoài không có gì khác.
Ba Thiên Thạch thấy một hồi lâu không động tĩnh gì, tra xét kỹ càng mọi nơi trong căn nhà gỗ, thấy mấy cây cột có bao bằng đệm rơm, bên ngoài dùng cỏ buộc lại, nhớ lại khi mới vào nhà không như thế, bèn chặt đứt những dây bện, đệm cỏ rơi xuống. Đoàn Dự thấy hai bên cột có khắc hai hàng câu đối, câu trên là:
Xuân câu thủy động trà hoa ( )
Câu dưới là: Hạ cốc ( ) sinh lệ chi hồng.
Mỗi bên đều thiếu mất một chữ. Chàng quay lại thấy Chu Đan Thần đã gỡ bỏ những đệm cỏ bao quanh hai cây cột khác để lộ trên cột khắc một đôi câu đối khác:
Thanh quần ngọc ( ) như tương thức
Cửu ( ) trà hoa mãn lộ khai.
Đoàn Dự nói:
- Ta đi trên đường điền thêm chữ cho tới nay là họa hay phúc cũng chưa biết được. Bọn chúng lấy đệm cỏ bao quanh cột cốt là để ta không nhìn thấy những câu đối này, vậy mình cứ làm ngược lại, để xem đối phương có kế gì.
Chàng nói xong đưa tay ra, nghe soẹt soẹt, bên dưới chữ "hoa" viết thêm một chữ "bạch", bên dưới chữ "cốc" viết thêm một chữ "vân" biến thành một câu đối toàn vẹn:
Xuân câu thủy động trà hoa bạch
Hạ cốc vân sinh lệ chi hồng
(Khe xuân nước động hoa trà trắng
Cốc hạ mây đùn vải đỏ tươi)
Chàng nội lực thâm hậu, chỉ lực đến đâu mạt gỗ bay lả tả đến đó. Chung Linh vỗ tay reo lên:
- Nếu biết sớm, ca ca lấy ngón tay vạch vào gỗ mấy cái là có mạt vụn ngay, việc gì mình phải mất công như thế.
Chỉ thấy chàng lại tiếp tục điền vào câu đối còn lại, miệng ngâm nga:
Thanh quần ngọc diện như tương thức
Cửu nguyệt trà hoa mãn lộ khai.
(Quần xanh mặt ngọc dường quen thuộc
Tháng chín hoa trà nở khắp nơi)
Chàng vừa nghiêng đầu ngâm nga, vừa liếc Vương Ngữ Yên. Vương Ngữ Yên hai má ửng hồng, quay đầu sang chỗ khác. Chung Linh nói:
- Không biết cột này làm bằng gỗ gì mà thơm quá!
Mọi người hít mấy cái, quả nhiên thấy những ngấn tay Đoàn Dự khắc lên gỗ xông mùi thơm lừng, tưởng như hoa quế mà không phải hoa quế, tựa như hoa hồng mà không phải hoa hồng. Đoàn Dự nói:
- Thơm thật!
Chỉ thấy mùi thơm càng lúc càng nồng, ngửi vào thật khoan khoái, tinh thần sảng lãng. Chu Đan Thần mặt biến sắc nói:
- Hỏng rồi, mùi hương này coi chừng có độc, tất cả bịt mũi lại.
Mọi người được y nhắc nhở, vội vàng lấy khăn tay hoặc tay áo bịt chặt mũi miệng nhưng lúc đó đã hít khá nhiều hương khí rồi, nếu quả là hơi độc thì phải đầu váng mắt hoa, tức ngực khó chịu chứ có lý đâu lại thoải mái.
Qua một hồi sau, ai nấy ngộp thở, nhịn không nổi đành phải há mồm ra thở mấy hơi nhưng không thấy gì khác. Mọi người từ từ bỏ tay bịt mũi ra, lao xao bàn bạc, không đoán ra được kẻ địch có dụng ý gì.
Thêm một lúc nữa, bỗng nghe có tiếng ù ù. Mộc Uyển Thanh kinh hãi kêu lên:
- Trời ơi! Chất độc phát tác rồi, tai tôi có tiếng gì lạ quá.
Chung Linh đáp:
- Em cũng thế!
Ba Thiên Thạch nói:
- Không phải trong tai có tiếng gì lạ đâu mà dường như một đàn ong đang bay tới.
Quả nhiên tiếng ù ù mỗi lúc một lớn, dường như hàng ngàn hàng vạn con ong từ bốn phương tám hướng đang bao vây. Ong mật vốn không có gì đáng sợ nhưng bay nhiều đến thành tiếng động lớn như thế thì chưa
từng nghe bao giờ, cũng không biết có phải là ong hay không. Trong phút chốc ai nấy đều sững sờ không biết phải làm sao. Tiếng u u càng lúc càng gần, tưởng chừng như vô số yêu ma quỉ quái kêu gào gầm thét, nhảy múa toan đến cắn người ta. Chung Linh nắm chặt tay Mộc Uyển Thanh, Vương Ngữ Yên nắm chặt tay Đoàn Dự. Mọi người tim đập thình thình, tuy biết có kẻ địch phục sẵn nhưng không sao tưởng tượng được trước khi tấn công lại có tiếng quái đản như thế này.
Đột nhiên nghe bạch một tiếng, một vật gì bé nhỏ đập vào vách căn nhà gỗ, rồi tiếp theo bạch bạch bạch bạch liên tiếp, không biết bao nhiêu vật gì đập vào, Mộc Uyển Thanh và Chung Linh cùng kêu lên:
- Ong đó!
Ba Thiên Thạch chạy ra đóng chặt cửa sổ lại, bỗng nghe bên ngoài tiếng ngựa hí lên thảm thiết, rồi tiếng rống lên lao xao. Chung Linh kêu:
- Ong đốt ngựa.
Chu Đan Thần nói:
- Để ta ra ngoài cắt dây cương.
Y cởi trường bào trùm lên đầu, tay trái vừa đẩy cánh cửa bên ngoài đã có một trận gió ập tới, hàng nghìn hàng vạn con ong bay vào trong nhà. Chung Linh và Vương Ngữ Yên cả hai cùng rú lên.
Ba Thiên Thạch vội vàng kéo Chu Đan Thần trở vào, đưa đầu gối chặn lấy cánh cửa, thế nhưng trong nhà đã đầy ong rồi. Những con ong đó vừa vào được trong nhà lập tức túa ra đốt mọi người, chỉ trong nháy mắt trên đầu, trên tay, trên mặt người nào cũng bị ong đốt bảy tám chỗ. Chu Đan Thần xòe quạt ra đập lấy đập để còn Ba Thiên Thạch thì cởi áo ra quật túi bụi, Đoàn Dự, Mộc Uyển Thanh, Vương Ngữ Yên, Chung Linh bốn người cũng phải cố nhịn đau xông ra đập.
Ba Thiên Thạch, Chu Đan Thần, Đoàn Dự, Mộc Uyển Thanh khi ra tay ai nấy vận hết kình lực, chẳng bao lâu trong nhà chỉ còn hai ba chục con ong, nhưng thật lạ lùng những con ong đó thật chẳng khác gì thiêu thân thấy đèn, cứ xông vào chích bất kể sống chết nhưng chỉ một lát sau bao nhiêu ong đều bị đập chết cả.
Chung Linh và Vương Ngữ Yên đau đến ứa nước mắt, tai vẫn nghe tiếng ong đập vào cửa rào rào như mưa rào, không biết bao nhiêu ngàn vạn con ong vẫn tiếp tục tấn công căn nhà gỗ. Mọi người sợ hãi mặt nhợt nhạt, quên cả đau, vội vàng xé vạt áo, tay áo chèn các khe cửa.
Cả sáu người trên mặt, trên tay, chỗ thì đỏ chỗ thì sưng, trông thật thảm hại. Đoàn Dự nói:
- Cũng may ở đây có căn nhà gỗ dung thân, nếu như ở nơi đồng trống, hàng nghìn hàng vạn con ong đến đốt mình thì chắc chết đứ đừ.
Mộc Uyển Thanh nói:
- Những con ong này do kẻ địch xua tới, bọn chúng đâu đã để cho mình yên? Không lẽ họ không biết phá nhà ra hay sao?
Chung Linh kinh hãi kêu lên:
- Tỉ tỉ.. tỉ tỉ nói họ sẽ phá nhà ư?
Mộc Uyển Thanh chưa kịp trả lời đã nghe trên đầu bình một tiếng, một tảng đá rơi xuống nóc nhà, rui mè rung rinh nhưng may chưa gãy. Thế nhưng lại nghe cách cách, hai khối đá đã chọc thủng mái rơi xuống khiến ngọn đèn tắt phụp.
Đoàn Dự vội vàng ôm Vương Ngữ Yên vào lòng để che chở khuôn mặt nàng. Thế nhưng nghe tiếng vù vù muốn điếc cả tai, ai nấy đều biết mình có xua đuổi chúng cũng vô ích, chỉ còn nước kéo áo lên trùm đầu trùm mặt. Trong nháy mắt bàn chân, bàn tay, cánh tay, đùi đều bị châm hàng vạn chỗ, trong phút chốc cả sáu người đã hôn mê không còn biết gì nữa.
Đoàn Dự đã ăn được con mãng cổ chu cáp vốn dĩ bách độc bất xâm, nhưng những con ong này là do người nuôi, cái kim của nó ngoài chất độc ra còn có thuốc tê, ai bị mấy trăm con ong chích cũng đều mê man cả. Chàng nội lực thâm hậu hơn cả nên trong sáu người thì là người tỉnh lại trước tiên. Đoàn Dự vừa hồi phục tri giác đã đưa tay ra nắm lấy Vương Ngữ Yên nhưng tay không sao cử động được mà Vương Ngữ Yên cũng không còn ở trong lòng mình nữa.
Chàng mở mắt ra thấy tối đen như mực. Thì ra hai chân hai tay đã bị trói chặt còn mắt thì bị người ta dùng vải đen che lại, miệng cũng bị nhét một hạt dẻ hô hấp cũng đã khó khăn huống hồ nói năng. Chàng thấy khắp mình mẩy hàng trăm hàng nghìn chỗ đau nhói, đó là những chỗ bị ong đốt, lại thấy mình đang ngồi dưới đất nhưng ở nơi nào, ngất đi bao lâu thì không sao biết được.
Còn đang hoang mang bỗng nghe tiếng đàn bà gay gắt hỏi:
- Ta mất bao nhiêu công lao cốt để bắt con chó già họ Đoàn nước Đại Lý, sao chúng bay lại bắt thằng chó con là sao?
Đoàn Dự nghe giọng nói quen lắm nhưng nhất thời không nghĩ ra là ai. Tiếng một người đàn bà già nua đáp:
- Tì tử nhất nhất theo đúng lời tiểu thư sai bảo mà làm, không sai một mảy.
Người đàn bà kia nói:
- Hừ, ta xem bên trong phải có gì khác thường. Con chó già kia từ Tây Hạ xuôi nam phải theo đường cái ngang qua Tây Xuyên mới phải, sao lại đột nhiên chuyển qua hướng đông là sao? Bao nhiêu rượu thuốc ta sắp đặt trên đường hóa ra thằng chó con này uống sạch.
Đoàn Dự biết ngay kẻ mà mụ ta gọi "con chó già" chính là để chỉ phụ thân Đoàn Chính Thuần, còn "thằng chó con" chẳng phải chính mình thì còn ai vào đây nữa. Tiếng người đàn bà nói chuyện với mụ lão bộc dường như còn cách một bức tường, có lẽ ở căn phòng bên cạnh.
Người lão phụ nói:
- Đoàn vương gia lần này đến Trung Nguyên thời giờ ở lại cũng không phải ít, nửa đường quay sang hướng đông ...
Người đàn bà kia giận dữ nói:
- Ngươi còn gọi y là Đoàn vương gia được sao?
Bà lão đáp: - Vâng, trước kia ... tiểu thư bảo gọi là Đoàn công tử, nhưng bây giờ y tuổi cũng cao rồi ...
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...