Thiên Hạ Kỳ Duyên

Thạch Bưu nghĩ Lê Tư Thành là ai. Nếu hắn dễ dàng đối phó như thế, chúng ta còn mất công trà trộn vào đây làm gì? Hơn nữa, trong dịch quán có kẻ phản bội, ván cờ này Thạch Bưu không thua, ta mới thấy lạ.
————————
Đó là một dinh cơ đồ sộ, tọa lạc ngay gần trung tâm kinh thành Đông Kinh, cách cấm thành chưa đầy nửa tiếng đi xe ngựa.
Tòa dinh cơ này được xây dựng từ thời Hồ, mang phong cách kiến trúc quý tộc điển hình đương thời với những gian viện lợp mái ngói trích thủy (1), hai bên đầu uốn cong thành hình mũi thuyền và những cột kèo chạm trổ hình chim thú cực kỳ tinh xảo. Bên ngoài là một hoa viên rất rộng, trồng những loại cây cỏ hiếm lạ, lối đi ở giữa được lát bằng gạch vồ và nhìn ra một hồ nước hình bán nguyệt. Hồ nước không lớn nhưng quanh năm xanh biếc, phía bắc có một cây cầu bằng gỗ bắc ngang, phía đông dựng lên một thủy đình, chính là nơi chủ nhà đến nghỉ ngơi, hóng mát trong những ngày hè nóng nực.
Phàm là người dân sống ở kinh thành, không ai không biết chủ nhân của tòa dinh cơ đồ sộ này: nhà họ Phùng. Nhà họ Phùng, cùng với họ Nguyễn và họ Lê, chính là ba đại gia tộc lớn mạnh nhất bấy giờ.
Đứng đầu nhà họ Phùng là quan gián nghị đại phu Phùng Văn Đạt.
Căn phòng ấy nằm ở dãy nhà phía nam, quay mặt ra hồ nước ngoài hoa viên. Căn phòng khá rộng nhưng đồ đạc không nhiều, cách bài trí cũng khá đơn mộc. Nếu không nhìn thấy một cây đàn nguyệt, mấy bức họa đồ và cả một súc vải còn đang cắt dở, người ta sẽ khó lòng nhận ra đây là khuê phòng của một người con gái.
Nàng ngồi đó, vu vơ nhìn về phía xa xăm. Một đôi mắt phượng đen láy, lông mày lá liễu điềm đạm như nét núi mùa thu, làn da trắng mịn như bạch ngọc. Cũng giống như những chị em khác của mình, nàng cũng là trang tuyệt thế giai nhân. Nhưng phượng hoàng cốt cách mà trầm lặng, núi thu tuy tinh tế nhưng vẫn có dáng dấp u buồn. Vẻ đẹp của nàng bị sự lạnh lùng từ tận sâu trong nội tâm át chế, không hề rực rỡ, không hề phô bày kiêu sa như ai kia. Nhìn vào đôi mắt của nàng, người ta dễ dàng liên tưởng đến đêm trường mùa đông, thảng hoặc, u tĩnh và lạnh lẽo.
Nàng ngồi đó, vạt áo màu tím đổ dài trên bậc thềm, lặng lẽ đến mức tưởng như ngàn năm, vạn năm sau cũng không hề suy chuyển.

"Thục Giang, con còn định cố chấp đến bao giờ nữa?"
Trong phòng còn có một người nữa. Đó là một người đàn ông đã ngoài năm mươi tuổi, ăn mặc chỉnh chu, dáng người bệ vệ. Phùng Thục Giang nghe cha mình hỏi vậy thì chỉ khẽ khàng lắc đầu:
"Nguyễn thái hậu không chỉ đích danh con, vậy hà cớ gì con phải vào tiềm để hầu hạ?"
"Bình Nguyên vương (2) có gì là không tốt?" Phùng Văn Đạt không trả lời ngay mà lại có vẻ dần mất kiên nhẫn: "Điện hạ vừa anh minh vừa tuấn kiệt, đức độ hiền từ, được hầu hạ người, ân huệ này, biết bao kẻ trong thiên hạ mơ còn không được. Thục Giang, con nói cho ta nghe, vì sao chỉ có mình con là khăng khăng cự tuyệt?"
Phùng Thục Giang không trả lời câu hỏi đó, chỉ lơ đãng nói:
"Nói gì thì nói, con cũng sẽ không nhập cung đâu. Không bao giờ."
Sắc mặt Phùng Văn Đạt tím lại. Ông ta cố gắng kiềm chế sự tức giận trong lòng, khẽ gầm gừ:
"Con nhất định phải chọc ta tức chết đấy à?"
Mái tóc phủ mềm trên bờ vai, sắc đen hòa quyện cùng sắc tím, càng nhìn càng huyền mị. Phùng Thục Giang ngồi nghiêng trong gió, để mặc tóc áo tùy ý tung bay, cất giọng nhàn nhạt:

"Con gái? Ngày vứt bỏ con, cha có từng nghĩ đến đứa con gái này hay không?"
Lời này tuy nhẹ nhàng nhưng không hề có ý nhượng bộ, giống như làn gió thổi từ vùng hoang mạc khô cạn nào đó, mang theo cả sự khốc cạn đến day dứt tâm can. Phùng Văn Đạt cảm thấy choáng váng, trong phút chốc lảo đảo tựa lưng vào cột nhà, không thể tin nổi những gì mình vừa nghe được. Người con gái trước mặt ông ta dám thẳng thừng nhắc lại chuyện đó ư?
Nhưng ông ta đã nhầm. Phùng Thục Giang không chỉ nhắc lại, mà còn nhắc rất cụ thể.
"Tướng sát tinh, căn cơ rất nặng, nhẹ thì cản trở hoạn lộ của cha, nặng hơn thì khắc cha khắc mẹ...Năm ấy, cha thà tin lời một đạo sĩ vô danh còn hơn tin tưởng chính con gái mình. Vì một lời tiên đoán hoang đường, cha nỡ vứt con ra khỏi nhà như người ta vứt nắm rơm nắm rạ. Vì sao? Chẳng lẽ vì mẹ con là người trong tông thất họ Trần nên cha mới ruồng bỏ? Mười năm, cha để mặc con tự sinh tự diệt. Đã bao giờ cha đoái hoài đến đứa con gái có tướng sát tinh này dù chỉ một lần chưa? Việc nhẫn tâm như thế cha còn làm được, cha dựa vào cái gì mà trách con độc ác?"
Vào ngày sinh nhật thứ bảy của Phùng Thục Giang, một tay đạo sĩ bịp bợm đã đến cửa nhà họ Phùng và bấm cho nàng một quẻ bói. Y nói rằng Phùng Thục Giang có tướng khắc cha khắc mẹ, cản trở đường công danh của Phùng Văn Đạt, chỉ có đưa nàng đi thật xa mới trấn át được mệnh số này. Và thế là, từ một tiểu thư cành vàng lá ngọc, Phùng Thục Giang bị chính cha ruột mình đẩy ra khỏi cửa. Nàng bị đưa đến một vùng nông thôn xa lạ, nơi nàng không quen biết ai, nơi nàng ngày ngày phải giành giật cái ăn với bọn trẻ trong thôn, đêm đến thì ngủ trong những gian nhà chật chội, lắng nghe tiếng gió lùa qua vách lá, lạnh đến xé lòng.
Thiên kim tiểu thư gì chứ! Trong mười năm ấy, Phùng Thục Giang thậm chí còn thảm hại hơn cả một đứa trẻ ăn mày!
Tâm trạng Phùng Văn Đạt chùng xuống. Ông ta ái ngại đảo mắt sang hướng khác:
"Ta biết con vẫn trách ta. Chuyện năm đó, ta cũng là bất đắc dĩ..."
Bất đắc dĩ? Phùng Thục Giang cảm thấy thật nực cười. Phùng Văn Đạt là chủ của cả cái dòng họ này, trừ việc ông ta không muốn làm, còn không, ai có thể làm khó ông ta chứ?

Thấy đối phương không nói gì, Phùng Văn Đạt lại tiếp tục:
"Thục Giang, chuyện cũ đã qua rồi, chẳng phải ta cũng đã đón con về rồi ư?"
"Tất cả cũng chỉ vì cái thánh chỉ chết tiệt kia mà thôi." Phùng Thục Giang cười mà như không cười: "Thái hậu muốn người của nhà ta nhập cung. Cha không nỡ để em gái đi nên mới cho người gọi con về, còn không phải sao?"
Một lần nữa Phùng Văn Đạt á khẩu.
Cùng là nữ nhi Phùng gia, vậy mà một người được yêu thương chiều chuộng, muốn gì được nấy, một người sớm bị vứt sang một bên, ngay cả rơm rác cũng không bằng. Mọi chuyện cũng chỉ vì mẹ ruột của Phùng Thục Giang không được lòng Phùng lão phu nhân. Bà là con gái một tôn thất nhà Trần. Ngày Phùng Thục Giang sinh ra, nhà họ Phùng vốn đã không muốn nhận đứa cháu này. Nếu không vì mẹ nàng mất sớm, bỏ lại nàng côi cút một mình, Phùng Văn Đạt cũng không đem nàng về nuôi dưỡng.
Nhưng cũng chỉ được bảy năm. Bảy năm sau, ông ta lại đá nàng ra khỏi cửa chỉ vì một lời bói nhảm!
"Con còn không hiểu sao! Cha khổ tâm bồi dưỡng Diệm Quỳnh như vậy, chính là muốn sau này đưa em ấy vào phủ Bình Nguyên vương, đợi ngày em ấy được sủng ái, đường làm quan của cha cũng ngày một vinh hiể...."
Bị nói trúng tim đen, Phùng Văn Đạt ảo não thở dài. Người con gái trước mặt ông ta chỉ lớn hơn Diệm Quỳnh một tuổi, nhưng sự chín chắn và trưởng thành trong suy nghĩ so với Diệm Quỳnh lại khác một trời một vực. Có lẽ mười năm qua, cuộc sống khắc nghiệt ấy đã biến nàng thành một con người hoàn toàn khác, đã cướp đi sự ngây tư, hồn nhiên trước kia của nàng.
"Thục Giang, con nói thế là có ý gì? Tâm huyết cả đời ta đều đặt ở con..."
"Cha nói dối!" Phùng Thục Giang điềm nhiên ngắt lời ông ta: "Bao năm qua cha một lòng bồi dưỡng Diệm Quỳnh, mời danh sư khắp nơi về dạy em ấy cầm kì thi họa, cha cho rằng con ở xa nhà thì cái gì cũng không biết sao? Diệm Quỳnh mới là tâm huyết của cả đời cha. Chẳng qua Diệm Quỳnh quen được cưng chiều từ nhỏ, thành ra càng lớn càng ương bướng ngang ngạnh, lại không hiểu lòng người, cha sợ chốn thâm cung hiểm độc, em ấy không cẩn thận sẽ làm hỏng đại sự, liên lụy đến bản thân nên giờ mới hối hận. Nhưng chuyện đã không thể cứu vãn nữa, ý chỉ của thái hậu đã ban xuống, cực chẳng đã, cha mới nghĩ đến việc đưa con về thế chỗ mà thôi."

Nói xong, Phùng Thục Giang chán ghét quay mặt sang chỗ khác. Chiếc trâm ngà cài hờ trên mái tóc đen nhánh, đơn giản mà không đơn điệu, thanh nhã và trầm mặc như chính chủ nhân của nó, hệt như vầng trăng khuyết đang treo nghiêng mình trên sắc trời màu tối thẫm.
Phùng Văn Đạt chững lại hồi lâu, ánh mắt chạm vào món nữ trang tâm thường kia, cuối cùng thở dài:
"Là vì tên Đỗ Đình Huy đúng không?"
Lần đầu tiên kể từ khi Phùng Văn Đạt đích thân tìm tới khuê phòng này, đáy mắt Phùng Thục Giang hiện lên một tia xao động. Nhưng nàng vẫn không nói gì, gương mặt như tuyết trắng chìm vào khoảng không miên man.
Đối với Phùng Văn Đạt, sự im lặng ấy chính là thừa nhận.
Vì một Đỗ Đình Huy, cự tuyệt mối lương duyên với thân vương?
Chuyện quái quỷ gì thế này?
Phùng Văn Đạt nghiến răng nghiến lợi:
"Đỗ Đình Huy là cái thá gì? Tân khoa trạng nguyên thì đã sao? Một tên khố rách áo ôm mà cũng dám mơ tưởng đến con gái ta. Hắn không xứng."
Nghe Phùng Văn Đạt nói vậy, Phùng Thục Giang lại rất muốn bật cười thành tiếng. Cha à, chẳng phải cha cũng vừa ca ngợi Bình Nguyên vương của cha vừa trẻ tuổi lại tài đức đó ư? Đỗ Đình Huy thì có khác gì, tại sao lại thiên vị người khác như thế?


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui