Thiên Hạ Kỳ Duyên


Đế vương vi hành không phải chuyện tùy tiện. Dù Tư Thành không nói ra nhưng Hoàng Lan đã nhìn thấy bóng dáng của đội quân Phụng Thánh do Lưu Sở chỉ huy trà trộn trong dân thường, làm nhiệm vụ bảo vệ Tư Thành từ xa.
Con đường đê ven làng Đan Xá mềm mại uốn khúc như dải lụa đào. Từng bụi lau lười nhác rũ mình trong cơn gió thu. Thỉnh thoảng Hoàng Lan lại gặp vài đứa trẻ mục đồng tóc còn để chỏm, vừa dắt trâu về vừa nghêu ngao hát. Phía xa có khói bếp nhà ai bốc lên, khói vương màu lam nhạt, thanh bình mà ấm áp, lấp đầy khoảng trống trong tâm khảm con người.
Người đi đầu là Tư Thành. Khi không phải khoác lên người chiếc áo hoàng bào đẹp đẽ mà nặng nề, trông hắn hệt như một thi sĩ đang dạo chơi ngắm cảnh dân gian: cần nhàn nhã có nhàn nhã, cần khí độ có khí độ, trầm uy mà không xa cách, càng khiến người đối diện tò mò đến tột cùng về diện mạo thực sự ẩn sau chiếc mặt nạ bạc.
Tư Thành và Phạm Anh Vũ từng chạm mặt nhau trong Thưởng Nguyệt lâu. Vì không muốn đối phương nhận ra mình, hắn phải dùng đến mặt nạ khi tiếp xúc với y.
Hoàng Lan thì cảm thấy khó xử, vô cùng khó xử.
Từ lúc "mặt nạ bạc" Tư Thành xuất hiện, cả Phạm Anh Vũ và Trường Giang đều trưng ra vẻ mặt như nhà có đám. Phạm Anh Vũ ít ra còn đỡ, bởi lúc bỏ đi và khi trở về vẫn là vẻ mặt lạnh tanh ấy, cho nên cũng có thể không phải Tư Thành chọc giận y. Còn Trường Giang thì tuyệt đối không thể nhầm. Cậu cứ nhìn Tư Thành chằm chằm, ánh mắt chỉ thiếu nước phun ra lửa. Nhưng kể ra cũng không có gì lạ: một bên là đương kim hoàng thượng, một bên là Trường Giang và Phong Vân kỳ sĩ, bắt ba người này ở chung một chỗ anh anh chú chú, đúng là nằm mơ giữa ban ngày! Nếu không có Hoàng Lan mặt dày lôi cả đám này trở lại quán cơm, không biết bọn họ còn đứng một chỗ gầm ghè nhau đến khi nào nữa.
Mọi phản ứng kì thị của Trường Giang đều không qua được mắt Tư Thành. Không rõ là đùa hay thật, hắn quay sang phía Hoàng Lan cằn nhằn:
"Dám dùng ánh mắt ấy nhìn trẫm, tên Trường Giang này thích bị chém đầu lắm thì phải?"
Dám dẫn Hoàng Lan của hắn đi khắp nơi, chỉ riêng tội ấy thôi cũng đủ để hắn lăng trì Nguyễn Trường Giang rồi!
Hoàng Lan lườm lại:
"Không phải chàng đang đóng vai người bí ẩn sao? Động chút đòi lôi người ta ra chém, không sợ bị bại lộ chân tướng à? Mà này, Trường Giang là bạn thiếp, chàng thử chém anh ấy xem, thiếp thề sẽ liều chết với chàng."
Nói xong Hoàng Lan mới biết mình dại. Ai đời lại đi bênh vực Trường Giang trước mặt Tư Thành! Chọc giận Tư Thành, hắn dám đem Trường Giang ra tru di cửu tộc thật chứ chẳng chơi!
Tư Thành không thèm để ý đến vẻ mặt đang ngây ra như ngỗng của Hoàng Lan nữa. Ngước mắt thấy đàn chim đang nối đuôi nhau bay rợp trời, hắn hứng khởi ngâm nga mấy câu thơ:

Lác đác ngô đồng mấy lá bay
Tin thu hiu hắt lọt hơi may
Ngàn kia cách nước xo le địch
Mái nọ bên đường đủng đỉnh chày
Lau chổng bãi nam ngàn rặm rợp
Nhạn về ải bắc mấy hàng bày
Quý Ưng, Tống Ngọc dường bao nữa
Khi ấy nhiều người cám cảnh thay.
Hình như trong khoảnh khắc rất ngắn ngủi, ánh mắt Phạm Anh Vũ lóe lên một tia sáng khó hiểu, nhưng ngay khi Tư Thành vô tình mà hữu ý nhìn sang, thần sắc y đã nhanh chóng trở lại vẻ trầm mặc như cũ.
...
Quán cơm nhỏ ở ngoại vi thành Đông Kinh có vinh dự được đón tiếp toàn nhân vật "tai to mặt lớn": một người là đương kim hoàng thượng, một người là Nguyễn sung nghi, một kẻ là Phong Vân kỳ sĩ khuấy đảo giang hồ. Thần y Từ Trọng Sinh cả ngày nay chỉ vùi đầu trong mớ y thư nên vắng mặt. Trong cả hội, xem chừng Trường Giang là người có vai vế bình thường nhất.
Tư Thành đẩy ba chén rượu về phía trước rồi chủ động nâng chén lên. Phong thái của hắn tao nhã đủng đỉnh, bình thản mà có uy, nhìn kiểu gì cũng ra dáng dấp người chủ trì đại cuộc:
"Lần đầu gặp mặt, cho phép ta mượn rượu thay lời chào."

Lần đầu gặp mặt? Phạm Anh Vũ cười nhạt trong lòng. Bọn họ đã từng chạm trán nhau trong Viên Diệp cư. Y cũng biết đối phương âm thầm theo dõi mình đến tận xã Thiên Bình. Là lần thứ mấy gặp mặt, chỉ e tên đeo mặt nạ này còn nhớ rõ hơn cả y. Vì Hoàng Lan đi cùng hắn nên Phạm Anh Vũ không tiện hỏi nhiều, nhưng trong lòng y vẫn không ngừng tự hỏi rốt cuộc vì sao hắn cứ bám riết lấy mình không buông. Vì y là Phong Vân kỳ sĩ? Hay vì y từng che giấu bạn hắn - Nguyễn Hoàng Lan?
Trường Giang thì càng mờ mịt hơn. Đã có lúc cậu cho rằng đối phương chính là đương kim hoàng thượng, nhưng hoàng thượng thì nên ở trong cung, không có lý gì lại chạy ra ngoài rồi tùy tiện gặp gỡ một đám người lạ hoắc như thế này!
Cả hai người ai cũng có khúc mắc trong lòng. Nhưng bọn họ, kẻ thì là cao thủ giang hồ, kiếm kề cổ mặt cũng không biến sắc, người lại tự phủ nhận suy đoán của mình, thành ra tất cả đều bơ chuyện này đi, không ai chất vấn về thân phận của Tư Thành nữa.
Sợ Hoàng Lan khó xử, cuối cùng Trường Giang cũng chịu nâng chén lên. Bấy giờ Hoàng Lan mới thở phào nhẹ nhõm. Ba người họ đều đối xử với nàng rất tốt, nếu vì nàng mà giữa họ nảy sinh mâu thuẫn, nàng thực sự không biết phải làm sao cho đành...
Rượu nồng chưa chạm đến môi thì cổ tay đã bị ai đó giữ lại. Tư Thành đổi cho Hoàng Lan một bát nước trắng rồi thản nhiên nói:
"Không uống được thì đừng có cố! Ta thấy nàng vẫn nên uống nước trắng thì hơn."
Hoàng Lan chưa bao giờ nói với Tư Thành rằng nàng không uống được rượu. Trong các lần tham dự tiệc cung đình, nàng đều cố nhấp một ít cho lịch sự với mọi người, không ngờ hành động nhỏ nhặt ấy mà hắn cũng nhìn ra được.
Ở bên cạnh, vẻ mặt của Trường Giang khó coi thêm mấy phần.
Phạm Anh Vũ vờ như không nhìn thấy cảnh vừa rồi, mặt vẫn lạnh tanh nhưng thanh âm đã ôn hòa hơn trước:
"Đông Kinh có ba thứ nổi tiếng, thứ nhất là cốm làng Vòng, thứ hai là múa rối nước phường Lĩnh Sơn, cuối cùng chính là rượu tê hà trứ danh. Ta ở xa đến nên chưa biết hai thứ kia thú vị ra sao, nhưng rượu tê hà thì quả nhiên danh bất hư truyền, thậm chí rượu Long Đình của hoàng cung cũng chưa chắc đã hơn."
Đem so sánh rượu trong dân gian với rượu Long Đình của hoàng cung, dù có đúng thì cũng hơi quá phận. Phạm Anh Vũ nói năng chẳng kiêng nể gì khiến mấy người ngồi bàn bên cũng phải trợn mắt nhìn y, hoặc thầm trách y to gan lớn mật, hoặc thắc mắc rằng y được uống rượu Long Đình lúc nào mà dám phán như đúng rồi. Trong khi quần chúng bức xúc thì đối tượng trực tiếp đại diện cho thể diện của triều đình lại chẳng thèm nói gì. Phạm Anh Vũ là Phong Vân kỳ sĩ, chuyện tày trời hơn y còn dám làm, vài ba lời châm chọc dạng này đã thấm vào đâu!
Bơ đi chuyện rượu nào ngon hơn rượu nào, Tư Thành chuyển sang đề tài múa rối nước:

"Rối nước phường Lĩnh Sơn rất thú vị. Ta thích nhất vở múa rối Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc Tô Định, cả vở vua Lê trả gươm cho rùa thần nữa, thích đến nỗi xem hoàn xem mãi mà vẫn không chán."
Nhân lúc Tư Thành và Phạm Anh Vũ không để ý, Trường Giang huých nhẹ vào chân Hoàng Lan, đồng thời chỉ chỉ về phía Tư Thành, rõ ràng đã cực kì mất kiên nhẫn. Hoàng Lan không biết phải giải thích thế nào nên đành tạm thời cười trừ cho qua chuyện. Việc giữa nàng và Trường Giang không thể nói hết trong một hai câu được.
Nhờ có Hoàng Lan khéo léo làm cầu nối, cuối cùng hai cái tàu điện ngầm kia cũng chịu thoải mái trò chuyện với nhau. Đặc biệt hơn, ngoại trừ bất đồng về lập trường triều chính, giữa Tư Thành và Phạm Anh Vũ có rất nhiều điểm chung. Bọn họ am hiểu kiến thức kim cổ, thông thiên văn, tường địa lý... cứ như thế, anh một câu, ta một câu, cuối cùng thi ca nhạc họa không gì không mang ra bàn luận. Ban đầu Hoàng Lan còn đau đầu nghĩ cách để hai người này chịu nói chuyện với nhau, để rồi bây giờ, bọn họ nói nhiều đến mức nàng đau cả đầu. Trường Giang ngồi một bên càng được dịp mở rộng tầm mắt. Xưa nay cậu đều cho rằng con người chỉ có thể chuyên sâu về một thứ, kẻ giỏi võ thì ắt kém văn, ai ngờ tên Phạm Anh Vũ này cái gì cũng giỏi tuốt! Nếu biết Phạm Anh Vũ từng phải chùn chân trước "mặt nạ bạc" Tư Thành trong Viên Diệp cư, e rằng cậu còn được thêm một phen sốc não.
"Hai người này làm sao thế? Lúc trước thì nhìn nhau như quân thù quân hằn, giờ lại nói chuyện như tri kỉ lâu ngày không gặp..."
Trường Giang bất mãn cảm thán một câu. Luận về chuyện gì cậu còn biết, chứ Tư Thành và Phạm Anh Vũ mang thơ phú thời cổ ra bàn luận thì cậu chính thức bị đẩy ra rìa!
Chính Hoàng Lan cũng cảm thấy lạ. Phong Vân kỳ sĩ là kẻ luôn chống đối triều đình rất gay gắt. Tư Thành đã biết thân phận của Phạm Anh Vũ mà vẫn chịu ngồi cùng đối phương và đàm đạo đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Đó là cái lạ thứ nhất. Phạm Anh Vũ vốn bản tính đa nghi, nay gặp kẻ không chịu lộ rõ diện mạo mà vẫn chén tạc chén thù. Đó là cái lạ thứ hai. Mà cả hai điều này, nàng nghĩ mãi vẫn không giải thích nổi.
Phải chăng, quân tử nể nhau ở chí khí, anh hào chẳng tính chuyện thiệt hơn?
Mọi chuyện cứ thế trôi đi, kẻ thi thoảng nhấp một ngụm rượu, kẻ nhàn tản ngâm một câu thơ, không khí cực kì thân thiết.
"Ta thấy anh có vẻ rất thích thi văn. Không biết thi nhân mà anh ngưỡng mộ nhất là ai?" Lần này người hỏi là Phạm Anh Vũ.
Tư Thành ra vẻ nghĩ ngợi rồi đáp:
"Đinh, Lý, Trần, Lê, Đại Việt chúng ta không thời nào thiếu anh tài, nhưng bình sinh ta ngưỡng mộ nhất thi tài của..." Hắn cố ý kéo dài giọng: "Ức Trai."
Ở bàn bên cạnh có kẻ yếu tim phun ra cả ngụm canh. Người trong quán lập tức quay lại nhìn Tư Thành. Dám mang thi ca của nghịch thần giết vua ra bàn luận giữa thanh thiên bạch nhật? Tên đeo mặt nạ này đúng là chán sống rồi!
Nhưng Phạm Anh Vũ không để ý đến chuyện ấy, ngược lại y còn có vẻ khá hứng thú tiếp lời.
"Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân. Điếu phạt chi sư, mạc tiên khử bạo...(1)" Phạm Anh Vũ ngâm nga hai câu đầu trong Bình Ngô đại cáo rồi quay sang hỏi Tư Thành: "Người anh em, anh thấy có phải không?"
Tư Thành không đáp. Hắn rót cho Phạm Anh Vũ một chén rượu rồi hỏi lại:

"Ý anh thế nào?"
Phạm Anh Vũ đủng đỉnh trả lời:
"Dân như nước, nước đẩy thuyền, cũng có thể lật thuyền. Việc trị quốc phải lấy dân làm gốc, khi nào dân chúng an cư lạc nghiệp, việc phiền nhiễu không còn, thiên hạ thái bình thịnh trị, đế nghiệp ngàn thu mới có thể vững bền. Ta học hành sơ sài, chỉ biết cắt nghĩa đại khái như vậy, để anh chê cười rồi."
Một kẻ mang tư tưởng chống đối triều đình như Phạm Anh Vũ cũng hiểu đạo lý lấy dân làm gốc? Từ đầu đến giờ, vì muốn thăm dò Phạm Anh Vũ nên Tư Thành mới ngồi đàm luận thi văn cùng y. Việc y đối đáp trôi chảy, thấu tình đạt lý khiến hắn rất bất ngờ, nhưng phải đợi đến khi Phạm Anh Vũ nói ra quan điểm trị quốc của mình, Tư Thành chính thức cảm thấy rất thú vị.
Cùng lúc ấy, Từ Trọng Sinh từ đâu đột ngột xuất hiện. Y tuy đồng hành cùng đám người Phạm Anh Vũ nhưng phần lớn thời gian đều tách ra một mình để suy nghĩ về cách hóa giải kỳ độc. Vừa trông thấy Tư Thành, Từ Trọng Sinh hơi khựng lại, hiển nhiên y đã nhận ra vị quý nhân đeo mặt nạ ở xã Thiên Bình, nhưng rồi sự ngạc nhiên ấy nhanh chóng biến mất, y chỉ cúi chào qua loa rồi quay sang nói với Hoàng Lan, giọng điệu mừng rỡ vô cùng:
"Hoàng Lan, có cách đối phó với kỳ độc rồi!"
...
Chú thích:
(1): Hai câu đầu trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.
Dịch thơ: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân - Quân điếu phạt trước lo trừ bạo (Ngô Tất Tố dịch).
----------
HẾT QUYỂN 2
MỜI CÁC BẠN ĐÓN ĐỌC QUYỂN 3 - THÂN THẾ
Chương 46: Con trai Nguyễn Trãi


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui