Thị Mầu

Dứt khỏi cơn ác mộng, Mầu choàng dậy, hoảng loạn nhìn quanh, xác nhận chính xác nơi mình đang ở mới an tâm rúc gương mặt đẫm mồ hôi vào chăn, cố điều hòa lại tiếng thở rít nơi cổ họng.

Cô vén mớ tóc dài bết dính sang một bên, bàn tay thay lược chải xuống, vặn chặt xong búi lại thành búi lớn sau gáy. Ngón tay không tự chủ lưu luyến, vuốt ve mớ tóc căng dầy, mướt xanh, bần thần nhớ lại.

Thời điểm cô nhảy sông, tóc khê vàng, chỉ còn lơ thơ vài lọn, lúc thân mình trầm xuống làn nước, chúng phất phới nổi lên như đám cỏ cọp, như bàn tay vươn dài cố níu giữ lấy bầu trời phía trên. Nhưng eo Mầu khi ấy đã buộc thêm đá tảng, kéo muốn gẫy xương sống, chặt đứt mọi vùng vẫy bản năng của cô.

Đến bây giờ tưởng lại, trong Mầu vẫn còn nguyên nỗi sợ, cảm giác nghẹt thở, tuyệt vọng đủ đàng.

Gà gáy rền giục giã, Mầu phắt dậy tay vơ mùng, cuốn gọn hất lên cao, chăn gối gấp gọn ghẽ, áo xống mặc chỉnh tề xong mới khẽ chân soi đèn đi ra gian ngoài. Dừng nơi bậu cửa, Mầu nghển cổ nghe ngóng, chừng hay Phú Ông vẫn đều tiếng ngáy mới cảm thấy an lòng. 

Sương sớm lạnh lẽo ngoài hiên táp ngay vào mặt dứt Mầu khỏi trạng thái mơ màng, cô xoa xoa hai cánh tay, xăng xái đi về phía bếp. Chốc lát ngọn lửa ấm áp bùng lên, bên đặt nước, bên gầy cơm, chả mấy đã bốc mùi thơm ngào ngạt.


Phía chuồng trâu lịch kịch tiếng động, Mầu biết sắp đến giờ Nô ra đồng nên là càng vội tay hơn. Đi càng sớm, trâu mới càng kiếm được bãi tốt.

- Cô Mầu, tôi đi đây.

- Anh đợi chút - Mầu quệt ngang mặt, tay vẫy Nô - Mang cơm nắm đi ăn, tôi sắp xong rồi.

- Úi chà - Nô gãi gáy, cánh tay dài khuỳnh khoàng khiến động tác ngại ngùng nom thật kì cục - Cô cứ vẽ, tôi còn cái bánh hôm qua.

- Đây, xong luôn đây - Mầu nhoẻn cười, dúi vào tay Nô bọc vải nóng hổi - Anh vất thế, ăn mỗi cái bánh khô coi sao được.

Trong ánh sáng nhá nhem, khuôn mặt Mầu thoắt trông vô cùng dịu dàng, bị Nô nhìn mới khẽ tằng hắng thu lại biểu cảm.

- Anh đi đi, trên đường về nhớ vớt cho tôi gánh bèo.

- Vâng, tôi nhớ rồi - Nô cười khoe hàm răng đều tăm tắp, tay vác cày, tay phát mạnh vào mông con trâu, tiếng đất đá rào rạo, người với trâu chốc lát đã khuất bóng.

Mầu ủ nồi cơm vào tro nóng, cài then cửa bếp cẩn thận, xách giỏ mây đi chợ một mình.

Đất nhà Mầu rộng, sát bên chỉ có nhà cái Thơ với hai nhà nữa là nhà bà Tuyền và bà Lãi, hai nhà ấy con đều đã yên bề nên ít qua lại, nay đến cái Thơ Mầu cũng không buồn nói chuyện nữa. Nói gì đây? Đã cách đến một đời, từ sau bận Mầu bị làng phạt vạ vốn đã vô cùng thưa thớt. Đến lúc Mầu chết, khéo người ta chỉ thí ra được cái tặc lưỡi đưa chân.


Chợ ngày thường thưa vắng, Mầu cũng không ưa la cà, chăm chăm chọn mấy món cha thích ăn rồi định về luôn, bỗng thấy phía trước lấp ló bóng áo tím quen thuộc. Tâm Mầu vừa chuyển, chân đã nhạy bén rảo nhanh.

- Cô Hiền!

- Ơi - Người phụ nữ áo tím thoáng ngơ ngác, xong lập tức tươi tắn - Mầu, đi chợ hả con?

- Vâng, đi xong rồi ạ - Mầu giơ cái giỏ lên khoe - Có cá Bống, tôm đồng với ít chuối xanh thầy con thích nhất.

- Thầy con khỏe chứ, dạo này đỡ rượu chưa? Bị Mầu khơi trúng, mắt cô Hiền thoáng sáng rỡ, song lời nói vẫn ngại ngần, dè chừng.

- Dạ, cũng còn hay rượu lắm cô, như hôm qua ấy, bị rượu hành mãi đến chiều mới chịu dậy ăn cơm cô ạ - Mầu làm ra vẻ mách tội, mắt lanh lẹ bắt lấy biểu cảm của cô Hiền, thấy cô đặc vẻ lo lắng thì khấp khởi mừng mà cũng không tránh khỏi trong lòng mất mát.


Mẹ Mầu mất sớm, thầy Mầu gà trống nuôi con, của nả lại không thiếu. Tuy nhiều tuổi, người không mấy phong độ nhưng cũng là tấm chồng mơ ước của bao phụ nữ trong làng. Còn cô con riêng là Mầu, đợi đến tuổi tống khứ đi là xong, không phải trở ngại gì quá lớn. Mất mẹ, tình cảm thiếu thốn, Mầu rất sợ mất luôn cha, nên cô như con thú nhỏ dữ tợn, khư khư giữ ổ, hằm hè với tất cả những giống cái đến gần thầy mình, trong đó có cả cô Hiền.

Cô Hiền là con ông lang Tần, người cũng như tên hiền thục dịu dàng, lại có chút học thức, không phải kiểu người vì sang giàu có thể bán rẻ bản thân, là ứng viên phù hợp nhất. Cô vốn nhút nhát, quá tuổi vẫn không dám tư tình cùng ai, phận sớm mất mẹ giống Mầu, cha thì mải mê làm thuốc không để tâm đến. Ngày nọ ngoảnh lại, đã là gái 30, bằng tuổi ở làng ối người đã cháu bồng, cháu bế, cô vẫn lẻ bóng một mình. Một lần đi đưa thuốc buổi tối, cô bị kẻ xấu giở trò, may nhờ thầy Mầu khi đó ngang qua sẵn chút hơi men, lên máu anh hùng xông vào giải cứu. Thầy Mầu thân hình ốm o, qua vài ba lượt đã chịu thua thiệt, sau vì lời lẽ ồn ào đánh động làng xóm mới thoát nạn.

Mầu hay tin chạy tới đón cha, trông vào những vết thương lớn bé rướm máu thì sinh ác cảm với cô Hiền, trong khi người phụ nữ lỡ thì lại thất thần nhìn mãi Phú ông, tư xuân rào rạt nảy mầm.

Hôm qua lúc ngắm cha, nghĩ đến tháng ngày vò võ của ông, tâm thức Mầu vụt liên hệ đến cô Hiền. Kiếp trước, cô là một trong số người hiếm hoi khi Mầu chìm trong vũng lầy, vẫn không ngại qua lại động viên. Đứa con trai của Mầu cũng là một tay cô đỡ. Mầu đã để ý, biết cô Hiền thương cha mình, song ích kỷ thành tính, không mảy may tính chuyện vun vào.

Nay Mầu không biết, sự tình đúng là ông trời cho cô sống lại hay cô đã chết thật rồi, chỉ là linh hồn không chấp nhận nổi tự chìm vào ảo cảnh. Cô cũng càng không dám chắc là được làm lại có thể đưa bản thân thoát khỏi kiếp số đa đoan hay không? Nên là muốn vận dụng mọi mối khiến Phú ông đổi ý tục huyền, để nếu cô có rời đi, vẫn còn lí do níu kéo ông ở lại với cuộc đời.

Mặc cho cô Hiền không ngớt vẻ nghi hoặc, Mầu níu cô nói chuyện trên trời dưới bể, không lộ ra mục đích, từng chút hướng cô về phía nhà mình.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận