Thế lại an ổn. Mầu và Nô ấy. Giờ mỗi người một lẽ sống, một lẽ để mà quên hết các lẽ khác. Hoặc chỉ đơn giản là mượn nó làm cánh cửa, giam tư tình vào một nơi thật sâu trong tâm khảm, không cho phép bản thân mình chông chênh thêm nữa.
Vốn là cái kết thích hợp. Bởi cuối cùng, kiếp trước Nô cũng đâu được Phú Ông đồng ý gả Mầu cho, dù khi ấy cô con gái vàng ngọc đã rớt giá thảm hại, đến mức mà cái cậu ba trác táng nhà ông Lý cũng không còn thèm ngó ngàng nữa. Kiếp này thì càng không được, vì Mầu với Nô rõ rành là khác biệt. Cái chữ chủ tớ, cái sánh so cao sang hèn mọn, nó càng lúc hiện rõ đến nhức nhối, đến không thể bịt mắt làm lơ. Nên cũng không hẳn là từ bỏ, đúng ra là chấp nhận, chấp nhận co bản thân lại, buông xuôi vào cái dòng chảy của bao thế hệ, không vùng vẫy nữa.
Những tưởng, ôm ấp nhiều tâm tư vậy, nén lòng riêng chặt chẽ đến vậy, sẽ không còn một cảm giác gì. Ấy vậy mà, trong tim cứ như đã bị khoét mất một mảng lớn, trống hoác, trống huơ.
Bà Gái mới thực là cam chịu. Tấm lòng người mẹ, dẫu là một người mẹ trí lực không toàn vẹn đi nữa, cũng luôn hết lòng vì con. Có lẽ bà còn cảm thấy có lỗi, nên bà càng trầm lặng ngoan ngoãn gấp bội. Phải ăn sẽ ăn, phải ngủ sẽ nằm, không gây ra việc gì ồn ào, bất lợi. Chuyện lão Xã đem việc bà chửa hoang ráo ầm lên trong cơn say đã sớm thành chuyện nổi ở làng, ai đó lại lôi bài vè ngày trước ra thêm thắt, chế cháo. Bọn trẻ học cái dở nhanh như chớp, thuộc làu làu, lại tự cho là oai phong lắm, không màng cái giá lạnh, từng tốp từng tốp cứ nhân lúc Nô với thầy Mầu đi vắng, hè nhau đọc váng lên:
Ve vẻ vè ve
Nghe vè bà Gái
Bị bỏ ngoài bãi
Tự lúc mới sinh
Lão mõ thương tình
Đem về nuôi nấng
Đầu óc ngơ ngẩn
Chậm nói chậm cười
Đến tuổi đôi mươi
Vô duyên ễnh bụng
Xóm làng xáo động
Chẳng biết con ai
Nô được hai hai
Lại tòi đứa nữa
Nhà nhà nổi lửa
Xào xáo một phen
Lần này quyết xem
Con ông nào rớt
Tôi đây hóng hớt
Được chút chuyện thôi
Rêu rao mấy lời
Cho bà con biết
Ve vẻ vè ve!
Đọc rồi, cả lũ ồn ào cười vang, chưa đợi Mầu đuổi đã nối nhau chạy mất. Mầu không biết bà Gái có nghe không. Không thấy bà vượt qua cái liếp cửa mỏng manh kia, cũng không nghe tiếng bà chửi đổng. Thế, Mầu đâm ra lại càng thương cảm cho bà. Cái cuộc đời vốn đã sơ sài, hạn hẹp, nay lại bị vây kín mít trong lòng cái lán, dẫu là tự nguyện đi nữa thì cũng thật xót xa.
Phú Ông sát tết bận tối mặt mũi, mãi mới có buổi dứt ra về sớm, đúng lúc bọn trẻ đang rập rình đầu ngõ. Ông phang gậy vào thân cây nhãn cái rầm, nheo mắt:
- A! Thằng con nhà Năm Tiến, thằng cháu ông Bái, cháu ông Kiểu...còn thằng nào núp kia, chường cái mặt ra đây ông xem nào, mấy tuổi đầu mà đã học đòi rặt mấy cái trò mất nết, để ông hỏi xem người lớn nhà chúng mày có biết đường mà dạy dỗ hay không!
Lũ trẻ sợ Phú Ông còn hơn sợ ông ba bị, mặt tái mét, vừa xô vừa dúi, vắt chân lên cổ mà chạy. Phú ông xì một cái chế giễu, thong thả vung gậy bước vào nhà, đi qua Mầu cũng không được thể mà lôi sự ra trách mắng. Chuyện hôm đấy cha con nói xong là xong, Phú Ông không nhắc lại. Ông coi mọi thứ hệt như trước, bởi vốn đã không muốn để chuyện bà Gái vào trong lòng.
- Thầy uống miếng nước ạ. Mầu lễ phép nâng chén mời cha, yêu thương chĩa ống tay áo thấm ít mồ hôi đọng trên trán Phú Ông. Đôi môi con gái hơi mím hiện lên lẻ tẻ những mảng da bong tróc.
Phú Ông thu mắt, ngẫm nghĩ một lát cuối cùng vẫn nói.
- Ngày mai thu xếp sang bên họ cơm tất niên. Ông liếc bờ môi định nhếch lên của Mầu kết luận - Không đi không được.
À - Mầu cười tươi như hoa - Con đi mà, có phải chuẩn bị gì không thầy?
- Góp những gì, thầy bảo thằng Nô nó đưa hết qua rồi. Mai ăn vận đẹp đẹp tý, cứ ngồi góp mặt, chả phải làm gì sất, cũng chẳng phải nhà mình - Phú Ông đổi giọng tiếp lời - Kể cả ở nhà, có thiếu cái gì thì cứ bảo thầy, cần thiết để thầy mượn đứa ở gái, để vất quá xong không chăm lo bản thân là không được.
- Dạ thầy - Mầu vân vê bờ môi khô, lén thở dài. Cha cũng để ý thấy rồi. Dạo gần đây, da dẻ với tóc tai cô quả có hơi xuống sắc thật, khéo phải qua xin cô Hiền bốc cho ít thuốc đặng bồi bổ. Chắc là do suy nghĩ thôi, chứ cô ăn uống vẫn đầy đủ, công việc cũng không nhiều nhặn gì mà bảo là tại vất hơn khi trước. Từ đận khai kiếp này, cô đã thường xuyên khó ngủ. Thêm nữa gần đây nhiều chuyện xảy ra quá, lòng cô cũng không tránh khỏi nặng nề. Theo lệ, tối nào cũng đi nằm từ lúc canh 1, mà có khi gà gáy canh 4 vẫn chưa thể chợp mắt. Hoặc cứ chìm trong suy nghĩ, trời đã sáng bảnh tự lúc nào, cũng không biết mình ngủ mơ thấy vẫn nghĩ hay mải nghĩ mà quên cả ngủ nữa. Không ngủ nghỉ, đến cây nó cũng héo hon chứ chả phải là người.
Nghĩ là làm, Mầu nhân cha đương ở nhà, giờ trưa chạy một mạch sang nhà cô Hiền thỉnh thuốc. Đương giờ nghỉ, đường thưa vắng, xóm làng im lìm trong cái không khí man mác, trong thứ mùi yên lành phảng phất ngây ngây buồn ngủ. Thi thảng có nhao nhác tiếng chó sủa, gà kêu chứ tuyệt nhiên không thấy bóng người. Đi qua ruộng, Mầu còn tranh thủ hái ít lá khúc, lúc quay về có thể làm cho cả nhà ít bánh đổi bữa.
Mầu vừa đến cổng, chó nhà cô Hiền đã sủa ran. Mầu quơ cái nón, suỵt suỵt, cậy cách cái cổng cao còn trở thói hù lại nó.
- Ai hỏi đấy? Giọng nói có phần nghiêm nghị vọng ra kèm theo tiếng mắng - Tô, vào trong, hỗn nào.
- Con chào ông ạ, con là con gái Phú Ông bên thôn Tây, ông cho con gặp cô Hiền với ạ. Mầu biết cô Hiền chỉ sống với mỗi cha nên thập phần lễ phép, vừa chạm mắt người đã khoanh tay cúi đầu thưa.
Ông lang Tần người dong dỏng, trạc lục tuần, mái tóc còn dầy đen, chải mượt gọn gẽ. Nom ông trẻ hơn tuổi, còn đương phong độ lắm. Vầng trán ông rộng, phẳng, hàng lông mày thưa điểm lác đác mấy sợi dài. Gương mặt ông có hơi khắc khổ, mũi cao, môi mỏng, đặc tướng người cô độc, ít biểu lộ tình cảm. Mầu ở vai mối mai cho cha nên vừa kín đáo nhận người nhận nết vừa cười tươi như hoa.
Ông lang Tần mở cửa, nói mấy câu xã giao, nào là nghe nhắc Phú Ông đã lâu, chẳng hay có khoẻ, rồi thì cái chân được con gái tôi chăm liệu đã đỡ? Mầu cung kính thưa dạ, nói đâu vào đấy, trả lời xong hết mới thẽ thọt thưa:
- Dạ, hôm nay con có chút việc riêng, muốn gặp cô Hiền xin thưa chuyện, ông cho con gặp cô với ạ.
Đến lúc này ông lang Tần mới nhìn thẳng Mầu, cái nhìn vẻ hàm ý nhiều điều làm Mầu thốt nhiên càng thẳng lưng thêm.
- Thật ngại, cái Hiền nó bị cảm, đang nằm dưỡng buồng trong.
- Dạ, cô bị cảm ạ, chết nỗi, ông cho con vào thăm cô với, thảo nào mấy ngày con chưa gặp cô đi chợ.
- Ấy, không tốt - ông lang Tần xua tay - Cô vào thăm lại lây bệnh rồi ốm ra đấy, tôi cũng không nhận mệnh nổi với phú Ông. Có lời gì, không kiêng kỵ thì cô cứ dặn ở đây, tôi chuyển giúp.
- Con cảm ơn ông nhiều lắm, nhưng chuyện đàn bà con gái, con cũng chỉ có thể nói cùng cô Hiền - Nói rồi Mầu khẩn khoản chắp tay trước ngực - Ông ơi, ông thương tình cho con gặp cô, con khoẻ lắm ạ, không sợ bệnh tình gì đâu. Thầy con con neo đơn, bệnh tật, cô Hiền không ngại sang tận nhà con thăm nom chữa trị, sao con có thể ngại ngần lúc này chứ ạ, ông ơi con xin ông đấy!
Mầu cũng đến tự phục mình, hoặc độ này cảm xúc cô nó dễ dàng khơi thông quá, vừa nói mấy lời thê thiết đã dẫn ra nước mắt vòng quanh. Cái mũi ửng đỏ, cặp lông mày rướn cao như thể đang nín lại cơn xúc động. Khúc cuối, giọng ảo não khiến con ngươi ông lang Tần cũng phải đảo qua mấy lần. Ông định thi gan, mà nước mắt Mầu rớt nhanh quá, một giọt, hai ba bốn giọt, tròn như châu ngọc chạm mặt bàn lim nghe tanh tách. Ông nhíu chặt cặp mày, cuối cùng cũng đành gật.
- Cô vào buồng trong kia - Thấy Mầu chuyển cười hớn hở, ông cố làm giọng nghiêm - Đừng trách tôi không nhắc trước.
Mầu nào có để vào tai, vội vã cúi đầu cảm ơn, xong hai ba bước đã đến gần cửa buồng. Cửa được che bằng tấm vải thẫm, dày, nặng trịch, vừa vén qua mùi thuốc bắc nồng chua đã xộc cả vào khoang mũi.
Trong phòng tối âm âm, kín bưng, đến một ít gió lạnh cũng khó lòng lùa được vào, mà sao Mầu vẫn cứ cảm giác lạnh lẽo. Cái giường gỗ đơn được kê ngay sát cửa, bên trên lùm lùm một vòm những chăn với màn. Mầu quờ tay vén màn, gọi khẽ:
- Con đến rồi cô Hiền ơi.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...