Thê Tử Của Chàng Câm

Ban đêm, trời đột nhiên đổ mưa to, tiếng sấm mùa xuân như tiếng trống, ầm ầm chấn động, trên đường phố ở bến Tân Giả đã ít người qua lại, bên ngoài những trấn nhỏ đồng hoang chỉ có thể nghe được tiếng mưa rơi như trút nước, yên tĩnh khiến lòng người hốt hoảng...

- Tang đương gia, ngoài huyện Thiệu Tây ba dặm phát hiện một chiếc thuyền trống!

Nam tử từ hành lang tiến vào phòng, y phục ướt nhẹp đang nhỏ nước, sắc mặt vàng vọt như bị nước mưa cuốn trôi đi màu máu.

- Cái gì?

Tang Vi Sương từ trên ghế bật dậy, trong lúc nói chuyện nàng khoác một cái áo khoác màu đen đi ra ngoài.

Màn mưa như những hạt châu từ trên trời trút xuống, Tang Vi Sương cảm thấy những hạt châu ấy rất nặng rất nặng, mới tháng ba mà đã mưa rào xối xả, cánh hoa xuân bị nước mưa bắn bùn trong đất, sớm đã không còn nhìn rõ dáng vẻ ban đầu.

Nàng nghĩ đến Lâu Kiêm Gia tuyệt mỹ như tranh vẽ, nghĩ đến những âm mưu khiến người ta không rét mà run, Tiểu Lâu như hoa, âm mưu như mưa, trông thật hợp với nỗi lo âu của nàng.

Lo âu sợ hãi vô vàn, mưa như thác đổ từ ngàn thước cao, chuyện xưa như giấc chiêm bao, quay đầu nhìn lại mà xao xuyến lòng, nàng vứt bỏ áo hồng váy lụa, cùng nam nhi vạch kế bày mưu, so sánh với những ngày xưa cũ, nàng giờ đây vẫn đủ khổ đau, khổ đau ly biệt với nhau, khổ đau trơ trọi đêm thâu canh dài.

Ánh sao đuổi ánh mặt trời, đuổi hoài đuổi mãi biết đời nào xong, hại người hại chính bản thân.

Nàng cất bước vững vàng mà nhanh chóng, giữa đôi mày cau chặt mơ hồ ẩn chứa sát khí và sấm sét cũng như trận mưa xuân này.

Đất hoang ba dặm bên ngoài huyện Thiệu Tây.

Đèn trên thuyền đánh cá và ánh sáng của nước giao thoa, nước mưa và nước sông giao hòa, tiếng gầm thét của thiên nhiên chói bên tai, nàng nhìn chiếc thuyền trống lẻ loi trơ trọi cập bờ trên mặt nước đen.

Căn cứ vào thám tử xác nhận thì đây đúng là chiếc thuyền khả nghi đến bến Thanh Y kia.

- Trên thuyền có gì?


- Các vật dụng trên thuyền về cơ bản đều đầy đủ, chỉ là không có để lại bất kỳ thứ quà cáp nào, tiểu nhân nghĩ những thứ đó đã bị phạm nhân lấy đi rồi.

- Con thuyền này xuất hiện ở đây khi nào? Ta muốn có thời gian chính xác nhất.

- Căn cứ vào tốc độ thuyền và manh mối của những ngư dân quanh đây cung cấp, tiểu nhân đoán là khoảng giờ Thân ba khắc hôm nay.

- Nói cách khác là hai canh giờ trước?

Mắt phải Tang Vi Sương nhấp nháy:

- Lên thuyền!

Gió trên sông thổi chuông gió nhỏ nơi khoang ở đuôi thuyền kêu leng keng, hoàng thất triều Vũ luôn xem chuông gió là vật gọi hồn, nghĩa rộng thì không rõ, Tang Vi Sương là công chúa triều Vũ, mặc dù không tin chuyện quỷ thần nhưng lúc này lại tỏ vẻ tán đồng cách nói này.

Trên mặt sông mưa rền gió dữ, tiếng chuông gió quỷ dị như thế cho nàng cảm giác rất phù hợp với cảnh tượng trước mắt.

Qua cánh cửa sổ, nàng dường như thấy một người nằm ở đây mấy canh giờ trước, một bạch y thiếu niên sắc mặt nhợt nhạt, dây thừng vứt ở đầu giường kia từng trói tay chân hắn trên thuyền khiến hắn không thể động đậy, đau khổ giãy giụa.

Nỗi thống khổ này giống như đích thân nếm trải khiến Tang Vi Sương cảm thấy phẫn nộ từ trong xương!

Bọn họ rốt cục đã làm gì Lâu Kiêm Gia? Bọn họ tại sao trói bắt đi Tiểu Lâu vô tội không rành thế sự?

Đột nhiên nàng vọt vào trong khoang thuyền, kiểm tra lại từ trong ra ngoài tất cả những nơi có thể kiểm tra, không bỏ sót chỗ nào nhưng không hề phát hiện chứng cứ và manh mối có lợi.

Lúc này một thám tử cao gầy lấy từ trong phòng bếp trên thuyền ra một cái giỏ.


- Tang đương gia, chúng tôi phát hiện cái này trong phòng bếp.

Theo ánh sáng đèn lồng, Tang Vi Sương nhìn những thứ được đựng trong cái giỏ được làm tinh tế, là “bột cỏ” dùng thừa?

Tang Vi Sương đến gần người đó hơn, có người đưa đèn lồng lại gần, nàng nhìn rõ rồi mới chậm rãi đưa tay vân vê một ít “bột”.

Người đi theo cho dù không nhận ra “bột” này là gì nhưng có thể phân được những thứ khác biệt.

Thấy Tang Vi Sương im lặng rất lâu, một thám tử chợt nói:

- Tang đương gia, bột màu trắng giống như là bột mì, có vài vỏ hạch đào nữa, những thứ khác thì tiểu nhân không biết...

- Đó là Tần giao (một loại cỏ thuốc) và tiêu Tần (một loại tiêu sử dụng thời cổ).

- A?

Thám tử kinh ngạc nhìn nàng.

Đôi con ngươi đen láy trong trẻo của nàng nhìn hắn, cười lạnh nói:

- Đều là thứ sinh trưởng ở phía Bắc Trường An!

Thám tử tức khắc hiểu ra ngay, lúc này mới nhớ đến đơn hàng của tiểu nha đầu ba ngày trước có “tiêu Thục” và “rượu đặc”.


Tiêu Thục ở nước Diêu được gọi là “tiêu Thục” bởi hầu như tiêu ở nước Diêu đều đến từ nước Ngô, nhưng ở Tây Tần loại tiêu này được gọi là “tiêu Tần”! Rượu đặc cũng là loại rượu mà người phương Bắc thích uống!

Mắt thám tử kia tỏa sáng:

- Xem ra ba ngày trước Tang đương gia đã sáng tỏ hết thảy rồi?

Tang Vi Sương cười nhạt:

- Sáng tỏ hết thảy thì không dám, tất cả đều là suy đoán, nếu không, “hung thủ” này cũng không thể chạy trốn trước mắt ta.

Giọng điệu của nàng mang ý tự giễu, người khác đều có thể nghe ra, những người theo nàng tới đây ngầm sinh lòng kính trọng với nàng, đồng thời cũng thông cảm với nàng sâu sắc.

Tang Vi Sương rũ mi, suy nghĩ hồi lâu.

Bây giờ có thể khẳng định người bắt Lâu Kiêm Gia là người Tây Tần, nhưng ở đây có một điểm đáng ngờ rất lớn, đó là nếu hung thủ đã giết người ám sát Tây Tần, vì sao còn có can đảm đi đến nơi chống Tần là “huyện Thiệu Tây”? Lai lịch của hung thủ giết người không khỏi khiến nàng suy nghĩ sâu xa!

Và cả...ánh mắt nàng rơi vào thân Tần giao màu nâu nhạt, to nhỏ đủ cả nằm uốn éo trong giỏ.

Bến Thanh Y ngày đó, trên đơn thuốc nàng không thấy hai chữ “Tần giao”, nếu không phải mua ở y quán bến Thanh Y thì chắc là hung thủ mang theo bên người. Manh mối này lại nhắc nhở nàng điều gì?

- Tang đương gia, chúng ta đã dừng ở đây một lúc rồi, e rằng sẽ dẫn đến những phiền toái không cần thiết, chúng ta vẫn nên rời khỏi đây sớm chút thì tốt hơn.

Mưa như trút nước, một võ sĩ ngoài khoang thuyền trầm mặc đột nhiên mở miệng.

- Cũng đúng.

Tang Vi Sương bỏ Tần giao trong tay vào giỏ, đưa cho thám tử bên cạnh:

- Mang cái này về.

Lúc rời đi, bước chân nàng nặng trĩu, áo choàng đen rũ xuống, cả người nàng yếu đuối mong manh, bước chân lúc liền lúc đứt, trong mắt mọi người có chút lảo đảo, nàng rõ ràng biết, huyện Thiệu Tây tiếp giáp Diêu Tần, nếu đuổi đến đây mà không đưa được Lâu Kiêm Gia trở về, nếu không có được toàn bộ đầu mối, thì...


Mưa xuân rả rích rơi trên ô giấy dầu, bước chân nàng thình lình tăng tốc, các võ sĩ và thám tử phía sau đều theo không kịp bước chân nàng.

Ô giấy dầu không thể che mưa che gió cho nàng nữa, cả người nàng lộ ra trong màn mưa.

Mưa to, nước mưa giàn giụa đổ xuống người nhưng nàng vẫn vô tri vô giác.

Nàng chợt nhớ đến lúc biết tin Tĩnh Sơ chết, nàng đã bệnh nặng một lần, sau đó Lâm Cảnh Thần cho nàng biết trận bệnh đó suýt nữa lấy mạng nàng, hắn nói nàng trọng tình trọng nghĩa nên ông trời thương xót.

Nàng chợt muốn cười, trận bệnh nặng đó vốn không phải chỉ vì Tĩnh Sơ, Tĩnh Sơ chết nàng đau lòng thì đau lòng thật nhưng chưa đủ khiến nàng đau lòng suýt chết, chẳng qua khi ấy nàng đi đường nhiều ngày liên tục, thân thể mệt nhọc quá độ, vả lại nàng hiểu rõ cơ thể mình hơn bất cứ ai, nàng biết rằng mình sẽ không chết.

Nhưng giờ đây, sự tự tin thường ngày qua năm tháng đã lặng lẽ biến mất, nàng sợ hãi, sợ mình không tìm được Lâu Kiêm Gia, sợ mình bất cứ lúc nào cũng có thể hài cốt không còn trong thời chiến loạn.

- “Bên sông Vô Định xương tàn, Vẫn người trong giấc mộng xuân khuê phòng...”. (Trích bài thơ “Lũng Tây hành kỳ 2” của Trần Đào, Trần Trọng San dịch thơ) 

- A_____

Hai gối nặng nề quỳ xuống đất, nước mưa trút từ đầu đến chân, giữa nơi đất hoang, nàng kêu lên thê lương mà dứt khoát:

- Vỗ ngực áo thở than than thở, Lệ đẫm tràn ngực áo nào hay, Lệ đâu an ủi lòng này, Bi thương đau xót từ đây dâng trào... (Trích “Điệu vong thê” của Phan An)

Nước mưa mờ nước mắt, nàng dường như nhìn thấy trấn Cốc Phong năm năm trước, thời tiết cuối xuân, dưới ô giấy dầu, nàng đứng bên ngoài Giáp Thư các của thư viện Thánh Phong, bàn tay mảnh khảnh đưa về phía đóa mẫu đơn trong mưa, trong thư các vọng ra tiếng một thiếu niên êm tai như tiếng trời, nghe tưởng như dư âm vẳng bên tai ba ngày không dứt.

- Làm sao chống được mệnh trời, Bi thương dằng dặc để rồi tự khinh, Vỗ ngực áo thở than than thở, Lệ đẫm tràn ngực áo nào hay, Lệ đâu an ủi lòng này, Bi thương đau xót từ đây dâng trào...(Trích “Điệu vong thê” của Phan An)

Vô số năm sau, nàng không khỏi nghĩ, Lâu Kiêm Gia, người thiếu niên ngâm bài thơ ấy là ngươi sao?

Nếu nàng chưa từng nghe giọng ngâm thơ thâm tình của hắn thì dù kiếp này nàng vẫn trốn không thoát vận mệnh chết oan chết uổng, cũng sẽ không cảm thấy nuối tiếc...

Nàng cười lạnh, đôi môi mỏng tự nhiên như dao gọt cong lên, nàng đứng dậy, dáng người cao cao lung lay muốn ngã.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui