Đến lúc thỉnh an vào ngày hôm sau, hai huynh muội Trường Phong và Mặc Lan quả nhiên “khỏi bệnh.” Vương thị kéo tay hai đứa bé ân cần hỏi han, một lúc hỏi bị bệnh gì, một lúc lại hỏi bệnh đó chữa thế nào. Trường Phong còn đỡ, Mặc Lan thì mặt đỏ bừng. Sau khi mọi người lần lượt thỉnh an lão thái thái xong, hai anh em đồng thời tạ tội với bà.
“Đã khiến cho bà nội phải lo lắng, chúng con không bị bệnh gì nặng cả. Chỉ là tối muộn hôm trước con ngủ bị cảm lạnh, thế là sớm hôm qua bèn thấy hơi váng đầu. Cũng không phải chuyện gì hệ trọng, con nghĩ bà nội vừa mới khỏe lại, nếu mà bị lây bệnh của con thì biết phải làm sao bây giờ? Vả lại con với anh Ba ở gần nhau, bệnh hô hấp của dì Lâm cũng truyền sang anh ấy cho nên anh ấy cũng dứt khoát ở lại viện của mình.”
Giọng nói Mặc Lan yếu ớt, sắc mặt tiều tụy, thân hình gày gò, thoạt nhìn tựa như đã bị bệnh một thời gian. Khuôn mặt Trường Phong nhỏ nhắn, trắng trẻo có chút ngượng ngùng, nói theo: “Không biết vì sao sáng hôm qua tỉnh dậy, em ấy liền bị ốm. Con cũng không xuất môn nên khiến bà nội lo lắng, mong bà đừng trách tội.”
Nói xong thì cuống quýt chắp tay thi lễ, Minh Lan đứng một bên nhìn cũng biết không phải giả vờ. Thịnh lão thái thái nhìn vẻ mặt lo lắng không yên của Trường Phong liền hoãn nét mặt, ôn hòa nói: “Phong nhi đã mười tuổi, cũng nên có phòng riêng và người hầu riêng, thuận tiện cho việc bài vở. Cả ngày mấy mẹ con đều ở cũng một chỗ sẽ làm chậm trễ công khóa. Sang năm, anh cả con cũng phải thi hương[‘] rồi, giờ đang chăm chỉ học hành đến nỗi chẳng mấy khi nói chuyện với cả phu nhân và em gái. Tuy nói rằng với gia đình chúng ta, con chỉ cần thi đến tú tài cũng là được rồi, nhưng xét cho cùng chẳng bằng thi cử thật tốt, luôn cố gắng phấn đấu, tương lai làm rạng rỡ tổ tông, hoặc tự lập phụng dưỡng cha mẹ, đều tùy thuộc vào vận số của con.”
[‘ ]Đồng thí tức thi đồng sinh, tương đương với kì thi hương ở khoa cử Việt Nam. Thí sinh gọi là đồng sinh. Đồng thí bao gồm huyền thí, phủ thí, viện thí ba giai đoạn. Thi đỗ viện thí đã được gọi là “tú tài”.
Lời của lão thái thái chẳng những để cho Trường Phong nghe, mà còn để cho Lâm di nương nghe, đây đều là lời nói từ đáy lòng. Trường Phong nghiêm mặt lại, đứng thẳng, cung kính chắp tay thi lễ với lão thái thái. Bên kia Vương thị nghe lão thái thái nhắc đến Trường Bách thì chân mày lộ vẻ hoan hỉ, không thể giấu nổi sự đắc ý. Còn Trường Bách vẫn mang dáng vẻ kiệm lời ít nói, đuôi mày cũng chẳng buồn nhếch lên.
Lão thái thái kéo Trường Phong lại nói mấy câu, từ đầu đến cuối không để ý Mặc Lan, khuôn mặt nhỏ nhắn của nó từ từ đỏ lên, tay chân luống cuống. Lúc này, Thịnh lão thái thái mới nhìn nó, từ từ nói: “Mặc nhi lần này bị ốm, chắc là vì mấy hôm trước vất vả hiếu kính với bà. Dạo này trời mùa đông rét buốt, sức khỏe con lại yếu nên mới không chịu được.”
Mặc Lan rưng rưng, khuôn mặt nhỏ nhắn ngẩng lên, nhìn lão thái thái mà nước mắt lưng tròng, vừa đáng thương vừa tủi thân, đáp: “Không thể ở bên cạnh hầu hạ bà là do con không có phúc phận, mấy ngày qua trong lòng con khó chịu nên mới bị phong hàn. Đây đều là lỗi của con, là con không đúng, xin lão thái thái trách phạt.” Nói xong liền quỳ trước kháng, thân thể gầy yếu run run, đám người hầu trong phòng nhìn cũng thấy không đành lòng.
Thịnh lão thái thái nhìn nó một lúc rồi bảo Thúy Bình nâng nó dậy, kéo đến trước người, dịu dàng nói: “Mặc nhi này, bà không cho con đến đây, con cũng đừng để bụng. Chẳng qua phu nhân bân rộn mà phải chăm sóc mấy đứa trẻ nên bà thay nàng trông nom một đứa để nàng thoải mái hơn một chút. Một tiểu cô nương như con không nên suy nghĩ quá nhiều mà để ảnh hưởng đến sức khỏe, vẫn nên bồi dưỡng bản thân cho tốt, sau này phải học thêu thùa, may vá, các lễ nghi phép tắc, còn vất vả hơn nữa. Bà cũng dặn dò em Sáu của con như vậy đấy.”
Giọt lệ xoay vòng trong viền mắt rồi không rơi xuống nữa, Mặc Lan gật đầu dựa sát người lão thái thái. Hoa Lan thấy thế cũng tiến đến nhẹ nhàng khuyên bảo an ủi. Vương thị ngoái đầu nhìn Như Lan, không khỏi thở dài. Như Lan đang sốt ruột nhón chân, đôi mắt chăm chú nhìn ra bên ngoài. Quay sang nhìn Minh Lan, thấy nó đang cúi đầu ngẩn ngơ nhìn bàn chân lại cảm thấy con gái mình cũng không đến nỗi nào.”
Sau khi mọi người về hết, hai bà cháu ăn sáng theo lệ. Thức ăn hôm nay có nhiều món mới như cháo thịt băm hầm với gạo nếp và thịt hươu. Minh Lan chưa từng được ăn loại thịt này nên thấy hương vị đặc biệt, không nhịn được ăn thêm bát nữa. Thấy con bé phồng má ăn ngon miệng, lão thái thái cũng ăn nhiều hơn. Phòng ma ma đứng một bên nhìn mà vui lây. Minh Lan nghĩ, ăn cơm cần nhất là bầu không khí, với kiểu ốm yếu ngồi gẩy từng hạt cơm như Lâm Đại Ngọc thì cho dù có là Bát Giới cũng chẳng thiết ăn.”
Cơm nước xong, lão thái thái bảo Minh Lan cởi giầy ngồi trên kháng. Lần này bà cho Minh Lan một cuốn miêu hồng, để nàng nằm trên kháng tập viết. Viết một chữ, biết một chữ. Một bên viết, một bên lão thái thái nhẹ giọng dạy bảo. Qua một lúc, Thịnh lão thái thái phát hiện trí nhớ Minh Lan rất tốt, mới đến trưa mà có thể nhớ kĩ mười mấy chữ. Mặc dù tuổi còn nhỏ, tay yếu, phần lớn chữ viết đều xiên xiên vẹo vẹo, nhưng nét nào nét nấy rất đúng quy tắc, nét đầu tiên sổ ngang, tiếp theo phẩy một nét sang bên trái, rồi lại vững vàng quét một nét sang bên phải.
Lúc này, Thịnh lão thái thái càng dạy càng thấy thích thú. Bà sợ cả một ngày bảo Minh Lan tập viết sẽ khiến đứa cháu buồn chán nên lôi ra một quyển tập làm thơ, chọn mấy bài thơ ngắn hay nhất đọc to từng câu, từng câu cho Minh Lan nghe. Bài thứ nhất là bài thơ rất nổi tiếng “Con Ngỗng”.[‘] Một người đọc thơ, một người diễn giải ý thơ. Minh Lan có chút chán nản, nhưng vẫn phải giờ vờ giả vịt đọc theo. Sau hai lần thuộc lòng, Thịnh lão thái thái càng vui vẻ, kéo đứa cháu vào trong lòng hôn một cái. Lúc còn trẻ, lão thái thái cũng là người tài danh nên ngày đó mới có thể dạy dỗ Lâm di nương. Minh Lan bị siết đến tóc tai rối bời, lại còn được khen đến mặt đỏ tía tai. Nhưng mà Lạc Tân Vương bảy tuổi đã biết làm thơ, mà nàng sáu tuổi mới thuộc lòng bài thơ thì cũng xoàng thôi.
[‘] Bài thơ được sáng tác bởi Lý Giác và Đỗ Thuận khi đi chèo thuyền với nhau.
“Con hiểu bài thơ này không?” Mấy nếp nhăn trên mặt Thịnh lão thái thái tựa hồ đều giãn ra.
“Sau khi bà nội giải nghĩa tưng chữ con có hiểu ạ… Phía trước có ba con ngỗng, ngửa cổ lên nhìn trời hát ca, sóng xanh phô lông trắng, chân hồng đạp sóng xanh.” Minh Lan cao giọng trả lời.
“Bài thơ này hay lắm phải không?” Lão thái thái nghe xong, nét cười vương đầy trên mặt.
“Hay ạ. Bài thơ này vừa có màu sắc, vừa có âm thanh, người chưa từng thấy ngỗng cũng như được nhìn thấy ba con ngỗng thật vậy.” Minh Lan cố gắng dùng lời nói của trẻ con để giải thích.
Thịnh lão thái thái chỉ vào Minh Lan cười nói: “Tốt. Tốt. Tốt. Ba con ngỗng…Đúng vậy. Chính là ba con ngỗng ngốc!”
Hai ngày chung sống, Thịnh lão thái thái cảm thấy cháu gái mình tuy truyện trò chưa được trôi chảy nhưng cũng là một đứa bé tuyệt vời. Nó không giống như Hoa Lan mau mồm mau miệng, cũng không hiểu chuyện thức thời như Mặc Lan. Nhìn thì hơi ngốc nghếch nhưng lại đem đến sự thú vị rất riêng. Lời nó nói đều là lời trẻ con, nghe qua cũng không thấy có gì sai, còn ra vẻ cực kỳ trịnh trọng, khuôn mặt nhỏ nghiêm túc làm cho người ta phải phì cười.
Đến trưa, sau khi cả khối óc và thân thể đều đã làm việc hết công suất, Thịnh lão thái thái khẩu ăn uống ngon miệng hơn, xới thêm một bát cơm. Vì muốn thể hiện thành ý tăng thêm mấy lạng thịt với sếp mới, Minh Lan cũng cố gắng ăn nhiều hơn một bát. Đĩa thịt kho đường đỏ sạch bong vì rất ngon, bị hai bà cháu đồng tâm hiệp lực gắp hết. Phòng ma ma nhìn mà trợn mắt há mồm, lén phân phó Thúy Bình chuẩn bị hai phần trà thảo dược ướp ô mai và vỏ quít lâu năm để tiêu thực.
Ăn cơm trưa xong, hai bà cháu ngồi lên hai cái ghế bành khắc hình Phúc Thọ làm từ gỗ đàn hương đen, tựa vào cửa sổ để nghỉ ngơi để tiêu cơm nhưng rút cục lại thành ngủ trưa. Lúc này mùa đông sắp qua, băng tuyết đã tan, giữa trưa ánh mặt trời ấm ấp. Minh Lan được phơi nắng ấm, giống như con mèo nhỏ xù lông cuộn mình trong áo ngồi trên ghế. Buổi trưa được ăn no, đứa bé hồng hào trông rất đáng yêu. Thịnh lão thái thái nhìn cháu gái, ánh mắt dần híp lại: “Minh nhi, con cảm thấy chị Tư của con thật sự bị bệnh à?”
Câu hỏi có chút sâu xa.
Minh Lan vốn buồn ngủ, nghe xong câu hỏi, cố gắng mở to mắt hơn một chút, nét mặt có chút mông lung, nói lộn xộn: “Không… Không biết ạ! Con vốn nghĩ chị Tư vì xấu hổ nên giận, giả bệnh không chịu đến — Cha mỗi lần đến kiểm tra tình hình học tập của chị Năm, chị ấy cũng giả bệnh như thế. Nhưng sáng nay nhìn thấy chị Tư, con nghĩ chị ấy ốm thật ạ.”
Lão thái thái nghe lời nói thật lòng, mỉm cười đáp lại đôi mắt to tròn sáng ngời, lại vuốt lên mái tóc rối của nàng và cái bím tóc nhỏ trên đầu: “Nếu chị Tư của con giả bệnh thì sao? Chúng ta có nên phạt nó không?”
Minh Lan lắc đầu đẩy bàn tay ấm áp của bà, vươn búp tay nhỏ trắng nõn níu lấy tay áo lão thái thái, khẽ nói: “Không thể đến chỗ lão thái thái, chị Tư dù không bị bệnh nhưng trong lòng cũng khó chịu. Mặc dù không phải việc đúng đắn, nhưng giả bệnh thì không chấp. Chị cả mỗi ngày đều bắt cháu đá cầu, thật ra cháu cũng giả bị bệnh như thế.”
Minh Lan thực ra rất thông cảm với Mặc Lan, chắc là trước kia Lâm di nương được sủng ái cũng thường xuyên dở chứng như vậy. Cho nên khi Mặc Lan bị cự tuyệt, Lâm di nương lập tức theo phản xạ làm mình làm mẩy để dằn mặt lão thái thái, tiếc là lần này đụng phải họng sung rồi.
Nên hiểu rằng, Thịnh Hoành từ khi thăng quan đến Đăng Châu đã hạ quyết tâm chỉnh đốn gia phong. Ông ta kì thực thích dì Lâm và con của nàng ta, bằng lòng nâng đỡ bọn họ, nhưng ông ta còn thích gia tộc và địa vị trong xã hội hơn. Lão thái thái vừa từ chối Mặc Lan, thì sau lưng dì Lâm đã để cho hai anh em giả bệnh không đi thỉnh an. Đây rõ ràng là hạ thấp thể diện của lão thái thái, công khai với toàn bộ Thịnh Phủ rằng: Lâm di nương ta có cột chống lưng rất chắc chắn.
Lão thái thái lập tức phản kích, bức Thịnh Hoành chọn lựa giữa củng cố địa vị trong gia tộc hay là chiều chuộng Lâm di nương. Trăm sự lấy Hiếu làm đầu, Thịnh Hoành không chút do dự mà lựa chọn phương án thứ nhất. Cái này giống như đầu tư cổ phiếu, không thể chỉ xem tình trạng hoạt động của công ty mà còn phải xem tình hình quốc gia. Với hoàn cảnh hiện tại của Thịnh Phủ, Thịnh Hoành vẫn bằng lòng che chở cho dì Lâm nhưng nàng ta phải tuân thủ bổn phận làm thiếp.
Lão thái thái cảm thấy cháu gái nhỏ của mình gặp chuyện liền hiểu thì hơi bất ngờ, lại dịu giọng hỏi: “Minh nhi, cháu nghĩ chị Tư của cháu sai ở chỗ nào?”
Minh Lan lắc lư cái đầu nhỏ, ra vành ra vẻ nói: “Cử ai đến chỗ lão thái thái, đó chính là tấm lòng chúng con muốn bà được vui vẻ. Chị Tư không nên vì không đạt được ý nguyện mà giả bệnh để bà phải lo lắng.”
Lão thái thái nở nụ cười hài lòng, kéo Minh Lan lại ngồi trên đầu gối của mình ôm áp, xoa khuôn mặt bé xíu của nàng, nói: “Con bé này nói rất hay. Con phải hiểu, ở chỗ bà biết chữ, hay học nữ hồng đều là thứ yếu. Cái quan trọng nhất chính là học để thấu hiểu lý lẽ. Người sống trên đời không phải lúc nào cũng được như ý, vốn của cháu thì nó là của cháu, không phải của cháu thì đừng cưỡng cầu, nên tích phúc, tùy duyên, đừng vì đạt được mục đích mà không từ thủ đoạn…”
Lão thái thái thấy đứa cháu nhỏ mang vẻ mặt mù mờ, cái hiểu cái không, tự cảm thấy lời minh nói quá sâu sắc nên không nói gì thêm nữa, gọi Thôi ma ma đến bế Minh Lan vào Lê Hoa Thụ ngủ trưa.
Thực ra Minh Lan hiểu hết, Thịnh lão thái thái vội vã lo lắng là vì trước kia bà nuôi nấng Lâm di nương, những tưởng nuôi thành một người thanh cao như Lâm Đại Ngọc, không ngờ lại biến thành chị hai Vưu[‘] dũng mãnh, mưu kế trùng trùng mà sức chiến đấu lại hung hãn, làm Thịnh phủ náo loạn long trời lở đất, mà hết thảy đều chỉ vì một chữ “Tham”. Lần này bà lại nuôi thêm một đứa thứ nữ, nếu vì đi theo bà mà thành ra kiêu ngạo thì còn mong chờ gì nữa, ngược lại còn làm hư nó cho nên lão thái thái mới phải phòng ngừa chu đáo.
[‘] Vưu Như thị trong Hồng Lâu Mộng, đã chú thích ở chương trước.
Nằm trên kháng ấm áp, Minh Lan thở dài. Thực ra, Thịnh lão thái thái không cần lo xa. Ngày đó nàng chấp nhận thân phận này thì đã nghĩ đến tương lai của bản thân. Tất nhiên đây là một thế giới cổ đại rất bình thường với chế độ cấp bậc nghiêm khắc, chính xác là quy tắc phong kiến, không có chút YY nào trong hoàn cảnh này cả. Nàng không có bản lĩnh bỏ nhà đi làm nữ hiệp, cũng không có khả năng nghĩ ra mấy ý tưởng kì lạ để gây dựng sự nghiệp, càng không dám nghĩ đến việc tiến cung kiếm ăn. Nàng chỉ có duy nhất một việc có thể làm, đó là “kinh doanh” chính cuộc sống thường nhật của mình.
Cảm giác hạnh phúc của một người sinh ra khi so sánh mình với người khác. Nếu mọi người xung quanh đều bất hạnh hơn mình thì dù có phải nhai trấu nuốt rau cũng cảm thấy cực kì sung sướng. Sở dĩ thứ nữ thấy khổ sở, là vì chị em con vợ cả thường có cuộc đời tốt đẹp hơn họ, cứ nhìn chị em cùng cha so với mình ưu việt hơn, trong lòng tất nhiên là khó chịu.
Nhưng mà, nếu là phụ nữ mà sinh ra ở hoàn cảnh khác thì thế nào? Minh Lan giả dụ mình sinh ra ở một gia đình nông dân ăn không đủ no, hoặc tệ hơn sinh ra trong gia đình nô bộc thì sao? So với những viễn cảnh này thì giờ nàng sống tốt hơn nhiều. Ít nhất cuộc sống trước mắt nàng áo cơm không phải lo, cũng coi như có chút tiền tài. Cha cũng không phải loại hủ bại có thể gả bừa con gái cho kẻ thối nát, gia đình cũng tạm coi là giàu có.
Phụ nữ cổ đại như nàng, cuộc sống đã lập sẵn một quy trình – thứ nữ lớn lên theo khuôn mẫu, gả cho một trượng phu có thân phận tương đương, sinh con rồi già đi. Li hôn thì miễn bàn, còn có khả năng nhận thêm mấy “Muội Muội” đến chung chồng, so với hiện đại cũng không khác nhau mấy. Có khi Minh Lan còn thiếu lý tưởng mà nghĩ “Như thế cũng tốt”.
Nếu cuộc sống không thuận buồm xuôi gió, ông trời kiên quyết mang đến cho nàng một cuộc đời bi thảm. Hừ! Vậy là muốn một cái mạng, đòi một cái đầu của nàng sao, thật sự nếu không còn đường nào để đi, nàng sẽ không khách khí nữa. Nàng cũng không phải người tốt, nếu đối xử với nàng quá quắt, đến lúc đó ‘dao trắng đâm vào, dao đỏ rút ra’! Cùng lắm thì cá chết lưới rách! Ai sợ ai! Dù gì thì nàng vì sạt lở đất cũng đã từng chết một lần rồi!
Nghĩ đến đây, trong lòng Minh Lan ngược lại sáng tỏ, nới lỏng tâm tư, chìm vào giấc ngủ.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...