Thất Sơn Truyện



Lâm Gia Thái Bảo

“Tại sao lại bắt tàu đi Nam Du vậy ông? Sao không lấy tàu này tự chạy ra…”

Tôi bỏ dở câu hỏi, tự thấy mình hỏi có phần hơi ngu. Vô lăng bị anh Hùng bẻ ra mất rồi làm sao mà lái tàu. Dường như anh cũng nhận ra việc mình vừa làm có phần hơi...lố hay sao ấy, anh ném cái vô lăng cho Thạch Sinh rồi bảo nó gắn lại giúp anh. Nó nói: “Này thì làm màu…”, sau đó còn cười nắc nẻ mấy cái nhưng vẫn không dám cãi. Nó phóng lên tàu, đục đẽo cũng phải một hồi mới xong. Ông lão nói: “Mấy th...thầy đúng là cao cường, cái gì cũng biết làm!”

Tú Linh nói: “Dạ thưa, cái này để tạm bợ thôi nghe ông, sau này về phải để thợ mộc chuyên nghiệp sửa lại cẩn thận mới được, chứ một lát lên nhà ông cụ ở Nam Du cũng phải bẻ ra lần nữa thôi.”

Tôi để ý thấy Tú Linh nói chuyện với ông ta khá lễ phép, không còn thái độ chủ cả như lúc nói chuyện với tôi, anh Hùng hay thằng Sinh nữa.

Nói sơ về Nam Du, hay chính xác hơn là Quần Đảo Nam Du gồm có hai mươi mốt đảo lớn nhỏ song song nhau theo hướng bắc-nam, nằm ở hướng đông nam đảo Phú Quốc trong vịnh Thái Lan, cách bờ biển rạch giá khoảng sáu mươi lăm hải lý, cách Hòn Sơn Rái khoảng hai mươi hải lý (một hải lý bằng khoảng một phẩy tám kilomet), quần đảo này thuộc quản lý của xã An Sơn và xã Nam Du, Rạch Giá, Kiên Giang. Chúng tôi lênh đênh trên biển, phải nói đi bằng tàu cá cảm giác khác hẳn những lần tôi đi chơi đảo bằng tàu cao tốc. Mặc dù tàu cao tốc cũng được phép lên đứng trên boong nhưng cảm giác nó đem lại không được như lúc này: gió lùa qua tóc tôi, ríu rít mừng lắm, vừa vào địa phận Nam Du thì trên biển lồi lõm những hòn đảo hiện ra xa tít ở đường chân trời, cảm giác tự do thì khỏi phải nói tới, lâu lâu đổi phương tiện di chuyển như vậy thích thật. Đang xé nước phóng như bay, bỗng tôi nghe tiếng máy “tạch, tạch” mấy cái rồi cả tàu giật mạnh, theo quán tính tôi nhoài cả người về trước, một màn sương dày không biết từ đâu kéo đến che hết cả tầm nhìn trước mắt. Anh Hùng, Tú Linh và Sinh nãy giờ ngồi trong khoang cũng mở cửa chạy lên xem, khuôn mặt họ hết sức nghiêm túc.

Con tàu kêu lên vài tiếng rồi chết máy.

Chỉ còn nghe lại những tiếng kẽo kẹt của ván ép đã cũ hai bên mạn tàu, tiếng rẽ nước chầm chậm róc rách bên tai, chen giữa đó là âm thanh “u u” như khi ta dùng miệng thổi vào cổ chai. Tôi hốt hoảng nhìn sang anh Hùng thấy anh đang chống tay vào mạn tàu phóng ánh nhìn về phía xa, tôi cũng bắt Ấn rồi nhìn về hướng đó. Có một ngôi mộ mọc lên giữa biển cả mênh mông, không, chính xác hơn là chỉ có cái bia mộ đang bị sóng biển khẽ đập vào, mô đất ở dưới không biết có phải mộ huyệt hay không, chỉ thấy màu đất đen xì. Anh Hùng nói: “Chết mẹ, lạc vào hòn Tre rồi!”

Tôi nói: “Ủa anh, hòn Tre là ở khúc trong mà, còn gần hơn Hòn Sơn mình đi nữa? Sao mình lạc xa vậy?”


“Không, là hòn Tre “kia”, không phải cái ở gần Rạch Giá như mày nói.”

Sinh nói: “Vậy là thật rồi. Tui có nghe nói là hòn này thuộc quần đảo Nam Du nhưng không có dân cư sinh sống, người ta dùng nó làm nghĩa địa. Nó còn có tên gọi khác là Đảo Bia Mộ.”

Tôi thắc mắc: “Tại sao?”

Anh Hùng không trả lời mà khều vai tôi kêu tôi nhìn về hướng mũi tàu, trước mắt tôi, trong màn sương dày đặc màu xám tro dần hiện lên một trái núi khổng lồ, nhưng thay vì những rừng cây xanh màu lá như những trái núi bình thường thì nơi đây thấp thoáng một thứ gì khác, cảm giác như một thế lực vô hình. Ngoài sương mù còn có khói bốc lên, rất nhiều, sương mù màu xám còn khói thì màu trắng, trông như những bóng ma đi lang thang trên triền núi. Và có hơn một trăm, hai trăm hay nhiều hơn nữa những bia mộ, trông chúng vẫn còn như mới chứ không có dấu hiệu hư hao gì cả. Nhưng mà như lời anh Hùng nói thì không có cư dân sống trên đây mà, chẳng lẽ… Tôi định chắp tay bắt Ấn nhưng Sinh đã vội ngăn lại. Nó nói: “Đừng có chơi dại!”

Tôi hỏi, hơi khó chịu: “Sao vậy?”

Anh Hùng nhìn lên vai tôi rồi nói: “Thiên Hổ đang nổi giận. Nó nhe nanh dữ lắm, mày mà bắt Ấn kéo tay nó ra khỏi mắt mày lần này chắc số phận nguyên đám xuống đáy biển ở, làm mồi cho cá rỉa.” Đoạn anh Hùng nhìn lên ông lão, giờ đang nấp sau vô lăng: “Ông đợi tàu quay lại, rồi sau đó nhắm mắt, cố giữ vô lăng cho vững, cứ thế mà đi ra thôi.” 

Anh nhìn sang Sinh và Tú Linh, hai người cũng hiểu ý. Sinh chạy ra sau chỗ máy dầu, nó chụp cái tay quay đặt vào họng máy, sẵn sàng đợi mệnh lệnh. Tú Linh phóng lên buồng lái chỗ ông lão rồi đứng cạnh ông, như muốn bảo đảm chuyện gì đó, còn anh Hùng thì cặp kè vai tôi dẫn ra phía mũi tàu. Tôi tò mò hỏi anh: “Anh Hùng, nếu trên núi có miễu sao mình không dùng Thiên Đăng Ẩn Quang Chú của thằng Sinh diệt luôn một thể? Tội gì phải bỏ chạy?”

Anh Hùng cười, không phải kiểu cười chế nhạo mà nghe như muốn chỉ bảo tôi: “Chú đó là để diệt ma cỏ, ma xó như anh đã nói. Còn những vụ đập miễu kiểu như phải vào hang động, hoặc là những nơi như thế này mà phát Chú không khác gì “Lạy ông con ở bụi này” cả. Có thể đuổi được tụi ranh ma, nhưng có những loài mày con chưa biết tên, hình dạng, đặt tính, điểm mạnh, điểm yếu các thứ nữa. Nói chung làm gì việc gì, cẩn thận phải là ưu tiên hàng đầu, lúc thằng Sinh phát Chú ở Hòn Sơn thì nó đã ý thức được rằng con Reahu, là con đầu sỏ ở đó đã bị diệt nên mới phát Chú.” Đoạn, anh nhìn vào phần dưới của mũi tàu săm soi gì đó, thấy ổn anh liền quay lại nói tiếp: “Thực tình thì anh không phải thằng nói nhiều, nhưng nguyên đám tụi mình sau này vào sinh ra tử với nhau nên anh sẽ giải thích còn mày ráng nghe. Vùng Đảo Bia Mộ này chỉ cần đánh động thôi là cầm chắc cái chết, cũng may nhờ có cái vô lăng, chính nó đã làm cho máy tắt trước khi đi vào vùng nguy hiểm. Người làm ra nó không phải là tay Hàng Thịt dạng vừa đâu. Giờ anh sẽ quay đầu tàu, lúc đó thằng Sinh sẽ nổ máy đồng nghĩa với chuyện làm kinh động đám trên núi kia, Tú Linh sẽ giữ vô lăng tiếp ông lão, còn mày, anh muốn mày quan sát tình hình, lỡ có gì xảy ra anh la lên thì mày bắt Ấn, nhờ Thiên Hổ Phù làm con mắt cho cả bọn là như vậy. Hiểu chứ?”

Quả thật lần này anh Hùng có nói hơi nhiều, nhưng tôi hiểu vì sao anh làm vậy, anh sẽ không để cho chuyện gì xảy ra với cả bọn như anh Thông! Nghe xong, sĩ khí tôi cũng có phần dâng cao. Tôi liền gật đầu cái rụp rồi hỏi: “Quay đầu tàu kiểu gì anh?”

Anh cười rồi vịn vào mạn trái của chiếc tàu, đu mình ra ngoài, một chân anh trụ thật vững còn chân kia thì vun lên đạp mạnh vào đầu tàu trong khi tôi trố mắt đứng nhìn. Ban đầu chiếc tàu không hề động đậy, tôi nghĩ thầm làm sao mà động đậy được chứ, nhưng đã quá nhiều lần sự ngờ vực của tôi luôn luôn sai bét. Và lần này cũng vậy, chiếc tàu bắt đầu trở mình, chầm chậm quay đầu lại. Lúc này Sinh cũng đã bắt đầu quay máy dầu, tiếng nổ máy giòn khấu vang lên cũng là lúc từ trên triền núi có một luồng băng phong thổi xuống làm tôi lạnh cả sống lưng. Chiếc tàu bắt đầu di chuyển trong khi anh Hùng vẫn còn đu mình trên mạn tàu, nhìn ra phía sau. Ông lão lúc này đứng cũng không còn vững nữa, khi ông quay ra phía sau nhìn thì ngã phịch xuống luôn, cũng may nhờ có Tú Linh đứng trên điều khiển cho chiếc tàu chạy thẳng. Tôi cũng ráng đưa mắt nhìn về phía sau nhưng chỉ có luồng gió thổi lên và bọt biển trắng xóa khi chân vịt máy dầu xé nước mà thôi. Từ lúc quay máy xong, Sinh cũng ngóc đầu lên xem xét tình hình, chợt nó xanh mặt gọi với lên: “Đại ca!...”


Anh Hùng khua tay: “Kệ nó, cho nó rượt đi, mình qua màn sương là được, nó không dám ra ngoài đâu!”

Tôi hỏi: “Cái gì rượt vậy anh…”

Anh nói: “Theo như anh thấy, hòn Tre này nằm trong khu cực sâu của thế vòng tròn Bát Quái ở Việt Nam. Ví như Hải Nam là Dương trong Âm, đó là lẽ hiển nhiên, nhưng hòn Tre là Dương trong Âm mà lại trở thành khu nghĩa địa, điều đó đi ngược lại với đạo lý bình thường. Tuy nhiên, đó là chuyện lục lâm thích, anh đoán chỗ này là ổ của những Hàng Thịt, vừa rồi thấy có người xâm nhập liền thả một con Thối Nha Hồn Ngư, vốn là loài vật giữ cửa chuyên ăn ác vong ở nghĩa địa ra truy đuổi.” Anh vừa nói xong tôi nghe bên tai những tiếng rít gió, kèm theo đó là mặt biển vốn đã động nay còn có những gợn sóng khổng lồ như có chiếc tàu chở dầu nào đó chạy gần bên. Tôi cũng có chút ngứa tay muốn bắt Ấn xem con này là thứ gì. Anh Hùng gọi về phía sau: “Còn chút nữa thôi!” Rồi anh phóng lên đứng cạnh tôi, anh nói: “Té thôi, không có gì phải căng.” Con thuyền phóng ra ngoài, màn sương chợt biến mất, biển lại êm đềm như chưa có chuyện gì xảy ra.

Tàu cập cảng Bãi Chệt ở hòn Củ Tron khoảng một giờ sau, sau khi ông lão cột thuyền đàng hoàng thì anh Hùng liền bẻ cái vô lăng ra thêm một lần nữa rồi vắt nó vào cái ba lô bộ binh của mình. Ông lão dẫn đường, khi đi qua khu nhộn nhịp nhất quần đảo Nam Du này cũng chính là trung tâm của cả hòn, tôi bị những hải sản tươi rói, những quầy đồ lưu niệm đủ màu sắc, những rặng dừa mọc đằng xa xa, những tiếng chào hàng ầm ĩ làm cho ấn tượng dữ dội. Tôi nghĩ về đêm ở đây chắc nhộn nhịp lắm, nào là cửa hàng tạp hóa, karaoke, cà phê, nhà nghỉ, quán nhậu, vân vân đều tập trung ở Bãi Chệt này. Ra khỏi trung tâm, chúng tôi đi vào một con đường mòn nhìn rất thơ mộng, hai bên đường cây che mát rượi, dưới đất lá khô rơi đầy tạo cảm giác như đang đi vào chốn thâm sơn cùng cốc nào đó. Ở đây nhà mọc lên khá thưa, chắc là khu của người bản địa, có một căn nhà đông người hơn bình thường, cờ đen, khăn tang treo đầy chứng tỏ chúng tôi đã đến nơi. Ông lão cởi mũ rồi bước vào nhà, từ bên trong có một anh thanh niên bước ra đỡ tay ông, anh có nước da ngăm đen, cơ bắp cuồn cuộn, mái đầu đinh, khuôn mặt vuông vức, rắn rỏi, ánh mắt từng trải.

Anh thanh niên dẫn chúng tôi vào một bàn đang bỏ trống, trên đó có mồi và tí rượu, thằng Sinh vừa thấy liền rót ra uống lấy uống để. Anh thanh niên hỏi chuyện ông lão một hồi thì ông xin phép đi thắp nén nhang, khi ông vừa quay đi, ánh mắt của anh ta thay đổi rõ rệt, anh nhìn anh Hùng rồi nói: “Lan mọc trên đất, người hái lan cứ lo hái lan, sạp thịt ngoài khơi xa thế này, làm gì có lan mà đến, ngoài trồng lan, ai mới đi mua thịt?”

Nghe xong, cả bọn ba người đều bất ngờ. Tú Linh nói: “Lan núi lan rừng có hơn tám mốt loại, tìm cũng không biết đường, đói cơm nên tìm thịt, tìm thịt để lấy lan, ăn no đi đường cần Tẩu Lộ.”

Sinh uống miếng rượu rồi thêm vào: “Miểu biết hát còn nhiều, người xây còn thì người đập vẫn còn.”

Anh Hùng nói: “Săn lan thường thì dễ, săn lan khó mới quý, lan Kiên Lương nghe đâu còn dưới đất chưa mọc lên, nhân vậy mà đi săn lan thử coi sao.”

Quý đáp: “Thịt vẫn còn, nhưng người cầm dao đi mất, không biết còn bán được không, nhưng thử để xem người săn lan có đói thịt không đã.”

Đoạn, anh thanh niên đó đứng lên, lấy ly cho từng người, rót một vòng rượu, mời chúng tôi uống rồi anh quay về vị trí của mình, anh ngồi xuống, bắt đầu kể. Anh tự giới thiệu mình tên Quý, ba anh được người dân trong vùng này gọi thân mật là Ba Lành, ông làm nghề thợ mộc, cái gì liên quan đến gỗ ông đều làm được, nhưng công việc chủ yếu là đóng và tu sửa tàu thuyền cho ngư dân. Lục lâm cũng thường hay ghé đến, nhờ ông sửa chữa hoặc chế tạo vũ khí cho họ, tất nhiên khoảng tiền họ phải bỏ ra là không nhỏ, Ba Lành chính là một trong mười người đệ tử của Lý sư phụ, tiếng tăm ai ai cũng biết. Khoảng ba ngày trước, có một nhóm người đến nhờ ông giúp làm vài thứ gì đó, nghe xong ông nổi trận lôi đình, đuổi cổ họ về, lúc đó cũng đã khuya. Anh Quý lo công việc ở cầu cảng Bãi Chệt xong, vừa về đến nhà thì thấy ba mình đang mắng trời chửi đất gì đó dữ lắm. Biết có chuyện chẳng lành, anh vào khuyên nhủ rồi còn làm vài món ăn, nhâm nhi tí rượu với ông, lúc sau ông mới chịu bình tĩnh lại, thế nhưng anh Quý vẫn còn khá lo lắng, ba mình đã tuổi cao sức yếu, mấy chuyện sóng gió lục lâm ông đã gác lại, chẳng biết thế lực gì làm ông trở nên như vậy.


Anh Hùng hỏi: “Vậy những người đến nhà nhờ vả hôm đó, anh có hỏi lại ba anh không?”

Anh Quý đáp: “Tất nhiên. Ba tui nó họ gồm có ba người, ăn mặc cũng bình thường, chỉ lạ cái là trên đầu họ quấn khăn rằn sọc trắng đen không thấy được khuôn mặt, ngoài ra họ còn tỏ ra một thứ áp khí quỷ dị rất nặng. Ba tui nghĩ họ không phải thứ lục lâm thường, họ chỉ dám thì thầm vào tai ông thứ họ muốn, là một cái xích sắt, khi ba tui hỏi làm cho ai thì họ tự xưng mình là Na Long Hội. Lúc đó ba tui mới nổi trận lôi đình, hai ngày sau thì ông chết.”

Vẻ mặt anh Hùng hơi thất kinh, nhưng chỉ trong một thoáng, anh nói tiếp: “Na Long Hội đã tan rã lâu rồi, làm gì có chuyện đến nhờ làm xích sắt. Không phải muốn xúc phạm ông anh đây, nhưng tôi không nghĩ họ thật thụ là Na Long Hội đâu!”

Anh Quý trả lời: “Không cần phải màu mè, chuyện gì rồi thì cũng đã rồi. Quý tôi tuy cũng chỉ có vài ba thủ thuật bỏ túi nhưng nhìn qua cũng dư biết mục đích của mấy anh chị. Sao nào?”

Anh Hùng cười rồi lấy cái vô lăng để lên bàn, vừa trông thấy vật này anh Quý tỏ ra hết sức bất ngờ, chắc anh nhận ra nó được chính bàn tay ba mình làm ra. Anh chụp cái vô lăng rồi săm soi kỹ lắm, anh nói, tay chỉ về phía ông lão: “Đây là cái vô lăng ba tui làm cho chú Năm mà…”

Cả đám im lặng, chờ anh Quý nói tiếp.

“Ngày xưa có một chú kia lại rủ ba tui đi bán thịt ở Mo So, chắc cũng ngót hai mươi năm rồi, ông tìm thấy một khúc gỗ trong hang, xong lần đó về nhắc đến Kiên Lương là ba tôi lạnh người. Tên chính xác của khúc gỗ là Ưu Đàm Thủy Nha Mộc, loại gỗ này rất quý, âu cũng nhờ vào cách chế tác phức tạp mà ra. Phải chôn gỗ dưới bốn mươi chín mét đất trong một con trăng, khi đào lên thì hơ lửa than hồng trong vòng ba ngày, lúc xẻ gỗ nhất định phải dùng một loại dao đặc biệt đã được yểm Ấn mới được. Nó cứng, chắc và hữu dụng vô cùng, làm nắp quan tài hay cửa thì vật chủ bên trong có thể yên tâm mấy phần. Lúc trước ba tui quý chú Năm lắm nên lấy một phần của khúc gỗ làm cái vô lăng cho ông đi biển được an toàn hơn.”

Sinh nói: “Đại ca, anh nhìn kĩ chút nữa đi, trên đó có kinh văn đó!”

Anh Quý nghe xong cũng không bất ngờ mà chỉ thở dài: “Tui biết, tui biết. Mấy người muốn nói đến kinh văn của Ca Lâu Thành chứ gì. Thôi đừng úp mở nữa!”

Lúc này, cuộc nói chuyện tuy không căng thẳng nhưng tôi có cảm giác nếu không nói hết thì anh Quý này sẽ không tiết lộ gì thêm đâu. Anh Hùng chắc cũng biết vậy, anh lấy lại cá vô lăng rồi nói: “Đúng vậy. Thật ra chúng tôi đang trên đường đi tìm ngọc rết Ngô Công Kim Thân ở Kiên Lương, hôm qua có thấy di chỉ Ca Lâu Thành, nghi ngờ rằng tàn tích ở Kiên Lương kia cũng có liên quan đến tòa thành này nên muốn điều tra ra đầu đuôi?”

Anh Quý nghe đến đó thì thất kinh: “Mấy người định vào chỗ của Ca Lâu Vương hả? Không nên, không nên. Quỷ Hồn của ông ta cứ thi thoảng bốc lên, âm khí bao trùm cả một vùng. Vào đó khác gì đi tự tử?”


Hùng đáp: “Cám ơn ông anh đã lo. Nhưng tôi còn một người em thân thiết, lúc trước đi trồng lan không may hóa thành hồ ly nên…”

Anh nghẹn lại, bỏ dở câu nói, đây là lần đầu tiên tôi thấy anh như vậy, chắc tại không khí trong đám tang này ảnh hưởng đến anh chút đỉnh. Quý thấy vậy thì thở dài, anh nói: “Muốn biết chắc thì chỉ có tìm lại khúc gỗ đó thôi, kinh văn đã có sẵn lúc ba tôi tìm ra nó rồi, cho nên tui nghĩ nếu coi lại có thể biết thêm chút ít. Ba tui giữ nó trong nhà kho, mấy người muốn thì tôi biếu luôn đó!”

Sinh nói: “Ông anh hào phóng quá. Nhưng tụi tui không cần của cải gì đâu.”

Hùng cũng thêm vào: “Đúng vậy, chỉ cần biết thông tin về Ca Lâu Thành là đã quá đủ rồi. Không biết nhà kho của chú ở đâu nhỉ?”

Anh Quý đáp gọn ơ: “Hòn Tre.”

Tôi xanh mặt, quay qua lay anh Hùng: “Anh ơi, hòn Tre “này” hay hòn Tre “kia” vậy anh?”

Anh Hùng cười gượng, Tú Linh thì chửi thề vài tiếng, Sinh nhìn tôi, nhếch mép nói: “Đoán xem?”

-

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Nguồn: Mickduck.



Trong hình ảnh có thể có đám mây bầu trời cỏ ngoài trời và thiên nhiên


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui