Lâm Gia Thái Bảo
Lâm Gia Thái Bảo
-
Quỷ Biển? Tôi hết sức ngạc nhiên trước tên gọi này, hầu như những ngư dân tôi gặp đều là những người đi biển lâu năm nhưng chưa hề nghe họ kể về thứ như thế. Sinh nhìn ông lão chằm chằm: “Thôi bớt chém gió đi ông, vùng này làm gì có cái giống đó?” Tú Linh quay sang Sinh, nói thêm: “Sư phụ chế, hồi thời còn đi chung với Lý Tổ sư, cũng có thấy chúng,nhưng người kể là chỉ có vùng Hải Vực Trường Sa, Mồ Cá Côn Đảo là có Quỷ Biển. Vùng biển Kiên Giang, bao bọc trong Vịnh Thái Lan, khí hậu ôn hòa, âm dương tề tựu, làm sao Quỷ Biển sống được?”
Ông lão càng khóc thảm hơn: “Trời đất ơi, các cô các cậu nói đúng, vùng này trước giờ dễ gì có Quỷ Biển, nhưng quả thực tuần rồi tôi có gặp mà…”
Anh Hùng bảo lão kể đầu đuôi lại xem, Sinh còn ép uống hết một ngụm rượu để kể cho máu thì cậu mới giúp. Ông ta ngồi xuống, gương mặt không che giấu nỗi sợ hãi. Chuyện là, tuần rồi, ông và vợ đang kéo lưới đêm như thường lệ để kịp phiên chợ sớm. Vùng biển hôm ấy im lặng lạ thường, trên trời ánh trăng vẫn đều đều tỏ ánh sáng mờ ảo, mặt nước không hiểu sao là là một màn sương dày đặc. Mẻ lưới khá nặng khiến lão loay hoay mãi mà chẳng kéo lên được. Ông cùng vợ mình lấy đèn soi về phía lưới, chỉ thấy một vùng biển đen đặc, dường như có khói bốc lên. Thử lại một lần nữa, lúc này thì nhẹ tênh, hai người làm một loáng, lưới đã nằm trên khoang. Bà vợ tím tái mặt mày ngay khi thấy bên trong lưới là một cỗ quan tài. Bà kêu ông mở lưới rồi quăng lại về biển nhanh, thứ này không phải đồ lành. Ông lão vốn tò mò, đến mở lớp lưới ra thì thấy xung quanh quan tài vẫn còn quấn đến mấy lớp rong biển. Những sợi rong dai nhách, bản to phải đến bàn tay mà trước đây ông chưa từng gặp. Dưới ánh đèn mập mờ, ông chỉ thấy quan tài bằng đá, có hoa văn kỳ lạ, những đường nét khắc họa một loài chim gì đó.
.
Đang định đẩy vật đó xuống biển lại, bỗng xung quanh gió nổi lên ầm ầm, sóng dâng cao dữ dội, trong cơn cuồng phong đó, ông thề rằng trong những con sóng có một cặp mắt đỏ đang nhìn vào thuyền. Bỗng thuyền bị húc mạnh, chao đảo dữ dội, vợ ông rớt xuống biển, ông cũng phóng theo định vớt nhưng bốn bề là sóng cả, dập liên hồi làm ông tối tăm mặt mũi, trước khi mất ý thức, ông chỉ nhớ được tiếng đập nước tựa như cả ngàn con cá Ông bơi cùng một lúc. Sáng hôm sau, cả ông và con tàu bị dạt vào bờ biển, lạ là tàu không hề hư hại gì cả, ông cũng vậy, nhưng vợ lão thì mất tăm. Kể từ đó, cứ đến một, hai giờ sáng, đúng giờ như lần kéo lưới đó, vợ ông lại hiện về trên đầu giường khóc lóc thảm thiết, mỗi lần như vậy ông sực tỉnh thì đều thấy mình đã nằm trên bãi cát ở bờ biển từ lúc nào, trên chân vẫn hằn dấu như có gì đó quấn lấy rồi lôi ông đi vậy. Một tuần trôi qua, đêm nào cũng như thế, lo sợ quỷ biển lại bắt mình cho đủ cặp nên khi nghe có người nói rằng Thạch Sinh đang trên đảo, ông đã hớt hải đến tìm.
.
Nghe xong câu chuyện, tôi thì cảm thấy rờn rợn về biển cả, còn ba người kia thì vẫn trơ ra: Sinh nốc rượu, không quan tâm; Tú Linh nghi hoặc còn Hùng thì có chút biểu cảm và suy tư. Anh Hùng quay sang giật chai rượu trên tay Sinh, nói: “Đủ rồi, bớt bớt đi mày!”
Sinh im lặng một phép. Hùng nhìn Tú Linh hỏi: “Có đem “hàng rong” trên biển không em?”, Tú Linh ra dấu okay, rồi Hùng mới đến vỗ vai tôi: “Mày sẵn sàng chưa?”, tôi chỉ đợi anh nói câu đó để gật đầu cái rụp. Hùng quay sang ông lão: “Tụi con sẽ giúp ông, giờ về nhà ông, đêm nay 11h ông cứ chở tụi con đến chỗ thả lưới hôm bữa, nhưng con nói trước sẽ phải có thù lao.”
Mới đầu ông lão nghe đến ra biển lúc đêm, lại đến cái nơi hôm bữa thì không giấu nổi sợ hãi, nhưng cũng đành chấp nhận, ông nói là ông nghèo lắm, tiền bạc không có bao nhiêu, nhưng sẽ ráng. Hùng chỉ bảo: “Con không lấy tiền, chỉ lấy một vật bất kỳ trên ghe của ông, được không?” Nghe đến đấy ông lão đồng ý liền, cái ghe nát ấy thì có gì mà lấy. Chúng tôi lập tức thu dọn đồ đạc theo ông lão về nhà, trên đường đi thỉnh thoảng Hùng lại nhìn vào cục đồng đen dường như có nhiều suy tư lắm. Tôi cũng có nhiều câu hỏi, thấy anh đang như vậy nên quay sang Sinh, nói: “Sao nãy anh Hùng nhắc đến Ca Lâu Thành vậy? Chỗ đó là sao?”
Sinh ra bộ thèm rượu nhưng không dám uống, thọc tay vào túi quần nói: “Khoảng mấy năm đầu thế kỷ hai, ba, ở vùng Nam Bộ này là Vương Quốc Phù Nam, cái đó thì chắc ông biết rồi, tuy nhiên miền ven biển từ Hà Tiên đến mé Rạch Giá, Cà Mau thì có một đô thị cổ, mạnh về giao thương, ban đầu thành chủ là dân di cư từ Ấn Độ qua, ổng thờ chim thần Ca Lâu La, người ta gọi đô thị đó là Ca Lâu Thành. Nơi này nổi tiếng giàu có, muốn gì cũng tìm được, có một ghi chép từ một nhà buôn người Hán ghi lại, thành Ca Lâu có hai mươi tháp, mỗi tháp xây trong một núi, tháp lớn có tượng chim Ca Lâu La ngậm ngọc bằng vàng. Đến cuối thế kỷ thứ ba, viên ngọc đó mất tích, thành Ca Lâu không hiểu sao cũng dần dần hoang phế, lúc này Phù Nam mới mạnh lên thành một thế lực. Về lý mà nói, khả năng cao Ca Lâu Thành có ngọc quý là một viên Ngô Công Kim Thân cũng không đến nỗi hoang đường.”
Tôi ngạc nhiên hỏi tiếp: “Nếu vậy chẳng phải là có thêm manh mối để đi vào kỳ động ở Kiên Lương sao?”
Sinh lắc đầu bảo: “Dễ vậy thì anh Hùng đâu có lo, lúc Ca Lâu Thành tồn tại, phía bắc là các thế lực lớn khác, nhưng nó không bị tấn công, ghi chép còn sót lại của sử Đế chế Angkor thời đầu nhắc đến Ca Lâu Thành chỉ vỏn vẹn mười hai dòng, duy chỉ có câu kết là khó hiểu: Ca Lâu Vương pháp lực cao cường, sai khiến mười tám con quỷ, thành khó bị đánh. Cho nên nếu kỳ động ở Kiên Lương là tàn tích Ca Lâu Thành, dễ gì không có Ca Lâu Vương ở đó, ông thông chưa?”
Tôi khe khẽ gật đầu, cảm thấy con đường sắp tới trăm phần ly kỳ khó đoán. Tú Linh nãy giờ nghe tôi và Sinh nói chuyện, cũng chen vào: “Nếu nói vậy, để chế nghĩ cách khai cái phù này cho chú em sớm, dù gì cẩn tắc vô ưu mà”. Tôi bất giác lại sờ lên vai. Thiên Hổ Phù mạnh đến cỡ nào, đúng là tôi không tưởng tượng được, nhưng nhìn khuôn mặt ba người kia khi nhắc đến Hổ Phù cũng đủ biết nó rất “ngon”.
.
Con đường núi ngoằn ngoèo dẫn về nhà lão, nhà cấp bốn bình thường, xung quanh chất đầy ngư cụ, dưới bến là con tàu nhỏ nhìn cũ lắm. Từ ngày bị Quỷ Biển tấn công, lão hết dám ra khơi xa, chỉ chạy vòng quanh bờ, nên chẳng thu hoạch được gì nhiều. Lúc này đã ngả chiều, Hùng bảo mọi người nghỉ ngơi đi, đêm nay đi đập miễu. Tôi lên võng trước nhà, vừa nằm xuống, lưng đã kêu lên những tiếng uể oải. Khoan khoái kéo thuốc nhìn xa xăm ra biển thì anh Hùng đến hỏi tôi còn thuốc không. Anh ngồi xuống nền nhà, hoàng hôn ửng hồng trong tròng mắt anh, anh hỏi: “Mày cảm thấy thế nào?”
Tôi ngồi dậy: “Về cái gì anh?”
Anh trầm ngâm: “Về hành trình sắp tới, mày có tưởng tượng ra được không?”
Tôi dụi điếu thuốc, thú thật cũng khó nghĩ lắm, phần thì hào hứng phần thì sợ hãi, tôi nói: “Sợ, hơi hơi thôi, nhưng chỉ cần anh có trong đội là em an tâm rồi, chỉ không muốn ngáng tay chân mọi người.”
Anh Hùng nhìn tôi rồi cười, bảo: “Anh tin mày có năng lực, đừng để tâm mấy chuyện đó đi.”
Cả hai lại hút tiếp, tôi sực nhớ chuyện đập miễu, hỏi: “Anh, Quỷ Biển mạnh không?”
Anh Hùng nhăn mặt, nói: “Mạnh. Nó là quỷ, nhưng lại càn dương, nên khó trị.” Thấy tôi ngạc nhiên pha lẫn khó hiểu, anh dành hẳn cho tôi một khóa học cấp tốc về ma quỷ trong con mắt Lục Lâm.
Giới săn lan với đập miễu thường phải gặp ma quỷ nhiều nhất. Người sống có ba “khí” chính là vong, hồn và phách. Ma là loại sơ cấp nhất năng lực không nhiều, chỉ có vong, không hồn không phách nên vật vờ, chuyên hù dọa người sống, hút dương khí để níu vong lại nhân gian, tránh khỏi sa vào cõi ta bà không siêu thoát được. Quỷ là loại có vong và hồn, thiếu phách, phách là nơi hồn và vong hòa lại, nên quỷ chủ về tấn công tâm trí con người nhằm lấy phách của họ. Nếu Quỷ mà có thêm phách thì sao? Thì nó thành Quỷ Sống, như người thường ma lực tụi này rất cao cường.
Tôi hỏi: “Vậy đó giờ đi đập miễu, có cái nào là ma da, ma xó gì không anh?”
Anh cười, nói: “Dăm ba con đó, ngày xưa mới đi săn lan anh diệt còn được, không đáng kể. Anh chỉ đi đập miễu mà chỗ đó một là có “lan”, hai là con đó pháp lực cao, vậy mới khoái”
Tôi hỏi tiếp: “Vậy Quỷ Biển thì sao?”
Anh chồm người tới, nói: “Anh cũng chỉ nghe kể thôi. Mấy con ma quỷ khác đều là âm khí, duy chỉ có Quỷ Biển đặc biệt hơn, nó vừa có âm tính vừa có dương tính. Lý do là vì biển đặc thù là âm, âm này không phải là âm khí, mà là âm lưu, cho nên nội lực của nó phải có dương thì mới sống trong biển được, da nó thì lại âm mới không bị hấp thu. Quỷ Biển hình thành khi các loài tôm cá ăn phải các vong ác, từ đó hấp thu âm khí, con vật là nội lực dương, âm khí chuyển ra bên ngoài tạo thành ngoại bì âm. Khó diệt nó là vì nó sống trong nước, có thể lặn sâu cả trăm mét, dân đập miễu bình thường không trụ lâu dưới biển được. Đó là lý do khó trị nó, chỉ cần nó bỏ chạy xuống vài trăm mét nước thì bó tay.”
Bỗng đâu Tú Linh xuất hiện, nói: “Sư phụ em ngày xưa đi với Lý Tổ sư có trừ một con ở Hải Vực, lần đó nó bị Tổ sư một chưởng làm mất cả nửa thân, lập tức bỏ trốn, ông khai ấn Hải Long Kim Cang, một hơi bơi theo nó suốt mười phút, sư phụ em kể, lần đó cả đáy biển sáng lên như có một mặt trời dưới đó, chốc sau Lý Tổ sư đem theo trái tim của nó nổi lên.”
Tôi mới nhớ, bèn hỏi về Hải Vực và Mồ Cá, anh Hùng nói: “Vùng biển gần quần đảo Trường Sa của mình, thực ra đáy biển bị một tầng bụi phủ lên trông như đáy biển, nhưng bên dưới nó là một khe nứt tự nhiên, khu vực đó có nhiều Quỷ Biển, Hải Thần sinh sống. Còn Mồ Cá là vùng biển gần Côn Đảo, nơi đó giống như là Vách Ma Giấu anh kể mày nghe rồi đó, không ai vào đó được nếu không biết cách. Nơi đó không hiểu sao có rất nhiều xác Quái Ngư, dù để bao lâu cũng không phân hủy. Có thể đó là âm mưu của Na Long Hội, tuy nhiên sau khi Lý Tổ sư từ trần, đệ tử của ông người mất người ẩn cư, chẳng ai có thể đi vào đó để tìm hiểu bí mật của nó nữa, với lại, Thông Hải từ lâu đã biệt tích khỏi lục lâm, săn lan như anh hay đập miễu như Sinh vốn dĩ chưa đủ trình ra đó.”
Không hiểu sao cả ba lại im lặng. Anh Hùng bảo tôi nghỉ ngơi, nếu không đêm nay không đủ sức đâu. Lúc này thì Sinh đang nhậu với ông lão, kỳ thực là lão bị Sinh ép, bằng không sẽ mặc lão bị Quỷ Biển bắt. Tú Linh thì ra bãi biển, Hùng thì vào trong, chắc lại nghiên cứu cục đồng đen. Tôi nằm trên võng lát sau cũng chìm vào giấc ngủ.
.
Cú tát như trời giáng làm tôi ngã từ trên võng xuống, là Tú Linh. Tôi vừa xoa vừa lẩm bẩm chửi, cô ấy nói: “Cái thằng này lề mề, kêu mãi không chịu dậy, chế chỉ tán là may cho mày đó, đi chuẩn bị nhanh, tới giờ rồi.” Tôi coi đồng hồ, đã 11h đêm, vậy là tôi ngủ một mạch hơn bảy tiếng. Xuống bếp lục cơm chỉ còn lại một ít với con cá khô, đành ăn vội cho đỡ đói. Rửa mặt cho tỉnh ngủ, chuẩn bị đồ đạc rồi tôi trở ra sân thì thấy mọi người đã tập trung lại. Họ nhìn tôi, chính xác là nhìn cái ba lô tôi mang theo, Sinh nói: “Ông tính đi xuyên Việt hả mà mang theo dữ vậy?”, thấy tôi còn lơ ngơ, anh Hùng bảo: “Mày chỉ cần xách cái Phù đó theo anh, đi biển đập miễu mà đeo ba lô, ra đó rớt xuống biển thì khỏi cần Quỷ Biển mày cũng chết nữa.”
Chúng tôi lên con tàu nát của ông lão, con tàu kêu răng rắc như muốn rã ra khi nổ máy. Lần đầu tôi được đi biển ban đêm, lại là đi bằng tàu cá, cảm giác phiêu lưu thật khó diễn tả. Biển chỉ đen đặc, khá lặng, ít sóng, trên cao dải Ngân Hà hiện rõ một vầng sáng, cảnh đẹp chưa từng thấy. Đang thơ thẩn nhìn trời biển thì nghe những tiếng động đều đặn, quay sang thì thấy anh Hùng đang ném những con cá chết được quấn bùa xuống biển. Thấy tôi nhìn, anh Hùng giải thích: “Anh đang dẫn dụ con Quỷ Biển, mỗi con cá được quấn bùa Khai Đạo, lợi dụng âm tính từ cá chết, khiến Quỷ Biển tưởng là mồi ngon mà đến.”
Chiếc tàu chạy chậm lại rồi dừng hẳn, ông lão run cầm cập bỏ neo xuống, quay sang nói với Hùng là tới chỗ rồi. Lúc này có lẽ tàu cách bờ chừng ba mươi cây số, bốn bề chỉ thấy sóng biển mênh mông, xa tít tắp thấp thoáng ánh đèn của các tàu câu mực. Bỗng nhiên anh Hùng quay sang bảo ông lão vào khoang đóng chặt cửa lại, giống như anh có linh cảm gì đó đang đến. Quả nhiên đúng như vậy, cửa khoang vừa đóng sập lại, mặt biển bỗng ngưng sóng, không gian im bặt lạ thường, mặt nước là là một màn sương dày đặc không biết từ đâu lan tới, chỉ một loáng đã bao vây con tàu. Ba người kia vẫn tỏ ra bình tĩnh, Sinh cầm chai rượu lên tu; Tú Linh thì lấy cái túi nhỏ cầm trên tay, tôi không biết trong đó có những gì; còn anh Hùng thì một tay bỏ túi quần, tay còn lại cầm điếu thuốc, đôi mắt anh rảo quanh quan sát. Anh nói: “Con Quỷ Biển này cũng khá đó, nó nhả âm khí lên che cả bầu trời rồi kìa.”
Mọi người cùng nhìn lên, tôi giật mình khi thấy bầu trời đầy sao lúc nãy, giờ đây đã đen kịt, nhưng nhìn kỹ thì không phải do mây, mà là có gì đó như khói đen, bao quanh khoảng không. Sinh vừa uống xong chai rượu, quăng vỏ xuống rồi quay sang Tú Linh kêu khai nhãn cho tôi hỗ trợ quan sát. Anh Hùng quay sang nói: “Khoan, không cần vậy, Sinh, mày dạy nó ấn Thiên Nhãn Hộ Pháp đi, mày la không biết chắc anh giết mày!” Sinh cười hề hề, bảo okay. Ấn Thiên Nhãn Hộ Pháp là ấn triệu hồi Thiên Nhãn Kim Cang, một vị thần cai quản phương hướng. Ấn này khai cho người thường thì thị giác minh mẫn, nhìn trong đêm như loài mèo. Tuy nhiên, dụng ý của Hùng thì anh cho rằng đối với tôi, ấn đó tựa như “hack” Thiên Hổ Phù, tuy không có công dụng như lần Thiên Hổ vật Reahu, nhưng ít ra sẽ giúp khai phát khả năng quan sát của Thiên Hổ. Sinh dạy tôi một loáng là tôi đã làm được, cảm giác tập trung thì tôi đã nắm trong khi vào hang ở Ma Thiên Lãnh rồi. Anh Hùng đang đứng ở mũi tàu, bỗng anh quay xuống, vỗ vai Sinh vừa cười vừa nói: “Nó làm anh rét quá, anh giao cho mày xử nó đó.” Ai mà không biết anh muốn thử Sinh, Tú Linh còn bĩu môi bảo anh làm màu. Sinh cũng hiểu ý, lân này Sinh cởi hẳn áo ra, để lộ lưng, ngoài bức xăm Dạ Xoa ghê tởm kia còn có nhiều vết xăm nhỏ, trông như con giun. Mặt anh Hùng bỗng thay đổi một thoáng rồi giãn ra lại. Sinh bước chậm rãi lên mũi, lần đầu tôi thấy hai tay cậu ta bắt ấn cùng lúc, rồi ném một lá bùa xuống. Mặt biển đang im lặng bỗng rợn lên làn sóng nhỏ, có con gì đó húc vào đáy tàu làm con thuyền chao đảo. Từ mặt biển vung lên rất nhiều thứ như sợi vải, nhìn kỹ thì ra là rong biển, chúng đập tới tấp vào thuyền, anh Hùng hét lên với tôi: “Né lẹ đi thằng quỷ!”
Tôi chỉ biết thụt đầu xuống, những sợi rong quất ngang kêu vun vút vài cái, phần giàn khô trên tàu đã vỡ ra! Sinh quay lại nói: “Mẹ nó, ông ở đó làm chó gì, lên coi giúp tui nó ở đâu.”
Tôi lồm cồm bò lên mũi, tập trung tinh thần, tôi giật mình hết sức bởi khi vừa nhắm mắt tập trung lại, tôi thấy cả vùng biển xung quanh con tàu, mà phía dưới có cặp mắt đỏ lòm to như cái thúng đang nhìn lên. Tôi bảo Sinh: “Nó ở ngay dưới thuyền!”
Sinh vung tay chặt đứt mấy sợi rong, nhìn về phía tôi đầy nghĩ ngợi. Bỗng từ biển vọt lên những hình người, như những con rối, được điều khiển bằng rong biển. Dễ nhận thấy rằng, các con rối này chính là các xác người bị con quỷ ăn mất. Bọn chúng lại lao đến cắn xé. Hùng và Tú Linh chỉ đơn giản né tránh, thậm chí họ không cần dùng ấn gì cả. Bỗng sinh hét lên: “Con mẹ nó, lũ chó hạ đẳng làm bố mày tốn thời gian!” Nói rồi anh phóng ùm xuống biển. Tôi ngơ ngác nhìn theo, không hiểu Sinh đang làm gì.
Hùng quay sang nói với tôi, chất giọng lẫn giữa châm chọc và một sự khẳng định rằng phán đoán của anh là đúng: “Chú em đây theo dõi Sinh “đại ca” thi triển Thiên Đăng Ẩn Quang Chú nhe.”
Lúc đó, đáy biển dưới thuyền chỗ Sinh lặn xuống lúc nãy bỗng sáng lên, tựa như có hàng ngàn đèn pha rọi cùng một lúc...
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...