Thất lạc cõi người


Tôi vì đến chỗ không quen, thêm phần hãi sợ nữa nên hết khoanh tay lại thả ra, mỉm cười ngượng nghịu. Nhưng uống hết hai ba ly bia tôi chợt cảm thấy nhẹ nhàng như mình mới được nếm mùi tự do.
“Mình cũng muốn vào học trường mỹ thuật nhưng mà...”.
“Đừng, chán lắm. Những nơi chốn như thế chán lắm. Trường học vô dụng thôi. Thầy của chúng ta là ở trong Tự Nhiên ấy. Hãy đắm mình vào Tự Nhiên”.
Tuy nhiên lúc ấy tôi chẳng cảm thấy kính trọng lời nói ấy một chút nào. Tôi chỉ nghĩ đó là một gã ngu ngốc, vẽ tranh chắc dở tệ nhưng đi chơi chung thì thú vị đây. Có nghĩa là, cho đến lúc ấy, tôi mới lần đầu tiên được nhìn thấy tận mắt một kẻ ngu xuẩn ở chốn đô thành. Điều đó là vì chúng tôi có cùng chung một điểm là xa cách khỏi những hoạt động của cõi người, cho dù dưới một hình thức khác. Gã ta không ý thức về việc diễn hài của mình cũng như hoàn toàn không nhận ra sự bi thảm của vai hề và đó là điểm khác biệt với tôi từ bản chất.
Tôi luôn khinh thường gã cho đó chỉ là một thứ tiêu khiển, một đối tượng kết giao chỉ để đi chơi mà thôi. Đôi khi tôi còn cảm thấy xấu hổ vì kết bạn với gã nữa nhưng cứ mỗi lần gã rủ rê đi chơi là tôi lại luôn cảm thấy mình là kẻ thua cuộc.
Tuy thế, thoạt đầu tôi nghĩ gã là một người tử tế, một người tử tế hiếm thấy, và vì tôi vốn hãi sợ con người nên tôi đã vui mừng, buông lơi cảnh giác, cho rằng mình đã kiếm được một người hướng đạo tốt ở Tokyo. Thực ra nếu có một mình thì đi xe điện tôi sợ người soát vé, đi xem kịch kabuki tôi sợ những người con gái hướng dẫn đứng hai bên cầu thang trải thảm đỏ từ cửa chính, đi vào nhà hàng tôi lại sợ người phục vụ đứng sau lưng lặng lẽ chờ tôi ăn xong mà dọn chén dĩa. Nhưng sợ nhất là lúc phải trả tiền. Chẳng phải là tôi keo kiệt bủn xỉn gì nhưng mỗi khi tôi mua hàng xong rồi đưa tiền ra trả, cử chỉ lại lóng ngóng vụng về, hết sức căng thẳng và ngượng ngập, lại hãi sợ và bất an khiến tôi cảm thấy đầu váng mắt hoa, tối tăm mặt mũi, gần như muốn phát điên. Bởi vậy đừng nói đến chuyện mặc cả mặc kiếc gì, không chỉ tôi quên lấy cả tiền thối lại, mà còn quên luôn cả việc mang món đồ đã mua về nhà nữa. Chuyện đó vẫn thường xảy ra nên tôi chẳng thể đi đâu một mình ở cái thành phố Tokyo này cả, chỉ quanh quẩn ở nhà suốt ngày mà thôi.
Bởi vậy mỗi lần đi chơi với Horiki, tôi đưa ví cho gã. Gã Horiki này mặc cả rất lành nghề lại thạo các món ăn chơi nên nhiều khi chỉ với một số tiền rất ít ỏi, chúng tôi lại được vui chơi tối đa. Hơn nữa, chúng tôi tránh không đi tắc xi tốn tiền mà tính toán làm sao trong thời gian ngắn nhất có thể đến chốn ăn chơi bằng cách đi tàu điện, xe buýt hay thậm chí tàu hơi nước trên sông nữa. Gã còn chỉ cho tôi làm sao hưởng được cảm giác xa xỉ chỉ với một số ít tiền bằng cách là mỗi buổi sáng trên đường trở về nhà từ chốn lầu xanh, ghé vào một nhà hàng Nhật Bản hạng nhất, tắm nước nóng xong rồi uống chút rượu nhẹ nhấm với đậu hũ luộc. Ngoài ra còn giảng giải cho tôi rằng cơm thịt bò và gà nướng tuy rẻ nhưng có nhiều chất dinh dưỡng, quả quyết rằng không có thứ rượu nào nhanh say hơn rượu Denki brandy(2). Và đặc biệt là từ khi kết giao với Horiki, việc thanh toán tiền không làm cho tôi sợ hãi hay bất an một chút nào nữa.
2. Nguyên văn rượu “Denki Buran”, tên một loại rượu được làm ra vào khoảng năm Minh Trị thứ 15. Gọi là “Denki” (điện khí) vì ám chỉ rượu này cũng quý hiếm giống như điện thời bấy giờ.
Một điểm làm cho tôi thấy thoải mái khi chơi với gã Horiki này là gã không bao giờ quan tâm đến việc người nghe nghĩ gì, cứ thế mà phún xuất ra lòng nhiệt tình của gã (cái sự nhiệt tình này có lẽ do coi thường người khác mà ra). Gã cứ thế mà thao thao bất tuyệt suốt ngày, bởi vậy đi chơi với gã không cần phải lo có những lúc trầm mặc chán chường không biết phải nói gì với nhau.

Tôi mỗi lần nói chuyện với người thường đều hay cảnh giác đến cái sự trầm mặc đáng sợ đó nên dù rất ít nói tôi vẫn ráng sức bông đùa những câu nói hài hước. Nhưng giờ có gã Hiroki ngu độn này diễn giùm tôi vai hề một cách không ý thức nên tôi giờ chỉ cần nghe thoáng qua, bâng quơ đáp lại hay đôi lúc mỉm cười là được rồi.
Chẳng bao lâu sau, tôi hiểu được rằng rượu bia, thuốc lá, đàn bà là những phương pháp rất tốt để có thể lãng quên nỗi sợ hãi con người trong một thoáng chốc. Thậm chí tôi còn nghĩ rằng để thực hiện được điều này, nếu như bán hết cả những gì mình có thì tôi cũng không một chút hối hận gì.
Đối với tôi, gái lầu xanh tôi không xem đó là con người hay là phụ nữ gì cả mà chỉ coi như một thứ ngu ngốc đần độn hay một dạng điên cuồng mà thôi. Với suy nghĩ đó tôi có thể yên tâm tựa đầu vào ngực họ mà ngủ ngon lành. Đáng buồn là họ hầu như không có cảm giác ham muốn nào. Có lẽ là họ cũng có cảm giác là đồng loại tương lân của tôi chăng, nên tôi luôn được các nàng tỏ tình thân thiết một cách tự nhiên. Những hảo ý không toan tính, không áp đặt dành cho người mà có thể rồi đây không đặt chân đến chốn này một lần nào nữa khiến tôi nhiều đêm nhìn thấy trong hiện thực vòng hào quang của Đức Mẹ trên những người con gái lầu xanh ngu độn hay cuồng điên ấy.
Tuy nhiên khi tìm kiếm một đêm nghỉ ngơi để trốn tránh nỗi hãi sợ con người, tôi tìm đến chốn lầu xanh, vui chơi với các nàng du nữ “đồng loại”, tôi dần bị tiêm nhiễm trong cái bầu không khí bất tường ấy một cách vô ý thức, tôi dần dần trở nên dày dạn và nhiều kinh nghiệm. Khi cái “kinh nghiệm thêm” này thể hiện ra, tôi đã bị Hiroki chỉ trích. Điều này khiến tôi vô cùng kinh ngạc và chán chường. Theo cách nhìn của người ngoài, nói một cách thông tục, thì nhờ gái bán dâm mà tôi biết đến mùi đời và tôi trở nên khá là lão luyện. Trong việc “tu luyện dâm kinh” thì với gái lầu xanh là hiệu quả nhất. Cái mùi “sát gái” đã ngấm vào người tôi và phụ nữ (không phải là gái bán dâm) bằng bản năng đã đánh hơi được cái mùi sở khanh. Đó là “phần thưởng” của việc ngâm mình trong cái không khí bỉ lậu, mất danh dự ấy và nó lấn lướt hơn cả việc nghỉ ngơi của tôi nữa.
Gã Hiroki chỉ trích tôi nhưng có đến nửa phần là khen ngợi. Còn đối với tôi, chuyện đó chỉ là một nỗi thống khổ mà thôi. Tôi nhận được nhiều lá thư tình trẻ con của cô gái quán cà phê. Còn cô con gái khoảng chừng hai mươi tuổi của một vị tướng ở gần nhà thì mỗi sáng đúng giờ tôi đi học lại làm như vô tình lượn lờ trước cổng nhà tôi với gương mặt đã được trang điểm nhẹ nhàng. Rồi còn cô gái phục vụ ở quán bít tết mà tôi hay đến ăn nữa chứ dù tôi chẳng nói một lời nào...Thêm cả em gái nơi chỗ tôi hay đến mua thuốc lá cũng cài thư vào trong bao thuốc... Còn cả cô gái ngồi cạnh tôi khi đi xem kịch Kabuki...Rồi cả bữa say rượu ngủ vật vờ trên chuyến tàu đêm...Cả cô con gái nhà bà con tôi ở quê cũng gởi cho tôi một bức thư tình sâu đậm... Có người con gái mà tôi không quen gửi cho tôi một con búp bê (hình như chính tay nàng làm lấy) khi tôi đi vắng. Tôi đều nhất mực im lặng nên chuyện chỉ dừng ở đó, không tiến xa hơn. Cái bầu không khí làm cho bọn con gái mộng mơ ấy đã bám chặt vào tôi không phải là chuyện đùa tùy tiện như kiểu tán tụng sắc tình mà đó là điều tôi không tài nào chối bỏ được. Cho nên khi điều này bị một gã như Horiki nhận ra, cùng với việc tôi cảm thấy cay đắng gần như là hổ thẹn thì tôi cũng đánh mất hết mọi hứng thú với việc giao du với gái lầu xanh.
Horiki để khoe mẽ cái hiện đại thời thượng của mình (đối với gã này, ngoài lý do đó tôi thấy không còn cách lý giải nào khác), một ngày dẫn tôi đến một hội nghiên cứu bí mật chuyên tổ chức những buổi đọc sách về chủ nghĩa cộng sản (tôi nhớ không rõ lắm, hình như tên là R.S thì phải). Có lẽ đối với hạng người như Hiroki thì cuộc hội họp bí mật về chủ nghĩa cộng sản cũng chỉ là một phần của cái gọi là “hướng dẫn du lịch Tokyo” thôi. Tôi được giới thiệu với các “đồng chí” khác, được mời mua một quyển sách mỏng và nghe một diễn giả thanh niên có gương mặt cực kỳ dị hợm thuyết giảng về kinh tế học Mác xít. Tuy nhiên tôi nghĩ là mình có thể hiểu được trọn vẹn. Người ta nói là hoàn toàn đúng nhưng tôi nghĩ rằng trong tâm tư con người còn có những điều đáng sợ hơn và không tài nào hiểu được. Nói là dục vọng thì cũng chưa đủ, nói là hão huyền thì cũng không phải, nói đến kết hợp cả dục vọng và sắc tình thì cũng chưa sát sao. Nói chung là tôi không hiểu nhưng tôi có cảm giác rằng “hạ tầng cơ sở” của con người không phải là kinh tế mà là một cái gì đó kỳ quái hơn. Tôi vốn hãi sợ cái kỳ quái ấy nên mặc dù cảm thấy mình hấp thụ lý luận duy vật một cách tự nhiên như nước chảy nhưng lại không tài nào cảm thấy được giải thoát khỏi nỗi hãi sợ con người để có niềm vui hy vọng khi mở to mắt mà nhìn mây trắng trời xanh. Tuy thế, tôi vẫn tham dự đầy đủ các buổi nói chuyện ở hội R.S đó (tên này có thể tôi nhớ nhầm), không hề vắng mặt một buổi nào. Nhìn các “đồng chí” kia chú tâm nghiên cứu những lý luận sơ đẳng như thể “một với một là hai” với vẻ mặt nghiêm trang và trọng đại thật buồn cười không chịu nổi. Tôi sử dụng kỹ thuật hề của mình để đôi khi pha trò thư giãn cho mọi người và có lẽ vì thế mà cái không khí căng thẳng mỗi lần hội họp đã chấm dứt và tôi gần như đã trở thành nhân vật không thể thiếu của tổ chức này. Có lẽ các đồng chí chất phác kia nghĩ rằng tôi cũng đơn giản như họ, là một “đồng chí” có tài hoạt kê mà thôi. Như thế có nghĩa là tôi đã lừa được hết cả mọi người. Tôi chẳng phải đồng chí đồng chiếc gì cả nhưng tôi đều tham dự thật đầy đủ các cuộc họp chỉ để chọc cười mọi người mà thôi.
Tôi làm vậy bởi vì tôi thích và những người kia cũng thích tôi. Tất nhiên đó không phải là sự thân mật được kết nối của những người cùng theo chủ nghĩa Mác.
Bất hợp pháp. Đối với tôi đó cũng là một niềm vui thầm lặng. Hay có thể nói là tôi cảm thấy dễ chịu với điều đó. Thật đáng sợ biết bao cái gọi là hợp pháp trong thế giới này, nó chứa đựng một nỗi dự cảm của một thứ gì như là một sức mạnh khủng khiếp mà không tài nào hiểu được. Tôi không thể ngồi trong một căn phòng máy lạnh không có cửa sổ như thế được. Chẳng thà nhảy ra ngoài, bơi lặn trong cái biển phi hợp pháp kia rồi chết chìm tôi còn cảm thấy còn vui hơn.
Có một từ để gọi đó là “kẻ ngoài rìa xã hội”. Từ này vốn dùng để chỉ những kẻ thất bại thảm hại hay những kẻ không lương thiện trong thế giới này. Nhưng đối với tôi kể từ khi được sinh ra, tôi đã thấy mình là kẻ ngoài rìa. Mỗi lần gặp những kẻ bị xã hội cho ra rìa, tôi đều thấy thương cảm. Lòng thương cảm đó có thể nói là gần như ngây ngất trong con người tôi

Cũng có một từ khác nữa là “ý thức tội phạm”. Trong thế giới con người, một đời tôi đau khổ vì cái ý thức này, nó như thể là người bạn đường, người vợ chung thủy của tôi vậy. Tôi cùng với người vợ này hai người đùa giỡn với nhau. Đây có lẽ là một cách sống của tôi. Nói thông tục thì với cái vết thương của ý thức tội lỗi này ngay từ khi tôi sinh ra đã có rồi và theo thời gian không những không thể chữa lành mà nó còn ngày một thêm sâu hơn, giờ đã đến tận xương tủy rồi và nỗi đau khổ mà nó mang lại hằng đêm thật thiên hình vạn trạng. Tuy nhiên kỳ diệu thay, vết thương này lại thân thiết hơn máu huyết của tôi, thậm chí nỗi đau vết thương này tôi nghĩ có tình cảm riêng, thì thầm với tôi những lời âu yếm.
Với bầu không khí của những hoạt động ngầm, đối với một thằng như tôi mà nói, lại làm cho tôi yên tâm và dễ chịu. Có nghĩa là hoạt động này hợp với tôi theo vẻ bề ngoài hơn là mục đích chính của nó. Còn đối với gã Horiki, thì phong trào này chỉ là một trò đùa ngu ngốc mà thôi. Gã chỉ đến một lần duy nhất khi giới thiệu tôi rồi nói những câu thời thượng rẻ tiền như “Mác có nói rằng đồng thời với việc nghiên cứu mặt sản xuất thì quan sát về mặt tiêu thụ cũng là cần thiết”. Rồi dụ khị rằng mình chỉ cần đi quan sát về mặt tiêu thụ là cũng được rồi. Nghĩ lại, vào lúc đó cũng có nhiều dạng người Mác xít khác nhau. Cũng có kẻ như Horiki, tự xưng mình là mác xít vì hư vinh thời thượng, cũng có kẻ như tôi đến tham dự các cuộc họp hội vì bị quyến rũ bởi cái mùi “bất hợp pháp”. Và nếu như những người Mác xít chân chính mà biết được điều này thì chắc sẽ nổi giận lôi đình, coi tôi với Horiki như những tên phản bội ti tiện, và sẽ đuổi cổ chúng tôi ngay lập tức. Tuy nhiên tôi và Horiki đều không bị khai trừ. Trái lại ở trong cái thế giới phi hợp pháp này tôi lại có thể đường hoàng ung dung, hành xử một cách “mạnh mẽ” hơn là ở trong cái thế giới hợp pháp của các bậc thân sĩ. Bởi vậy tôi được xem như là một “đồng chí” đầy triển vọng, được giao rất nhiều nhiệm vụ bí mật quá độ đến buồn cười. Hơn nữa, tôi chưa bao giờ từ chối, nhiệm vụ nào cũng bình thản nhận lời, ngoan ngoãn vô cùng, chưa bao giờ bị “chó” (từ các đồng chí trong Đảng gọi cảnh sát) đánh hơi rồi hỏi cung để làm thất bại nhiệm vụ cả. Tôi vừa cười, vừa chọc cười người khác, vừa nhận những công việc mà các đồng chí gọi là nguy hiểm rồi hoàn thành nhiệm vụ được giao. (Các đồng chí trong tổ chức này lúc nào cũng làm ra vẻ căng thẳng trọng đại, đến mức như kiểu bắt chước rẻ tiền trong tiểu thuyết trinh thám, tinh thần luôn cảnh giới cao độ, và những công việc nhờ tôi làm thật tình là tẻ ngắt đến mức ngạc nhiên. Nhưng các đồng chí ấy cứ ra sức dặn dò đây là công việc nguy hiểm lắm đấy). Tâm trạng của tôi lúc bấy giờ trở thành Đảng viên, nếu bị bắt tù chung thân trong ngục tối thì cũng thường tình thôi. Lúc đó, thậm chí tôi còn nghĩ rằng thay vì sợ hãi đời sống thực của con người thế gian, rên rỉ trong nỗi khổ địa ngục mất ngủ từng đêm thì vào nhà lao xem thử biết đâu đời sẽ thú vị hơn chăng.
Cha tôi ở biệt thự khu phố Sakuragi này phải vừa tiếp khách vừa công cán bên ngoài cho nên nhiều khi có đến ba bốn ngày không gặp mặt tôi. Nhưng tôi cũng chẳng thấy sao cả. Khi được vợ chồng người giữ nhà cho biết là cha tôi có ý định bán căn biệt thự thì tôi cũng nghĩ là vậy mình sẽ rời đây mà đi ở trọ nơi nào đó thôi nên cũng chẳng hỏi thăm gì.
Chắc là nhiệm kỳ làm nghị viên của cha tôi sắp hết hạn mà cha tôi lại không có ý tranh cử nữa hay còn nhiều lý do khác mà tôi không được biết. Với lại ở quê ông đã xây một ngôi nhà ẩn cư, không còn lưu luyến gì với Tokyo, chỉ vì còn có tôi đang học trường cao đẳng mà giữ lại căn nhà với người giúp việc thì phí đi (Cái dụng tâm của cha tôi chắc cũng đồng dạng với suy nghĩ của thế gian nên tôi cũng không hiểu rõ lắm). Nhưng dù sao thì căn nhà này cũng sắp sửa giao cho người lạ nên tôi phải dọn đến một căn phòng âm u trong dãy nhà cũ có tên “Tiên Du quán” ở khu Morikawa, Hongo và gần như ngay lập tức tôi bị rơi vào cảnh thiếu thốn tiền bạc. Hàng tháng cha tôi giao cho một số tiền tiêu vặt nhất định nhưng chỉ hai ba ngày sau tôi đã tiêu hết nhẵn. Tuy vậy, thuốc lá, rượu bia, phó mát và trái cây lúc nào cũng có sẵn trong nhà. Ngoài ra sách vở, dụng cụ học tập hay quần áo thì bất cứ lúc nào cũng có thể “mua chịu” ở một quán gần nhà, rồi thì mỗi lần chiêu đãi Horiki ăn mì soba hay cơm thịt bò ở những quán trong phố chịu ân huệ của cha tôi thì cứ điềm nhiên ăn xong rồi bước ra mà không ai hỏi han gì cả.
Bởi vì đột nhiên phải mang thân đi làm khách trọ, nên tôi tìm đủ mọi cách để nhận được nhiều tiền hơn số tiền định mức hàng tháng đến mức đứng ngồi không yên. Vì tiền mới hai ba ngày đã tiêu nhẵn nên tôi khủng hoảng lo sợ như phát cuồng, liên tục gửi điện tín cho cha, anh và chị đòi gửi tiền. Sau những lần điện tín, tôi lại viết những bức thư kể lể (sự tình trong những bức thư đó đều là thứ hư cấu của thằng hề mà thôi. Tôi cứ nghĩ rằng khi nhờ vả người ta thì trước tiên phải chọc cười mới là thượng sách). Mặt khác, nhờ sự chỉ dẫn của Horiki, tôi bắt đầu chăm chỉ đến những tiệm cầm đồ. Dù vậy, tiền bạc lúc nào tôi cũng thiếu thốn suốt tháng quanh năm.
Tự mình tôi không có khả năng sống ở chỗ trọ xa lạ, không người thân thích này. Tôi trầm mặc trong nhà, im hơi kín tiếng, lúc nào cũng có cảm giác sợ hãi như thể ai đó sắp sửa xông vào nhà bắn cho một phát chết tươi. Vì vậy, tôi lao ra khỏi nhà, đi tham gia các hoạt động ngầm, hay cùng với Horiki đi loanh quanh các nơi nốc rượu rẻ tiền, việc học hành và vẽ tranh hầu như bỏ mặc. Rồi vào tháng 11 năm thứ hai ở trường cao đẳng, tôi dính dáng đến một vụ tự tử vì tình cùng với một người đàn bà có chồng và lớn tuổi hơn tôi. Và mọi chuyện đổi thay tất cả.
Tôi thường xuyên bỏ lớp, hầu như chẳng học hành gì nhưng may sao trong các kỳ thi bằng trực giác tôi vẫn làm được và cho đến giờ vẫn còn lừa được người thân ở quê là mọi chuyện đều thông suốt. Nhưng dần dần do tôi không tham gia đầy đủ các buổi học nên nhà trường đã lén gửi một bản báo cáo về cho cha tôi hay sao ấy nên anh cả thay mặt cho cha tôi viết cho tôi một bức thư dài với những lời trách mắng nghiêm khắc gửi lên cho tôi. Tuy nhiên, ngoài cái đó ra thì những nỗi thống khổ trực tiếp của tôi như thiếu thốn tiền bạc rồi những hoạt động ngầm nữa trở nên khắc nghiệt và bận rộn hơn, không còn phải là chuyện đùa chơi nữa. Tôi trở thành đội trưởng đội hành động học sinh theo chủ nghĩa Mác của toàn bộ khu trung tâm rồi các vùng khác như Hongo, Koishikawa, Kanda...Nghe nói đến khởi nghĩa vũ trang, tôi đã mua một con dao nhỏ (bây giờ tôi còn nhớ đó là con dao mỏng không đủ sắc để gọt bút chì nữa) nhét vào trong túi áo mưa, mang đi đây đó để làm nhiệm vụ “liên lạc”. Tôi muốn uống rượu để dỗ giấc ngủ ngon mà lại không có tiền. Hơn nữa công việc của P đây là tên gọi ẩn danh của tổ chức, nhưng cũng có thể tôi nhớ nhầm) ngày càng dồn dập đến mức không kịp thở. Cơ thể ốm yếu của tôi gần như không kham nổi. Đầu tiên tôi vốn giúp tổ chức chỉ vì thích thú với cái không khí bất hợp pháp mà thôi. Vậy mà từ đùa chuyển sang thật, bây giờ đã bận rộn đến mức này đây. Tôi không thể nào mà nói với những người trong tổ chức là “các bạn nhầm rồi, sao không giao việc này cho những người thực sự của tổ chức làm đi?” thành ra tôi phải đào tẩu. Cách đào tẩu cũng chẳng dễ chịu gì. Tôi quyết định tự sát.
Vào khoảng thời gian này, có ba người con gái để ý đến tôi. Một trong số đó là cô con gái của chủ khu nhà trọ “Tiên Du quán” chỗ tôi ở này. Mỗi lần tôi mệt lử vì công việc của tổ chức, về nhà không kịp cơm nước gì đã lăn ra ngủ thì nàng lại mang giấy bút đến phòng tôi.

“Dạ, cảm phiền anh. Dưới kia lũ em ồn ào quà nên em không viết thư được
Thế rồi nàng ngồi ở chiếc bàn trong phòng tôi đến hơn một tiếng hý hoáy viết.
Tôi có thể làm lơ đi mà ngủ coi như không biết gì, nhưng nhìn thấy điệu bộ nàng chỉ mong chờ tôi nói một câu gì đó nên tôi phát huy tinh thần phòng vệ của chú hề, mặc dù chẳng muốn nói một lời nào nhưng tôi cố vực lại thân xác mệt mỏi đến đứt hơi này, quay người nằm sấp bụng lại, châm thuốc hút và nói:
“Nghe nói có người đun nước tắm bằng thư tình của con gái gửi cho đấy”.
“Trời ghê vậy. Chắc là anh phải không?”
“Thực sự thì anh cũng có lần lấy thư đun sôi sữa mà uống đấy”.
“Vinh dự quá. Lần tới dùng thư của em đi”.
Em gái này cứ dùng dằng mãi. Thư từ gì kia chứ, ta nhìn thấu ruột gan cô em rồi. Chắc chắn là chỉ viết nhăng viết cuội gì đó thôi.
“Cho anh xem thư đi”.
Có chết tôi cũng chẳng thèm đọc những bức thư đó nhưng tôi cứ nói vậy. Quả nhiên nàng đây đẩy “thôi, không được”, “đừng chán lắm”. Niềm vui của nàng bộc phát ra thật đáng buồn cười khiến tôi mất hết cả hứng thú. Tôi chợt nghĩ hay là mình nhờ nàng làm một việc gì đó.
“Cảm phiền em chút. Em có thể đến tiệm thuốc gần đường xe điện, mua giùm anh vài viên thuốc ngủ được không? Anh mệt quá, mặt nóng bừng, không tài nào ngủ được. Còn tiền bạc thì...”.

“Dạ được ạ. Tiền bạc thì anh không cần phải bận tâm
Thế là nàng vui vẻ đứng ngay dậy. Tôi biết rõ rằng nhờ vả một chuyện gì với đám con gái không phải là làm họ thất vọng mà trái lại nếu được một người con trai nàng có cảm tình nhờ vả thì nàng sẽ vui lên bội phần.
Còn một em khác là “đồng chí” khoa văn trường cao đẳng sư phạm nữ. Người này, tuy tôi chẳng cảm tình gì nhưng mỗi ngày đều phải giáp mặt nhau trong những hoạt động của tổ chức. Sau khi hoàn tất công việc, nàng đều đi về chỗ tôi, mua quà cáp cho tôi rất nhiều.
“Cứ coi mình như là chị ruột của cậu vậy nhé”.
Tôi vừa nặn một nụ cười mỉm ra vẻ buồn bã vừa đáp.
“Dạ em cũng muốn vậy”.
Tôi sợ phải làm nàng ta nổi giận nên để lừa cái bà chị xấu xí khó ưa này, tôi mới ra sức lấy lòng. Mỗi lần nhận được quà nàng đưa cho (toàn là những thứ tạp nham chán ngấy mà tôi ngay lập tức phải đem cho ông lão ở quán gà nướng) tôi đều tỏ ra rất vui vẻ, nói đùa vài câu chọc nàng cười. Rồi vào một đêm mùa hạ, nàng cứ không muốn rời tôi ra. Để nàng về cho nhanh, khi đi vào chỗ tôi, tôi hôn nàng một cái. Thế là bà chị hưng phấn như phát cuồng, bắt ngay một chiếc tắc xi, dẫn tôi đến một căn phòng hẹp dường như là văn phòng trong một tòa nhà mà tổ chức lén thuê để hoạt động bí mật rồi quấy phá kinh hoàng cho đến sáng. Tôi phải lén cười khổ sở mà rằng “thiệt tình, không có ai như bà chị này cả”.
Trường hợp con gái của chủ trọ với cô nàng “đồng chí” này tôi đều phải gặp mặt mỗi ngày. Nhưng khác với những người con gái khác, tôi không thể nào tránh khỏi hai người này được. Và dần dần, vì cái tâm bất an do hoàn cảnh mà tôi đã gắn chặt vào hai người con gái này như một món nợ tiền kiếp vậy.
Cùng thời gian này, tôi đã nhận được một ân huệ không ngờ từ một nữ phục vụ trong một quán cà phê lớn ở khu Ginza. Mặc dù chỉ gặp nàng mới một lần nhưng vì chịu cái ơn đó mà lúc nào tôi cũng cảm thấy lo âu vô cớ, sợ hãi mơ hồ đến mức không thể nhúc nhích được tay chân mình mẩy. Khoảng thời gian đó, tôi không cần nhờ sự hướng dẫn của Horiki nữa mà có thể tự mình đi tàu điện, đi xem kịch Kabuki hay có thể mặc cái áo kimono chim cò mà đi uống cà phê một mình được rồi. Tâm tư tôi vẫn quái lạ và sợ hãi sự tự tin và bạo lực của con người. Tuy sợ hãi nhưng bên ngoài thì từng chút một, tôi đã có thể ngẩng mặt chào hỏi người ta. Mà cũng không phải. Vì tôi không thể chào hỏi người ta mà thiếu được cái nụ cười khổ sở của một thằng hề thất bại nên phải chăng nhờ những lần chạy đông chạy tây trong hoạt động phong trào mà tôi mới có được kỹ năng cần thiết cho một lời chào ấp úng như bị thôi miên kia?


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui