Bạch Ngọc Đường nghe Tưởng Bình nói, liền khen phải, rồi cậy lo liệu giùm ình. Triển Chiêu liền sai đầy tớ đi lấy y phục tội nhân và hình cụ, đem ra thay đổi và mang cho Bạch Ngọc Đường. Triển Chiêu đi vào thư phòng bẩm cho Bao Công hay trước, còn ai nấy cùng theo Bạch Ngọc Đường đứng đợi ngoài thư phòng. Lại thấy Lý Tài ra truyền rằng: "Tướng gia ời Bạch nghĩa sĩ". Một câu nói ấy làm cho Bạch Ngọc Đường không biết đi đứng ra sao. Lư Phương liền ra dấu bảo quỳ, Bạch Ngọc Đường vâng lời đỡ rèm bước vào quỳ xuống nói nhỏ rằng: "Tội dân là Bạch Ngọc Đường phạm đến thiên điều, xin Tướng gia xuống phước giúp lời tấu cho". Nói rồi cúi mặt xuống. Bao Công cả cười mà rằng: "Này Ngũ nghĩa sĩ, bản quan đã có tấu văn đỡ cho rồi". Nói đoạn quay lại dạy Triển Chiêu cởi hình cụ và thay y phục cho Ngọc Đường rồi cho ngồi. Bạch Ngọc Đường không dám ngồi, đứng dưới ngó lên thấy Bao Công mặt sắc trang nghiêm thời đã có lòng khiếp sợ, còn Bao Công xem kỹ Ngọc Đường hình dung tuấn tú, diện mạo khôi ngô thì cả mừng, bèn đem các việc cũ ra hỏi. Ngọc Đường không giấu giếm điều chi, nhất thiết đều cung nhận. Bao Công nghe xong gật đầu nói rằng: "Thánh thượng nhắc nhở bản quan tìm cho được nghĩa sĩ, nhưng không có ý muốn làm tội, mà thật là khát mộ hiền tài, xin nghĩa sĩ yên lòng, mai này bản quan tâu đỡ cho ắt có cơ may". Lại quay ra dặn Triển Chiêu rằng: "Triển hộ vệ và Công tiên sinh thay mặt bản quan đối đãi đằng nghĩa sĩ cho tử tế". Công Tôn Sách và Triển Chiêu vâng dạ cùng các dũng sĩ, nghĩa sĩ lui ra ngoài.
Công Tôn Sách nói: "Bữa nay chúng ta đánh chén mừng cho Bạch Ngũ đệ, sáng ngày nếu được xá tội rồi, chúng ta lại được Ngũ đệ đáp cho chén rượu càng vui hơn". Bạch Ngọc Đường nói: "Chỉ e tiểu đệ, phước mỏng mạng hèn, không hưởng được hàm ân, nếu được như nguyện tiểu đệ sẽ có tiệc rượu túy lao". Bấy giờ rượu thịt đã được dọn ra xong xuôi, ai nấy đều phân theo thứ tự ngồi lại ăn uống, rất hợp ý tâm đầu.
Ăn uống xong, Công Tôn Sách về phòng riêng, tả tấu tráp, Bao Công xem lại kỹ càng. Ngày sau Bao Công truyền cho Triển Chiêu, Lư phương, Vương Triều, Mã Hán cùng đem Bạch Ngọc Đường vào triều. Bạch Ngọc Đường vẫn mặc y phục tội nhân đi theo các vị anh hùng, vào đợi tại triều phòng. Còn Bao tướng vào chầu, dâng tráp văn lên Thiên tử.
Vua Nhân Tôn xem xong, vui lòng lắm, vời Bao Công lên điện, Bao Công lại nói ột lần nữa. Vua liền truyền Trần Lâm cho Bạch Ngọc Đường bỏ y phục tội nhân mà mặc quần áo thường nhân và vào bái kiến. Trần Lâm mang ơn đã cứu mình nên thấy Bạch Ngọc Đường liền trí tạ rồi mới truyền thánh chỉ. Ngọc Đường thay đổi y phục rồi theo Trần Lâm vào trước ngai vàng phủ phục tung hô. Vua thấy người diện mạo anh hùng phong tư lẫm liệt thời rất vui, lập tức xuống chỉ gia phong Triển Chiêu chức Tứ phẩm hộ vệ, còn Bạch Ngọc Đường dự hàm Tứ phẩm hộ vệ, cả hai đều nhận chức tại phủ Khai Phong. Bạch Ngọc Đường bây giờ đã yên lòng cúi dưới ngai vàng bái tạ. Ai nấy đều vui, duy một mình Lư Phương vui hơn hết.
Sau khi bãi chầu, tất cả đều lui về phủ Khai Phong, bấy giờ đã có tin về trước rồi, ai nấy nghe đều mừng rỡ. Triển Chiêu giục Ngọc Đường thay đổi phục sức theo chức hộ vệ rồi dắt đi vào thư phòng ra mắt. Bao Công nhắn nhủ ít lời, rồi cho lui ra. Ngọc Đường y như lời hứa, đặt tiệc đãi các anh em. Các vị anh hùng cất chén nghiêng bầu, chuyện trò vui vẻ, thế mà Lư Phương còn một việc chẳng vui.
Vương Triều nói: "Thưa Lư đại ca, nay là ngày hoan nghỉ, Ngũ đệ đã được gia phong, mà đại ca buồn bã như vậy sao đáng". Tưởng Bình nói: "Đại ca buồn ấy tôi biết rồi". Mã Hán nói: "Biết thời cho tôi nghe với". Tưởng Bình nói: "Vả chăng anh em chúng tôi cả thảy năm người, thế mà nay bốn người giàu sang, một người khổ cực, thời không buồn sao được!". Lư Phương nghe nói lời ấy liền sa nước mắt. Tưởng Bình nói: "Xin Đại ca yên dạ, em nguyện sáng nay sẽ đi tìm Nhị ca". Bạch Ngọc Đường cũng xen lời xin đi tìm Hàng Chương. Lư Phương nói: "Ngũ đệ mới chịu ơn vua phấn nước, không nên bỏ chức đi xa, vả lại tìm Nhị đệ thời phải dò hỏi các nơi chớ đông người thời ích gì, để một mình Tứ đệ đi là đủ". Ngọc Đường vâng lời.
Hôm sau, Tưởng Bình ra mắt Tướng phủ xin đi tìm Hàng Chương, rồi chuẩn bị hành trang, giả dạng đạo nhân nhằm Đơn Phụng Lĩnh, Tuý Vân Phong mà đi.
Lại nói về Hàng Chương sau khi tảo mộ xong, nghe bọn Tưởng Bình đã về phủ thời cũng từ giã Hòa thượng đi qua Khánh Châu, ý muốn du thưởng Tây Hồ. Ngày nọ tới huyện Nhân Hòa, trời tối liền vào trấn điếm mướn phòng ở. Cơm tối xong, vừa muốn yên nghỉ, nghe cách vách có tiếng con nít khóc, và tiếng người Sơn Tây nói líu lo lăng líu không biết là nói những gì, trong bụng vì cớ ấy mà không yên liền bước ra khỏi phòng, đứng ngoài nhìn vào, thấy người Sơn Tây ấy tay phất tay vả đánh đứa nhỏ, bắt gọi mình bằng cha. Đứa nhỏ không chịu. Hàng Chương thấy vậy tội nghiệp nói rằng: "Bạn ơi, đứa nhỏ như vậy sao mà đánh đập nó quá thế?". Người nọ đáp: "Khách quan chưa hiểu, nguyên đứa nhỏ này tôi gặp dọc đường, mua hết năm lượng bạc về làm con nuôi, đi đường tốn hao cũng nhiều, nó chỉ gọi tôi bằng chú, đến đây nó không gọi tôi bằng cha mà cũng không gọi bằng chú nữa". Hàng Chương nói: "Người đời đều có duyên phận, đứa nhỏ này tôi mến lắm, nom rất dễ thương, vậy chú rộng lòng bán nó lại cho tôi". Người nọ đáp: "Nếu quan khách cho thêm tiền lời, tôi sẽ bán lại cho". Hàng Chương gật đầu, móc túi ra hai đĩnh bạc ước tám, chín lượng đưa ra nói rằng: "Trả cho chú năm lượng vốn, còn bao nhiêu là tiền lời có được không?". Người nọ gật đầu, dắt đứa nhỏ giao cho Hàng Chương, rồi lấy bạc đi thẳng, không ngoái đầu nhìn lại, lại nghe đứa nhỏ nói: "Như vậy càng tốt". Hàng Chương liền dắt nó về phòng mình cật hỏi đầu đuôi, đứa nhỏ vừa khóc vừa nói: "Tôi tên Đặng Cửu Như, ở tại huyện Bình. Cha tôi đã chết còn lại hai mẹ con. Tôi có một người cậu tên Võ Bình An, là người gian ác, ngày nọ cậu ba tôi cõng tới một người xin gởi, nói rằng đó là người thù của cậu hai tôi, nên tính sẽ dùng mà tế sống cho cậu hai. Khi cậu ba tôi đi rồi, mẹ tôi bèn hỏi người ấy, mới hay là cháu của Bao Thừa tướng nên thả cho đi rồi treo cổ tự vẫn. Cậu tôi thấy vậy trở lại chôn mẹ tôi, tôi nhớ thương mẹ tôi lắm nên kêu khóc, cậu tôi giận, đá tôi chết giấc, đến lúc tỉnh dậy, thấy mình ở trên vai người Sơn Tây đó, người đó cõng lại đây có ý muốn bán, nên dạy tôi kêu bằng cha, chớ y có tốn hao tiền của gì mà năm lượng bảy lượng".
Hàng Chương nghe rõ mừng rỡ vô cùng, Cửu Như nói rồi lại hỏi Hàng Chương rằng: "Chẳng hay bác đi đâu mà ghé trấn điếm này?". Hàng Chương nói: "Ta có chuyện đi qua Khánh Châu, song đường xa xôi, không thể đem cháu theo cho tiện. Vậy sáng ngày bác kiếm chỗ gửi cháu ít ngày, lúc trở lại sẽ đem về Đông Kinh, cháu chịu hay không?". Cửu Như dạ dạ và hỏi tên họ Hàng Chương.
Sáng ngày Hàng Chương dắt Cửu Như đi, song e nó còn nhỏ hay lót lòng buổi sáng, nên kiếm tiệm bánh mua cho nó ăn. Thấy đầu đường có tiệm bánh, liền dắt nhau đi vào. Ông già chủ tiệm đương làm bánh, thấy có người tới liền chạy ra, nhìn Cửu Như một hồi rồi thở dài. Hàng Chương hỏi: "Lão trượng, vì sao ông thấy tôi lại thở dài như vậy?". Ông già nghe hỏi vừa khóc vừa nói: "Tôi thấy cháu đây hình dung tương tự con tôi, nên tôi nhớ con tôi mà than thở. Tuổi già hiu quạnh, chỉ có một đứa con vừa bảy tuổi, mà nó mới chết cách đây ít lâu". Hàng Chương nghe nói nghĩ thầm rằng: "ông già này coi bộ rất thành thật, vả lại đương nhớ con, nếu để Cửu Như ở lại với ông, chắc ông yêu mến lắm". Nghĩ rồi hỏi rằng: "Chẳng hay lão trượng tên họ là chi?". Ông già đáp: "Tôi họ Trương, người phủ Gia Hưng tới, mở tiệm bánh ở đây đã lâu năm rồi". Hàng Chương hỏi sơ sài ít câu rồi đem chuyện gửi Đặng Cửu Như cho Trương lão hay. Trương lão nghe nói mừng lắm nhận lời liền. Hàng Chương lại hỏi Cửu Như có chịu không. Cửu Như đáp: "Nếu bác có chuyện đi Khánh Châu, thời cháu xin ở đây đợi, chừng nào về xin ghé rước, chớ đừng bỏ cháu tội nghiệp". Hàng Chương cả mừng móc trong túi ra một đĩnh bạc, đưa cho Trương lão mà rằng: "Xin lão trượng cầm tạm chút của này, dùng làm tiền trà thuốc và chút bánh trái cho cháu tôi".
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...