Thanh Xuân Như Nước

Sáng sớm hôm sau, tôi xuống lầu thì thấy cửa phòng nhà vệ sinh khép hờ, bên trong là hai bóng người. Thủy Hộ Dương Bình một tay giữ mặt của sĩ quan tóc đỏ, một tay nhúng dao cạo râu vào nước xà phòng, rồi ngẩng đầu giúp gã cạo râu. Anh Mộc Hoa Đạo than thở: “Ngứa muốn chết!” Thủy Hộ Dương Bình giễu cợt nói: “Tự ngài cạo sạch được không.”

Ánh bình minh từ bên ngoài len lỏi qua từng ô cửa sổ, chạm khắc lên bóng hình của hai người đàn ông tuấn tú một vẻ đẹp cao quý, tựa như thể đây là hai bức tượng đồng.

Anh Mộc Hoa Đạo và Thủy Hộ Dương Bình chưa ăn sáng đã rời đi.

Mấy chiếc xe jeep quân sự lái đến ngoài cửa rồi đỗ lại, từ trong xe có năm sáu người lính bước xuống xếp thành hai hàng. Một người bước lên trước bấm chuông, dọa dì Lưu sợ chết khiếp, một hồi sau dì mới nhận ra là mình sợ bóng sợ gió. Người lính trẻ bước vào cửa, cúi chào với sĩ quan tóc đỏ rồi gọi một tiếng ‘anh’, sau đó ghé sát vào tai gã nói vài câu.

Anh Mộc Hoa Đạo lập tức thay đổi sắc mặt, vội vàng mặc áo bành tô, nói với bố tôi: “Giặc ngoại xâm coi trời bằng vung, bọn chúng dám cáo buộc với cấp trên rằng bọn ta đang giấu đoàn đại diện từ Hiệp hội Cứu quốc Chống Nhật Bản, hiện tại đang không ngừng giằng co với anh em bên quân đội. Hạo Chi, giờ ta đi trước, gặp lại sau.” Nói xong, gã dẫn Thủy Hộ Dương Bình và thuộc hạ rời khỏi.

Sáng sớm đầu đông, trời vừa mưa xong, trong chiếc sân gồ ghề là những tán cây gầy gò đang đung đưa, phủ đầy những giọt sương một loại vẻ đẹp suy tàn. Bóng lưng màu xanh tro nhạt nhòa của gã đàn ông như sắp tan vào trong không khí, khiến khung cảnh thật hư ảo.

Cả nhà đang ngồi ở bàn ăn, bữa sáng còn chưa được bưng lên, người giúp việc chăm sóc anh tôi đã loạng choạng chạy xuống lầu, vừa khóc vừa nói: “Lão gia, đại thiếu gia lại không thấy đâu rồi. Cửa ra vào đã khóa kỹ rồi, thiếu gia chắc là trốn qua cửa sổ.”

Mẹ tôi lấy khăn che miệng rồi hét lên một tiếng như muốn ngất ra đấy. Bố tôi tức đến đỏ bừng mặt, đập tay xuống bàn quát: “Cho nó đi, đi rồi thì đừng có về cái nhà này nữa! Khụ khụ…” Ông ấy lấy tay đỡ ngực, thoạt nhìn trông rất khó chịu. Dì Lưu chạy nhanh đến vuốt lưng cho ông.

Ăn sáng xong, quản gia đỗ xe ở bên ngoài, tôi đang chuẩn bị đến trường thì bị mẹ tôi gọi lại. Bà dựa vào sô pha, duỗi chân ra để cho người giúp việc tỉa móng: “A Chương à, một lát nữa em gái con sẽ đến nhà ga, nên về là con có thể gặp con bé rồi. Hiện tại phía Nam loạn lạc, dượng con đành lén vung tiền đưa em gái con đến Bắc Bình để đi học, sau đó lại xuất ngoại để sớm tránh đầu sóng ngọn gió. Hai đứa phải ở chung với nhau một thời gian dài đấy. Con bé mới chỉ mười bốn tuổi thôi, nhớ phải nhẹ nhàng, dịu dàng với em nó chút.” Bà cười cười, lại nói tiếp: “Nhưng mà A Chương lúc nào chẳng dịu dàng, lại còn đẹp trai nữa chứ. Ai mà không thích cho được đây?”

Tôi ngồi trong xe, ngắm những lề đường ngoằn ngoèo qua ô cửa kính. Một ông già hôi hám trong chiếc áo dài đang cầm theo một lồng chim, trong tay kia là tẩu thuốc dày đặc sương khói. Lúc gặp một người phụ nữ Nhật Bản mặc ki-mô-nô thì lão khom lưng chào một cái, cái cột sống cong lên cho đến khi đầu lão chạm đất. Thỉnh thoảng có đoàn người mặc quân phục xanh đi qua, vó ngựa làm bụi đất tung bay mù mịt, khiến con đường như chìm vào màu xanh sĩ lâm như trong những tấm ảnh đen trắng trong studio của người nước ngoài.

Giữa cái thời chiến tranh loạn lạc, không khí yên bình và tĩnh lặng chẳng qua cũng chỉ là bong bóng xà phòng, không biết khi nào sẽ vỡ tan.

Trường tôi theo học là một trường Y theo kiểu Tây Âu. Ông giáo to béo đang chỉ vào sơ đồ hệ thống thần kinh của con người, vừa nói vừa phun từng giọt nước bọt. Hai mắt tôi cứ díp vào, chẳng cưỡng lại nổi. Đối với tôi thì học châm cứu còn thú vị hơn nhiều.

Đợi mãi mới đến buổi chiều, tôi thu dọn đồ đạc rồi rời đi ngay khi có chuông báo. Đi bộ qua một khu rừng ở phía sau nhà thờ, một căn phòng vẽ tranh màu trắng xuất hiện ngay trước mặt. Việt Dã Hoàng Minh đang ngồi ở bậc thềm trước cửa, cậu ta thấy tôi thì đứng lên.

Tôi sửng sốt: “Tại sao không đi vào đi, thầy Trạch đâu?” Trạch Bắc Vinh Trị thật ra là một sinh viên. Từ nhỏ y đã sống ở nước ngoài, theo học một giáo viên theo chủ nghĩa hiện thực nổi tiếng của Liên Xô, rất giỏi hội họa nước ngoài, sau lại không biết vì lý do gì mà về nước học tại Đại học Thanh Hoa, rảnh rỗi không gì làm thì đi dạy vẽ.

Việt Dã Hoàng Minh sốt ruột nói: “Mịa, ông vẫn chậm như rùa thế? Người ta đang sốt ruột muốn chết đây. Thầy Trạch gặp chuyện không may, hình như chọc tới người Nhật Bản, mấy ngày trước phải đi lánh nạn, bây giờ ngay cả một chút tin thức cũng không có, không biết có bị bắt không.”

Tôi sửng sốt: “Khi nào thế? Sao tôi lại không biết gì nhỉ?”

“Chết tiệt!” Việt Dã Hoàng Minh phủi bụi ở mông: “Nói chuyện với ông thà tôi nói mẹ với đầu gối còn hơn. Thôi được rồi, ông cũng chẳng làm được gì. Tôi đến là để nói với ông là khóa hội họa này không thể tiếp tục được. Trước khi thầy Trạch về thì ông đi câu cá đi.” Nói xong liền vẫy tay, dẫn các học sinh khác đi.

Tôi ngây người tại chỗ thật lâu, nhìn đám mây lơ lửng trên bầu trời mà cười khổ. Tuần nào tôi cũng đợi hai buổi dạy vẽ tranh, bây giờ không được vẽ, thật là có chút nhàm chán.


Đi vào trong sân, tôi bỗng cảm thấy bất an, lo lắng kỳ lạ, cảm giác như lúc mở cánh cửa này ra sẽ nghe thấy tiếng cười kia, còn có thể thấy một mái đầu đỏ rực đang rung đùi đắc ý. Nhưng những tưởng tượng đấy cũng không trở thành sự thật, trên ghế sô pha trong phòng khách cũng không có dấu vết hơi thở của người nọ, mà chỉ có một cô gái xinh đẹp với đôi mắt to tròn đang ngồi đấy. Em mặc một chiếc áo khoác sa tanh với mái tóc ngắn cắt xéo, vén một bên tóc ra sau tai, bên kia thì thả xuống, gương mặt đầy khí chất thư sinh.

Mẹ đích thân đón tôi: “A Chương, con cuối cùng cũng về rồi, đây là em gái của con, Xích Mộc Tình Tử. Tiểu Tình, đây là anh của con.” Bà có chút đắc chỉ, giống như chỉ những lúc như này bà mới có thể cảm nhận được chút tôn nghiêm của nữ chủ nhân, bình thường khi bố tôi tiếp khách, bà cạy răng cũng chẳng hé nửa lời.

Tôi cởi cà vạt, ngồi đối diện em họ, cười nói với em: “Chào em.”

Em họ lập tức đỏ mặt, cụp mắt xuống không dám nhìn tôi: “Chào anh.”

Tôi nhìn thấy chiếc cổ hồng hồng của em, bỗng dưng thấy yêu mến: “Em xinh lắm.”

Mẹ đá tôi một cái, thấp giọng oán trách: “Vô sỉ.” Nhưng trên mặt bà lại lộ ra vẻ tán thưởng.

Mặt em họ đỏ bừng, liếc tôi một cái rồi nhanh chóng cúi đầu: “Anh cũng rất… rất…tóc của anh cũng rất đặc biệt.”

Tôi sờ sờ kiểu tóc đã được gel cố định của mình, nhướn mi: “Nhìn không đẹp sao?”

“Không không…”Em vội xua tay, sợ tôi hiểu lầm: “Đẹp, nhìn đẹp lắm…” Em lại không nói nên lời.

Mẹ tôi vội vàng xen ngang: “A, tiểu Tình, nhà con như thế nào? Công việc của cha con sao rồi?”

“Dạ.” Em họ ngại ngùng nói: “Con cũng không rõ lắm, nhưng cách đây không lâu cha con đã thu mua Cẩm Bằng, mở một chi nhánh mới ở Hà Phi Lội.”

“Nghe nói Vân Thường mới ra mẫu áo khoác đông mới có lớp lót sa tanh, cắt theo kiểu Paris, vừa lên thị trường đã hết sạch hàng.” Mắt mẹ tôi sáng lấp lánh, “Thật sự hết cả hàng tồn sao?”

“Thật ra là không có hàng tồn ạ. Nhưng con tin là nếu dì muốn, cửa hàng sẽ làm bộ khác cho dì.”

“Thôi, sao lại không biết xấu hổ như thế được.”

Lúc đó, tôi mới biết chú tôi chính là người thành lập Công ty quần áo Thượng Hải Vân Thường nổi tiếng. Năm đó Đường Ngọc và Lục Tiểu Mạn được coi như là biểu tượng, rất nổi tiếng ở Thượng Hải, phụ nữ nổi tiếng ở khắp nơi đều để mắt tới họ. Mẹ tôi như vậy cũng có thể hiểu được.

Họ ngồi nói đâu đâu, dù nghe không vào, tôi cũng theo thói quen nở nụ cười. Em họ thường xuyên liếc nhìn tôi, rồi lại quay mặt đi. Bố tôi đang làm việc trên lầu, có lẽ đang kiểm tra lại các khoản tài chính.

Lúc này cửa chính mở ra, anh tôi mất tích một ngày lao vào, hét lớn: “Hoa Đạo! Hoa Đạo!” Ngoại trừ tôi và em họ, tất cả mọi người trong phòng khách đều bất ngờ, miệng há hốc như có thể nhét vừa quả trứng. Anh đã cắt tóc ngắn, nhét áo sơ mi vào trong quần, bộ vest cùng áo khoác bành tô được mặc đàng hoàng, hàng răng anh cũng đều tăm tắp. Anh tôi vốn rất ưa nhìn, cũng không thấp, nên nhìn rất có khí chất tinh anh. Vẻ côn đồ thường ngày giờ đã biến mất.


“A Thọ, con…” Mẹ chỉ vào anh, lắp bắp nói không nên lời. Anh tôi cũng chẳng hề quan tâm, lập tức chạy lên lầu: “Hoa Đạo! Hoa Đạo!” Tiếng gọi của anh vang khắp cả căn nhà, xong xuôi anh mới nhớ tới phòng khách.

“Anh Mộc Hoa Đạo đâu?” Gương mặt anh vốn lạnh lùng, giờ lại có chút lo lắng và sốt ruột. Cả căn phòng im ắng, không ai trả lời anh, đa phần là vì mọi người vẫn chưa lấy lại tinh thần. Bố tôi xuất hiện ở đầu cầu thang, nhìn sự thay đổi của anh tôi mà vui mừng, nhưng ông lại không thể hiện ra ngoài, giọng điệu vẫn rất nghiêm khắc: “Chú Anh đã sớm trở về quân đội rồi. Hắn là người bận rộn, sao có thể nhàn nhã giống mi được. Hoa Đạo là người mi có thể gọi tên như vậy sao? Thằng mất dạy này.”

Anh hai bực bội há miệng không nói được lời nào. Anh chậm rãi bước lên lầu với bố, vào phòng rồi đóng cửa lại. Tôi nhìn theo bóng lưng của anh ấy, bất giác nhận ra đã nhiều năm trôi qua vậy rồi, hóa ra tôi vẫn không thể hiểu rõ người đàn ông vì dòng máu ràng buộc mà trở thành anh trai tôi.

Em họ cứ như vậy mà ở lại, mang theo một đống hành lý rực rỡ sắc màu. Lúc này là mùa đông năm Trung Hoa Dân Quốc thứ hai mươi ba, Chính quyền tự trị Đông Hà Bắc mới được thành lập vài ngày, Bắc Bình đang trên bờ vực bị chiếm đóng, các thiếu gia, tiểu thư lại tiếp tục những ngày tháng bình yên. Anh tôi lại mất tích, ba ngày liền đều không về nhà.

Suốt một tuần, cánh cửa của phòng vẽ trong lùm cây phía sau nhà thờ vẫn đóng chặt. Mỗi ngày tôi đều đến đó sau giờ học, cắp nách một tập phác thảo đầy hoa văn và một chiếc cần câu trên vai.

Trước khi đi câu cá, tôi luôn đến quán trà uống hai chén trà nóng. Trong quán khá vắng vẻ, chỉ có mấy nhóm nhỏ ở trỏng. Có một ông già bị mù, lưng mang một tấm chăn vải, dò dẫm đến chỗ tôi: “Tiên sinh muốn nghe kể chuyện không? Văn học cổ đại hay hiện đại, Trung Quốc hay nước ngoài, chuyện những người nổi tiếng, giai thoại, tình yêu, mọi thứ, Quan Vũ, Trương Phi, Marco Polo, Napoléon Bonaparte, Bạch Xà, Phan Kim Liên, Nhiếp Tiểu Thiện, Hồng Tú Toàn, Lương Khải Siêu, Viên Thế Khải hay Tưởng Giới Thạch… Cho dù là tổng tham mưu trưởng thống soái nổi tiếng hay vô danh mấy năm gần đây lão đều thuộc như lòng bàn tay. Lão không sợ mất cái mạng này, ngài muốn nghe gì, lão sẽ kể cho ngài nghe.”

Tôi liền hứng thú, hỏi lão: “Lão có biết vị tướng tóc đỏ mới đến Bắc Bình không?”

Lão suy nghĩ nửa ngày mới nhớ ra: “A, vị ngài nói chính là thiếu tướng Anh Mộc Hoa Đạo, cựu chỉ huy trung đoàn 620 của quân đội Đông Bắc và tư lệnh sư đoàn 13.” Tôi sửng sốt, lúc đầu chỉ muốn làm lão khó xử một chút, không ngờ lão thật sự biết.

Lão bắt đầu thao thao bất tuyệt: “Nói đến Anh Mộc Hoa Đạo, không thể không nhắc đến mái tóc đỏ khác người. Hoàng Đế long nhan, Chuyên Húc đội khiên mang mâu, Đế Khốc biền nha, Viêm Đế hình người đầu trâu, những vị thánh nhân này đều có điểm dị tướng. Người có dị tướng có thể làm anh hùng hay không, không ai biết cả. Anh Mộc Hoa Đạo hai mươi tuổi nhập ngũ, đi theo phương Bắc chiến đấu vì Tổ quốc, mười tám năm lập vô số công lao. Dù cho thân hình to lớn nhưng lại cũng không có dáng vẻ vũ phu, chỉ là võ tướng không có quan hệ, liều lĩnh, cộc cằn mà lại bộc trực, nên không được trọng dụng. Lên voi xuống chó một hồi, mãi đến khi Trương Chỉ Lâm hy sinh ở Hoàng Cô Truân, mới bắt đầu được coi trọng.”

“Nói đến Anh Mộc Hoa Đạo, lại không thể nhắc đến người bạn tri kỉ Thủy Hộ Dương Bình của y. Sườn núi Đông Bắc um tùm, kỹ năng bắn súng tuyệt hảo. Nếu Anh Mộc Hoa Đạo đứng thứ hai, không ai dám đứng thứ nhất, nếu Thủy Hộ Dương Bình đứng thứ ba, không ai dám đứng thứ hai. Hai người đã sớm cắt máu ăn thề dưới trăng với nhau: kết nghĩa vườn đào, vĩnh viễn có nhau, sống chết không rời; từ nay về sau uống cùng một chén nước, ăn cùng một bát cơm, cùng nhau giúp Ít Suất xưng bá Đông Bắc.”

“Đáng tiếc rằng Đông Bắc vương khi xưa phải chịu ác danh không kháng cự, doanh trại phía Bắc bị thất thủ, quân Quan Đông tiến vào ba tỉnh miền Đông ở cửa Bắc. Anh Mộc Hoa Đạo không kịp nhận lệnh rút lui, buộc phải mang quân tự vệ ra chống cự. Anh Thủy hai người dẫn đầu mở đường máu xông ra, chỉ tiếc sĩ quan tóc đỏ vì can đảm nghĩa hiệp, hy sinh một cánh tay để bảo vệ tính mạng của huynh đệ mình, từ đấy về sau song thương thành đơn thương, hai ống áo nhập vào làm một… ”

Tôi không muốn nghe nữa, cho lão mấy đồng tiền Đông Dương rồi vội vàng rời khỏi quán trà, sau đó cũng không đi câu cá nữa.

Mặt hồ mùa đông giống như một tấm gương phẳng lặng lạnh lẽo, treo lơ lửng trên đó là sự bất động như cái chết. Tôi đang suy nghĩ miên man trong lòng thì có một bàn tay nhẹ nhàng vỗ lên vai, vừa quay đầu lại thì khuôn mặt ửng đỏ của em họ đã lọt vào tầm mắt tôi. Tuy em vẫn chẳng biết gì về tôi, nhưng so với lần đầu gặp mặt, em đã thoải mái, vui vẻ hơn rất nhiều, thỉnh thoảng lại lộ ra một chút e dè, khiến người ta phải mến thương.

Em ngồi xuống bên cạnh tôi, cẩn thận che đôi chân trắng ngần của mình bằng chiếc váy học sinh màu đen: “Em nghe dì nói anh thích câu cá, nên em đến tìm anh. Trường cho tan học sớm, em ngồi một mình buồn quá.”

“Ha hả.” Tôi cười nói “Em thất vọng sao?”

“Không, không có.” Em vội xua tay, lại đỏ mặt.

Tôi nhìn mặt trời lặn như quả trứng ở bên kia hồ, nói: “Con người luôn là thế, đã muốn cái gì, thì sẽ không bao giờ có được. Muốn câu được nhiều cá, lại chẳng câu được con nào cả.”


Em còn thật sự nghiêm túc nhìn tôi: “Nhưng em nghĩ anh cũng không muốn câu được nhiều cá. Câu được cá hay không có lẽ đối với anh cũng không quan trọng”

Tôi cười ha ha: “Đúng vậy.”

Em ấy nhìn thấy tập tranh ký họa ở bên chân tôi, tò mò mở ra xem: “Anh biết vẽ ạ? Em chưa từng nghe dì nhắc tới chuyện này. Em từ nhỏ đã hâm mộ những người có thể vẽ, thật hạnh phúc biết bao khi có thể vẽ và miêu tả những điều trong lòng mình, để rồi biến nó thành một bức tranh.”

Tôi thì thầm lặp lại lời của em: “Đúng vậy, thật hạnh phúc biết bao.”

Em lật xem bên trong, kinh ngạc thốt lên: “A! Đây là tranh của anh sao? Thật là lợi hại. Nhìn cứ như người thật vậy, cứ như đang nhìn chằm chằm em ấy.” Em lại tiếp tục lật từng trang: “Đều là cùng một người sao. Anh, đây có phải là mẫu vẽ anh thuê cho lớp vẽ không? Trông người ấy lúc cười rộ lên thật đẹp mắt, mà không cười thì nhìn rất dữ tợn. Nhưng sao tóc người ấy lại màu đỏ vậy anh?”

Tôi nói: “Bởi vì nhiều màu đỏ quá, dùng mãi không hết.”

Chắc em ấy cảm thấy lý do này thật vô lý, cau mày nghĩ nghĩ, nhưng lại không nghĩ ra lý do khác nên đành vui vẻ chấp nhận. Tôi nháy mắt mấy cái với em: “Nhớ đừng nói với gia đình anh chuyện vẽ tranh. Bố anh muốn anh học y, ông ghét anh vẽ những thứ loạn thất bát tao này.”

Em ấy sửng sốt, lập tức hiểu ra: “Tiếc thật, em vẫn cảm thấy rằng dù nghèo hay giàu, sang hay hèn, có thể làm được việc mình thích, mới chính là điều hạnh phúc nhất. ”

Phao câu cá chìm xuống, em kích động nhảy lên kêu to: “Cắn câu cắn câu, anh, mau kéo lên kéo lên!” Tôi dùng lực kéo lên nó lên. Một tia ánh bạc bay ra khỏi mặt hồ, rơi một tiếng bịch xuống tảng đá phía sau: “A, nhỏ quá.” Em ấy thất vọng nhìn con cá: “Cũng không đủ ăn, anh, chúng ta thả nó đi, đáng thương quá.”

Tôi nói: “Được rồi.” Giơ tay lên, thả con cá lại về chỗ cũ. Mặt trời cuối rừng cây đỏ như máu, chậm rãi lặn xuống.

Về đến nhà, gà bay chó sủa một hồi, tôi mới biết là anh tôi lại gặp rắc rối. Anh được vài người lính hộ tống trở về, một bộ quần áo cao cấp bị xé nát, nhếch nhác, trên tay còn cầm một đóa hoa hồng thân dài, cánh hoa rụng hết, lòng bàn tay bị gai đâm cho trầy xước đầy máu. Hai người đứng cạnh anh, nhưng anh vẫn giãy dụa: “Tôi phải thấy hắn! Tôi phải thấy Hoa Đạo! Hắn đã đồng ý với tôi rồi, hắn đồng ý rồi!”

Binh nhất đi đầu nghiêm chào một cái, cung kính nói với bố tôi: “Tiên tiên sinh, con trai ngài sống chết muốn nhập ngũ, thiếu tướng Anh nhiều lần từ chối nhưng cậu ta không nghe nên phái chúng tôi đưa người về. Thiếu tướng còn nói: thiếu tướng đang bận rộn công việc, ngày khác đến thăm, sẽ cùng ngài uống vài chén, không say không về.”

Anh tôi vẫn hét lên: “Liên quan mẹ gì đến các người chứ! Tôi muốn gặp chính hắn! Bảo hắn tự mình gặp tôi, bảo Hoa Đạo tự mình gặp tôi!”

Bố tôi ra lệnh cho mấy anh giúp việc lực lượng giữ anh hai lại, rồi quay lại xin lỗi các chiến sĩ: “Con cái trong nhà không dạy được, đã gây phiền phức cho Hoa Đạo rồi. Thật xin lỗi, sau này tôi sẽ nghiêm túc dạy dỗ nó. Cũng hãy bảo Hoa Đạo chú ý sức khỏe, chớ nên làm việc quá sức.”

Xe quân sự ở ngoài sân rời đi, bố tôi xoay người tát anh tôi một cái, mắng: “Súc sinh! Bình thường nhàn rỗi thì thôi, lần này dám đến tận bộ tư lệnh của người khác, mày càng ngày càng to gan lớn mật! Nếu không phải ta thân thiết với Hoa Đạo thì một viên đạn đã lấy đi cái mạng chó của mày rồi, còn có thể lành lặn mà đứng đây sao! ”

Không cần phải nói, anh hai và bố lại náo loạn một hồi. Em họ chưa từng thấy cảnh này bao giờ, bị dọa phát khóc. Tôi đưa em đến sân sau để thư giãn, những bông hoa mai vẫn còn e ấp nụ, rực rỡ và chói lọi dưới bầu trời xám xịt. Trong phòng vang lên tiếng leng keng buồn tẻ, năm này qua năm khác vẫn kêu vang.

Ngày hôm sau đi học, Việt Dã Hoàng Minh và nhóm hồ cẩu bằng hữu của cậu ta cứ thấy tôi là cười lén lút. Có điều, tên nhóc này cũng coi như là trượng nghĩa, nhanh chóng nói cho tôi biết lý do. Hóa ra đám công tử này có người thân là cán bộ trong quân đội, ​​toàn bộ sự việc mấy ngày trước, bọn họ đều đã chứng kiến, đem câu truyện đấy thành trò tiêu khiển sau bữa tối, rồi lại thành đề tài bàn tán của mấy bà vợ bé lúc đánh mạt chược, sau lại bị mấy đứa trẻ con nghe trộm được.

Sau đó tôi mới biết là anh hai đã vượt qua nửa thành phố rồi đột nhập vào tổng hành dinh một mình, không chỉ vì để nhập ngũ. Anh lúc đó còn mang theo một đóa hoa hồng, đứng ngoài cổng sở chỉ huy quân sự suốt ba ngày ba đêm, lúc đầu còn quy củ nói muốn là bộ đội, mong thiếu tướng Anh nhận anh. Sau đó lại lại như mất trí mà bắt đầu đập cửa hét lớn, gầm lên vài câu thơ, rất giống với kẻ điên đang yêu. Binh lính muốn đưa anh trở về, anh lại nắm chặt lấy những thanh sắt sống chết không buông tay, như chẳng biết đau là gì. Vất vả một phen, họ cũng đưa được anh lên xe, nhưng vì thân phận của anh, binh lính không dám nặng tay giữ anh lại, vì thế trong nháy mắt anh liền bỏ chạy.

Tôi sau khi nghe xong, không biết nói gì, vừa cảm thấy hoang đường mà cũng thấy hợp lý, dở khóc dở cười với người anh chưa trưởng thành này.

“Này.” Việt Dã Hoàng Minh nhìn bốn phía, vẻ mặt kì quái, đè thấp giọng hỏi: “Anh của ông, mắc bệnh lao thật hả?”


Tôi sửng sốt: “Bệnh lao gì cơ?”

“Chậc chậc.” Cậu ta nói: “Thích đàn ông ý. Anh hai ông không những thật sự thích đàn ông, mà còn đi thích một vị tướng quân hả? Tôi nghe người ta nói, người như thế đều là người bệnh hoạn, sống không tự chủ được. Bệnh này có dễ lây lan không?”

“Ha hả.” Tôi cười một tiếng, mang theo cặp sách rời đi, không phải không muốn trả lời, mà do tôi thật sự không biết đáp án.

Tin đồn nhanh chóng truyền đến tai bố tôi. Ông suốt ngày bận bịu với công việc kinh doanh, chẳng màng đến những việc vặt trong nhà, sau chuyện này ông lập tức suy sụp, trong nháy mắt như già đi mười tuổi.

Đó là một buổi trưa nắng gắt. Mẹ tôi vừa khóc sướt mướt vừa nói: “A Chương, con đưa em họ đi câu cá đi, chiều tối rồi trở về.” Em họ mở to mắt vẻ mặt đầy nghi hoặc. Tôi vuốt mái tóc mềm mại của em nói: “Đi thôi, anh sẽ câu cho em con cá lớn nhất.” Em họ rất vui, ngồi lên yên sau của xe đạp tôi, hai chúng tôi lảo đảo đi về hướng công viên Trung Sơn dạo chơi.

Tới bên hồ rồi tôi mới phát hiện là không có mồi, tôi cười xin lỗi em: “Để anh trở về lấy, em ở chỗ này đợi anh.” Em ngoan ngoãn đồng ý.

Tôi đã sớm đoán được khi trở lại sẽ thấy gì, nhưng cảnh trước mắt vẫn dọa tôi nhảy dựng. Anh tôi bị trói vào chiếc ghế đá ngoài sân, gia pháp lâu ngày bám bụi giờ đã được lôi ra, chất thành vòng tròn bên cạnh anh, mẹ và mấy cô giúp việc đều bị đuổi vào nhà rồi nhốt lại, chỉ còn mấy anh hầu khỏe mạnh. Anh tôi đã bị đánh đến bất tỉnh, da thịt ứa máu tung tóe. Bố tôi cũng không khá hơn là bao, mặt mũi xanh mét, thân hình gầy gò co rúm run rẩy. Người đàn ông này vẫn là già rồi.

Anh tôi bị một xô nước lạnh đánh thức. Bố tôi hỏi anh: “Mày đã biết mình sai ở đâu chưa? Có sửa hay không?”

Anh nhếch miệng cười, lộ ra hàm răng dính đầy máu: “Tôi không biết sai, tôi không sửa. Tôi yêu hắn, lần đầu tiên gặp mặt, tôi đã yêu hắn.”

“Súc sinh!” Bố tôi hét lớn một tiếng, vung tay lên, người hầu giơ lên chiếc roi da bóng nhẫy đánh lên lưng anh tôi, mang theo tiếng gió rít gào.

“Mày đã biết mình sai ở đâu chưa? Có sửa hay không?”

“Tôi là một thằng điên đấy. Một thằng điên. Tôi thích đàn ông. Tôi phải điên cả đời.”

“Mày đã biết mình sai ở đâu chưa? Có sửa hay không?”

“Ông có thể chi phối cả đời tôi, nhưng không thể chi phối tình cảm của tôi.”

“Mày đã biết mình sai ở đâu chưa? Có sửa hay không?”

“Cả đời này, tôi chỉ yêu một người.”

“Mày đã biết mình sai ở đâu chưa? Có sửa hay không?”

“Tôi yêu hắn.”



Tôi cầm mồi câu đi. Cuối cùng ngày hôm đó chúng tôi cũng không câu được một con cá nào, em họ cũng không thất vọng. Trên con phố Tây Trường An đỏ rực dưới ánh mặt trời lặn, những nữ sinh mặc áo khoác vải màu xanh đang phát tờ rơi . Chúng tôi đạp xe dọc theo con đường, em khe khẽ hát một bài.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui