Thanh Vân Đài


Hồi ấy, dẫu rằng nhỏ tuổi nhưng Phù Đông đã là người lớn tại Phiêu Hương trang.

Lạ gì nữa những cảnh xa hoa đồi trụy, tiêu pha dâm đãng, nên đó là lần đầu nàng gặp một người như thế.
Quanh bàn tiệc là những vị khách trái ôm phải ấp đắm chìm hưởng lạc, chỉ có chàng thư sinh trẻ tuổi mặc áo dài toàn thân, đầu vấn khăn đứng giữa cầu bắc ngang ao, mặt đỏ bừng bởi những lời chòng ghẹo của các nàng vũ cơ xiêm y hở hang.
Xung quanh nhao nhao: “Từ tú tài vờ đứng đắn cái gì, nhắm trúng ai thì cứ lên đi!”
“Hay là đọc sách nhiều quá nên đầu óc hỏng rồi, ngực trắng phau đưa tới, khéo còn tưởng là bánh bao không chừng!”
“Đúng thế, ma ma đâu, mau chọn vài nụ đáng yêu cho hắn hái đi, nghĩ mình là Liễu Hạ Huệ thật đấy hả?”
Từ Thuật Bạch nghe những lời ô uế tục tĩu ấy, bất đắc dĩ nhắm mắt, nhưng dù nhắm được mắt cũng chẳng thế khép lại hai tai, chàng chỉ biết đứng giữa đài, cao giọng đọc: “Khổng tử nói: Cung kính mà không biết lễ thì mệt nhọc, cẩn thận mà không biết lễ thì sợ hãi, dũng cảm mà thiếu lễ thì sinh loạn nghịch, ngay thẳng mà không biết lễ thì dễ nóng nảy.

Quân tử ngồi cấp trên, biết đối đãi nồng hậu với người thân thích, tất dân chúng hăng hái theo điều nhân, không lạnh nhạt với người cũ, tất dân chúng không đối xử bạc bẽo với nhau…”
“… … bàn chân vững chãi, đôi tay cung kính, mắt nhìn phía trước, miệng biết nói năng, tiếng phát nhẹ nhàng, đầu giữ cho thẳng, hít thở đều đều, đứng có phẩm chất, vẻ mặt trang nghiêm, ngồi ngay như thi…”
Mọi người phá lên cười.
Trong sảnh râm ran huyên náo, ma ma nắm tay Phù Đông, chỉ vào thư sinh đứng giữa đài: “Đã thấy chưa, đó là ân khách của ngươi tối nay.

Trong số những cô nương ma ma dạy dỗ mấy năm qua, ngươi là người học giỏi nhất.

Ngươi nhớ phải vận dụng hết khả năng, lột sạch cái vẻ bảo thủ trên người y đi.”
***

“Hồi ấy tôi nào đã trải đời, tưởng đàn ông ai cũng như những kẻ cợt nhã ở trang viên, chỉ cần đút chút ngon ngọt là sẽ xiêu ngay.” Nói tới đây, Phù Đông cười sầu, “Thậm chí cũng chẳng buồn nghĩ, vì sao một người đơn thuần như thế lại xuất hiện ở Phiêu Hương trang.”
“Mãi về sau tôi mới ngộ ra.

Lúc ấy Từ Đồ buôn gỗ, từ lâu đã nhòm ngó giới quyền quý Ngụy Thăng Hà Trung Lương, lão ta không muốn vì thân phận thương nhân mà thua kém ai, nên mới nhắm Từ Thuật Bạch, lão hy vọng cậu cháu họ là tú tài có thể giúp bản thân làm thân với quyền quý, tốt nhất là xí được chức quan nào đấy, như thế lão cũng sẽ bật lên, nên lão mới dẫn Từ Thuật Bạch đến cái nơi ăn chơi dâm loạn mà giới quyền quý thường qua lại.”
***
Phù Đông dẫn Từ Thuật Bạch đến sương phòng của mình, xuất hết bản lĩnh ma ma đã dạy để dụ dỗ chàng, nhưng chàng vẫn chỉ khép mắt đứng một chỗ, không cựa quậy.
Dần dà Phù Đông cũng thấy mệt, ngồi xuống bàn rót một cốc rượu, “Được rồi, tôi không dụ dỗ anh nữa được chưa, tới uống cốc rượu đi, lỡ ma ma mà vào, không ngửi thấy mùi rượu thì lại trách tôi không làm gì.”
Từ Thuật Bạch liếc nàng, “Không uống, ai biết cô bỏ gì vào trong rượu.”
Phù Đông phì cười, cảm thấy chàng thư sinh này thật thú vị, thế là đổ rượu đi, nhấc ấm trà lên: “Vậy uống cốc trà được không? Anh nhìn anh đi, đứng trong trì đài tụng sách cả tối, mồ hôi đổ đầy đầu, đã khát lắm rồi phải không?”
Đúng là Từ Thuật Bạch rất khát, chàng nhìn cốc trà trong tay Phù Đông, phân vân một lát rồi vẫn giơ tay nhận.
Nhìn chàng đưa cốc trà lên môi mà không mảy may đề phòng, Phù Đông che miệng cười: “Anh tưởng chỉ có rượu mới được hạ thuốc, chứ trong trà thì không hả?”
Từ Thuật Bạch ngẩn ra, ngón tay run run, cốc trà rơi thẳng xuống đất.
Phù Đông nhìn chàng bảo thủ như thế mà lại thấy vui vui, “Ma ma đã nhắc tôi rồi, đối phó với người đầu gỗ như anh thì không thể bỏ thuốc trong rượu, mà phải rắc lên sách, pha vào trà, phải không màu không mùi, như thế anh mới mắc mưu.”
Từ Thuật Bạch có cảm giác mình đang bị bỡn cợt, “Cô… quá vô lý!” Chàng nói, đoạn khoanh tay đi tới cửa kéo then toan bỏ đi, Phù Đông vội vàng cản lại, ấm ức nói, “Anh đi rồi tôi biết phải làm sao? Hôm nay là ngày tháo trâm của tôi, nếu chuyện không thành, ma ma sẽ đánh tôi mất.”
Nàng thấy vẻ do dự trong mắt Từ Thuật Bạch, tiếp tục thêm dầu, “Hơn nữa, vị Từ gia dẫn anh đến có cho phép anh bỏ đi như vậy không?”
Nàng duỗi tay nắm tay áo Từ Thuật Bạch lắc nhẹ: “Tối nay ở lại đây với tôi được không?”
Từ Thuật Bạch tức tối giật tay áo lại, đi vào phòng ngồi xuống, cụp mắt nói: “Ta ngồi đây một đêm, không ăn uống cũng không chạm vào bất cứ thứ gì.”
***
“Chàng bị Từ Đồ ép đến trang viên mấy ngày liền, nhưng lần nào mở tiệc cũng chỉ tụng sách, tới phòng tôi cũng cứ ngồi vậy một đêm, đúng như chàng nói, không ăn gì, cũng không chạm vào thứ gì, thậm chí còn chẳng dám ngủ.” Phù Đông kể, “Ma ma và Từ Đồ bảo cứ tiếp tục đi, đợi chàng tới giới hạn thì kiểu gì cũng sẽ phá giới.


Nhưng buổi sáng chàng phải làm ruộng đi học, còn chăm sóc mẹ già bệnh nặng, cứ như thế, cơ thể không trụ nổi nữa.

Về sau có lần, tôi thấy chàng tái mặt, đổ mồ hôi, bèn lấy túi nước mình giấu dưới giường cho chàng…”
***
“Uống đi, đây là đồ của tôi, chỉ pha ít mật chứ không có gì nữa đâu.”
Phù Đông đưa túi nước cho Từ Thuật Bạch.
Từ Thuật Bạch lườm nàng, ngoảnh đầu đi.
Phù Đông bám theo, “Anh có biết vì sao tôi phải giấu nước không? Vì ma ma trong trang viên quản rất nghiêm, đến tối là lại không cho chúng tôi uống nước, sợ mặt phù lên sẽ xấu, khách ghét; cũng không cho chúng tôi ăn mật, sợ chúng tôi phát phì, nhảy múa sẽ không đẹp.

Nên tôi mới lén giấu túi nước này.”
Nàng lại đưa túi nước cho Từ Thuật Bạch, “Bản thân tôi chẳng có ai, nhưng anh còn phải chăm sóc mẹ già cơ mà, nếu cứ tiếp tục như thế, lỡ không trụ nổi mà gục trước thì sao?”
Từ Thuật Bạch nghe lời ấy, cuối cùng cũng chịu tin nàng, nhận lấy túi nước.
Nước ngọt xuống họng đã giải cơn khát, chàng rất kiềm chế, chỉ nhấp vài ngụm rồi trả lại Phù Đông, “Đa tạ.”
Phù Đông nhận lấy, giấu kỹ túi nước, “Tối nay anh ngủ một giấc đi, chứ sang ngày mai là phải chiến đấu lại rồi đấy.”
“Vì sao?”
Phù Đông liếc chàng, “Ma ma nói tôi vô dụng, sẽ đổi người khác cho anh.”
“Đổi ai cũng thế.” Từ Thuật Bạch cười lạnh, “Quân tử giữ mình trong sạch, đường đường đấng nam nhi, một chưa thành gia lập thất, hai chưa có công với xã tắc, thế mà lại trầm luân trong rượu chè sắc gái, còn ra thể thống gì nữa!”
Chàng nhìn Phù Đông, sau một lúc do dự mới nói: “Ta thấy… tuy cô lưu lạc phong trần nhưng lại rất tốt bụng, sao cứ phải nhốt mình ở chốn này, chi bằng nghĩ cách sớm ngày rời khỏi đây, về sau làm người đàng hoàng.”

Phù Đông sửng sốt, đoạn cười nói: “Quả nhiên ân khách là tú tài chuyên tâm đọc sách thánh hiền, tới nói chuyện cũng xa vời ghê.

Ân khách tưởng trang viên này muốn vào là vào, muốn ra là ra ư?”
Từ Thuật Bạch nói: “Đương nhiên ta không nghĩ vậy, nhưng trong sách viết…”
“Ra ngoài làm người đàng hoàng thì hay lắm chắc?” Phù Đông nói, “Các ma ma đã dạy chúng tôi, dân chúng rất khổ, thường vì một miếng ăn hay manh áo mùa đông mà hãm hại nhau, đâu sung sướng bằng chúng tôi.

Rực rỡ trong đời chỉ là một chớp mắt, đã say thì cứ say đi, dù tôi bị cầm chân chốn này, nhưng đó là thác thân cho người để đổi lấy vàng son mà kẻ thường không có, có gì không tốt?”
“Không phải vậy,” Từ Thuật Bạch nói, “Có nghề có thể làm, có nghề lại không thể.

Trong sách nói, bậc quân tử không đứng dưới tường nguy hiểm…”
***
“Chàng đọc rất nhiều sách, nói toàn điều ngốc, đúng là đầu gỗ.

Tôi hỏi chàng rời khỏi Phiêu Hương trang thế nào, chàng bảo ‘trong sách nói’, tôi hỏi chàng nghề nào nên làm, chàng bảo ‘trong sách nói’, tôi mới nói với chàng, anh thích dạy đời như thế, vậy từ nay tôi nhận anh làm thầy được không? Tôi nói, ‘dù gì sau này anh cũng sẽ tới đây thường xuyên, hay anh đi nói với ma ma là anh thích tôi, chỉ muốn đến tìm tôi.

Ở chỗ tôi có nước uống, có đồ ăn, tôi còn có thể tiết lộ cho anh biết thuốc hạ chỗ nào’.”
“Kỳ thực tôi nói thế chỉ vì không muốn bị ma ma phạt nữa, sáng nào ma ma thấy lụa trắng sạch sẽ, không dính lạc hồng là lại đánh mắng tôi một trận.

Cuối cùng chàng cũng chịu, chàng cắt tay mình, nhỏ máu lên dải lụa, nói, ‘Được, ngày mai ta sẽ tới’…”
***
Từ Thuật Bạch chưa bao giờ làm thầy, đó là lần đầu tiên có người muốn chàng dạy dỗ.

Trong số những người cùng đỗ khoa thi với chàng, có người đậu thi hương về mở lớp dạy, dạy tụi nhỏ học bài, nhìn bọn trẻ xúm quanh người đó gọi “tiên sinh”, chàng hâm mộ biết bao.
Vốn dĩ chàng cũng muốn thế, nhưng Từ Đồ gửi gắm quá nhiều kỳ vọng vào chàng, mong chàng có thể lên kinh làm quan, có được một chức quan, về sau có thể từ từ thi cử, thi tiến sĩ.
Thế mà chàng đạt được mong muốn làm thầy bằng cách đó, dẫu học trò duy nhất của chàng là một kỹ nữ.
Nàng biết chữ, tiếc thay chỉ biết đọc những bài thơ phú dâm loạn, chàng bèn dạy nàng Luận ngữ, Lễ ký.
Nàng biết ca hát, tiếc nỗi chỉ biết ngâm nga mấy khúc ca tình, chàng bèn dạy nàng Thi tam bách, dạy nàng Sở từ.
Nàng thông minh trời sinh, đã học gì tất sẽ không quên, thậm chí có thể học một biết mười.
Dần dà, chàng không còn bài xích mỗi khi theo Từ Đồ đến Phiêu Hương trang nữa, cũng học được cách xã giao với các quan lại quyền quý.
Cho tới nửa năm sau.
Một ngày nào đó của nửa năm sau, Từ Thuật Bạch kiểm tra việc học của Phù Đông xong, hỏi nàng: “Cô có muốn rời khỏi đây không?”
Phù Đông nhìn chàng, nói: “Có lẽ sau này tôi sẽ rời đi, trang viên không thể nuôi tôi cả đời được, bây giờ ân khách của tôi là anh, đợi anh theo các vị quan lớn lên kinh, ân khách của tôi sẽ đổi thành người khác.

Rồi mấy năm nữa khi đã lớn, nếu không thể kiếm tiền cho trang viên thì bọn họ sẽ bán tôi đi, may mắn thì làm tiểu thiếp hay ngoại thất gì đó, còn nếu không may, cùng lắm bị chủ đuổi đi, lại bị bán tiếp, cuối cùng chết ở bên ngoài, nói chung không thể quay về trang viên nữa.”
Từ Thuật Bạch nói:”Không phải rời đi như thế, ý ta là chuộc thân, chuộc lại khế ước bán thân của cô, rời đi sạch sẽ.”
Phù Đông ngơ ngác nhìn chàng, đoạn lắc đầu mà cười: “Anh vẫn chưa hiểu quy định ở trang viên này rồi, tôi còn nhỏ tuổi, trừ khi quan lại quyền quý ra giá để chuộc tôi từ ma ma, còn lâu tôi mới có thể tự chuộc thân.”
Từ Thuật Bạch cụp mắt, nắm đấm đặt trên bàn hết siết lại buông, một lúc lâu sau, chàng mới nói: “Bây giờ ta đang có một cơ hội.”
“Tiển Khâm đài sắp dựng xong rồi.” Chàng nói, “Ở huyện Sùng Dương, có hai học trò có thể bước lên Tiển Khâm đài, thúc phụ đã xin… xin cho ta một suất.”
***
“Lên Tiển Khâm đài?” Thanh Duy khó hiểu.
Giang Từ Chu nói: “Ban đầu Tiển Khâm đài không phải là lầu gác, mà là một ngôi nhà tương tự nhà thờ tổ, chỉ có một tầng, vốn dĩ được xây để tưởng nhớ các sĩ tử nhảy sông Thương Lãng và các tướng sĩ hy sinh bên sông Trường Độ.

Tiên đế hy vọng hậu nhân có thể tiếp nối chí nguyện người đi trước, bèn hạ lệnh xây thêm một tầng nữa, làm thành lầu gác, yêu cầu phải làm xong trước mồng chín tháng Bảy năm sau, tới khi ấy sẽ chọn những người học trò có phẩm chất cao quý từ khắp đất nước để bước lên đài, bái tế những sĩ tử đã trầm mình xuống sông vào ngày mồng chín tháng bảy mười hai năm trước, cùng các chiến sĩ chiến đấu hy sinh về sau.”.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui