Vẫn như thường ngày, chuyện sinh hoạt trong nhà vẫn
đều đều như cũ, không ngừng quay vòng tiếp diễn. Bánh xe khổng lồ của thói quen
ầm ầm chuyển động, cán qua tất cả sự tranh chấp, giống như chiếc xe trộn xi
măng lạnh lẽo, vô tình, có thể nghiền nát mọi thứ vật chất cho vào đó rồi trộn
đều thành chất bê tông cứng chắc vô cùng.
Quá trình trưởng thành của con người không phải cũng
giống quá trình đổ bê tông đó sao?
Trong khoảng thời gian này, ý chí của cha mẹ như đã
chịu lùi bước, tựa như đó là một bước ngoặt lớn trong chiến lược của họ. Bất
luận là Minh Châu hay Đại Lộ, cả hai đều tỏ ra ăn năn hối hận. Sáng sớm ngày
hôm sau, Thái Hồng tỉnh dậy, phát hiện trên bàn có đặt một cốc sữa đậu nành
nóng hổi và bánh bao chiên mà cô thích. Cả nhà chào nhau như chưa từng xảy ra
chuyện gì. Chiếc radio ra rả đưa tin về tình hình giao thông, Hà Đại Lộ nói
thời tiết chuyển lạnh, dặn dò Thái Hồng mặc thêm nhiều áo. Như thường lệ, Minh
Châu đưa Thái Hồng một hộp cơm, trong đó có món sườn kho mà cô thích nhất.
Vẻ mặt của cha mẹ đều có vẻ bị tổn thương nhưng vẫn cố
gắng nói cười.
“Con đi đây.” Thái Hồng nhét hộp cơm vào ba lô mà tê
tái trong lòng.
“Cha mẹ ra ngoài tập thể dục, tiện tiễn con luôn.”
Không ngờ hai người lại cùng cô xuống lầu, lại một mực đưa cô đến tận trạm xe,
nhìn cô bước lên xe buýt.
Thái Hồng vội vã đến trường, y như muốn trốn chạy khỏi
cha mẹ.
Còn mười phút nữa mới vào tiết thứ nhất, Thái Hồng
phát hiện cửa văn phòng của Quan Diệp hé mở, bên trong có ánh đèn, từ khe cửa,
một luồng gió từ trong phòng ùa ra. Thái Hồng tò mò ngó vào, phát hiện Quan
Diệp đang ngồi trên ghế mây, một tay kẹp điếu thuốc, tay kia cầm bút chấm bài.
Ngoài máy vi tính cô thường dùng, trên bàn còn có một cốc trà.
Bất kỳ lúc nào gặp Quan Diệp, dáng vẻ cô vẫn luôn xinh
đẹp, tao nhã và thảnh thơi vô cùng. Trong số những người quen biết, Thái Hồng
chưa từng gặp ai có cách sống như Quan Diệp, sống một cách thanh cao, theo ý
mình và phớt lờ ánh mắt của người đời. Khi mới vào trường, Thái Hồng cũng từng
như các bậc đàn anh, đàn chị khác, thích thú tìm hiểu về đời sống riêng của
thầy cô giáo. Thái Hồng quan sát phòng ngủ của cô, những người đồng nghiệp có
quan hệ qua lại với cô, thậm chí còn tìm kiếm cuộc sống tình cảm của cô trong
các bài tản văn mà cô từng phát biểu trước kia, tiếc là không có bất kỳ manh
mối nào. Về Quan Diệp, ngoại trừ khí chất tao nhã, thảnh thơi và những quyển
sách cô viết, những bài cô dạy cùng với các bài luận đã phát biểu, những kẻ tò
mò không thể tìm thêm được bất kỳ nội dung thú vị nào để nghiền ngẫm nữa. Thấy
cô đã chú ý đến mình, Thái Hồng vội vàng cất tiếng chào: “Chào buổi sáng, cô
Quan!”
“Chào!” Quan Diệp chỉ tay về phía cốc trà của mình,
nói: “Có người tặng cô một bịch trà lipton, em có muốn uống thử không?”
“Có sữa không ạ?”
“Có sữa đặc, trong tủ lạnh ấy.”
Thái Hồng cầm cốc trà của mình đi rót nửa cốc nước
nóng, rồi quay lại bên bàn của Quan Diệp pha cho mình một cốc trà, nhấp một
ngụm thưởng thức.
“Cô Quan, em có một vấn đề muốn hỏi cô.”
“Cô sắp có tiết, cho em ba phút.”
“Em có quen hai chàng trai, cả hai đều đối xử với em
rất tốt. Một người trò chuyện rất hợp, tiếc là không có tiền, một người không
hợp cho lắm, nhưng lại có rất nhiều tiền.” Thái Hồng nói. “Em nên chọn ai đây?”
Quan Diệp rít một hơi thuốc, hướng về phía cửa sổ nhả
ra làn khói trắng, rồi quay đầu nhìn cô, cười nhạt: “Vóc dáng của hai người đó
thế nào?”
“Ý cô muốn chỉ bộ phận nào?”
“Bộ phận hấp dẫn em đấy.”
“Người không có tiền hấp dẫn em hơn.”
“Chẳng phải chỉ là nghèo thôi sao?” Quan Diệp nhịp
nhịp tay gõ tàn thuốc. “Sao tự em không kiếm tiền nhiều hơn chút, sau đó vui vẻ
tận hưởng anh chàng hấp dẫn em chứ?”
Thái Hồng cười khổ: “Nhưng mà… cha mẹ em nhất mực
không đồng ý.”
“Em có biết, ở Ấn Độ, người ta thuần phục voi như thế
nào không?” Quan Diệp vừa thu dọn tập bài thi vừa nói. “Bọn họ dùng một sợi dây
trói chú voi con mới sinh vào một thân cây nhỏ. Vài tháng sau, chú voi con đã
lớn hơn chút, bọn họ liền buộc nó vào thân cây to hơn. Lớn hơn chút nữa, lại
đổi sang một thân cây khác to hơn…”
Thái Hồng ngơ ngẩn nhìn cô.
“Với một chú voi có cân nặng được tính bằng đơn vị
tấn, thực ra không có thân cây nào có thể buộc được nó cả.” Quan Diệp nói.
“Nhưng mà, sợi dây đó đã in vào trong đầu nó, còn độ to nhỏ của thân cây như
thế nào đã không còn quan trọng. Vậy nên sau khi trưởng thành, dù là bất kỳ
thân cây nào cũng có thể buộc được chú voi… bởi vì nó đã quen với việc bị hạn
chế rồi.”
Trong đầu Thái Hồng bất chợt lóe lên một tia sáng.
Thực ra đạo lý này cô hiểu, chỉ là không biết bản thân sợ hãi điều gì.
Cô không sợ sợi dây đó, mà là sợ bàn tay nắm đầu kia
của sợi dây.
Cầm cốc trà quay về văn phòng của mình, Thái Hồng phát
hiện Quý Hoàng đã đến từ lúc nào. Kỳ lạ, hôm nay anh không có tiết, đâu cần đến
trường làm gì…
“Chào”, cô nói.
“Chào.” Quý Hoàng bước qua, chăm chú nhìn cô, hỏi:
“Sao thế? Sao mắt lại sưng húp thế kia?”
“Bị dị ứng.” Cô nhẹ nhàng bước lên trước. “Xem giúp em
mí mắt có đỏ không? Hay là bị sởi rồi cũng nên?”
“Không phải.” Anh xoa xoa mặt cô, rồi nhẹ nhàng đặt
một nụ hôn lên mặt cô. “Đừng lo lắng, anh sẽ thật cố gắng.”
Cô thở dài, chẳng tài nào giả khờ khạo, lú lẫn với anh
được. Mỗi người không thể chọn nơi mình sinh ra, nhưng Quý Hoàng đã phải vì nó
mà chịu đủ sự lạnh nhạt và trắc trở ở đời, vì vậy cô không nên làm tăng thêm
gánh nặng cho anh.
Cô nhìn anh, nở nụ cười tươi rói: “Sao đến sớm thế
này, hôm nay anh có cuộc họp à?”
“Không có. Anh đến sửa bài luận cho sinh viên.”
Để thực hiện lời hứa, Quý Hoàng đã giúp cô chấm hai
chồng bài thi môn Văn học cổ đại, cho Thái Hồng có thời gian chuẩn bị thi tiến
sĩ. Thái Hồng cảm thấy rất ngại, ôm cả chồng bài luận trên bàn vào lòng:
“Không, không, đây là công việc của em, tự em làm được rồi.”
“Để anh làm vẫn hơn, anh chấm bài nhanh. Viết nhận xét
cũng không làm tổn thương lòng tự trọng của sinh viên.”
Cô trừng mắt nhìn anh, nói: “Ơ này! Ý anh là sao hả?
Chẳng lẽ lời nhận xét của em làm tổn thương lòng tự trọng của người ta sao?”
“Nào, nào, nào, anh đọc vài câu cho em nghe thử nhé!”
Quý Hoàng tiện tay rút một bài, đọc: “Bài này kết cấu tạm được nhưng mở đầu
không đủ mạnh mẽ. Ví dụ quá nhiều nhưng không phân tích đầy đủ, kết nối luận
điểm và luận cứ không đủ rõ ràng.”
Anh lại rút ra một bài nữa, đọc: “Cô đọc qua tiểu
thuyết này rồi, cô cũng biết câu chuyện này rồi, chẳng lẽ cần em phải kể lại
một lần nữa từ đầu chí cuối trong bài luận sao?”
“Xin đừng đùa giỡn với thuật ngữ, khi dẫn dụng xin mời
định nghĩa trước.”
“Tuy em viết rất dài nhưng thực sự em không tìm được
điểm chính, cũng chẳng biết rốt cuộc em đang muốn nói cái gì.”
…
Được rồi, được rồi, Thái Hồng nghĩ bụng, em thừa nhận
có vài bài thi em càng chấm càng phát cáu. Dù có nhẫn nại bao nhiêu đi chăng
nữa cũng tiêu biến sạch sẽ bởi những bài luận không đâu vào đâu này. Thái Hồng
thở dài: “Chấm bài là một công việc vất vả, nặng nhọc, ngồi sửa sửa chấm chấm
mãi rồi máu cứ thế sôi lên. Thật đấy, em đảm bảo với anh, em đã khách sáo lắm
rồi.” Dứt lời, cô chỉ tay về làn mưa bên ngoài cửa sổ: “Thời tiết thế này em
không thể chấm bài nổi, phải đợi mặt trời xuất hiện, nếu không tâm trạng em sẽ
bị ảnh hưởng ghê gớm lắm.”
Quý Hoàng bật cười: “ Ra là em làm việc cũng cần phải
xem thời tiết nữa cơ đấy.”
“Chính thế!”
“Thân là người làm công tác giáo dục, anh kỳ thị những
người chỉ có thể làm việc khi trời nắng mà không thể làm việc lúc trời mưa.”
Anh nói. “Công việc là công việc, phải dùng thái độ chuyên nghiệp để làm chứ!”
Lại bị phê bình rồi. Chậc, thế này mà gọi là bạn trai
sao? Chẳng khác gì tự tìm cho mình một giáo viên hướng dẫn lúc nào cũng kè kè
nhắc nhở. Thái Hồng trợn mắt không đồng ý nhưng Quý Hoàng vẫn khăng khăng kéo
cô đến bên bàn, ngồi xuống, lấy ra một bài thi, nhẫn nại nói: “Học sinh bây giờ
có lòng tự tôn cao lắm, khi viết lời nhận xét phải tìm ra ưu điểm trước, dù bài
luận văn tệ đến đâu cũng có thể tìm ra vài chỗ để khen ngợi. Chẳng hạn như mở
đầu tốt, ví dụ rất sát thực, hay như đoạn phân tích này làm tốt. Nhớ kỹ một
điều, luôn phải khen ba câu mắng hai câu. Chỗ được khen ngợi phải nhiều hơn chỗ
bị phê bình, như thế học sinh mới tự tin vào chính mình, mới dễ dàng chấp nhận
lời phê bình ở phía sau.”
Thái Hồng mặt mày ỉu xìu nói: “Tìm những ưu điểm trong
bài viết của bọn nhóc này á?... Thầy Quý, thầy làm khó em quá rồi. Thỉnh thoảng
cũng có bài hay, em vừa đọc đã biết không phải là do chúng tự viết, là chép đó.
Mấy đứa trẻ này cũng thật là… Chẳng lẽ trên đời này chỉ có chúng nó biết google
thôi sao?”
“Đừng nói như thế, bình thường, mỗi lớp đều có vài
sinh viên giỏi. Học sinh bây giờ đều là con một, phê bình phải có tính xây dựng
mới được.”
Thái Hồng rút một bài thi ra: “Được thôi, đây là lời
phê của bài mà em chấm rồi: “Bài này kết cấu rời rạc, luận thuật rườm rà, thiếu
chứng cứ, thuật ngữ quá nhiều nhưng lại sơ sài, kết luận mới lạ nhưng không đủ
thuyết phục.” Anh nói thử xem, làm sao để nhận xét có tính xây dựng được đây?”
“Anh cảm thấy mỗi lời nhận xét đều là một bức thư, vì
vậy, tốt nhất nên có xưng hô, không nên đặt mình vào vị trí trên cao để nói
chuyện. Em học sinh này tên là gì?”
“Đường Thuận Sinh.”
“Em có thể nhận xét thế này: “ Em Đường Thuận Sinh,
bài luận phân tích kỹ lưỡng, chứng tỏ em có đầu tư suy nghĩ. Việc vận dụng
thuật ngữ chứng minh em có một lượng kiến thức lý luận nhất định. Nếu có thể
làm kết cấu bài văn chặt chẽ hơn, bổ sung luận cứ thuyết phục hơn, kết luận của
em sẽ rất mới mẻ, khiến độc giả nhận được không ít sự khơi gợi.”
Thái Hồng chớp chớp mắt: “Đấy chẳng phải cũng giống
những gì mà em nói sao?”
“Nhưng giọng điệu khác, của anh là tích cực, cổ vũ,
còn em là tiêu cực, đả kích. Cậu Đường Thuận Sinh đó chắc chắn thích lời phê mà
anh viết hơn. Đương nhiên, anh sẽ không viết đơn giản, trừu tượng khiến người
ta chẳng biết đâu mà nói cho cậu ta biết rời rạc ở phần nào, hay luận cứ không
đủ, anh cũng sẽ chỉ ra luận cứ của luận điểm nào không đủ. Như thế mới có ý
nghĩa hướng dẫn đối với bài viết sau của sinh viên, đúng không nào?”
Thái Hồng cầm cả chồng bài thi dúi vào tay anh, cười
nói: “Phải viết nhiều như thế, cụ thể ra sao, thầy Quý, vậy mệt biết chừng nào,
thôi thì cứ để anh chấm đi nhé!” Nói rồi, cô quay gót đi về phía cửa.
“Đợi đã, em định đi đâu?” Quý Hoàng hỏi.
“Em phải đi gặp thầy Thôi.” Thái Hồng đáp.
“Thầy ở tầng trên ư?”
“Ừ, là Thôi Đông Bích. Nghe nói năm nay đề thi tiến sĩ
môn Lý luận là do thầy ấy ra, em định qua đó thám thính chút. Ông lão ấy nghiên
cứu về chủ nghĩa giải cấu trúc, và có tìm hiểu một chút về Lacan, suốt ngày cứ
điên điên, khùng khùng.” Dứt lời, chợt cảm thấy mình như đang ám chỉ Quý Hoàng,
cô bèn cười ruồi một cái.
Ở bộ môn Lý luận văn nghệ trong khoa này có không ít
giáo sư, ai nấy cũng tài năng đầy mình, không ai nể mặt ai. Quý Hoàng gật đầu
tỏ ý biết ông thầy đó, rồi không khỏi nhíu mày: “Không phải chứ, em cũng sợ môn
chuyên ngành sao?”
“Biết người biết ta trăm trận trăm thắng mà, huống chi
em mắc chứng sợ thi, lần nào vào phòng thi cũng quên sạch.”
Quý Hoàng nhìn cô vẻ ngao ngán, thở dài.
Văn phòng của Thôi Đông Bích ở tầng năm. Người này khi
trẻ tài hoa hơn người, hào hoa phóng khoáng, từng là nhân vật hô mưa gọi gió
trong giới học thuật. Tiếc là cậu con trai mười bảy tuổi chết vì tai nạn giao
thông, nghe đồn hiện trường vụ tai nạn thảm khốc vô cùng, Thôi Đông Bích chịu
cú sốc lớn, biến thành một người hoàn toàn khác, cả vợ cũng ly dị . Từ đó ông
trở thành “giáo sư ngồi bàn” duy nhất trong khoa, bất luận là có tiết hay
không, ngày nào cũng đến văn phòng. Lên lớp chỉ đọc giáo án, không nói chuyện
với bất kỳ sinh viên nào, sinh viên thắc mắc hỏi cũng không buồn trả lời, chỉ
nói năm chữ: tự mình về đọc sách. Khi thi ra đề cực khó, cực kỳ hiểm hóc, tỉ lệ
qua rất thấp. Sinh viên ý kiến rất nhiều nhưng trong khoa không dám đắc tội với
ông. Ông viết rất nhiều sách, các nguồn ngân sách đều trông cậy vào ông lấy về
cho khoa nên chẳng ai dám nói lời nào. Nói chung, ông là một người “phi
thường”.
Thời học đại học, Thái Hồng không chọn môn của Thôi
Đông Bích, lúc học nghiên cứu sinh lại càng tránh xa, lần này nghe nói người ra
đề là ông, cô thất kinh hồn vía. Với một chuyên gia như thế, muốn dìm học sinh
rớt là chuyện dễ như trở bàn tay, Thôi Đông Bích lại tính tình cổ quái, nếu
thực sự không đậu thì cứ thẳng tay đánh rớt chứ chẳng nể nang gì. Thái Hồng cảm
thấy nhất định phải đến thám thính xem sao, cho dù không hỏi thăm được phạm vi
đề cũng phải để ông quen mặt, hy vọng ông nể mặt mà nhẹ tay chút.
Không hiểu sao hành lang tầng năm dài dằng dặc, ánh
sáng tối tăm đến phát sợ, văn phòng của Thôi Đông Bích ở đầu bên kia. Ngặt nỗi
đèn ở phía trên lại hư, Thái Hồng càng đi càng thấy tối, xung quanh âm u lạnh
lẽo, chẳng thấy được năm đầu ngón tay.
Cô mò mẫm đến trước cửa, lịch sự gõ, bên trong có
tiếng hỏi: “Tìm ai?”
Thái Hồng lớn tiếng nói: “Xin hỏi có phải thầy Thôi
không ạ?”
Thái Hồng giật nẩy mình, bên trong cũng chẳng bật đèn,
phòng tối như bưng, cô lờ mờ nhận ra ánh sáng lập lòe của vài nén hương đang
thắp.
Thôi Đông Bích hai mắt lõm sâu, thâm quầng, ông đứng
bên cửa, trông cứ như một âm hồn.
“Em.. em là Hà Thái Hồng, bộ… môn Văn học đương đại
ạ!” Thái Hồng lắp bắp nói.
“Cô là học trò của Quan Diệp?”
“Dạ phải.”
Không ngờ “sếp sòng” biết cô, lại chịu tiếp cô. Thái
Hồng khấp khởi mừng thầm.
“Có chuyện gì?” Ông hỏi.
“Em.. em đăng ký thi tiến sĩ năm nay, về môn lý luận,
có vài vấn đề muốn hỏi thầy…”
“Rầm!” Chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, cửa đột
ngột đóng sầm lại. May mà Thái Hồng tránh kịp, không thì cái đầu chắc chắn đã
bị đập vào cửa.
Cô gào thét trong lòng, thầy Thôi, thầy không thể lạnh
lùng, vô tình như thế được!!!
Mặt mày thoắt xanh thoắt đỏ, cô co giò chạy về văn
phòng. Quý Hoàng đang ngồi chấm bài trong đó.
“Sao rồi? Thám thính được gì không?” Anh hỏi.
Thái Hồng vẫn còn nơm nớp sợ: “Haizz, ai cũng nói Thôi
Đông Bích điên điên khùng khùng, em cứ không tin, khăng khăng đi đâm đầu vào
tường chơi, đúng là ngốc thật!”
Quý Hoàng cười cười, không đáp.
Thái Hồng càng nghĩ càng tức: “Anh nói xem, thầy ấy có
khi nào vì chuyện này mà dìm em không? Em giờ không mong biết phạm vi đề thi
nữa, chỉ cầu thầy ấy đừng dựa vào ấn tượng ban đầu mà đánh trượt em là được
rồi.” Nói rồi, cô lo lắng đi tới đi lui trong văn phòng.
“Đừng nghĩ ngợi nhiều quá, thầy Thôi là một người hiểu
lý lẽ, có thể thấy được điều đó trong các nghiên cứu của thầy. Nếu em làm bài
tốt, thầy ấy tuyệt đối không đánh rớt em đâu… Đó là đạo đức cơ bản nhất của
người làm thầy. Tính khí thầy Thôi có thể hơi kỳ quái nhưng chắc chắn không tùy
tiện, nhà trường cũng không cho phép thầy ấy làm bừa mà.”
“Cái này là anh nói đấy nhé!” Thái Hồng lườm anh một
cái. “Lỡ mà thầy ấy lên cơn điên đánh rớt em thì em sẽ ăn thua đủ với thầy ấy
luôn. Phải biết rằng phá bát cơm người khác cũng chẳng khác gì giết cha mẹ
người ta…”
“Căng thẳng chút cũng tốt, cứ ôn tập nghiêm túc vào
thì chẳng có gì xấu đâu. Điểm mạnh của em là phân tích văn bản, điểm yếu là tư
duy lý luận, rất có khả năng thầy Thôi sẽ ra đề thi thuần về lý luận.”
Vừa nghe xong, Thái Hồng liền quýnh lên: “Chết rồi,
chết rồi, em sợ nhất là cái này! Sao giờ anh mới nói, còn chưa đến nửa tháng
nữa là thi rồi.” Nói rồi, chẳng cần biết xanh đỏ, trắng đen, cô rút từ trên kệ
sách ra một quyển Văn tự học của Derrida lật tới tấp.
Quý Hoàng giật lấy quyển sách: “Giờ này mới bắt đầu
xem, có phải hơi muộn rồi không?”
“Thầy Quý, không thì… anh phụ đạo cho em?”
Điện thoại trên bàn bỗng đổ chuông.
Quý Hoàng cầm ống nghe lên đối đáp vài câu, đặt điện
thoại xuống rồi nói với Thái Hồng: “Bí thư tìm anh có chuyện, anh đi chút rồi
về ngay.”
Khi quay về, vẻ mặt anh nghiêm trọng, khẽ đóng cửa
lại, anh thấp giọng nói: “Thái Hồng, e rằng chúng ta không thể dùng chung văn
phòng này được rồi.”
Thái Hồng ngạc nhiên: “Có chuyện gì ư?”
“Không có chuyện gì lớn, chỉ là sắp tới trong khoa…
chắc sẽ có hai người mới nữa, cho nên không tiện dùng chung văn phòng, bảo rằng
không thể phá lệ được. Bí thư nói, tất cả trợ giảng mới đến đều không được bố
trí văn phòng, buổi trưa nếu thực sự cần nghỉ ngơi có thể đến phòng sinh hoạt.”
Những lời này của anh tỏ ra đã được châm chước, rõ
ràng bí thư còn nói những cái khác nữa, chỉ là anh không tiện nói ra.
“Dùng chung văn phòng là do bí thư phê duyệt, danh
chính ngôn thuận. Cái gì mà người mới vào chứ?” Thái Hồng quay gót định đi nói
lý lẽ. “Không được, em phải đi hỏi cho ra nhẽ mới được.”
Quý Hoàng đưa tay kéo cô lại: “Đừng đi.”
“Em mới đến chưa đầy nửa năm, có đắc tội với ai đâu
chứ?” Thái Hồng ngồi phịch xuống ghế, chưa được một giây, lại không kiềm chế
được xông ra ngoài, đến thẳng văn phòng của Bí thư Trần Nhuệ Phong.
Dường như đoán được cô sẽ đến, cửa để mở sẵn, Trần
Nhuệ Phong chỉ tay về phía chiếc sofa, nói: “Là Tiểu Hà hả? Mời ngồi!”
“Bí thư Trần, Quý Hoàng nói, em không thể dùng chung
văn phòng với thầy ấy, về vấn đề này em muốn nói cho rõ một chút, đây là quyết
định của khoa, chìa khóa là do chính thầy Triệu Thiết Thành đưa cho em…”
Sau một hồi trầm ngâm, Trần Nhuệ Phong đáp: “Tiểu Hà,
em và Tiểu Quý đều là giáo viên mới. Trai gái dùng chung một văn phòng sẽ có
lời ong tiếng ve, chuyện đó đối với thanh danh của cả em và Tiểu Quý đều không
tốt.”
“Ai? Là ai nói ra nói vào gì rồi?”
“Có người phản ánh thầy Quý lợi dụng chức quyền của
thầy giáo hướng dẫn, bức ép em phải thiết lập mối quan hệ trên mức đồng nghiệp
với cậu ấy.”
“Là ai phản ánh?” Thái Hồng tức giận. “Thầy Quý chưa
từng bức em làm bất kỳ chuyện gì, là ai đặt điều? Là ai?”
Trần Nhuệ Phong nhìn cô, cảm thấy rất thú vị, hồi lâu
mới nói: “Nói vậy là… em và Tiểu Quý… thực sự có mối quan hệ trên mức đồng
nghiệp?”
“Có.” Thái Hồng thẳng thắn nói. “Quý Hoàng là bạn trai
em.”
Trần Nhuệ Phong từ tốn uống một ngụm trà, nói: “Tiểu
Hà, em là sinh viên tốt nghiệp loại ưu của khoa, thầy Quý là nhân tài mà thầy
phải tốn rất nhiều công sức mới mời được từ Bắc Kinh về đây, thầy đặt kỳ vọng
rất lớn vào hai em. Thanh niên các em qua lại với nhau như thế nào thầy không
quản, chỉ hy vọng cả hai có thể trước sau tốt đẹp, đừng có gây ra những lời đồn
không hay, càng không nên gây ra chuyện gì xấu mặt. Nếu không thì… cho dù khoa
có muốn giữ hai em lại cũng đành bó tay. Em hiểu ý thầy chứ?”
Sống lưng Thái Hồng thoáng cứng đờ, đáp: “Dạ em hiểu
rồi.”
“Tốt hơn em không nên dùng chung văn phòng với Tiểu
Quý nữa, để tránh hiểu lầm. Vả lại hai người đã là đồng nghiệp, gần như ngày
nào cũng gặp nhau, hẹn hò nhất thiết phải dùng chung một văn phòng sao?”
“Em…” Thái Hồng mấp máy môi, cảm thấy bất lực, đành
nói: “Vậy được thôi ạ.”
Cô đứng dậy, định rời khỏi, cuối cùng Trần Nhuệ Phong
bổ sung một câu: “Tiểu Hà, chuyện của em và Tiểu Quý… nên trò chuyện rõ ràng
với mẹ em thì hơn.”
Hiểu rồi.
Từ hồi tiểu học, Lý Minh Châu đã thích gọi điện thoại
cho thầy cô của Thái Hồng, hỏi về thái độ, thành tích, hoặc phản ánh tình hình
gần đây của cô. Bà luôn nghĩ rằng, muốn quản tốt con cái nhất định phải đoàn
kết với các thầy cô giáo của con mình. Bốn năm đại học, Minh Châu quen mặt hết
những giảng viên của Thái Hồng, lúc làm nghiên cứu sinh thì mỗi dịp lễ tết lại
tặng quà cáp cho Quan Diệp. Có bà mẹ nắm rõ hành tung của mình như thế, Thái
Hồng không trốn đi đâu được, đành làm một cô học trò ngoan.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ rồi đi làm, Thái Hồng nghĩ
thầm, giờ thì Minh Châu chẳng tìm được thầy cô để quản giáo mình nữa rồi! Đấy,
người ta không tìm thầy cô nữa, tìm thẳng bí thư luôn rồi kìa!
Thôi đành chịu vậy! Thái Hồng hít một hơi thật sâu,
sống lưng lạnh toát.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...