Thần Võ Bí Kíp

Người nọ mỉm cười hài lòng:

- Ngươi nhớ thế là hay lắm, miễn ngươi ngoan ngoãn nghe lời lão tử, không những có ăn có uống mà còn có bạc tiêu sài không hết. Đây, lạng bạc vụn này cho ngươi tiêu vặt trước.

Tiểu Hổ Tử cảm thấy bớt sợ hơn, rụt rè đón lấy nắm bạc vụn:

- Đại gia, để tiểu nhân đi kiếm mấy người đến đây chôn cất sư phụ và sư huynh được không ?

Y lắc đầu :

- Không cần, chúng ta trở vào trong trấn trước rồi hãy tính.

Tiểu Hổ Tử không dám nói thêm một tiếng, đi theo người kia vào trong trấn. Trên đường, người kia sẵn tiện dặn dò Tiểu Hổ Tử những lời cần phải nói.

Vào đến trấn, người kia dẫn Tiểu Hổ Tử vào một khách sạn, gọi cửa một phòng và đẩy Tiểu Hổ Tử vào trong.

Tiểu Hổ Tử vào trong phòng, liền ngẩn người, té ra vị khách trọ trong phòng này chính là vị đại cô nương xinh đẹp đã nhờ việc Tiểu Hổ Tử.

Vị cô nương xinh đẹp vốn đã rời khỏi nơi đây, không ngờ lại quay trở về.

Lúc nãy trên đường đi, người kia đã dạy Tiểu Hổ Tử một số lời nói, nhưng lại không cho biết người gặp chính là vị cô nương xinh đẹp này, giờ gặp nàng, Tiểu Hổ Tử liền cảm thấy hổ thẹn, ước gì đất có thể nứt ra để chui xuống.

Vị đại cô nương kia lúc này gặp Tiểu Hổ Tử chẳng có chút nụ cười, lạnh lùng nói:

- Tiểu Hổ Tử, ta xem ngươi cũng là người đàng hoàng, không ngờ tuổi nhỏ như ngươi mà trong bụng lại đầy xấu xa, ngươi không biết xấu hổ sao ?

Tiểu Hổ Tử miệng như ngậm bồ hòn, cúi đầu không dám trả lời.

Người uy hiếp Tiểu Hổ Tử lúc này buông tiếng thở dài, đỡ lời:

- Ngọc muội, việc này Ngọc muội cũng không thể hoàn toàn trách Tiểu Hổ Tử được, thực ra Ngọc muội không nên kiếm gã, giờ đây làm hại lão thất không kể, bản thân Tiểu Hổ Tử lại càng thảm hơn, sư phụ, sư huynh đều đã gặp hoa. sát thân, bị người ta giết chết hết rồi.

Vị cô nương kia mắt long lanh nhìn Tiểu Hổ Tử rồi di chuyển sang người kia, chau mày hỏi:

- Ngũ ca, Tiểu Hổ Tử đã gặp việc gì ?

Y cười đáp:

- Ngọc muội, ngu ca tìm Tiểu Hổ Tử đến đây gặp Ngọc muội để chính miệng gã nói cho Ngọc muội biết chẳng tốt hơn ư ?

Vị cô nương dịu nét mặt:

- Tiểu Hổ Tử, có lẽ ta đã trách lầm ngươi. Ngươi đã gặp phải việc gì, hãy kể cho đại cô nương nghe xem !

Tiểu Hổ Tử liếc nhanh về phía người kia, chỉ thấy y nhếch môi cười nham hiểm, đôi mắt rất hung dữ nhìn mình. Tiểu Hổ Tử bất giác lạnh cả xương sống, vã mồ hôi lạnh, run giọng nói:

- Việc là thế này...

Thế là Tiểu Hổ Tử thú thật hết mọi sự, chỉ đổi lại kẻ hung thủ thực sự trước mặt thành ra một công tử trẻ tuổi mặc áo dài màu lam.

Tiểu Hổ Tử nói xong, trên mặt ngọc của vị cô nương kia phủ một lớp sương lạnh không ngớt buông tiếng cười nhạt.

Tiểu Hổ Tử vừa dứt lời, người kia lại nói tiếp:

- Nếu không nhờ tiểu huynh đến kịp thì Tiểu Hổ Tử cũng đã gặp độc thủ của ác tặc kia rồi, đáng tiếc lẽ ra tiểu huynh không nên lên tiếng để cho tên ác tặc nghe động chuồn mất, không thì tiểu huynh quyết chẳng buông tha cho hắn.

Vị cô nương xinh đẹp buông tiếng cười nhạt:

- Ngũ ca, nếu quả thật động thủ ngũ ca có phải là đối thủ của người ta chăng ?

Hứ ! Chớ có khoác lác!

Người kia cười hề hề:

- Ngọc muội cứ xem thường ngũ ca này quá !

Vị cô nương xinh đẹp không đếm xỉa đến người kia, nắm tay Tiểu Hổ Tử và nói:

- Nào, đưa ta đi xem sư phụ, sư huynh của ngươi đi !

Vị cô nương xinh đẹp dẫn Tiểu Hổ Tử đi trước, người kia theo sau, lòng không nén được muốn cất tiếng cười vang.

Ba người quay về đến ngôi nhà ma, vị cô nương xinh đẹp tỉ mỉ xem xét một lúc, đồng thời lấy ra một chiếc khăn tay nhúng vào trong bồ rượu, sau đó cất chiếc khăn và rời khỏi gian nhà, buông tiếng thở dài :

- Tiểu Hổ Tử, ta đã làm hại ngươi, cái chết của sư phụ và sư huynh ngươi, ta chẳng thể làm ngơ được. Bây giờ ta xin hứa với ngươi, nhất định sẽ tìm ra hung thủ để trả thù cho sư phụ và sư huynh ngươi, chẳng hiểu ngươi có tin được ta chăng ?

Tiểu Hổ Tử thầm buông tiếng thở dài, nghĩ bụng:

“Hắn chính là ngũ ca của bà, chẳng lẽ mai này bà có thể giết được hắn để trả thù cho sư phụ và sư huynh ta ư ?” Tiểu Hổ Tử chẳng chút hy vọng, buột miệng nói:

- Đa tạ đại cô nương, Tiểu Hổ Tử này rất tin ở cô nương.

Tiếp đó, vị cô nương xinh đẹp quay sang nhìn người kia, nói:

- Ngũ ca, tiểu muội thấy việc của sư phụ, sư huynh Tiểu Hổ Tử bất tất gây thêm phiền phức cho địa phương, hãy đốt luôn gian nhà này, thế nào ?

Người kia gật đầu :

- Ngọc muội nói rất phải, đốt đi là sạch sẽ nhất.

Nói đoạn, hai vai rung động, người đã bay bổng lên không lao trở vào gian nhà ma.

Trong thoáng chốc, từ trong gian nhà ma bốc lên một ngọn lửa đỏ, không bao lâu đã nuốt chửng gian nhà.

Ba người trở vào trong trấn, Tiểu Hổ Tử do người kia dẫn dắt, trú kế bên phòng vị cô nương xinh đẹp.

Tiểu Hổ Tử tuy tuổi còn bé, song cũng trăn trở suốt cả đêm tâm sự, đến khi gã thiêm thiếp, người kia lại lôi gã dậy và nói:

- Tiểu Hổ Tử, lão gia của bọn này đã đến, ngươi nói năng phải cẩn thận, lão gia bọn này ghê gớm lắm, chỉ chừng mắt là ngươi toi mạng ngay.

Tiểu Hổ Tử đã suy nghĩ cả đêm dài, nên hay không ngầm lên thú thật với vị cô nương xinh đẹp, song quyết định cuối cùng của gã là “không nên” vạn nhất vị cô nương xinh đẹp không tin lời gã, đòi đối chất với tên hung thủ sát nhân, bất luận kết quả ra sao thì tánh mạng gã cũng khó bảo toàn, gã quyết không thể hành động ngu xuẩn như vậy.

Giờ đây cộng thêm sự đe dọa của người kia, Tiểu Hổ Tử liền riu ríu vâng lời ngay.

Người kia dẫn Tiểu Hổ Tử vào trong phòng của vị đại cô nương xinh đẹp, thì thấy lão gia mà người nói chính là lão già mãi võ, vì đã từng gặp qua nên Tiểu Hổ Tử liền cảm thấy nhẹ người.

Lão già cũng chẳng hỏi kỹ Tiểu Hổ Tử, chỉ vuốt đầu gã buông tiếng thở dài, đoạn lấy ra một miệng trúc bài trao cho Tiểu Hổ Tử và nói:

- Tiểu Hổ Tử, lão phu vốn định đưa ngươi về trang, nhưng vì ngươi là người của Cái Bang, theo luật lệ của giang hồ có điều bất tiện. Còn như không đưa ngươi đi thì lại sợ tên ác tặc kia quay lại giết ngươi để diệt khẩu. Bây giờ lão phu đưa cho ngươi một tín vật, ngươi hãy vào trong thành tìm đà chủ trong bang các ngươi, y thấy tín vật của lão phu sẽ thu xếp cho ngươi đàng hoàng. Tương lai khi bản lãnh của ngươi thành tựu rồi hãy đến tìm lão phu.

Tiểu Hổ Tử ăn xin năm năm trời, có bao giờ biết gì về Cái Bang, do đó chẳng biết phải trả lời ra sao.

Sự im lặng của Tiểu Hổ Tử đối với lão già có nghĩa là “tuân lệnh”. Lào già gật gù quay sang người mà Tiểu Hổ Tử sợ hãi, khoát tay nói:

- Lão ngũ, phiền ngươi một chuyến, hãy đưa hắn vào trong thành.

Người kia cung kính:

- Thưa vâng.

Thế là Tiểu Hổ Tử rời khỏi cái thôn nhỏ dưới ánh mắt quan thiết của lão nhân và vị cô nương xinh đẹp để đến thành thị lớn ở ngoài xa trăm dặm.

Cửu Giang chính là cái thành thị mà Tiểu Hổ Tử giờ đây phải đến.

Sự rộng rãi của vị lão nhân thật ngoài dự liệu của tên sát nhân, y vốn định sau khi làm vừa lòng lão già và vị cô nương xinh đẹp sẽ trừ khử Tiểu Hổ Tử để tuyệt hậu hoạn.

Thế nhưng bây giờ đã có “Cô Trúc lệnh” của lão gia, nếu không đưa Tiểu Hổ Tử đến Cái Bang thì sau này bản thân y sẽ khó thoát tội chết.

Y thật chẳng muốn tí nào, do đó suốt dọc đường hết sức buồn bực, căm hận Tiểu Hổ Tử vô cùng mà lại bắt buột phải đưa gã đến phân đà Cửu Giang của Cái Bang.

Tuy nhiên, y là người kín đáo sâu sắc, cho dù âm thầm căm ghét Tiểu Hổ Tử đến cực độ, song ngoài mặt vẫn vui vẻ, dùng lời ngon ngọt để gạ gẫm gã, để Tiểu Hổ Tử nghĩ lầm y đã ban ân huệ cho mình.

Tiểu Hổ Tử tuổi còn nhỏ, xưa nay sư phụ, sư huynh lại đối xử tàn tệ, cái bụng non nớt của gã chẳng còn phân biệt được thân với thù nữa nên đã tạm quên đi những hành vi hiểm độc của y, xử sự với nhau hết sức thân thiện.

Lộ trình hơn trăm dặm đường, người thường tối đa chỉ đi có hai hôm, nhưng họ lại đi đến những bốn ngày trời.

Trong bốn ngày đó, người kia đã dạy cho Tiểu Hổ Tử môn nội công thổ nạp và nhận Tiểu Hổ Tử làm đệ tử ký danh, song y không cho Tiểu Hổ Tử gọi bằng sư phụ mà chỉ bắt gọi là đại thúc.

Y họ Lý nên Tiểu Hổ Tử gọi y là Lý đại thúc.


Lý đại thúc sau khi đưa Tiểu Hổ Tử đến Cửu Giang, không đưa ngay gã đi đến phân đà Cửu Giang mà lại đưa Tiểu Hổ Tử đi ăn uống chơi bời khắp nơi suốt ngày, qua hôm sau mới đưa gã đến phân đà Cửu Giang ở làng Thập Lý.

Cái Bang Cửu Giang phần đà do Bạch Kiên là một người đàn ông hào phú, tuổi ngoài bốn mươi có tiếng tăm nhất trên giang hồ, vừa nghe Lý đại thúc đến từ Cửu Lãnh Đỗ gia trang, liền đích thân ra đón và mời Lý đại thúc cùng Tiểu Hổ Tử vào trong.

Chủ khách an vị, trà thơm dâng lên, Bạch Kiên ôm quyền thi lễ và hỏi:

- Xin hỏi huynh đệ thượng tánh danh, với Đỗ gia trang lão gia là...?

Lý đại thúc mỉm cười, đáp lễ:

- Tiểu đệ Lý Phi Bằng...

Quả là “người có tên, cây có bóng”, Lý Phi Bằng chưa nói dứt, Bạch Kiên đã cười vang ngắt lời:

- Thì ra là Lý ngũ hiệp, tiểu đệ rất ngưỡng mộ đã lâu, hôm nay tệ đà rất hân hạnh được Lý ngũ hiệp giá quang lâm, chẳng hay Lý ngũ hiệp có điều chi dạy bảo?

- Dạy bảo thì không dám, tiểu đệ được lệnh gia sư đến đây có việc cần nhờ đà chủ.

- Lý huynh khách sáo, xin cứ dặn bảo.

Lý Phi Bằng chỏ vào Tiểu Hổ Tử :

- Vị tiểu đệ Tiểu Hổ Tử này nguyên ở trại trấn Phổ Độ, vì một việc phát sinh có quan hệ tới tệ trang, đến đỗi lệnh sư huynh và sư phụ cùng gặp nạn thảm tử, gia sư động lòng thương xót nên đặc phái tiểu đệ đưa gã đến đây xin nhờ Bạch huynh chuẩn chấp và thu xếp giùm cho.

Ngưng một lát, y gật đầu ra hiệu với Tiểu Hổ Tử và đáp:

- Tiểu Hổ Tử, hãy lấy “Cô trúc lệnh” của lão gia đã tặng đưa cho Bạch đà chủ.

Tiểu Hổ Tử đã được Lý Phi Bằng chỉ dạy cho phép ứng đối, liền ung dung lấy “Cô trúc lệnh” dâng hai tay cho Bạch Kiên.

Với danh tiếng của Cửu Lãnh Nam Bình Kiều Đỗ gia, lại do đích thân Lý ngũ hiệp đưa đến, dù việc lớn đến đâu chỉ cần một câu nói là đủ. Nay Đỗ lão gia lại tặng cho cậu bé này một cây “Cô trúc lệnh”, đủ thấy Đỗ lão gia rất là xem trọng Tiểu Hổ Tử, có ý trịnh trọng cậy nhờ.

Bạch Kiên đón lấy “Cô trúc lệnh” nghiêm mặt nói:

- Tiểu Hổ Tử, ngươi ở lại trấn Phổ Độ, trong gia đình còn có những ai nữa ?

Tiểu Hổ Tử đáp:

- Không còn ai nữa hết, sau khi sư phụ và sư huynh qua đời, chỉ còn lại mỗi mình tiểu nhân thôi.

Bạch Kiên ánh mắt lóe lên, ngó kỹ Tiểu Hổ Tử giây lát rồi nói:

- Sư phụ của ngươi ở trấn Phổ Độ làm gì ?

- Chẳng làm gì cả!

Bạch Kiên hơi ngẩn người :

- Chẳng làm gì cả ư ?

Tiểu Hổ Tử thành thật:

- Sư phụ chúng tôi ngoài uống rượu và cờ bạc, cái gì cũng không chịu làm, tiền bạc do tiểu nhân và hai vị sư huynh xin được cung cấp cho sự tiêu dụng.

Bạch Kiên vỡ lẽ:

- Ồ ! Sư phụ của ngươi tên là gì ?

- Trong trấn Phổ Độ mọi người đều gọi sư phụ của tiểu nhân là Tam Cước Miêu, ngoài ra còn tên nào khác thì tiểu nhân không biết.

Bạch Kiên mỉm cười quay sang một tiểu hóa tử hầu cận, khoát tay nói:

- Hãy đi mời Triệu sư thúc đến đây.

Tiểu hóa tử nọ liền quay người đi, không lâu sau đi vào một hóa tử tuổi suýt soát Bạch Kiên, cười hỏi:

- Đại ca, có việc gì vậy ?

Bạch Kiên trước tiên giới thiệu người đó với Lý Phi Bằng, sau vài lời chào hỏi khách sáo, Bạch Kiên hỏi:

- Đình Giai, ngươi có biết một đệ tử tên là Tam Cước Miêu ở trấn Phổ Độ không ?

Triệu Đình Giai không cần suy nghĩ, nói ngay:

- Tiểu đệ có biết người đó, nhưng không thể kể được là đệ tử của bổn bang.

Bạch Kiên chau mày:

- Tại sao vậy ?

Triệu Đình Giai đáp:

- Tên Tam Cước Miêu này là một thằng ăn mày ở trấn Phổ Độ, nổi tiếng vô đức vô hạnh nhưng không chịu sự quản giáo của ai. Hắn thu đến ba đệ tử đi ăn xin thay cho hắn chứ hắn không thèm trực tiếp ăn xin nên bản bang không thể thu dụng hắn.

Bạch Kiên chỉ vào Tiểu Hổ Tử :

- Tên Tiểu Hổ Tử này là một trong các đồ đệ của hắn. Cửu Lãnh Nam Bình Kiều Đỗ lão gia cẩn trọng giao thác thu nạp. Vì nể tình của Đỗ lão gia chúng ta không thể từ chối. Nhưng Tiểu Hổ Tử tuổi còn quá nhỏ, tuy có thể dạy dỗ nhưng theo ngươi ta nên giao phó gã cho ai ?

Triệu Đình Giai trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi đáp:

- Tứ nhãn điền kê Thôi Phúc Sinh là người có tính tình nhẫn nại, trước kia cũng đã từng nuôi dạy đệ tử. Đại ca nên chăng giao phó cho y ?

Bạch Kiên gật đầu rạng rỡ:

- Được lắm ! Ngươi hãy mang Tiểu Hổ Tử giao phó cho y đi !

Quay sang Tiểu Hổ Tử, họ Bạch nói:

- Tiểu Hổ Tử, hôm nay chúng ta vì Đỗ gia thu nạp ngươi, chỉ mong ngươi cố học tập, mai kia hơn người. Bất quá, nếu như ngươi là người không có liêm sĩ, mà theo mãi thói của sư phụngươi hoành hành không kể gì đạo nghĩa thì ngươi sẽ bị nghiêm trị. Ta hy vọng từ nay ngươi cố tâm hối cải sửa mình, ngươi hãy cố lên.

Tiểu Hổ Tử chỉ còn biết vâng dạ xin lãnh giáo, sau đó từ giả Bạch Kiên và Lý Phi Bằng đi theo Triệu Đình Giai.

Tứ nhãn điền kê Thôi Phúc Sinh ở cách thành Cửu Giang mười dặm cai quản một khu vườn rau, dưới tay có bọn đệ tử Cái Bang chăm sóc vườn rau làm kế sinh nhai, không có ai phải đi ăn xin.

Tứ nhãn điền kê Thôi Phúc Sinh khoảng chừng hơn năm mươi tuổi, bình thường ít khi mở miệng và đối với Tiểu Hổ Tử cũng chẳng câu thúc gì lắm nên mặc dù Tiểu Hổ Tử đã ở đây hơn nửa tháng, nhưng cũng ít dịp gặp.

Tiểu Hổ Tử chỉ thân cận với hai đệ tử của Cái Bang vì hai tên này về tuổi tác cũng không lớn hơn y bao nhiêu, chỉ khoảng trên dưới hai mươi, suýt soát với tuổi của y nên cả ba rất tương đắc với nhau.

Hai tên đệ tử Cái Bang này một người lớn tên là Trương Thế Xương, Tiểu Hổ Tử gọi là Trương đại ca, người nhỏ hơn tên Hồ Tiêu, Tiểu Hổ Tử gọi là Hồ nhị ca, cả hai thực ra không phải là đệ tử của Tứ nhãn điền kê Thôi Phúc Sinh nên chúng gọi Thôi Phúc Sinh là Thôi đại thúc, vì Tiểu Hổ Tử chưa làm lễ bái họ Thôi làm sư phụ nên cũng bắt chước gọi là Thôi đại thúc luôn.

Nếp sinh hoạt trong nhà Thôi đại thúc là suốt ngày dọn cỏ, gánh nước, bổ củi.

Tiểu Hổ Tử đã quen với thói lười biếng ăn chơi chưa hề làm gì nặng nhọc, đột nhiên bị bắt làm toàn việc tay chân ấy y cảm thấy cực kỳ đau khổ chẳng thích hợp tí nào. Do đó khi Trương đại ca và Hồ nhị ca bận tối mặt tối mũi vì công việc thì Tiểu Hổ Tử lĩnh ra bên ngoài du hí.

Có một hôm, Thôi đại thúc đem theo Trương đại ca và Hồ nhị ca ra vườn cuốc đất, Tiểu Hổ Tử lại lén trốn một mình ra ngoài. Nơi đây tuy không thể so sánh với Cửu Giang thành được nhưng so với trấn Phổ Độ vẫn là trên trời dưới đất khác xa. Vì nơi đây cũng đủ các thú ăn chơi như Cửu Giang thành. Tiểu Hổ Tử đã được Lý Phi Bằng dẫn đi chơi bời suốt một ngày ở Cửu Giang thành nên y cũng có chút kinh nghiệm ứng dụng vào chỗ ở mới này, huống gì Lý Phi Bằng cũng có ngầm cho y ít vàng bạc. Có tiền trong túi, Tiểu Hổ Tử khác nào cá được gặp nước, gan cùng mình, không có vật gì Tiểu Hổ Tử không dám ăn, không có thú vui nào không dám chơi.

Có tiền ắt có ma xui khiến, trong túi Tiểu Hổ Tử có tiền, nên chỉ rong chơi quanh vùng một lúc, y đã làm quen được với hai tên tiểu bằng hữu cùng chí hướng ăn chơi.

Vừa có bạn, vừa có tiền, đương nhiên Tiểu Hổ Tử chẳng khác làm vua tí nào.

Lén ra khỏi vườn, Tiểu Hổ Tử băng qua một con đường nhỏ quanh co, nhảy qua một rãnh nước, tức là đã vào trong phố phường. Vừa đến một ngõ hẽm bỗng một tên hài tử độ mười sáu, mười bảy tuổi xuất hiện gọi y:

- Mau đến đây, Tiểu Hổ Tử. Chúng ta đợi ngươi gần một buổi trời ngươi mới tới.

Chúng ta định đi mất rồi.

Tiểu Hổ Tử nhìn thấy thiếu niên ấy, tinh thần liền phấn chấn cười hớn hở:

- Trường Phát ca, hôm nay có cuộc chơi gì vui chăng ?

Thiếu niên ấy chưa kịp đáp trong hẽm lại đi ra thêm một thiếu niên nữa tươi cười tiếp lời:

- Bây giờ chưa thể cho ngươi biết trước được, đến lúc biết ngươi sẽ bieét, mau đi thôi !

Nói xong nắm lấy tay Tiểu Hổ Tử kéo đi. Đó là hai tên tiểu bằng hữu mới của Tiểu Hổ Tử, thiếu niên cao hơn tên là Liêu Trường Phát, còn đứa nhỏ hơn là Lãn Cẩu Tử.

Ba tên chúng vừa gặp nhau đã thân mật, chơi bời với nhau rất đắc ý. Cả ba đi vòng vèo một lúc đã đến bên bờ sông. Bên bờ nước đậu sẵn một chiếc thuyền có mui. Lãn Cẩu Tử dẫn luôn Tiểu Hổ Tử xuống thuyền.

Giữa khoang thuyền có đặt một chiếc bàn, trên bàn đã bày sẵn rượu thịt, xem ra khá thịnh soạn như có việc gì trọng yếu. Tiểu Hổ Tử ngạc nhiên hỏi:


- Chỗ này là của người ta, chúng mình đến đây làm gì ?

Liêu Trường Phát mỉm cười :

- Người ta chính là chúng mình, chúng mình chính là người ta, do đó chúng ta mới lên thuyền chứ!

Tiểu Hổ Tử cũng cười :

- Các ngươi định bày trò chơi gì thế ?

Lãn Cẩu Tử đáp:

- Ta hỏi ngươi, ngươi biết chuyện Đào viên tam kết nghĩa hay không ?

Y đáp:

- Đương nhiên biết, cái trong trong chuyện Tam Quốc ấy ai mà không biết.

- Thế ngươi có bằng lòng kết nghĩa đào viên với chúng ta không ?

Tiểu Hổ Tử vừa nhảy vừa vỗ tay:

- Hay lắm, cái ấy ai mà không thích ?

Lãn Cẩu Tử chỉ vào mũi mình:

- Ta là tiểu huynh nhé !

Tiểu Hổ Tử “a” một tiếng mỉm cười:

- Ai cao hơn ai mà đòi làm tiểu huynh?

Lãn Cẩu Tử cãi :

- Ta cao hơn ngươi, đương nhiên ta phải là tiểu huynh.

Tiểu Hổ Tử mỉm cười:

- Thế năm nay ngươi bao nhiêu tuổi ?

Lãn Cẩu Tử ưỡn ngực:

- Ta mười lăm tuổi rưỡi, còn ngươi bao nhiêu ?

Tiểu Hổ Tử nghiêm mặt:

- Thế thì ta lớn hơn ngươi, năm nay ta vừa chẳn mười sáu.

Thực sự Tiểu Hổ Tử chưa đến mười lăm tuổi, nhưng y không muốn làm em út nên nói là mười sáu tuổi. Lãn Cẩu Tử xịu mặt:

- Ngươi mười sáu tuổi có trời mà tin chứ ta không tin.

- Ta nói thực, ngươi không chịu tin ta biết làm sao bây giờ ?

Liêu Trường Phát gắt:

- Chúng ta hãy lạy trời đất làm lễ “Vườn đào kết nghĩa” không được ai nói láo.

Xưa nay ngoài sư phụ Tam Cước Miêu ra, Tiểu Hổ Tử không dám nói láo còn với bất cứ ai khác y đều nói láo nói lếu đến thành quen tật, nhưng nghe Liêu Trường Phát nói vậy, y cũng gật đầu:

- Ta biết rồi.

Lãn Cẩu Tử rất tức tối:

- Cũng được, ta làm lão tam cũng được.

Liêu Trường Phát trước đây cũng có được đi học vài năm biết chút ít chữ nghĩa nên tự viết tờ thề điền tên của mình trước rồi đến trên Tiểu Hổ Tử, nhưng đến khi viết đến tên y thì y tên là gì chính y cũng không biết rõ vì Tiểu Hổ Tử chỉ là một tên hiệu chứ đâu phải tên thật ? Hình như Liêu Trường Phát cũng biết điều ấy nên gã cười giả lả:

- Quên tên cũng chẳng sao, ngươi cứ coi là họ Liêu như họ của ta, còn tên vẫn là Hổ Tử, có được không?

Tiểu Hổ Tử lắc đầu:

- Không cần có chữ “Tử” nữa có được không?

Liêu Trường Phát gật đầu:

- Được, vậy tên ngươi là Liêu Hổ, cũng hay đấy !

Xưa nay Tiểu Hổ Tử chẳng biết rõ mình tên là gì, ngày ra đời là ngày nào, hắn cứ tùy tiện nói đại một ngày để Liêu Trường Phát ghi vào tờ thề.

Xong cả ba bái lạy trời đất, sửa đổi cách xưng hô. Từ nay Liêu Trường Phát là đại ca, Tiểu Hổ Tử là nhị ca, Lãn Cẩu Tử là tam đệ. Ba huynh đệ mời nhau, nâng chén rượu uống qua một lượt, bỗng Tiểu Hổ Tử “ối chà” một tiếng:

- Bao giờ thì cái thuyền này rời bến?

Liêu Trường Phát mỉm cười:

- Nó đã rời bến lâu rồi !

Tiểu Hổ Tử trợn mắt:

- Đại ca định đưa bọn đệ đi đâu đây ?

Liêu Trường Phát đáp:

- Hoàng Cương.

- Hoàng Cương cách đây xa lắm, hôm nay có kịp trở về không?

- Đừng nói là hôm nay không kịp trở về, ngày mai cũng không kịp nữa là...

Tiểu Hổ Tử nôn nóng:

- Hôm nay không trở về làm sao được?

Lãn Cẩu Tử xen vào:

- Nhị ca sợ cái gì, Thôi đại thúc không phải thân phụ của nhị ca, không về cũng đâu có sao.

Tiểu Hổ Tử từ bé đã đi ăn xin mưu sinh, bây giờ tuy đã gia nhập Cái Bang nhưng vẫn chưa có ấn tượng sâu đậm gì về Cái Bang và cũng chưa hẳn là đệ tử Cái Bang nên cũng chẳng tha thiết gì, y suy nghĩ một chút rồi đáp:

- Ừ, không về thì không về, khi nào cần ăn cơm chắc có đại ca đây lo.

Liêu Trường Phát gật đầu:

- Ngươi nghĩ vậy là hay lắm. Chuyện cơm nước đã có ta lo đủ.

Tiểu Hổ Tử nhìn bờ nước đã xa mù tịt, lo lắng hỏi:

- Đại ca, chúng ta đi đến Hoàng Cương làm gì ?

- Chuyện ấy là vì Lãn Cẩu Tử.

- Lão tam đây có việc gì ?

Liêu Trường Phát đáp:

- Gã không cẩn thận làm cháy nhà, phụ thân gã đòi giết chết gã.

Tiểu Hổ Tử càng lo:

- Đến Hoàng Cương rồi chúng ta sẽ làm sao ?


Lãn Cẩu Tử trấn an:

- Ông ngoại đệ Ở tại Hoàng Cương, chúng ta sẽ tìm ông ngoại.

Liêu Trường Phát mỉm cười:

- Nhân vì chúng ta không biết đường đi đến Hoàng Cương nên phải bao cả chiếc thuyền này và cũng vì chúng ta chẳng có một xu dính túi nên mới nhớ tới ngươi đó.

Tiểu Hổ Tử mỉm cười:

- Chỉ vì đệ có sẵn tiền chứ gì ?

- Đương nhiên tiền trả thuyền là do ngươi bỏ ra, nhưng đến Hoàng Cương rồi mọi cuộc vui vẻ sẽ do chúng ta lo cho.

Tiểu Hổ Tử lùa tay vào túi lấy ra một nén bạc:

- Hiện tại chỉ còn một nén bạc nhỏ này thôi, không biết có đủ trả tiền thuyền hay không?

Liêu Trường Phát hỏi:

- Một nén này đổi được bao nhiêu lượng bạc ?

- Mười lượng.

- Thế thì đủ, đủ lắm. Tiền thuyền chỉ tốn một lượng, thêm một lượng tiền cơm, chúng ta vẫn còn thừa đến tám lượng.

Tiểu Hổ Tử đặt nén bạc vào tay Liêu Trường Phát, chân thành nói:

- Đại ca là anh cả, hãy giữ lấy mà lo liệu.

Liêu Trường Phát nhận nén bạc đang định cất vào trong áo bỗng thấy thân thuyền rung lên, tên thuyền phu từ cuối thuyền bỗng bước vào khoang, vươn tay tới Liêu Trường Phát:

- Đừng cất vội, bây giờ hãy trả tiền thuyền trước đã.

Liêu Trường Phát giật mình vừa quay lại vừa giận, hơi do dự một chút nắm chặt lấy nén bạc:

- Sau khi đến nơi trả không được ư ?

Năm ngón tay vươn ra thành chỉ của thuyền phu bấu vào mạch môn Liêu Trường Phát đoạt lấy nén bạc, y cười nham hiểm.

- Đến Hoàng Cương rồi, ta sẽ trả lại các ngươi tám lượng.

Nói xong y không thèm lý hỏi gì đến ba người, xoay lưng đi ngược ra phía sau thuyền. Lãn Cẩu Tử tái mặt:

- Đại ca, xem ra cái thuyền này là thuyền ăn cướp mất rồi, sợ rằng ta không có hy vọng lấy lại được tám lượng ấy đâu.

Tiểu Hổ Tử cũng sợ:

- Y không trả lại tám lượng cũng chẳng sao, chỉ sợ tối nay y cho chúng ta ăn mỗi đứa một đao mới là oan.

Lãn Cẩu Tử chưa hề biết chuyện đao kiếm là gì nghe đến câu “ăn một đao” sợ tái xanh mặt ú ớ:

- Sao lại ăn đao ? Ai ăn đao mới được chứ ?

Liêu Trường Phát đưa tay bịt lấy mồm Lãn Cẩu Tử quát nhỏ:

- Nói nhỏ chứ, ngươi thật ngu lắm, ai ăn đao cũng không biết... Nói thực cho ngươi biết, chỉ cần gã chủ thuyền quét một đao là chúng ta lọt xuống sông liền...

Lãn Cẩu Tử sợ đến độ rú lên:

- Mẹ Ơi...

May mà Liêu Trường Phát đã bịt miệng hắn nên tiếng rú chỉ ú ớ trong cổ họng không thoát ra nổi. Liêu Trường Phát an ủi:

- Chúng ta và gã không oán không thù, gã muốn ăn luôn tám lượng bạc, chúng ta cũng chẳng cần, chắc gã không nỡ giết chúng ta.

Tiểu Hổ Tử buồn bã:

- Chỉ sợ gã lo đi tới Hoàng Cương thưa lại với ông ngoại Lãn Cẩu Tử rồi việc tới tai quan nên gã phải giết người diệt khẩu, không nỡ giết cũng phải giết.

Liêu Trường Phát nghe Tiểu Hổ Tử nói cũng có lý, biến sắc mặt, thở dài :

- Thế ta biết làm sao bây giờ ?

Tiểu Hổ Tử chợt lóe lên một ý nghĩ, y nói:

- Đệ nghĩ ra một cách này, các huynh đệ xem có được hay không ?

Lãn Cẩu Tử thúc giục:

- Chỉ cần có cách nào thoát hiểm là được, nhị ca nói mau đi !

Tiểu Hổ Tử nói:

- Bây giờ chúng ta đừng tỏ ra có ý gì lạ, đợi đến khi nào gặp một thuyền khác đi qua chúng ta nhất tề kêu lên xin cứu, gã chủ thuyền đâu làm gì được chúng ta nữa ?

Liêu Trường Phát gật đầu :

- Cách ấy kể ra cũng...

Nói đến đây, hắn bỗng trầm ngâm, cuối cùng câu nói chuyển hướng:

- E rằng gã chủ thuyền đã sẵn đề phòng chèo thuyền xa hẳn những thuyền khác, cách ấy của chúng ta không thể thi hành được.

Tiểu Hổ Tử ngập ngừng:

- Nếu cách ấy không thi hành được, đệ còn nghĩ ra mấy cách khác nữa.

Lãn Cẩu Tử sốt ruột:

- Còn cách nào nhị ca cứ nói quách ra, cứ ấp úng mãi khiến người ta sốt cả người đây này.

Tiểu Hổ Tử mỉm cười :

- Được, đệ còn có hai cách khác. Thứ nhất, bây giờ chúng ta nhảy đại xuống sông bơi vào bờ. Sáng ngày mai, dù gã có gan đến đâu cũng không dám đuổi theo chúng tạ..

Lãn Cẩu Tử chặn lại:

- Cách ấy không được, đệ không biết bơi.

- Còn cách thứ hai, chúng ta lén khoét lỗ dưới sàn thuyền để nước tràn vào, người ta nhìn thấy thuyền sắp chìm tự nhiên sẽ đến cứu chúng ta.

Lãn Cẩu Tử vẫn lắc đầu quầy quậy:

- Không được, cách này với cách trước đâu có gì khác?

- Rất khác, khi thuyền chìm các thuyền khác đương nhiên phải có nghĩa vụ đến cứu, chúng ta nhân đó thoát thân.

Lãn Cẩu Tử lo lắng :

- Thế lỡ người ta chưa đến kịp thuyền đã chìm mất thì sao ?

- Thì chỉ còn cách cố bơi tới bờ là thoát.

- Nhưng đệ đã bảo đệ không biết bơi.

- Không biết bơi thì chỉ còn cách chìm theo thuyền xuống đáy sông.

Lãn Cẩu Tử hốt hoảng hét lớn:

- Không được, mấy cách của nhị ca không thể thi hành được...

Giọng nói của y hốt hoảng buột ra khiến Liêu Trường Phát lại phải vội vàng bịt miệng y lại, nhưng tên chủ thuyền đã ló đầu vào khoang cười lạnh lùng một tiếng :

- Không ngờ các ngươi lại gian ngoan đến thế, tiếc rằng lão tử đây đã nghe hết rồi, lão tử...

Lãn Cẩu Tử hét lên:

- Ngươi không thể giết được chúng ta, chúng ta bằng lòng nghe lời ngươi, nếu ngươi không tin, chúng ta xin thề...

Tên chủ thuyền cười gằn:

- Lão tử làm việc gì là đã tính toán kỹ lưỡng không để lại hậu hoạn, cần gì các ngươi phải thề ?

Hai chân Lãn Cẩu Tử mềm nhũn quỳ phục xuống sàn thuyền van vỉ:

- Đại gia, xin đại gia tha cho chúng tôi, tôi xin lạy đại gia.

Lãn Cẩu Tử vì sợ hãi quá nên lạy liên tiếp mấy cái liền nhưng tên chủ thuyền vẫn lạnh như băng. Tiểu Hổ Tử chợt nghĩ ra một ý trong lúc quẫn bách, y liền kêu “ái chà” một tiếng :

- Thuyền lão đại, tiểu nhân thấy lão đại tuy thủ đoạn độc ác nhưng vẫn còn hồ đồ lắm. Thần tài đến nơi mà chẳng biết gì cả !

Tên chủ thuyền hơi kinh ngạc:

- Thần tài đến ở chỗ nào ?

- Thuyền lão đại chưa biết tam đệ của chúng tôi đây có ông ngoại ở Hoàng Cương là người giàu có thiên vạn nén vàng trong nhà ư ? Tam đệ chúng tôi là cháu cưng nhất của ông ngoại ấy !

Tên chủ thuyền “a” lên một tiếng, mừng rỡ:

- Ngươi có ý nói tên tiểu tử này rất đáng giá ?


Tên chủ thuyền ngần ngừ một chút rồi hất cầm ra hiệu cho Lãn Cẩu Tử đứng lên, hắn khôn ngoan chuyển đề tài:

- Tiểu tử, ngươi tên là gì ?

- Cám ơn lão đại, tôi tên là Tiểu Hổ Tử... vị này là đại ca của chúng tôi tên là Liêu Trường Phát còn vị Lãn Cẩu Tử kia là tam đệ.

Tiểu Hổ Tử đi ngay vào vấn đề chính:

- Lão đại cần bao nhiêu tiền nếu thả chúng tôi ?

Tên thuyền chủ không đáp ngay, hắn giả vờ tính toán một chút rồi đáp:

- Năm ngàn lượng bạc chắc cũng không lấy gì là nhiều.

Tiểu Hổ Tử gật đầu liền:

- Không nhiều, được rồi từ bây giờ chúng ta coi nhau như bằng hữu, lão đại tên tuổi là gì ?

Tên thuyền chủ cười hì hì:

- Ta họ Ô, các ngươi cứ gọi ta là Ô lão đại cũng được.

- Ở Hoàng Cương, Ô lão đại có bạn bè gì không ?

- Đương nhiên là có.

- Hay lắm, lão đại hãy cho chúng tôi địa chỉ nào tin cẩn, chúng tôi sẽ giao số tiền cho lão đại ở nơi đó, không hề thiếu một xu.

Sau khi viết cho Tiểu Hổ Tử một địa chỉ tin cậy ở Hoàng Cương, tên chủ thuyèn hí hửng nói:

- Ba vị cứ việc ở trong khoang uống rượu cho vui, để ta ra ngoài coi việc bẻ lái cho !

Hắn chuyển thân đi ra. Lúc ấy Lãn Cẩu Tử mới thất sắc kêu lên:

- Nhị ca, ông ngoại của đệ đâu có.

Tiểu Hổ Tử vội vàng đưa tay bịt lấy miệng y không cho nói tiếp. Tiểu Hổ Tử khẽ nghiêng người ra cửa khoang, quả nhiên nhìn thấy tên chủ thuyền đã đi xuống tận đuôi thuyền đang xem xét bánh lái, bấy giờ y mới hạ giọng nói với Lãn Cẩu Tử.

- Tam đệ, ngươi ngu lắm, sau này ăn nói phải cẩn thận:

Lãn Cẩu Tử ngu thật, y thì thào:

- Nhị ca, ông ngoại đệ đời nào chịu bỏ ra năm ngàn lượng bạc ?

- Ai bảo ông ngoại ngươi bỏ ra năm ngàn lượng bạc?

Lãn Cẩu Tử trố mắt:

- Chứ không phải nhị ca mới nói như vậy với tên chủ thuyền ư ?

Tiểu Hổ Tử cười nhẹ một tiếng :

- Ta hãy tạm lừa hắn lúc này để bảo toàn mạng sống, khi nào đến Hoàng Cương rồi sẽ tính.

Liêu Trường Phát vỗ vào vai Lãn Cẩu Tử cười ha hả:

- Tam đệ, không có gì phải sợ, nếu không có kế ấy của nhị đệ e rằng bây giờ chúng ta chui vào bụng cá rồi. Thôi đây, chúng ta hãy cứ uống rượu cái đã...

Uống rượu, đó đúng là một ý hay. Không biết uống hết bao nhiêu rượu mà ba người cùng say mèm li bì nằm ngủ. Tiểu Hổ Tử là người đầu tiên tỉnh lại và điều đầu tiên y phát hiện ra là ba người không còn nằm trên thuyền nữa mà nằm giữa một gian phòng.

Y cố trấn tĩnh giương mắt nhìn lên nóc nhà, chỉ thấy mạng nhện giăng chằng chịt và đóng đầy bụi bặm. Hiển nhiên gian phòng này lâu lắm không có ai lai vãng. Ba người bị vất nằm lỏng chỏng trên một đống cỏ. Tiểu Hổ Tử lật mình dậy lay tỉnh Liêu Trường Phát và Lãn Cẩu Tử :

- Mau tỉnh dậy, có lẽ đây là cơ hội tốt của chúng ta đây.

Liêu Trường Phát vẫn còn nửa tỉnh nửa mê:

- Chúng ta lên bờ từ lúc nào vậy ?

Tiểu Hổ Tử lắc đầu :

- Đệ cũng vừa tỉnh dậy thôi, chẳng hiểu gì hơn cản.

Lãn Cẩu Tử vội nói:

- Chúng ta mau trốn đi.

Y đứng lên định bước ra ngoài cửa, Tiểu Hổ Tử kéo tay y lại:

- Đừng vội, không khéo có người canh ngoài cửa đấy.

Tiểu Hổ Tử tiến sát đến cánh cửa cất giọng thật lớn:

- Bên ngoài có ai không ?

“Gâu, gâu, gâu”, bên ngoà không có tiếng người, nhưng lại có mấy con chó dữ gác cửa. Tiểu Hổ Tử quay lại ra hiệu bằng mắt với Liêu Trường Phát và Lãn Cẩu Tử rồi thuận tay xô cánh cửa. Cánh cửa hoàn toàn không khóa theo tay y mở rộng ra. Bên ngoài bóng con chó vàng to lớn như con cọp chồm tới sủa ran “gâu gâu gâu”. Tiểu Hổ Tử chớp nhoáng khép chặt cửa lại, y chậm tay chút nữa là con chó đã ập vào được rồi !

Tiểu Hổ Tử sợ không còn một sắc máu trên mặt vì xưa nay khi đi khất thực ở Phổ Độ trấn y đã bị chó cắn nhiều lần, y lạc cả giọng :

- Ta không sợ trời, không sợ đất, nhưng rất sợ chó. Ai có gan xô cửa ra trước thử coi.

Lãn Cẩu Tử lắc đầu :

- Ta thà bị chết vì đao chém, còn hơn chết vì chó cắn.

Tiểu Hổ Tử giục:

- Đại ca ra trước đi !

Liêu Trường Phát đáp:

- Nếu ta chạy trước các ngươi sẽ làm sao ? Chỉ sợ Ô lão đại tức thời giết chết các ngươi thôi.

Tiểu Hổ Tử lắc đầu :

- Không sao đâu, đệ đối phó với hắn được, đại ca cứ ra trước đi.

Liêu Trường Phát đành thu hết can đảm bước tới cánh cửa định đưa tay đẩy ra, nhưng không cần y đẩy hai cánh cửa đã tự động mở rộng. Liêu Trường Phát giật mình bất giác lùi lại ba bước. Rất may ngoài cửa không phải xuất hiện con chó dữ mà là một thiếu niên suýt soát tuổi ba người họ, nhưng sau lưng gã một bên tả, một bên hữu đều có một con chó vàng đang đứng quẫy đuôi.

Thiếu niên ấy đưa mắt nhìn vào trong gian nhà, mục quang dừng lại trên thân Tiểu Hổ Tử :

- Ngươi có phải tên là Tiểu Hổ Tử không ?

Tiểu Hổ Tử đáp liền:

- Không sai, ta là Tiểu Hổ Tử, có chuyện gì ?

Thiếu niên ấy nói:

- Ô lão đại cần gặp ngươi.

Tiểu Hổ Tử lắc đầu :

- Ta không đi đâu. Có chuyện gì cứ đến đây mà nói.

- Ngươi không chịu đi ta suỵt chó tới cắn chết ngay bây giờ.

Vừa dứt lời gã hơi nghiêng người huýt sáo một tiếng. Tiếng huýt sáo vừa cất lên, hai con chó dữ tợn như hai con gấu nhe bộ rắng trắng dã chồm tới. Tiểu Hổ Tử sợ cuống cuồng:

- Được, ta đi, ta chịu đi !

Tên thiếu niên cười đểu giả:

- Ta biết trước là ngươi rất sợ chó.

Tiểu Hổ Tử đành miễn cưỡng bước đến sát bên thiếu niên :

- Ngươi hãy giữ chúng lại đừng để chúng cắn ta !

Thiếu niên gật đầu :

- Ngươi yên tâm, không có lệnh của ta, chúng không cắn ngươi đâu.

Tiểu Hổ Tử vẫn không tin hắn bước tới nửa bước đi trước mặt tên thiếu niên để rời gian phòng đầy bụi bặm nọ. Hai con chó rất khôn ngoan, một con ở lại canh gác bọn Liêu Trường Phát, còn một con theo sau lưng Tiểu Hổ Tử không rời một bước.

Thì ra gian phòng mà chúng vừa tỉnh dậy là một gian phòng cách biệt với tòa nhà chính khá xa. Phải đi xuyên qua một hàng cây rộng mới tới gian nhà chính. Có lẽ nơi đây là một trang viện ở nông thôn vì khá nhiều gian nhà nằm rải rác và chỗ nào cũng thấy dựng đầy dụng cụ làm nông.

Tiểu Hổ Tử được dẫn vào khách sảnh. Trong khách sảnh trừ Ô lão đại ra còn có hai người nữa. Khi dẫn y vào khách sảnh rồi, tên thiếu niên dắt chó quay ra liền. Tiểu Hổ Tử ôm quyền thi lễ trước mặt Ô lão đại:

- Xin chào các vị.

Ô lão đại mỉm cười :

- Tiểu đệ, đến đây, đến đây, ta giới thiệu với hai vị bằng hữu...

Hơi dừng lời, hắn chỉ vào hán tử đầu đội khăn thân mặc một trường bào màu lam:

- Vị này là Ngô đại gia, chủ nhân của “Tứ hải tửu gia” ở Hoàng Cương quen rất nhiều người ở vùng này.

Ô lão đại chỉ tiếp vị phụ nhân độ trên bốn mươi tuổi:

- Còn vị này là Mạc đại tẩu cũng có tai mắt khắp nơi trong thành Hoàng Cương đó.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui