Hành trình của Thésée thật là gian khổ. Từ đô thành Trézène đi ngược lên phía bắc đâu có phải chỉ dăm ngày đường là tới được Athènes. Chặng đường đầu chàng phải hoàn thành là tới được đô thành Épidaure183 trong vùng đồng bằng Argolide. Đi ròng rã không biết bao ngày, bữa kia Thésée đặt chân đến địa phận Épidaure. Bỗng đâu một tên khổng lồ chân thọt chạy ra cản đường chàng. Tay hắn cầm một chiếc côn sắt nặng dễ đến ngàn cân. Chiếc côn này vừa là vũ khí của hắn vừa là chiếc nạng để hắn đi lại cho đỡ khó khăn. Hắn xưng danh là Périphétès184 con của vị thần Thợ rèn Chân thọt-Héphaïstos và nàng Anticlée. Hắn đòi Thésée phải nộp mạng vì đây là lãnh địa của hắn, xưa nay không một ai xâm phạm vào mà lại đi thoát được. Chiếc côn sắt của hắn chưa chịu đói máu người bữa nào. Nghe những lời nói ngang ngược, Thésée tức khí tuốt ngay gươm. Cuộc giao tranh diễn ra quả là đáng sợ. Tên khổng lồ tuy to lớn nhưng chân lại thọt cho nên xoay chuyển không dễ dàng. Gặp phải một đối thủ võ nghệ cao cường và lại thông minh như Thésée nên chỉ sau vài đòn hắn đã thấy chờn chờn. Chàng trai thông minh con của thần Poséidon vĩ đại nhanh chóng tìm ra được nhược điểm của đối thủ, và chàng đã kết thúc số phận gã khổng lồ một cách nhanh chóng, tước luôn cây côn sắt của hắn.
Muốn đi tới Athènes, Thésée phải đi qua đô thành Istros nằm trên eo đất Corinthe. Đây là một giải đất rất hẹp hai bên là biển nối liền miền bắc Hy Lạp với miền nam, đô thị Corinthe nằm trấn ngay đầu eo đất. Thésée vừa đặt chân tới Istros thì gặp ngay chuyện chẳng lành. Chàng đang đi trong một rừng thông, đưa mắt ngó nhìn đây đó để ý tìm ngôi đền thờ thần Poséidon thì bỗng đâu một tên cướp nhảy xổ ra chặn đường toan trấn lột. Tên hắn là Sinis, một đạo tặc khét tiếng gian ác. Khách bộ hành nào đi qua vùng này đều bị hắn sau khi cướp, lột sạch giết chết rất là thê thảm. Cậy có sức khỏe hơn người, hắn bắt nạn nhân trói căng ra giữa hai ngọn thông, treo lơ lửng kẻ xấu số như thế. Đùng một cái, hắn vít hai ngọn thông xuống khiến cho hai cây thông cong đi giống như khi ta níu một cành táo hay một cành ổi xuống để hái quả, khi hái đã chán ta buông tay ra thì cành cây bật mạnh làm quả rơi rụng. Cũng thế, Sinis níu vít hai ngọn thông xuống rồi buông tay ra khiến cho hai ngọn thông bật mạnh giằng xé tan xương nát thịt người bị treo.
Nhưng với Thésée, có lẽ nào chàng lại chịu để cho tên cướp đường khát máu này hoành hành như vậy. Chàng quát lớn “Hỡi Sinis! Tên đạo tặc không biết kinh sợ thần linh và luật pháp của Zeus ban truyền! Mày đã đến ngày phải đền tội! Người con trai của thần Poséidon vĩ đại, Thésée này, không trừng trị được mày quyết không ló mặt đến Athènes!” Chàng nhảy xổ vào tên cướp dùng đôi tay gân guốc, rắn rỏi của mình giao đấu với hắn, quyết bắt sống hắn. Với những miếng võ siêu việt, Thésée phút chốc đã quật ngã và khóa chặt tên cướp dưới đất rồi lấy dây trói hắn lại. Bây giờ thì cho hắn hưởng cái hình phạt mà hắn đã bày ra để giết hại lương dân. Nhờ chiến công này của Thésée mà con đường qua lại giữa eo đất được thông suốt, nếu không, muốn tránh Sinis, người ta chỉ còn cách vượt biển để đi ngược hoặc về xuôi. Để ghi nhớ chiến công của mình và để hiến dâng cho người cha vĩ đại của mình là vị thần Poséidon-Lay chuyển Mặt đất, Thésée bèn chế định ra Hội Isthmiques, hội mở hai năm một lần vào mùa hè ở Istros, trong khu rừng thông gần Corinthe nơi có đền thờ thần Poséidon Isthmiques. Hội Isthmiques không to và trọng thể, chặt chẽ bằng Hội Panathénées, Hội Olympiques hay Hội Dionysos, Hội Pithiques.
Người xưa còn kể, sau khi thanh trừ được tên cướp Sinis, Thésée lấy con gái hắn là Périgouné sinh được một người con trai đặt tên là Mélanippos.
Tiếp tục cuộc hành trình đến Athènes, Thésée đi tới đâu hễ gặp khó khăn ngang trái là chàng san bằng. Chàng giết chết tên cướp Sciron hoành hành ở vùng Mégaride. Có người nói tên này là con trai của Pélops, có người bảo y chính là con yêu của thần Poséidon. Sciron xưng hùng xưng bá ở một quãng đường cực kỳ hiểm trở, cheo leo. Đó là một quãng đường dài chạy qua hết sườn núi này đến sườn núi khác, còn một bên là núi cao, dốc hiểm, rừng cây rậm rạp. Sciron có thói quen ngang ngược chặn được khách bộ hành bóc lột của cải rồi bắt bưng nước rửa chân cho y. Khi nạn nhân rửa chân cho y xong, kéo lùi chậu nước toan đứng dậy thì y co cẳng đạp mạnh và người đó cho lộn nhào xuống biển. Những mỏm đá nhô ra thụt vào nhọn sắc ở vách đá xé tan xác nạn nhân. Một con rùa khổng lồ dưới biển chỉ chờ cho người ngã xuống là đến hưởng một bữa ăn ngon lành. Biết thói cường hào của phường lục lâm, Thésée vờ tuân theo mọi điều Sciron sai bảo. Khi Thésée rửa chân cho y xong, vừa kéo lùi cái chậu ra toan đứng dậy thì y co cẳng đạp, Thésée đã đề phòng trước. Chàng khẽ né người tránh đồng thời đưa tay ra tóm lấy chân y giật mạnh một cái. Thế là Sciron phải đền tội ác của hắn. Con rùa khổng lồ được hưởng bữa thịt người cuối cùng và chắc chắn nó không thể ngờ được là nó đã ăn thịt cái người mà xưa nay nó từng chịu ơn.
Đi chưa tới Éleusis thì chàng lại phải giao đấu với Cercyon một tên khổng lồ hung bạo. Cũng giống như tên khổng lồ Antée, tên này thường đón đường, chặn lối, thách thức khách bộ hành buộc phải giao đấu với hắn. Chẳng ai thắng được hắn cả cho nên hắn càng cậy thế làm càn. Thésée không hề run sợ. Chàng chấp nhận cuộc giao đấu và đã dùng đôi cánh tay cứng rắn như cây sồi của mình bóp chết Cercyon, tên khổng lồ bá quyền ở đất Éleusis. Sau đó Thésée giải thoát cho con gái hắn là Alopé. Vì sao Alopé lại bị cha giam giữ? Nguyên do là thần Poséidon, chẳng hiểu bằng những phép lạ gì thần đã làm cho nàng Alopé yêu mình say đắm. Mối tình vụng trộm này để lại cho Alopé một người con. Sợ bị cha trừng phạt, Alopé đem đứa bé sơ sinh bỏ vào rừng. Một con ngựa cái dùng sữa của mình nuôi đứa bé và sau đó những người chăn chiên đón được. Tin đồn bay đến tai Cercyon. Nhà vua truy tìm ra sự thật, nổi giận, bắt con gái giam xuống hầm sâu, toan chôn sống. Thésée giải thoát cho Alopé và trao lại quyền cai quản đất Éleusis cho Hippothoos, con trai của Poséidon và Alopé. Có nguồn khác kể, không phải Thésée giải thoát cho Alopé mà thần Poséidon đã biến nàng thành một con suối. Lại có người nói Hippothoos là con trai của Cercyon.
Chiến công cuối cùng của Thésée trên đường tới Athènes là thanh trừ tên cướp đường Procuste. Cuộc đụng độ xảy ra ở gần thung lũng Céphise thuộc vùng đồng bằng Attique, khi Thésée rời khỏi lãnh địa Éleusis. Đây cũng là một tên đạo tặc có thân hình to lớn chẳng khác gì một gã khổng lồ. Hắn chẳng phải chỉ có một tên là Procuste, mà còn hai tên khác nữa là Damatès và Polypémon, nhưng người ta quen gọi hắn bằng cái tên Procuste có nghĩa là “kẻ kéo căng người ra” (celui qui étire). Gọi hắn như thế là vì hắn có một cách hành hạ những khách bộ hành hắn bắt được rất độc ác. Hắn bắt nạn nhân nằm trên một cái giường, chiếc giường chuyên dùng để hành tội con người như giá treo cổ, dàn lửa hay một bục gỗ để đao phủ chém đầu tội nhân. Nạn nhân nằm trên giường nếu người ngắn không vừa khít giường thì Procuste buộc dây vào hai chân và đầu kéo căng ra cho vừa. Còn nếu người dài hơn giường thì Procuste lại chặt chân hoặc chặt đầu đi cho vừa. Thật là kinh khủng. Thésée quyết trừng trị tên quỷ sống này. Chàng dùng võ thuật để bắt sống hắn. Procuste người tuy to nhưng chỉ là to xác, hắn không thể nào địch nổi những miếng võ điêu luyện hiểm hóc của Thésée. Cuối cùng hắn bị quật ngã và không còn sức để gượng dậy đánh trả. Thésée trói hắn lại và đưa hắn nằm lên chiếc giường tội ác của hắn. Hẳn rằng chẳng cần phải nói, chúng ta cũng biết được chiếc giường là quá ngắn đối với thân hình Procuste, và Thésée phải dùng gươm để “sửa lại” cho Procuste vừa với giường.
Ngày nay trong văn học thế giới có thành ngữ Chiếc giường của Procuste (Le lit de Procuste) để chỉ một chuẩn mẫu, một tiêu chuẩn hoặc nguyên lý, nguyên tắc cứng nhắc không thực tế, không khoa học, chủ quan, khiên cưỡng, máy móc nhưng lại coi nó như khuôn vàng thước ngọc để áp đặt đối với mọi hiện tượng, buộc mọi hiện tượng phải nhất nhất đánh giá, đo lường theo khuôn vàng thước ngọc đó, quy chiếu về khuôn vàng thước ngọc đó. Nếu như có gì sai biệt thì cố gò ép, bóp nặn, cưa cắt, uốn éo cho đúng “duýt” với khuôn mẫu, tương tự như câu Đẽo chân cho vừa giày.
Bây giờ Thésée chỉ còn mỗi việc là đi thẳng tới Athènes, nhưng chàng không muốn tới đô thành vinh quang này khi trái tim chàng chưa thật thanh thản vì dù sao chàng cũng là kẻ phạm tội giết người mặc dù giết những kẻ tàn bạo. Chàng cầu xin những người Phytalides làm lễ rửa tội cho chàng. Những người Phytalides đã làm một lễ hiến tế với những nghi thức đặc biệt trước bàn thờ thần Zeus- Méléchie185, tẩy sạch bàn tay nhuộm máu của Thésée, và Thésée lên đường với niềm tự hào về những chiến công đầu tiên của mình.
182 Tình trạng rối ren không lối thoát: Enchevêtrement labyrinthique; đường ngoắt ngoéo, khuất khúc: Labyrinthiforme. Trong y học, labyrinthe còn chỉ hốc trong tai và bệnh viêm trong hốc tai gọi là labyrinthite.
183 Épidaure là một đô thành ở bờ biển phía đông vùng đồng bằng Argolide trên bán đảo Péloponèse.
184 Périphétès còn có tên Corynétès, nghĩa là người cầm côn.
185 Zeus-Méléchie tiếng Hy Lạp có nghĩa là Zeus-Nhân hậu. Con cháu những người Phytalides sau này thiết lập nên nghi thức tôn giáo thờ cúng nữ thần Đéméter, một nghi lễ làm cơ sở cho những Mystères d’Éleusis.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...