Dương Qua thấy cô Ngốc cố chạy theo xem. Chàng bèn ra ngoài nhử cho cô Ngốc theo ra. Lúc đến giữa rừng, cách xa nhà, chàng nghĩ không đi nữa, đứng lên ngay ngắn rồi hỏi:
- Cô Ngốc! Xem tôi làm trò có hay không?
Cô Ngốc từ hồi nhỏ đến lớn thích xem người làm trò, nhiều khi cũng muốn làm trò. Ngặt vì mấy năm theo Hoàng Dược Sư lo tập võ công không bắt chước ai được trò gì. Nhiều lúc nàng muốn múa hát nhưng bị Hoàng Dược Sư rầy la.
Ngốc nghe Dương Qua hổi liền vỗ tay reo lên:
- Hay lắm! Người anh em làm trò hay ghê! Còn trò gì lạ mà vui nữa không?
Chính trước kia cô Ngốc gọi Dương Khang bằng anh nên lúc này nàng cũng gọi Dương Qua là anh em.
Dương Qua thò tay rút một chiếc khăn vung ra giao hẹn:
- Bây giờ ta chơi trò bịt mắt bắt dê, tôi bịt mắt cô bằng một chiếc khăn nầy, rồi tôi trốn quanh gần đây. Nếu cô bắt được tôi, cô hỏi gì tôi phải nói thật, còn tôi bắt được cô, tôi hỏi điều gì cô cũng không nói láo nghe chưa?
Cô Ngốc được trò chơi mừng quá, liến thoắng nói:
- Hay lắm! Hay lắm! Anh bịt mắt em đi!
Dương Qua bịt mắt nàng xong, chàng chạy cách chừng mười bước liền gọi lớn:
- Tôi ở đây, lại bắt mau lên!
Cô Ngốc đưa hai tay ra trước sờ soạng chạy về phía có tiếng gọi.
Dương Qua là tay vỗ nghệ, tài khinh công có hạng của phái Cổ Mộ, nhảy lẹ như chim, biến hiện như chớp, như thế cô Ngốc bỏ khăn ra chưa chắc đã bắt được huống hồ hai mắt bị bịt kín.
Cô ta quờ quạng hết phía này đến phía khác. Dương Qua chạy gọi khắp nơi, làm cho cô Ngốc cứ xoay qua xoay lại mệt lả người.
Sau đó cô Ngốc sờ soạng đụng vào một gốc cây to té huỵch xuống. Dương Qua nhìn thấy trên trán nổi lên một xụ bướu như quả trứng.
Chàng sợ cô Ngốc đau rồi nổi cáu, xảy ra việc không hay cho mình nên ho lên mấy tiếng rồi ngồi im một chỗ. Cô Ngốc nghe tiếng ho gần bên, liền chạy lại ôm choàng lấy lưng chàng rồi kêu lên:
- Đây rồi! Chạy đàng nào cho khỏi!
Nói xong nàng trật khăn ra, cười nói:
- Thế này là em được cuộc rồi phải không?
Dương Qua nói:
- Đúng rồi! Tôi chịu thua, vậy cô hỏi gì thì hỏi đi.
Cô Ngốc lúc đó không biết hỏi gì, vì nàng thích được chơi, chớ có ý định hỏi gì đâu?
Cô Ngốc ngơ ngác nhìn trời đất mông lung một lúc lâu rồi hỏi:
- Anh ăn cơm chưa?
Dương Qua thấy cô Ngốc nghĩ cả giờ rồi hỏi một câu ngớ ngẩn như vậy, nhưng chàng không dám cười, liền nhỏ nhẹ đáp:
- Tôi ăn rồi.
Cô Ngốc gật đầu không nói nữa.
Dương Qua giục:
- Cô còn hỏi gì nữa không?
Cô Ngốc lắc đầu đáp:
- Không, giờ mình làm trò lại.
Dương Qua nói:
- Được, bây giờ đến lượt cô bịt mắt tôi.
Nghe thế, cô Ngốc liền lấy khăn bịt mắt Dương Qua lại rấy cẩn thận, rồi chạy trốn mất.
Thực là ngoài ý tưởng tượng của Dương Qua. Lúc này cô không ngốc chút nào cả! Cô gọi ở trước mặt rồi chạy sau lưng, tiếp nghe cô ho bên tả, mà thân cô lại vụt về bên hữu. Dương Qua không sao bắt được.
Chạy đuổi mãi không thể vớ được, Dương Qua giả vờ đụng vào một thân cây, cố ý cho miếng vải tụt xuống một chút, nhờ thế chàng nhìn thấy cô Ngốc đang đứng núp sau gốc cây, chàng xoay nơi khác hỏi:
- Cô ở đâu?
Dứt lời, chàng xoay mình vung tay ra túm được áo cô rồi cười nói:
- Bây giờ đến lượt tôi hỏi cô phải không?
Cô Ngốc gật đầu nói:
- Tôi ăn cơm rồi.
Dương Qua nghe nàng nói phì cười bảo:
-Tôi đâu có định hỏi cô ăn rồi hay chưa! Tôi hỏi câu khác kia.
Đoạn chàng ngọt ngào hỏi:
- Cha anh, mặt cha anh ra sao? Cái người mà cô thường nói giống tôi như đúc đó.
Cô Ngốc ngơ ngác đáp:
- à! Người đó hả, thế là anh Dương mà!
Dương Qua hỏi nhỏ, như dụ dỗ:
- Phải rồi, cái anh Dương mà cô đã thấy chết đó.
Cô Ngốc mặt mày tái ngắt, ngập ngừng nói:
- ồ! Nửa đêm hôm đó, có biết bao là chim quạ, chúng kêu thế nầy: "Qua... Qua... Qua!". Chúng đậu đen hết trên các cành cây, trong khu rừng âm u thanh vắng, thấy khiếp sợ lắm!
Dương Qua sốt ruột quá, mà cô ta thì cứ nói dài dòng mãi, chàng bèn hỏi:
- Tôi muốn cô nói cái chết của anh Dương như thế nào, chớ đừng nói tiếng quạ kêu làm chi!
Cô Ngốc liền đáp:
- Nhưng cô nương cấm không cho nói! Mà anh Dương cũng không cho nói. Lúc đó anh Dương tát cô nương một cái rồi cười "hô hố".
Nói đến đấy cô Ngốc giả tiếng cười trước khi chết của Dương Khang nghe rùng rợn
làm sao.
Dương Qua không hiểu được, liền gằn giọng hỏi:
- Cô nương đó là ai?
Cô Ngốc thản nhiên nói:
- Cô nương là cô nương chứ ai nữa?
Dương Qua tự nghĩ:
- Việc nầy ra phải bình tĩnh, mới khám phá ra được.
Nghĩ như thế chàng vội vã hỏi tiếp:
- Cô nương đó hiện giờ ở đâu?
Vừa dứt tiếng, bỗng nghe phía sau có người hỏi:
- Hai đứa bây chơi giỡn gì ở đây?
Nghe tiếng sư phụ, cô Ngốc vội vàng thưa:
- Dạ, anh Dương rủ con ra đây chơi trò bịt mắt bắt dê, tức là đứa trốn đứa bắt.
Dược Sư nghe xong cười thầm rồi nhìn Dương Qua. Trông thấy sắc mặt chàng, lão đoán biết Dương Qua đang suy nghĩ nhiều việc.
Dương Qua lòng đang nóng nảy, vì bị Hoàng Dược Sư phá mất cuộc điều tra riêng của chàng, nên chàng định nói mấy câu cho hả giận, nhưng chưa kịp nói đã nghe tiếng chân dồn dập từ phía ngoài bước vào.
Đó là Trình Anh và Lục Vô Song chạy đến, họ vừa chạy vừa thở hổn hển như người sắp chết muốn trăn trối điều gì.
- Sư... phụ... nó đấy.
Miệng nói ú ớ, tay chỉ ra sau ngọn núi phía Tây.
Dương Qua hỏi:
- Ai thế?
Trình Anh nói:
- Xích luyện tiên tử Lý Mạc Thu chứ ai!
Dương Qua nghe tin Lý Mạc Thu đã đến sau núi, kinh ngạc nghĩ thầm:
- Con bé thế mà to gan.
Chàng nhìn Hoàng Dược Sư định hỏi ý kiến.
Hoàng Dược Sư cười lớn bảo mọi người:
- Các con đi với thầy đến đó xem sao. Đã có lão đây, mấy con còn sợ gì nữa?
Cả bọn cùng đi về phía sau đồi núi hướng Tây.
Trình Anh nói nhỏ với Dương Qua:
- Lý Mạc Thu đã không giết chúng mình trong căn nhà cổ, và hắn tự phụ không giết người bị thương. Phen này chắc hẳn kinh khủng lắm.
Dương Qua kinh hãi nói:
- Lần nầy Lý Mạc Thu định giết ba đứa mình. May thay nếu không có Hoàng đảo chúa Đào Hoa đảo, thì chúng mình chỉ có nước tìm đường trốn cho sớm.
Trình Anh cười, gật đầu đồng ý.
Lục Vô Song nhìn Dương Qua nói mỉa mai:
- Đã từng tự phụ thông minh hơn người, tài ba ngang với chúa đảo, sao bây giờ hèn thế?
Dương Qua cười pha trò:
- Tôi là Ngốc mà! Cô mới là người thông minh chớ!
Vừa đi vừa chuyện trò, không bao lâu đã đến sau núi. Cả bọn đều bám sát theo Dược Sư.
Dưới bóng cây to rườm rà, có một căn nhà cỏ đã xiêu vẹo, cửa đóng kín, trên nóc có một tờ giấy bay phấp phới, trên mặt giấy có đề bón hàng chữ lớn, gồm có mười sáu chữ viết như sau:
Đào Hoa đảo chúa
Đệ tử tối đa
Dĩ ngũ địch nhất
Dĩ tiếu giang hồ.
dịch:
Đào Hoa đảo chúa
Rất đông học trò
Năm người đánh một
Thiên hạ cười cho.
Hoàng Dược Sư đọc xong bốn câu thơ cười khà khà rồi cúi xuống lượm hai viên sỏi đặt lên ngón tay cái, thổi một cái.
Hai viên sỏi bay vút vào đánh bật cả hai cánh cửa của căn nhà cỏ.
Thuật bắn đạn sỏi trên ngón tay là công phu độc nhất của chúa đảo Đào Hoa.
Trước đây Dương Qua đã được Quách Phù cho biết ông ngoại nàng có tài bắn đạn sỏi đến quỷ khiếp thần kinh. Nay chàng được thấy tận mắt, lòng rất khâm phục, tưởng tượng người đời chưa ai có.
Hai cánh cửa bị bắn toang ra. Cả bọn nhìn vào trong, thấy Lý Mạc Thu đang ngồi nghiêm chỉnh, tay cầm phất trần, hai mắt nhắm nghiền như một hoà thượng ngồi niệm Phật.
Người nào chưa biết Lý Mạc Thu, thấy như thế cũng cho nàng là người đạo đức. Có ngờ đâu nàng giết người không biết ghê tay, lòng độc hiểm hơn ma chúa, quỷ vương.
Lục Vô Song nghĩ đến mối thù Lý Mạc Thu đã giết cha mẹ nàng mấy năm trước, nàng không thể làm ngơ được, liền rút trường kiếm ra lăm le trong tay, miệng thét lớn:
- Dì Trình, cô Ngốc! Khỏi cần đến đảo chúa, ba chúng ta tiến vào đi.
Cô Ngốc vỗ tay reo lên, rồi nói:
- Có tôi đây!
Lý Mạc Thu hé mắt nhìn cử chỉ năm người, rồi thản nhiên nhắm mắt lại, ngồi nhập định, hình như coi thường cả năm người không có gì lưu ý đến.
Trình Anh nhìn Hoàng Dược Sư xin lệnh.
Hoàng lão than:
- Lão có nhiều đệ tử thật, nhưng rất tiếc là: Trần, Mai, Khúc, Lục, bốn đệ tử khá không có đứa nào ở đây. Nếu được một trong bốn đứa đó thì mi đâu có nhiều lời như vậy được.
Than xong, lão phẩy tay ra hiệu và nói:
- Chạy lẹ đi.
Cả bốn người chạy về căn nhà cỏ của Trình Anh. Cả bọn thấy Hoàng Dược Sư lo lắng nhiều và chiều đó không ăn cơm, hơn nữa ông lại đi ngủ sớm hơn mọi bữa, cho nên không hiểu ra sao.
Trình Anh tuy được bái nhận Hoàng Dược Sư làm sư phụ, nhưng nàng không biết chuyện trước đây lão đã đuổi học trò, nay thấy thế thầm nghĩ:
- Có lẽ Lý Mạc Thu đã dùng bốn câu thơ để chọc tức sư phụ ta, cho nên sư phụ đã buồn như vậy.
Nghĩ như thế, nàng quá bực tức và tiếc mình võ nghệ còn kém quá, không thể làm vừa lòng sư phụ được, để cho Lý Mạc Thu chọc tức thầy như vậy.
Thực ra Hoàng Dược Sư buồn nhớ đến ba người học trò có tài cao là: Trần Huyền Phong, Mai Siêu Phong và Khúc Linh Phong. Họ đều đã chết cả, chỉ còn có Lục Thừa Phong, hiện nay bị tàn phế. Nếu may còn được một trong bốn người đó thì Lý Mạc Thu đâu dám lộng hành được.
Hoàng Dược Sư nghĩ đến câu "Năm người đánh một thiên hạ cười cho". Biết Mạc Thu chê mình nên lão quá buồn rầu, vì việc trước đây lão đã nông nổi để cho học trò của lão đã bị mai một và tàn phế!
Lão tử nhụ: "Thiệt mình làm hại cho mình".
Dương Qua đêm đó trằn trọc, thao thức mãi trên giường không ngủ được, vì chàng thắc mắc những lời nói của cô Ngốc, hành động tinh quái của Lý Mạc Thu. Chàng thầm nghĩ:
- Như thế là Lý Mạc Thu chê năm người đánh một, Nhưng hiện nay mình đã hết bịnh rồi thì cứ một mình đánh với Lý Mạc Thu cũng được, để dẹp bớt tức khí cho chúa đảo Đào Hoa và rửa hận cho Lục Vô Song.
Chàng bèn rón rén bước xuống giường, sửa áo gọn gàng và ngồi xuống luyện thêm sức, bồi thêm tinh thần. Chàng quyết định phải tử chiến với Mạc Thu đêm nay.
Dương Qua vừa vận công một lúc, cảm thấy đôi mắt sáng lên, chân tay cứng như sắt, toàn thân da thịt như đồng. Miệng chàng gầm lên một tiếng rền cả một góc trời, như tiếng cọp rống trong hang, vang lên bốn hướng.
Lúc nầy Hoàng Dược Sư đã thức dậy, định thay áo, chợt thấy Dương Qua đang kuyện khí, rồi bỗng phát ra một tiếng lạ lùng, lão kinh ngạc về sức nội công của chàng, vừa mừng vừa sợ.
Tiếng thở của Dương Qua vang ra, làm cho Trình Anh, Lục Vô Song và cả bọn đều khủng khiếp. Lý Mạc Thu ở bên kia nghe cũng phải giật mình. Nàng cho đấy là Hoàng Dược Sư đang thở hút khí lực của "Nam Tào, Bắc Đẩu".
Nàng định chắc Hoàng Dược Sư không dám đánh mình, nên bỏ qua không đề phòng.
Dương Qua có sức mạnh như vậy, là chàng đã được luyện trên giường "Hàn ngọc", lại học được bí quyết trong Cửu âm chân kinh và Ngọc Nữ tâm kinh nên lúc này nội lực tinh thần của chàng mới dồi dào như thế.
Đợi cho Dương Qua đứng lên, Hoàng Dược Sư hỏi:
- Dương Qua, cháu coi Lý Mạc Thu lợi hại về thuật gì?
Dương Qua đáp:
- Theo cháu biết thì hắn có "Ngũ độc thần chưởng" và cây phất trần là lợi hại nhất.
Hoàng Dược Sư nói:
- Không lo gì, cháu có nội công mạnh như vậy, ta dạy cho cách phá nó dễ lắm.
Dương Qua nghe nói mừng quá, liền xụp xuống đất lạy như tế trời.
Trước kia tuy Dương Qua nhận Hoàng Dược Sư là tiền bối, nhưng chàng vẫn tự kiêu chưa phục vì chưa thấy lão có tài nghệ gì hơn chàng.
Nay nghe lão nói có phép đánh bại Lý Mạc Thu, là một tay ngang dọc, coi thiên hạ trước mắt không ra gì, nên chàng lại cầu xin chỉ giáo.
Hoàng Dược Sư liền nâng chàng dậy và truyền phép nầy có thể chống với "Ngũ độc thần chưởng" của Lý Mạc Thu.
Sau lão dạy cho chàng phép "Ngọc tiêu kiếm pháp" để chống với cây phất trần thần diệu.
Dương Qua hết sức chú ý nghe giảng cả hai thuật pháp, từ hình thức đến nội dung, chàng thấy phải cố sức rèn luyện từ một đến ba năm mới thành thạo được.
Chàng thấy thế bèn hỏi:
- Thư Hoàng lão, như thế nầy không có phép gì để hạ ngay Lý Mạc Thu hay sao?
Hoàng Dược Sư thở dài than:
- Ba năm là bao. Thì giờ như thoi đưa không lâu đâu. Cháu mới có hăm mốt, hăm hai tuổi mà luyện được hai phép thuật trên là sớm lắm! Có người theo nghề võ đến ba, bốn mươi tuổi vẫn chưa biết gì cả. Cháu đừng hấp tấp!
Dương Qua nói:
- Việc làm của cháu đâu có phải "vị ngã"..., chẳng qua là "vị tha" cả.
Hoàng Dược Sư vỗ vai chàng và nói:
- Sau ba năm, cháu nên vì bác mà giết nó đi, như thế bác cảm ơn cháu nhiều lắm. Còn hiện nay lão bị tai nạn, đó là tội lão phải gánh. Vì trước đây, lão đã huỷ hoại những người học trò tốt, nên nay lão phải chịu luật "báo ứng" của trời đất.
Dương Qua nghe Hoàng Dược Sư nói hết tâm sự với mình, vội quỳ xuống bái lễ và kêu lên:
- Sư phụ!
Cả hai người đều thong minh, đã đoán được thâm ý của nhau.
Dương Qua nghĩ: Lão truyền cho mình võ thuật này là để rửa cái nhục bốn câu thơ của Lý Mạc Thu, nhưng mình học là phải nhận lão làm thầy.
Hoàng Dược Sư nghĩ: Chàng đối với mọi người trong Cổ Mộ tình nghĩa nặng lắm, nên chàng không muốn nhận ai làm sư phụ thứ hai nữa!
Lão liền đưa tay nâng chàng lên và nói:
- Lúc nào cháu đánh với con yêu nữ ấy, thì cháu là đệ tử của bác, còn ngoài ra cháu với bác chỉ là "bạn vong niên". Người anh em đã hiểu nhau rõ chưa?
Dương Qua vừa cười vừa nói:
- Thưa sư huynh, tiểu đệ được cho vào hạng bạn bè, kẻ tiểu sinh như đệ rất cảm động và được nhờ vả nhiều lắm!
Hoàng Dược Sư tươi cười nói:
- Anh em ta được hạnh ngộ thế này, là duyên nợ "ba sinh" từ kiếp trước đây.
Lúc này hai người cùng vui vẻ đàm đạo say sưa.
Tiếp đó, Hoàng Dược Sư giảng lại cái bí quyết về phép "bắn đạn bằng ngón tay" và "Ngọc tiêu kiếm pháp" dạy ôn lại rất tỉ mỉ.
Dương Qua thấy Hoàng Dược Sư quá kỹ lưỡng như vậy, chàng đoán có lẽ lão sắp xa mình chăng?
Nghĩ như thế, chàng liền hỏi:
- Sư huynh, đệ với sư huynh vừa mới quen nhau, rồi đây chia tay biết bao lâu lại được tái ngộ.
Hoàng Dược Sư nói:
- Sư đệ đã rõ, thôi từ đây phương trời đôi ngả, nhưng lòng dạ lúc nào cũng gần nhau là được. Nếu mai sau có điều gì ngăn trở tình duyên của sư đệ, là lão huynh này đến can thiệp ngay, dầu có xa muôn dặm huynh cũng đến.
Dương Qua nghe nói đúng với ước nguyện của chàng, nên cười nói tiếp:
- Người cản trở đó không phải ai xa lạ, nếu sư huynh can thiệp e bất tiện lắm không?
Hoàng Dược Sư hiểu ý nói:
- Xưa kia, chính nó cũng muốn chọn một người chồng vừa ý nó, sao lúc này nó lại muốn phá kẻ khác.
Ngẫm nghĩ một lúc, ông thò tay vào túi lấy giấy bút ra viết một phong thư giao cho Dương Qua rồi dặn:
- Nếu con gái lão còn cản trở, sư đệ cứ đưa bức thư này cho nó.
Dặn xong lão cười vang lên, rồi phảy tay bước ra khỏi cửa.
Chỉ trong nháy mắt tiếng cười đã xa tít ngoài mười trượng rồi biến mất, tựa như con thần long ra biển, không còn thấy tăm hơi.
Dương Qua đứng ngẩn người nhìn theo một hồi lâu, chàng quay vào nhà ôn lại những bí quyết võ thuật vừa được truyền thụ.
Không bao lâu trời đã sáng. Chàng nhìn lên bàn giấy thấy cây chân tuyến đao của Trình Anh để đó, chàng cầm lên ngắm nghía, thực là một con đao bén và tuyệt đẹp ít có.
Bỗng có tiếng động ở ngoài. Trình Anh mở cửa bước vào, tay cầm một chiếc áo màu xanh, nàng tủm tỉm cười nói với Dương Qua:
- Anh mặc thử chiếc áo này coi có vừa không nào!
Dương Qua cảm động quá, hai tay đỡ lấy chiếc áo.
Trong khi chàng đưa tay ra đỡ, tay Dương Qua và tay Trình Anh chạm sát vào nhau, như hai luồng điện bắt lại, cả hai người đều mắt liếc mày đưa, lòng đều rạo rực.
Chàng mở áo ra mặc thử, từ cổ đến gối đều vừa khít cả.
Dương Qua cảm động run giọng nói:
- Tôi...! Tôi đa tạ tấm lòng chiếu cố của Trình muội đối với tôi.
Trình Anh nhoẻn miệng cười với cặp mắt đầy yêu thương, tình tứ. Chợt nét mặt nàng buồn rầu, than:
- Lão sư phụ đi rồi! Biết bao giờ được hội ngộ.
Nàng cố tìm cớ để được ngồi lại nói chuyện với Dương Qua, nhưng chợt thấy màu áo tím lướt thướt ngoài cửa, nàng biết đó là Lục Vô Song. Nàng giận lắm, trách thầm:
- Con người gì mà tò mò đến thế, mình ở đâu là dòm nom đến đó.
Nàng liền quay ra.
Dương Qua ngắm cái áo mới thấy đường kim mũi chỉ rất khéo, chàng động lòng tự nhủ:
- Cô ta đối với mình như vợ với chồng, nhưng mình đã định có nơi chốn, không thể có nơi mới được nữa. Nếu mình quyến luyến mãi ở đây, chỉ thêm luyến ái và đưa sự đau khổ đến cho cô ta! Thôi mình phải thoát sớm đi là hơn.
Chàng nghĩ lại:
- Ta bỏ đi, Lý Mạc Thu đến quấy phá, ai sẽ bênh vực cho nàng? Phải rồi, bây giờ mình đi ra sau núi xem tình hình Lý Mạc Thu ra thế nào.
Chàng chạy ra phía sau núi đến căn nhà bữa qua, thấy chỉ có một đống tro tàn trên nền. Như vậy Lý Mạc Thu đã đốt nhà đi rồi.
Chàng quay về với ý định:
- Chiều nay, mình viết thư từ biệt, để lại cho Trình Anh và Lục Vô Song rồi mình đi.
Tối hôm đó, Dương Qua cầm bút viết, ngồi trước đèn viết thư, nhưng mới viết được mấy hàng, bỗng nhiên tâm trí chàng quá cảm động, nghĩ đến Trình Anh và Lục Vô Song sẽ đau khổ biết chừng nào lúc ta bỏ ra đi.
Đầu óc chàng không nghĩ được một ý gì để chia tay, tay chàng cầm bút viết, mà bút rơI lúc nào không hay. Chàng đứng dậy, tóm mảnh giấy viết lỡ, vo tròn đút vào túi rồi lên giường nằm yên. Chàng cố nhắm mắt để ngủ.
Dương Qua đang nằm thiêm thiếp, bỗng nghe có tiếng gọi thất thanh bên ngoài:
- Cô... Ngốc ơi! Sao thế này...! Mau đây!
Dương Qua giật mình ngồi dậy, khoác áo chạy ra. Bên ngoài gió thổi ào ào, trời vừa sáng, chàng thấy Lục Vô Song mặt tái ngắt, đưa tay chỉ tấm phên trước cửa.
Dương Qua nhìn theo tay nàng cũng thất kinh, khi thấy bốn ngón tay máu tươi còn rành rành.
Đêm rồi, Lý Mạc Thu đã đến đây, đoán biết Hoàng Dược Sư đã đi rồi, nên tính số người còn thêm cô Ngốc, cộng là bốn, vào số "bị giết"
Dương Qua và Lục Vô Song còn đứng tần ngần, chưa nói lên câu nào, thì Trình Anh đã chạy đến hỏi:
- Chị Vô Song nhìn thấy bao giờ thế?
Lục Vô Song ngơ ngác trả lời:
- Trời chưa sáng tôi đã thấy rồi.
Nói xong, Lục Vô Song hơi thẹn, hai má ửng hồng, vì nàng đã tự thú chuyện suốt đêm chờ đợi, nghe ngóng ngoài phòng Dương Qua.
Trình Anh giả vờ như không biết, nói tiếp:
- Mặt trời đã lên cao rồi, chúng mình lo bàn kế hoạch gì cho kịp thời đối phó với Lý Mạc Thu, sớm muộn gì hắn cũng đến đây.
Ba người cùng đi vào nhà bàn tính.
Lục Vô Song nói:
- Hôm kia Lý Mạc Thu bị cô Ngốc đánh mấy ngọn đuốc mà hắn không sợ sao?
Trình Anh nói tiếp:
- Thuật đánh đuốc của cô Ngốc lợi hại thật, nhưng đối với ai, chứ con Lý Mạc Thu coi thường nên mới khinh dễ thế này.
Lục Vô Song nói pha trò:
- Được anh Ngốc nhà ta không bị thương thì cả hai Ngốc cùng hợp sức đánh Lý Mạc Thu chắc Lý Mạc Thu sợ lắm đấy.
Dương Qua cười nói:
- Đã một cô Ngốc lại thêm chú Ngốc nữa, thì làm ăn ra trò trống gì?
Trình Anh cười, nói:
- Thôi, bây giờ chúng mình phải lo sắp đặt cách chống lại với Lý Mạc Thu, chứ sắp nguy rồi đấy, đừng pha trò gì nữa.
Lục Vô Song nói:
- Cả bốn người mình phối hợp lại, đánh cũng chưa chắc thắng được con ma cái đó!
Dương Qua nói:
- Biết thế, nhưng Lý Mạc Thu đến là phải đánh dầu thắng hay bại.
Lục Vô Song hỏi:
- Anh đánh cách gì?
Dương Qua nói:
- Tôi định cách này: cô Ngốc và tôi ở phái chính diện ứng chiến, còn hai chị em cô đánh bên tả.
Trình Anh nói:
- Để em đi gọi cô Ngốc lại tập thử coi!
Trình Anh đến phòng cô Ngốc kêukhông thấy đâu cả, liền trở lại cho Dương Qua và Lục Vô Song hay. Cả ba người chạy ngược chạy xuôi đi kiếm.
Trình Anh chạy ra phía sau núi, thấy bên cạnh mô đá, cô Ngốc đang nằm im như đống sỏi. Nàng liền cúi xuống cởi áo cô Ngốc ra xem, thấy trên lưng còn in vết tay tím bầm. Nàng đoán biết cô bị "Ngũ độc thần chưởng" liền gọi Dương Qua và Lục Vô Song lại, và nàng lấy thuốc thánh "Cửu hoa ngọc lộ hoàn" thoa cho cô Ngốc.
Dương Qua chạy đến thấy vết thương cô Ngốc, chàng nhớ phép độc đã ghi trong "Ngũ độc kỳ thư", chàng liền vận nội công tiếp sức vào các đường huyệt chính.
Chỉ trong giây lát cô Ngốc đã hồi tỉnh, nàng cười và nói:
- Không biết con đạo cô mắc dịch đó trói tôi bằng gì mà chặt thế này.
Lý Mạc Thu đã dùng "Ngũ độc thần chưởng" đánh cô Ngốc bị thương, rồi dùng dây tơ trói lại, nhưng không dám hại mạng cô Ngốc vì Lý Mạc Thu còn sợ Hoàng Dược Sư.
Lúc cô Ngốc tỉnh lại, Dương Qua, Trình Anh và Lục Vô Song lo mở dây trói mà không được. Nên ba người khiêng cô Ngốc vào nhà, đặt nằm trên giường rồi nhìn nhau lo lắng. Trong bốn người mà một người bị thương, rồi Lý Mạc Thu đến đây, làm sao đánh cho được.
Dương Qua nhìn Trình Anh và Lục Vô Song nói:
- Thử lấy cây chân tuyến đao cắt dây xem có đứt không?
Nhưng khi đưa ra cắt sợi tơ vàng đứt, lưỡi dao vừa qua khỏi, sợi tơ đứt lại dính nguyên như cũ.
Lúc này cô Ngốc nằm trên giường giãy dụa, miệng kêu lên:
- Cắt dây cho tôi! Nó tung phất trần trói tôi đấy.
Dương Qua thầm nghĩ:
- Sợi dây vàng này đao gươm cắt không đứt, có lẽ nhờ thợ rèn thổi bễ, rồi dùng âm dương háo thổi cho chảy tan ra mới được.
Chàng liền hỏi:
- Gần đây có lò rèn nào không?
Trình Anh nói:
- Cách đây chừng bảy, tám dặm có nhà rèn.
Lục Vô Song tiếp lời:
- à hay anh phi ngựa sang bên đó kêu người thợ ấy.
Dương Qua nói:
- Không được, nếu tôi đi thì Lý Mạc Thu trở lại đây rầy rà lắm. Chi bằng tôi bồng cô Ngốc ngồi phía trước, hai cô ngồi sau yên ngựa cùng đi đến đó tiện hơn.
Cả ba người đồng ý, Dương Qua bồng cô Ngốc lên trước yên ngựa, Lục Vô Song và Trình Anh nhảy lên ngồi sau yên.
Sau khi ngồi vững vàng trên yên ngựa, Dương Qua cười nói:
- Cái thằng Dương Qua nầy, không biết kiếp trước nó mắc cái nợ gì lớn của Tây Vương Mẫu, nên kiếp nầy nó phải gánh vác như vầy.
Lục Vô Song nói:
- Ngốc sao nay văn thơ dồi dào thế! Chắc nhị ngốc thành hai chứ gì?
Trình Anh nói:
- Đi mau, kẻo Lý Mạc Thu nó đến là nguy.
Dương Qua cho ngựa chạy nhanh, và nói đùa:
- Có nguy thì cũng thằng Dương Qua gánh chịu chứ các cô lo gì! Thôi, tôi để cho cô Lý Mạc Thu bắt tôi về làm đầy tớ, còn hơn đi với các cô đóng vai một ngựa ba yên thế này. Sức như Lữ Bố cũng phải một, còn nếu trung như Vân Trường thì cũng phải nản. Vì Vân Trường chỉ phò có hai chị, mà cái thằng Dương Qua nầy phải phò đến ba chị, thế mà người đời lại gọi nó là Ngốc mới khổ!
Ngựa chạy như bay, Trình Anh khen:
- Con ngựa của anh vừa khoẻ vừa lanh ghê. Thật đúng là "thiên lý mã". Suy việc này ta thấy người nói thật đúng.
Lục Vô Song hỏi:
- Đúng cái gì! Đường dài mới biết sức ngựa, lúc nguy mới thấy lòng người. Đó là cảnh hôm nay, cho chị em mình thấy người và ngựa.
Dương Qua cười, nói:
- Thì hai người đã cho đóng vai "người ngựa" là quý quá!
Đường rừng lối hẹp, đất đá lô nhô, càng đi càng thấy âm u, quanh co mãi mới đến một căn nhà xiêu vẹo, than củi chất ngổn ngang trước sân, trên tường treo ba thanh gươm và tấm da thú. Cảnh vật đìu hiu, tỏ ra đây là căn nhà hoang trong rừng hẻo lánh.
Dương Qua cất tiếng gọi:
- Sư phó có ở nhà không?
Tiếng gọi của Dương Qua như vô hiệu. Cả bọn đều thất vọng.
Ba người chăm chú nhìn vào trong nhà một hồi lâu, chợt thấy một ông lão từ trong nhà bước ra, râu tóc bạc phơ, tuổi độ năm mươi, mình mặc áo da lạc đà, chân đi guốc sắt, mắt lem nhem, chân trái bị què, chống nạng liểng khiểng, hỏi:
- Khách có việc gì truyền dạy?
Dương Qua định tiếp lời, bỗng có tiếng chân ngựa dồn dập phía trước, liền đó có hai người ngồi trên lưng ngựa xông vào trước sân.
Đó là hai tên đầu mục Mông Cổ. Một trong hai tên có vẻ mặt vênh vang với bộ râu lồm xồm, cất tiếng hỏi lớn:
- Nhà nầy có phải là nhà của lão thợ rèn họ Phùng không?
Ông lão khập khễnh bước lại cúi đầu nói:
- Dạ, tôi đây!
Viên đầu mục lớn tiếng nói:
- Quan trên ra lệnh: nội trong ba ngày các thợ rèn trong huyện phải lên huyện đường để lo việc đúc khí giới. Nghe rõ chưa?
Ông lão ngập ngừng nói:
- Tôi tàn phế, già nua...
Tên đầu mục cầm roi ngựa quất vào đầu lão một cái, miệng la lớn:
- Im mồm, đừng nói dông dài, sáng mai mà không lên trình diện thì chớ trách.
Nói xong, cả hai quày ngựa cùng đồng bọn đi mất.
Lão thợ rèn đứng ngây người nhìn theo và thở dài, mặt buồn rười rượi.
Trình Anh thấy thấy tình cảnh của ông lão quá động lòng thương xót bèn thò tay vào túi, lấy ra hai chục lạng bạc để trên bàn và nói:
- Phùng sư phó, sư phó tuổi đã cao, lại thêm chân tàn phế, nếu lên trình diện với tụi Mông Cổ, không chết trước, cũng chết sau. Xin lão cầm tạm chỗ bạc này, trốn đi nơi khác lánh thân.
Ông lão run giọng, nói:
- Đa tạ lòng tốt của cô nương, tuổi tôi cũng đã già, chết sống không quan hệ, chỉ đáng thương mấy trăm vạn sinh linh ở Giang Nam phải lâm vào cảnh chém giết, tàn sát nay mai!
Dương Qua nghe nói, kinh ngạc hỏi:
- Sao lão biết? Vì sao vậy?
Ông già nói:
- Bọn Mông Cổ định bắt hết thợ rèn để đúc khí giới cho chúng chuẩn bị tiến đến xâm chiếm Giang Nam của nhà Đại Tống. Việc đó rõ ràng còn ai không biết.
Dương Qua, Lục Vô Song và Trình Anh nghe lão nói, cả ba đều cho là đúng. Dương Qua toan hỏi tiếp, nhưng Phùng lão đã hỏi:
- Ba vị tính làm binh khí gì chăng?
Dương Qua nói:
- Ba anh em tôi đến nhờ Phùng sư phó có cách nào mở trói cho cô bạn của chúng tôi không.
Chàng vừa nói tay vừa chỉ vào cô Ngốc.
Lão Phùng chỉ tay vào cô Ngốc và nói:
- Việc này không khó lắm, để tôi đốt lò rồi đánh một con dao là cắt được.
Dương Qua vui vẻ nói:
- Nội ngày nay xong không?
Lão Phùng đáp:
- Nếu làm gấp chừng hai giờ thì xong.
Lão lo tiếp tục thổi bễ, nung sắt.
Dương Qua, Lục Vô Song và Trình Anh đều sinh quán ở Giang Nam, tuy không phải con nhà quan quyền, phú quý, nhưng lúc nghe Phùng lão nói đến chuyện "sinh linh Giang Nam sắp lâm vào cảnh chém giết rùng rợn nay mai" ai cũng lo lắng cho những người thân thuộc mình.
Trong lúc ba người ngồi chăm chú nhìn Phùng sư phó nung thanh sắt thì cô Ngốc nằm trên giường, thỉnh thoảng giãy giụa đành đạch, kêu la:
Mở trói tay tôi chứ... Đau quá này!
Không bao lâu Phùng sư phó nung xong thanh sắt, đập thành hình con dao.
Phùng lão tuy già nhưng gân sức còn mạnh lắm nên đập những nhát búa như thần giáng mà không có mệt nhọc, khó khăn gì cả.
Trong nhà lúc nầy vang dội những tiếng đì đành làm chấn động cả khu rừng bên ngoài. Những bầy chim rừng tranh nhau bay, kêu ríu rít như để thi nhau phá tan cảnh rừng âm u tịch mịch.
Cô Ngốc lúc nầy quá sợ hãi, miệng không ngớt kêu la:
- Các người không mở trói cho tôi mà làm gì thế? Trời ơi, kinh quá!
Vì cô Ngốc nghe tiếng búa đe chát chúa và những tia sáng nhấp nhoáng khắp nhà nên quá sợ hãi.
Dương Qua, Lục Vô Song và Trình Anh thấy con dao đã thành hình, chỉ cần nung tráng nước thép nữa là xong, ba người vui vẻ khen. Lục Vô Song reo lên:
- Cô Ngốc ơi, sắp có cái mở trói cho cô rồi đấy, đừng la nữa!
Bỗng có giọng nói lanh lảnh ở phía sau nhà, tiếp đó có người hỏi:
- Rèn làm chi con dao to tướng thế, định dùng nó để làm phất trần chăng?
Dương Qua, Lục Vô Song và Trình Anh kinh hãi quay lại, nhìn thấy Lý Mạc Thu đang cầm phất trần đứng tần ngần ngoài cửa nhìn vào.
Dao quý rèn chưa xong mà địch đã đến bên lưng. Trình Anh và Lục Vô Song tuốt gươm thủ thế. Dương Qua cũng vớ lấy thanh sắt đứng chờ Lý Mạc Thu xông vào thì đánh.
Lý Mạc Thu cười khanh khách, nói:
Các người định dùng dao để chống cây phất trần của ta. Được rồi, các người cứ yên trí đi, ta ngồi đây chờ, khi nào xong dao sẽ đánh cũng không muộn gì.
Nói xong Mạc Thu ngồi trên đống củi trước cửa, thản nhiên coi Dương Qua, Lục Vô Song và Trình Anh như không đáng ngại.
Dương Qua bực mình nói vọng ra:
- Nay nàng có đòn gì cứ đưa ra, chứ cây phất trần không ai sợ đâu.
Mạc Thu nhìn vào thấy cô Ngốc nằm trên giường, vẫn còn cử động như thường, thầm nghĩ:
- Con bé bị mình tát một cái như trời giáng đã thiệt mạng rồi sao vẫn còn sống nằm kia?
Nghĩ thế, Mạc Thu cười, rồi hỏi:
- Hoàng Dược Sư có trong nhà không?
Phùng sư phó nghe nói đến Hoàng Dược Sư, giật nẩy người nhìn Lý Mạc Thu nhanh như chớp và cúi xuống nung lại con dao.
Trình Anh cất tiếng nói vọng ra:
- Người đã biết sư phụ không có ở đây, còn hỏi lôi thôi gì nữa? Nừu người biết sư phụ ta có ở đây, thì dẫu lớn mật đến đâu cũng chẳng dám mò đến.
Lý Mạc Thu cười ha hả như nhạo báng, rồi thò tay vào túi lấy ra một tờ giấy trắng, miệng nói:
- Hoàng Dược Sư là một tay mạo danh lừa đời, cậy có nhiều đệ tử để đi hiếp đáp người khác, chớ tài gì. Trong bọn đệ tử của Dược Sư chỉ có một người đáng kể thôi.
Nói xong Mạc Thu lấy tờ giấy cài vào cây kim rồi phóng vào.
Cây kim bay vút vào cửa, cắm phập giữa cột nhà, Mạc Thu cất tiếng hỏi:
- Ta đưa bằng chứng cho đấy, khi nào Dược Sư về, tự đoán biết ai đã dùng "bửu bối" giết học trò giỏi của lão.
Đoạn nàng quay lại nói với Phùng sư phó:
- Lão thợ rèn, hãy nghỉ tay một chút, tôi làm phiền lão như thế này được không?
Phùng sư phó gượng đôi mắt đỏ ngầu nhìn lên tờ giấy có bốn câu thơ:
Đào Hoa đảo chúa
Đệ tử tối đa
Dĩ ngũ địch nhất
Dĩ tiếu giang hồ.
dịch:
Đào Hoa đảo chúa
Rất đông học trò
Năm người đánh một
Thiên hạ cười cho.
Phùng lão đọc xong bốn câu thơ, ngơ ngác.
Lý Mạc Thu nói tiếp:
- Lão hiểu chưa?
Phùng lão nói:
- Hiểu rồi, có gì mà không hiểu.
Vừa nói lão vừa giơ kềm lên kẹp cả tờ giấy lẫn kim, giật xuống nhét vào lò lửa cháy vèo vèo.
Thấy thế Lý Mạc Thu quá giận, cầm cây phất trần đứng phắt lên, định chạy xông vào đánh Phùng sư phó cho vỡ sọ ra.
Nhưng chạy được vài bước, Mạc Thu dừng chân ngay, vì nàng là người giang hồ lão luyện, thầm nghĩ:
- Một người trông rất kỳ dị, mà làm nghề thợ rèn, chắc gan dạ lắm mới dám ngang nhiên chọc tức mình như vậy!
Nàng bước lùi lại ngồi nguyên chỗ cũ, ôn tồn hỏi:
- Tôi nóng nảy quá nhỉ! Lão là ai thế?
Phùng lão cau mày đáp:
- Mi không trông thấy đây sao? Ta là lão thợ rèn, chớ còn là ai nữa?
Lý Mạc Thu gắt gỏng hỏi:
- Tại sao lão lại đốt tờ giấy của tôi?
Tờ giấy viết không đúng thì đốt chớ sao?
Mạc Thu quá tức, hét lên:
- ông biết thế nào mà không đúng?
Phùng lão nghiêm giọng nói:
- Đào Hoa đảo chúa có tài năng biết cả việc trời đất; đệ tử của ngài mỗi người chỉ học được trong một phần trăm, phần ngàn nghệ thuật của ngài mà đã ngang dọc thiên hạ, thế thì trong đời ai còn dám chê ngài?
Lý Mạc Thu cười rang rảng nói:
- ông lão ơi, như thế là ông đã lầm Hoàng Dược Sư rồi, vì Dược Sư chỉ có tài lừa đời. ông cũng như thiên hạ đời này, đều bị mắc lừa Hoàng Dược Sư cả!
Phùng sư phó vẫn bình tĩnh nói:
- Mi nói không đúng sự thật. Để ta kể cho mi nghe. Người đệ nhất đệ tử của ngài là Trần Huyền Phong, một tay da đồng, gan chì, xương sắt, gươm đao chém không thủng. Mi đã nghe danh ông ta chứ?
Miệng nói, Phùng lão vẫn trăn trở thanh sắt trong lửa.
Nghe nói đến Trần Huyền Phong, Lý Mạc Thu sợ hãi. Còn Dương Qua, Lục Vô Song và Trình Anh đều kinh ngạc thầm nghĩ:
- Một lão thợ rèn già nua, ở nơi rừng rú thế này mà biết được những tay anh hùng trong giới võ lâm, lạ thật?
Lý Mạc Thu bỡ ngỡ hỏi:
- Hình như Trần Huyền Phong bị một đứa trẻ nít đâm chết, như thế thì giỏi cái gì?
Phùng lão điềm nhiên kể tiếp:
- Người đệ nhị đệ tử của Hoàng Dược Sư là Mai Siêu Phong có tài đi lẹ như gió, mi có biết không?
Lý Mạc Thu tiếp lời:
- à phải rồi; người đó bị "Thất quái" ở Giang Nam đâm lủng hai mắt, rồi sau bị Âu Dương Phong đánh bể ruột đó phải không?
Phùng lão bồng ngây người buồn bã, khi nghe Lý Mạc Thu nhắc đến chuyện bi đát của bạn đồng môn thuở xưa.
Qua một lúc, ông ta buông tiếng thở dài rồi nói:
- Có thể xảy ra việc đó à? Sao ta không hay? Nhưng người học trò thứ ba của ngài, chắc mi không lạ gì, đó là Khúc Linh Phong võ nghệ siêu quần. Nhất là thuật "tát tay" thì trong thiên hạ không có người địch nổi.
Lý Mạc Thu không suy nghĩ liền đáp:
- Trong làng giang hồ, có kể chuyện Khúc Linh Phong. ông ấy leo vào Hoàng cung trộm báu vật, bị lính cận vệ bắt được đánh chết. Có phải ông ấy là Khúc Linh Phong có tài "tát tay" siêu quần tuyệt luân không?
Phùng lão giả lơ cúi vào lò lửa ho mấy tiếng, đôi mắt đẫm lệ rơi xuống thanh sắt đỏ, nghe "xèo xèo" hai luồng khói trắng bốc lên.
Lục Vô Song đứng chăm chú nhìn từng cử chỉ, lời nói của Phùng lão, thấy rõ nước mắt của lão trào ra. Lòng nàng nghĩ ngợi không hiểu vì sao? Chỉ thấy tay lão giưo cao lên và đập lưỡi búa xuống chan chát, miệng thở dài nghe não nuột.
Một lúc lâu Phùng lão mới nói:
- Môn đệ của Hoàng Dược Sư chúa đảo Đào Hoa có Trần Huyền Phong, Mai Siêu Phong, Khúc Linh Phong và Lục Thừa Phong, bốn người thuộc vào hàng đệ tử ưu hạng. Lục Thừa Phong là tay võ nghệ cao cường lại thông tính cả nhâm cầm độn toán, nếu mi gặp ông ta là mi không còn.
Lý Mạc Thu cười kha khá, nói:
- ô! Nhâm cầm độn toán thì ăn nhằm gì. Có phải người ấy đã dựng một toà nhà ở bên Thái Hồ, gọi là "Quy vân trang" để đoán số cho khách giang hồ, sau bị người ta đốt cháy tiêu cả nhà cửa, từ đó đến nay không thấy ông ta đâu cả. Có lẽ đã bị chết thiêu rồi!
Phùng sư phó nghe đến đó giận lắm, la lên:
- Con đạo cô kia, không được nói bậy như thế. Các đệ tử của Hoàng Dược Sư đều là tay võ nghệ siêu quần. Nhắc đến người nào mi cũng nói là bị giết cả. Mi đừng khinh ta ở xó rừng nầy, không hiểu được thiên hạ đời nay cố kiếm lời xuyên tạc.
Lục Vô Song buồn bã nói với Phùng lão:
- ông muốn biết rõ sự việc đó để ba chúng tôi nói lại coi có đúng không?
Nói đến đó, Lục Vô Song đôi mắt ngấn lệ và nghẹn lời không nói được nữa.
Phùng lão đưa mắt nhìn Trình Anh rồi nói:
- Cô nương có thể cho tôi biết tin về các đệ tử của Hoàng Dược Sư không?
Trình Anh thấp giọng nói:
- Trong môn phái của Hoàng Dược Sư mấy năm nay không được hưng thịnh, và các người tài giỏi tản lạc, điêu linh hết cả. Tôi là kẻ sinh sau đẻ muộn, vừa mới được vào đảo Đào Hoa học ít lâu nay, không dám đem lời bênh vực cho sư phụ. Tôi thấy thẹn vô cùng. Như thế lão có quen với các người kể trên sao?
Phùng sư phó không đáp, chỉ trừng mắt nhìn Trình Anh hồi lâu, rồi có vẻ nghi ngờ hỏi:
- Gần đây chúa đảo có nhận thêm đệ tử nữa à?
Trình Anh thấy lão luôn luôn bênh vực cho sư phụ nàng, nên hết lòng kính mến, bèn kể thật:
- Gia sư tôi lúc nầy tuổi đã cao, ưa sống nơi tịch mịch, nên thu nhận tôi để ngài sai việc nhỏ mọn, còn nói học trò thì không đúng, vì tôi còn nhỏ chưa học được gì. Tôi không dám nhận là đệ tử của chúa đảo Đào Hoa.
Nghe đến đấy, Phùng sư phó đôi mắt hiền dịu lại,như có thâm tình đối với Trình Anh. Nhưng lão không nói gì nữa, chỉ cúi đầu đưa tay trở qua trở lại thanh sắt.
Trình Anh chợt thấy cặp nạng của lão, trên đầu có hình bán nguyệt giống y "Lạc anh chưởng pháp" của Hoàng Dược Sư. Nàng đoán được nguyên do liền hỏi:
- Tôi nhiều lúc nhàn rỗi được hầu chuyện với gia sư ở trên đảo Đào Hoa. Gia sư thường nhắc cho nghe về chuyện của mấy vị đệ tử như thế này: "Ngày tao đuổi các đệ tử đi khỏi đảo, chỉ có Trần Huyền Phong và Mai Siêu Phong là hai người đáng tội, vì chúng tự hại chúng. Còn ba người họ Khúc, họ Lục và họ Phùng đều bị tội oan. Đáng thương nhất là Phùng Mạc Phong tuổi còn nhỏ, không biết nay lưu lạc phương nào. Lúc nào nghĩ đến, lòng ta lại thương chúng đệ tử lúc ấy!"
Hoàng Dược Sư quả có ý thương học trò, nhưng ông rất kín đáo không bao giờ để lộ ra. Lúc này Trình Anh bịa chuyện để dò ý Phùng sư phó.
Lý Mạc Thu đứng ngoài nhìn thấy hai người chuyện trò thân mật, rồi sau Phùng lão có vẻ buồn bực, nước mắt chảy tầm tã rơi xuống thanh sắt đang nung trong lò nghe "xèo xèo" bốc lên hơi trắng, Mạc Thu nghĩ thầm:
- Tụi nầy có chung sức nhau cũng không đi đến đâu, chỉ thêm có một thằng què, làm nên trò trống gì?
Nàng gọi lớn:
- Phùng Mạc Phong, ta có ý mừng cho sư huynh, sư muội nhà ngươi đã nhận được nhau.
Phùng sư phó đây chính là Phùng Mạc Phong. Khi còn ở trên đảo Đào Hoa, Trần Huyền Phong và Mai Siêu Phong, hai người đã lấy trộm "Cửu âm chân kinh" định trốn đi. Hoàng Dược Sư bắt được, lòng quá giận, bèn đánh què cẳng hai người, đuổi khỏi đảo. Cả Khúc Linh Phong và Lục Thừa Phong cũng bị trừng phạt như hai người kia. Chỉ có Phùng Mạc Phong tuổi còn nhỏ nên chỉ đánh què một cẳng, nhưng cũng bị đuổi ra khỏi đảo Đào Hoa.
Khi ra khỏi đảo, mỗi người lưu lạc mỗi nơi trên hai xứ Quan trung, Lục dương.
Phùng Mạc Phong lạc đến Lục dương học nghề rèn, sau khi thành nghề, tìm đến một thôn trang hẻo lánh hành nghề sinh sống. Phùng Mạc Phong tuy có võ nhưng đã gần ba chục năm nay chưa hề đánh nhau với ai, vì thế mà trong giới giang hồ chưa ai biết danh.
Ngày nay tình cờ nghe chuyện các sư huynh qua đời cả, còn sư phụ như bóng chim tăm cá. Tình thầy trò ân thâm nghĩa trọng, Phùng Mạc Phong tự nhủ:
- Dù sư phụ đối với ta tàn ác mặc lòng, bổn phận ta bao giờ cũng giữ nghĩa cho trọn đạo trời đất.
Vì vậy, nên khi nghe Trình Anh kể, Phùng Mạc Phong ruột đau như cắt, thương thầy nhớ bạn, xót xa trong lòng.
Dương Qua, Lục Vô Song thấy Phùng lão và Trình Anh nhận là sư huynh sư muội, tất cả đều vui mừng. Dương Qua thầm nghĩ:
- Lão nầy nếu đúng là Phùng Mạc Phong, đệ tử của Hoàng Dược Sư thì võ nghệ chắc hẳn phải là tay chọc trời khuấy nước chứ không vừa.
Lý Mạc Thu ở ngoài cất tiếng lanh lảnh nói:
- Sư phụ nhà ngươi đã đuổi ngươi ra khỏi cửa mà vẫn còn quyến luyến thế kia à? Thôi ngươi để ta giết ba đứa này đi, đừng can thiệp nhé!
Phùng Mạc Phong bình tĩnh đáp:
- Ta tuy có học chút đỉnh võ nghệ, nhưng chưa có đánh ai lần nào. Vả lại nay đã bị tàn phế một chân như vầy, thì đánh đá chi mà nói.
Lý Mạc Thu nói:
- Được rồi, không có can chi tới nhà ngươi, cứ để yên ta làm việc của ta.
Phùng Mạc Phong quắc mắt nói:
- Đâu có được, ta cấm ngươi không được động đến mấy người nầy.
Lý Mạc Thu cả giận to tiếng:
- Ta thấy nhà ngươi tật nguyền, đã tha cho lại muốn lên mặt.
Phùng lão thản nhiên như không nghe, cứ cầm búa đập mạnh trên đe mãi.
Mạc Thu liền thách đố:
- Ta chấp cả bốn đứa đấy. Đứng lên hết đi, ta đưa về âm phủ cho rồi!
Phùng Mạc Phong ôn tồn đáp:
- Ta bỏ học đã ba mươi năm nay, không luyện tập gì cả, hôm nay thử ôn lại vài đường xem sao!
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...