Ôi không, một cây rau trong gia đình là đủ lắm rồi! Ông Guillaume buông mình ngồi xuống cái ghế nhựa, chắc hẳn là màu cam. Cái ghế rung lên dưới sức nặng của ông ấy.
-Ông có thể trả lời vài câu hỏi được không? – Gassin hỏi, vẻ vội vã.
-Nếu anh muốn…
-Tại sao ông lại theo Hélène Fansten đến nhà Benoît Delmare?
-Tôi đâu có đi theo cô ta? Tôi là thợ sửa chữa ống nước, thưa ông thanht ra, tôi đến đó sửa đường nước vệ sinh bị rò rỉ. Khi đến nơi, tôi thấy cô ta bước ra khỏi ô tô, trông cô ta có vẻ bồn chồn. Tôi đã chào cô ta rồi hỏi cô ta đang làm gì ở đây, nhất là khi không phải xe của cô ta, mà là một chiếc Honda Civic màu xám…
-Đó là xe của tôi. – Tony nói thêm.
-Cô ta nháy mắt với tôi, rồi lại gần tôi, bảo tôi đi với cô ta. Cô ta bảo là Paul cảm thấy khó ở, rất nghiêm trọng, cô ta sợ là anh ấy sắp chết… Lúc đó, tôi nghĩ là họ đang đến chơi nhà bạn bè ở đó, tôi không biết nữa, nhưng cô ta chạy rất nhanh, vội vã, tôi cũng chạy theo cô ta. Chúng tôi đi thang máy, cô ta mở cửa, rồi thì “bang”, tôi thấy mình vấp chân phải Elise đang ngồi trong xe đẩy. Tôi thật ngu quá, tôi chẳng hiểu gì cả, tôi bước vào, lúc đó Hélène ở đằng sau đã đóng cửa lại. Trong phòng rất tối, đúng lúc đó thì tôi thấy Paul và Yvette. Paul thì rõ ràng là đã chết rồi, hai con mắt mở to, dính đầy máu, còn Yvette chỉ nhắm mắt, thở thoi thóp, hai tai và mũi đầy máu chảy… Tôi thấy mình buồn nôn, sợ hãi… Phần tiếp theo thì anh đã biết rồi đấy…
-Tóm lại, - Gassin thì thầm, lật giờ những trang giấy trong cuốn sổ nhỏ của anh ta, - hãy nói cho tôi biết, Mercier, anh làm thế nào để có thể đến nhà Benoît Delmare nhanh đến thế trong khi không có phương tiện gì?
-Tôi chạy bộ, chạy tắt bằng lối đi nhỏ trong rừng, chạy dọc theo sân golf, chỉ cách 300 mét thôi. Tôi đã giả vờ chết cho đến khi xe đi xa, rồi tôi ngồi dậy và suy nghĩ. Tôi nhận thấy có vết bánh xe đôi, là của cái xe đẩy của Elise. Vậy là Elise vừa mới bị Hélène tống lên xe của tôi. Tôi suy ra là Hélène trước đó đã sử dụng cái xe đẩy của Elise. Hélène dùng cái xe đó để chở ai? Chắc chắn là để chở người đã để lại vết máu trong xe.
Vậy là suy luận của tôi chắc chắn là chính xác! Đáng tiếc là tôi không thể làm sáng tỏ mọi chuyện!
-Anh có chìa khóa vào nhà của Delmare?
-Tôi đã làm thêm cái chìa thứ hai khi tôi đến đó để sơn lại tường. Tôi nghĩ rằng nó có thể có ích…
-Anh đúng là biết phòng xa. – Gassin vừa nói vừa giở những trang giấy.
-Tôi đã quyết phải tồn tại, tôi không muốn mình lại bị giăng bẫy.
-Anh có thể nói tại sao anh lại cho rằng Virginie đang ở trong nhà Delmare nếu như con bé đang ở trong cốp xe của anh?
-Phù ù ù… Tôi đã tưởng tượng ra bất cứ thứ gì có thể chấp nhận được. Chính vì thế, khi Hélène mang Elise đi sau khi đã bắn trượt tôi, tôi đã biết là cô ta đi đâu. Điều mà cô ta không biết, chính là Virginie đang ở trong cốp xe Honda mà cô ta đang lái.
Đó chính là lý do tại sao khi đến nơi, Hélène không thấy Virginie, mà chỉ có Paul và cô Yvette trên tràng kỷ mà thôi… Lạy Chúa, thật đúng là một mớ lộn xộn.
-Mấy giờ rồi? – ông Guillaume hỏi. Thấy rõ là ông ấy chẳng thèm quan tâm đến cuộc điều tra này.
-22 giờ rồi. – tiếng của một nhân viên cảnh sát trả lời, giọng rắn rỏi.
-Nếu tôi không lầm thì Mercter ạ, đến lượt anh, anh đã chạy nhanh đến nhà Delmare? – Gassin nói, giọng hơi căng thẳng.
-Đúng thế. Tôi đã trông thấy chiếc Honda trong bãi đỗ xe, lúc đó trời mưa rất to, trong xe không có ai cả. Tôi mở cốp xe vì vẫn còn giữ chìa khóa, và bế Virginie ra. Tôi chỉ còn đủ thời gian để nấp đằng sau những thùng rác: Hélène đi ra khỏi nhà nhanh và bất thần, rồi cô ta nổ máy như một con điên, nếu tôi có thể nói như vậy…
-Không dám. Rồi sao nữa?
-Tôi chẳng còn biết làm gì nữa. Tôi quyết định lên nhà Benoît xem có chuyện gì. Tôi mở cửa rất khẽ, rồi thì trông thấy…
-Gì cơ?
-Trong phòng rất tối, nhưng tôi đã trông thấy những cái xác nằm bất động ở trên tràng kỷ. Tôi lại gần và khi mắt đã quen với bóng tối, tôi nhận ra Paul, đã chết, và bà Yvette vẫn còn sống nhưng bất động. Tôi thấy cả Elise đang ngồi trong xe lăn nữa. Tôi đặt Virginie lên tràng kỷ, gần bà Yvette, tôi quyết định ngồi đợi Hélène quay lại. Lần này, tôi nhất định phải tóm được cô ta.
-Thế còn con bé? Anh cho rằng Virginie chứng kiến tất cả những chuyện này là bình thường sao?
-Không, thế mới phải cần đến hexobarbital… Nhưng con bé đã tỉnh lại… tôi sẽ kể chi tiết hơn. Tóm lại là tôi đã phải cho con bé ngủ lại một lần nữa, tôi giấu tạm nó sau chiếc ghế bành bằng da. Còn tôi thì nấp sau cánh cửa.
-Thật đúng là như cuốn tiểu thuyết nhiều kỳ vậy, chỉ còn thiếu Fantômas thôi… Chính lúc đó thì bà Fansten và ông cùng vào hả ông Guillaume?
-Ồ, đúng thế. – ông Guillaume xác nhận. – Có lẽ tôi phải đi uống tách cà phê đây.
-Thật là lạ lùng, đúng không? Vì ông luôn có mặt đúng lúc mà người ta không mong đợi… Một lần ở Marseille, một lần ở bờ hồ, còn bây giờ thì ông lại đang sửa chữa đường ống dẫn nước trong nhà ông Delmare! Ai đã gọi ông vậy?
-Có người gọi cho tôi, yêu cầu tôi đến ngay nhà ông Delmare, khu B.
-Ông cũng coi thường tôi phải không? Hay đó là một sự đồng mưu?
-Không hề như vậy. Vả lại, tôi hoàn toàn không biết chồng chưa cưới của cô Elise tên là Delmare.
-Thật sự là tôi không hiểu vì sao bà Fansten lại muốn ông đến đó… - Gassin hỏi.
-Dĩ nhiên là anh không hiểu rồi, vì chính tôi là người đã gọi điện cho ông Guillaume. – Tony nhẹ nhàng nói.
-Chính là anh? – cả Gassin lẫn ông Guillaume cùng kêu lên.
-Trước khi lên nhà Benoît, tôi đã gọi hai cú điện thoại từ cabin điện thoại công cộng. – Tony giải thích. – Một cú tôi gọi cho cứu thương, vì tôi có lý do để chắc rằng có ai đó bị thương. Một cú tôi gọi cho ông Jean Guillaume. Tôi muốn có một nhân chứng để người ta có thể công nhận, vì tôi sợ rằng việc làm chứng của cô Elise có thể sẽ… khó hiểu. – anh ta nói một cách khôn khéo.
-Anh suýt nữa đã làm tôi bị chết đấy! – ông Guillaume phẫn nộ.
-Chắc chắn là không thể có chuyện gì xảy ra được. Tôi có vũ khí và tôi biết là Hélène không có súng. Tất nhiên là tôi không đoán trước được là Elise có thể can thiệp vào.
Tôi thật điên rồ, thật quá điên rồ khi đâm con dao vào đùi anh ta. Trước tiên, tôi có thể chạm vào động mạch của anh ta, sau nữa, suýt nữa thì tôi đã làm cho tất cả mọi người bị chết… Từ này trở đi, Elise Andrioli, mi không được nghĩ mình là Rintintin(1) nữa.
-Y tá, cô có thuốc aspirine không? – Gassin hỏi.
Có ai đó vội vã tiến về chúng tôi trước khi cô y tá kịp trả lời.
-Có tin gì mới hả? – Gassin hỏi, giọng khàn khàn.
-Xác của gia đình Fansten vừa mới được chuyển đến nhà xác xong. Trong không đẹp lắm… anh đã bao giờ trông thấy những miếng xúc xích mà người ta để quên trên lò chưa? – một người nói, giọng hài hước, độc ác.
-Đừng nói những chi tiết đó nữa, tôi đã đủ đau đầu lắm rồi. Thế còn phòng thí nghiệm?
-Sáng mai mới có kết quả. Giờ thì chúng ta làm gì với thằng cha Mercier khốn kiếp này?
-Bình tĩnh nào Mendoza, không được chửi nhân chứng. Mercier sẽ đi theo chúng ta.
-Tại sao người của anh lại buộc tội Mercier? – ông Guillaume hỏi.
-Anh ta dễ tự ái, Mendoza… phải không Mendoza? Anh ta không thích bị người ta chế giễu. Ông có biết tại sao Mercier lại biết rõ mọi chi tiết của cuộc điều tra không? Thông qua anh bạn của anh ta là Mendoza đấy.
-Thôi, đủ rồi, chết tiệt! – Mendoza nói rồi bỏ đi. – Tôi đi uống cà phê đây.
-Sáng nào họ cũng gặp nhau ở quán bar để bình luận về kết quả của những trận đấu thể thao… Giờ thì bóng đá chẳng còn có những bí mật cho anh nữa đâu Mercier ạ! – Gassin cười khảy.
-Khi tôi biết Mendoza là cảnh sát và đang điều tra vụ này, tôi đã tìm mọi cách để làm quen với anh ta. Chuyện đó chẳng khó khăn gì. Chỉ cần tỏ ra thân thiên với anh ta mà thôi.
-Đừng có bao giờ nói chuyện đó trước mặt anh ta. – Gassin nói. – Thôi, chúng ta đi thôi, muộn rồi.
Một cánh cửa mở ra.
-Con gái ông đã tỉnh rồi.
-Anh sẽ nói gì với con bé? – ông Guillaume hỏi, giọng xúc động.
-Tôi không biết. Nói với nó rằng tôi chính là bố đẻ của nó. Rằng Paul và Hélène đã bị chết trong một vụ hỏa hoạn.
-Nhưng con bé biết thủ phạm là Hélène, tôi dám chắc thế. Gassin vừa nói vừa đứng lên.
-Thế thì sao? Anh muốn buộc tội cô ta hả?
Anh ta đi về phía căn phòng mà Virginie chắc hẳn đang cố hiểu xem chuyện gì đã xảy ra. Tôi không mong ở vào vị trí của anh ta. Chắc chắn con bé sẽ cần được chăm sóc lâu dài. Nó không thể sống như vậy và thoát ra khỏi cuộc sống đó mà không gặp khó khăn gì.
Mendoza đã quay trở lại và nói:
-Còn cô ta?
Đó là cái giọng mà người ta dùng để nói về một con chó, và tôi hiểu là anh ta đang nói về tôi.
-Tôi đã cho báo với chú cô ấy rồi. Cô hãy ở lại đây cho đến khi ông ấy đến hoặc cho chúng ta biết những việc cần phải làm.
Đúng, đúng rồi. Ở đây hay ở kia tôi cũng chẳng quan tâm. Tôi có cái gì để trù tính cho nhiều năm nữa? Cánh cửa vừa mới đóng lại với Tony. Một cô y tá đẩy tôi về phòng của mình.
Sau lưng tôi, thanh tra Gassin đang nói chuyện điện thoại trong hành lang.
-Tôi nghe đây… Gì cơ? Chết tiệt, tôi đoán ra rồi. Ok, chào.
-Có gì mới hả? – ông Guillaume mới quay trở lại, hỏi.
-Không, không hẳn vậy, chỉ là một bức điện báo đến từ Marseille thôi. Về Maxime Siccardi… sinh ngày mùng 3 tháng 7 năm 1976, cha là René Siccardi, 48 tuổi và mẹ là Josette Siccardi, 39 tuổi.
Hoan hô, Elise, mi đã đoán đúng!
-Cái gì cơ? – ông Guillaume lẩm bẩm, rõ ràng là ông chẳng hiểu gì cả.
-Hélène có một đứa con trai nhưng lại được khai sinh dưới tên của bố mẹ cô ta. Người ta cho rằng chính bố cô ta, René, là người đã làm việc đó cho cô ta.
-Thật là kinh khủng! – ông Guillaume kêu lên.
-Đúng thế… Đó chưa phải là tất cả đâu. Ông có biết vì sao con trai cô ta bị chết không? Nó đã bị tra tấn trong một hầm rượu bởi hai thằng thanh niên nghiện ma túy… Chúng ta đang sống trong cái thế giới nào đây… Có còn ngạc nhiên không khi sau đó cô ta trở nên điên loạn!
Những lời nói của anh ta cứ nhỏ dần, xa dần trong khi cô y tá đẩy tôi sang một hành lang khác. Tôi cảm thấy mệt mỏi. Thực sự mệt mỏi, rất mệt mỏi…
Chú thích:
1.Cuối thế kỷ 19, trung đoàn 101 của đoàn kỵ binh Fort Âpache cứu sống con chó berger tên là Rintintin, con vật duy nhất còn sống sót trong một đoàn lính công binh bị tấn công bởi người Ấn Độ. Sau đó, chú cho Rintintin đã được phép ở lại cùng binh lính. Nó đã học được cách cứu thương cho các binh sĩ, lập nhiều chiến công và dần trở thành một thành viên không thể thiếu, một con vật đem lại phước lành trong trung đoàn. Hình ảnh chú chó Rintintin đã được điện ảnh Mỹ dựng thành phim trong những năm 1954-1959.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...