Thám Tử Kỳ Duyên

Ghi chép của Khôi Nguyên.
Sau buổi tối xảy ra sự cố với Ngọc Diệp, quan hệ giữa tôi và cô ấy thật tồi tệ. Ngọc Diệp bỏ đi nơi khác ở, bất chấp nguy hiểm đang rình rập. Cô ấy có thể chủ quan lơi là, nhưng tôi thì không thể. Tôi thường nói lời tốt đẹp để động viên tinh thần cô ấy, trong khi bản thân tôi biết rất rõ; những chuyện cô ấy vướng phải không hề đơn giản. Nói thẳng thắng hơn là đáng sợ. Tôi dựa vào đâu mà kết luận như vậy? Đó là, linh tính. Linh tính rất hiếm khi đánh lừa tôi. Mặc dù, tôi vẫn dõi theo bước chân của Ngọc Diệp; nhưng, tôi không khỏi lo lắng cho sự an toàn của cô ấy. Như các bạn thấy, tôi có tài giỏi cách mấy cũng không thể phân thân được. Một lúc phải làm hai ba việc thật không đơn giản; vừa âm thầm bảo vệ cho Ngọc Diệp, vừa tiếp tục cuộc điều tra. Sức ép của công việc mỗi lúc một căng thẳng. Ngọc Diệp, cô ấy rất bướng bỉnh. Tôi có nói đằng trời gì cô ấy cũng vào tai này lại lọt ra tai kia thôi. Chỉ còn cách nữa, là cầu nguyện cho cô ấy được an toàn. Bên cạnh đó, tôi có nhờ bạn tôi là Quốc Việt giúp đỡ, mỗi khi tôi phải cách mặt cô ấy để đi điều tra vụ án. Lại nói về vụ “bóng ma trên đồi trà” mà tôi đang theo đuổi. Vụ này có nhiều tình tiết ly kỳ, đã kích thích bản năng thích khám phá của tôi. Lâu lắm rồi mới có một vụ đặc biệt lý thú đến vậy. Vụ này liên quan đến vấn đề tâm linh, tội phạm có tổ chức, và hình bóng của một mối quan hệ vô cùng phức tạp. Cho đến thời điểm này, tôi đã thu được những kết quả nhất định. Có thể tóm tắt như sau:
- Vụ án: “Bóng ma trên đồi trà.”
- Thám tử: Khôi Nguyên.
- Khách hàng: Kiều Oanh, Ngọc Diệp.
Hai năm trước, một người phụ nữ rất trẻ đến tìm tôi, kể cho tôi nghe về những cơn ác mộng của cô ấy. Trong giấc mơ, Kiều Oanh gặp một bóng ma áo trắng, tóc dài, bóng ma cao nghều bị cụt hai chân, ngồi trên cái am thờ màu đỏ gạch nằm dưới gốc cây đa. Ác mộng đó đến với cô ấy trong nhiều ngày, cho tới khi Kiều Oanh không thể chịu đựng được thêm nổi ám ảnh, cô ấy đã đến văn phòng tìm tôi, nhờ tôi làm rõ bản chất của những cơn ác mộng đó. Tôi có hỏi cô ấy: “Sao cô không tìm đến một bác sỹ chuyên khoa thần kinh có tay nghề? Biết đâu, ông ấy sẽ giúp được cô nhiều hơn là tôi.” Kiều Oanh lắc đầu, cô ấy cho là mình không mắc bệnh thần kinh. Cô ấy nói: “Tôi khẳng định với anh, đầu óc tôi rất bình thường. Tôi không mắc bệnh, thế thì sao phải đến bệnh viện?” Tôi không đồng ý với đánh giá của cô ấy về bản thân. Tôi yêu cầu cô ấy hãy đến chỗ bác sỹ chuyên khoa thần kinh trước, rồi sau hãy đến tìm tôi. Nếu chỗ bác sỹ giải quyết vấn đề được cho cô thì tốt, không nữa thì tôi sẽ giúp đỡ. Nói thật, lúc đó, tôi cũng không quan tâm nhiều lắm đến những gì cô ấy kể lại với mình. Chỉ là những cơn ác mộng thường tìm đến với những người yếu bóng vía. Một thời gian thì đâu lại vào đó thôi. Tôi phải dành thời gian quý báu để giải quyết những vụ án đòi hỏi trí tuệ nhiều hơn. Sau lần đó, Kiều Oanh không đến tìm tôi nữa. 3 tháng sau, tôi nghe được tin tức: “Kiều Oanh qua đời. Nguyên nhân cái chết được cho là tự tử.” Tôi có dò hỏi một số bạn bè làm bên ngành an ninh, những người đã khám nghiệm tử thi của Kiều Oanh. Kết quả, không có gì đáng ngờ. Cô ấy đã kết liễu đời mình bằng bình thuốc trừ sâu đậm đặc. Sau những gì Kiều Oanh kể với tôi, ban đầu, tôi đưa ra kết luận: “Do thần kinh của Kiều Oanh rất yếu đuối, nỗi sợ hãi và bế tắc đã đưa cô ấy đến chỗ tự sát.” Nhưng, sau đó, lòng tôi lại băn khoăn; tôi có cảm giác bất thường trong vụ Kiều Oanh, tại sao cố ấy lại đến tìm tôi? Những gì cô ấy kể cho tôi nghe rất rùng rợn. Tôi có ý định lật lại vụ án, nhưng, đành phải tạm dừng; vì hai đồng nghiệp của tôi là Tạ Vũ và Ngọc Trinh đang gặp rắc rối lớn trong một vụ khác, có tầm quan trọng ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh quốc gia, và hòa bình trong khu vực. Tôi xắn tay, mất gần hai năm, để giúp họ giải quyết rắc rối. Vụ án tuy lớn (nhưng không đến mức căng não, toàn là những thứ lình xình trong các mối quan hệ này nọ) nó làm tôi thất vọng không ít, chấm dứt vụ án đó chưa đầy 3 tháng, thì Ngọc Diệp lại tìm đến văn phòng Sherlock Nguyễn. Một sự trùng hợp? Không. Lúc cô ấy kể cho tôi nghe về vấn đề mà cô ấy mắc phải, tôi khẳng định một trăm phần trăm: “Đó là, một vụ kỳ án. Một bài toán khó, xứng đáng để tôi vận dụng trí não.” Hai cô gái có cùng một giấc mơ. Những gì mà họ kể lại trùng khớp với nhau đến từng chi tiết. Cả hai cùng đến tìm tôi để nhờ tôi giúp họ giải quyết vướng mắc. Người thứ nhất đã qua đời do sự chủ quan của tôi, tôi không thể để điều đó xảy ra với người thứ hai. Tôi nhận lời Ngọc Diệp, xắn tay vào giải bài toán. Sau một thời gian điều tra, bức tranh kỳ án hé lộ từng phần. Tôi đã có được những kết luận, và những câu hỏi cần thêm luận cứ để chứng minh.
- Cô Hoàng Lan báo mộng cho hai người đến tìm tôi, để giúp cô ấy giải nỗi oan? (đã rõ)
- Ông Trịnh Vỹ mua lại đồi trà để trồng cần sa dưới tầng hầm? (đã rõ)
- Mụ Thùy Dung bị điên hay giả điên khiên đồ? (chưa rõ).

- Thế Anh và Hoàng Lan yêu nhau chân thật? (đã rõ)
- Ông Trịnh Vỹ, bà Thanh Mai, và bà Thủy Tiên có quan hệ phức tạp? (đã rõ)
- Kiều Oanh chết do tự tử? (nguyên nhân tự tử chưa rõ.)
- Cô Hoàng Lan bị giết hại hay tự tử? (chưa rõ).
- Ông Trịnh Vỹ bất cẩn mà chết hay bị mưu sát? (chưa rõ).
- Xác chết ở dưới tầng hầm là của ai? Của những người mất tích? (chưa rõ.)
- Quan hệ giữa cha con ông Trịnh Vỹ và Hoàng Lan rốt cuộc như thế nào? (chưa rõ)
- Đại ca Phong có phải là Hoài Phong? (tương đối)
- Sự thật về những cuộc truy sát của đại ca Phong nhắm vào tôi, có đơn giản là hiểu lầm? (chưa rõ)

- Bệnh nhân Hải Ninh vì sao bị điên? (chưa rõ)
- Những dấu hiệu khác thường của Hải Ninh mấy ngày trước lúc chết nói lên bản chất gì? (chưa rõ)
- Những hành động yêu quỷ của mụ Thùy Dung ẩn chứa điều chết chóc, mụ có liên quan đến những vụ mất tích. (gần như đã rõ)
- Quan hệ giữa Văn Phú, Lệ Quyên, Kiều Oanh và người đàn ông bí ẩn. Người đó hiện giờ đang ở đâu? Anh ta có liên quan đến đồi trà không? (bí ẩn)
- Tổ chức của ông Trịnh Vỹ? (bí ẩn)
Quốc Việt sắp xếp cho tôi gặp gỡ, nói chuyện riêng với bác sĩ pháp y (người đã giải phẫu thi thể cô Hoàng Lan), tôi muốn tìm một số manh mối liên quan đến nguyên nhân cái chết của cô Hoàng Lan. Nhờ sự giúp đỡ của Quốc Việt, kế hoạch của tôi rất suông sẻ. Qua cuộc nói chuyện với bác sĩ Phạm Hữu Cầu, tôi được biết thêm một bí mật động trời, lần này lại liên quan đến ông Trịnh Vỹ. Theo bác sĩ Phạm Hữu Cầu cái chết của cô ấy, có liên quan đến ông Trịnh Vỹ. Bác sĩ khẳng định với tôi:
- Chính ông ấy đã giết con gái.
- Nếu đúng như vậy, sự thật đã bị che giấu hơn hai mươi năm.
- Không phải là che giấu. Mà vì lý do tế nhị.

- Bác sĩ nói cũng có lý. Ông Trịnh Vỹ đã chết... xem như đó là ân huệ cuối cùng cho cô ấy vậy.
- Khôi Nguyên à! Cậu đừng nói mỉa mai như vậy chứ. Tôi làm theo chỉ thị của cấp trên thôi mà.
- Chỉ thị đó hợp đạo lý chứ nhỉ? Sự thật bị chôn vùi, cứ như họ là ông trời, họ có quyền sinh sát vậy.
- Ôi, cũng vì chuyện đó, mà suốt hai mười năm nay không đêm nào tôi được ngủ yên giấc. Nhưng nếu lộ chuyện ra ngoài thì hậu quả không tưởng được đâu Khôi Nguyên.
- Bác sĩ muốn nói đến vấn đề đạo đức luân lý? Nhưng, mọi người đã không tính đến một nước cờ khác.
- Nước cờ khác?
- Nếu không phải cô ấy đã chết oan và báo mộng cho khách hàng của tôi, thì không biết đến bao giờ sự thật mới được phơi bày.
- Nói như vậy là cậu đã mở được cánh cửa để vào bên trong tòa lâu đài kỳ án.
- Chỉ còn bước chứng thực nữa thôi. Nhưng tôi chắc đến 99.99 phần trăm phán đoán của mình là chính xác.
- Không phải nguyên nhân đã rành rành rồi sao. Đứa trẻ đó không thể giả được.

- Tôi đã nghĩ giống như bác sĩ, lúc biết được mối quan hệ phức tạp giữa ba người, ông Trịnh Vỹ, bà Thanh Mai và bà Thủy Tiên; sự gay gắt trên mức bình thường của ông ấy với cô con gái Hoàng Lan, thì tôi đã nghi ngờ. Một thứ tâm lý chiếm hữu, em gái của ông ấy là một người bị mắc bệnh tâm thần. Tôi đã xác nhận thông tin này từ bệnh viện Biên Hòa.
- Nếu vậy thì đúng rồi. Ông ta cũng bị mắc bệnh thần kinh. Một loại thần kinh “khốn nạn”.
- Điều đó cần phải xác thực. Bác sĩ chỉ có 0.01 phầm trăm thôi đấy.
- Tôi với cậu đánh cược đi.
- Tôi là người không ưa cá độ, nhưng vụ này tôi rất hứng thú, phá lệ một lần, tôi cá với bác sĩ một ăn mười.
- Đồng ý, đồng ý...
Từ chỗ bác sĩ Phạm Hữu Cầu trở về, tôi ngồi suy nghĩ rất sâu. Thói quen làm việc của tôi đó là, tập trung cao độ , thả lỏng, chờ đợi và kết thúc vấn đề mỗi khi phát hiện thêm một manh mối. Những gì bác sĩ Phạm Hữu Cầu nói không phải không có lý. Chúng ta biết, ông Trịnh Vỹ rất yêu thương con gái, nhưng, cách yêu thương của ông ta “có khác” người bình thường. Phản ứng “thái quá” của ông Trịnh Vỹ đối với chuyện quan hệ tình cảm của cô Hoàng Lan, làm người ta nghi ngờ và đặt câu hỏi: “Nguyên nhân nào khiến ông ấy gay gắt và mạnh tay đến vậy?” Theo như những gì bà Hiền kể lại, ông Trịnh Vỹ rất yêu thương mẹ con Thế Anh. Nhân cách của Thế Anh, ông Trịnh Vỹ cũng là người biết rõ. Ông ấy không chỉ yêu thương mà còn rất quý trọng Thế Anh. Ông chẳng tiếc rẻ gì tiền bạc vật chất để chăm lo cho mẹ con họ. Yêu thương họ chẳng khác gì máu mủ ruột rà, thế mà, chỉ vì chuyện tình cảm con trẻ, ông ấy bỗng dưng thay đổi tâm tính, trở nên gay gắt và tàn bạo.
Kết quả khám nghiệm được giấu kín gần hai mươi năm. Người ta đã không cho công bố thông tin đó ra. Lẽ nào… tiếng trẻ sơ sinh khóc vào cái đêm đầu tiên… không phải là tiếng mèo kêu giống như tôi đã suy luận. Có thể, những đêm sau đó là tiếng mèo, còn đêm đầu tiên là tiếng ma khóc, âm thanh đó nếu để ý thật kỹ, sẽ thấy khác hơn những đêm sau đó. Tiếng khóc ma quái khiến người ta phải rùng rợn, như thể có oan hồn đang đứng ở sau lưng mình. Bào thai đó được mổ ra từ bụng cô ấy. Bác sĩ Phạm Hữu Cầu không chỉ là chuyên gia giám định pháp y, bác sĩ còn là một thám tử có văn phòng riêng, nên những suy luận của bác sĩ không phải vô căn cứ. Bác sĩ khẳng định, ông Trịnh Vỹ không thực sự yêu thương con gái như mọi người nghĩ. Theo bác sĩ ấy, có một mối hận thù rất sâu sắc trong gia đình đó. Đồi trà, căn nhà, ông Trịnh Vỹ, bà Thanh Mai, viên sĩ quan chế độ cũ (cũng là ông nội của Hoài Phong), cùng mẹ con Thế Anh. Quan hệ giữa những con người đó rất nhập nhằng, phức tạp. Ông Trịnh Vỹ tại sao lại lấy bà Thanh Mai? – người mà ông ta không yêu. Sự thật có như ông Ca Lạy nói, nguyên nhân do tham vọng giàu sang? Có phải vì không yêu bà Thanh Mai, nên ông Trịnh Vỹ mới đối xử với bà ấy tệ bạc như vậy? Hay sự thật là… có khi nào… vì tình yêu mà ông ấy trở nên hận thù hay không? Nếu đúng vậy, người phụ nữ ông ấy yêu thật sự chính là bà Thanh Mai, chứ không phải bà Thủy Tiên. Vì yêu Thanh Mai, Trịnh Vỹ đã lấy lòng, mua chuộc tình cảm của ba mẹ Thanh Mai, gây áp lực để lấy được Thanh Mai làm vợ. Tuy có được thể xác nhưng ông ấy không thể lay chuyển được trái tim của bà. Ông hận bà Thanh Mai phụ tình ông đi yêu một kẻ phóng đãng, ăn chơi. Một kẻ đã làm chị bà có bầu rồi đá phắt đi. Thế mà, cô em vẫn cứ muốn đâm đầu vào chỗ ô nhục. Muốn đem thân xác và trái tim hiến dâng một tên dâm đãng (ăn mía nhả xác). Ông ấy đã rất hận bà, hận đến mức căm ghét bà đến tận xương tủy khi ông nghi ngờ đứa con trong bụng bà khi đó (cô Hoàng Lan) là con của gã Sở Khanh chứ không phải con ông. Rốt cuộc cô Hoàng Lan là con ai? Phải nhanh chóng tìm ra sự thật này.
Giả thiết cô Hoàng Lan là con gái của ông Sinh (ông nội của Hoài Phong) thì ông ấy có động cơ trả thù hai người họ. (ông Sinh và bà Thanh Mai) Ông Sinh đã lên máy bay tẩu thoát, khi xe tăng của quân đội Bắc Việt tiến vào dinh độc lập. Chỉ còn lại bà Thanh Mai, sống trong sự ghẻ lạnh của ông Trịnh Vỹ suốt mấy năm trời, đau buồn, u uất, sinh bệnh tật, bà qua đời để lại cô con gái xinh đẹp (Hoàng Lan) cho ông. Ông Trịnh Vỹ vẫn chưa nguôi cơn hận, ông muốn bà Thanh Mai có chết cũng không được yên dưới nấm mồ. Ông nghĩ ra cách trả thù bà qua cô con gái. Ông vờ yêu thương, nhưng ẩn sâu tron đó là sự chiếm đoạt, và hủy hoại cuộc đời của cô ấy, để cho hai kẻ mà ông căm ghét không được siêu sinh. Lòng hận thù có thể khiến con người ta trở nên u tối, vì lòng hận thù họ có thể làm tất cả những điều bất chấp cả đạo lý. Không lẽ nào, bào thai đó lại là kết quả của lòng hận thù. Nếu đúng vậy thì đó là tấn bi kịch thê thảm nhất mà tôi được biết. Trong cuốn nhật ký đã bị xé mất nhiều trang của cô Hoàng Lan, có đoạn viết về người cha. Trong nhật ký Hoàng Lan đã gọi cha mình là “ác thú”, một cách gọi rất nặng nề, dù cô ấy có tức giận ba mình đến mấy (chuyện ông ấy ngăn cấm cô và Thế Anh yêu nhau), xét về mặt tâm lý, cũng không đến mức gọi cha mình là “ác thú”. Quan hệ giữa hai cha con họ liệu có gần gũi, thân thiết như ngoài mặt hay không? Bà Hiền và mọi người đã lầm hay sao? Cần phải tìm hiểu điều này.
Chốt lại vấn đề, tôi ra ngoài ăn tối. Tiếp tục âm thầm theo dõi và bảo vệ cho Ngọc Diệp. Đến 10 h tối, tôi mới quay lại đồi trà. Tôi vẫn chưa rời khỏi căn nhà đó, mặc cho Quốc Việt thường xuyên nhắc nhở, khuyên nhủ tôi rời khỏi đó vì sự an toàn của bản thân. Tôi phớt lờ, tôi biết mình đang đối mặt với thế lực nào. Sự sống và cái chết giống như lật bàn tay. Nhưng, tôi có cách nhìn khác đa số người. Tôi xem cái chết là sự sáng tạo, cái chết là quy luật, là nghệ thuật, là quá trình tìm đến một cuộc sống mới. Chết không hẳn là hết. Tôi sinh ra là để liều lĩnh, và thường thì… những lúc càng đòi hỏi sự liễu lĩnh, là những lúc tôi phải nhanh chóng quyết đoán và thành công.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui