Thái Tử Cố Chấp Là Chồng Cũ Của Ta

"Đi nhầm đường rồi."
Cố Trường Tấn vừa nói xong, bàn tay đang nắm màn xe của Dung Thư cứng đờ. Nàng trăm triệu lần cũng không nghĩ đến, Cố Trường Tấn vậy mà có thể cảm nhận được việc đường đi đã bị thay đổi.
Phủ Thừa An Hầu ở phía đông đường Kỳ Lân, mà từ hẻm Ngô Đồng đi đến phía đông đường Kỳ Lân, con đường nhanh và tiện nhất là đi từ hẻm Ngô Đồng rồi rẽ phải vào đường Trường An - con đường sầm uất nhất, sau đó đi một mạch đến cuối đường Trường An, rẽ vào chỗ ngoặt rồi đi thêm khoảng nửa canh giờ là đến phía đông đường Kỳ Lân.
Nếu vẫn đi từ hẻm Ngô Đồng nhưng rẽ trái, vậy thì sẽ vòng khỏi đường Trường An, phải đi thêm rất nhiều đoạn đường không cần đi.
Sáng sớm Dung Thư đã sai xa phu đổi đường khác, còn khăng khăng muốn ngồi xe ngựa của Hầu phủ, tất nhiên là cô đều đã suy xét rõ ràng.
Bản chuyển ngữ bạn đang đọc thuộc về Luvevaland. Nếu bạn đọc ở trang khác chứng tỏ đó là trang không có sự đồng ý của LuvEva land fanpage. Mong bạn hãy đọc ở trang chính chủ để đọc được bản đầy đủ nhất cũng như ủng hộ nhóm dịch có động lực hoàn nhiều bộ hơn nhé.
Ngày này ở kiếp trước, bọn họ rẽ phải đi thẳng vào đường Trường An. Nhưng không ngờ đường Trường An lại xảy ra bạo loạn, binh mã ti của Đông thành cùng với quan nha phủ Thuận Thiên phải điều động hơn trăm người mới có thể hoàn toàn áp chế được cuộc bạo loạn này.
Lúc ấy Dung Thư và Cố Trường Tấn đi xe ngựa của Cố gia, đi được nửa đoạn đường Trường An thì xui xẻo va vào đám đông hỗn loạn kia.
Xe ngựa Cố gia cũ kỹ thô kệch, Dung Thư nhớ rất rõ, cái xe ngựa kia chả được tích sự gì, chỉ chốc lát sau đã bị đâm lật. Dưới tác động mạnh, trán nàng đâm mạnh vào cửa sổ xe, ngay sau đó nó sưng lên một cục thật to, khiến nàng đau đến mức lục phủ ngũ tạng lộn tùng phèo.
Nhưng dù như thế, nàng vẫn không quên ôm chặt cái rương nhỏ, sợ lễ lại mặt (1) mà Cố Trường Tấn đưa phụ thân và tổ mẫu sẽ bị hỏng. Cũng nhờ chiếc hòm này đã cản giúp nàng một tai họa, cản lại một mũi tên bay vào từ cửa sổ.
Vận may của Cố Trường Tấn bên cạnh nàng lại kém hơn một chút nên bả vai chàng bị trúng một tên, chỉ một chốc máu đã chảy như trút nước, "Tí tách" "Tí tách" chảy xuống váy Dung Thư, khiến Dung Thư sợ đến mức cuống cuồng, vội ném cái rương trên tay xuống, mở hai tay ra bảo vệ Cố Trường Tấn dưới người mình.
Dù sao nàng cũng chỉ là tiểu thư khuê các chưa trải sự đời, gặp phải sự cố như vậy, tất cả hành động của nàng đều dựa vào bản năng.
So với nàng thì Cố Trường Tấn bình tĩnh hơn rất nhiều.
Xe ngựa bị lật cũng không hoảng, bị trúng tên cũng không rên rỉ lấy một tiếng đã bẻ gãy mũi tên đó.
Chỉ khi Dung Thư giang tay bảo vệ trước người chàng, vẻ mặt như giếng cổ không chút gợn sóng của chàng mới nổi lên vài gợn sóng lăn tăn.
Nhưng chàng không có chút cảm kích nào, sau khi đẩy Dung Thư ra chàng chỉ để lại một câu "Chờ ta trong xe" rồi đá văng cửa xe, bỏ nàng một mình trong xe ngựa.
Lúc đó bên ngoài đã ầm ĩ vang trời.
Tiếng khóc ồn ào của nữ nhân và tiểu hài tử, tiếng nam nhân chửi mắng tức giận, còn có cả tiếng giáo mác đánh giáp lá cà khiến đoạn đường phố sầm uất biến thành một nồi cháo thập cẩm.
Thẳng đến khi nha lại (2) của phủ Thuận Thiên tới, trận bạo loạn này mới coi như thu la bãi cổ (3).
Nắng thu nóng như lửa, trong không khí tràn ngập mùi máu tươi, trên mặt đất là từng dòng máu ứ đọng trông vô cùng đáng sợ.

Xe ngựa bị lật úp được nâng lên, Cố Trường Tấn xốc màn xe lên, ánh mắt đảo qua cái trán thâm tím một mảng của nàng, lạnh giọng nói: "Còn bị thương chỗ nào không?"
Bản chuyển ngữ bạn đang đọc thuộc về Luvevaland. Nếu bạn đọc ở trang khác chứng tỏ đó là trang không có sự đồng ý của LuvEva land fanpage. Mong bạn hãy đọc ở trang chính chủ để đọc được bản đầy đủ nhất cũng như ủng hộ nhóm dịch có động lực hoàn nhiều bộ hơn nhé.
Dung Thư lắc đầu, nói đến lại thấy kỳ lạ, từ khi chàng rời khỏi xe ngựa thì chỗ này của nàng cũng dần trở nên yên ổn.
Ngày hôm đó tất nhiên là không thể lại mặt được, Cố Trường Tấn bị thương không ít, miệng vết thương máu thịt lẫn lộn, sâu đến mức thấy được cả xương. Sau khi trở về Cố phủ, chàng như đã trút ra một hơi, ngay lập tức hôn mê bất tỉnh.
Chuyện cũ trước kia đột nhiên lướt qua trước mắt.
Dung Thư thu hồi ánh mắt từ ngoài cửa sổ, dịu giọng trả lời: "Là ta phân phó người đánh xe đi con đường này, vừa qua tết Trung Thu, đường Trường An bây giờ đúng lúc ngựa xe nườm nượp, biền kiên điệp tích (4). Vòng qua đường Trường An, đi từ hẻm Ngân Hòe sẽ nhanh hơn một chút."
Cố Trường Tấn không nói gì một lúc lâu, chàng chỉ rũ mi chăm chú nhìn nàng.
Dung Thư có thể cảm nhận được một loại áp lực từ trên người chàng xông về phía nàng, nhưng nàng dù sao cũng đã sống cùng Cố Trường Tấn ba năm, dáng vẻ này của chàng nàng đã nhìn quen từ lâu rồi. Nàng không những không sợ mà còn có thể nhếch khóe miệng, nở một nụ cười dịu dàng với chàng.
"Cuối hẻm Ngân Hòe có một gốc cây hòe già, mấy trăm năm trước từng bị sét đánh, vốn tưởng cái cây này thập tử vô sinh, ai ngờ năm ấy nó lại nở ra đóa hoa màu bạc. Sau đó cái cây kia được những dân chúng trong hẻm này coi như thần thụ, ngày lễ ngày tết đều sẽ đến vái lạy nó, treo mấy tờ giấy cầu phúc, hẻm nhỏ này cũng vì thế mà được sửa lại tên."
"Thiếp thân đã muốn đến mở mang tầm mắt từ lâu nên dứt khoát đổi đường đi, lát nữa khi đi ngang qua, nếu lang quân không ngại thì có thể cùng cầu nguyện."
Có lẽ lý do này đã đánh mất lòng nghi ngờ trong lòng Cố Trường Tấn, Dung Thư vừa nói xong thì đã nghe chàng thản nhiên nói câu: "Không cần" rồi chàng lại trở nên bất động như núi mà nhắm mắt lại.
Dáng vẻ "Kính trọng quỷ thần, nhưng chỉ dám cách xa" của chàng không khiến Dung Thư cảm thấy kinh ngạc.
Trước kia nàng cũng không tin.
Còn bây giờ, nàng không có cách nào không tin nữa. Nếu nhân gian không có quỷ thần, vậy làm sao nàng đã chết đi lại có thể sống lại được?
Xe ngựa một đường suôn sẻ, lảo đảo chạy qua hẻm Ngân Hòe.
Khi đi qua cây hòe già kia, Dung Thư đẩy mành ra, nhìn những dải lụa đỏ treo chi chít trên cây đang bay phấp phới trong làn gió ấm, nàng yên lặng niệm dưới đáy lòng: Tạ ơn thần phật tám phương trên thế gian này đã cho nàng cơ hội sống thêm một lần nữa, lúc này đây, nàng nhất định sẽ sống thật lâu thật dài.
Bởi vì vòng một đoạn xa nên xe ngựa ước chừng đi gần một canh giờ mới đến phủ Thừa An Hầu.
Từ sáng sớm, Hầu phu nhân Thẩm thị đã thức dậy sai bà vú già vẩy nước quét nhà để chuẩn bị tiệc rượu.
Chu ma ma là bà vú của Thẩm thị, bà ta biết Thẩm thị một lòng một dạ ngóng trông Dung Thư về nhà thăm phụ mẫu nên đã phái người đứng ở cửa lớn từ lâu.
Xe ngựa của Dung Thư còn chưa tới cửa Hầu phủ thì đã có người truyền lời đến Thanh Hành Viện, nói rằng Đại cô nương đã trở về. Chỉ chốc lát sau, Thẩm thị đã mang theo đám người bà vú già từ Thanh Hành Viện chậm rãi đi về phía cổng thùy hoa (5).

Dung Thư vừa xuống xe ngựa đã thấy bà vú già tiến lên làm lễ chào hỏi, đưa lễ vật trên xe như bánh phúc, quà mừng từng gánh từng gánh nâng vào trong phủ.
Dung Thư nhìn tấm biển thiếp vàng viết bốn chữ "Phủ Thừa An Hầu", cuối cùng cũng thở phào nhẹ nhõm.
Quả nhiên đi đường vòng là đúng, lúc này nàng rốt cuộc cũng thuận lợi trở về Hầu phủ.
Đoàn người bước nhanh vào cổng chính, Dung Thư chỉ vừa đi vòng qua bức tường xây như bình phong ở cổng thì đã thấy một phụ nhân xinh đẹp mặc áo choàng màu vàng đất ngắn đến khuỷu tay, đuôi váy phượng vĩ màu lựu đứng ở cổng thùy hoa, đang nhìn nàng cười nhẹ.
Chỉ trong phút chốc mắt Dung Thư đã đỏ lên.
"A nương." Nàng khẽ gọi một tiếng, nhấc vạt váy bước nhanh về phía Thẩm thị.
Thẩm thị cười nói: "Chậm một chút, sao xuất giá rồi mà còn hấp tấp thế này?" Nói xong bà ấy lại nhìn về phía Cố Trường Tấn nói: "Để Duẫn Trực chê cười rồi."
"Duẫn Trực" là tên tự của Cố Trường Tấn.
Cố Trường Tấn lớn hơn Dung Thư hai tuổi nên chàng đã cập quan (6) từ hai tháng trước rồi.
Cái tên "Duẫn Trực" là do thầy của Cố Trường Tấn, cũng chính là Hình Bộ Thượng Thư Lục Chuyết tự mình đặt cho chàng, người thân thiết bên cạnh chàng đều gọi chàng là "Duẫn Trực".
Cố Trường Tấn tiến lên cung kính hành lễ, chắp tay nói: "Chào mẫu thân."
Thẩm thị ôn hòa cười nói: "Không cần đa lễ, tổ mẫu (7) cùng phụ thân của Chiêu Chiêu đều đang chờ ở Hà An Đường, các con đi theo ta."
Hà An Đường nằm ở phía đông Hầu phủ là nơi tổ mẫu Dung Thư ở, từ hành lang có mái hiên đi về phía đông, đi qua một hồ sen ở giữa, sau đó đi thêm hai khắc (8) nữa là tới.
Dung gia gồm ba chi sống cùng nhau.
Đại lão gia Dung Quân là con cả do Dung lão thái gia và vợ cả Tôn Thị sinh ra, lấy con gái của vị Thái Thường Tự Thiếu Khanh trước là Chu Thị làm vợ.
Năm Thánh nhân đăng cơ ngự vũ, Dung Quân mắc bệnh hiểm nghèo, chỉ mới hai mươi ba tuổi đã buông tay lìa trần, chỉ để lại một đứa con còn trong tã lót, cũng chính là Đại lang quân của Dung gia, Dung Trạch.
Nhị lão gia Dung Dư do di nương sinh ra nhưng từ nhỏ đã được nuôi dưới gối lão phu nhân, lấy con gái của Tri châu Tuyền Châu là Chung Thị làm vợ. Tình cảm giữa Chung Thị và Dung Dư vô cùng sâu đậm, sinh ra hai trai một gái, lần lượt là Nhị lang quân Dung Hồng, Tam lang quân Dung Bạc cùng Tam cô nương Dung Kỳ.
Tam lão gia là phụ thân của Dung Thư, đứa con ruột thịt của Dung lão phu nhân, bây giờ là Thừa An Hầu Dung Tuần.
Dung lão phu nhân là vợ kế của Dung lão thái gia, cũng là biểu muội (10) của Tôn Thị. Lúc trước Tôn Thị bị bệnh nặng, sợ người vợ mới trong tương lai không hiền lành, đối xử không tốt với hai đứa con của mình nên mới đưa biểu muội Lương Thị xuất thân nông gia - cũng chính là Dung lão phu nhân vào phủ Thái Nguyên, sắp xếp bà làm vợ kế của Dung lão thái gia.

Ban đầu Dung gia chẳng qua chỉ là một quân hộ (11), có thể tòng quân rồi vượt lên trở thành dòng dõi công hầu, kỳ thật là nhờ công ơn của Dung lão thái gia cùng Dung đại bá phụ (12) Dung Quân của Dung Thư.
Dung lão thái gia vốn là Thiên hộ thuộc Vệ Sở dưới trướng Đại Châu phủ Thái Nguyên, trước kia từng đi theo Gia Hữu Đế khởi nghĩa ở phủ Thái Nguyên, Dung lão thái gia là một trong những người sớm nhất cầm quân hộ giá hộ tống Gia Hữu Đế. Sau này ông lại tiến cử con cả là Dung Quân làm Mã tiền quân của Gia Hữu Đế, Dung Quân có mưu lược, lại còn dũng mãnh giết địch nên đã vì Gia Hữu Đế lập được rất nhiều công lao hiển hách.
Nhưng phụ tử hai người phúc mỏng, Gia Hữu Đế đăng cơ chưa đến nửa năm thì họ đều mắc bệnh qua đời. Một khoảng thời gian sau, Gia Hữu Đế xét công trạng ban thưởng, nhớ tới phụ tử Dung gia có quân công lập nên xã tắc nên đã phong Dung gia thành phủ Thừa An Hầu, ban cáo khoán (13), cho phép đời thứ ba thừa kế.
Mà tước vị Thừa An Hầu cũng vì thế mà rơi xuống đầu Dung Tuần chưa từng kiến công lập nghiệp gì.
Dung Tuần từ trước khi Thánh nhân đăng cơ đã định ra hôn ước cùng mẫu thân của Dung Thư, là Thẩm Nhất Trân, cũng chính là con gái của Thủ phủ Dương Châu Thẩm Hoài.
Năm Gia Hữu thứ nhất, Dung Tuần lấy Thẩm Nhất Trân làm vợ, năm thứ hai sinh ra trưởng nữ Dung Thư. Sau khi nhận tước vị Thừa An Hầu, ông ấy lại nạp một tiểu thiếp, cùng người đó sinh một trai một gái, là Tứ lang quân Dung Thanh cùng Nhị cô nương Dung Ô.
Khi Dung Thư tới Hà An Đường thì bên trong đã ngồi đầy người. Ngoại trừ Nhị bá phụ đang đảm nhiệm chức vụ bên ngoài cùng đường huynh Dung Trạch làm giám sinh của Quốc Tử Giám thì người của các chi đều có mặt.
Dung lão phu nhân ngồi ở vị trí cao nhất, ngồi bên bà là Nhị cô nương Dung Ô và Tam cô nương Dung Kỳ. Hai đứa cháu gái một người ôn nhã động lòng người, một người ngây thơ hồn nhiên, đang nói những chuyện cười thú vị, chọc đến mức lão phu nhân ôm bụng cười.
Nhưng mà Dung Thư vừa vào cửa thì tiếng nói cười vui vẻ trong phòng đột nhiên im bặt. Dung lão phu nhân liếc mắt nhìn Dung Thư cùng Thẩm thị một cái, ý cười trên mặt cũng phai nhạt dần.
Dung Thư tiến lên quy củ hành lễ với lão phu nhân.
"Cháu gái thỉnh an tổ mẫu."
Dung lão phu nhân đoan trang liếc mắt nhìn nàng một cái, vuốt cằm nói: "Sau khi xuất giá có vẻ chín chắn hơn một chút."
Rồi bà lại nhìn về phía Cố Trường Tấn đang hành lễ cùng nàng, giọng điệu thản nhiên nói: "Nha đầu này ở Hầu phủ bị nương nàng chiều hư, tính tình nũng nịu lại hay cáu giận, mong ngươi rộng lượng nhiều hơn."
Câu lão phu nhân nói ra nghe có vẻ như đang nhắc nhở Cố Trường Tấn, nhưng Dung Thư biết được, đại ý là tổ mẫu bất mãn với a nương, nên lúc này trong lời nói mới chứa đầy dao găm như thế.
Tôn bối ruột thịt của Dung lão phu nhân trên thực tế chỉ có mình Dung Thư, Dung Ô và Dung Thanh, nhưng Dung Thư từ nhỏ đã không được Dung lão phu nhân yêu thương.
Dung Thư sinh ra đúng Tết Trung Nguyên, do bát tự tương khắc với Dung lão phu nhân nên từ năm bốn tuối đã phải rời khỏi Hầu phủ, cũng vì thế mà tình cảm của tổ tôn hai người vô cùng nhạt nhẽo.
Nhưng hôm nay dù sao cũng là ngày nàng lại mặt, cháu gái cùng cháu rể về nhà thăm phụ mẫu, nếu đã không được sủng ái thì chút mặt mũi cũng phải cho.
Dung lão phu nhân ra vẻ một đợt, đúng là không có chút tu dưỡng nào của một Cáo mệnh Phu nhân.
Nhưng lão phu nhân không biết chừng mực như vậy cũng không chỉ mới lần một lần hai, Dung Thư đã sớm quen rồi nên cũng không giận, nàng kéo Thẩm thị sắc mặt đang hết sức khó coi, cười cười hành lễ với trưởng bối.
Mãi cho đến khi đi đến trước mặt Thừa An Hầu, ý cười bên khóe môi nàng mới nhạt đi một chút.
"Nữ nhi bái kiến phụ thân." Nàng thu vạt áo hành lễ, cần cổ thon dài tinh tế hơi cúi thấp, điệu bộ trông vô cùng cung kính.
Thừa An Hầu nhẹ nhàng vuốt cằm, dùng giọng điệu thuyết giáo nói: "Mẫu thân con từ sáng sớm đã ngóng trông con trở về, hôm nay con cứ ở Thanh Hành Viện bồi mẫu thân con nhiều một chút."
Dung Thư cung kính đáp lại.

Thừa An Hầu chắp tay sau lưng nhìn trưởng nữ đã trở thành vợ người ta, môi giật giật như muốn nói gì. Nhưng phụ tử hai người ngăn cách đã lâu, trong lúc nhất thời không còn lời nào để nói.
Dừng một chút, ông ấy chuyển mắt nhìn Cố Trường Tấn đang đứng bên cạnh, nói: "Nhị lang, Tam lang cùng Tứ lang ngày hôm qua cứ nhắc mãi, bảo một ngày nào đó phải mời con chỉ đạo chúng nó việc học hành, nếu con không có việc gì thì theo ta đến thư phòng đi, chỉ điểm cho đám tiểu tử không biết trời cao đất rộng kia một chút."
Dáng vẻ của nhạc phụ đại nhân được Thừa An Hầu thể hiện vô cùng đúng mực, vẻ mặt Dung Thư hơi đờ ra một chút, theo bản năng nhìn về phía Cố Trường Tấn.
Tác giả có chuyện muốn nói:
Sợ mọi người choáng váng nên tôi ghi các chi của Dung gia ra cho mọi người sắp xếp lại.
Dung lão thái gia (Đã qua đời): Vợ đầu là Tôn Thị ( Đã qua đời), vợ kế là Dung lão phu nhân Lương Thị.
Chi trưởng: Dung Quân (Con trai Tôn thị, đã qua đời), cưới Chu Thị, sinh ra một đứa con trai tên Dung Trạch (Đại lang quân);
Chi thứ hai: Dung Dư (Con trai tiểu thiếp), cưới Chung Thị, sinh ra Dung Hồng (Nhị lang quân), Dung Bạc (Tam lang quân) và Dung Kỳ (Tam cô nương);
Chi thứ ba: Thừa An Hầu Dung Tuần (Con trai của Dung lão phu nhân Lương Thị, cha nữ chính), cưới con gái của thủ phủ Dương Châu Thẩm Nhất Trân (mẹ nữ chính), sinh ra Dung Thư (Đại cô nương), lại cùng tiểu thiếp sinh ra Dung Thanh (Tứ lang quân) cùng Dung Ô (Nhị cô nương).
(1) Lễ lại mặt: Lễ lại mặt là buổi lễ diễn ra sau khi tổ chức đám cưới. Trong lễ này, hai vợ chồng sẽ đem lễ vật về gia đình nhà gái để cúng gia tiên cũng như thăm hỏi bố mẹ vợ. 
(2) Nha lại: quan lại làm việc trong nha môn.
(3)Thu la bãi cổ: ý chỉ việc dừng đánh chiêng trống, so sánh với sự chấm dứt, kết thúc của một việc.
(4) Biền kiên điệp tích: ý chỉ những nơi đông người, chen chúc.
(5) Cổng thùy hoa: là một loại cổng nằm ở sân trong của các ngôi nhà Trung Quốc cổ đại, là một cánh cổng rất đẹp đẽ trong tứ hợp viện, là ranh giới cũng là con đường duy nhất thông nội trạch và ngoại trạch với nhau. Vì cột trụ không chạm đất mà treo ngược dưới hiên nhà nên được gọi là thùy trụ (cột trụ bị buông thõng xuống), dưới nó được đính một thùy châu, thường thì hoa văn bên trên thường là hình cánh hoa nên được gọi là cổng thùy hoa.
(6) Cập quan: ý chỉ người đàn ông đã tròn 20 tuổi.
(7) Tổ mẫu: bà nội.
(8) Một khắc là 15 phút, ở đây là hai khắc nên khoảng 30 phút.
(10) Biểu muội: em họ bên họ ngoại.
(11) Quân hộ: chỉ một gia đình, dòng tộc bị quan phủ chỉ định việc xuất quân. Vào triều Đông Tấn, Nam Bắc, người nhà của binh lính có hộ tịch thuộc về cơ quan quân đội thì được gọi là “quân hộ”. Sau khi vào quân hộ thì những thế hệ sau đều làm binh, địa vị xã hội thấp. Triều Minh, Nguyên, Thanh cũng có quân hộ, nhưng chế độ hơi đổi khác một chút.
(12) Đại bá phụ: bác cả.
(13) Cáo khoán: dùng để chỉ văn kiện Hoàng đế ban cho các chư hầu của mình.

 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui