Thái Thượng Cảm Ứng Thiên


Các vị đồng tu, xin chào mọi người.Hôm qua tôi ở Cư Sĩ Lâm, tình cờ xem được một tờ báo của Los Angeles.

Trong đó có một bảng thống kê, con số thống kê quả thật khiến chúng ta cảm thấy vô cùng lo lắng.

Cũng khiến chúng ta lập tức thể hội rằng tai nạn của thế gian này không thể tránh khỏi.

Chúng ta làm thế nào trong thời đại này tự cầu đa phước và còn phải giúp đỡ người khác? Đây là nhiệm vụ cấp thiết trước mắt của chúng ta.Phật dạy chúng ta đoạn ác tu thiện, phá mê khai ngộ, chuyển phàm thành Thánh.

Không chỉ là Phật, Bồ-tát dạy chúng ta như vậy.

Khi chúng ta đọc kinh của những tôn giáo khác, hầu như bất kỳ tôn giáo nào cũng đều giáo huấn như vậy.

Dùng nhãn quang của Phật Pháp để quan sát, chúng ta khẳng định giáo chủ của mỗi một tôn giáo đều là Phật, Bồ-tát đến thị hiện.

Giống như trong Kinh Hoa Nghiêm chúng ta nhìn thấy rất nhiều chư thần, thiên chúng thần chúng, tất cả đều là chư Phật Như Lai hóa thân thị hiện.

Tuy cách nói của các Ngài không giống nhau, nhưng nếu bạn quan sát kỹ lưỡng thì là tương đồng.

Không vị nào không dạy người đoạn ác tu thiện.

Những lời dạy về việc đoạn ác tu thiện cũng hầu như tương đồng.Tôn giáo có sức ảnh hưởng lớn của phương Tây là Cơ Đốc Giáo và Thiên Chúa Giáo.

Mười điều răn của họ và ngũ giới thập thiện của chúng ta, có thể nói là hoàn toàn tương đồng.

Phụng thờ Đức Chúa trời, những nguyên tắc tu học của họ cùng với trong Phật Pháp chúng ta nói về “tịnh niệm tương tục” là hoàn toàn tương đồng.

Chúng ta nói rằng “không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn”, bên họ cũng có yêu cầu như vậy.

Tuy nhiên Phật Pháp giảng rất thấu triệt, giải thích hết thảy nguyên cớ nguyên do một cách rõ ràng khiến chúng ta có thể tin sâu không hoài nghi.Tại sao lại có nhiều tai nạn đến như vậy? Thế gian tại sao xảy ra nhiều việc bất hạnh như thế? Sáng sớm nay cư sĩ Truyền nói với tôi, phía Nam New Zealand xảy ra lũ lụt, vành đai phía ngoài châu Úc xảy ra động đất mức độ hơn 6,5 độ richte.

Khắp nơi trên toàn thế giới đều nhìn thấy tai nạn, chúng ta phải đề cao cảnh giác.Giáo dục của Thánh Hiền không ngoài ba sự việc, chúng tôi đã giảng rất nhiều lần rồi: Việc thứ nhất nói rõ quan hệ giữa người với người.

Hiện tại chúng ta không hiểu, không biết cách làm người.

Ngạn ngữ nói rất hay: “Thiên thời không bằng địa lợi.

Địa lợi không bằng nhân hòa”.

Chỉ cần xử lý tốt quan hệ nhân hòa thì bất cứ việc gì cũng có thể thuận buồm xuôi gió.

Tại sao chúng ta không thể chung sống với người khác được, không thể chung sống tốt được? Đây là vấn đề lớn.

Thế nhưng từ trước đến nay chưa có ai suy nghĩ nghiêm túc cẩn thận việc này.

Đây thực sự là một vấn đề học vấn, là công phu thực sự.Nếu bạn thật sự là người thiện thì ai ai cũng muốn gần gũi bạn, mọi người đều yêu mến bạn, nương tựa vào bạn.

Trong Phật Pháp thường nói đến điều này.

Nếu chúng ta nhiệt tình phục vụ mọi người mà họ lại từ chối, vậy chúng ta phải quay đầu nghiêm túc kiểm điểm.

Nếu không kiểm điểm, không phản tỉnh thì chúng ta vĩnh viễn không bao giờ biết được lỗi lầm của bản thân.

Chúng ta không biết phải sửa lỗi từ đâu nên không thể sửa được.

Sửa lỗi thì có thể nâng bản thân lên thêm một nấc mới, là cải tiến, tiến là tiến bộ, siêu phàm nhập Thánh.Sự khác nhau giữa phàm và Thánh, nói đơn giản nhất là phàm phu chỉ chuyên nhìn thấy lỗi của người khác, không thấy lỗi của chính mình.

Thánh nhân hoàn toàn ngược lại, chỉ nhìn thấy lỗi của chính mình, không nhìn thấy lỗi của người khác.

Đại sư Lục Tổ Huệ Năng nói rất hay “người chân thật tu hành không nhìn lỗi thế gian”.

Gặp một số chuyện trên thế gian, Ngài liền tự mình phản tỉnh.

Lỗi lầm nhất định là ở nơi mình mà ra, Phật pháp như vậy, thế gian pháp cũng như vậy.Mỗi lần tôi giảng pháp thường nhắc đến vua Thuấn trong Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang.

Trong Nhị Thập Tứ Hiếu, vua Thuấn được xếp thứ nhất.

Người Trung Quốc nói đến hiếu đạo không thể không nhắc đến vua Thuấn.

Vì sao Vua Thuấn là tấm gương hiếu thảo tốt nhất cho chúng ta? Đó là do Ngài không nhìn lỗi người.

Chúng ta từ ghi chép trong lịch sử thấy được hoàn cảnh Ngài rơi vào là nghịch cảnh, là hoàn cảnh cực kỳ ác nghiệt.

Phụ thân Ngài nghe theo lời của mẹ kế, người em trai mà mẹ kế sinh ra luôn rắp tâm tìm cách hại chết Ngài.

Nhưng trong tâm của Ngài luôn cảm thấy cha, mẹ kế, em trai đều không có lỗi lầm mà lỗi lầm ở bản thân ngài.

Vì sao mình lại khiến người khác ghét bỏ, ngay cả cha mẹ huynh đệ đều ghét mình? Ngày ngày đều phản tỉnh, ngày ngày đều kiểm điểm, ngày ngày đều sửa lỗi.

Cuối cùng cha mẹ, em trai đối với Ngài đều rất tốt.

Ngài không những cảm hóa được cả gia đình mà còn cảm hóa cả hàng xóm láng giềng, đến cuối cùng cảm động đến quốc vương.

Vua Nghiêu nghe thấy có chuyện hiếm có như vậy đã đem con gái gả cho Ngài.

Ngôi vua cũng nhường cho Ngài.

Đây là Thánh nhân.

Khác biệt giữa phàm và Thánh là ở chỗ này.

Người phàm hay nói là: “Tôi là đại ca, tôi không có lỗi, tất cả đều là lỗi của người khác.” Đó là phàm phu.


Thánh nhân sẽ nói là “tôi đầy tội lỗi, tội nghiệp là của tôi, người khác đều không có lỗi.” Đây là sự khác biệt giữa phàm và Thánh.Thánh Hiền thế xuất thế gian không những dạy chúng ta mà còn làm ra tấm gương tốt cho chúng ta xem.

Bồ-tát tự hành hóa tha, tự độ độ tha (độ mình độ người), vua Thuấn chính là thí dụ.

Vua Thuấn có thể ngày ngày phản tỉnh, ngày ngày kiểm điểm, ngày ngày sửa lỗi, Ngài thành Thánh nhân, Ngài đã tự độ chính mình, cha mẹ anh em của Ngài cũng được độ luôn.

Nếu không phải cha mẹ, em trai sử dụng thái độ ác nghiệt đối với Ngài thì làm sao Ngài có thể thành Đại Thánh được? Công đức để Ngài trở thành Thánh nhân từ đâu mà có? Là từ cha mẹ và em trai của Ngài.

Vì vậy bản thân Ngài thành Thánh, cha mẹ em trai của Ngài cũng thành Thánh nhân.

Nếu khi Ngài rơi vào nghịch cảnh mà khởi lên ác niệm, không những bản thân Ngài bị đọa lạc mà quyến thuộc của Ngài cũng bị đọa lạc.

Chúng ta sáng tỏ đạo lý này rồi mới hiểu được đức Phật trong Kinh nói: “Khi Bồ-tát thành Phật, chúng sanh đại địa đồng thành Phật đạo.” Câu này bạn liền hiểu được rồi.Bồ-tát làm thế nào để tu thành Phật? Tất cả chúng sanh làm tăng thượng duyên để Ngài đoạn dứt hết tập khí phiền não của mình.

Ngài đoạn ở đâu? Đoạn trong hoàn cảnh cuộc sống.

Bất luận là thuận cảnh hay nghịch cảnh, Bồ-tát đều tu tâm chân thành.

Người khác hư ngụy lừa dối tôi, tôi vẫn dùng tâm chân thành đối với họ.

Người khác dùng chân tâm đối với tôi, tôi cũng dùng chân tâm đối với họ, vĩnh viễn không đổi.

Tu tâm thanh tịnh, bình đẳng, giác ngộ, từ bi.

Nếu không có hoàn cảnh vật chất nhân sự như vậy thì bạn đến đâu để tu đây? Chính mình thành Phật rồi thì “tình dữ vô tình đồng viên chủng trí” (chúng sanh hữu tình và vô tình đều đồng một trí huệ viên mãn).

Chúng ta cần hiểu rõ đạo lý, chân tướng sự thật này.Nhất định không được cống cao ngã mạn, phải hiểu được đạo lý nhân luân.

Người và người làm thế nào chung sống với nhau? Cổ nhân dạy chúng ta: chân thành, khiêm tốn, nhún nhường.

Nho gia thì nói đến Lễ.

Tinh thần của Lễ chính là một câu nói: “Tự hạ thấp mình mà tôn trọng người”.

Đây chính là tinh thần của Lễ: nâng người khác lên cao, bản thân mình tự hạ thấp xuống.

Trong Phật Pháp, bạn xem năm mươi ba tham trong Kinh Hoa Nghiêm, mỗi một vị Bồ-tát đều vô cùng khiêm tốn, tôn trọng người khác: “Trong vô lượng Pháp môn, tôi chỉ biết một môn, những vị thiện tri thức khác biết rất nhiều, tôi không sánh với họ được.”.

Không có vị nào cống cao ngã mạn, vị nào cũng khiêm tốn, chúng ta không hề nhìn thấy.Vậy thì gốc bệnh nằm ở đâu? Gốc bệnh nằm ở chính bản thân mình.

Điều này trong triết học thường nhắc đến.

Có thể nói phàm phu lục đạo đều xem bản thân mình là trung tâm của vũ trụ, khởi lên cống cao ngã mạn.

Thế nên Phật Pháp cao minh.

Cao minh ở chỗ nào? Phật Pháp cao minh tại vô ngã.

Phật pháp không lấy mình làm trung tâm.

Trung tâm của Phật Pháp là pháp thân, là tự tánh.

Pháp thân trọn khắp pháp giới, tự tánh chẳng có cũng chẳng không.

Đây mới chân thật là nói đến tận gốc rễ, nhưng chúng ta cần phải có khả năng chứng đắc.

Nếu không thể chứng đắc, chúng ta sẽ không có được thọ dụng.

Nếu muốn chứng đắc thì phải thật tu.Phật đã dọn sẵn cho chúng ta một con đường, chỉ cần chúng ta làm theo khuôn phép, y giáo phụng hành thì chúng ta sẽ không khó để khế nhập vào cảnh giới của chư Phật.

Cảnh giới chư Phật chính là trong Kinh Hoa Nghiêm nói đến Hoa Nghiêm Phật, sống cuộc sống của Phật Bồ-tát.

Cuộc sống của Phật Bồ-tát chính là xả mình vì người.

Còn chúng ta nói "xả mình vì người" là sai rồi, đây là quan niệm của phàm phu.

Nếu không có cái ta thì còn xả bỏ cái ta nào chứ? Người khác chính là mình, vì người chính là chân thật vì mình, vì pháp thân của chính mình, vì huệ mạng của chính mình.

Vì vậy nói “quên mình vì người” thì đã rơi vào ý thứ hai rồi, không phải chánh giác.Cái gì là chính mình? Tận hư không khắp pháp giới hết thảy chúng sanh là chính mình.

Vì vậy các Ngài không lấy “tự ngã” làm chính mình mà lấy hết thảy chúng sanh tận hư không khắp pháp giới làm chính mình.

Do đó, về mặt lý niệm thì đây là chỗ không tương đồng giữa phàm và Thánh.

Học Phật đặc biệt là Đại thừa, nhất định phải khẳng định hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới là pháp thân thanh tịnh của chính mình.

Sâm la vạn tượng (hết thảy các tướng) là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến” (do tâm hiện, thức biến).

Tâm chính là Phật, Phật chính là tâm.

Nói cách khác, tất cả các tướng đều là chư Phật Như Lai thị hiện.

Phổ Hiền Bồ-tát dạy chúng ta “Lễ kính chư Phật”, cho nên trong hành môn, trên công phu phải bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ lễ kính.

Lễ kính chư Phật trong thập đại nguyện vương thì ai là chư Phật? “Tình dữ vô tình” (chúng sanh hữu tình và vô tình) đều là chư Phật.Chúng tôi đến tế đàn của đạo Sikh, tôi cũng quỳ xuống lạy giống họ.

Các bạn cảm thấy ngạc nhiên kỳ lạ nhưng tôi thấy đó chính là ứng hóa của chư Phật Như Lai.

Tôi đã từng nói qua với các bạn rồi, có người hỏi tôi niệm Phật như thế nào? Tôi nói với họ tất cả chúng sanh tận hư không khắp pháp giới đều là A Di Đà Phật.


Tôi là niệm như vậy.

Mỗi một người đều là A Di Đà Phật, mỗi một chúng sanh đều là A Di Đà Phật, A Di Đà Phật đều ở xung quanh tôi, vô lượng vô biên A Di Đà Phật.

Bạn xem tôi là phàm phu nhưng tôi xem bạn là A Di Đà Phật.

Các bạn thật sự là A Di Đà Phật, không giả chút nào, vì sao vậy? Tâm hiện thức biến, làm sao có thể giả được chứ? Nếu bạn khẳng định, bạn khế nhập thì tâm chân thành, cung kính của chúng ta mới có thể sanh khởi, tất cả tập khí ngạo mạn phiền não từ vô lượng kiếp đến nay mới có thể hóa giải.

Vậy thì tâm nguyện cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc đâu có đạo lý không thể thành tựu?Điều thứ hai nói rõ cách chung sống giữa người và hoàn cảnh tự nhiên.

Hiện nay mọi người đều không biết chung sống với tự nhiên, mà phá hoại tự nhiên.

Rất nhiều người nói địa cầu bệnh rồi, hoàn cảnh sinh thái bị phá hoại rồi.

Từ rất nhiều tác phẩm văn học chúng ta quan sát thấy người xưa rất yêu thiên nhiên.

Hiện nay đều là tự tư tự lợi, phá hoại tự nhiên.

Sai lầm rồi! Chúng ta đắc tội với hoàn cảnh tự nhiên thì hoàn cảnh tự nhiên sẽ báo thù.

Lũ lụt, động đất, cuồng phong đều là sự báo thù của hoàn cảnh tự nhiên, không nên hiểu sai điều này.

Trong kinh Phật nói: cây có thần cây, hoa có thần hoa, núi có thần núi.

Bạn kính yêu họ thì họ cũng yêu bạn; bạn ái hộ họ thì họ sẽ cúng dường bạn.

Sự việc này không phải là giả.

Cây cỏ hoa lá núi sông đại địa chúng ta thường nói chúng có linh khí.

Linh khí từ đâu mà có? Có thần minh chi phối.

Do vậy cần phải hiểu làm thế nào chung sống với hoàn cảnh tự nhiên.Điều thứ ba là cách chung sống giữa con người với thiên địa quỷ thần.

Nói gần hơn một chút chính là con người làm thế nào chung sống với những tôn giáo khác nhau.

Điều thứ nhất dạy chúng ta người với người chung sống như thế nào, nói rộng hơn chính là con người chung sống thế nào với các quần thể, chủng tộc với văn hóa, tập quán sinh hoạt khác nhau.

Ba vấn đề này nếu như bạn hiểu rõ thông đạt rồi thì xã hội an định, thế giới hòa bình, hết thảy chúng sinh đều có cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn.

Đây là giáo huấn của Thánh Hiền nhân, chúng ta cần phải hiểu.Ngày nay người thế gian không hiểu điều này, chúng tôi rất buồn, thế nhưng Đức Phật đã dạy rồi, Kinh Vô Lượng Thọ đã nói rất rõ ràng, minh bạch: “Đời trước ngu muội, không biết đạo đức, không ai chỉ bảo đâu có lạ gì?” Bạn sẽ không trách họ nữa.

Chúng ta đọc mấy lời này của Phật, tâm chúng ta liền bình lặng trở lại, chính mình nhất định phải tu học tốt.

Chúng ta rất may mắn gặp được Phật Pháp, nếu không gặp được Phật Pháp, lại không có người dạy bảo chúng ta thì chúng ta cũng ngu muội vô tri giống như họ, ngày ngày tạo nghiệp.Cho nên giáo học của Phu tử, điều thứ nhất là đức hạnh, điều thứ hai là ngôn ngữ, điều thứ ba mới là chính sự, văn học.

Có thể thấy đức hạnh và ngôn ngữ quan trọng đến nhường nào.

Chúng ta ngày nay hai điều giáo dục này đều không tiếp nhận được.

Tâm là tâm tốt nhưng ngôn ngữ thái độ biểu hiện ra khiến người khác nảy sinh hiểu lầm, khiến người khác sinh ra phản cảm.

Cho nên, nhất định phải học!Lần trước tôi đã đề cập với các bạn hiện tại dạy Đệ Tử Quy cho trẻ em, chúng ta có thể học được Đệ Tử Quy thì [cho rằng mình] giỏi lắm.

Nếu bản thân chúng ta làm không được, khi dạy con trẻ, trẻ nhỏ làm sao mà phục đây? Ba mẹ dạy con làm nhưng ba mẹ đều làm không được, ba mẹ đã lừa con rồi.

Chính mình làm được rồi, làm một tấm gương tốt cho các con, những việc làm của cha mẹ giống hệt như trong sách nói thì trẻ em sẽ tin nhận, có thể tiếp nhận.

Chính mình làm không được mà bảo người khác làm là việc không thể có.

Điều này chúng ta phải ghi nhớ, cần chăm chỉ, nỗ lực.***********Các bạn đồng tu! Hôm nay hội trưởng Trần của Tịnh Tông học hội Đài Bắc có đến chỗ chúng tôi muốn chúng tôi nói vài lời với các bạn đồng học Đài Bắc.

Chúng tôi muốn nhân thời gian hôm nay giảng cho các bạn về điều mà nhà Phật thường nói: “Từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa.”.

Hội trưởng Trần Cảnh Xương của Tịnh Tông Học Hội LosAngeles cũng gọi điện cho tôi, tôi nói chúng ta dùng một đề mục động viên các bạn đồng học Tịnh Tông chúng ta.Hai câu này trong nhà Phật thường xuyên nhắc đến, ý nghĩa của hai câu đó vô cùng sâu, người thật sự lãnh hội không nhiều.

Hai câu này bao gồm toàn bộ Phật pháp.

Thế Tôn bốn mươi chín năm giảng nói tất cả pháp đều không nằm ngoài hai câu này.

Vì vậy cảnh giới phạm vi của hai câu trên là vô cùng sâu rộng.

Chúng ta cần phải tự độ chính mình, cần phải giúp đỡ người khác.Đặc biệt ngày nay mọi người đều quan tâm đến việc tiêu tai miễn nạn.

Chỉ cần thật sự làm được hai câu này, không nhất định phải hoàn toàn làm được, có thể làm được 10%, làm được 20%, bạn liền đắc độ.

Vậy bắt đầu làm từ đâu? Khi thành lập Tịnh Tông Học Hội, tôi có đề xuất năm khoa mục tu hành, năm khoa mục này các vị cẩn thận suy xét.

Nếu không nói về câu đầu tiên “Từ bi làm gốc” thì cũng nói đến câu thứ hai “Phương tiện làm cửa”.

Nói chung không rời hai đại tiền đề, đại nguyên tắc này.Năm khoa mục tu học của Tịnh Tông: điều đầu tiên là “Tịnh Nghiệp Tam Phước” chúng ta đã thực hành chưa? Thực hành như thế nào rồi? Vì vậy gốc tu hành của Phật Pháp chính là hiếu thân tôn sư.

Câu đầu tiên là “hiếu dưỡng phụ mẫu phụng sự sư trưởng.” Làm thế nào đưa câu này lên đến cảnh giới tu học cao nhất của Bồ-tát? Đó chính là hạnh Phổ Hiền.

Hạnh Phổ Hiền so với hạnh Bồ-tát Đại thừa vẫn có chỗ không giống nhau.

Không giống ở chỗ nào vậy? Hạnh Phổ Hiền là tu học tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, chính là trong Kinh Vô Lượng Thọ nói “thanh tịnh, bình đẳng, giác”.


Chỉ cần dùng cái tâm này để tu hành, đây chính là tu hạnh Phổ Hiền, chính là từ bi phương tiện đến cực điểm.Trong tâm nhãn của người tu hành thì hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới đều là cha mẹ của chúng ta, không phải là đem họ xem là cha mẹ mà họ chân thật là cha mẹ.

Hết thảy chúng sanh tận hư không khắp pháp giới thật sự là chư Phật Như Lai.

Chúng ta trong Kinh Hoa Nghiêm đã chứng minh được rồi.

Hay nói cách khác, chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, chúng ta nên đối đãi với cha mẹ như thế nào? Đối đãi với Đức Phật ra làm sao? Lòng từ bi là từ đó mà sinh ra.Phía sau đều thuộc về phương tiện, tất cả giáo học đều là pháp phương tiện.

Chúng ta ngày nay tu học không có căn bản, đều lấy chính mình làm trung tâm.

Đây là quan niệm của phàm phu.

Chư Phật Như Lai không lấy chính mình làm trung tâm mà lấy hết thảy chúng sanh tận hư không khắp pháp giới làm trung tâm của vũ trụ, còn bản thân chỉ là một phân tử trong trung tâm này.

Vì vậy Phật Bồ-tát nhận được sự kính ngưỡng của hết thảy chúng sanh trong chín pháp giới.

Đây cũng là ngạn ngữ nói: “thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa”.

Phật Bồ-tát đạt được nhân hòa, nhân hòa đạt được từ đâu vậy? Chính là các Ngài thấu suốt triệt để chân tướng của vũ trụ nhân sanh.Biết được quan hệ chủ tớ, chủ là hết thảy chúng sanh, chính mình là tôi tớ, hết thảy chúng sanh là chủ, tôi vì hết thảy chúng sanh mà phục vụ.

Các bạn xem trong kinh điển, chư Phật Như Lai có phải là vì hết thảy chúng sanh phục vụ hay không? Chúng ta cần học từ nơi này.

Dân chủ nói đến tột cùng chính là Phật pháp.

Trong mắt của Phật chúng sanh là chủ, Phật Bồ-tát vì họ mà phục vụ, khi phục vụ phải thuận theo Thập đại nguyện vương của Bồ-tát Phổ Hiền: “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”.

Đây là Bồ-tát hạnh, là Phật hạnh.

Ngày nay chúng ta hiểu sai rồi, là bản thân ta làm chủ, người khác phải thuận theo ta.

Điên đảo rồi! Vì vậy chúng ta đánh mất đi nhân hòa.

Bất luận là thế pháp hay Phật pháp đều không thể thành tựu.

Kỳ thực có mấy ai hiểu được đạo lý: phải thực hiện từ bi và phương tiện.Chúng ta lấy giáo huấn của Phổ Hiền Bồ-tát để nói.

Điều thứ nhất là “Lễ kính chư Phật”.

Hết thảy chúng sanh đều là chư Phật.

Chúng ta có dùng tâm cung kính đối với Như Lai Thế Tôn, đối với A Di Đà Phật để cung kính hết thảy chúng sanh hay chưa? Chúng ta đã làm như vậy chưa? Nếu bạn có thể làm như vậy, xin chúc mừng bạn, bạn là Phổ Hiền Bồ-tát, bạn đã tu hạnh Phổ Hiền.

Nếu chúng ta hôm nay nói: “Tại sao tôi phải lễ kính họ chứ?” thì bạn không hiểu được nguyên nhân này rồi.

“Những người này đều là người xấu, đều là người ác, đều không làm việc thiện, tôi vẫn phải lễ kính họ hay sao?” Bạn căn bản vẫn chưa hiểu được chân tướng sự thật.

Nếu bạn hiểu được chân tướng sự thật bạn sẽ lễ kính họ.Ai biết được chân tướng sự thật? Vua Thuấn thời Trung Quốc cổ đại đã hiểu rồi.

Cha của vua Thuấn, mẹ kế của vua Thuấn, con trai của mẹ kế, những người thông thường như chúng ta sẽ nói đây là những người xấu ác nhất, những người độc ác nhất.

Nhưng vua Thuấn vẫn xem họ là cha mẹ, xem họ là em trai, Ngài không nhìn thấy lỗi của họ, vẫn cảm thấy phụ thân, mẹ kế, em trai đều rất dễ thương.

“Họ đối với tôi không tốt nhất định là do lỗi của chính tôi.” Ngài không nhìn thấy lỗi của người, chỉ thấy lỗi của chính mình, ngày ngày phản tỉnh, ngày ngày sửa lỗi, cuối cùng tâm thái của cha mẹ, em trai đều thay đổi trở lại, đều đối xử tốt với Ngài.

Nhân hòa!Gia hòa vạn sự hưng, gia đình hòa thuận liền cảm động đến hàng xóm láng giềng, cảm động đến Quốc Vương đương thời là vua Nghiêu.

Vua Nghiêu nghe nói có một người hiếu thảo như vậy thì gả hai cô công chúa cho Ngài, vương vị cũng nhường cho Ngài.

Nguyên nhân là gì? Nhân hòa.

Chúng ta ngày nay chỉ nhìn thấy lỗi của người khác không nhìn thấy lỗi của chính mình, chỉ có chúng ta không tu hạnh Phổ Hiền.

Hạnh Phổ Hiền còn cao hơn so với hạnh Đại thừa của Bồ-tát.

Cao như thế nào? Hết thảy chúng sanh chân thật là cha mẹ của ta.

Cha mẹ làm gì có lỗi, chỉ có chính mình có lỗi nên cha mẹ mới không hoan hỉ.Các bạn hãy từ trong thí dụ này mà suy nghĩ kỹ càng.

Chúng ta thích phê bình người khác, nói lời chân thật, phàm phu làm gì có tư cách nói lỗi của người khác.

Bản thân mình có lỗi, bạn làm sao có tư cách nói lỗi người khác chứ? Đợi đến khi chính mình không có lỗi, nhìn thấy hết thảy chúng sanh đều là chư Phật Bồ-tát, đều là cha mẹ.

Trong giới Kinh Đại thừa có nói: “Hết thảy người nam đều là cha ta, hết thảy người nữ đều là mẹ ta”.

Câu này Phật trong kinh luận không biết đã nói bao nhiêu lần rồi, không phải là so sánh mà là lời chân thật thành thật.

Lòng từ bi là từ nơi này mà sinh ra.

Làm thế nào để hiếu dưỡng? Làm thế nào để cung kính? Làm thế nào để đối đãi? Đó đều là phương tiện.Cho nên chúng tôi đề xướng tu hành tam phước, lục hòa, tam học, lục độ, Phổ Hiền thập nguyện, năm khoa mục này.

Hai câu đầu tiên của tam phước là gốc, là căn bản.

Cho nên Phật Pháp là gì? Đáp án đơn giản nhất: Hiếu thân tôn sư chính là Phật Pháp; thấu đáo triệt để tu Phật Pháp chính là [thực hành] hiếu đạo sư đạo.

Mười nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền, các bạn nghĩ xem, các bạn đã làm được lễ kính chưa? Chỉ có lễ Phật thôi thì cũng không ích gì.

Hình tượng Phật ở đây, lễ Phật có tác dụng gì? Cần đem tâm hạnh, tâm cảnh lễ bái hình tượng này mà thực hiện đối với hết thảy chúng sanh thì chính là bạn đang tu lễ kính chư PhậtChư Phật là chư Phật quá khứ, chư Phật hiện tại, chư Phật vị lai.

Các bạn nên biết hết thảy chúng sanh đều là chư Phật vị lai.

Lời nói này là Phật phương tiện nói, lời chân thật của Phật là “nhất thiết chúng sanh bổn lai thành Phật” (tất cả chúng sanh vốn thành Phật).

Đây là nói lời thành thật.

Trong Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Viên Giác, Phật đều nói như vậy.

Vì vậy chúng ta cần học Phật Bồ-tát, chúng ta đời này vì hết thảy chúng sanh mà phục vụ, vì chư Phật Như Lai mà phục vụ, vì cha mẹ mà phục vụ.

Chỉ thấy lỗi mình, không thấy lỗi người thì đạo nghiệp của chúng ta sẽ có thể tăng trưởng, sẽ có thể thành tựu.Về phương diện hành môn, chân thật dụng công là quán tưởng niệm Phật, bất luận là pháp môn nào, nguyên tắc này đều không đổi.

Hôm qua chúng tôi trích dẫn phương pháp tu hành của Thiên Chúa giáo, tôi xem thấy mười điều răn của họ, tôi đem in ra và đưa cho các bạn đồng tu tham khảo.

Điều răn đầu tiên chính là thời khóa sớm tối; Điều răn thứ hai là phát nguyện; Điều răn thứ ba là nếu không có lý do chính đáng thì không được bỏ thời khóa sáng tối.

Vì vậy ba điều này chính là Phật Pháp nói đến: điều thứ nhất là không hoài nghi, điều thứ hai là không xen tạp, điều thứ ba là không gián đoạn.


Chúng ta xem kỹ ba điều đầu của họ có giống như vậy không? Bảy điều răn tiếp theo chính là ngũ giới thập thiện của Phật Pháp chúng ta.

Điều răn thứ tư tương đồng với lý niệm của Phật Pháp: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”.

Ý nghĩa của điều răn thứ tư liên quan đến bổn phận của hàng hậu bối: hiếu kính cha mẹ, nghe lời cha mẹ hoặc sư trưởng, không được thất kính đối với cha mẹ sư trưởng.

Có điều họ không giống trong Phật Pháp nói là hết thảy chúng sanh là cha mẹ sư trưởng của chúng ta, họ không có cách nói như vậy.

Đây chính là chỗ thù thắng của việc tu học trong Phật Pháp.

Nếu như chúng ta xem chúng sanh là chúng sanh, như vậy sẽ không khác gì so với các tôn giáo khác, thậm chí còn không bằng họ.

Thiên Chúa giáo, Cơ Đốc giáo rất đáng để chúng ta tôn trọng.

Có điều họ không dạy là không nên sát sinh, họ dạy không giết người, Phật Pháp chúng ta dạy không sát sinh so với họ phạm vi lớn hơn.

Điều răn thứ sáu là không tà dâm.

Điều răn thứ bảy là không trộm cắp.

Điều răn thứ tám là không vọng ngữ.

Trong điều răn không trộm cắp nói về: chiếm đoạt trộm cắp tài vật của người khác, mua bán không đàng hoàng, làm việc không công chánh, mượn đồ người không trả, cố tình tổn hại đồ vật của người khác, vui khi thấy người khác gặp tai nạn, tất cả đều là ăn trộm.

Họ nói đơn giản mà rõ ràng.

Nói về không vọng ngữ thì có: nói dối, hư ngôn giả ý, bàn luận chuyện hay dở của người, nói chuyện đúng sai của người khác, phá hoại danh dự của người khác, làm oan người khác, vội vã kết luận về người khác, bới móc chuyện thị phi.

Nếu họ thực sự có thể làm được thì nhất định sẽ được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần bảo hộ.Chúng ta là đệ tử Phật, học Phật cho rằng cao hơn những tôn giáo khác, Phật xem những đạo lý này bạn đã hiểu được chưa? Phật dạy bạn hành vi ở trong cuộc sống hằng ngày chúng ta đã làm được hay chưa? Lý luận Phật nói chúng ta không hiểu, Phật dạy chúng ta phương pháp chúng ta không chịu làm theo, thế thì không bằng họ rồi.

Họ tương lai sẽ lên thiên đường.

Ngạn ngữ thường nói: “Trước cửa địa ngục Tăng đạo nhiều.” Tâm hạnh của chúng ta rơi vào tam đồ, còn kém xa họ.

Tội lỗi này nặng rồi.

Chúng ta mặc y phục nhà Phật, hằng ngày tiếp nhận sự cúng dường của nhà Phật nhưng không chịu y giáo phụng hành, đó là phá hoại hình tượng Phật Pháp.

Đây là tội gì? Phá hòa hợp Tăng.

Phật mà chúng ta học là Phật giả không phải Phật thật.Cho nên chúng ta muốn chân thật có thành tựu, muốn tiêu tai miễn nạn thì nhất định phải học vua Thuấn.

Đại sư Lục Tổ Huệ Năng nói rất hay: “Người thật sự tu hành không nhìn thấy lỗi thế gian”.

Đối người, đối việc, đối vật chỉ luận hiện hành, không luận quá khứ, quá khứ họ đã từng làm sai thì chúng ta cũng đã từng làm sai, chư Phật Bồ-tát trong quá khứ cũng đã từng làm sai.

Không luận quá khứ, chỉ luận hiện tiền, hiện tiền họ biểu hiện rất tốt, vậy thì lòng cung kính đối với hết thảy chúng sanh của chúng ta mới có thể sinh ra được.

Nếu thường xuyên thấy lỗi của người khác thì lòng cung kính này sẽ không thể khởi lên được.Tâm cung kính là tánh đức của chính mình.

Bất kính là phiền não.

Tại sao để phiền não của mình thường xuyên khởi lên mà không để tánh đức của mình lưu lộ ra? Phần công tội, thiện ác ở đây chúng ta cần hiểu rõ hiểu minh bạch.

Cho nên người thực sự tu hành, trong Phật Pháp thường nói: họ thường sanh tâm hoan hỉ, thường sanh tâm cung kính.

Người Niệm Phật, đặc biệt Đại Thế Chí Bồ-tát dạy chúng ta: “Tịnh niệm tương tục.” Tịnh niệm là thiện niệm.

Tịnh niệm là chánh niệm.

Duy chỉ có người không nhìn thấy lỗi thế gian, thiện niệm chánh niệm mới có thể hiện tiền, mới có thể vĩnh viễn duy trì không mất, mới có thể duy trì được nhân hòa.Gia hòa vạn sự hưng.

Gia đình bạn hòa hợp, một đạo tràng hòa hợp thì đạo tràng này hưng vượng.

Một gia đình hưng vượng, một đạo tràng hưng vượng sẽ ảnh hưởng tốt rất nhiều đạo tràng, ảnh hưởng một cách âm thầm tự nhiên, công đức thù thắng không thể nghĩ bàn.

Vì vậy lời Phật dạy trong kinh điển, từng câu từng chữ chúng ta phải cẩn thận đọc tụng, không thể học qua loa, sẽ hiểu sai ý nghĩa lời nói của Phật, hiểu sai chân thật nghĩa của Như Lai.Lão cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập Kinh Vô Lượng Thọ là người tái lai, không phải người thông thường.

Khi tôi ở Florida giảng kinh, bên đó có một người có khả năng đặc biệt, họ nhìn thấy hình ảnh của ngài Hạ Liên Cư, họ vô cùng kinh ngạc, họ nói người này thân thể trong suốt.

Thế nào gọi là trong suốt? Một chút ô nhiễm cũng không có.

Điều này do những người nước ngoài đã nói với Pháp sư Ngộ Trần.

Pháp sư Ngộ Trần lúc đó vẫn chưa xuất gia, là ông nói với tôi, hơn nữa lời nói của những người có khả năng đặc biệt này không sai.

Họ nói Lão cư sĩ đã không còn tại thế, Ngài là người tái lai, Ngài đến thế gian này để làm gì? Nhiệm vụ chủ yếu chính là hội tập Kinh Vô Lượng Thọ, để cuốn kinh này có thể lưu truyền hậu thế, quảng độ chúng sanh.

Ngài là thị hiện, mất thời gian ba năm mới hội tập thành công Kinh này, lại dùng thời gian bảy năm để đính chính.

Trên thực tế đâu cần thiết dùng nhiều thời gian như vậy, là thị hiện cho chúng ta xem để chúng ta tăng trưởng tín tâm.

Chúng ta ngày nay lại đi dò xét lỗi ở trong đó.

Đó là tri kiến phàm phu.

Chúng ta lý giải ý nghĩa không viên mãn là vì trình độ chúng ta không đủ, phải nên khiêm tốn mà sám hối.Làm sao mới có thể hiểu ý nghĩa chân thật của Như Lai? Cần tâm địa thanh tịnh, phải không nhiễm mảy trần.

Tâm thanh tịnh sẽ sanh trí huệ, có trí huệ mới có thể thâm giải nghĩa thú (hiểu sâu ý nghĩa bên trong).

Trong thời báo Times kỳ thứ bốn mươi mốt, chúng ta nhìn thấy bài viết về “Con số kinh hãi của ngày tận thế”.

Những con số này nói về nước Mỹ, nước Mỹ có thống kê, những quốc gia khu vực khác trên thế giới không có thống kê nhưng cũng không ngoại lệ.

Các bạn xem những con số này, rồi nghĩ xem hiện nay là xã hội gì? Hãy hỏi có đáng phải gặp kiếp nạn này không? Tự mình liền rõ, liền minh bạch.

Khi kiếp nạn đến chúng ta nên ứng phó như thế nào? Chính mình cũng sẽ hiểu rõ.

Đoạn ác tu thiện, phá mê khai ngộ, chuyển phàm thành Thánh mới có thể tự độ độ tha, mới có thể chân thật tránh được đại kiếp nạn này.Được rồi hôm nay thời gian đã hết, tôi xin lấy đề mục này để cống hiến cho các vị đồng học Tịnh Tông Học Hội chúng ta.

Xin cảm ơn mọi người.

A Di Đà Phật!.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui