Phật gia điểm hóa cứu anh hùng
Giữa đường lánh nạn gặp cướp núi
Nói về Trịnh Hùng đưa ba chiếc kiệu thẳng ra cửa Cấn Sơn, trong lòng lo đến phát run. Vừa đến cửa Cấn Sơn, thấy cửa thành đã đóng chặt, bốn vị lão
gia đứng giữ cửa từ trong đi ra. Bốn vị lão gia này một vị họ Vương, một vị họ Mã, một vị họ Ngụy, một vị họ Triệu. Bốn vị lão gia này đều có
quen biết với Trịnh Hùng cả. Bình thường Trịnh Hùng là người rất ưa kết
bạn, giao thiệp rất rộng, trên từ công khanh dưới đến thứ dân, quen biết với ông ta rất nhiều. Hôm nay bốn vị lão gia này gặp Trịnh Hùng, nói:
- À, té ra là Trịnh gia. Ai ngồi trong kiệu đó? Và định đi đâu?
- Ngồi trong kiệu là nội quyến của tôi. Hôm nay là ngày tế tự, tôi muốn
đi viếng mộ Ở ngoại thành, cảm phiền các vị lão gia mở cửa thành để
chúng tôi đi ra.
- Trịnh lão gia, hôm nay không giống như mọi
ngày đâu, bình thường cũng không đóng cửa để mặc sức thiên hạ ra vào.
Hôm nay có lệnh của quan Kinh doanh điện soái đóng chặt cả mười ba cửa
thủy bộ để xét bắt tên đại đạo vượt ngục trốn trại là Đậu Vĩnh Hàng.
Việc này rất trọng đại, mấy chiếc kiệu của ông muốn ra cửa thành phải để chúng tôi vén rèm xem thử mới được. Kỳ thật chúng ta bình thường có
giao tình, nhưng đây là việc công phải làm theo việc công.
- Các
vị lão gia nói như thế không đúng, Trịnh Hùng tôi, đại khái các vị cũng
biết, tôi bình thường không giao du với bọn phỉ loại, trong kiệu của tôi làm sao ẩn giấu bọn gian tế được? Trong kiệu này là đàn bà con nít, các vị đòi xem ở tại đường lớn như vầy có nhiều bất tiện.
- Trịnh
Hùng, ông là người minh bạch, chúng tôi làm việc công. Việc quan trọng
này, bỏ qua không được đâu! Ông muốn ra khỏi thành, không cho chúng tôi
xét, chúng tôi để cho ông đi, lát nữa có người đòi như vậy thì chúng tôi phải làm sao? Cho ông đi được mà không cho người khác đi, há chẳng có
sự thiên vị hay sao?
- Các vị đã không nhìn thấy không cho đi, thì tôi trở về nhà không đi nữa.
Bốn vị lão gia đang cãi lý với Trịnh Hùng, nào ngờ có vị quan nhân ở đường Phụng Sơn chạy đến nói:
- Bạch lão gia, chúng tôi đưa tin cho các vị biết, đừng thả cho ba cổ
kiệu này khỏi thành. Nguyên do ba cỗ kiệu này phát xuất từ nhà Dương
Mãnh, Trần Hiếu ở đường Đông, khiêng đến nhà Trịnh Hùng lại đưa đi,
trong đó chắc chắn có duyên cớ gì đó!
Bốn vị lão gia nghe báo xong, bèn nói:
- Này Trịnh Hùng, ông cho chúng tôi cũng xem, không cho xem chúng tôi cũng xem.
- Tôi không thể để cho phụ nữ nhỏ 16 tuổi đầu chường mặt ra đường phố được. Tôi không đi, tôi trở về nhà là được rồi.
- Ông trở về nhà, chúng tôi cũng phải xem.
- Thưa các vị, cái này là không đúng rồi đa! Tôi ra khỏi thành, các vị
đòi xem, sợ mang theo gian tế; tôi trở về nhà, tại sao các vị cũng đòi
xem?
- Này Trịnh Hùng, trong ba cỗ kiệu này là ai vậy?
Nguyên ngồi ở cỗ kiệu đầu là Châu Khôn, cỗ kiệu thứ hai là Đậu Vĩnh Hàng, cỗ thứ ba là Châu thị. Trịnh Hùng nói:
- Ở cỗ đầu là tệ tiện nội, cỗ thứ hai là cháu của tôi, cỗ thứ ba là cháu
gái họ của tôi, đều là những thiếu phụ cô nương nhỏ tuổi cả.
- Có Đậu Vĩnh Hàng trong đó không?
- Tôi cũng không quen Đậu Vĩnh Hàng, làm sao có Đậu Vĩnh Hàng cho được?
- Đã không có Đậu Vĩnh Hàng, chúng tôi dòm xem đâu có ngại gì!
- Các vị thiệt là ỷ quan cậy thế, không cần tình lý gì hết.
Đương nói tới đó thì Tế Điên từ đầu kia thất tha thất thiểu đi lại.
Nguyên Tế Điên đang ở đại đường ở phủ Kinh doanh điện soái, được quản gia Tần
tướng mời về Tần tướng phủ. Tần tướng thấy Tế Điên lật đật mời ngồi,
nói:
- Thánh tăng, tại sao Hình đình Lục Bính Văn dám trói lão nhân gia thế?
- Tướng gia hỏi đến, Hòa thượng ta có điểm oan ức không rõ ràng. Hôm qua
chùa chúng ta lãnh đám tụng ba xấp kinh, nhà đám dọm một nâm cơm nguội,
bảo tụng thêm một thời thí thực. Năm ông Hòa Thượng tụng kinh xong, nhà
chủ không chịu trả tiền, nói là giọng của thầy cả không ngọt, lại còn
đánh các Hòa Thượng nữa. Bốn ông Hòa thượng kia đều bị đánh, chỉ có Hòa
Thượng ta không bị đánh thôi. Ta muốn quỳ trước Hình đình để báo cáo họ, nào ngờ quan Hình đình không hiểu sự lý, bắt trói Hòa Thượng ta lại.
Đến chừng lên đại đường, Lục đại nhân nổi khùng đem đại đạo Hắc diện báo Đậu Vĩnh Hàng thả ra.
Tần tướng nghe xong, nói:
- Đậu
Vĩnh Hàng ở Bạch Sa Cương chặn đường cướp bạc lương, giết chết quan giải lương, giống như là phản nghịch, ta đã tâu rõ lên thánh thượng rồi,
trình thỉnh xin xử giảo, làm sao ông ta dám thả kìa?
- Hiện giờ ông ta thả ra rồi. Đại nhân không tin thì cho người đi hỏi thăm thử xem!
- Được, nếu ông ta đã thả, ta xem chừng ý chỉ thánh thượng đưa xuống, ông ta sẽ làm sao? Nếu ông ta đã thả rồi thế nào cũng bị triệu vào hầu, tạm thời không cần phải để ý đến ông ta nữa. Bạch Thánh tăng, xin mời ở đây uống rượu nhé!
- Cũng được!
Tần tướng lập tức sai gia nhân lau bàn ghế, dọn rượu lên. Tế Điên uống vài ba chén đứng vậy muốn cáo từ. Thừa tướng nói:
- Thánh tăng có gì gấp đâu? Uống rượu rồi hãy đi!
- Ta đi xem nhiệt náo, hiện tại quan Hình đình đã thả Đậu Vĩnh Hàng, rồi
lại phái người truyền đóng cửa chặt mười ba cửa thủy bộ xét từng hộ kiếm bắt đại đạo Đậu Vĩnh Hàng. Việc này có thể là mới mẽ đấy. Ông ta muốn
tự mình làm đảo lộn mà!
Nói xong, Tế Điên đứng dậy cáo từ ra khỏi Tần tướng phủ, thẳng đến cửa Cấn Sơn. Trịnh Hùng lúc đó đang nói quanh
co với các lão gia giữ cửa, sợ họ xét kiệu. Thấy Tế Điên đến, Trịnh Hùng lật đật nói:
- Tế Công đến rồi! Ngài là người xuất gia xin phân giải việc này cho.
Tế Điên hỏi:
- Chuyện gì vậy a?
Trịnh Hùng nói:
- Tôi đưa gia quyến muốn ra khỏi thành đi thăm mộ, các vị lão gia này đòi xét kiệu; tôi nghĩ ở ngoài đại lộ, phụ nữ tuổi nhỏ thò đầu ló mặt ra,
có nhiều điều bất tiện nên nói là không được. Họ muốn xem trong kiệu có
ai. Sư phụ nghĩ xem họ làm như vậy có phải là không nể tình nhau không?
Có chỗ không đúng phải không?
- Không đúng rồi! Có lẽ Trịnh Hùng
làm không đúng. Người ra làm việc công, ngươi không cho người ta xem,
người khác đi đến đây cũng đều không cho xem, như vậy thì thử hỏi việc
công sẽ làm như thế nào?
Các vị lão gia nghe như vậy bèn nói:
- Sư phó thật là sáng suốt.
Trịnh Hùng trong bụng nghĩ thầm: "Tế Công ơi, ông đùa với mình sao chớ! Ông
kêu mình đi rước Đậu Vĩnh Hàng, bây giờ người ta đòi xét, ông lại nói
những lời như thế. Đây có phải là ông cố ý cho ta nằm ấy đây mà!". Không cách nào khác, Trịnh Hùng bèn nói:
- Mấy vị cứ xem đi!
Các vị lão gia hỏi:
- Ngồi ở kiệu thứ nhất là ai vậy?
- Là tệ tiện nội.
Mọi người vén rèm lên xem thì là một ông già râu bạc, ngay đến Trịnh Hùng cũng phải ngạc nhiên! Mọi người hỏi:
- Này Trịnh Hùng, ông không phải nói là tiện nội của ông hay sao?
- Tại các ông nghe không rõ, đây là cha của tệ tiện nội.
- Còn ở chiếc kiệu thứ hai?
- Là cháu gái của tôi.
Mọi người vén rèm lên xem thì là một bà già. Mọi người hỏi:
- Đây là cháu gái của ông à?
- Đây là bà nội của cháu gái tôi.
- Còn ở kiệu thứ ba?
- Đây là cháu gái họ.
Vén rèm lên xem thì là một bà ni cô già. Trịnh Hùng nói:
- Đây là sư phụ của cháu gái họ tôi.
- Trịnh Hùng, cái này ông có ý giỡn chơi, trong kiệu không có phụ nữ nhỏ
tuổi, cũng không có Đậu Vĩnh Hàng. Ông cố ý đùa cợt chúng tôi mà! Hãy mở cửa thành cho nhóm Trịnh Hùng đi đi.
Lập tức cửa thành được mở
ra. Ba cỗ kiệu cùng Hòa thượng đồng ra khỏi thành đi về phía nhà mồ của
Trịnh Hùng. Tới nơi, Châu Khôn, Đậu Vĩnh Hàng, Châu thị đều xuống kiệu,
bước tới hành lễ Tế Điên. Đậu Vĩnh Hàng nói:
- Bạch Thánh tăng,
lão nhân gia thật là Phật pháp vô biên, cứu vớt đệ tử sống lại một lần
nữa. Đậu Vĩnh Hàng tôi chỉ có nhất bộ nhất bái mới báo đáp được ơn dày
của lão nhân gia ban bố.
Tế Điên nói:
- Trịnh Hùng, ngươi
đưa cho ta ba con ngựa, một con dao đeo bên hông, bảo bọn họ trốn đi.
Tương lai chúng ta còn có duyên gặp lại.
Đậu Vĩnh Hàng lại cám ơn Trịnh Hùng rồi mới cùng Châu Khôn, Châu thị cáo từ.
Trịnh Hùng hỏi:
- Hai vị định đi đâu?
Đậu Vĩnh Hàng nói:
- Tôi cũng không biết đi nơi nào!
Châu Khôn nói:
- Tôi định cùng anh chị tôi đi đến chỗ một người bạn để tạm lánh.
Nói rồi cung tay từ biệt.
Ba người lên ngựa, thuận theo đường lớn đi tới trước, cũng không nhất định là đi đâu. Trên đường đi, cứ đói ăn khát uống, ngày đi đêm nghỉ. Hôm
đó, sắc trời đã tối, đang độ đỏ đèn, ba người cỡi ngựa đang đi tới
trước, gặp một cửa núi. Bỗng nghe vang lên một hồi thanh la, từ trong
núi xông ra hơi hai chục người đều bịt mặt, vận quần áo ngắn, mỗi người
cầm trường thương, dao lớn, kiếm ngắn, búa to, chạy ra cản đường. Có
người thét lớn:
- Núi này ta mở, cây này ta trồng, ai đi qua đây phải để lại tiền mãi lộ. Ú ớ cự cãi nửa câu, một dao một mạng đất chôn vùi.
Lại nói:
- Bầy dê non nhạn lẽ kia, tới đây mau để lại vàng bạc mãi lộ đi, sẽ được
tha cho khỏi chết, nếu chẳng nghe lời trốn đi, khó hơn lên trời đấy.
Châu Khôn thấy bị chặn đường bèn lật đật thúc ngựa lên trước, nói:
- Xin có đôi lời cùng các bạn: Tại hạ họ Châu tên Khôn, nguyên là Bắc lộ
tiên đầu, hôm nay cùng anh chị đi qua đường này, cảm phiền các vị trở về bẩm lại với trại chủ là Châu Khôn hôm nay không thể lên núi bái vọng
được, tạm thời mượn đường đi quạ Hôm khác sẽ lại đến thỉnh an trại chủ.
Các lâu la nghe như vậy, nói:
- Té ra tôn giá là Tiêu đầu Châu Khôn ở Bắc lộ! Xin tôn giá chờ một lát, chúng tôi về bẩm lại với trại chủ một tiếng.
Nói rồi cho người chạy bay lên núi. Giây lát không lâu, từ trên núi một hồi thanh la nổi lên, hơn hai trăm người kéo xuống, lồng đèn và đuốc cầm
sáng rực như ban ngày. Châu Khôn ngước nhìn thấy ba người đi trước.
Người cưỡi ngựa hồng đi giữ, đầu đội khăn đoạn bảo lam, mình mặc tiễn tụ bào màu lam, mặt vàng như nghệ, lông đen áp tai, dao đeo bên sườn,
thương cài sau lưng; người bên phải cưỡi ngựa màu đen, mặc áo choàng
đen, gương mặt đen bóng, cũng kẹp một cây thương; người bên trái cưỡi
một con ngựa bạch, mặc áo lụa trắng, mặt trắng, cũng cài một ngọn
thương. Ba vị trại chủ đến gần, vỗ ngựa hỏi:
- Trước mặt chúng tôi là ai?
Châu Khôn nói:
- Tôi là Bắc tiêu đầu Thiết đầu thái tuế Châu khôn, hôm nay cùng anh chị
tôi đi qua đây, muốn mượn đường một lần, hôm sau sẽ đến cảm tạ.
Vị trại chủ mặt vàng hỏi:
- Lệnh thân là ai vậy?
- Anh rể tôi là đả hổ anh hùng Hắc diện báo Đậu Vĩnh Hàng.
Ba vị trại chủ nghe nói, "a" lên một tiếng, nói:
- Té ra là Đậu đại ca!
Nói rồi ba người lật đật nhảy xuống ngựa, bước tới hành lễ.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...