Chương 3: Thuyết cương
Nói một cách chính xác hơn, chữ “cương” mà chúng tôi đang bàn tới ở đây chính là “cương” trong “cương thi[1]”. Nhưng vì sao ngay từ đề mục người viết không nói rõ ý nghĩa này mà lại chỉ đưa ra một chữ “cương” đầy bí ẩn như thế? Quả thực, cách hiểu về hai chữ “cương thi” trên thực tế lại quá mơ hồ. Đa số mọi người thường hiểu hai chữ “cương thi” trên ý nghĩa sinh học thông thường của nó. Điều này được lý giải, ở người chết, máu huyết đông lại liền trở nên căng cứng, hiện tượng này được gọi là “cương thi”. Trong sách cổ thường nhắc đến những chữ như “cương thi biên dã[2]” hay “cương thi như ma[3]”. Đó chỉ là một số dẫn chứng sách vở thường gặp. Với cách hiểu trên, ngoài những nhà nghiên cứu y học ra chắc hẳn chẳng ai có hứng thú đặc biệt để tìm hiểu sâu sắc về vấn đề này. Tuy nhiên, thứ xác chết được coi là hiệp nghĩa có lẽ ngay cả những nhà nghiên cứu y học thực thụ cũng không dám đề cập sâu, đây chính là vấn đề mà chúng tôi muốn nói tới. Nhưng chính những xác chết cương cứng được coi là hiệp nghĩa nói tới ở đây cũng chỉ là một khái niệm mơ hồ, bản thân nó bao hàm cả hai loại tính chất “dị vật” không đồng nhất.
[1] Ý chỉ xác chết đã cương cứng.
[2] Xác chết nơi hoang dã.
[3] Xác chết bị tê liệt.
Chu Tác Nhân trong một bài viết về “những dị vật trong văn học nghệ thuật” cho rằng: “Những xác chết cương cứng được nói tới trong các tiểu thuyết Trung Quốc, về cơ bản được chia làm hai loại. Một loại là xác chết chưa phân hủy. Đó là những xác người mới chết có thể cảm nhận được rõ ràng nguồn thực khí trên thi thể. Loại xác chết này vẫn thường tác oai, tác quái tìm cách dụ dỗ, lừa gạt những người đang còn sống, dẫn dắt họ tự tìm đến cái chết. Cho nên tính cách của loại xác chết này vô cùng hung dữ và độc ác. Một loại khác là những xác chết để lâu trong quan tài không được đem đi chôn, theo thời gian những thi thể ấy sẽ biến đổi, tính cách cũng trở nên tàn ác, xấu xa, là nhân tố tác động đến tình trạng hạn hán kéo dài, và có khả năng cản trở trời sinh mưa. Nhưng ở một khía cạnh khác, trong các truyền thuyết còn ghi lại hình ảnh những thi thể cương cứng xuất hiện trong những câu chuyện tình yêu cảm động, mang lại một màu sắc ấm áp, tươi vui, gợi ấn tượng sâu sắc cho người theo dõi. Hơn nữa, những câu chuyện về hồn ma trong đời sống văn hóa tâm linh của người Trung Quốc lại rất có ý nghĩa giáo dục, có tác dụng cảm hóa tâm hồn con người. Thông qua nỗi sợ hãi, kinh hoàng, người đọc tự rút ra những bài học nhân sinh sâu sắc. Đó chính là một sự dụng tâm trong ngòi bút, cũng là một thành công của người viết. Trở lại vấn đề phân loại xác chết cương cứng làm hai loại, cơ bản cũng dựa trên nhiều căn cứ khác nhau. Trong Duyệt vi thảo đường bút ký, quyển mười có khẳng định:
Xác chết cương cứng có hai loại, một loại chỉ những thi thể mới chết, còn chưa mai táng bỗng nhiên nhảy lên vồ lấy người khác; loại thứ hai đã chôn cất được một thời gian nhưng thi thể chưa phân hủy, tự biến đổi hình dáng trở thành loài ma quỷ kỳ quái, đêm đến thường đi lại khắp nơi, gặp người liền dọa dẫm, cướp bóc. Người ta thường nói: “Ma quỷ hành sinh ra hạn hán ở khắp nơi.” Có lẽ chưa ai giải thích được điều này.
Thực ra “cương thi” được nhắc tới ở đây trước tiên là để chỉ những thi thể đã cương cứng sau khi chết được một thời gian. Tình trạng cứng đờ của xác chết vốn dĩ là một hiện tượng sinh học hết sức tự nhiên. Nhưng điều đáng nói ở đây là việc để cho lũ tà ma có cơ hội mượn chính những xác chết ấy mà tác oai tác quái, làm điều xằng bậy hại người. Tuy nhiên, điều may mắn là trong thời gian diễn ra tất cả những trò tác yêu tác quái lại hoàn toàn tách biệt và chẳng liên quan gì đến linh hồn của những xác chết đó. Cho nên, chủ nhân của những thi thể bị ma quỷ mượn hình khi còn sống có thể là một người rất lương thiện, thậm chí còn có thể mang trên mình một thân phận cao quý. Sau khi lũ tà ma mượn xác chết ấy “giày vò, hành hạ” xong, nó lại thoát ra và thi thể trở lại nguyên vẹn là một người đứng đắn, ngay thẳng, thật thà. Những người thân trong gia đình và bạn bè trước đây vẫn ngày ngày tưởng nhớ, mặc niệm họ trong âm thầm, lặng lẽ, cảm động, hơn nữa họ còn viết lên những lời ai điếu khóc thương cho người đã khuất. Có thể nói chủ nhân của những thi thể đó, cũng như phần linh hồn của nó hoàn toàn không phải gánh chịu bất cứ trách nhiệm nào đối với những hậu quả nghiêm trọng mà thể xác bị tà ma biến đổi gây ra. Lũ ma quỷ kia làm những chuyện ác đạo, bất lương dĩ nhiên không phải trên thi thể vốn có của anh ta mà là trên hình hài xác chết đã bị biến đổi.
Tuy nhiên, điều chủ yếu mà chúng tôi muốn nói ở đây chính là loại cương thi thứ hai. Điều mà chúng tôi muốn bàn tới căn bản cũng dựa trên chính “những biến đổi của xác chết đã được mai táng lâu ngày mà chưa bị phân hủy”, và quan trọng là bàn tới những tác hại, hay chính là tính nghiêm trọng của hiện tượng này. Loại xác chết này trong các câu chuyện ma quỷ và trong những công trình nghiên cứu hay trong quan niệm dân gian, người ta vẫn thường gọi chúng với cái tên ngắn gọn là “cương” (ý chỉ xác chết đã cương cứng mà chưa thối rữa). Nhưng sau này còn xuất hiện thêm một số cách gọi khác như “mao cương”, “bạch cương”, và những thi thể vẫn càn quấy, làm hại con người cũng được xếp vào một loại được gọi là “tẩu cương”. Tất cả những điều dài dòng mà chúng tôi dẫn dắt trên đây mục đích sau cùng cũng chỉ nhằm giải thích thêm lý do vì sao trong tên đề mục lại chỉ đưa ra một chữ “cương” mà thôi.
1
Loại thi thể đã mai táng, chôn cất lâu ngày mà vẫn không bị thối rữa, trước khi đạt tới độ “cương cứng” mà không bị “dị hóa” đã phải trải qua rất nhiều bước thăng trầm, thậm chí còn có thể gọi đó là cả một lịch sử huy hoàng. Ở thời kỳ cổ đại, người chết là những kẻ giàu có hay thuộc bậc đế vương quyền quý, họ tìm mọi cách để thi thể mình trường tồn mãi mãi mà không bị phân hủy theo thời gian. Để đạt được ước mong này, ban đầu họ tìm đến khấn nguyện trước các đấng thần linh. Nguyện cầu thất bại. Lúc đó họ buộc phải tự mình tìm tòi và làm đủ mọi cách để xác chết có thể đông cứng lại đến ngàn năm tuổi vẫn nguyên vẹn không bị phân hủy. Họ đem vàng, bạc, ngọc ngà, châu báu, thủy ngân, mi-ca… những thứ của cải quý giá chất đầy quanh người chết, thậm chí nhét đầy vào khoang bụng, đeo đầy lên cổ, tai, tay, chân… Cách làm ấy không chỉ giúp cho thi thể đã trở nên cương cứng, nguyên vẹn, trường tồn mãi mãi với thời gian, mà còn khiến cho kẻ thù của mình dù có dùng mọi cách để báo thù từ “bạo thi[4]”, “lục thi[5]”, “trách thi[6]” cho đến “liệt thi[7]”… cũng không thể làm cho xác người chết vỡ vụn thành trăm mảnh, thậm chí ngay cả dùng lửa thiêu đốt cũng không thể hủy diệt được những xác chết đã được làm cho cương cứng bất tử kia.
[4] Làm điều bạo ngược hành hạ người đã chết.
[5] Chém giết xác chết thêm một lần nữa.
[6] Phanh thây thi thể.
[7] Làm mọi cách cho thi thể người chết nứt ra, vỡ ra.
Hiện tượng trên đã làm nảy sinh một cách nhìn hoàn toàn khác với những thi thể khi khai quật mộ phần mà vẫn còn nguyên vẹn. Họ cho rằng những thi thể này chính là phần xác của những con người khi còn sống hoặc là những người giàu có, hoặc là những nhân vật quyền quý, sang trọng, lúc sinh thời vốn là những người có đạo đức, có tiết hạnh. Vì thế, với những trường hợp này, theo họ cũng nên quảng bá rộng rãi trong quần chúng, thậm chí còn đến mức lưu truyền trong sử sách. Trong Tam thập quốc Xuân Thu có đoạn ghi lại một câu chuyện: “Vào thời Tấn Nghị Hi, trong dân gian còn truyền nhau câu chuyện về nhóm cướp cưỡi những con ngựa dũng mãnh đi cướp thi thể của Biện Hồ. Khi bị cướp, thi thể còn nguyên vẹn, hai bàn tay nắm chặt, móng tay để dài y như khi còn sống[8]” Khi Tô Tuấn tạo phản, để giữ yên triều chính, đồng thời thể hiện lòng trung thành tận tụy với đất nước, ông tình nguyện xuất binh chinh phạt, và không may bị hãm hại. Chính nhờ tấm lòng kiên trung, lẫm liệt ấy mà thi thể của ông sau khi chết đã được triều đình chăm sóc cẩn thận, sắc diện hình hài vẫn y như lúc còn sống, thậm chí móng tay sau khi chết vẫn tiếp tục dài ra. Đó phải chăng là sự linh ứng của tấm lòng người trung thực mãi bất tử với thời gian. Lại có một ví dụ khác từ Tân ngũ đại sử - Mân thế gia kể về chuyện khi Vương Hi được phong làm thái tử, tính tình ngang ngạnh, khó trị. Tướng quốc Vương Đảm thời đó được giao nhiệm vụ dạy dỗ, uốn nắn thái tử đã phải rất vất vả, gây ra không ít những điều khó chịu trong lòng thái tử. Sau này, Vương Hi lên ngôi, lúc đó Vương Đảm đã chết, Hi liền lệnh cho phá mộ, giày xéo thi thể Vương tướng quốc. Khi mở nắp quan tài, hình hài Vương Đảm vẫn còn nguyên vẹn, dung mạo tươi tắn ý như còn sống. Khi mổ xẻ, phanh thây xác chết vẫn còn thấy máu đỏ chảy ra khắp thân. Mặc dù đã chết nhưng thi thể của Vương Đảm vẫn vẹn nguyên như khi còn sống, tấm gương của ông được lưu truyền trong sử sách. Người ta cho rằng, tất cả những điều này đều nhờ “chân khí” có liên quan mật thiết đến tấm lòng ngay thẳng, kiên trung và phẩm chất trong sáng của ông khi còn sống tạo nên. Nhưng lấy hiện tượng thi thể còn vẹn nguyên y như khi còn sống của người chết làm tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất trung nghĩa của anh ta, xem ra cũng không có cơ sở khoa học vững chắc. Để đưa ra những luận giải chính xác về phẩm giá của một con người không thể căn cứ vào những thứ có trong quan tài mà đánh giá. Việc làm này chỉ có thể xem là những giả định mang tính chủ quan về người chết khi tiến hành khai quật lăng mộ mà thôi. Có những trường hợp sau khi chết, phần đầu của những bậc trung thần nổi tiếng được lưu danh sử sách lại có hiện tượng nát rữa, ngược lại, phần đầu thi thể của những hoạn quan trải qua năm tháng vẫn còn nguyên vẹn trong quan tài mà không hề hấn gì. Giải thích điều này, người ta cho rằng đó là do ông trời cố ý làm như vậy, mục đích là để cho những hồn ma lang thang không có cơ hội mượn xác của những trung thần mà hoành hành, tạo ác. Hơn nữa, khi chúng nhập vào xác hoạn quan hay kẻ gian thần, đến khi nhập quan lại phải chịu sự trừng phạt, giày xéo thêm một lần nữa. (Những văn nhân như chúng tôi từ xưa vốn đã rất yêu thích Ung Chính, đối với thi thể còn vẹn nguyên y như còn sống ở Lũ Lưu Lang, chúng tôi cũng thử đưa ra nhiều cách lý giải khác nhau. Trong Kinh thánh, những người cầm bút có tài thường rất khéo léo và tinh tế khi biết cách biến hóa ngòi bút của mình, cho dù thế nào họ cũng có thể sáng tạo, tưởng tượng, hư cấu ra những “thiên ý” thuận lòng hoàng thượng, và cũng làm thỏa mãn tất cả mong muốn của người xem.)
[8] Trích trong Thái bình ngự lãm, cuốn 557.
Cũng với mục đích ca ngợi những tấm gương kiên trung, tận quốc, thời nhà Đường lưu danh Nham Chân Khanh, một trung thần vì can ngăn Lý Hi Liệt làm điều bạo ngược nên đã bị hắn ta ép treo cổ tự vẫn. Sau khi chết, thi thể của ông được ướp trong linh cữu mà không đem chôn cất. Sau này, Lý Hi Liệt cuối cùng cũng bị trừng phạt thích đáng. Chân Khanh gia di chuyển thi thể ông lên thượng kinh an táng. Đường đi gập ghềnh, hiểm trở, linh cữu bị hư hỏng, mục nát dần, nhưng hình hài xác chết vẫn trang nghiêm, ngay ngắn, các bắp thịt như được hồi sinh, chân tay trở nên mềm mại, thậm chí râu, tóc vẫn mọc xanh đen, “Mười ngón tay đan vào nhau không rời, móng tay mọc dài đến mu bàn tay”. Hiện tượng đó quả thực khiến cho “người người xa gần đều kinh sợ[9]”. Theo kiến giải của các nhà Nho học, nguyên nhân khiến cho thi thể của Nham Chân Khanh không bị thối rữa xuất phát từ chính khí chất trung nghĩa tiết liệt của ông, mặc dù linh hồn đã lìa khỏi thể xác nhưng nhân phẩm cao quý, trong sáng của ông còn sống mãi, cho nên thể xác mãi nguyên vẹn không bị phân hủy theo thời gian. Nhưng Nham Chân Khanh còn là một kẻ tu hành khổ hạnh theo đạo Phật, cho nên những đạo sĩ dựa vào những điều này để tạo ra những truyền thuyết ca ngợi sự bất tử của ông. Thi thể ông được đặt trong quan tài bằng gỗ đã cũ nhưng dung mạo vẫn “như sống”, nhưng khi được chuyển tới một chiếc quan tài mới, thể xác dần dần trở nên vô tri vô giác, thì ra ông đã sớm thoát xác thành tiên. Hiện tượng thi thể cương cứng khi hồn lìa khỏi xác được giải thích là đã thoát xác thành tiên, cách giải thích như vậy vốn cũng thường gặp rất nhiều trong sách vở. Ví dụ như Bảo Cái thời Hậu Hán, sau khi chết, an táng được hơn ba mươi năm, đột nhiên hiện về báo mộng cho thê tử rằng mình đang hồi sinh. Người vợ vội vàng chạy đến mở nắp quan tài, quả thực thi thể ông sắc diện như đang còn sống, duy chỉ có điều không thấy hơi thở thoát ra. Hơn nữa, trong mộ, đèn thắp suốt ba mươi năm vẫn không tắt[10]. Vào thời Ngũ Đại, giai đoạn cuối thời nhà Đường, viên đại tướng Quách Sùng Thao đem quân đi chinh phạt vùng Tứ Xuyên (thời Tiền Thục), đến Vấn Châu gặp một ngôi mộ cổ có thi thể như còn sống, liền truyền lệnh cho quân sĩ làm lễ mai táng một cách trang trọng. Khi đêm xuống, chủ nhân của thi thể đó hiện lên báo mộng: “Ta vốn là kẻ hầu người hạ của Thái Ất chân nhân, nay được nhà ngươi mai táng, chôn cất tử tế như vậy, xem như nhà ngươi đã có thể tránh được tai họa rồi.” (Theo Trương Thương Anh đời Tống trong Thục đào ngột, quyển hạ. Nhưng Quách Sùng Thao sau khi chinh phục xong đất Thục lại bị kẻ gian vu oan buộc phải tự sát, vì thế những lời mà vị thần trước kia hiện về báo mộng đã không thể lường trước được điều này).
[9] Ngọc đường nhàn thoại, quyển năm
[10] Trích trong Bảo khánh tứ minh chí, cuốn mười một, Dư địa chí.
Có lẽ chính những truyền thuyết đó đã khiến cho xác chết cương cứng có được chất “tiên khí” quý giá, vì thế mà có truyền thuyết cho rằng thịt của những thi thể cương cứng ấy có thể dùng làm các loại thuốc chữa bệnh. Những truyền thuyết kỳ lạ này xuất hiện sớm nhất vào thời Nam triều và còn được ghi chép lại trong các sáng tác văn đế thời Tống. Vào cuối thời Hán, lăng mộ của những nhà học thuật thường là mục tiêu của những kẻ trộm cắp. Những xác chết ấy sau khi bị đánh cắp, theo đúng quan niệm “thịt của những xác chết cương cứng có thể làm thuốc chữa bệnh”. Cho nên lũ trộm cắp mỗi người một tay một chân nhanh chóng mổ xẻ, chia chác nguồn dược liệu quý giá đó. Người thành tiên mà bị đem ra mổ xẻ, phanh thây thậm chí còn bị lăng trì hành hạ như vậy quả thật tu luyện đắc đạo thành tiên mà vẫn chưa được yên phận. Truyền thuyết này có lẽ phải đến thời Ngũ Đại mới được người ta tin tưởng. Trong Cựu Ngũ Đại sử - Chu Cấn truyền có nói đến Chu Cấn sau khi tự sát, quyền thần Từ Ôn bèn “đem thi thể của Cấn bày ra giữa chợ, phơi dưới cái nóng như thiêu như đốt, hết ngày này sang ngày khác mà da thịt vẫn không hỏng, ngay cả ruồi nhặng cũng không dám tới đậu vào”. Do đó, “phàm những người có bệnh, dùng đất đắp trên nấm mộ chôn thi thể người chết đã được phơi kỹ, sắc lấy nước uống liền khỏi bệnh”. Ngay cả những người chết vừa mới được chôn cất “đúng thời điểm nhân dân trong vùng mắc bệnh sốt rét rất nhiều, họ tranh nhau đến lấy đất trên nấm mộ sắc lấy nước uống, bệnh tình liền khỏi ngay, càng là những chỗ đất mới thì càng trở thành ngôi mộ quý được nhiều người săn tìm”. Chính vì lý do này mà thi thể của Chu Cấn sau khi chết không bị thối rữa ngay, phần mộ ấy đã trở thành một hiệu thuốc chữa bệnh miễn phí cho người dân.
Tuy nhiên, một loại xác chết cương cứng không thối rữa đã đề cập trước đó, bởi lẽ để có được cái cớ hợp lý ục đích tìm kiếm vàng ngọc, mi-ca, báu vật, cho nên tìm được những thi thể cương cứng không thối rữa vẫn là một kết quả không như mong muốn. Chẳng hạn như trong Hậu Hán thư - Lưu Huyền Lưu bồn tử liệt truyện có nhắc tới thi thể một phi tần của triều Tây Hán: “Thi thể mai táng trong hộp ngọc, hình hài đẹp đẽ như còn sống, đôi lông mày nhuộm đỏ như cố tình ve vãn người xem.” Tấn Can Bảo trong Sưu thần ký, tập mười lăm có đoạn kể về thời Ngô Tôn Hưu, người ta cho khai quật khu mộ phần có một nấm mộ uy nghi, đường vệ, to lớn như lăng mộ của một bậc công hầu nào đó. Khi người ta tiến hành phá quan tài, trong quan tài xuất hiện một thi thể với mái tóc hoa râm, xiêm y, mũ mão màu sắc vẫn còn tươi sáng, dung mạo xác chết như người còn sống. Trong quan tài chất mi-ca dày đến hơn mười thước, phần dưới xác chết dùng tới ba mươi tấm ngọc bích trải làm đệm, hai bên tai và trong lỗ mũi nhét đầy vàng bạc giống như cây táo chất đầy ngọc châu vậy. Nguyên Đào Tông Nghi trong Nam thôn chuyết canh lục, cuốn mười một, Mộ thi như sanh có đoạn viết về một ngôi mộ cổ thời Tống như sau: “Khi tiến hành phá quan tài, không hề có uế khí thoát ra, sắc diện người chết vẫn như còn sống, nét môi vẫn sáng bóng. Những dụng cụ, đồ trang sức bằng vàng bạc rải khắp nơi.” Du Việt, người đời Thanh, trong Hữu đài tiên quán bút ký, quyển mười sáu, kể về người con gái họ Phan, khi mai táng: “Thi thể nằm trong quan tài, dung mạo vẫn như khi còn sống, y phục không hề bị nhàu nát. Nhìn kỹ những chữ số khắc trên quan tài thì thấy đã có đến hơn một trăm hai mươi tám năm, vậy mà tựa như người mới chết. Trên đó còn đề chữ: “Trong quan tài có châu báu, ngọc ngà, xác chết mới không bị phân hủy, đó là lời cổ nhân truyền dạy.” Gần đây Lưu Thành Ngu trong Thế tái đường tạp ức ghi chép lại câu chuyện Tôn Điện Anh khai quật lăng mộ của Tây Thái hậu[11]. Khi nắp quan tài vừa được mở ra liền xuất hiện một luồng hào quang chiếu rọi. Nhìn sâu vào bên trong, dung mạo của Tây Thái hậu vẫn tươi trẻ như khi còn sống, ngón tay thon dài, trắng trẻo. Ánh hào quang ấy là do muôn ngàn tia sáng lấp lánh từ vô số châu báu, ngọc ngà chất đầy trong quan tài phát ra.
[11] Tây Thái hậu là một tên gọi khác của Từ Hi Thái hậu.
Những ghi chép được tìm thấy gần đây, trong sách vở còn có rất nhiều, đại để là hầu hết các bậc đế vương quyền quý được sùng bái, suy tôn khi mai táng, chôn cất, đều được chôn theo rất nhiều vàng bạc, châu báu để mong được bất tử. Chính điều này đã dẫn đến một hệ quả tất yếu là những lăng mộ đó nghiễm nhiên trở thành mục đích của bọn cướp bóc hoặc tư doanh hoặc quan doanh. Như Khổng lão phu tử đã có lần nhắc nhở về việc đem của cải chôn cùng người chết, châu báu quý giá: “Điều đó chẳng khác gì hành động tàn bạo làm hại người chết thêm một lần nữa[12]” Làm như vậy, chẳng những báu vật bị lấy cắp, mà ngay cả thể xác người chết cũng bị lăng nhục, giày xéo, hủy hoại ghê gớm, thậm chí còn phải hứng chịu những hành động tàn ác hơn thế. Ngoài thi thể với hình ảnh lông mày nhuốm đỏ được nhắc tới trước đó, Can Bảo trong Sưu thần ký, quyển mười lăm còn nhắc tới câu chuyện về Hán Hằng Đế Phùng, bảy mươi năm sau khi chết mà vẫn bị phát mả làm nhục. Thái bình quảng ký, quyển ba trăm ba mươi có tái hiện lại câu chuyện Đường Huyền Tông Hoa Phi Tử sau khi chết hơn hai mươi năm vẫn bị đào mả lên lăng mạ. Và ngay cả Hán Cao Lữ Thái hậu cùng với Từ Hi Lão Phật gia đã lớn tuổi như vậy mà cũng khó thoát khỏi tai ương. Có thể thấy, những tiểu thư khuê các và thái thái phu nhân miệng lưỡi lúc nào cũng tươi cười hời hợt thì lại có một cuộc sống ấm áp, nhàn nhã hơn. Trước kia Dương Liễn Chân gia đã cho khai quật lăng mộ của Chư đế, một vị vua thời Nam Tống, trong đó lăng mộ của Lý Tông được mai táng một cách chu đáo, cẩn thận nhất và thi thể cũng được xem là còn nguyên vẹn và đẹp nhất trong các thời đại đế vương trong lịch sử:
Thi thể của Lý Tông vẫn nguyên vẹn, đẹp đẽ như còn sống, có người nói ngài ngậm trong miệng viên dạ minh châu, nó có sức tỏa ngược lên thân cây, nhỏ xuống thành từng giọt nước bạc, cứ như vậy suốt ba ngày đêm. Cũng có người kể lại khi Tây Phiên Tăng tụng niệm theo phong tục phải lấy đầu lâu của đế vương thì mới có thể yếm thắng, giàu có, không may tục truyền đến tai kẻ trộm cắp. (Chu Mật - Quý tân tạp thức biệt tập).
[12] Trích trong Lữ thị xuân thu của Mạnh Đông Kỷ, An Tử Thiên.
Từ những lý do trên có thể thấy, sự xuất hiện của những “xác chết cương cứng” đã có từ rất lâu và tồn tại trong một khoảng thời gian dài. Mọi người hoặc dùng nó như một phương thuốc chữa bệnh trong y học, hoặc căn cứ vào đó để tìm kiếm châu báu. Dù bằng cách này hay cách khác thì con người đã vô tình hay cố ý vẫn làm tổn hại, thậm chí là lăng nhục những thể xác quý giá đó. Ngay bản thân họ cũng chẳng khác chi ốc không mang nổi mình ốc, còn nói gì đến chuyện gieo rắc tai họa cho người khác? Đương nhiên, nếu những hành động càn quấy làm hại người khác của hồn ma cương cứng được hiểu theo nghĩa rộng thì rất có thể đó là hành vi của một số yêu nữ thoát xác biến hình ra khỏi ngôi mộ, nhập vào ai đó rồi lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt người khác. Như trong Sưu thần ký, cuốn mười sáu ghi lại câu chuyện về Chung Diêu có một người con gái xinh đẹp vẫn thường xuyên qua lại, lui tới thăm nom, sau một thời gian biệt vô âm tín, bèn tìm đến một ngôi mộ lớn tìm kiếm, trong mộ có một người con gái, dung mạo xinh đẹp giống y như người còn sống. Nhưng những tình tiết này vốn là câu chuyện thường thấy trong sách vở giữa một ma nữ và một chàng thư sinh nào đó, chỉ có điều thi thể của ma nữ kia vẫn chưa bị phân hủy mà thôi. Mặc dù những hồn ma đó hoàn toàn không mang lại lợi ích gì cho con người thời đó, nhưng đối với hậu thế sau này, những thi thể cương cứng lại trở nên hết sức hung bạo, độc ác. Những câu chuyện kiểu như thế từ trước thời nhà Thanh rất ít xuất hiện, và nếu có được nhắc đến thì đều là những tính cách rất đỗi bình thường, không có gì đặc biệt hay nổi bật. Vì thế chúng tôi khẳng định câu chuyện về những thi thể cương cứng gieo rắc tai họa cho người khác thực sự xuất hiện tương đối muộn, căn cứ vào những tư liệu mà chúng tôi tổng hợp được thì phải tới triều đại nhà Thanh mới có những câu chuyện kiểu như thế.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...