Tân hôn phòng

Cho dù chỉ là một chú ốc sên nhỏ bé sống trong một thành phố rộng lớn nhưng hằng ngày tôi luôn nỗ lực hướng về phía trước!
Năm 2010, thế hệ 8X bước vào giai đoạn lập nghiệp. Người xưa có câu: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”[1], đồng thời cũng nhấn mạnh: “Tam thập nhi lập”[2]. Vì thế, bước qua tuổi ba mươi chúng ta dường như đã đi hết nửa cuộc đời.
Năm 2010, cuốn sách này được xuất bản để dành tặng thế hệ 8X, những người đã phấn đấu hết mình vì tình yêu, hôn nhân, một ngôi nhà riêng và một gia đình hạnh phúc!
[1] Người thọ bảy mươi xưa nay hiếm.
[2] Ba mươi tuổi là tuổi để lập nên sự nghiệp.
Lời tựa: Hạnh phúc là chuyện hết sức thực tế và nghiêm túc

Chiều nay, khi đọc cuốn tiểu thuyết Tân hôn phòng của Hà Lạc, tôi bỗng nhớ tới câu chuyện của năm năm về trước.
Khi đó, tôi mới kết hôn với người anh họ A Ngai, hai vợ chồng sống trong căn hộ nhỏ thuộc khu tập thể cơ quan. Ở đây, mỗi hộ gia đình chỉ có một phòng ngủ, còn lại phải dùng chung phòng khách, phòng bếp và nhà vệ sinh. Vì thế, những hôm trời nóng, chúng tôi vẫn phải ăn mặc kín mít, bởi nếu chẳng may sơ ý quên cài cửa nhà vệ sinh thì y như rằng sẽ bị hàng xóm “chiếu tướng”. Nhưng dù có như vậy thì mọi người vẫn cảm thấy rất hạnh phúc.
Có lẽ câu nói: “Có tình yêu uống nước lã cũng no” là để chỉ cuộc sống của chúng tôi lúc đó. Nhưng cổ nhân cũng có câu: “Vợ chồng nghèo trăm điều phiền muộn”.
Vì vậy, dù đang ở chốn thành thị phồn hoa nơi đất khách quê người nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng hết sức mình để có được một cuộc sống khấm khá, tiện nghi hơn trong tương lai. Đó là chúng tôi sẽ có một căn hộ riêng, thuộc quyền sở hữu của chính chúng tôi, không cần chia sẻ phòng tắm vào mùa hè với bất kỳ ai, không cần dùng chung phòng bếp vào mỗi bữa ăn và đêm đến có thể nói chuyện thoải mái mà không cần phải hạ thấp giọng hết mức để tránh ảnh hưởng đến phòng bên cạnh.
Sau khi chúng tôi kết hôn, “Nhà” đã trở thành mục tiêu phấn đấu hàng đầu trong “kế hoạch năm năm lần thứ nhất”. Chính vì mục tiêu này mà chúng tôi phải chắt bóp tằn tiện như Tiểu Lạc và Trình Hạo trong truyện: mua quần áo hay xem phim luôn phải chọn ngày giảm giá, tự nấu cơm ở nhà chứ không đi ăn quán, thời gian rảnh rỗi thì tranh thủ làm thêm để có chút đồng ra đồng vào.
Lúc đó, mỗi khoản thu nhập thêm dù ít ỏi nhưng đối với chúng tôi, những đồng tiền nhỏ nhoi ấy một lúc nào đó có thể đổi lấy được một phòng vệ sinh, nửa phòng ngủ hoặc một phần tư phòng khách.
Trên thực tế, cuộc sống như vậy đâu phải là vòng quay số phận chỉ của riêng gia đình chúng tôi.
Thế hệ chúng tôi được sinh ra trong thời đại có điều kiện tốt nhất nhưng ai cũng có cảm giác mình “sinh không gặp thời”. Chúng tôi chấp hành chế độ giáo dục chín năm bắt buộc, tức là phải học thêm một năm so với chế độ cũ, sau đó đua nhau đăng ký tuyển sinh đại học và phải đối mặt với ngày càng nhiều những đối thủ cạnh tranh khi cầm tấm bằng tốt nghiệp đi xin việc. Từ đó mỗi người sẽ có thêm nhiều cơ hội và ngã rẽ khác nhau nhưng sau lưng những con người tha hương lập nghiệp như chúng tôi lại được dán cái mác “dân con kiến”. Chúng tôi không biết cái gì gọi là “phân việc sau tốt nghiệp” hay “chia nhà phúc lợi”, thậm chí rất nhiều người ngay cả đến “biên chế chính thức” vẫn chỉ là giấc mơ xa vời.
Trong hoàn cảnh như vậy, căn nhà – bến đỗ hạnh phúc sau hôn nhân – sao mà xa xôi đến thế!
Cùng với sự trưởng thành của tầng lớp chúng tôi, trong xã hội cũng xuất hiện thêm một cụm từ mới gọi là “hôn nhân chay”. Sau khi kết hôn, chẳng lẽ bản thân chúng ta không muốn có nhẫn kim cương, có nhà mới, có váy cưới và đi hưởng thụ tuần trăng mật hay sao? Nhưng thực tế thì không phải ai cũng làm được như thế. Trình Hạo và Tiểu Lạc trong tiểu thuyết Tân hôn phòng cũng không ngoại lệ. Không có nhẫn kim cương cũng được, thất nghiệp họ cũng chẳng sợ, tuy nhiên cái ý niệm “không có nhà riêng thì không thể kết hôn” có lẽ đã ăn sâu vào tiềm thức của một số người. Trên thực tế, nếu nhiều người đã quen với việc tích lũy can đảm và bản lĩnh từ những áp lực, giành lấy sự sống từ những cạnh tranh thì đến một ngày, chúng ta sẽ phải chung tay để sở hữu được tất cả những thứ mà trước đó không có cách nào có được.

Chẳng hạn như tôi và người anh họ A Ngai, vào năm 2010 nằm trong giai đoạn cuối của “kế hoạch năm năm lần thứ nhất” sau khi kết hôn, chúng tôi rốt cuộc cũng được sở hữu một căn nhà “second-hand”, một chiếc xe giá rẻ và một cô công chúa nhỏ đáng yêu.
Mặc dù mọi thứ trong gia đình rất đơn giản nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy vô cùng đầm ấm và hạnh phúc.
Vì vậy, nhìn từ góc độ này, Tân hôn phòng không phải là tuyên ngôn về việc mua nhà rồi mới kết hôn mà thực chất nó phản ánh những cố gắng giành lấy một căn nhà – bến đỗ cho hôn nhân của Trình Hạo và Tiểu Lạc. Hơn thế nữa, vì những đắng cay nhọc nhằn, vì mồ hôi công sức đổ xuống để có được căn nhà đó, họ đã làm cách nào để biến nó trở thành một mái ấm thực sự.
Vì cùng nhau tích góp tiền mua nhà nên chúng ta gần như có chung một quyết tâm và nỗ lực.
Vì cùng nhau tích góp tiền mua nhà nên từng giây, từng phút, từng ngày chúng ta sẽ cảm thấy vui vẻ.
Vì cùng nhau đặt lời thề hẹn cho tương lai nên hạnh phúc sẽ nằm trong tầm tay của chính chúng ta.
Các tình huống chân thực trong Tân hôn phòng cùng những nét chấm phá nhỏ nhặt như ngụm trà đắng, bát nước tương pha muối mặn chát chính là cuộc sống mà chúng ta đang phải đối mặt hằng ngày. Nếu nói rằng trong mỗi con người đều có một Trình Hạo, một Tiểu Lạc, chi bằng hãy nói họ là chính chúng ta. Vì thế, quá trình đọc cuốn tiểu thuyết này cũng chính là quá trình mỗi cá nhân tìm được sự đồng điệu với chính bản thân mình.

Đây là những trang viết mà tôi yêu thích – vô cùng thực tế nhưng lại không mất đi sự lãng mạn làm rung động lòng người.
Quả nhiên, bản thân cuộc sống cũng chính là một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời nhất. Chính vì vậy, nó nhất định phải xuất phát từ những điều tưởng chừng vô cùng nhỏ nhặt.
Cảm ơn Hà Lạc!
Diệp Huyên (Tác giả Hôn nhân trên giấy)
08/07/2010


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui