Đêm hôm ấy, Trình Khâm gọi Tô Khiết vào thư phòng. Dẫu biết lúc này gặp nhau chỉ khiến cả hai thêm khó xử nhưng vương gia vẫn phải căn dặn nàng những điều quan trọng vì chỉ vài ngày nữa thôi, nàng sẽ tiến cung. Tô Khiết cũng không trái lệnh, bình thản đến gặp vương gia, kể từ lúc nhận được câu trả lời cuối cùng của ngài thì lòng nàng như đã chết, đành chấp nhận sự an bài của số phận.
- Ngươi phải tận tâm hầu hạ hoàng thượng.
Khi nghe lời dặn dò đó, Tô Khiết ngước nhìn Trình Khâm đang ngồi trên trường kỷ, bên dưới là tấm lót lông màu hung đỏ ấm cúng, cứ dán mắt vào các công văn. Ngài đã muốn Tô Khiết rời khỏi vương phủ thì thôi, cớ gì còn nói ra những lời thờ ơ như vậy, chẳng những thế còn không buồn nhìn nàng.
- Khiết Khiết kém cỏi, không dám hứa sẽ hầu hạ hoàng thượng chu đáo.
Bàn tay đang mở công văn liền dừng lại, Trình Khâm dễ dàng nhận ra chất giọng hờ hững của Tô Khiết. Ngài biết tính nàng có phần bướng bỉnh, lại quen sống ở vương phủ được ngài chiều chuộng, trong khi cung cấm là nơi chỉ cần nói sai một lời cũng có thể rơi đầu. Lòng lại không yên tâm với người nữ nhi mang bản tính hồn nhiên, chưa hiểu rõ hoàng cung khắc nghiệt ra sao nên ngài nén một tiếng thở dài, liền đặt công văn xuống bàn, bấy giờ mới nhìn nàng:
- Khiết Khiết, ngươi đến đây ngồi với ta.
Lặng thinh một chốc, Tô Khiết bước đến bên trường kỷ rồi ngồi xuống chỗ trống ở trước mặt mà ngài đã chừa ra, chỗ tấm lót lông được ngài ngồi trước đó vẫn còn hơi ấm. Ban nãy mang dáng vẻ hời hợt, nhưng giờ Tô Khiết lại khép nép hơn. Đối diện, Trình Khâm vừa nhìn nàng vừa nhẹ nhàng bảo:
- Ngươi hãy cứ xem hoàng thượng như là ta, mang cảm xúc thân thiết ấy mà hầu hạ người. Đối với phi tần, người cũng không đòi hỏi quá khắt khe.
- Ngài là ngài, hoàng thượng là hoàng thượng, làm sao có thể xem như một.
- Khiết Khiết đừng bướng bỉnh nữa, đây cũng coi như là phúc phận của ngươi.
Phúc phận? Tô Khiết cười nhạt trong lòng, thiết nghĩ phúc phận này bản thân không dám nhận, vốn dĩ nàng chỉ là một đứa bé gái bị đem bán ở chợ thôi. Vương gia ơi là vương gia, ngài không biết hay giả vờ không biết, rằng người nữ nhi này yêu ngài đến dường nào? Thế mà ngài cứ trước một câu, sau một câu, đều bảo nàng hãy xem hoàng thượng như ngài, há chẳng phải nhẫn tâm lắm sao?
- Được rồi, nếu đã như vậy thì Khiết Khiết cũng sẽ tưởng tượng vương gia chính là hoàng thượng mà hầu hạ thử xem đã chu đáo chưa.
Tô Khiết không biết vì sao lúc đó bản thân lại đi đến hành động này, chỉ là khi ấy trong lòng ấm ức quá đỗi và muốn trả thù vương gia một chút khi nàng bạo gan chồm người tới gần rồi đặt môi mình lên môi ngài! Không lường trước được việc làm này từ Tô Khiết nên Trình Khâm kinh ngạc trong một khắc, tiếp theo liền đẩy nhẹ nàng ra, mà hỏi: "Ngươi làm vậy là có ý gì?". Vẫn quyết ngang bướng đến cùng, Tô Khiết mỉm cười đáp rằng: Thử hầu hạ cho vương gia xem! Lần nữa, nàng liền vòng hai cánh tay qua cổ ngài kéo lại gần, tiếp tục hôn.
Rõ ràng suy nghĩ khi đó là phải đẩy Tô Khiết ra để chấm dứt chuyện điên rồ này, thế nhưng không hiểu sao thời khắc ấy, trái tim lãnh cảm lại dấy lên thứ cảm xúc khó tả khiến Trình Khâm trở nên mềm lòng, để rồi nụ hôn ấy cứ diễn ra.
Ban đầu Tô Khiết là người làm chủ nhưng do bản thân chưa từng trải qua chuyện gần gũi thân mật nên hôn rất vụng về, vì vậy chưa bao lâu thì Trình Khâm chuyển sang làm người chủ động. Môi ngài cứ miết lấy bờ môi anh đào mềm mại, từ chậm rãi chuyển sang nhanh hơn, từ nhẹ nhàng chuyển sang mạnh mẽ. Vừa hôn ngài vừa khẽ mở mắt quan sát Tô Khiết nhắm nghiền mắt, khuôn mặt chuyển sang ửng hồng bởi đang ngây ngất, điều đó khiến ngài thêm kích thích. Trình Khâm giữ chặt mái đầu nàng, môi càng ấn sâu như thể muốn hút trọn lấy hơi thở thơm ngát từ đôi môi đó. Bàn tay còn lại theo phản xạ liền vòng qua chiếc eo mảnh khảnh, ngài kéo nàng áp sát vào hơn, để bờ ngực mềm mại nép vào bờ ngực rắn rỏi.
Lần thứ nhất, Trình Khâm mất tự chủ là lúc mẫu phi qua đời, lần thứ hai ngài mất tự chủ chính là vào lúc này! Vị vương gia càng hôn Tô Khiết càng không thể dứt ra, rõ ràng ngài chẳng hề đủ tỉnh táo khi đối diện với nàng trong khi lại chưa bao giờ chịu thừa nhận, chỉ có con tim là thành thật nhất. Thứ tình cảm mãnh liệt nhưng dồn nén, kìm chế ở trong lòng bây giờ bùng phát khiến ngài gần như mất đi sự sáng suốt, mất đi sự điềm tĩnh vốn có. Ngài cùng người nữ nhi này hoàn toàn đắm chìm trong tình yêu và nỗi khao khát cháy bỏng.
Được Trình Khâm ôm chặt đến mức muốn ngộp thở, đầu óc Tô Khiết mơ màng chẳng nhận thức điều gì ngoài bờ môi ấm áp của vương gia, tầng tầng lớp lớp cảm xúc như cơn sóng lớn đổ ập vào nàng, vỡ oà. Rất nhanh, Tô Khiết cảm nhận ngài kéo nhẹ vai áo mình xuống để lộ đôi vai trần mịn màng, tiếp đến môi ngài hôn xuống chiếc cổ thơm ngát rồi di chuyển lên bờ vai trắng ngần. Thân thể bất giác nóng lên, hơi thở Tô Khiết trở nên dồn dập, miệng không tự chủ mà gọi:
- Khâm...
Âm thanh gọi cái tên ấy tuy nhỏ nhưng chẳng khác nào tiếng chuông mạnh mẽ, khiến cho thất vương gia đang chìm trong cơn say tình bỗng chốc sực tỉnh, kéo ý thức nhanh chóng trở về, mang theo một Trình Khâm hoàn toàn tỉnh táo.
Trình Khâm thấy mình đang giữ chặt hai cánh tay Tô Khiết, vai áo bị kéo trễ xuống, từ cổ xuống vai nàng hiển hiện những vết hôn mờ nhạt, bấy giờ bản thân mới kinh ngạc liền buông tay ra. Cả người bị buông hững hờ, Tô Khiết mới bừng tỉnh, lập tức mở mắt. Hai người nhìn nhau chăm chú, tự hỏi chuyện gì vừa xảy ra? Trong khi Tô Khiết kéo vai áo lên, gò má ửng hồng với biểu hiện ngượng ngùng thì Trình Khâm thoáng ngây người trong phút chốc. Có phải ngài vừa định chiếm đoạt Khiết Khiết? Tồi tệ! Ngài chỉ nói được ba từ: "Ta xin lỗi..." rồi lập tức xuống trường kỷ, bước vội ra khỏi thư phòng trong khi bên ngoài trời đang đổ mưa lớn.
Bị bỏ lại đột ngột, Tô Khiết thẫn thờ nhìn cửa phòng mở toang, gió lớn thổi lùa.
Ở giữa khu vườn tĩnh mịch đang chìm trong mưa lớn, bóng dáng Trình Khâm đứng cúi đầu hoàn toàn lặng yên, cứ hễ nhớ đến những hình ảnh thân mật ban nãy là ngài càng thêm giận dữ bản thân, giận dữ với chính cảm xúc của mình. Nước mưa đổ ào ạt, trút dữ dội xuống thân thể bất lực lẫn đau khổ.
Đúng lúc lão Độ cầm chiếc ô vội vội vàng vàng chạy ra che cho vương gia, hỏi ngài cớ sao lại dầm mưa trong đêm lạnh như thế? Tâm trí lúc này mờ mịt, Trình Khâm đẩy nhẹ chiếc ô ra, cất giọng trầm đục mà nghe buồn vô hạn:
- Cứ để mưa lạnh cuốn trôi đi những thứ không thể giữ lại.
Người nam nhân này liền nhắm mắt, bao nhiêu ký ức đau thương trong một lúc bỗng chốc hiện về, rõ ràng lẫn buốt giá...
*****
Trình Sở, vốn là hoàng tử thứ năm của tiên đế. Mẫu hậu là hoàng hậu uy quyền thế nên thân phận vị hoàng tử này từ nhỏ đã rất cao quý so với các hoàng huynh, hoàng đệ khác. Trong khi đó Trình Khâm, hoàng tử thứ bảy, có mẫu thân là Huệ phi - một phi tần bình thường nhưng rất được hoàng thượng sủng ái. Chính vì lẽ đó Huệ phi trở thành cái gai trong mắt hoàng hậu lúc bấy giờ nên đã nghĩ ra mưu kế hãm hại, khiến bà mất đi sự sủng hạnh chỉ sống trong Diêu cung vắng vẻ.
Bất hạnh không chỉ dừng ở Huệ phi mà còn ở con trai bà, Trình Khâm, vốn được sinh ra là một hoàng tử tài giỏi, thông minh và tốt bụng. Ngài đặc biệt được phụ hoàng để mắt đến, ưu ái hơn các hoàng tử khác.
Nếu hoàng hậu đố kỵ với Huệ phi, thì Trình Sở cũng đố kỵ với Trình Khâm.
Sự đố kỵ đó chính là: Hễ bất kỳ thứ gì Trình Khâm thích hoặc chỉ cần nó ở trong tay ngài thôi thì nhất định bằng mọi cách, Trình Sở cũng sẽ tìm cách đoạt lấy!
"Mau đưa con chim đó cho ta", đó chính là câu ra lệnh sắc lạnh mà Trình Sở dành cho Trình Khâm khi biết con chim ấy do phụ hoàng ban tặng.
Khi ấy Trình Khâm mười một tuổi, giương mắt nhìn Trình Sở đang mang khuôn mặt lạnh băng đáng sợ, trên tay ngài là chú chim non đang hót líu lo. Phụ hoàng tặng nó cho ngài, ngài rất thích nên ngày đêm đều chăm sóc chu đáo. Trình Khâm không muốn Trình Sở biết, nhưng rồi... Vị hoàng tử nhỏ tuổi đã im lặng khá lâu, sau cùng đành đặt chú chim vào tay hoàng huynh.
Trình Khâm không có sự lựa chọn! Bởi ngay từ nhỏ, ngài đã được mẫu phi dặn dò tỉ mỉ rằng: "Bất cứ thứ gì Trình Sở muốn, con nhất định phải nhường hết! Người đó là trưởng tử của hoàng hậu, nay mai thể nào cũng trở thành thái tử, tốt nhất đừng đắc tội! Nếu không, mẫu tử ta khó bề mà sống yên thân...". Đó chính là nguyên nhân, hễ Trình Sở ra lệnh là Trình Khâm phải nghe theo dù cho trong lòng không muốn đến dường nào đi nữa, dù cho bản thân ấm ức giận dữ ra sao.
Trình Sở cầm chú chim trên tay, đôi môi nở nụ cười thâm hiểm tiếp theo thì tàn nhẫn ném mạnh con vật đáng thương ấy xuống đất, giẫm đạp một cái.
"Tiếng hót của nó nghe thật chướng tai", Trình Sở buông lời thản nhiên đến cay độc trong khi quan sát biểu hiện thất thần của hoàng đệ, sau đó thoả mãn bỏ đi.
Trình Khâm đứng yên, lặng lẽ cúi đầu nhìn xác chú chim, ánh mắt non nớt khi ấy chẳng những đau xót mà còn đầy căm phẫn oán hận.
Điều khiến Trình Khâm thấy phẫn uất là ở chỗ: Bất cứ thứ gì chiếm đoạt được rồi thì vị hoàng huynh độc ác đó đều sẽ đối xử thật tàn nhẫn!
Suốt quãng thời gian thơ ấu cũng như trưởng thành, Trình Khâm luôn bị tước đoạt, nhưng ngài không có cách gì để phản kháng bởi nghĩ đến mẫu phi của mình. Chống lại Trình Sở nghĩa là chống đối hoàng hậu, không chỉ một mình ngài khổ sở mà còn cả mẫu phi nữa... Vì vậy, ngài đã sống cúi đầu lẫn đau khổ dường nào!
"Ta muốn bài thơ của ta là hay nhất khi trình lên phụ hoàng", chỉ cần Trình Sở nói bâng quơ như thế thôi là Trình Khâm tự khắc đổ mực lên bài thơ của mình, khiến cho những dòng thơ xuất chúng kia phải bị bôi bẩn dẫu lòng không ngừng gào lên: Ta thích bài thơ ấy! Rất thích!
"Ta không muốn đi săn với phụ hoàng mà có ngươi đi cùng", Trình Sở cầm những mũi tên vuốt nhọn thở dài một tiếng, tức thì Trình Khâm cúi xuống lấy đá đập vào chân mình đến chảy máu, lấy cớ bị thương mà không thể đi săn với hoàng thượng, dẫu khi ấy phải để nước mắt chảy ngược vào lòng: Đau! Đau lắm!
"Ta muốn về nhất trong cuộc thi cưỡi ngựa để phụ hoàng ban thưởng", Trình Sở vừa nói vừa cắt dây yên ngựa trước sự chứng kiến của Trình Khâm, và ngày hôm đó thất hoàng tử vẫn cưỡi trên lưng chú ngựa ấy để rồi hậu quả là ngã đến gãy tay, ngài không khóc dẫu trong lòng bi ai hỏi rằng: Thế này đã đủ chưa?
Giai đoạn cao trào khi đó, hoàng thượng vẫn chưa lập thái tử nên các hoàng tử thi nhau tranh giành trổ tài, thậm chí là giở đủ mọi thủ đoạn để có được sự để mắt từ phụ hoàng. Trong lòng hoàng thượng vốn đã có suy tính, muốn để Trình Khâm thành thái tử vì từ tài mạo, văn võ cho đến đức tâm đều có đủ. Thế nhưng do sự bức ép từ Trình Sở mà Trình Khâm ngày càng thụt lùi, giấu đi khả năng bản thân.
Khi ấy, bất ngờ xảy ra chuyện lớn mà đối với Trình Khâm là biến cố không thể quên. Lần nọ vì không thể nhường nhịn nên Trình Khâm khiến Trình Sở bị thương nặng, và dĩ nhiên hoàng hậu hay tin liền sai người đến đánh Huệ phi một trận đòn thật khủng khiếp. Hoàng hậu không trừng phạt Trình Khâm mà để ngài chứng kiến cảnh mẫu phi mình bị đánh đến thân thể loang máu.
Ngày hôm đó tang thương vô cùng, Huệ phi nằm bất động trên nền tuyết trắng, máu từ miệng không ngừng trào ra còn Trình Khâm thì quỳ lạy trước mặt hoàng hậu, đôi mắt khóc đến sưng đỏ và đau rát trong khi miệng liên tục cầu xin:
- Khâm nhi sai rồi, hoàng hậu nương nương! Xin người tha cho mẫu phi! Xin người để thái y đến cứu mẫu phi! Khâm nhi sai rồi! Nương nương, là Khâm nhi sai!
Vị hoàng hậu quyền uy đứng đấy với vẻ mặt nhẫn tâm đến rợn người, ánh mắt vô cảm thấu tận tâm can chỉ nhìn đứa trẻ đáng thương dập đầu liên tục bật khóc tức tưởi, van xin đến khàn giọng, bất lực tận cùng trước cảnh mẫu phi hấp hối.
Trình Khâm dập đầu xuống nền đất đến tươm cả máu, trán rách da rách thịt.
Huệ phi nằm trên đụn tuyết lạnh, cố dùng sức lực còn sót lại với tay đến chỗ con trai, miệng chẳng thể thốt lên lời nào mà lệ cứ tuôn trào.
"Thứ gì không thuộc về mình thì chớ có tranh giành", hoàng hậu mỉm cười độc ác đồng thời hất nhẹ chiếc áo khoác, thản nhiên rời khỏi Diêu cung.
Sau đó thái y có đến nhưng quá trễ, Huệ phi đã trút hơi thở cuối cùng. Máu bà vấy lên áo khoác lông màu bạc của con trai, chiếc áo rộng lớn phủ chụp trên thân thể nhỏ bé, cuộn tròn lấy vị hoàng tử trong đau thương mất mát đầu tiên.
Trình Khâm không bao giờ quên, mãi không quên...
Đó là đêm tuyết rơi rất nhiều, rất nhiều, có lẽ lạnh nhất trong cuộc đời ngài.
Cũng cùng thời điểm này, do sức ép từ hoàng hậu cùng với dòng họ của bà ta, hoàng thượng sau cùng đã lập Trình Sở làm đông cung thái tử.
Sau cái chết của Huệ phi, Trình Khâm thay đổi dần trở nên lặng lẽ, trầm tĩnh, ít cười ít nói, đối với Trình Sở càng không muốn phản kháng hay chống đối. Điều quan trọng là ngài bắt đầu ít để ý đến những thứ khác, hay đúng hơn là không muốn phải để tâm hay thích thú đến bất kỳ điều gì. Vì sợ, sẽ lại đánh mất...
Cho đến năm mười sáu, Trình Khâm gặp gỡ Tôn tiểu thư, thứ nữ của một vị quan trong triều đình. Vẻ đẹp thanh tao thoát tục của nàng khiến thất hoàng tử cảm mến ngay từ cái nhìn đầu tiên. Dù ban đầu, ngài cũng rất lo lắng không biết nên đối diện với cảm xúc này thế nào nhưng rồi ngài nhận được tâm ý từ Tôn tiểu thư nên hai người trở thành tri âm tri kỷ, sớm tối bầu bạn hàn huyên.
Dẫu có che giấu thế nào, chuyện này cũng đến tai Trình Sở.
"Ta muốn nàng ấy trở thành thiếp của ta", Trình Sở ban một lời dứt khoát như vậy trước mặt Trình Khâm và Tôn tiểu thư. Đã khá lâu rồi, Trình Khâm mới lên tiếng chống lại thái tử vì muốn bảo vệ người nữ nhi của mình:
- Thái tử, đệ và Tôn tiểu thư tình ý rõ ràng, xin ngài để cả hai được ở bên nhau!
- Còn ngươi thì sao? - Vị thái tử liền quay qua Tôn tiểu thư, hỏi.
Dĩ nhiên, nàng ấy đáp rằng: "Thần nữ muốn ở cạnh thất hoàng tử".
Khi đó, Trình Sở đã quay lưng bỏ đi, chẳng nói thêm lời nào nữa. Cứ ngỡ vị thái tử này đã chịu buông tha nhưng không, hậu quả còn tàn khốc hơn rất nhiều.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...