Social Phobia - Bệnh Sợ Xã Hội
Tôi vẫn còn nhớ trong bài thi cuối kỳ môn tâm lý học của mình có câu:
Andrianna rất sợ phải tiếp xúc với đám đông, nỗi sợ ấy càng ngày càng lớn dần đến mức cô không dám đến lớp vì sợ cô phải nói chuyện, hoặc là phải tham gia vào những hoạt động nào đó với nhiều người. Từ những mô tả trên, Andrianna có thể bị mắc bệnh gì?
a) bệnh tâm thần phân liệt
b) bệnh hai cực
c) bệnh OCD
d) bệnh sợ xã hội (Social phobia)
Chắc chẳng khó để một người có những kiến thức cơ bản không chuyên về tâm lý học đoán ra Andrianna bị mắc chứng sợ xã hội. Nói một cách cực kỳ tóm gọn về bệnh này thì điểm nổi bật nhất của nó chính là bệnh nhân có những hành động quá cực đoan để tránh không tiếp xúc với bất kỳ ai ( trong trường hợp của Andrianna, cô thậm chí còn nghỉ học, ở nhà để tránh phải tiếp xúc với bất kỳ ai )
Những đặc điểm nổi bật của chứng sợ xã hội bao gồm nỗi sợ hãi dai dẳng về xã hội và các mối giao tiếp thường ngày , hoặc nỗi sợ hãi về những tình huống mà mình sẽ bị mất mặt hay xấu hổ xảy ra. Người bị mắc bệnh này khi bị bắt phải giao tiếp, tham gia các hoạt động đòi hỏi sự tương tác giữa những thành viên thì ngay lập tức sẽ bị kích động dẫn đến sự hoảng loạn, và cơ thể sẽ có những phản ứng tương tự như bệnh đột quỵ ở người cao tuổi với hơi thở ngắn, tim đập nhanh, người bệnh cảm thấy không thở được . Mặc dù thanh thiếu niên và người lớn có thể nhận thấy sự sợ hãi của họ là quá mức hoặc vô lý, nhưng trẻ em thì không như vậy. Thông thường, trẻ em hay tránh những hoạt động mang tính chất xã hội hay bắt buộc mình phải tham gia nó với nỗi kinh sợ. Để được coi là mắc chứng sợ xã hội, thì người bệnh phải có những biểu hiện như tránh né, sợ hãi, lo lắng không nguôi trước những tình huống mình phải hòa với đám đông, hoặc để cho việc giao tiếp thông thường với những người xung quanh làm cản trở hoạt động thường ngày. Nếu bệnh nhân dưới 18 tuổi thì những biểu hiện trên phải liên lục trong vòng 6 tháng mới được chuẩn đoán mắc chứng Sợ xã hội. Nỗi sợ hãi hay sự lảng tránh không phải là kết quả từ việc dùng thuốc tác động lên tâm lý hay những điều kiện về sức khỏe. Và đương nhiên, không nên lầm lẫn chứng Sợ xã hội này với những căn bệnh tâm lý tương tự khác .
Nói về nỗi sợ hoặc những tình huống giao tiếp, mỗi cá nhân với chứng bệnh này thường quan tâm thái quá về mặt mũi và các tình huống có thể làm cho họ xấu hổ, lung túng hay ngượng nghịu, đồng thời luôn lo lắng cái nhìn của người khác với mình, sợ họ sẽ cho rằng mình ngu ngốc, điên khùng, hay yếu đuối. Họ cũng có thể cảm thấy sợ khi phải đứng phát biểu trước công chúng vì lo lắng người khác sẽ chú ý đến giọng nói run rẩy hay bàn tay đang mướt mồ hôi của mình. Người mắc chứng sợ xã hội trải nghiệm nỗi lo âu, kinh hoàng tột điểm lúc nói chuyện với người khác vì sợ rằng mình sẽ bị cà lăm, không thể giao tiếp đàng hoàng được. Nói một cách tóm gọn, họ sợ hãi những tình huống có thể làm cho người khác nghĩ xấu, cười cợt về họ. Đã là người, không ít thì nhiều đều để tâm đến cái nhìn thế tục, ánh mắt người đời, họ luôn có cách đối phó cho riêng mình, nhưng những bệnh nhân bị mắc chứng xã hội lại phòng bị trước những tình huống đó với một thái độ quá mức tiêu cực.
Bệnh nhân với chứng này thường tránh không ăn, uống, hoặc viết ở nơi công cộng, vì nỗi sợ những người qua lại sẽ nhìn thấy bàn tay đang run không ngừng của mình. Hầu hết, họ đều có những triệu chứng liên quan đến hoảng loạn như cơ bắp căng cứng, đổ mồ hôi, bao tử khó chịu, tiêu chảy, đỏ mặt, bối rối. Trong đó, đỏ mặt là một đặc điểm chính của chứng sợ xã hội
Nếu bạn đang băn khoăn rằng có những lúc bạn đến lớp mà quên không kịp chuẩn bị bài. Trong khi cô giáo đang dò danh sách để coi bạn nào chuẩn bị lên đoạn đầu đài ngày hôm nay thì ở dưới này, bạn cảm thấy tim mình sắp nhảy ra khỏi lồng ngực. Bàn tay không ngừng tướt mồ hôi, hơi thở gấp gáp chân thì run lẩy bẩy, và khi đọc đến đây, bạn đang tự hỏi rằng mình có bị mắc chứng sợ xã hội hay không thì tôi xin thưa rằng không. Những phản ứng cơ thể của bạn hoàn toàn có thể tránh khỏi bằng việc chuẩn bị bài kỹ hơn. Hơn nữa, nỗi sợ của bạn là có lý do (quên học bài nên sợ bị cô gọi lên) còn những người mắc chứng sợ xã hội không cần bất cứ lý do gì để sợ cả. Chỉ là, họ quá chú tâm vào cái cách mà người khác đánh giá về mình thôi, họ không muốn là trung tâm của mọi ánh nhìn, nếu được, họ muốn thu gọn mình về một góc, càng ít người chú ý thì càng tốt .
Không phải bất kỳ nỗi sợ nào khi phải giao tiếp với người khác đều được coi là chứng Sợ xã hội, mà nỗi sợ này phải can thiệp và ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến đời sống thường ngày của người bệnh trong công ăn việc làm, học hành, giáo dục, như Adrianna . Hoặc bệnh nhân phải có những lúc cực kỳ lo lắng về cảm xúc, sự lảng tránh bất bình thường này của mình. Nói cách khác, bệnh nhân phải biết được rằng, những hành vi trốn tránh, cảm giác sợ hãi, lo lắng tột độ, không dám làm gì và cố gắng thu mình về một góc này là vượt xa mức bình thường. Ví dụ như một người sợ phải phát biểu trước công chúng sẽ không được coi là mắc chứng Sợ xã hội nếu như nỗi sợ này của anh ta không ảnh hưởng gì đến hoạt động thường ngày và công việc, lớp học. Hơn nữa, anh cũng không quá lo về tình huống này của mình. Sợ mình sẽ bị mất mặt là chuyện bình thường ngày trong xã hội nhưng mức độ của nó thường không đến nỗi để bị liệt vào chứng Sợ xã hội. Những chứng sợ xã hội, hoặc ngại đám đông thì đặc biệt bình thường đối với trẻ em hoặc thanh thiếu niên (ví dụ như thiếu nữ mới trưởng thành thì ngại phải ăn uống trước mặt một đám con trai nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn thì cô bé lại không cảm thấy sợ nữa). Thế nên với những người dưới 18 tuổi thì những biểu hiện phải liên tục trong vòng 6 tháng liền mới đươc coi là mắc chứng Sợ xã hội thật.
Đặc biệt hơn, những triệu chứng bệnh còn được dùng làm nguồn chuẩn đoán những nỗi sợ có liên quan nhiều đến tình huống xã hội (như bắt đầu, hoặc duy trì cuộc nói chuyện, tham gia vào nhóm, hẹn hò, nói chuyện với lãnh đạo, tham dự các buổi tiệc) Cá nhân người bệnh mắc chứng Sợ xã hội thì thường đồng thời sợ hoạt động trước công chúng và các tình huống giao tiếp với người xung quanh, và cũng vì bệnh nhân thường không phản ứng hết những triệu chứng, hành động mà tôi nêu trên trong một tình huống riêng rẽ, cho nên sẽ rất hữu dụng nếu bác sĩ phụ trách rà lại danh sách hoạt động xã hội mà bệnh nhân đã tham gia.
Theo khảo sát từ các phòng khám thì tỷ lệ người mắc bệnh thường khác nhau tùy theo nền văn hóa. Trong một vài nền văn hóa như Nhật và Hàn, người dân ở đó thường sợ làm mất lòng người khác một cách quá mức và đó cũng là một triệu chứng bệnh thay vì sợ xấu hổ. Những nỗi sợ này thường biểu hiện qua những hành vi lo lắng quá độ như đỏ mặt, nhìn thẳng vào mắt, hoặc mùi hôi của một người cũng có thể là nguyên nhân làm mất lòng người khác ( như ở Nhật)
Chứng bệnh này có nhiều khả năng di truyền cho đời thứ nhất, có thể tự động biến mất rồi quay lại hoặc có thể không . Ví dụ như nếu người bệnh có triệu chứng sợ hẹn hò, kết hôn thì người này sẽ dần làm quen với cuộc sống mới và khắc chế nỗi sợ của mình, tuy nhiên bệnh tình có thể quay lại sau khi người bạn đời của họ chết đi. Hay một công việc mới đòi hỏi người bệnh phải nói trước công chúng có thể tạm thời làm giảm chứng Sợ xã hội ở một người chưa bao giờ phải xuất hiện trước đám đông.
Qua những biện pháp chữa trị tâm lý mà tôi học được thì theo ý kiến cá nhân mình, bệnh Sợ xã hội có thể chữa trị bằng phương thức hành vì (Behavioral therapy), tập trung vào hành vi của bệnh nhân. Ban đầu bệnh nhân bị bắt phải tham gia vào những tình huống mà ngày thường họ sẽ tránh, và với những tình huống lặp đi lặp lại như vậy, họ sẽ dần bớt lo âu đi và học cách khắc phục nỗi sợ của mình. Một trong những liệu pháp được dùng rộng rãi nhất của phương thức hành vi này là gây cảm xúc có hệ thống (systematic sensitization), với quá trình được thực hiện theo từng bước một, bệnh nhân sẽ học được cách giảm dần nỗi sợ hãi của mình. Mục đích của liệu pháp này là tìm cách kết hợp nỗi sợ và thư giãn tinh thần lại với nhau.
Còn một biện pháp khác chính là dùng phương thức hành vi – nhận thức. Đây là biện pháp tổng hợp từ phương thức hành vi và phương thức nhận thức, tập trung vào xây dựng cách suy nghĩ của bệnh nhân, thay đổi nó để thay đổi hành vi.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...