Tâm Lí Học Tổng Hợp

  1. Bạn có tin rằng mỗi khi nhìn mặt một người, bạn phát hiện ra một phần của mình ở đó không? Không chỉ là một phần trái tim khối óc tính cách đâu, mà là "một phần gương mặt.

Thật đấy, vì chúng ta đều được bố trí giống nhau và có cách tương tác các nét trên gương mặt giống nhau, nên chúng ta thường thấy ở người khác một phần của mình, và vui mừng hoặc khó chịu với điều đó.

Ví như có một người bạn thấy xấu lắm, tự dưng bạn khó chịu. Một nhà tâm lý trị liệu sẽ nói rằng đó là do bạn khó chịu với chính mình đấy chứ đâu. Hoặc bạn yêu một cô gái đẹp. À, rõ ràng nhé, bạn tự yêu mình đấy thôi. Cái thế giới đó quá khủng khiếp, trong nó, ta đi tìm mình và đổ đốn sinh đủ thứ tâm cảm lăng nhăng lộn xộn vì nó.

Ảnh:

Cái ông bên trên thì sao? Ban thấy ông ý hiền lành suy tư hay hung dữ? Bạn có thể tha hồ gán cho ông ta tính cách hoặc cá tính gì cũng được.

Này, ta thử nghĩ xem: nếu thật là mỗi điều chúng ta gán cho nhau đều biến thành một sự thật nho nhỏ, thì chúng ta sẽ có một nhân cách hổ lốn thế nào nhỉ?


Ai cũng thấy tôi giống Trương Phi và Hắc Toàn Phong Lý Quỳ, giống anh chặt thịt lợn hoặc bảo vệ. Bốn người ấy đang ngồi viết những dòng này cho bạn đây (hic, xã hội thật đáng sợ).

Cái ông già trong ảnh nhỏ bé mờ nhạt này đã khám bệnh cho một anh giai trẻ, và bằng một sự xúc động nào đó mà cho rằng anh ta bị chứng "Sa sút Tâm trí sớm" (Démence Précoce/Dementia Praecox).

Đừng sợ thuật ngữ, ý của ông già này là "Mất Trí Nhớ khi còn trẻ". Và bạn biết không, đó gần như là tên gọi hiện đại đầu tiên của bệnh Tâm thần phân liệt. Ông già này là một bác sĩ người Pháp, Bénédict Augustin Morel (1809 – 1873). Năm ông đưa ra cái chứng mất trí nhớ trẻ trung này là 1852, và 8 năm sau đó ông sẽ còn nhức nhối nhắc lại nó.

Hình như Hysteria (Chứng cuồng loạn) và Schizophrenia (Tâm thần phân liệt) là những gì đáng nói nhất của tâm thần học hiện đại, nền tảng của tất cả những thứ tâm thần mà ta biết đến giờ.

Suy tư đầu tiên của chúng ta về cái tâm thần phân liệt này là: chứng quên quên nhớ nhớ ngày càng trầm trọng của tuổi trẻ. Đừng giật mình vội nhé. Chuyện giai trẻ chưa xong đâu.

Năm 1863, bác sĩ Karl Ludwig Kahlbaum (1828-1899) người Đức đã đưa ra thuật ngữ "Jugendliche Irresein" nghĩa là "chứng điên thanh xuân". Ôi thanh xuân điên dại về đủ mọi thứ của chúng ta. Và ông cũng nghĩ ra cái từ ấy do xem xét một bệnh nhân trẻ tuổi. Tuổi trẻ bị làm sao ấy nhỉ? Học trò của ông, Ewald Hecker (1843-1909), thậm chí đã đặt tên cho bệnh này là: "Bệnh thanh xuân" (hebephrenia).

Điều tương tự cũng được cha đẻ của tâm thần học hiện đại, bác sĩ EMIL KRAEPELIN (1856-1926) người Đức lặp lại trong một cuốn sách chỉ nghe tên đã biết kinh điển: A Textbook: Foundations of Psychiatry and Neuroscience. Với cuốn sách này, nền tâm thần học hiện đại ra đời, cùng lúc với năm mất của Karl Marx (1883). Kraepelin miêu tả bệnh này là: "tình trạng leo thang cấp tính của một số yếu tố đặc biệt thuộc về suy nhược tinh thần ở tuổi trẻ."

Quên?

Suy nhược?


Tuổi trẻ?

Đúng, bạn không nhầm đâu.

2. Nhưng cuối thế kỷ 19, lại nổi liên một thiên tài khác: Sigmund Freud.

Thôi, đừng nói nhiều về người đã được nói quá nhiều. Được truyền cảm hứng bởi những nghiên cứu của Freud, một người bạn của ông là Bác sĩ Eugen Bleuler (1857-1939), người Thụy Sỹ là người đã đặt tên chính chức cho chứng tâm thần phân liệt.

Tuyệt đấy, một người khai sinh ra phân tâm học bằng cái nhìn xuyên qua chứng Hysteria, người kia thì xuyên qua Schizophrenia. Ông Bleuler này đưa ra thuật ngữ này trong Dementia Praecox, oder Gruppe der Schizophrenien (Dementia Praecox, or the Group of Schizophrenias) (1911) và ngay lập tức nó đã được dùng phổ biến.

Nếu cái từ này làm bạn ngạc nhiên nhưng giả vờ đã biết và tra từ điển, thì để tôi nói ngay cho: nó vốn là một từ Hy Lạp, ghép giữa hai từ 'schizo' (split – nứt toác ra tách nhau ra) and 'phren' (mind – tâm trí và cách mà ta nghĩ).

Bạn biết điều đặc biệt từ Bleuler là gì không? Ông nhận ra rằng cái "tâm thần phân liệt" ấy không phải là một bệnh, mà là gồm các nhóm bệnh khác nhau, do nhiều nguyên nhân gây ra (cả sinh học và môi trường kết hợp với nhau).


Dù vì gì đi nữa, chứng tâm thần phân liệt vẫn có một đặc điểm cực kì đặc biệt mà ta đã nói ngay ở đầu: một chứng bệnh thanh xuân, theo hai nhà tâm thần học két tiếng Jim Van Os và Shitij Kapur công bố trong bài Schizophrenia đăng trên tạp chí quốc tế Lancet vào năm 2009.

Và bạn lòng ạ, chốt lại cái chứng mất trí sớm này là khả năng suy nghĩ về thực tại của họ bị lộn xộn tăng cấp, quên nhớ lẫn lộn, toàn thấy ảo giác, nghe thấy tiếng động hay giọng nói không có thật, rối loạn suy nghĩ; hoặc chí ít vô cảm hay thiếu động lực sống, bất ổn trí nhớ.

Bạn có hơi ớn không, khi nghe những điều ấy? Nếu bạn là một nhà tâm lý trị liệu nhập môn, hãy bắt đầu với ý nghĩ này: nếu có một trong vài triệu chứng này thì sao, chúng có liên quan đến nhau không?

Dĩ nhiên khi nghĩ thế, thật rùng rợn là ít nhất có một phần lớn dân số hay quên, thường huyễn tưởng suy nghĩ vẩn vơ linh tinh, hay tự nghĩ lại trong đầu những gì người khác nói, tưởng tượng ra đủ thứ, suy nghĩ ngày càng thiếu trọng tâm, theo đó ngày càng tách khỏi cuộc sống.

Nếu đúng là thế, khốn khổ thay cho tuổi trẻ, đâu là ranh giới giữa triệu chứng và bệnh, và đâu là ranh giới giữa một tình trạng tâm lý và triệu chứng? Nước nhỏ trên đầu ngón tay đã là ướt chưa, tắm mưa đã tính là nhúng nước chưa, nhúng nước đã tính là sũng nước chưa? Đây là một thời đại điên đảo, có lẽ chúng ta đều điên mất...
***  


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui