Tâm Lí Học Tổng Hợp

Cơ chế phòng vệ – khái niệm nổi tiếng nhất được Sigmund Freud sử dụng trong thuyết phân tâm của ông – là chiến thuật do bản ngã tạo ra để chống lại lo âu.

Có lẽ bạn từng nghe nói về cơ chế phòng vệ (defense mechanism), hoặc những cách ta bảo vệ mình khỏi những vấn đề mà ta không muốn nghĩ đến hoặc đối mặt. Cụm từ này bắt nguồn từ liệu pháp phân tâm học, nhưng đã dần trở thành ngôn ngữ thường ngày. Hãy nhớ lại lần cuối bạn mô tả một người nào đó là "đang phủ nhận thực tế" hoặc bảo ai đó là đang "hợp lý hóa vấn đề." Cả 2 trường hợp trên đều là ví dụ về cơ chế phòng vệ.

Trong mô hình định vị tính cách của Sigmund Freud, bản ngã là phần tính cách đối mặt với thực tế. Khi hoạt động, bản ngã cũng phải xử lý những yêu cầu đối lập của bản năng và siêu ngã. Bản năng tìm cách đáp ứng tất cả những nhu cầu, mong muốn và ý định bốc đồng trong khi siêu ngã cố bắt bản ngã hành động theo hướng lý tưởng và có đạo đức.

Chuyện gì sẽ xảy ra khi bản ngã không thể xử lý được những yêu cầu từ mong muốn của ta, ràng buộc của thực tế và tiêu chuẩn đạo đức của ta? Theo Freud, lo âu là trạng thái tâm lý khó chịu mà ai cũng muốn tránh. Lo âu là tín hiệu báo cho bản ngã biết rằng mọi việc đang không ổn. Kết quả là bản ngã chọn một cơ chế phòng vệ để giảm cảm giác lo âu xuống.

Freud xác định 3 kiểu lo âu như sau:

1. Lo âu nhiễu tâm (neurotic anxiety) là cảm giác lo lắng vô thức rằng ta sẽ mất kiểm soát những ham muốn của bản năng, dẫn đến việc bị phạt vì có hành vi không phù hợp.
2. Lo âu thực tế (reality anxiety) là nỗi sợ về những sự kiện thực tế. Ta thường dễ xác định được nguyên nhân của kiểu lo âu này. Ví dụ như một người có thể sợ bị chó cắn khi đứng gần một con chó dữ. Cách thường dùng để giảm kiểu lo âu này nhất là tránh những đối tượng đe dọa.
3. Lo âu đạo đức (moral anxiety) là nỗi sợ vi phạm nguyên tắc đạo đức của mình.

Để đối phó với cảm giác lo âu, Freud cho rằng các cơ chế phòng vệ sẽ giúp bảo vệ bản ngã khỏi những xung đột gây ra bởi bản năng, siêu ngã và thực tế.

Cơ Chế Phòng Vệ Là Gì?

Cơ chế phòng vệ – khái niệm nổi tiếng nhất được Sigmund Freud sử dụng trong thuyết phân tâm của ông – là chiến thuật do bản ngã tạo ra để chống lại lo âu. Các cơ chế phòng vệ có nhiệm vụ bảo vệ tâm trí khỏi những cảm xúc và suy nghĩ mà tâm thức không thể đối phó được. Trong một số trường hợp, cơ chế phòng vệ được xem là có vai trò ngăn chặn những suy nghĩ và ý định bốc đồng không phù hợp hoặc không mong muốn khỏi tâm thức.

Khi ta lo âu, bản năng, siêu ngã và thực tế sẽ tạo ra yêu cầu. Do đó, bản ngã đã tạo ra một số cơ chế phòng vệ để đối phó với lo âu. Cho dù ta có thể nhận thức được khi sử dụng những cơ chế này, nhưng trong nhiều trường hợp thì nó hoạt động một cách vô thức để bóp méo thực tế.

Ví dụ như nếu bạn phải đối mặt với một công việc rất khó chịu thì tâm trí bạn có thể chọn quên đi việc đó để tránh cảm giác tiêu cực. Ngoài cố ý quên đi ra, còn có những cơ chế phòng vệ khác bao gồm hợp lý hóa, phủ nhận, ức chế, phóng chiếu, từ chối và phản ứng ngược.

Dù tất cả các cơ chế phòng vệ đều không lành mạnh, nó vẫn có thể thay đổi để thích ứng và giúp ta sinh hoạt bình thường. Những vấn đề lớn nhất sẽ nảy sinh khi các cơ chế phòng vệ bị lạm dụng để tránh đối mặt với vấn đề. Trong liệu pháp phân tâm học, mục tiêu có thể là giúp bệnh nhân khám phá những cơ chế phòng vệ vô thức này và tìm cách tốt hơn để giải quyết lo âu và căng thẳng.


Các nhà nghiên cứu đã tìm ra nhiều cơ chế phòng vệ khác nhau. Con gái của Sigmund Freud, Anna Freud đã mô tả 10 cơ chế phòng vệ khác nhau do bản ngã sử dụng.

1. Phủ Nhận (Denial)

Phủ nhận có lẽ là một trong những cơ chế phòng vệ được nhiều người biết nhất. Nó thường được dùng để mô tả tình huống mà trong đó người ta dường như không thể đối diện với thực tế hoặc thừa nhận một sự thật hiển nhiên (ví dụ "Anh ấy đang phủ nhận."). Phủ nhận là hành động chối bỏ thẳng thừng việc chấp nhận hoặc công nhận điều gì đó đang hoặc đã xảy ra. Người nghiện ma túy hoặc rượu bia thường phủ nhận họ có vấn đề, còn nạn nhân của những sự kiện chấn thương tâm lý có thể phủ nhận sự kiện đó đã diễn ra.

Lấy ví dụ về một người phụ nữ kết hôn và sống cùng chồng 40 năm nay, và bà vừa đưa ông vào bệnh viện vì trong khi họ làm việc ngoài vườn thì ông ấy chợt nói năng khó khăn rồi trông có vẻ kiệt quệ. Các bác sĩ chẩn đoán chồng bà bị đột quỵ, giờ não đã chết và sẽ không hồi phục được. Dẫu thế, mỗi ngày bà vẫn vào bên cạnh giường ông, nắm tay và trò chuyện. Các điều dưỡng bảo ông không thể nghe thấy song bà vẫn nói với ông hàng ngày. Các bác sĩ bảo ông không hồi phục được song bà thì tự nhủ với bản thân rằng 'tôi biết ông ấy sẽ qua khỏi, ông ấy là một người đàn ông mạnh mẽ'. Người phụ nữ này đang ở trong một trạng thái tâm lý lạ lùng: trạng thái phủ nhận. Bà rất khó khăn để tin những gì diễn ra. Mới đây thôi, bà còn ở ngoài vườn cùng ông, thích thú bên nhau làm công việc ưa thích. Trước hôm xảy đến sự cố một ngày, họ cùng nhau đến thăm gia đình một người bạn. Ông ấy cơ chừng toát lên nét vẻ thật hạnh phúc và khỏe mạnh. Ông ấy không đau ốm gì lắm khi bà đưa vào bệnh viện. Thế mà, trong chớp mắt thôi, họ đang nói rằng ông sắp chết. Nỗi đớn đau thấm đẫm cảm xúc này bà chưa từng phải chịu đựng. Bà không sẵn sàng chấp nhận việc người đàn ông đầu ấp tay gối suốt 40 năm qua sẽ không về cùng nhà với bà nữa. Bà không chuẩn bị tinh thần cho việc sống cuộc đời vắng bóng hình ông. Vì vậy, tâm trí vô thức cung cấp một phòng vệ hiệu quả (hầu như tạm thời) để bà chống lại nỗi đớn đau. Rồi dần mai một, khi bà đủ khả năng chấp nhận thực tế phiền não, sự chối bỏ của bà bị bẻ gãy, lúc ấy, nỗi đau bấy lâu tích chứa phun trào và bà sẽ xót buốt cõi lòng ghê gớm.

Cơ chế phủ nhận có mục đích bảo vệ bản ngã khỏi những điều mà bản thân người này không đối mặt nổi. Cho dù phủ nhận có thể bảo vệ ta khỏi lo âu hoặc đau đớn, nó cũng lấy của ta nhiều năng lượng. Vì vậy, những cơ chế phòng vệ khác cũng được sử dụng để giữ những cảm xúc khó chịu tránh xa ý thức của ta.


Trong nhiều trường hợp, có thể có bằng chứng rõ ràng cho thấy một điều gì đó đúng, nhưng người này vẫn sẽ tiếp tục phủ nhận sự thật vì họ không thể đối mặt nổi.

Phủ nhận có thể bao gồm thái độ chối bỏ thẳng thừng sự tồn tại của một sự thật hoặc thực tế. Trong những trường hợp khác, người ta có thể thừa nhận điều gì đó là đúng, nhưng hạ thấp tầm quan trọng của nó xuống. Đôi khi người ta sẽ chấp nhận thực tế và tính chất nghiêm trọng của vấn đề, nhưng sẽ phủ nhận trách nhiệm của mình và đổ lỗi cho người khác hoặc cho hoàn cảnh.

Tôi không chua. Quả chanh đang chối bỏ (denial)

Nghiện là một trong những ví dụ nổi tiếng nhất của cơ chế phủ nhận. Những người đang lạm dụng chất gây nghiện thường phủ nhận hoàn toàn chuyện hành vi của họ có vấn đề. Trong những trường hợp khác, họ có thể thừa nhận mình có sử dụng chất gây nghiện hoặc rượu bia, nhưng sẽ nói rằng đó không phải là vấn đề.

2. Ức Chế và Xóa Bỏ (Repression and Suppression)

Ức chế là một cơ chế phòng vệ nổi tiếng khác. Ức chế có mục đích chặn thông tin khỏi ý thức. Tuy nhiên, những ký ức này không biến mất mà tiếp tục ảnh hưởng lên hành vi của ta. Ví dụ, một người ức chế ký ức bị lạm dụng khi còn nhỏ sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ.

Đôi khi ta cố ý loại thông tin không mong muốn ra khỏi ý thức của mình, cơ chế này có tên là xóa bỏ. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, người ta cho rằng việc xóa bỏ ký ức gây lo âu khỏi ý thức được diễn ra trong vô thức.


Jeanette từng bị bạo hành khi còn bé. Cô ấy không còn nhớ về quá khứ bị bạo hành nhưng hiện tại cô đang vật lộn, cố gắng để tin tưởng người khác và thiết lập các mối quan hệ.

3. Chuyển Dịch Cảm Xúc (Displacement)

Bạn đã bao giờ trải qua một ngày làm việc tồi tệ, sau đó về nhà trút giận lên gia đình và bạn bè mình chưa? Nếu có thì bạn đã trải qua cơ chế chuyển dịch cảm xúc của bản ngã.

Chuyển dịch cảm xúc nghĩa là trút sự bất mãn, cảm xúc và ý định bốc đồng của ta lên người khác hoặc vật nào ít đe dọa ta hơn. "Giận cá chém thớt" là một ví dụ thường gặp của cơ chế phòng vệ này. Thay vì thể hiện sự giận dữ theo những cách có thể gây hại cho ta (như tranh cãi với cấp trên), ta lại thể hiện sự giận dữ đối với một người hoặc vật không đe dọa mình (như vợ/chồng, con cái hoặc vật nuôi).

4. Thăng Hoa (Sublimation)

Thăng hoa là cơ chế phòng vệ cho phép ta thực hiện những ý định bốc đồng không thể chấp nhận được bằng cách biến những hành vi đó thành những hành vi được chấp nhận hơn. Ví dụ, một người đang rất giận dữ có thể chọn môn đấm bốc làm công cụ trút giận. Freud tin rằng thăng hoa là dấu hiệu của sự trưởng thành, cho phép ta sinh hoạt bình thường theo những cách được xã hội chấp nhận.

Người Brazil phát minh ra đồ vật như thế nào. Đây là ví dụ của cơ chế thăng hoa.


5. Phóng Chiếu (Projection)

Phóng chiếu là cơ chế phòng vệ đem những đặc điểm hoặc cảm xúc không chấp nhận được của ta gán cho người khác. Ví dụ, nếu rất ghét một ai đó, bạn lại có thể cho rằng người đó cũng không thích bạn. Cơ chế phóng chiếu cho phép ta thể hiện mong muốn hoặc ý định bốc đồng, nhưng theo cách bản ngã không nhận ra, từ đó giảm bớt lo âu.

Một người đàn ông ngoại tình, nhưng lại buộc tội vợ mình rằng cô ấy không chung thuỷ. Đây là một ví dụ của cơ chế phóng chiếu.

6. Trí Thức Hóa (Intellectualization)

Trí Thức Hóa làm giảm lo âu bằng cách suy nghĩ về các sự kiện theo hướng lạnh lùng và lãnh đạm. Cơ chế phòng vệ này cho phép ta tránh suy nghĩ về những khía cạnh căng thẳng, kích động của tình huống mà chỉ tập trung vào những yếu tố trí thức. Ví dụ, một người vừa bị chẩn đoán mắc bệnh hiểm nghèo có thể tập trung tìm hiểu tất cả thông tin về bệnh đó để tránh đau buồn và tách biệt khỏi thực tế.


Sau khi bị chẩn đoán mắc ung thư, Greg tìm hiểu tất cả mọi thứ về căn bệnh của anh ấy. Phản ứng của anh ấy là một ví dụ của cơ chế Tri thức hoá.

7. Hợp Lý Hóa (Rationalization)

Hợp lý hóa giải thích một hành vi hoặc cảm xúc không chấp nhận được theo hướng hợp lý, tránh né những nguyên nhân thật sự gây ra hành vi đó. Ví dụ, một người bị từ chối hẹn hò có thể hợp lý hóa tình huống bằng cách nói rằng dù sao thì họ cũng không thích đối phương, hoặc một học sinh bị điểm kém có thể đổ lỗi cho giáo viên thay vì cho sự thiếu chuẩn bị của mình.

Clare bị sa thải và đổ lỗi cho các đồng nghiệp đã làm cô bị mất việc. Đây là một ví dụ của cơ chế hợp lý hoá.

Không chỉ chống lo âu, cơ chế hợp lý hóa còn có thể bảo vệ lòng tự trọng và quan niệm về bản thân nữa. Khi đối mặt với thành công hoặc thất bại, người ta thường cho rằng thành công là nhờ phẩm chất và tài năng của họ, còn thất bại là vì người khác hoặc hoàn cảnh.

Trường hợp cực đoan của hợp lý hoá: Có con ruồi đậu trên đầu em kìa, em yêu...

8. Thoái Lui (Regression)

Khi đối mặt với những sự kiện căng thẳng, đôi khi người ta từ bỏ những chiến lược đối phó và chuyển về những xu hướng hành vi ở những giai đoạn ban đầu trong quá trình phát triển. Anna Freud gọi đây là cơ chế thoái lui, nghĩa là người ta thực hiện những hành vi thuộc giai đoạn phát triển tâm tính dục mà họ lưu luyến. Ví dụ, một người lưu luyến giai đoạn phát triển sớm có thể khóc hoặc hờn dỗi khi nghe tin không hay.

Những hành vi liên hệ với cơ chế thoái lui có thể rất đa dạng tùy vào giai đoạn mà người này lưu luyến. Ví dụ, một người vô thức lưu luyến giai đoạn bú sữa mẹ có thể bắt đầu ăn uống hoặc hút thuốc vô độ, hoặc có thể ăn nói rất hung hăng.

Thoái lui chỉ về xu hướng của một người thực hiện những kiểu hành vi nào đó có từ những giai đoạn phát triển đầu đời khi đối mặt với những tình huống khó chịu, gây đe doạ và không thể chấp nhận được. Do áp lực công việc, Matt đột nhiên bắt đầu mút tay - một thói quen thời bé mà anh đã bỏ. Đây là ví dụ của cơ chế Thoái lui.

Quá sợ ông thầy dạy toán cực kỳ nghiêm khắc, Nathan, một học sinh phổ thông, bắt đầu tè dầm trở lại.

9. Phản Ứng Ngược (Reaction Formation)

Phản ứng ngược giảm lo âu bằng cách thể hiện cảm xúc, ý định bốc đồng hoặc hành vi theo hướng đối lập. Một ví dụ của cơ chế phản ứng ngược là đối xử cực kỳ thân thiện với người mà bạn rất ghét để che giấu cảm xúc thật. Tại sao người ta hành xử như vậy? Theo Freud, họ đang sử dụng phản ứng ngược làm cơ chế phòng vệ để che giấu cảm xúc thật bằng cách hành xử theo hướng hoàn toàn ngược lại.

Những Cơ Chế Phòng Vệ Khác


Từ khi Freud mới mô tả những cơ chế phòng vệ đầu tiên, những nhà nghiên cứu khác đã tiếp tục tìm ra những phương pháp giảm lo âu khác. Một vài trong số đó gồm:

Hành Động Bốc Đồng: Trong cơ chế phòng vệ này, người ta đối phó với căng thẳng bằng cách thực hiện hành động thay vì suy ngẫm về cảm xúc của mình.

Sát Nhập: Nhờ người khác hỗ trợ.

Giảm Mục Tiêu (Aim Inhibition)

Trong cơ chế phòng vệ này, người ta chấp nhận một hình thức đã được điều chỉnh của mục tiêu ban đầu (ví dụ như trở thành huấn luyện viên bóng rổ ở trường trung học thay vì vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp.)

Dù Gwen muốn làm bác sỹ, nhưng cô ấy không thi đậu vào trường y, và giờ cô ấy trở thành một dược sỹ.

Vị Tha: Thỏa mãn những nhu cầu bên trong thông qua việc giúp đỡ người khác.


Né Tránh (Avoidance): Từ chối đối mặt hoặc giải quyết những tình huống hoặc sự việc không dễ chịu.

Jen bỏ học để không phải nói chuyện trước đám đông.


Bù Trừ (Compensation): Thành công vượt bậc trong một lĩnh vực để bù lại sự thất bại trong lĩnh vực khác.

Cảm thấy tệ vì không giỏi nấu ăn và bù trừ bằng việc dọn dẹp căn bếp một cách cực kỳ sạch sẽ và ngăn nắp.

Hài Hước: Chỉ ra những khía cạnh hài hước hoặc có tính châm biếm của một tình huống.

Gây Hấn Thụ Động (Passive-aggression): Thể hiện sự giận dữ một cách gián tiếp.

Trong khi cơ chế phòng vệ thường được xem là phản ứng tiêu cực, một vài cơ chế trong số này cũng có thể hữu ích. Ví dụ như sử dụng óc hài hước để vượt qua một tình huống căng thẳng và gây lo lắng có thể là một cơ chế phòng vệ thích ứng. Trong những trường hợp khác, nó cho phép ta tạm giảm căng thẳng ở những thời điểm quan trọng và tập trung vào những gì cần thiết trước mắt.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui