"Chúng ta hay ngộ nhận rằng chúng ta rất hiểu mình và những người xung quanh, nhưng thực ra chúng ta chưa hiểu thực sự như cách chúng ta vẫn nghĩ."
Chắc hẳn bạn sẽ thắc mắc tại sao lại vậy? Bản thân mình sống với mình mấy chục năm qua, mình còn không hiểu mình nhất thì ai hiểu mình được. Hoặc bạn cũng từng nghe cha mẹ hay nói rằng họ sinh ra con họ, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ bao nhiêu năm trời, làm sao lại chưa hiểu hết. Hay nếu bạn có một người bạn thân (thậm chí là nối khố), đi học cùng nhau mười mấy năm trời, có gì mà bạn lại không rõ tính cách ở bạn mình. Nên không thể nào có chuyện chúng ta chưa hiểu trọn vẹn bản thân mình và những người xung quanh được. Dĩ nhiên, chúng ta có biết mình và biết những người xung quanh mình, đó là điều tất yếu. Tuy nhiên, có thể từ biết đến hiểu là cả một chặng đường rất xa. Hãy cùng xem những quan điểm bên dưới.
Tại sao ông bà ta vẫn hay nói "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính". "Trời" ở đây là ông trời, tức một "đấng tối cao" quyết định những điều người thường không thể quyết định được. Mà cụ thể ở đây là cha mẹ có thể nuôi dưỡng, uốn nắn, dạy dỗ con cái nhưng lại không thể quyết định được tính cách của con. Hay như câu nói "Có những người cả đời rồi vẫn chưa hiểu mình". Câu nói này để lý giải việc tại sao một người sống ở đời mấy chục năm trời mà vẫn có những cách hành động, ra quyết định không thể lý giải được, hoặc người khác không nghĩ là như vậy. Hoặc một trường hợp phổ biến khác là có những cặp vợ chồng sống cùng nhau mấy chục năm, đến khi con cái lập gia đình rồi họ vẫn thừa nhận rằng họ không hiểu nhau.
Nếu chúng ta đều thấu hiểu trọn vẹn chính mình thì có lẽ chúng ta không gặp những tình huống dở khóc dở cười. Chúng ta cũng chẳng bao giờ gặp những hoàn cảnh "khó xử", không biết phải lựa chọn như nào. Chúng ta cũng sẽ không phải lắng nghe người khác than phiền vì chuyện họ chọn sai nghề nghiệp chỉ vì ngày trẻ không hiểu mình, cứ đi theo đám đông. Nếu chúng ta đều hiểu nhau trọn vẹn thì có lẽ chúng ta cũng không bao giờ phải đối mặt với những lần xung đột, xích mích căng thẳng. Các gia đình cũng sẽ chẳng bao giờ có những tình huống tồi tệ như cha con bất hòa, vợ chồng li dị vì bất đồng ý kiến, tính cách trái ngược. Các công ty cũng sẽ chẳng có chuyện nhân viên nghỉ việc vì bất đồng với sếp, và lên mạng nói xấu sếp của mình.
VÌ SAO CHÚNG TA CHƯA THẤU HIỂỦ CHÍNH MÌNH VÀ NGƯỜI XUNG QUANH MỘT CÁCH TRỌN VẸN?
Câu trả lời rất đơn giản là bởi vì mỗi người là một cá thể duy nhất, tồn tại độc lập và không ai giống ai cả. Khoa học vào cuộc đã lý giải câu nói của ông bà rằng "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính". Ngành khoa học phân tích tính cách dựa trên dấu vân tay chỉ ra rằng khi mẹ mang thai con từ 13 – 19 tuần tuổi, dấu vân tay đã được hình thành và mãi mãi không thay đổi sau này. Dấu vân tay của con người sẽ tương quan đến tính cách của mỗi người. Nếu muốn tính cách giống nhau thì chúng ta phải có 10 dấu vân tay giống nhau. Tuy nhiên, xác suất để hai người có 10 dấu vân tay giống nhau (kể cả sinh đôi cùng trứng) là 1/64 tỷ. Có nghĩa xác suất để chúng ta thấy hai người có tính cách giống nhau hoàn toàn là 0.000000002%.
Bên cạnh đó, các nhà tâm lý học cũng vào cuộc. Một trong số những nhà tâm lý học nổi tiếng nhất, được coi là "ông tổ" của ngành thấu hiểu tính cách con người chính là Carl Jung. Carl Jung đã dựa kinh nghiệm và kiến thức cả cuộc đời mình, với hàng trăm nghiên cứu để đưa ra những nền tảng phân loại tính cách khác nhau. Kết quả thật bất ngờ, dựa trên nền tảng đó thì chúng ta thấu hiểu chính mình và những người xung quanh ít hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Là bởi vì, theo phân loại tính cách, chúng ta sẽ có 4 nhóm xu hướng đối lập như sau:
-Thế giới bạn tập trung sự chú ý vào và lấy năng lượng từ đó. Bạn có xu hướng hướng nội hay hướng ngoại? (Introversion – Extraversion). Tại sao có người thích những nơi ồn ào náo nhiệt nhưng ngược lại có người chỉ thích nơi yên tĩnh, nhẹ nhàng?
-Cách bạn xử lý thông tin và loại thông tin mà bạn tin tưởng vào. Bạn có xu hướng cảm giác hay trực giác? (Sensing – iNtuition). Tại sao khi mua một món đồ có người phải đọc hướng dẫn rất kĩ càng và ngược lại có những người dùng thử chính là "hướng dẫn sử dụng"?
-Góc độ mà từ đó bạn lựa chọn cách để ra quyết định. Bạn có xu hướng lý trí hay tình cảm? (Thinking – Feeling). Tại sao có người bị nói là cứng rắn, thẳng thắn trong khi có người lại bị nói là mềm mỏng, ủy mị?
-Thái độ của bạn với thế giới bên ngoài và cách bạn xử sự với thế giới bên ngoài. Bạn có xu hướng nguyên tắc hay linh hoạt? (Judging – Perceiving). Tại sao có người rất nguyên tắc, nhất quán trong khi ngược lại có người thích sự linh động, cảm hứng?
Bạn thấy đó, chắc chắn bạn đều sẽ thiên lệch hơn về một xu hướng nào đó, trong 4 xu hướng trên. Phân theo tổ hợp toán học, từ 4 cặp xu hướng sẽ dẫn đến 16 cặp tính cách khác nhau. Và thế giới sẽ phân bổ theo 16 loại tính cách đó. Điều này có nghĩa xác suất để hai người có chung nhóm tính cách là 6,25%. Thế nhưng ngay cả khi chung nhóm tính cách thì mức độ của từng xu hướng trong mỗi người cũng khác nhau (chẳng hạn có người hướng nội nhỉnh hơn hướng ngoại một chút, nhưng có người lại hướng nội hoàn toàn). Cho nên, chúng ta rất rất khác nhau là vì vậy. Nếu vậy thì bạn có dám chắc là bạn hiểu mình trọn vẹn, hoặc bạn có dám chắc là bạn hiểu được 15 nhóm tính cách còn lại? (Tạm dịch: Mọi sự khó chịu của chúng ta về người khác có thể dẫn chúng ta khám phá ra chính bản thân mình – Carl Jung)
TẠI SAO HIỂU MÌNH – HIỂU NGƯỜI LẠI QUAN TRỌNG?
Nếu không hiểu mình – hiểu người, chắc chắn bạn sẽ gặp rất nhiều rắc rối trong cuộc sống, mà điển hình nhất là trong công việc và các mối quan hệ.
1. Không biết đâu là sự nghiệp, công việc phù hợp mình nên theo đuổi Khi chưa hiểu chính mình một cách trọn vẹn, bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái mơ hồ về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, nghĩa là bạn sẽ không có cơ sở để dám chắc rằng đó có phải là điểm mạnh, điểm yếu của mình không hay chỉ là những biểu hiện nhất thời. Ví dụ dễ thấy nhất là sẽ có lúc bạn cảm thấy "thích" một nghề nào đó vì thấy người khác làm công việc đó sao mà tuyệt vời quá nhưng khi được thử sức với công việc đó, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy chán và muốn đổi việc... Nhưng quan trọng là đổi qua việc gì bây giờ khi mà chính bạn còn không biết vì sao bản thân bạn lại phù hợp với công việc nào đó?
2. Dễ gặp xung đột và trắc trở trong giao tiếp với các mối quan hệ Khi bạn giao tiếp ngoài xã hội, chúng ta rất dễ gặp những trường hợp mà mình thấy người khác hành xử khác chúng ta quá. Hay nói trắng ra là bạn không hiểu lý do vì sao họ lại hành xử kì cục như vậy. Ngay cả những người rất thân, bạn cũng thấy có những lúc họ rất khó hiểu hoặc tính cách khác nhau chứ chưa nói gì đến những người xa lạ. Nhưng trong cuộc sống hiện đại, để thành công bạn buộc phải kết nối với rất nhiều người, ở nhiều ngành nghề, để phải phát triển mạng lưới mối quan hệ. Điều này đồng nghĩa với việc bạn lại càng phải tiếp xúc với nhiều người không giống mình. Và nếu không hiểu nhau, xung đột là điều đương nhiên.
Mỗi người đều có một thế giới nội tâm riêng, giống như mỗi đất nước đều có có một ngôn ngữ riêng vậy. Bạn nghĩ sao nếu một người Việt nói chuyện một người Tây Ban Nha và cả hai đều dùng ngôn ngữ địa phương của mình? Chắc chắn họ sẽ không hiểu nhau. Và họ sẽ phán xét "anh sai rồi", "anh nói cái gì tôi chẳng hiểu cả", "tôi chẳng hiểu anh là người như nào mà lại nói vậy". Sự thật thì không ai sai cả, chỉ đơn giản là chúng ta đang không dùng chung một ngôn ngữ. Trong ví dụ này, hoặc là người Việt phải hiểu tiếng Tây Ban Nha, hay ngược lại người Tây Ban Nha phải hiểu tiếng Việt, hoặc cả hai phải học cách dùng chung một thứ ngôn ngữ, ví dụ tiếng Anh. Đó là lí do vì sao có những người cả đời luôn gặp trắc trở trong các mối quan hệ khi chưa học được cách dùng "thứ ngôn ngữ" của người khác.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ THẤU HIỂU BẢN THÂN MỘT CÁCH TRỌN VẸN?
HIỂU MÌNH
Ở bài viết Thấu Hiểu Bản Thân, Kỹ Năng Tâm Lý Quan Trọng Để Thành Công, Edward đã chia sẻ 5 phương pháp để thấu hiểu mình một cách trọn vẹn.
1. Đám đông không biết nói dối: Hãy biết cách lắng nghe từ nhiều người khi họ cung cấp thông tin, nhận xét về bạn và những người xung quanh. Sau khi tổng hợp lại, những điểm chung nói về bạn và người khác (từ nhiều nguồn thông tin nhận xét) thường sẽ là chính xác.
2. Khao khát nhận phản hồi: Vượt qua tâm lý sĩ diện, sợ bị chê và luôn luôn xin phản hồi từ người khác trong những việc mình làm để mình biết tính cách, điểm mạnh, điểm yếu chính mình.
3. Tiếp cận công nghệ khoa học: Tốt nhất là nên biết mình và người xung quanh mình như nào qua các phương pháp phân loại tính cách. Edward rất thích một cuốn sách là Hướng Nội của TS Susan Cain – đọc quyển này xong thấy sự tự tin dành cho những người hướng nội như mình lên hẳn một tầm cao mới. Hoặc bạn có thể đọc bài viết Làm Thế Nào Để Phân Biệt Hướng Nội – Hướng Ngoại?.
4. Luyện tập tạo nên sự hoàn hảo: Khi biết điểm mạnh bản thân thì luyện tập kỹ năng đó là quan trọng nhất.
5. Thành công là lặp đi lặp lại những thứ nhàm chán nhưng hữu ích.
HIỂU NGƯỜI
Và dưới đây là một số cách để hiểu người:
1. Học cách lắng nghe quan sát người khác: Khi lắng nghe, chúng ta biết thêm những gì chúng ta chưa biết. Còn khi nói, chúng ta mới chỉ biết những gì chúng ta đã biết. Với một mối quan hệ cũng vậy. Khi lắng nghe và quan sát người khác, trong những lúc đời thường, bạn sẽ hiểu về tính cách, cách hành xử của người đó hơn rất nhiều.
2. Thấu hiểu ngôn ngữ yêu thương của người khác: Mỗi người yêu thương và nhận yêu thương theo một cách khác nhau. Gary Chapman là tác giả của cuốn sách 5 ngôn ngữ yêu thương đã chỉ ra rất rõ điều này. Có 5 ngôn ngữ yêu thương khác nhau là thời gian chất lượng, cử chỉ âu yếm, quà tặng, lời khen ngợi và sự tận tụy. Người thân, bạn bè của chúng ta có xu hướng như nào? Hãy dành thời gian thấu hiểu.
3. Học cách chấp nhận nhau: Chúng ta thường thích những người giống mình hoặc có điểm tương đồng với mình. Nhưng sự thật thì cuộc sống này chúng ta không ai giống nhau cả. Cho nên, nếu không học cách chấp nhận sự khác biệt (có những sự khác biệt trong tính cách không thể hoặc rất khó thay đổi) thì dĩ nhiên là hành trình hiểu người của bạn sẽ còn rất dài. Sau khi áp dụng tất cả những điều đó, bạn sẽ thấy hóa ra làm việc với con người luôn là một điều thật phức tạp. Càng hiểu mình và hiểu người nhiều hơn, chúng ta lại càng có cảm giác là mình chưa hiểu được bao nhiêu. Nhưng dù sao thì trên con đường ấy, chúng ta cũng khác xưa rất nhiều rồi.
"Chúng ta hay ngộ nhận rằng chúng ta rất hiểu mình và những người xung quanh, nhưng thực ra chúng ta chưa hiểu thực sự như cách chúng ta vẫn nghĩ.'
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...