Đừng Để Sự Căng Thẳng Kéo Dài Phá Hủy Cuộc Sống Của Bạn
CĂNG THẲNG VÀ TÁC ĐỘNG ĐẾN HIỆU SUẤT CÔNG VIỆC
Khả năng quản lý cảm xúc và bình tĩnh trước áp lực có mối liên hệ chặt chẽ với hiệu suất công việc của bạn. TalentSmart đã tiến hành khảo sát hơn một triệu người và phát hiện 90% nhóm người thành công có kỹ năng quản lý cảm xúc, giữ bình tĩnh và làm chủ bản thân họ rất tốt trong thời điểm căng thẳng, áp lực.
Nhưng không thể phủ nhận rằng stress, âu lo là cảm xúc hoàn toàn tất yếu của con người. Bộ não của chúng ta được lập trình theo kiểu "rất khó để hành động cho đến khi đạt được cảm xúc ở một mức độ nào đó". Trong thực tế, hiệu suất công việc sẽ đạt được đến đỉnh cao khi bạn tập trung làm việc với một mức độ căng thẳng vừa phải. Miễn là căng thẳng không kéo dài thì nó sẽ vô hại.
Một nghiên cứu từ Đại học California, Berkeley còn cho thấy căng thẳng ở mức độ kiểm soát được cũng có mặt lợi riêng. Cùng với đó, trong nghiên cứu do tiến sĩ Elizabeth Kirby đứng đầu, người ta lại phát hiện rằng khởi nguồn của căng thẳng đã tạo điều kiện cho não phát triển các tế bào cải thiện trí nhớ mới. Tuy nhiên, hiệu ứng này chỉ đạt được khi căng thẳng bị gián đoạn. Nếu tình trạng căng thẳng kéo dài, nó sẽ ngăn chặn não bộ phát triển tế bào mới.
Kirby cho biết căng thẳng gián đoạn có lẽ là chất xúc tác khiến cho bộ óc tỉnh táo hơn, từ đó hỗ trợ con người làm việc hiệu quả hơn. Lấy ví dụ đối với động vật, phần lớn chúng luôn phải sống cùng với sự căng thẳng gián đoạn dưới hình thức là các mối đe dọa trực tiếp đến thể chất trong môi trường tự nhiên.
Trước kia, đây cũng là trường hợp của con người. Khi bộ não càng phát triển phức tạp, ta bắt đầu tự thiết lập và nâng cao tính kiên trì, biết lo lắng trong mọi sự việc, từ đó tạo ra những trải nghiệm thường xuyên về sự căng thẳng kéo dài.
Bên cạnh những mặt lợi, các nhà khoa học cũng không quên củng cố tầm quan trọng của việc kiểm soát căng thẳng, stress bởi nó không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, trầm cảm, béo phì mà còn làm giảm hiệu suất nhận thức của bạn.
Tiến sĩ Travis Bradberry, đồng tác giả của cuốn sách Emotional Intelligence 2.0 và là đồng sáng lập TalentSmart cũng có rất nhiều nghiên cứu đáng kinh ngạc về sự căng thẳng tột bậc có thể tàn phá sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Chẳng hạn trong nghiên cứu Yale cho thấy, căng thẳng kéo dài còn gây ra thoái hóa vùng não điều khiển khả năng tự vận động của cơ thể.
10 BÍ QUYẾT KIỂM SOÁT CĂNG THẲNG ĐÚNG CÁCH
May mắn thay, phần lớn căng thẳng chỉ là yếu tố chủ quan mà bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được. Đặc biệt đối với những người thành công, họ trang bị rất kỹ những chiến thuật đối phó để sử dụng trong những hoàn cảnh gây căng thẳng. Điều đó không chỉ giúp họ làm giảm stress mà còn đảm bảo sự căng thẳng của họ bị gián đoạn và không kéo dài.
Trong tất cả các chiến thuật tiến sĩ Travis đã nghiên cứu, sau đây là 10 chiến thuật tốt nhất mà những người thành công sử dụng khi phải đối mặt với căng thẳng. Một số điều là hiển nhiên, nhưng thách thức lớn nhất vẫn chính là bản thân bạn tự nhận ra khi nào mình cần sử dụng chúng và mình có đủ điều kiện để làm được như vậy bất chấp sự căng thẳng hay không.
1. Trân trọng những gì mình có
Dành thời gian để chiêm nghiệm những gì bạn biết ơn không chỉ đơn giản là một việc làm "đúng" mà còn giúp cải thiện tâm trạng của bạn bởi nó làm giảm hormone căng thẳng cortisol lên đến 23%.
Khi tiến hành nghiên cứu tại Đại học California, Davis thấy rằng những người làm việc hàng ngày để trau dồi thái độ biết ơn luôn được cải thiện tinh thần, tâm trạng, năng lượng và sức khỏe thể chất lên rất nhiều. Chính vì vậy, mức cortisol thấp hơn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc này.
2. Tránh hỏi "Nếu như?"
Cụm "Nếu như?" chẳng khác như nào ném thêm dầu vào bể lửa của sự căng thẳng và lo âu, khiến bạn chìm trong hàng triệu lời giải thích lòng vòng khác nhau. Càng dành nhiều thời gian lo lắng về sự việc có khả năng xảy ra, bạn sẽ càng có ít thời gian hơn để quyết định xem hành động nào giúp bạn kiểm soát căng thẳng và lấy lại bình tĩnh.
Người đủ bình tĩnh luôn biết rằng, câu hỏi "Nếu như?" sẽ chỉ đưa họ đến hướng giải pháp mà họ không muốn hoặc không cần mà thôi.
3. Luôn tích cực
Những suy nghĩ tích cực giúp làm gián đoạn căng thẳng bằng cách tập trung sự chú ý của não vào một thứ gì đó hoàn toàn không căng thẳng. Bạn phải giúp cho bộ não lơ đễnh của mình chủ động suy nghĩ về một điều tích cực. Bất kỳ suy nghĩ tích cực nào cũng sẽ điều hướng lại sự chú ý của bạn.
Khi mọi thứ diễn ra tốt đẹp và tâm trạng của bạn ổn định, việc suy nghĩ tích cực này tương đối dễ dàng. Nhưng khi mọi thứ diễn ra không ổn và tâm trí bạn tràn ngập những suy nghĩ tiêu cực, điều này có lẽ sẽ là một thách thức. Trong khoảnh khắc đó, hãy ngẫm nghĩ về ngày hôm ấy của bạn và xác định một điều tích cực đã xảy ra, cho dù nó nhỏ đến mức nào. Nếu tại thời điểm đó bạn không thể nghĩ ra được điều gì, hãy nghĩ tiếp về ngày hôm trước hoặc thậm chí là vào tuần trước nữa. Hoặc có thể bạn sẽ mong chờ một sự kiện thú vị nào đó mà có thể hướng sự tập trung của mình vào. Quan trọng nhất, điều đó phải là điều tích cực cho bạn sẵn sàng chuyển đổi khi sự chú ý của bạn bắt đầu có dấu hiệu tiêu cực.
4. Ngưng sử dụng mạng xã hội
Với tầm quan trọng của việc làm gián đoạn căng thẳng, ta thấy việc không dành quá nhiều thời gian truy cập mạng xã hội sẽ giúp ta kiểm soát căng thẳng dễ dàng hơn rất nhiều. Một khi sẵn sàng dành thời gian 24/7 để làm việc, bạn đã đặt bản thân trước một loạt các cạm bẫy của stress. Lúc này, hãy ép bản thân ngừng truy cập mạng internet hoặc thậm chí tắt nguồn điện thoại luôn, có như vậy bạn mới có thể thoát khỏi sự căng thẳng liên tục.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng dù chỉ là một yếu tố đơn giản nào đó như tắt thông báo email cũng có thể làm giảm mức độ căng thẳng đáng kể. Ngày nay, do công nghệ phát triển cho phép con người liên lạc với nhau thường trực 24/7, ta rất khó để tận hưởng một khoảnh khắc nghỉ ngơi ngoài lề công việc. Lúc đó, một email sẽ làm trật hướng dòng suy nghĩ hiện tại của bạn, bạn đọc email và cảm thấy càng căng thẳng hơn khi tự nhủ công việc có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...