Tâm Lí Học Tổng Hợp

VÌ SAO CÔ ĐƠN QUÁ LÂU THƯỜNG KHIẾN TA NGỘ NHẬN?

Cô đơn quá lâu, con người ta sinh ra tâm lý kỳ lạ: luôn cảm thấy thân thiết với người tỏ ra lo lắng cho mình. Hay nói một cách khác, một người cô đơn quá lâu thường hay ngộ nhận khi có người quan tâm mình một cách bình thường. Sự ngộ nhận ấy có thể là "đây mới là bạn thực sự của mình", "mình đặc biệt với họ", "người ta có cảm tình với mình", hay "người ta yêu mình"...

Lý giải điều này không có gì khó hiểu. Ông bà ta hay nói: "Một miếng khi đói bằng cả gói khi no". Khi bạn cô đơn quá lâu, lẽ dĩ nhiên bạn sẽ "đói" tình cảm, "đói" sự quan tâm, chăm sóc. Vì thế mà chỉ cần ai đó cho bạn "một miếng" quan tâm cũng có thể làm bạn "no" hoặc rất "no" tức thời, từ đó dẫn đến lầm tưởng, thậm chí ảo tưởng.

Điều này nhìn qua thì có vẻ chỉ là một điều buồn cười, nhưng kì thực nó không đơn giản vậy nếu chúng ta không hiểu sâu về tâm lý.

- Thứ nhất: sự ngộ nhận này dễ dẫn đến việc chúng ta tin rằng chúng ta đặc biệt để họ quan tâm, yêu thương mình.


Kì thực không hẳn như vậy. Họ quan tâm có thể là vì họ là người tốt chứ không phải vì bạn đặc biệt nên họ quan tâm bạn. Có thể họ quan tâm bạn cũng như những người xung quanh. Nên nhớ họ cho bạn "một miếng" và cũng có thể cho người khác "nhiều miếng". Nếu như chỉ vì đúng lúc bạn "đói" mà bạn nghĩ rằng mình là cả bầu trời với họ thì đây là một sự ảo tưởng nguy hiểm.

- Thứ hai: sự ngộ nhận này dễ dẫn đến hệ quả nghiêm trọng hơn, đó là chúng ta sẽ dễ mắc phải hiện tượng tâm lý "đồng lệ thuộc".

Trong cuốn sách rất hay về tâm lý mang tên "Ngừng Lệ Thuộc", TS Melody Beattie chỉ ra định nghĩa của việc bị lệ thuộc người khác như sau: chúng ta để cho hành vi người khác ảnh hưởng đến mình thông qua ý muốn kiểm soát hành vi người khác.

Nếu cô đơn quá lâu và được ai đó quan tâm, bạn có xu hướng đòi hỏi họ phải quan tâm mình nhiều hơn. Có thể bạn đòi hỏi rất nhiều điều vô lý, yêu cầu họ phải lắng nghe mình, kiểm soát cuộc sống của họ, trách móc, giận hờn nếu họ sống với thế giới riêng của họ. Bạn muốn giữ họ bên mình, nhưng không phải vì họ mà vì cái tôi của bạn thì đây là một cái tôi ích kỷ.

Thực ra trong cuộc sống này, cách bạn đối xử với người khác thường khởi nguồn từ cuộc sống của bạn. Bạn đối xử tốt với một người như quan tâm, yêu thương để họ hạnh phúc hơn khởi nguồn từ việc cuộc sống của bạn cũng phải tốt đẹp. Vậy nên, nếu ngộ nhận khi bạn cô đơn, rất có thể vô tình bạn sẽ đánh mất đi những người bạn tốt, người thân tốt.

Làm gì để hết cô đơn?

- Thứ nhất: hạnh phúc của bạn phải do bạn quyết định.

Hạnh phúc của bạn không thể nào phụ thuộc vào người khác. Không thể nào khi bạn cô đơn, một ai đó quan tâm khiến bạn hạnh phúc để rồi khi họ không quan tâm, hoặc không quan tâm theo ý của bạn, bạn chuyển sang đau khổ, thất vọng, thậm chí tuyệt vọng. Lẽ ra phải là ngược lại, người khác không quan tâm, bạn vẫn hạnh phúc. Và khi họ quan tâm, bạn hạnh phúc hơn.

- Thứ hai: hãy biết học cách yêu thương bản thân


Đừng để bản thân rơi vào tình trạng đau khổ vì cô đơn. Ngược lại, kế hoạch làm đầy bản thân, yêu thương chính mình rất quan trọng. Nghe một bản nhạc yêu thích, hát một ca khúc, ăn một món ăn ngon, viết nhật ký, chơi thể thao, tham gia một dự án, chơi một loại nhạc cụ, nuôi thú cưng,... bất kì điều gì để bạn cảm thấy cuộc sống này không hề cô đơn đều quan trọng.

Những mối quan hệ giúp bạn không còn cô đơn?

Khi yêu thương chính mình đã đủ, bây giờ là lúc nói đến chuyện kết bạn. Có 3 loại bạn nếu có chắc hẳn sẽ khiến bạn ít cô đơn rất nhiều, thậm chí không còn cô đơn.

1. Bạn thân cùng giới

Có những chuyện, một đứa bạn thân cùng giới chưa gì đã hiểu. Vì người đó thân và vì người đó cùng giới, nên họ quá hiểu mình. Thậm chí họ cũng trải qua cảm giác đó rồi, cho nên đây là có thể là con đường nhanh nhất để bạn giải tỏa nếu có cô đơn.

2. Bạn thân khác giới


Ngược lại với bạn thân cùng giới, có những chuyện chúng ta nên chia sẻ với một đứa bạn thân khác giới. Lý do đôi khi không hẳn vì người đó hiểu bạn, mà có thể là vì sự khác nhau, nên họ dễ chấp nhận bạn hơn. Mà cuộc sống, đôi lúc chỉ cần được chấp nhận đã khiến bạn vơi hết nỗi lòng rồi, nói gì cô đơn.

3. Người yêu, vợ chồng

Dĩ nhiên rồi, người yêu hay vợ chồng luôn là một dạng gắn kết đặc biệt. Khoa học chỉ ra rằng, khi bạn có chuyện buồn, cô đơn hoặc đau khổ, đôi khi không cần lời khuyên, chẳng cần người lắng nghe, chỉ một cái ôm cũng đủ làm bạn hạnh phúc và hết cô đơn.

Khi trải nghiệm những điều đó, cuộc sống của bạn chắc ít nhiều sẽ thay đổi và tốt đẹp lên. Sẽ không còn ngộ nhận vì cô đơn, mà có thể cuộc sống sẽ như sau: khi hạnh phúc quá lâu, chúng ta cảm thấy bình thường với những người thực sự rất quan tâm mình.

Theo Tâm lý học ứng dụng.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui