Khi chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ) lần đầu tiên đặt ra, nó được ví như mắt xích còn thiếu trong một phát hiện đặc biệt: những người có chỉ số IQ trung bình lại thực hiện công việc tốt hơn 70% so với những người có chỉ số IQ cao nhất. Sự bất thường này đã phá tan niềm tin rằng IQ là thứ duy nhất quyết định sự thành công.
Giờ đây, nhiều thập kỷ nghiên cứu đã chỉ ra rằng trí tuệ xúc cảm là yếu tố phân biệt giữa những người xuất sắc và số đông còn lại. Sự liên kết này mạnh mẽ đến nỗi 90% số người thành công hàng đầu đều có EQ cao
Trí tuệ cảm xúc là một thứ tương đối trừu tượng với mỗi chúng ta. Nó ảnh hưởng đến cách chúng ta quản lý hành vi, định hướng trong sự phức tạp của xã hội và đưa ra những quyết định cá nhân để đạt được kết quả tích cực.
Mặc dù EQ rất quan trọng, song bản chất vô hình của nó khiến bạn khó biết được chỉ số của mình và cần làm gì để cải thiện. Mặc dù có những bài test EQ đã được kiểm chứng khoa học, nhưng đa phần bạn sẽ phải trả tiền cho chúng. Do đó, các chuyên gia đã phân tích dữ liệu để xác định những hành vi là dấu hiệu của chỉ số EQ thấp. Và dưới đây là những hành vi mà bạn sẽ muốn tránh.
1. Dễ bị stress
Khi bạn dồn nén cảm xúc của mình, chúng sẽ nhanh chóng biến thành căng thẳng, stress và lo âu. Những cảm xúc không được giải toả sẽ khiến tâm trí và cơ thể trở nên căng cứng.
Trí tuệ cảm xúc giúp bạn quản lý stress dễ dàng hơn vì nó cho phép bạn phát hiện và giải quyết những tình huống khó khăn trước khi mọi việc trở nên tồi tệ hơn.
Những người không sử dụng các kỹ năng trí tuệ cảm xúc của mình sẽ dễ tìm đến những phương pháp khác kém hiệu quả hơn để quản lý tâm trạng. Họ sẽ dễ bị lo ấu, trầm cảm, lạm dụng chất gây nghiện, thậm chí cả ý tưởng tự tử gấp đôi so với những người khác.
2. Khó bảo vệ quyền lợi của mình
Những người có chỉ số EQ cao là những người rất biết cách cân bằng giữa lòng tốt, sự thông cảm và tử tế với khả năng bảo vệ quyền lợi của mình và thiết lập ranh giới. Sự kết hợp khéo léo này là điều lý tưởng trong việc giải quyết mâu thuẫn.
Với phần lớn mọi người khi gặp trở ngại, họ thường có hành vi tiêu cực hoặc gây hấn. Còn những người có trí thông minh cảm xúc vẫn giữ được sự cân bằng và bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách tránh xa những phản ứng cảm xúc hồ đồ. Điều này cho phép họ vô hiệu hóa những khó khăn và những người "khó chịu" mà không tạo ra kẻ thù.
3. Hạn chế vốn từ để diễn tả cảm xúc bản thân
Ai cũng có cảm xúc, nhưng chỉ một số ít người có thể xác định chính xác những cảm xúc đó như chúng xảy ra. Nghiên cứu cho thấy chỉ có 36% dân số làm được điều này, và đây là một vấn đề vì những cảm xúc không được gọi tên thường sẽ bị hiểu sai, dẫn đến những lựa chọn bất hợp lý và những hành động phản tác dụng.
Những người có chỉ số EQ cao là bậc thầy về cảm xúc của mình vì họ hiểu chúng và họ có thể sử dụng kho từ vựng lớn về cảm xúc để làm điều đó. Trong khi nhiều người chỉ có thể diễn tả cảm giác của mình là "tồi tệ", thì những người có trí tuệ cảm xúc có thể chỉ ra rằng họ đang cảm thấy "cáu kỉnh", "thất vọng", "chán nản" hay "lo lắng". Càng lựa chọn từ ngữ cụ thể bao nhiêu, bạn sẽ càng biết chính xác mình đang cảm thấy như thế nào, điều gì gây ra nó, và nên làm gì đối với nó.
4. Định kiến và cố chấp
Những người có chỉ số EQ thấp rất nhanh có định kiến và sau đó họ thu thập những bằng chứng ủng hộ ý kiến của mình và phớt lờ mọi bằng chứng chứng minh điều ngược lại.
Thông thường họ sẽ tranh cãi tới cùng để bảo vệ lý lẽ của mình. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những người lãnh đạo, vì các ý tưởng chưa được suy nghĩ thấu đáo của họ có thể trở thành chiến lược của cả nhóm.
Người có trí tuệ xúc cảm dành thời gian xem xét kỹ những lập luận của mình vì họ biết những phản ứng ban đầu thường bị cảm xúc chi phối. Họ để những ý tưởng của mình có thời gian phát triển, cân nhắc những hậu quả có thể xảy ra và suy xét các lập luận phản bác có thể có. Sau đó họ truyền đạt ý tưởng của mình theo cách hiệu quả nhất, có tính đến nhu cầu và ý kiến của người nghe.
5. Thù dai ghét lâu
Những cảm xúc tiêu cực đi kèm với sự hằn thù thực ra là một phản ứng stress. Chỉ nghĩ về một sự kiện nào đó cũng đưa cơ thể của bạn vào chế độ "chiến đấu hay bỏ chạy" - một cơ chế sinh tồn buộc bạn phải đứng lên và chiến đấu hoặc chạy thật nhanh khi đối mặt với mối đe dọa.
Khi một mối đe dọa sắp xảy ra, phản ứng này là thiết yếu cho sự sống còn của bạn, nhưng khi mối đe dọa đã lùi xa trong quá khứ, thì việc giữ lại kiểu stress này sẽ tàn phá trên cơ thể bạn và để lại những hậu quả xấu về sức khỏe qua thời gian.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu tại Đại học Emory đã chỉ ra rằng stress lâu ngày góp phần làm tăng huyết áp và bệnh tim. Giữ sự hằn thù trong lòng có nghĩa là bạn đang tự ôm lấy stress, và những người thông minh về mặt cảm xúc luôn tránh điều này bằng mọi giá. Rũ bỏ sự hận thù không chỉ làm cho bạn cảm thấy tốt hơn ngay lúc đó mà còn cải thiện sức khỏe của bạn.
6. Không học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ
Người có trí tuệ xúc cảm luôn giữ khoảng cách với những sai lầm của họ, nhưng không có nghĩa là họ sẽ quên chúng. Bằng cách giữ một khoảng cách an toàn với những sai lầm của mình, nhưng vẫn đủ để rút kinh nghiệm từ chúng, họ có thể thích nghi và điều chỉnh để thành công trong tương lai.
Dằn vặt quá nhiều về những sai lầm trong quá khứ khiến bạn lo lắng và xấu hổ, còn quên hẳn chúng đi lại dễ khiến bạn lặp lại chính những lỗi lầm của mình. Chìa khóa để cân bằng nằm ở khả năng của bạn biến thất bại thành những viên gạch lót đường cho thành công. Điều này tạo cho bạn thói quen tự đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã.
7. Thường cảm thấy bị hiểu nhầm
Khi thiếu trí tuệ cảm xúc, bạn sẽ rất khó giao tiếp với những người khác. Bạn cảm thấy bị hiểu lầm vì bạn không đưa ra những thông điệp theo cách mà mọi người có thể hiểu được.
Kể cả khi đã tập luyện, người có trí tuệ cảm xúc biết rằng họ không luôn truyền đạt mọi ý tưởng một cách hoàn hảo. Họ nắm bắt được khi nào người khác không hiểu họ đang nói gì, điều chỉnh cách tiếp cận của họ và diễn đạt lại ý tưởng của họ theo một cách dễ hiểu hơn.
8. Không biết điều gì khiến mình bị "chạm nọc"
Mỗi người đều có những điều khiến họ dễ nổi giận - những tình huống hoặc những con người khiến họ bị "chạm nọc" và dễ dàng bùng nổ. Những người có EQ cao tìm hiểu rõ những yếu tố này và dùng nó để tránh những tình huống hoặc những con người trước khi điều tệ hại xảy ra.
9. Không biết cách tức giận
Trí tuệ cảm xúc không có nghĩa phải luôn tỏ ra dễ thương, mà là quản lý cảm xúc của bạn để đạt được kết quả tốt nhất. Đôi khi điều này đồng nghĩa với việc cho mọi người thấy bạn đang khó chịu, đang buồn chán hoặc thất vọng.
Luôn luôn che giấu cảm xúc dưới cái vỏ hạnh phúc và tích cực không phải là một cách tốt. Người thông minh về cảm xúc là người biết sử dụng những cảm xúc tiêu cực và tích cực một cách có chủ đích trong những tình huống thích hợp.
10. Đổ lỗi cho người khác về cảm xúc của mình
Cảm xúc đến từ bên trong mỗi người. Thật dễ dàng khi đổ lỗi những cảm xúc của bạn cho hành động của người khác, nhưng bạn mới là người phải chịu trách nhiệm về những cảm xúc của mình. Không ai có thể khiến bạn cảm thấy bất cứ điều gì mà bạn không muốn. Mọi suy nghĩ theo cách khác sẽ chỉ cản trở bạn.
11. Dễ "xù lông nhím"
Nếu hiểu rõ mình là ai, người khác sẽ khó có cơ hội nói hoặc làm điều gì đó khiến bạn ấm ức. Người có EQ cao sẽ rất tự tin và cởi mở, khiến họ mạnh mẽ hơn. Họ thậm chí có thể tự trào phúng về mình hoặc để cho người khác trêu chọc vì họ có thể phân biệt giữa sự hài hước và sự coi thường.
Không như IQ, EQ có thể dễ dàng thay đổi. Khi bạn đào tạo bộ não bằng cách thực hành những hành vi EQ mới, nó sẽ tạo thành những chu trình cần thiết để biến chúng thành thói quen. Khi bộ não củng cố việc sử dụng các hành vi mới này, những kết nối hỗ trợ các hành vi xấu cũ sẽ mất dần. Không bao lâu, bạn sẽ bắt đầu tự động đáp ứng với môi trường xung quanh bằng trí thông minh cảm xúc.
Tác giả: Travis Bradberry, Ph.D.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...