Người ta thường nói "Ngã ở đâu, đứng lên ở đó", tuy nhiên thực tế cuộc sống nhiều khi không như vậy. Chắc hẳn mỗi người trong số chúng ta đều không ít lần bắt gặp hình ảnh có những người họ không thể đứng lên được sau thất bại. Bài này sẽ đưa ra góc nhìn tâm lý để giải thích về hiện tượng này xoay quanh một khái niệm tâm lý có tên là Psychological Identity (tạm dịch là bản sắc tâm lý hay bản sắc cá nhân).
Psychological Identity thường được nhắc đến như những tính cách, niềm tin, giá trị làm nên bản sắc cá nhân của mỗi người. Tuy nhiên, với những nỗi đau quá lớn, việc tìm lại chính mình là một thách thức, bởi chúng thường tạo ra sự ám ảnh nhất định về điều mình đã trải qua, đây là điều mà những chuyên gia tâm lý gọi là hội chứng đánh mất bản sắc cá nhân (psychological identity), hay gọi một cách dễ hiểu là đánh mất chính mình. Hội chứng được mô tả là khi một nỗi đau có thể khiến chúng ta đột nhiên cảm thấy mình vô giá trị, cảm thấy tất cả sự tự tin và hạnh phúc của mình như mất hết, khiến chúng ta rơi vào trạng thái tuyệt vọng.
Câu chuyện kể về một người đàn ông thành đạt trong xã hội ngay từ khi tuổi đời còn khá trẻ, anh ta là một chủ doanh nghiệp lớn, có thu nhập cao, một người vợ xinh đẹp và đưa con sắp chào đời. Mọi thứ đều thật tuyệt vời. Anh ta cảm thấy mình đang thực sự sống một cuộc sống ý nghĩa, một cuộc đời hạnh phúc, có tất cả mọi thứ. Nhìn vào, ai ai cũng cảm nhận anh ta là một người cực kỳ tự tin, sự tự tin ấy phủ khắp mọi nơi mà anh ta xuất hiện. Cho đến một ngày, anh ta chợt nhận một tin sốc, rằng vợ của anh ta quyết định sẽ chia tay. Người đàn ông ấy bị sốc nặng, mọi thứ như sụp đổ ngay tức khắc. Ngay sau khi biết tin ấy, anh ta cảm thấy mình như một kẻ vô giá trị, rằng mình là một kẻ thất bại hoàn toàn. Thời gian sau đó, anh ta vẫn không đủ can đảm để đối mặt với nỗi đau của mình. Sự tự ti, nỗi tuyệt vọng và cả sự tức giận bao trùm lên toàn cuộc sống của anh. Khi gặp mọi người, người ta không còn thấy được nét mặt rạng ngời, đầy năng lượng trên khuôn mặt ấy. Công việc của anh ta cũng tụt dốc không phanh, anh ta sa đà vào những trận nghiện rượu, những cuộc vui chơi vô bổ, những thói xấu chưa từng thử. Không một ai có thể tin rằng, anh ta có thể trở thành một con người khác hoàn toàn như thế.
Câu chuyện trên là một ví dụ điển hình trong xã hội. Có rất nhiều người, họ trải qua những cú sốc khác nhau, đó có thể là một thất bại trong một cuộc thi, một cuộc khủng hoảng kinh tế, một mối quan hệ đổ nát, mất đi một người thân, mất việc,... những thứ có thể gọi là một cú sốc tâm lý. Vậy điều gì khiến một cú sốc lớn trong đời lại khiến họ đánh mất chính mình?
SAI LẦM THƯỜNG GẶP TRONG BẢN SẮC CÁ NHÂN
Thông thường, nếu bạn được hỏi một câu hỏi rằng "Bạn là ai?", bạn sẽ trả lời như nào? Câu trả lời của bạn sẽ nói lên cách bạn nhận định bản thân mình, hay nói cách khác đó có thể là bản sắc cá nhân của bạn. Chắc hẳn bạn sẽ thấy có những cách nhận định bản thân sau khá quen thuộc.
Cách 1: Nhận định bản thân với một người. Đây là cách khá phổ biến khi bạn hỏi một đứa trẻ rằng cháu là ai, em bé ấy sẽ nói rằng cháu là con của bố cháu, con của mẹ cháu. Người ta thường nói "Children see, children do", tức trẻ em là bản sao những gì chúng nhìn thấy từ cha mẹ, ông bà - những người mà chúng được tiếp xúc nhiều nhất và ảnh hưởng nhiều nhất. Trong mắt trẻ em, thì bố mẹ luôn là hình mẫu
Cách 2: Nhận định bản thân với một công việc. Khi trưởng thành, chúng ta thường nhận định như vậy. Ví dụ như tôi là học sinh trường A, tôi là một ca sĩ, tôi là một chủ nhà hàng, tôi là một bác sĩ hay tôi là một doanh nhân thành đạt,... Khi đó, chúng ta nhận định bản thân mình thông qua một công việc, một chức danh. Và đó cũng là cách mà mọi người nhận định về chúng ta.
Cách 3: Nhận định bản thân với một đối tượng. Chẳng hạn một chàng trai lái một chiếc xe đắt tiền và sang trọng có thể nhận định về bản thân mình rằng tôi là chủ của chiếc siêu xe đời mới đó. Hay tôi là chủ của chuỗi nhà hàng ăn nổi tiếng XYZ.
Vậy các cách nhìn nhận trên có điều gì không ổn?
Nếu bạn để ý bạn sẽ thấy rằng những cách nhận định trên đều nhận định chúng ta dựa trên những thứ thuộc về bên ngoài. Mà những thứ thuộc bên ngoài, có thể đến thì cũng có thể đi. Một người xuất hiện trong cuộc đời chúng ta, họ có thể từng có những lúc rất quan trọng, nhưng cũng có thể có những lúc không còn ở bên cạnh chúng ta, thậm chí có thể thay đổi trở thành một người phản bội. Một chức danh cũng như vậy, nay chúng ta có thể có chức vụ đó thì ngày mai chúng ta có thể không còn sở hữu nó nữa. Cho nên người ta thường hay nói "Quyền lực là thứ trao tay", nó không thuộc về sở hữu của ai cả, chỉ là ở một thời điểm nào đó bạn nắm giữ quyền lực mà thôi. Tương tự vậy, một đối tượng, một đồ vật thuộc sở hữu cũng có thể sẽ không còn thuộc sở hữu của một người. Nó có thể đến, có thể hỏng, có thể mất, có thể không còn tồn tại.
Khi một người nhận định chính mình (Psychological Identity) dựa trên những thứ thuộc về bên ngoài, thì hiển nhiên nếu nó mất, họ sẽ cảm thấy hụt hẫng, đau đớn, thất vọng, mất niềm tin, đau khổ, mất sự tự tin. Và đó là nguyên nhân sâu sa của những người sau thất bại không thể nào đứng lên được. Có những người sau sự ra đi của một người thân, họ không còn đủ sức mạnh để tiếp tục cuộc sống của họ nữa, bởi vì một cách nào đó trong bản sắc cá nhân của họ, người ấy chiếm vị trí cực kì quan trọng trong cuộc đời họ. Chẳng hạn như tôi là vợ của chồng tôi - một người đàn ông che chở, bảo vệ, bên cạnh tôi. Và giờ đây khi không còn người chồng, người vợ ấy không có đủ sức mạnh để tiếp tục. Hay như có những người cuộc sống đang rất thành đạt, sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 trước đây, bất động sản đóng băng, kinh tế thay đổi và thị trường thay đổi, cơ hội trôi qua và những thất bại ập đến, họ không còn đủ sức mạnh để bắt đầu làm lại cuộc đời. Chính vì thế, các nhà tâm lý mới đưa ra một khái niệm để mô tả những trường hợp này đó chính là khủng hoảng bản sắc cá nhân (Psychological Identity Crisis).
THAY ĐỔI BẢN SẮC CÁ NHÂN, TÌM SỨC MẠNH VƯỢT QUA SÓNG GIÓ CUỘC ĐỜI
Như đã phân tích ở trên, hóa ra để thay đổi cách một người phản ứng với thất bại thì ẩn sâu trong tâm lý, thứ một người phải thay đổi đó chính là cách mình nhận định chính mình hay bản sắc cá nhân (Psychological Identity). Cụ thể, thay vì chúng ta nhận định mình dựa trên những thứ bên ngoài, thì thứ mà chúng ta cần nhận định về chính mình đó chính là những giá trị thuộc về bên trong, tức những phẩm chất tốt đẹp, mạnh mẽ mà không sóng gió cuộc đời nào có thể thay đổi được.
Tại sao cuộc đời lại có rất nhiều người mạnh mẽ? Tại sao cuộc đời có những người khiến chúng ta cảm nhận rằng họ có một sức mạnh, một ý chí, một nghị lực vượt trội hơn người? Vì sao có những người có họ khả năng vượt qua mọi sóng gió đến với cuộc đời họ? Lý do là bởi vì một khoảnh khắc nào đó, một sự kiện nào đó khiến họ đã có cách nhìn nhận về bản thân họ dựa trên những phẩm chất ở bên trong.
Chẳng hạn, nếu một người nhìn nhận bản thân mình rằng tôi là một người mạnh mẽ. Và nhận định đó được xây dựng, được lặp đi lặp lại đủ nhiều trong suốt cuộc đời của họ, thì khi sóng gió đến với họ, họ vẫn nhìn nhận mình là một người mạnh mẽ. Ví dụ như họ mất việc, họ vẫn nhìn nhận bản thân mình là người mạnh mẽ, mà một người mạnh mẽ thì sẽ không hề hấn gì nếu mất việc. Nếu họ mất người thân, một người mạnh mẽ sẽ có thể tự lập được dù người thân họ mất đi. Họ vẫn sẽ buồn, họ vẫn sẽ đau khổ, nhưng ẩn sâu bên trong, họ không sụp đổ bởi cách họ nhận định bản thân mình.
Hoặc một ví dụ khác, nếu một người nhận định bản thân mình hoặc có những trải nghiệm trong quá khứ ảnh hưởng đến cách họ nhận định bản thân rằng trong cuộc sống luôn luôn phải lạc quan thì khi người đó trưởng thành, lạc quan là một phần của con người họ. Điều đó có nghĩa là cho dù bị đẩy vào những hoàn cảnh tồi tệ nhất, họ vẫn có thể lạc quan và sự lạc quan là động lực để họ bắt đầu lại mọi thứ.
Thậm chí bản sắc cá nhân còn có sức mạnh lớn đối với cả một tập thể. Là mỗi người dân Việt, một trong những bản sắc quan trọng đó là ý chí kiên cường, đây có thể coi là một văn hóa tốt đẹp. Đó là lý do mà vì sao một trong những hiện tượng của thể thao Việt Nam trong 2018 - U23 Việt Nam mang đến nhiều cảm xúc cho người dân. Cho dù gặp đối thủ mạnh, cho dù phải vất vả, cho dù phải thi đấu với thời tiết khắc nghiệt, cho dù trước đó họ gặp nhiều thất bại thì sự kiên cường và lì lợm vẫn là một bản sắc quan trọng giúp họ đạt được thành công.
Không những thế, thậm chí bản sắc có thể còn ảnh hưởng đến cả một đất nước. Chẳng hạn Nhật Bản là một đất nước nổi tiếng với thiên tai bão lũ. Là tập hợp của những quần đảo, Nhật Bản liên tục phải gặp động đất, sóng thần, thậm chí cả núi lửa phun trào. Thiên tai bão lũ là những thứ xuất hiện thường xuyên đối với người Nhật. Cho nên, một cách nào đó mà ngay từ nhỏ, nhiều đứa trẻ ở đất nước này hình thành lên bản sắc rằng phải tương thân tương ái, phải mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh. Đó là lý do mà vì sao chúng ta có những câu chuyện cảm động nhưng nổi tiếng về những người dân đó là ngay cả khi thiên tai, phát đồ trợ cấp, họ vẫn xếp hàng ngay ngắn chờ đến lượt mình chứ không chen lấn xô đẩy.
Tôn giáo là một biểu hiện rõ nét của việc xây dựng nên những bản sắc cá nhân. Một người theo đuổi một tôn giáo có thể chịu ảnh hưởng bởi những bản sắc của tôn giáo đó mang lại. Ở đây, chúng ta không nói về việc một tôn giáo là tốt hay xấu, đó là quan điểm cá nhân của từng người. Nhưng chúng ta có thể chắc chắn một người theo đuổi một tôn giáo có thể bị ảnh hưởng bởi bản sắc của tôn giáo đó. Ví dụ một người ăn chay có thể bị ảnh hưởng mạnh bởi quan điểm không được sát sinh, từ đó dẫn đến việc luôn hướng đến bản sắc phải yêu thương người khác, yêu thương giống loài.
Tổng kết lại, có nhiều người không thể vượt qua nỗi đau tâm lý là bởi vì một cách nào đó, họ vô tình còn bị ảnh hưởng hoặc nhận định bản thân mình dựa trên những thứ thuộc về bên ngoài, những thứ có thể không chắc chắn và bị phá vỡ bất kỳ lúc nào trong cuộc đời. Ngược lại, để tìm được nguồn sức mạnh giúp mỗi người đủ khả năng đương đầu với thất bại, nghịch cảnh, sóng gió trong đời, thì thứ mỗi người cần nhìn nhận, cần xây dựng và nhận định về chính mình đó chính là những phẩm chất tốt đẹp, những giá trị bên trong. Dĩ nhiên, trong bài này không đủ thời gian để phân tích sâu hơn cách làm thế nào để xây dựng những giá trị tốt đẹp bên trong, phần còn lại để ngỏ cho bạn đọc có những góc nhìn riêng.
* Nguồn tham khảo:
*Bài viết độc quyền tại Tâm Lý Học Ứng Dụng
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...