Tâm Lí Học Tổng Hợp

  Ở bài viết trước (Vì sao giới trẻ Việt ngày càng yếu đuối?), chúng ta đã nói một cách chân thành về thực trạng của nhiều bạn trẻ qua góc nhìn tâm lý. Có nhiều bạn thấy thấm, có bạn thấy băn khoăn, có bạn không còn hy vọng vì thấy rằng đây là thực trạng của cả một hệ thống. Đồng thời, cũng có bạn mong muốn được quan tâm đến phần giải pháp để chúng ta sau khi đã có cái nhìn thực tế, thì có thể vững tâm hơn và nhất là thay đổi mô thức hành xử với chính mình và với lớp trẻ sau này. Cho nên, có thể coi bài viết này là phần 2 nối tiếp sau bài viết trước. 

 CHÚNG TA THƯỜNG HÀNH XỬ THEO MÔ THỨC

 Về tâm lý, chúng ta thường có thói quen hành xử theo mô thức được lập trình sẵn. Dưới góc độ NLP (Lập trình ngôn ngữ tư duy), não bộ giống như một máy tính, và các siêu chương trình (Meta Programs) chính là phần mềm cài cho não bộ. Chúng ta cài phần mềm nào (Input) thì não bộ sẽ chạy phần mềm đó (Output). Giống như bạn đánh máy một văn bản nhưng bị sai lỗi chính tả, sau khi in ra thấy lỗi sai, bạn dùng bút xóa để tẩy lỗi sai trên tờ giấy. Rồi bạn lại in tiếp một tờ giấy khác, lỗi sai ấy lại tiếp tục hiện lên tờ giấy. Cuối cùng bạn nhận ra, thứ mình cần thay đổi phải là sửa lỗi ở trên máy chứ không phải là sửa lỗi trên tờ giấy. Câu chuyện về máy in thì đơn giản vì nó thuần là máy móc (Input – Output), nhưng kì thực với con người, chúng ta lại không giải quyết tận gốc rễ mà thường chỉ muốn thay đổi phần ngọn và hy vọng kết quả sẽ khác đi. Các mô thức hành xử, khi lập đi lập lại sẽ tạo thành lối mòn tư duy và tạo thành phản xạ. Giống như trên con đường mòn, bởi vì có nhiều người, nhiều xe đi lại cho nên có một lối mòn ở giữa, lẽ thông thường những người đi sau cũng sẽ có khuynh hướng đi vào lối mòn đó, chỉ bởi vì đường đó đã có người đi. Về mặt con người, các mô thức được gọi là Pattern. Nếu muốn thành công, bạn phải có được mô thức thành công. Nếu muốn thế hệ sau này khác đi, thì thế hệ trước đó phải thay đổi. Hay nói cách dễ hiểu, nếu muốn có những thứ bạn chưa từng có, bạn phải làm những việc mình chưa từng làm. Nếu chỉ làm những việc mà ai cũng làm, bạn sẽ chỉ có những thứ mà ai cũng có.







  KHI CHA MẸ ĐẶT ĐÂU CON NGỒI ĐẤY KHÔNG CÒN ĐÚNG NỮA 

 Khi con cái sinh ra, lẽ tự nhiên cha mẹ sẽ chọn tên cho con. Khi con còn nhỏ, cha mẹ chọn đồ ăn, thức uống cho con. Lớn lên một chút, cha mẹ chọn trang phục, chọn trường, chọn lớp cho con. Vô tình, khi con trưởng thành, nhiều cha mẹ vẫn theo thói quen cũ, chọn vợ, chọn chồng, chọn nghề nghiệp và thậm chí chọn luôn cả cuộc đời hộ con. Dĩ nhiên, không phải ai cũng như vậy, nhưng đó là mô thức lý giải câu nói "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó". Điều này khá phù hợp và khá đúng đối với bối cảnh ngày xưa, khi mà cuộc sống còn đơn giản, thời đại nền kinh tế lấy nông nghiệp làm trọng, người ta chỉ ăn với học để ra làm quan, thời đại mà từng có lúc 90% dân ta chưa biết chữ, khi ấy con cái đâu có biết gì, thầy u bảo sao phải nghe vậy. Nhưng giờ đây là cách mạng 4.0, khi mà nền kinh tế bị làm phẳng, và nhân tố làm phẳng quan trọng là sự xuất hiện của Internet. Giờ đây, chưa bao giờ có một sự bình đẳng về mặt thông tin và kiến thức như vậy. Một đứa trẻ 5 tuổi cũng có thể truy cập được kiến thức giống như một giáo sư 60 tuổi chỉ cần nhờ Google. Giờ đây, kinh nghiệm không còn là thứ cực kì phát huy tác dụng như ngày xưa của thế hệ trưởng thành nữa. Những người trẻ tuổi, họ hoàn toàn có thể có được kinh nghiệm thông qua sách vở, thông qua google, thứ họ thiếu có chăng là trải nghiệm thực tế. Do vậy, nếu người trưởng thành không bắt nhịp kịp sự thay đổi của tương lai, đón đầu công nghệ, nắm bắt những yếu tố cần thiết của xã hội sau này mà vẫn tiếp tục dùng kinh nghiệm của mình để áp chuẩn cho thế hệ tiếp theo thì điều đó hết sức đáng tiếc. Chẳng hạn như thời bây giờ là 4.0 mà vẫn có nhiều trường đại học, giảng viên dạy tin học cho sinh viên vẫn còn dạy word 2003, word 2007, windows 7, sinh viên có chứng chỉ tin học với những thứ kinh nghiệm lỗi thời đó liệu có thể dùng được cho tương lai? Chưa kể, chúng ta vẫn còn quá chú trọng đến việc dạy kiến thức, kiểm tra và đánh giá học sinh bằng cách ghi nhớ (nhớ kiến thức), trong khi một con robot có thể nhớ cả hàng triệu văn bản. Không chỉ cha mẹ, mà người trưởng thành nói chung, gia đình trường học đã đến lúc phải thay đổi cách giáo dục, cách định hướng và những gì cho thế hệ sau này học hỏi. Cụ thể, giới trẻ ngày nay rất cần học những thứ đặc biệt mà trường học không dạy nhưng trường đời lại rất cần. 


 HƯỚNG ĐI NÀO CHO TƯƠNG LAI?

 Trong thời đại 4.0, như có phân tích ở bài trước, để thành công thì thế hệ trẻ phải có khả năng cạnh tranh được với sự thay thế của máy móc. Phải có khả năng vượt qua được sự cạnh tranh việc làm khủng khiếp, phải có sự năng động dữ dội và phải có được sự bứt phá ngoạn mục. Thông thường, để tỏa sáng, có 3 yếu tố sau: LÀM THỨ MÌNH THÍCH, LÀM THỨ MÌNH GIỎI và LÀM THỨ XÃ HỘI CẦN. Vòng tròn giao điểm của 3 yếu tố này sẽ là thứ lý tưởng cho điều chúng ta cần tập trung. Nghịch lý nằm ở chỗ, hiếm khi chúng ta tìm được việc gì thỏa mãn cả 3 yếu tố đó, mà thường thiếu yếu tố nọ, yếu tố kia. Vậy, tập trung vào đâu là quan trọng nhất? Nhiều người sẽ nghĩ là tập trung vào thứ xã hội cần. Có một thời người ta nói "Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa, thứ ba Sư Phạm". (Trường Y – Dược, trường Bách Khoa, trường Sư Phạm). Giờ đây trong cách mạng 4.0 điều này không còn đúng nữa. (Bạn nào rảnh thì đọc bài về thủ khoa trường sư phạm phải ở nhà chăn lợn). Giờ đây làm gì cũng được, miễn là phải giỏi và có những kĩ năng độc đáo (hiếm và khó có người cạnh tranh được). Những thứ xã hội cần sẽ liên tục thay đổi theo thời gian. Chẳng hạn, cách đây khoảng vài chục năm chúng ta thật quen thuộc với hình ảnh chiếc xe đạp, xe ngựa, xe bò. Giờ đây ô tô, máy bay, tàu điện ngầm xuất hiện dần thay thế phương tiện đi lại. Trong tương lai, ô tô bay xuất hiện sẽ thay thế ô tô thường. (Ô tô bay đã có ở Mỹ). Trước đây, bạn nào ở quê sẽ dễ bắt gặp hình ảnh những cái lò gạch nung lửa từ đất. Trong tương lai, công nghệ in 3D có thể in được cả một tòa nhà thay thế nhu cầu sử dụng gạch ngói như ngày xưa. Trước đây chúng ta thấy những miền ven làng quê có những vườn rau lớn, trong tương lai công nghệ Nanofarm sẽ đem đến cho mỗi gia đình một cái tủ như cái tủ lạnh, chỉ cần bỏ hạt giống loại rau vào, sau 1 tuần rau sẽ tự phát triển và thu hoạch được. Như vậy, thứ xã hội cần luôn thay đổi liên tục. Ví dụ kinh điển nhất có lẽ chính là huyền thoại Steve Jobs. Trước khi iPhone ra đời, xã hội cần những chiếc điện thoại nhiều nút, bàn phím đồ sộ. Khi Steve Jobs xuất hiện và khi xã hội thay đổi, giờ đây thứ xã hội sở hữu chủ yếu là những chiếc điện thoại chỉ có một nút hoặc là bàn phím Home ảo. Yếu tố thứ hai nhiều người chọn là thứ mình thích. Đây cũng là một lựa chọn mang tính xác suất 50/50 giữa thành công và thất bại. Bạn thích nấu ăn không có nghĩa là bạn sẽ trở thành đầu bếp giỏi. Bạn thích hát không có nghĩa là bạn sẽ trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Bạn thích kinh doanh không có nghĩa là bạn sẽ trở thành doanh nhân thành đạt. Nếu bạn nào rảnh rỗi, có thể dành thời gian xem thử một vài video trên Youtube chương trình "Giọng ải giọng ai", bạn sẽ thấy có thật nhiều người đam mê ca hát nhưng giọng hát thì không ai có thể mê; hoặc chương trình "Giọng ca giấu mặt", bạn sẽ thấy có những người hát rất hay, phong cách cũng y chang ca sĩ, nhưng công việc hiện tại lại đang là bán kẹo kéo với mỗi ngày chỉ kiếm được từ 100-200 ngàn. Để thành công, người ta cần nhiều hơn thế. Vậy thì yếu tố thứ ba giờ đây là quan trọng nhất, đó là làm thứ mình giỏi. Hay thậm chí là làm thứ mình xuất sắc. Muốn xuất sắc, trước tiên chuyên môn phải giỏi, đó là KIẾN THỨC. Tiếp theo đó, THÁI ĐỘ phải tốt. Và sau cùng, phải sở hữu những kỹ năng hiếm có khó tìm. Đặc biệt là những kĩ năng mà ngay cả máy móc cũng không thể thay thế được, đó mới chính là hướng đi cho cách mạng 4.0. Năm 2017, làng cờ vây thế giới hoang mang khi kiện tướng Lee Sedol, người từng 18 lần vô địch các giải đấu quốc tế bất ngờ gục ngã 1-4 trước một cỗ máy tính (trí tuệ nhân tạo) mang tên Alpha Go. Alpha Go hay trí tuệ nhân tạo có thể làm những thứ con người không thể bắt kịp, chẳng hạn như tự thi đấu hàng triệu ván cờ với chính nó, tự học hỏi các nước đi của đối thủ, nhưng nó sẽ mãi mãi không bao giờ (hoặc cực kì khó) có được sự đồng cảm, lòng trắc ẩn, tinh thần động viên như con người. Trong Y tế, robot có thể tiêm cho con người các liều thuốc theo đúng tỉ lệ các loại hóa chất, nhưng nó sẽ mãi không bao giờ (hoặc cực kì khó) biết động viên, an ủi người nhà bệnh nhân, biết lắng nghe, tâm sự người thân khi khó khăn. Hay nói một cách khác, những kĩ năng liên quan đến con người là thứ mà robot cực kì khó để thay thế con người. Nếu tóm gọn trong một cụm từ, thì đó là NĂNG LỰC CẢM XÚC. Tức khả năng làm chủ cảm xúc bản thân, thấu hiểu cảm xúc người khác, biết lắng nghe, biết vượt lên chính mình, biết động viên, biết trách nhiệm, biết yêu thương, biết nỗ lực, biết thấu cảm, biết đồng cảm. Như vậy, thứ mà ngày nay, cả người trưởng thành và thế hệ trẻ đều nên "đặt mình ngồi vào" đó chính là việc rèn luyện những kĩ năng cho tương lai thông qua trải nghiệm, thông qua sự nỗ lực, thông qua từng giây, từng phút sống. Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu và cũng chưa bao giờ là quá muộn để không kịp thay đổi. Đã đến lúc, cần phải thay đổi các mô thức không còn hiệu quả của ngày xưa, đập đi xây mới tư duy trong hiện tại để sẵn sàng đương đầu với tương lai. 


 Are you ready?




Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui