Khi ta còn là một đứa trẻ, bố mẹ ta, dù vô tình, ám chỉ hay cố ý nói rõ, đã phân định với chúng ta rằng cảm xúc là thứ không nên tồn tại. Khi ta khóc, bố mẹ hiếm khi hỏi "Vì sao con khóc?" mà họ thường tìm cách mắng nhiếc, dọa nạt, hoặc nịnh nọt để ta thôi khóc. Yên cửa yên nhà, ngoan ngoãn vâng lời như thể là nghĩa vụ của chúng ta.
Khi ta hờn dỗi, không có ai thực sự lắng nghe, dạy bảo ta chuyện đúng sai có lí, phản ứng của bố mẹ thường là gì? "Kệ mày, mày thích thì tao cho mày dỗi". Hay khi ta không muốn học bài một chút nào, họ chỉ biết lặp lại câu "Đi học bài đi. Không sau này làm xe ôm, quét rác đấy con ạ!" (Làm nghề xe ôm, quét rác thì đã làm sao? Miễn nó là một nghề lao động chân chính, phục vụ cộng đồng đấy ư?)
Họ phớt lờ các cảm xúc của con cái, họ uốn nắn làm sao con cái phải giống như ý muốn của họ. Điều đúng đắn nhất trong nhà, được đương nhiên cho phép, hình như chỉ là những cơn tức giận của bố mẹ, chứ không phải những cảm xúc của đứa trẻ. Đứa trẻ chỉ được phép vui vẻ, ngoan ngoãn thôi.
Mà vui vẻ, ngoan ngoãn là gì? Là vui theo ý bố mẹ, là ngoan theo ý bố mẹ. Gia đình như nhà tù thu nhỏ, gồm cả đòn roi, sự phẫn nộ, sự vô tâm và ác tâm.
Nhiều đứa trẻ bây giờ chỉ còn biết đến các loại hình giải trí công nghệ để giải tỏa, chúng cũng dần vô cảm và ác tâm như những cỗ máy dạy dỗ chúng. Chúng không bao giờ được học cách chia sẻ cảm xúc của mình, chúng chỉ biết cách bộc lộ các cảm xúc như bực bội khi có chuyện không theo ý mình, sung sướng khi đạt được điều gì, sợ hãi khi làm trái ý.
Đấy không phải cảm xúc, đấy là phương pháp để chúng giao tiếp với bố mẹ và xã hội. Những gì diễn ra thật sự thì bị giấu sâu vào trong, thậm chí không thể hiểu nổi nữa.
Mất kết nối, cuộc sống trở nên lạc lõng, cô độc và mơ hồ.
Thực chất, chúng ta chỉ là một bản sao lỗi, và càng ngày càng lệch lạc của bố mẹ, ông bà, thầy cô giáo và bạn bè xung quanh.
Nếu chúng ta nói chuyện với một đứa trẻ, chúng ta sẽ đoán được hoàn cảnh sống của nó, đoán được hằng ngày mọi người nói gì với nó, đoán được hằng ngày chúng lên mạng xem cái gì. Chúng chính là cái gương, chúng sao chép mọi thứ. Nên đừng ai đổ lỗi cho con trẻ vì chúng làm sai, trước tiên trách mình. Và cũng đừng ai đánh đập, tức giận với chúng, vì chúng ta đang đối diện với bản sao của chính mình, chúng ta đang khó chịu với chính mình.
Cứ thế, khi chúng ta lớn lên thì thế nào? Chúng ta học cách điều tiết cảm xúc của mình bằng: Đồ ăn, sự hưởng thụ, tham lam bất kể đạo đức, say mê một ai đấy, chăm chút vẻ ngoài, những thành tích hào nhoáng bên ngoài, những cơn tức giận điên loạn, đổ lỗi cho người khác, phán xét người khác, chỉ trích người khác, v.v...
Chúng ta làm rất nhiều cách để tránh phải đối diện với chính mình và cảm xúc của mình, để tạm thời cảm thấy an toàn trong vòng quay bé nhỏ của sự sống vốn đã đánh mất ý nghĩa sống.
Trốn tránh cảm xúc khiến chúng ta kiệt quệ, mệt mỏi. Những cảm xúc bế tắc bên trong như những vết thương không kịp lành, chúng bị ấn vào trong, sưng ung, lở loét, thậm chí thối rữa mà không ai hay.
Chỉ có thể càng ngày càng tồi tệ hơn, càng ngày càng nhiều biến thể hơn, và chúng ta thì càng ngày càng mơ hồ, chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Nhưng rõ ràng chúng ta mệt mỏi, và biết mình đang đi về phía bóng tối.
Trong những khoảng tối tâm hồn như thế, thế giới của tâm lí, của các vấn đề tâm lí, và nặng hơn là các bệnh tâm lí càng ngày càng phình đại, chi phối ngày càng mạnh mẽ. Cũng vì thế nó khiến nhiều người lờ mờ nhận ra và muốn tìm nhiều cách để hiểu, để giải thoát và để được chữa lành.
Phương pháp của các nhà trị liệu tâm lí đó là trò chuyện và lắng nghe thân chủ của mình. Phương pháp này giúp thân chủ bộc lộ mình, dần học cách kết nối với cảm xúc, kết nối với nội tâm của mình, hiểu mình và kiểm soát các trạng thái bên trong.
Khi thân chủ được lắng nghe, đó chính là một phần trong họ được chữa lành. Khi thân chủ tự kiểm soát được mình, đó là họ đã dần bình phục.
Phương pháp này đòi hỏi sự kiên nhẫn, chính xác, khả năng đồng cảm và thấu hiểu, vì thế đòi hỏi trí tuệ rất lớn từ nhà trị liệu. Các thân chủ thường mất rất nhiều năm để bắt đầu có thể hiểu được các cảm xúc của mình.
Thực tế, các cảm xúc này đóng vai trò thông báo các tình trạng nội tâm: chúng ta đang làm đúng hay sai, hay có thể chưa cần làm, chỉ cần chúng ta nghĩ đúng hay sai thì các cảm xúc đã có thể thông báo. Điều đúng sai này mách bảo điều chúng ta cần làm, bất kể hoàn cảnh thế nào và áp lực từ những người xung quanh lớn đến đâu.
***
Và cuối cùng, bạn đừng quên, OOPSY - cộng đồng dành cho những người đam mê tâm lí và tâm lí trị liệu.
Mong OOPSY sẽ luôn mang đến cho bạn Nụ cười.
Cũng như sẽ lau đi Nước mắt.
Cuộc sống luôn là rất nhiều sự tích nhặt: Cả nụ cười và nước mắt!
Hãy mỉm cười, bạn nhé!
___________________________
/ Bài viết: Oopsy Team. Ảnh: Mind Core.
\ Để nhận bản tin từ OOPSY, mời bạn đăng kí tại: https://goo.gl/e5Z9FG
*********
#oopsy
#cùng_nhau_trưởng_thành
#chữa_lành_trái_tim
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...