VÌ SAO CHÚNG TA THÍCH TÂM SỰ VỚI NGƯỜI LẠ? (Edward + Elon)
Nhu cầu tâm sự với người lạ là một điều nhiều người tưởng như vô lý và mâu thuẫn nhưng lại là một sự thật hiển nhiên. Lẽ ra, người lạ phải là người mà chúng ta không thể nói chuyện, chia sẻ, nhất là những chuyện riêng tư. Thế nhưng, vì sao đôi khi ta vẫn cảm thấy có những nỗi lòng mà mình không dễ dàng để chia sẻ với người thân quen. Thậm chí, có những khi ta còn cảm thấy không thể tìm được một người nào đủ hiểu mình để có thể lắng nghe, dù chỉ là những chuyện nhỏ nhất.
Trong showbiz Việt, có hai ca khúc không cùng tác giả, chẳng cùng ca sĩ nhưng cùng nổi tiếng đó chính là "Tâm sự với người lạ" và "Người lạ ơi". Có thể người ta thích nghe vì ca từ, vì âm nhạc, vì phong cách thể hiện. Nhưng ở góc độ tâm lý, nếu để ý bạn sẽ thấy cả hai ca khúc này có chung một yếu tố, đó chính là yếu tố "người lạ". Chính yếu tố "người lạ" này đã làm cho nhiều người nghe cảm nhận được hình ảnh của bản thân mình, câu chuyện của mình ở trong đó. Lý do là bởi vì, có ai mà chưa từng cô đơn, có ai mà chưa từng trải qua những lúc có những nỗi niềm nhưng không tìm được một ai đó để chia sẻ, khi đó chúng ta vừa muốn, vừa không muốn tìm đến một nhân tố mang tên "người lạ".
CHÚNG TA KHÔNG SINH RA ĐỂ TÂM SỰ VỚI NGƯỜI LẠ
Nếu như bạn nói ngay từ khi sinh ra chúng ta đã muốn tâm sự với người lạ thì điều đó không đúng. Nếu không tin, bạn cứ thử đi tâm sự với những em bé còn nhỏ, bạn hỏi han, nói chuyện, yêu cầu được ôm ấp xem có đứa trẻ xa lạ nào đồng ý với bạn không thì bạn sẽ biết. Khi thấy một người lạ, theo phản xạ tự nhiên bất kì đứa trẻ nào cũng sẽ phản kháng, chẳng hạn la hét, khóc lóc và nó sẽ đi tìm đến điểm tựa an toàn của nó, mà thông thường khi đó là cha mẹ. Như vậy, chúng ta sinh ra không phải có sẵn nhu cầu tâm sự với người lạ, thay vào đó chúng ta luôn luôn có nhu cầu được CẢM THẤY AN TOÀN. Và nhu cầu tâm lý được cảm thấy an toàn là một nhu cầu bản năng của con người, chúng ta có nó từ khi sinh ra và sẽ kéo theo nó cả khi lớn lên.
Như vậy, nếu bạn hiểu từ góc độ này, thì bạn sẽ dần hiểu ra được rằng khi chúng ta lớn lên, mạng lưới quan hệ của chúng ta hình thành, chúng ta có những người thân quen, và lý do mà chúng ta không sẵn sàng tâm sự một số chuyện khó nói với người quen là bởi vì có thể người đó, hoặc trong hoàn cảnh nào đó, một vấn đề nào đó không đủ làm cho chúng ta cảm thấy an toàn khi mở lòng ra chia sẻ. Nếu vậy thì "người lạ" có yếu tố gì khiến chúng ta lại cảm thấy an toàn? Phần tiếp theo dưới đây sẽ giải thích điều đó, tuy nhiên phải nhấn mạnh thêm rằng "người lạ" có thể giúp chúng ta an toàn nhưng chỉ là sự an toàn nhất thời chứ không phải là an toàn mãi mãi.
KHI NGƯỜI QUEN BỖNG TRỞ NÊN XA LẠ
Có một thực tế, dù bạn công nhận hay bạn không công nhận thì nó vẫn là sự thật, đó chính là con người chúng ta không có ai hoàn hảo. Ai cũng có những điểm tốt hoặc điểm mạnh và ai cũng có những điểm xấu hoặc điểm yếu. Khi chúng ta là người lạ, chúng ta không dễ hoặc rất khó nhìn thấy điểm xấu hoặc điểm yếu của nhau. Lý do đơn giản là vì chúng ta chưa đủ an toàn để bộc lộ ra và cũng chưa có nhiều thời gian để quan sát và hiểu nhau. Ngược lại, khi chúng ta quen nhau nhiều hơn, gắn bó nhau hơn, hiểu nhau hơn, sống với nhau nhiều hơn thì dần dần chúng ta càng nhìn được nhiều điểm xấu hoặc điểm yếu của nhau. Có những điểm yếu hoặc điểm xấu thuộc về tính cách và bản năng, cho nên bạn không thể kì vọng một ai đó không bao giờ có điểm yếu hoặc điểm xấu nào. Đó là điều không thể.
Sự thật tiếp theo đó chính là đôi khi, người dễ làm chúng ta tổn thương nhất lại là những người thân quen với chúng ta nhất. Chúng ta không thể nào làm tổn thương một người xa lạ, hoặc nếu có thì cũng sẽ rất ít hoặc chỉ vô tình, bởi vì chúng ta không có nhu cầu làm tổn thương một người mình không quan tâm trong cuộc sống của chính mình. Vậy cách mà chúng ta thường vô tình làm tổn thương người mình yêu thương hoặc cách mà chúng ta thường vô tình bị làm tổn thương bởi những người yêu thương mình, những người thân quen với mình là gì?
Thông thường khi chúng ta yêu thương một ai đó, lẽ dĩ nhiên chúng ta trở thành người thân yêu, thân quen của họ. Chúng ta khao khát và về bản năng muốn những điều tốt nhất cho họ. Nhưng có thể vô tình vì phương pháp chưa đúng mà chúng ta làm tổn thương nhau. Chẳng hạn, khi có một người tâm sự với chúng ta một vấn đề, một chuyện gì đó nghiêm trọng, chúng ta rất dễ vô tình đưa ra kết luận quá nhanh, đưa ra lời khuyên, lên lớp, giáo điều, so sánh hoặc thậm chí kết tội, chỉ trích, đổ lỗi, tra hỏi,... Chẳng hạn đứa con đi học nó đánh nhau, thầy cô và bố mẹ ngay lập tức mắng mỏ, thậm chí trừng phạt. Một cô cậu học sinh vừa thi rớt có thể ngay lập tức nhận được sự so sánh từ phụ huynh về "con nhà người ta". Một bạn Một bạn trẻ vừa nghỉ việc và thất nghiệp có thể ngay lập tức nhận lấy sự phán xét "lớn rồi mà còn chưa biết tự lập". Một người trung niên đổ vỡ hôn nhân có thể nhận hàng tá sự dòm ngó, chê bai từ những người trong cuộc. Chúng ta luôn rất dễ dàng nhìn thấy sai lầm hoặc điều không tốt người khác, hoặc chúng ta rất giỏi đưa ra lời khuyên cho người khác, hoặc chúng ta rất muốn người khác phải làm tốt một chuyện gì đó theo kì vọng của chúng ta,... và hàng loạt nguyên nhân khác nhau dẫn đến chuyện chúng ta vô tình biến người thân quen trở nên xa lạ.
Khi một đứa con mắc lỗi lầm và cách phản ứng của cha mẹ là mắng mỏ, bực tức thì lần sau khi nó mắc lỗi lầm, nó không còn dám tâm sự với người quen của nó là cha mẹ. Đó là lý do vì sao gần đây báo chí đăng tin nhiều về chuyện nữ sinh, nam sinh tự tử vì áp lực gia đình. Khi một người bạn gặp những thất bại trong công việc và cách phản ứng của bạn bè là khuyên nhủ, giáo điều hoặc "mày phải thế nọ, mày phải thế kia" thì lần sau khi người ấy có thất bại, họ không còn muốn tâm sự với một người quen của họ là những người bạn thân nữa... Khi một người có một nỗi đau, một chuyện khó nói, một vấn đề tế nhị, cách phản ứng thông thường của người quen vô tình càng khiến cho người đó cảm thấy đau hơn. Giống như một người lính ra trận gặp một vết thương, việc chúng ta mong muốn xoáy sâu vào vết thương với hy vọng giúp người ấy hết đau kì thực lại chỉ làm người đó trở nên đau hơn. Cho nên, đó chính là lý do khiến chúng ta từ những người lạ có thể trở nên thân quen thì cũng hoàn toàn có thể từ thân quen mà trở nên xa lạ.
KHI NGƯỜI LẠ VÔ TÌNH LÀM CHÚNG TA CẢM THẤY THÂN QUEN
Để hiểu sâu về tâm lý con người, có một cách rất tốt là hãy nghiên cứu tâm lý của những đứa trẻ. Bởi vì con người chúng ta, không ai lớn lên mà không trải qua thời thơ ấu. Có một cuốn sách tâm lý rất sâu và dễ hiểu về tâm lý của con trẻ đó là "Con Cái Chúng Ta Đều Giỏi" (TGM BOOKS dịch). Trong đó chỉ ra 5 nhu cầu tâm lý của con trẻ như sau:
- Nhu cầu 1 & 2: Nhu cầu được yêu thương và được chấp nhận.
- Nhu cầu 3 & 4: Nhu cầu được cảm thấy mình quan trọng và được nhìn nhận.
- Nhu cầu 5: Được độc lập và tự khẳng định mình.
5 nhu cầu này không chỉ đúng với con trẻ mà còn đúng với cả con người ta khi trưởng thành. Trong đó, 2 nhu cầu đầu tiên chính là nhu cầu được yêu thương và được chấp nhận. Chúng ta sẽ dễ dàng mở lòng ra chia sẻ với một người làm cho chúng ta cảm thấy an toàn, hay nói cách khác đó là người khiến chúng ta cảm thấy được yêu thương và quan trọng nhất là được chấp nhận.
Một người lạ, họ không biết nhiều về chúng ta, họ cũng chẳng hiểu gì về chúng ta. Chính bởi vì không biết, không hiểu về chúng ta, không trải qua những gì chúng ta trải qua, cho nên khi ta chia sẻ với họ, họ cũng chẳng biết phải đưa ra lời khuyên gì cả. Họ cũng chưa đủ thân thiết với ta để đưa ra những nhận xét, hay khuyên nhủ, hay gợi ý hay thậm chí là những giáo điều, giáo huấn. Bởi vì họ xa lạ với chúng ta, nên họ cũng chẳng có nhu cầu yêu thương hay giúp đỡ chúng ta. Nhưng cũng chính bởi vậy nên vô tình, họ đã là một người lắng nghe chúng ta thực sự khi chúng ta tâm sự những chuyện khó nói, những vấn đề, những rắc rối, những trắc trở. Những người thân quen hay yêu thương nhưng yêu thương sai cách, còn người lạ thì không yêu thương nhưng hành động thì lại vô tình là yêu thương đúng cách. Họ giống như một người bác sĩ nghiệp dư, khi thấy bệnh nhân có một vết thương ở tay, vì nghiệp dư nên họ không dám khám xét vết thương, không dám động vào, chỉ quan sát, lắng nghe bạn kể về vết thương, thế rồi chỉ dám cung cấp cho bạn những loại thuốc giảm đau để thoa dịu bên ngoài. Nhưng đôi khi, chính vậy mà lại hiệu quả.
LÀM MỘT NGƯỜI LẠ HAY MỘT NGƯỜI THÂN QUEN THÔNG MINH?
Như vậy, tổng kết lại bài viết này bằng những kết luận sau:
- Con người chúng ta ai cũng có nhu cầu được an toàn, cho nên bẩm sinh sinh ra chúng ta không có nhu cầu tâm sự với người lạ.
- Cách phản ứng của người quen (dù mục đích tốt) vô tình làm cho chúng ta cảm thấy không được an toàn. Cho nên, đó là lý do mà có những chuyện chúng ta không dám/ muốn/ tin tưởng tâm sự với người quen.
- Cách phản ứng của người lạ, vô tình làm chúng ta cảm thấy an toàn bởi vì họ không phán xét, không đánh giá và không đào sâu vào những "vết thương tinh thần".
Phần cuối cùng là những giải pháp.
Đôi khi, nếu muốn bạn có thể tìm đến những người lạ. Đó là lý do mà vì sao ngày xưa, khi chúng tôi mở chuyên mục "Tham vấn tâm lý", chúng tôi nhận được hàng nghìn câu chuyện từ bạn đọc, trong đó có rất nhiều tâm sự thật, câu chuyện thật về tình cảm, tình yêu, hôn nhân, gia đình, mâu thuẫn nơi công sở,...
Nhưng giải pháp mà quan trọng hơn, chúng ta không thể luôn trông chờ ở những người lạ. Rồi thì sẽ luôn có những người quen xuất hiện, nhưng hãy là một người quen biết chấp nhận, biết lắng nghe thực sự, biết cảm thông, thấu hiểu những người xung quanh mình. Bớt chỉ trích, bớt phán xét, bớt lên lớp giáo điều, bớt so sánh nhau,... Đó là cách mà có rất nhiều người đã khiến cho người thân của họ thích tâm sự với người quen.
*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng từ những người xa lạ
- Tư tưởng: Ad Elon
- Chắp bút: Ad Edward
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...