BẠN LÀ NGƯỜI MẠNH MẼ HAY YẾU ĐUỐI? - Edward + Elon
Về mặt tâm lý, là con người tất cả chúng ta đều có nhu cầu được ghi nhận, được công nhận. Một cách thể hiện của sự ghi nhận đó chính là thông qua lời khen. Thế nhưng, một con dao hai lưỡi, bên cạnh tác dụng tích cực nó cũng đem đến hậu quả tiêu cực. Người đầu bếp biết sử dụng con dao, có thể biến con dao thành phương tiện để làm bữa. Kẻ lưu manh cũng có thể vì con dao mà phải vào tù vì dùng nó làm phương tiện để giết người. Lời khen cũng như vậy.
Hàng ngày chúng ta học tập, làm việc, chúng ta nỗ lực với mọi thứ trong cuộc sống là bởi vì chúng ta mong muốn tạo ra kết quả, tạo ra giá trị, chúng ta mong muốn được công nhận. Khi được công nhận, được khen ngợi, chúng ta có động lực để tiếp tục phấn đấu. Đây là mặt tích cực của lời khen. Mặt trái của nó, trong cuộc sống có những người luôn luôn mong muốn được công nhận, được ghi nhận ngay cả khi mình kém cỏi.
"Ở nhà nhất mẹ nhì con - Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta", đây là điều mà ông cha ta đúc kết rất đúng. Ở trong nhà thì mình lúc nào chẳng nhất, thế nhưng phải ra ngoài, trải nghiệm nhiều hơn chúng ta mới có thể thấy mình đang "ếch ngồi đáy giếng" như thế nào. Năng suất lao động của người Singapore bằng 23 lần so với năng suất lao động của người Việt. Lý giải kỹ hơn về việc này như sau: họ có máy móc, công nghệ, chính sách tốt và sự phối hợp tốt giữa mọi người với nhau. Khi kết hợp lại thì giá trị mà họ tạo ra năng suất cao hơn rất rất nhiều. Chẳng hạn một chai nước sản xuất ở Sing có thể cùng chất lượng với Việt Nam nhưng giá bán có thể gấp đôi. Vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ, khi cùng làm việc với những người giúp mình phát triển thực sự (bằng những lời khen chất) thì năng suất lao động sẽ cùng nhau tăng nhanh. Việt Nam mình, có nhiều yếu tố khiến năng suất lao động của chúng ta kém đi, chẳng hạn thái độ làm việc kém của nhiều cá nhấn, kết hợp sự thiếu chuyên nghiệp trong hợp tác, thiếu đi máy móc, công nghệ, chính sách phù hợp. Nếu chúng ta không có những người chất thực sự bên cạnh, sẽ rất khó để chúng ta có thể đi lên.
Trong một môi trường làm việc, nếu bạn muốn mình trưởng thành hơn, muốn mình mạnh mẽ hơn, muốn mình làm tốt hơn, thì bạn không thể luôn trông chờ vào những lời khen. Khen ngợi làm bạn cảm thấy sướng, đó là nhu cầu tâm lý. Nhưng khen ngợi là cách rất dễ để bạn ngủ quên trên chiến thắng. "Miếng ngon" thì chỉ nhớ lâu, nhưng "đòn đau" thì sẽ nhớ đời. Nếu muốn học được nhiều, bạn buộc phải có những người đủ khả năng để chỉ ra cho bạn những gì bạn làm chưa tốt. Và quan trọng hơn, là bạn phải có tinh thần "khao khát nhận phản hồi về những gì mình làm chưa tốt". Tất cả những lời nhận xét mang tính đóng góp, những người dám thẳng thắn nói ra những điều bạn làm chưa tốt, hãy trân trọng họ. Nhờ có họ mà bạn mới có thể tốt lên. Nhưng cuộc đời lại ngược lại, chúng ta thường cảm tính một cách vô lý. Chúng ta thường yêu quý những người hay khen ngợi, ca tụng mình mà không biết rằng thứ không khí lời khen đó là trong lành hay ô nhiễm. Ngược lại, chúng ta thường khó chịu, ác cảm với những người thẳng thắn, dám chỉ ra những cái sai, dám chỉ ra những điều mình làm chưa tốt một cách đúng đắn.
Thực tế thì trong cuộc sống này, kẻ mạnh mẽ là kẻ dám nhận về những gì mình làm chưa tốt, mình còn yếu kém, bởi vì thế mà sau này họ không vấp ngã như vậy. Kẻ yếu đuối là kẻ luôn khao khát được nhận những lời khen ngợi, ngay cả khi đó là những lời khen đểu, những lời khen không chân thành, hoặc luôn muốn tìm thứ để người khác khen mình. Về mặt tâm lý, nhu cầu được khen ngợi của chúng ta đều không có gì sai cả, đây là nhu cầu ai cũng muốn. Nhưng chúng ta có hai cách để đạt được điều này, một là nỗ lực làm những điều xuất sắc để ai cũng phải công nhận, còn cách thứ hai - mặc dù không làm được gì nhưng cũng luôn muốn được công nhận.
Được công nhận, hay được khen ngợi là nhu cầu rất lớn của con người, nó cũng giống như chúng ta cần không khí để thở. Không khí có không khí trong lành, cũng có không khí ô nhiễm. Lời khen cũng như vậy. Những người mạnh mẽ, họ nỗ lực, kiên nhẫn để đi tìm những nơi có bầu không khí trong lành. Ngược lại, kẻ yếu đuối luôn khao khát cả những lời khen "ô nhiễm". Nếu muốn tìm những bầu không khí trong lành, bạn buộc phải có tinh thần học hỏi rất lớn, khao khát học hỏi và luôn đi tìm những người giỏi hơn mình để học. Nếu xung quanh chúng ta chỉ toàn những người không giỏi, có thể họ sẽ ca tụng bạn khi bạn làm được một điều gì đó. Việc này chỉ có một tác dụng đó là tự sướng, không hơn không kém.
Nếu bạn bao năm qua, nhu cầu được công nhận của bản thân quá lớn, nhu cầu cần lời khen quá lớn, thì bây giờ bạn cần một cuộc di chuyển. Di chuyển từ nơi có bầu không khí "ô nhiễm", thích những lời khen đểu, khen những việc bình thường sang nơi có bầu không khí "trong lành", ít được khen ngợi nhưng là những lời khen chất, và lời khen đó dành cho bạn khi bạn đã làm được những việc đầy giá trị.
Để làm được điều này không hề dễ, bạn buộc phải hạ cái tôi của mình xuống. Dám chấp nhận mình chưa phải giỏi nhất, dám chấp nhận mình còn phải nỗ lực nhiều. Bởi thực tế, và hãy tự khen mình khi mình dám nhận là mình còn chưa giỏi. Giống như một đứa trẻ tập đi, nếu nó không chấp nhận được việc vấp ngã thì nó sẽ chẳng bao giờ có thể đi được.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...