Không phải ngẫu nhiên mà cả xưa và nay, người đời đều thường nói "Nghèo thì hèn". Dĩ nhiên, quan điểm này có phần hơi cực đoan bởi vì trong cuộc sống này có rất nhiều người tuy nghèo nhưng cuộc đời rất an lạc và tử tế. Ngược lại, cũng có rất nhiều giàu nhưng lại không được tôn trọng và bị coi thường vì sự giàu có không chân chính. Tuy nhiên, ở góc độ tâm lý, khi nhìn một cách trung dung và khách quan thì quan điểm này không hẳn là không có tác dụng. Bài này phân tích ở góc độ những người giàu có chân chính và những người nghèo thực sự đang đổ lỗi cho cái nghèo, từ đó hy vọng chúng ta có một cái nhìn khác và tỉnh táo hơn.
VẬT CHẤT QUYẾT ĐỊNH Ý THỨC
Đây là tư tưởng mà triết học Mác Lê nin đã từng nói, và dĩ nhiên những đúc kết này không phải không có căn cứ, chỉ là ở góc độ tâm lý ứng dụng thì chúng ta không cần phải hiểu quá phức tạp mệnh đề, mà chỉ cần tóm gọn như sau: "Vật chất thì quyết định ý thức và ý thức thì tác động trở lại đến vật chất". Điều đó có nghĩa là khi bạn có một lượng "vật chất" - đó có thể là điều kiện gia đình, tài sản, thu nhập ... nó quyết định đến "ý thức" của bạn trong việc sử dụng "vật chất" hàng ngày. Và dĩ nhiên, lượng "vật chất" khác nhau thì dẫn đến "ý thức" sẽ khác nhau rồi.
Giả sử bạn mời một người bạn của mình đi ăn cơm trưa, bạn có 50K so với việc bạn có 200K thì dẫn đến việc bạn có thể mời bạn của mình ăn uống khác nhau hoàn toàn. 50K không thể ăn uống thoải mái bằng 200K, từ đó mà tâm lý của bạn cũng khác nhau. Đó là một ví dụ nhỏ, còn đây là một ví dụ lớn. Giả sử bạn là vua của một đất nước, đất nước bạn có một vùng biển, và có một nước lạ nọ mang tàu chiến vào khu vực biển của bạn. Trong trường hợp, bạn không có đội tàu chiến hùng mạnh (vật chất), rất có thể bạn sẽ phải đi ngoại giao nói này nói nọ. Nhưng giả sử bạn có vài hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo (vật chất), thấy tàu lạ xâm lược là bắn bỏ, khi đó bạn khỏi phải nói nhiều. Từ góc độ lý giải đó, có thể thấy tâm lý khi nghèo thì ảnh hưởng đến sự tự tin, ảnh hưởng đến quyền lựa chọn và sự tự do, và nếu quá nghèo, đôi khi bị gọi là hèn.
TỰ DO VÀ CÁC SỰ LỰA CHỌN
Khi nghèo, tâm lý dễ thấy nhất đó là chúng ta sẽ ít có sự lựa chọn. Ví dụ bạn đi phượt, khi là sinh viên, điều kiện kinh tế khó khăn thì bạn chỉ có thể đi phượt bằng các phương án như đi xe máy, ô tô, khi lựa chọn nơi dừng chân có thể phải lựa chọn khách sạn, nhà nghỉ phù hợp túi tiền. Giả sử bạn có nhiều tiền, khi đi phượt bạn có nhiều sự lựa chọn hơn: đi xe máy, đi ô tô, đi tàu, đi thuyền, đi máy bay,.. khi lựa chọn nơi dừng chân bạn thích thì ở homestay, không thì ở khách sạn (thích bao nhiêu sao cũng được), thích thì ở resort,.. sự lựa chọn là nhiều hơn rất nhiều. Nhiều sự lựa chọn thì mang đến sự tự do.
Giống như khi bạn vào nhà hàng, khi thu nhập còn hạn chế, mỗi khi nhìn thực đơn bạn sẽ luôn phải nhìn giá đầu tiên và lựa chọn món phải phù hợp túi tiền. Khi thu nhập bạn dư dả, bạn có quyền gọi bất kì món gì mà không phải lăn tăn thực đơn. Và trong mọi thứ khác cũng như vậy: nghèo thì hạn chế sự lựa chọn và làm mất sự "tự do".
TÂM LÝ GIÀU CÓ CŨNG NHIỀU NGƯỜI KHÔNG HẠNH PHÚC
Thực tế, đúng là nhiều người giàu có họ không hạnh phúc, họ có thể đổ nát gia đình, họ có thể căng thẳng công việc, họ có thể mất cân bằng dù ngay cả khi kiếm nhiều tiền. Nhưng không thể phủ nhận được sự thật rằng khi nghèo thì bạn rất khó hạnh phúc, đó không chỉ là tâm lý mà đó còn là khoa học. Trong các nhu cầu mà con người cần của nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow, thì nhu cầu thấp nhất hay cơ bản nhất (bắt buộc phải thực hiện được) đó là các nhu cầu về ăn uống, ngủ nghỉ, sức khỏe, an toàn,... Mà để có được điều này thì cần một ngưỡng tài chính cơ bản để vượt qua trạng thái nghèo. Theo một nghiên cứu khoa học, khi mức thu nhập của con người từ 60,000 triệu trở lên/tháng thì khi đó bạn không quá khác biệt về lối sống và chất lượng cuộc sống. Thế nhưng có tiền vượt qua trạng thái nghèo, bạn tự do và hạnh phúc hơn rất rất nhiều.
4 ỨNG DỤNG TÂM LÝ GIÚP LÀM GIÀU BỀN VỮNG
Cũng chính vì tâm lý "nghèo thì hèn" mà nhiều người mặc cảm, sợ hãi, tự ti khi nghèo. Từ đó dẫn đến tâm lý muốn làm giàu nhanh - nhưng thực ra không thể có con đường tắt đến thành công. Nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết những người trúng vé số sau một thời gian đều tiêu xài hết số tài sản đó, thậm chí còn nghèo hơn cả lúc trước. Lý giải cho điều này, tác giả Lukas Schwekendiek nói "Trở thành triệu phú không phải là khả năng bạn có thể kiếm được 1 triệu đô la từ một nơi nào đó hay thông qua làm việc chăm chỉ. Trở thành triệu phú nghĩa là bạn phải đi một hành trình để thay đổi bản thân mình, từ một người nghèo trở thành người có khả năng giữ được 1 triệu đô la trong tay". Như vậy, thấu hiểu tâm lý một chút có thể thấy rằng - để giàu có - cũng là một hành trình bạn chuyển đổi tư duy dần dần cho đến khi bạn có được tư duy của người giàu. Vì thế, làm giàu phải là con đường làm giàu bền vững chứ không thể là con đường vội vàng được. Dưới đây là một vài ứng dụng tâm lý giúp bạn làm giàu bền vững:
1. Sống dưới mức thu nhập.
Đây là một điều rất quan trọng! Tâm lý con người sẽ tiêu tiền dựa trên mức thu nhập của mình. Khi kiếm được nhiều, bạn sẽ tiêu nhiều. Nhưng khi thu nhập ít, bạn sẽ phải thắt chặt chi tiêu. Nếu vậy, tốt nhất sau khi nhận lương - hãy ngay lập tức chuyển 20% thu nhập vào một tài khoản khác hoặc sử dụng phần mềm tự động chuyển. Khi chỉ còn 80% thu nhập, bạn sẽ tự phải tìm cách để xoay sở với nó mà vẫn sống ổn được.
2. Chú trọng sức khỏe
Đôi khi tâm lý có thể chúng ta muốn tập trung làm việc để kiếm tiền, nhưng nếu lơ là sức khỏe thì sẽ phải trả giá rất đắt. Như Đạt Lai Lạt Ma có nói "Con người thật kì lạ, họ dùng sức khỏe để kiếm tiền và rồi cuối cùng họ lại phải dùng tiền để mua lại sức khỏe (Khi phải vào viện)". Vậy nên, đảm bảo ăn sáng, đi ngủ sớm, hạn chế làm việc khuya, ngủ đủ giấc, tập thể dục ... kìm hãm bản thân nếu tâm lý muốn làm việc quá nhiều để giữ lấy sức khỏe.
3. Thời gian có quan trọng?
Tâm lý nhiều người nghĩ rằng phải là làm mới có tiền, còn những thời gian rảnh thì không liên quan, thực tế lại không như vậy. Những gì bạn sử dụng thời gian lúc rảnh rỗi cũng quyết định rất nhiều đến khả năng tài chính của bạn. Tom Corley thực hiện nghiên cứu về thói quen của hàng nghìn người (cả triệu phú và người nghèo) và đưa ra thống kê: 63% người giàu dành ra ít hơn 1h mỗi ngày cho lướt web linh tinh mà chỉ sử dụng web liên quan đến công việc; trong khi 77% người khó khăn tài chính thì dành hơn 1h mỗi ngày để xem ti vi, và 74% thì dành ra vài tiếng đồng hồ hoặc gần cả ngày cho lướt web linh tinh.
4. Giàu có thực sự và tỏ ra giàu có
Nhiều người, họ hay "tỏ ra giàu có" bằng việc sử dụng đồ hàng hiệu, đi xe nọ, dùng điện thoại kia, tốn kém nhiều tiền cho thời trang, mẫu mã, hình thức. Nhưng thực tế, như vậy không phải giàu có thực sự, mà nó chỉ mang đến cảm giác mình là người giàu có. Người giàu có thực sự thì phải học cách chi tiêu thông minh, tuyệt đối không chi tiêu những gì không xứng đáng. Warren Buffetf mấy chục năm qua đều giữ một nguyên tắc là không ăn bữa ăn sáng quá 3,7$.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...