Ta Vẫn Còn Thương Nhớ Mà Người Đã Thờ Ơ

Ơ kìa? Điên à? Ta đấm hắn, ta không hỏi thăm hắn thì thôi. Mắc mớ gì hắn phải hỏi thăm ta? Hắn tính đốt pháo trong tim ta hả? Tim ta mà bị nổ tung thì hắn có đền bù nổi không? Ai không biết lại hiểu nhầm ta mê trai đẹp thì oan cho ta quá. Ta đã nói rồi. Ta không mê trai, không hề, chưa từng! Chẳng qua bị trai đẹp cầm tay nên con tim nó loạn lạc tí, phản xạ tự nhiên, gì mà căng?

Cơ mà... khoan đã!

Miếng ngọc bội công tử đang đeo trên người cùng với miếng ngọc bội Ngọc Trí đưa cho ta đều là ngọc phỉ thuý, trông rất giống ngọc bội đôi. Chỉ khác là, miếng ngọc bội của công tử khắc hình rồng hung mãnh đang bay lượn quanh đám mây, còn miếng ngọc bội của ta khắc hình phượng hoàng đứng e lệ bên khóm hoa mẫu đơn. Sao hắn biết ta thích hoa mẫu đơn nhỉ? Người đâu mà, đã đẹp lại còn tinh tế, đã tinh tế lại còn ôn nhu. Bảo sao tim ta loạn lạc! Bình tĩnh... phải hết sức bình tĩnh. Không được để cái sự loạn lạc nó che mờ lý trí. Để im cho bổn cô nương suy luận nào. Công tử ở cùng ta một đêm tại quán trọ Thảo Linh, chứng tỏ ngay từ đầu hắn đã biết ta vô tội. Tất cả các Tri phủ đồng loạt đứng lên tố cáo Lam Hoà, e rằng cũng phải nhận được sự chỉ thị ngầm của hắn, phải có hắn chống lưng mới dám hành sự. Đã thấu tường tận sự tình, ấy vậy mà vẫn lôi một nữ nhân trói gà không chặt như ta vào cuộc, xoay ta như xoay chong chóng, khiến ta nhiều phen khiếp vía. Nam nhi đại trượng phu, bắt nạt một cô nương chân yếu tay mềm thì có gì vui chứ? Giận run người, ta cố tình trả đũa:

- Ta không sao. Cơ mà công tử bị viêm họng nặng thật đấy. Giọng công tử khản đặc, nghe ghê quá à!

Ánh mắt công tử thoáng buồn. Hắn thở dài buông tay ta. Không hiểu sao trong lòng ta cảm thấy không được dễ chịu cho lắm. Chắc công tử tự ái, hắn chẳng thèm nói chuyện với ta nữa. Hắn lặng lẽ đi lên chiếc thuyền đậu ngay cạnh bờ sông. Ngọc Minh ấm ức hỏi ta:

- Tứ cô nương! Phàm là con người sống trên đời, ai chả có lúc mắc bệnh. Tứ cô nương nói năng như vậy có tự cảm thấy quá đáng lắm không?

Ta tức điên hỏi vặn Ngọc Minh:

- Ta mới nhận xét vu vơ về chất giọng của công tử nhà ngươi đã là quá đáng, vậy công tử vờn ta như mèo vờn chuột thì không quá đáng à?

- Tứ cô nương bình tĩnh nghe ta trình bày. Ngày hai mươi tháng Chạp năm ngoái, Tri phủ Thiên Trường âm thầm gửi đơn tới kinh thành tố cáo Lam Hoà. Khi đó, công tử đang ở Chiêm Thành. Sự việc của trấn Sơn Nam vốn đã được giao cho Thái phó. Tuy nhiên, ngày Mồng Ba tháng Giêng, công tử lại nhận được tin mật báo vị sư muội mà công tử tìm kiếm bấy lâu hiện đang ở trấn Sơn Nam. Công tử liền không quản nắng mưa, tức tốc phi ngựa về kinh thành. Sau khi giải quyết xong gia sự, công tử ngay lập tức tới Sơn Nam.

- Tình cảm công tử nhà ngươi dành cho sư muội sâu đậm ghê. Công tử liều mình như vậy chưa chết vẫn là may đấy. Chứ mà chết vì gái thì tê tái ghê lắm!

Ngọc Minh tủm tỉm bảo ta:

- Không chỉ là gái, mà còn là gái đẹp ạ.

- Đẹp cỡ nào?

- Công tử từng dùng ba cụm từ "băng thanh ngọc khiết", "bế nguyệt tu hoa" và "bách niên nan ngộ" để nói về nàng.

Gì vậy? Đẹp gì mà đẹp như băng như ngọc khiến hoa nhường nguyệt thẹn, lại còn là vẻ đẹp trăm năm hiếm gặp. Công tử có làm quá không thế? Tưởng công tử cao sang thế nào? Hoá ra cũng mê gái đẹp hả? Nghĩ mà nó tức gì đâu. Ta điên người hỏi:

- Là con nào? Hai đứa tụi nó quen nhau lâu chưa?

Nhận ra mình hơi thất thố, ta liền hạ giọng:

- Mạn phép cho ta hỏi quý danh của vị sư muội xinh đẹp tuyệt trần đó được không? Nếu ngươi có thể tiết lộ thêm về mức độ thân mật của huynh muội bọn họ thì ta càng thêm cảm kích.

- Tứ cô nương thứ lỗi, chưa có sự cho phép của công tử, ta tốt nhất không nên nhiều lời.

- Ủa? Thế hoá ra từ nãy tới giờ là ngươi đang kiệm lời đó hả?


Ta châm chọc. Ngọc Trí cáu gắt:

- Chỉ giỏi cái mồm chửi ta ngốc. Ngươi còn quá cả ngốc! Ngươi là ngu! Ngu chứ không phải ngốc. Tự dưng không đâu lại nhắc tới sư muội của công tử làm gì?

- Thì đang kể chuyện xong buột miệng, sự thể nó cứ thế phọt ra chứ ta đâu cố ý. - Ngọc Minh phân bua.

- Vậy ngươi ngậm miệng lại luôn đi, phòng trường hợp lại phọt phẹt linh tinh. Tứ cô nương! Thái phó tuy nắm quyền nhưng không có khả năng thu phục lòng người, vẫn là công tử nhà ta phải ra mặt bảo kê cho các vị Tri phủ thì bọn họ mới dám tố cáo Lam Hoà.

- Các ngươi kể lòng va lòng vòng toàn chuyện thiên hạ, chả liên quan gì tới ta. Túm cái quần lại là ta chỉ cần biết vì sao công tử nhà ngươi lại xuất hiện ở quán trọ Thảo Linh rồi ở cùng với ta một đêm? Hắn biết thừa ta thơ ngây vô tội, cớ sao lại tống ta vào nhà lao?

- Tứ cô nương còn ở đó mà trách công tử nhà ta à? Chẳng phải tại tính tham ăn của cô nương hay sao? Chỉ vì một cái vườn chuối mà dám đến quán trọ một mình. Nếu như công tử nhà ta không xuất hiện thì Tứ cô nương chắc chắn đã bị tên họ hàng xa của Văn Củ xâm hại rồi.

- Ta... ta... ngươi... cái đồ... chỉ giỏi nói lý làm bổn cô nương không cãi được. Thế tên họ hàng xa thực sự của Văn Củ ra sao rồi?

- Còn sao nữa? Văn Kiệu bị ta tát cho vài phát chứ sao? Hắn phê đến nỗi máu mồm cứ hộc ra ồng ộc.

- Có bị rụng răng không?

- Không.

Ta bĩu môi cảm thán:

- Thế mà ta còn tưởng ngươi là cao thủ tát không trượt phát nào cơ đấy! Xem ra ta đã đánh giá ngươi quá cao rồi!

Ngọc Trí tức tối phân bua:

- Sao lại trách ta? Có trách thì trách kẻ vốn không có răng là hắn chứ. Một khi lợi đã trống trơn thì còn gì đâu để mà rụng?

- Thật á? Ăn ở kiểu gì mà đến một cái răng cũng không còn? Đáng thương ghê a!

- Công nhận. Mất hết cả hàm răng đâu phải chuyện đùa.

Ta hiểu mà. Lại một kẻ số nhọ phải ăn cháo loãng. Ngọc Minh có vẻ không thương Văn Kiệu, hắn quát:

- Thôi! Thôi ngay đi! Đang từ chuyện công tử tới Sơn Nam, thế nào ngoảnh đi ngoảnh lại đã quay ngoắt sang chuyện rụng răng của Văn Kiệu rồi? Ngọc Trí! Không có khả năng dẫn dắt câu chuyện thì tốt hơn hết là đừng đi xa quá, kẻo có ngày miệng đưa quá đà lại vô tình khiến răng bay quá trớn! Tứ cô nương! Túm cái quần lại là công tử nhà ta tâm trong như ngọc, nhân cách sáng như gương, nếu có nhỡ làm gì phật ý cô nương thì cũng là do cô nương quá đáng trước. Nay cô nương được tự do không có nghĩa là cô nương không sai. Mời cô nương tự về phủ hối lỗi.

Ủa? Ủa? Ủa? Ta tức á! Ta không thèm nói chuyện với các ngươi nữa. Ta hồi phủ nói xấu các ngươi vậy. Ngân Hạnh và các đồ đệ ấy vậy mà không hề bênh ta. Nhị đồ đệ còn tỏ vẻ thông minh phân tích:


- Sự phụ! Trước khi trách người khác thì nên xem lại chính bản thân mình. Sư phụ quả thật có nhiều lúc vô tâm vô tư, thở ra câu nào là gây ngứa câu đấy!

- Im đi! Giờ phút nào rồi mà ngươi còn bênh địch? Nhiều chuyện quá tí nữa thì ta quên đấy. Tên đệ tử mất nết! Sư phụ gặp hoạn nạn, ngươi không an ủi thì thôi, lại còn dám mở miệng ra bảo phận ai nấy lo. Đồ vô tình! Ta thở ra toàn câu ngứa, ngươi nói thì không ngứa chắc?

- Dạ, bẩm sư phụ, sư phụ nói ngứa. Con là đồ đệ của người, tất nhiên, con cũng có khả năng nói ngứa.

Ta cáu nhặng xị ngậu:

- Á à! Ngươi thích trả treo hả? Ở đâu có cái thứ đồ đệ sư phụ nói một câu liền cãi một câu vậy?

- Ở đây. Ngay trong phủ của chúng ta luôn thưa sư phụ. Chính người từng kể với tụi con rằng hồi nhỏ người thường xuyên cãi sư phụ của người, người quên rồi ư?

- Ngươi... ngươi... còn dám xỉa đểu ta. Ngân Hạnh đâu! Mau thu dọn đồ đạc của tên này lại! Nhất đồ đệ đâu! Lôi cổ hắn vứt ra khỏi phủ cho ta! Nhanh!

Nhất đồ đệ khuyên ta:

- Sư phụ! Sư phụ bớt giận. Nhị đệ không phải là người xấu, chẳng qua là đệ ấy không được dạy bảo tử tế nên có chút đổ đốn thôi ạ.

- Ngươi nói vậy khác nào chửi ta không biết dạy hắn?

- Con chửi sư phụ hồi nào? Sư phụ đừng có đổ oan cho người tốt. Con chỉ đang chỉ trích cách dạy bảo đồ đệ của sư phụ thôi.

- Ủa? Chửi và chỉ trích khác nhau hả?

- Khác nhau chứ sư phụ.

- Khác nhau chỗ nào?

- Khác nhau ở chỗ chửi là chửi, còn chỉ trích là chỉ trích.

Nhất đồ đệ giải thích. Nhị đồ đệ chen ngang:

- Nhất sư huynh không hổ danh là đệ tử ngu nhất của sư phụ, có giải thích cũng như không.

- Ngươi im đi! Ta đang nói đỡ cho ngươi đó.

- Đệ không cần huynh nói đỡ. Sư phụ đã bất nhân thì đừng trách đệ bất nghĩa. Từ hôm nay, đệ sẽ dứt áo ra đi. Cho dù mưa to có làm ướt đệ hay bão lớn có dìm chết đệ, hoặc cũng có thể đệ chết vì đói, đệ cũng không bao giờ quay đầu trở lại nữa.


Ta bực bội mắng hắn:

- Làm màu ít thôi! Biến ngay đi cho khuất mắt ta.

Nhị đồ đệ nhận túi đồ đã được Ngân Hạnh gói ghém cẩn thận, dỗi hờn bỏ đi. Cơ mà, vừa mới bước tới chiếc cổng lớn, hắn đã ngoảnh lại hét lớn:

- Sư phụ! Con đi thật đó ạ!

- Đi thật đi! - Ta gào to hơn cả hắn.

- Sư phụ! Một khi con đã bước ra khỏi cánh cổng này, người vĩnh viễn sẽ không được gặp lại con nữa.

- Ta đầy đồ đệ, cần gì gặp ngươi?

- Nhưng chẳng có đồ đệ nào thông minh như con cả. Người đừng nhớ con quá nha!

Tự dưng, mắt ta nhoè đi. Ta chợt nhớ mình cũng từng bướng bỉnh như Nhị đồ đệ, từng doạ sư phụ mình sẽ bỏ phủ ra đi. Thấy sư phụ không níu kéo, ta cũng tủi thân quay lại doạ người:

- Sư phụ! Con bỏ nhà ra đi thật đấy nhớ!

Năm xưa, sư phụ của ta không nóng nảy như ta. Người buồn bã đi bộ tới bên ta, thở dài hỏi:

- Ai đuổi ngươi mà ngươi đi?

Ta phụng phịu lý sự:

- Sư phụ không đuổi Vô Tư, nhưng sư phụ phạt con quỳ mỏi hết cả chân á, chẳng khác nào ngầm đuổi đi cả.

- Ngươi trèo tường, bị ngã thâm tím cả tay. Sư phụ không phạt ngươi rồi đến khi nào ngươi mới chừa?

- Nhưng... nhưng... Vô Tư bị ngã đau tay... Vô Tư khóc rồi mà sư phụ còn phạt con quỳ... lại thêm đau chân... lại phải khóc to hơn... xong lại bị đau mắt. Sư phụ thấy thế mà còn không dỗ, suy ra sư phụ không hề thương Vô Tư. Con ở lại phủ của người chỉ khiến người thêm chướng mắt, chi bằng ra đi.

- Ngươi đã lý sự thế rồi thì ta chịu thua thôi. Ngươi mau đi đi. Ta không tiễn nữa, ta còn bận làm bánh tẻ.

- Ơ? Sư phụ làm bánh tẻ á? Sư phụ làm bánh chay hay bánh có nhân?

- Bánh có nhân chứ! Bánh chay ai ăn mà làm?

- Nhân thịt mộc nhĩ với cả mỡ hành ạ?

- Ừ.

- Vậy Vô Tư ăn xong rồi mới đi.


- Thôi. Ăn uống làm gì? Mau đi đi! Đi cho nó sớm sủa!

- Thôi. Con đi rồi ai ăn bánh tẻ sư phụ làm?

- Ta đầy đồ đệ, không lo ế bánh.

- Nhưng chẳng có đồ đệ nào biết thưởng thức và trân trọng tay nghề nấu nướng của sư phụ như Vô Tư cả. Con đi rồi, chỉ sợ người nhớ con chịu không nổi rồi phát bệnh thì con lại mang tội bất hiếu á.

Sư phụ lườm ta, nhưng khoé môi lại phản bội ánh mắt của người. Sư phụ cười rõ tươi, người rủ ta đi cắt lá dong với người. Sư phụ ta trên thông thiên văn dưới tường địa lý, hàng năm có không biết bao nhiêu người tới phủ xin được làm đệ tử của sư phụ. Nhiều đến mức, ta không rõ mình có bao nhiêu huynh đệ nữa. Hầu hết bọn họ đều sống ở khu nhà khác, chỉ có Phượng Yến sư tỷ, Thảo Tâm sư tỷ, Kim Linh sư huynh, Vô Ưu và ta sống trong phủ của sư phụ thôi. Sư phụ tuy chăm ta rất kỹ nhưng người chưa bao giờ giúp ta làm những việc tế nhị. Kể cả khi ta mải bắt chuồn chuồn xong lơ đãng thế nào giẫm ngay phải bãi phân trâu, người cũng chẳng lấy làm thương xót. Người chỉ mắng ta một trận rồi sai Phượng Yến sư tỷ rửa chân cho ta thôi. Ta hậm hực nói:

- Sư phụ không thèm rửa chân cho Vô Tư! Sư phụ chê muội bẩn á! Vậy mà kêu thương muội! Xạo xạo!

- Ngốc! Sư phụ là muốn giữ gìn cho ngươi.

- Giữ gìn cái gì cơ?

Phượng Yến sư tỷ đỏ mặt, ấp úng nói:

- Thì... thì... trinh tiết á.

- Ủa? Bàn chân mà cũng có trinh tiết hả sư tỷ?

Ta hỏi vặn. Phượng Yến sư tỷ cười sặc. Cơ mà, sau đó tỷ chẳng thèm giải thích kỹ càng cho ta hiểu, ngược lại còn đểu cáng bảo ta:

- Ừ. Bàn chân cũng có trinh tiết. Thế nên Vô Tư à, muội không được cho nam nhân xem bàn chân của mình nha!

- Không cho Vô Ưu xem luôn ạ?

- Không cho. Các cô nương chỉ nên cho phu quân tương lai xem bàn chân của mình thôi.

Ta xị mặt. Ta thích Vô Ưu lắm, ta chẳng muốn giấu hắn cái gì đâu. Sư phụ chưa từng tiết lộ cho ta biết tên thật của Vô Ưu, thậm chí hắn sinh năm nào, sư phụ cũng giữ kín. Ta chỉ biết năm ta bốn tuổi, sư phụ dắt một cậu nhóc cao hơn ta một cái đầu về phủ, bắt ta gọi sư huynh. Ta tất nhiên không chịu. Ta chán làm em út tới tận cổ rồi. Sư phụ doạ ta mà bướng sẽ phạt ta úp mặt vào tường. Ta tủi thân, mắt rơm rớm nước. Vô Ưu liền ghé tai ta nói thầm:

- Chỉ cần gọi ta là sư huynh trước mặt sư phụ.

Ta hiểu ý, nhoẻn miệng cười tươi bảo:

- Vô Ưu sư huynh, muội là Vô Tư.

Vô Ưu dịu dàng xoa đầu ta. Đến bữa cơm, thay vì bắt ta phải chia đều đồ ăn cho mọi người như sư phụ, Vô Ưu lén giấu đồ ngon cho ta. Đến giữa trưa, thay vì quát ta ngủ dưới gốc cây sẽ bị muỗi đốt, Vô Ưu lặng lẽ đứng bên cạnh đuổi muỗi cho ta. Chiều tà, thay vì phạt ta tội mải chơi không chịu về ăn cơm đúng giờ, Vô Ưu đem cơm nắm muối vừng ra ngoài bãi cỏ lau cho ta. Vô Ưu luôn mang theo ô, nhưng bất kể nắng hay mưa, Vô Ưu đều không che cho chính bản thân hắn. Vô Ưu cưng chiều ta hết mực, trái ngược với sư phụ, luôn khắt khe với ta, lúc nào cũng cấm ta làm cái này, cái nọ. Cơ mà, sự đời trớ trêu, tất cả những điều sư phụ cấm đều là những điều ta muốn làm. Sư phụ càng cấm, ta càng cảm thấy kích thích. Người dặn con chó nhà bà hàng xóm không được hiền cho lắm, Vô Tư không được chọc nó. Sư phụ vừa vắng nhà, ta liền bứt ổi đào ném vào đầu nó rồi lè lưỡi trêu:

- Lêu lêu lêu! Cái đồ chó đanh đá! Lêu lêu lêu!

Con chó đó khinh người thấy ớn luôn à! Nó không thèm đùa giỡn với ta mà cứ thế xông tới cắn ta một phát. Chiếc hài của ta bị rớt xuống đất, gót chân cũng vì thế mà có vết răng chó. Con chó đểu cáng nhìn chằm chằm vào bàn chân của ta, lưỡi nó lè, răng nó nhe như thể vui lắm. Vui cái con khỉ! Đồ chó dê xồm! Ta khóc lóc thảm thương. Ta uất ức chạy về phủ mách Vô Ưu:

- Vô Ưu ơi! Vô Ưu! Ta bị chó ngoạm rồi Vô Ưu ơi! Bàn chân ngọc ngà của ta ấy thế mà lại bị mất trinh tiết trong mõm của một con chó! Ta khổ tâm quá Vô Ưu ơi!


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui