Phù Dung thở dài tỏ rỏ sự mệt mỏi trong từng câu nói:
– Là do có người cứu ta, chuyện kể ra thì rất dài.
Lại nói vốn dĩ Liệt Khốc và Phù Dung là hai huynh đệ cùng lớn lên ở một võ quán trên đỉnh Ưng Sơn. Từ khi biết nhận thức về đạo thuật thì sư phụ đã hướng cả hai người đi những con đường khác nhau. Với Liệt Khốc phải trải qua rèn luyện cực khổ, gian truân. Nhưng trái ngược với sư đệ, Phù Dung chỉ được truyền dạy đạo thuật, không được rèn thể chất. Có hỏi thì sư phụ chỉ nói:
– Con là phận nữ nhi, đến tuổi phải chọn phu quân mà nương nhờ tấm thân, không nên đi quá sâu vào học đạo thuật, nếu không sẽ gặp họa sát thân. Đến rằm tháng sau, con hãy xuống núi đi, thời gian tu tập của con đã xong.
Cũng từ lúc xuống núi thì Phù Dung cũng biến mất không chút dấu vết, sư phụ lại đoán là cô đã bị sát hại.
Rằm tháng sau đúng như lời sấm của sư phụ, võ đường bị đạo tặc càn quét, sư phụ cũng đã quy thiên. Liệt Khốc do nhận nhiệm vụ nên cũng thoát được một mạng.
Liệt Khốc tiến sát lại gần để nhìn kỹ khuôn mặt của người sư tỷ đồng môn ngày ấy.
– Ba mươi năm rồi, đã ba mươi năm, sao tỷ lại già đi nhanh như vậy chứ?
Phù Dung chìa cây gậy tre ra trước mặt để giữ khoảng cách với hắn, giọng nói tỏ ra tức giận.
– Đừng gọi ta là sư tỷ, hai tay ngươi sớm đã nhuốm máu tanh, loại tà đạo như vậy quả thật ta thấy kinh tởm lắm.
Tên ác ma nhăn mặt, tuy hắn có thể động thủ nhưng lại không làm. Trước mắt hắn lúc này là sư tỷ, cũng vì trả thù cho người mà hắn mới ra nông nổi này.
– Sư tỷ à, đệ cũng chỉ vì trả thù cho tỷ, cho gia quyến của mình, thật sự không còn cách nào khác.
Nghe thế Phù Dung càng tỏ ra bực dọc hơn, chỉ tay vào mặt hắn mà quát to:
– Cho dù có là như vậy thì những người ngươi hãm hại, họ đã gây tội gì, làm sai gì với ngươi?
Liệt Khốc lấy tay che mắt cười to, giọng cười man dại chất chứa sự thù hận và không cam tâm.
– Làm gì sao? Chính bọn chúng đã phá nơi tu luyện của ta, còn chặt đi cây huyết ngải mà ta nuôi luyện. Thử hỏi nếu là sư tỷ thì chúng đáng trừng trị như thế nào?.
Chỉ thấy Phù Dung mặt đanh lại, ánh mắt tràn đầy sự thất vọng nhìn hắn, thấy vậy hắn nói tiếp:
– Vốn dĩ đệ có thể tha chết cho chúng, nhưng mà có một tên cũng muốn chúng chết, nên đệ với hắn mới có một khế ước.
Ánh mắt người lão niên nhìn xoáy sâu vào mắt Liệt Khốc.
– Khế ước gì?
Hắn cười nhẹ rồi từ từ ngồi xuống miệng giếng gần đó, tay vỗ vỗ vào thành giếng, cười nửa miệng nói:
– Một tên tham lam, ước muốn giàu sang, vinh hoa phú quý. Hắn muốn được thăng quan tiến chức nên đã trao đổi số dân đen này với ta. Bây giờ việc sắp thành thì tỷ lại xuất hiện ngăn cản.
Nói rồi hắn vận quỷ lực thành một thanh trường kiếm bằng hắc khí đen đặc. Tay nâng lên chỉ về hướng Phù Dung, ánh mắt đầy sát khí.
– Bây giờ nếu tỷ rời khỏi đây, không xen vào chuyện của đệ thì hãy còn con đường sống. Với đạo hạnh của tỷ bây giờ muốn thắng Liệt Khốc này là không thể được đâu.
Phù Dung thất kinh, bị hắn nói trúng tim đen rồi, quả thật với năng lực ít ỏi của bà hoàn toàn không thể bằng một phần của Liệt Khốc. Nhưng nếu bà bỏ đi thì sẽ hổ thẹn với lòng mình, tất cả những người ở đây đều phải bỏ mạng vô ích. Nghĩ ngợi hồi lâu sau mới có tiếng hồi đáp:
– Được! Ta đồng ý với ngươi.
Nghe thấy thế Liệt Khốc vui mừng cười to vang động cả rừng cây.
– Tốt, tốt lắm, bây giờ tỷ có thể rời đi rồi. Còn tên nhãi này tỷ không phải lo cho hắn. Đây là con trai của tên tham lam kia nên ta không thể lấy mạng hắn được. Sau này khi đạt được mục đích tốt hơn đừng để ta gặp lại, bằng không đừng hòng tên nào toàn mạng.
Nói rồi hắn bước trở lại vào cổng đình, cuồng phong bắt đầu nổi lên từng trận đen đặc hắc khí. Tầm mắt của bà lão Phù Dung cũng bị che mờ, không thể nhìn được phía trước mặt đang có chuyện gì.
Bà dìu Cao An trở về nhà, chuyện ở đây coi như không liên quan nữa. Liệt Khốc đã không còn là một con người nữa rồi, với sức mạnh đó cho dù có ở cấp bậc địa sư cũng không là đối thủ. Về đến nhà thì cũng đã qua thời điểm chuyển giao ngày mới, bà đặt Cao An xuống cái giường tre trước nhà rồi vào mở cửa. Bên trong nhà, thằng nhóc Phan Thiên đã ngủ từ lúc nào. Phù Dung tiến lại ngồi cạnh bên mà xoa lưng cho cháu. Nếu bà chọn giao chiến với Liệt Khốc thì có lẽ sau này sẽ chẳng còn ai chăm sóc được cho cháu bà. Lựa chọn này cho dù có trái đạo lý làm người, trái đạo tu hành thì bà cũng chấp nhận. Lúc sau mới nhớ ra Đinh Cao An vẫn còn phơi sương ngoài hiên, bà bước ra gọi cậu ta dậy. Thấy người này bị trúng mê hồn thuật quá nặng, thần hồn đã ngủ quên trong tâm thức. Phù Dung họa một lá âm hỏa phù rồi dán lên vai cậu ta. Âm hỏa phù dùng để đốt linh hồn tà ma đã rời khỏi thân xác, ngoài ra còn một công dụng để đánh thức phần hồn phách hoặc gọi hồn người sống.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...