Dịch giả: sheishict
Biên: Hoa Gia Thất Đồng
Từ bến tàu Tây Môn đi về hướng huyện thành khoảng nửa dặm là đến Hàn Sơn Đạo Quán.
Nơi đây đình viện trang nghiêm, tường đỏ ngói đen ngọc yên ắng, cánh cửa thanh đồng rộng mở. Tín khách ra ra vào vào, hương khói không ngớt. Cảnh tượng mỗi lúc một thêm náo nhiệt.
Cổ quán Hàn Sơn có hơn nghìn năm lịch sử, nhưng trước nay vẫn trầm mặc ung dung, không nổi danh mấy.
Mãi đến khi quán chủ đương nhiệm – Hàn Sơn Chân Nhân, hai mươi năm trước tiếp quản cổ quán này, tự mình tọa trấn bên trong cổ quán, tăng cường tiên pháp khiến cho thanh danh của cổ quán Hàn Sơn đại chấn, từ đó hương khói không dứt.
Tô Trần từng nghe các ngư dân trong thôn Chu nói, vị Hàn Sơn Chân Nhân này thần thông quảng đại, có thể đạp sóng đi trên các sông lớn hồ lớn, mọi chuyện trong thiên hạ không gì là không biết, bấm tay bói toán lại càng lợi hại hơn.
Hàn Sơn Chân Nhân được công nhận là tuyệt thế cao nhân, danh chấn toàn bộ mười ba huyện của Ngô Quận, thậm chí huyện lệnh đại lão gia muốn gặp Hàn Sơn Chân Nhân cũng phải đích thân tới đạo quán bái kiến.
Có điều, mấy năm gần đây, Hàn Sơn Chân Nhân rất ít khi ở trong đạo quán, đều là vân du tứ hải, kết bạn với cao nhân ở khắp mọi nơi.
Bá tính bình dân phải may mắn lắm mới có cơ hội diện kiến Hàn Sơn Chân Nhân tại đạo quán này. Bình nhật đến Hàn Sơn Đạo Quán, thường chỉ có thể gặp được năm đại đồ đệ cùng đồ tử đồ tôn của ngài mà thôi.
Truyền kỳ của Hàn Sơn Chân Nhân khiến cho cậu thiếu niên mười hai tuổi như Tô Trần sinh lòng kính nể đối với cổ quán Hàn Sơn.
Hơn mười năm trước, khi Tô Trần vừa mới sinh ra, lão quán chủ Hàn Sơn Chân Nhân đã từng xem bệnh cho y một lần, rồi lại còn ban cho y một cái tên.
Tô Trần vô cùng kính nể xen lẫn một chút tò mò đối với Hàn Sơn Đạo Quán, nhưng y vẫn chưa có cơ hội tiến vào bên trong, trong lòng có chút tiếc nuối.
Hiện tại, quần áo rách rưới quá nên y không dám đi vào trong cổ quán, nhưng vẫn cung kính đứng ở xa xa lạy vài cái, coi như là biểu lộ lòng cảm kích. Y nghĩ đến sau này, nếu giàu có, sẽ tiến vào trong cổ quán thắp vài nén nhang.
ooOoOoOoo
Tô Trần đi qua cổ quán, lại đi hơn nửa dặm nữa, rất nhanh đã đến huyện thành Cô Tô.
Đường trong thành còn náo nhiệt phồn hoa hơn cả bến tàu Tây Môn. Xe ngựa lớn nhỏ nối đuôi nhau đi, khắp nơi đều có người qua lại hết sức rộn ràng. Tất nhiên một nơi thâm sơn cùng cốc như thôn Chu không thể nào sánh bằng.
Dọc hai bên đường là đủ các loại cửa hàng: cửa hàng quần áo và trang sức, cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc, ngân hàng tư nhân, tiệm cầm đồ, còn có tiệm rèn vũ khí, cửa hàng mỹ phẩm, tửu lâu, trạm dịch…
Tất nhiên cũng không thể thiếu cảnh người khiêng kẻ gõ, tiếng rao hàng của những quán lề đường, các gánh xiếc biểu diễn xin tiền.
So sánh thì thấy, ở thôn Chu chỉ có mấy tiệm tạp hóa nhỏ với hàng thịt lề đường, những cái khác như cửa hàng xa hoa hay gánh xiếc đều không có.
Mỗi lần Tô Trần đến huyện thành Cô Tô đều nhìn đến hoa cả mắt, trong lòng không khỏi sinh lòng ngưỡng mộ những gia đình sống ở Cô Tô. Y luôn nghĩ, nếu có một ngày có thể sống ở một chỗ phồn hoa như huyện thành Cô Tô thì quá hạnh phúc rồi.
Nhưng đến khi ngẫm lại mới biết chuyện đó không thể nào trở thành sự thật.
Bây giờ y buộc phải rời khỏi quê nhà đi đến huyện thành Cô Tô kiếm sống, cũng đang lo lắng đến bạc tóc.
Muốn sinh sống ở huyện thành Cô Tô phồn hoa này khó khăn trùng trùng, chỉ tìm một việc làm kiếm sống qua ngày, một chỗ để ngủ cũng đã là hai vấn đề khó khăn lớn rồi.
Trên đường đi đến huyện thành, y chỉ ăn có mỗi một cái bánh ngô, lại còn phải đi cả ngày trời khiến cho bụng y kêu vang, cả người đã mệt mỏi rã rời.
Tô Trần đến từng cửa hàng ở hai bên đường hỏi, chỉ cần có chuyện lặt vặt gì đều làm. Nhưng các cửa hàng kia không ai muốn thuê một đứa giúp việc mới hơn mười tuổi như y, khiến y không khỏi thở dài chán nản.
Sau hơn một canh giờ không thu hoạch được gì, Tô Trần tiu nghỉa bước thấp bước cao trên đường.
Y tình cờ đi ngang đình viện của một nhà quyền quý giàu có. Từ trong viện đột nhiên chạy bổ ra mấy con chó hung dữ, hướng về phía Tô Trần mà sủa, khiến y không khỏi hoảng hốt, vội vàng chạy đi.
Chó dữ liên tục đuổi theo phía sau khiến cho Tô Trần sợ đến mức phải chui vào hẻm nhỏ, không cẩn thận giẫm lên nước thải hôi thối, chân tay bụng dạ đều run rẩy; lại chạy một mạch mấy con đường nữa, trốn vào một góc hẻo lánh mới thoát được mấy con chó kia.
Tô Trần thở hổn hển, muốn ở trong góc này nghỉ chân một chút.
Nhìn quanh quất, y lại lấy làm kinh ngạc.
Cái góc hẻo lánh mà y ẩn thân lại có mấy tên ăn mày.
Có bốn năm tên ăn mày cả già lẫn trẻ đang nằm ngổn ngang phơi nắng, thỉnh thoảng còn đưa tay gãi mấy con rận. Trên mặt đất còn có mấy cái bát gỗ, bát sành dùng để xin cơm với tiền lẻ.
Mấy năm gần đây, lưu dân đến huyện thành Cô Tô ngày càng nhiều. Bên trong huyện thành, những tên ăn mày tụm năm xúm ba như thế này cũng không phải là ít gặp.
Một tên thanh niên ăn mày mặt hình chữ “quốc”(国), đầu tổ quạ, bộ dạng nghênh ngang đang dựa vào góc tường, trước mặt có duy nhất một chiếc bát sứ hoa văn tinh xảo đẹp mắt. Hiển nhiên đây là thủ lĩnh của đám ăn mày.
“Tiểu huynh đệ, ngươi muốn gia nhập vào đội ăn mày của lão Chu ta sao?”
Tên thanh niên ăn mày thấy Tô Trần lao vào trong cái góc hẻo lánh này, dùng ánh mắt kỳ quái nhìn qua.
“Không! Ta chỉ đi ngang qua đây thôi.” Tô Trần vội vã xua tay lắc đầu.
“Không phải đến gia nhập thì chính là muốn đến cướp địa bàn của lão Chu ta rồi? Hừ, muốn tìm cái chết sao! Chỉ cần một bãi nước bọt cũng đủ dìm chết ngươi!”
Tên thủ lĩnh ăn mày lộ ra vẻ hung ác, nhổ một bãi nước bọt về phía Tô Trần, nhìn y như kẻ thù.
Tô Trần bị dọa nhảy dựng lên, né bãi nước bọt.
Vô duyên vô cớ bị tên ăn mày này nhổ nước bọt, trong lòng y vô cùng tức giận. Lúc trước đụng phải bọn lưu manh côn đồ cũng thôi không nói, chẳng ngờ ngay cả mấy tên ăn mày nghèo kiết xác ở cái huyện thành này cũng hung hăng bắt nạt y.
Tô Trần tức giận đá bay chiếc bát sứ có hoa văn của tên thủ lĩnh ăn mày, đoạt đường chạy đi.
“Trời ơi, chiếc bát sứ bảo bối của lão tử vỡ rồi, các huynh đệ đâu, bắt lấy tên tiểu tử thối này, đánh chết nó cho ta!” Thấy chiếc bát sứ quý giá của mình bị Tô Trần đá bay vào trong góc tường, vỡ ra kêu “choang” một cái, tên ăn mày không khỏi đau lòng hét lên, buông tiếng chửi rủa.
Bị mấy tên ăn mày đuổi theo như bầy ong vỡ tổ, Tô Trần không khỏi sợ hãi, vắt giò lên cổ chạy trối chết.
Mãi đến gần chạng vạng tối, mấy tên ăn mày mới không đuổi nữa, lại tản ra khắp nơi ăn xin.
Tô Trần vừa mệt vừa đói, cả người lại lấm lem bùn đất, nhếch nhác lê bước trên đường phố huyện thành Cô Tô.
Y ngẩng đầu nhìn, thấy mặt trời đang dần lặn về hướng tây.
Gió lạnh vào lúc chạng vạng tối bắt đầu nổi lên, quần áo lại mỏng manh, trong lòng y bỗng cảm thấy chua xót, khóc không ra nước mắt. Y thật sự là một kẻ xui xẻo, uống hớp nước thôi cũng lạnh đến đáy lòng.
Y bận rộn cả buổi trưa không tìm được việc, đang yên đang lành thì bị chó dữ đuổi, lại còn bị mấy tên ăn mày truy bắt, không gặp được chút chuyện tốt nào.
“Chỉ sợ tạm thời không tìm được việc làm ở huyện thành Cô Tô này, trời gần tối vừa lạnh vừa giá, nếu đêm nay không tìm được chỗ để ngủ e rằng chịu không nổi.” Tô Trần nắm chặt lấy quần áo suy nghĩ.
Cả ngày chưa ăn gì, y vẫn có thể miễn cưỡng chịu thêm một chút. Nhưng ban đêm trời lạnh giá, rất khó chịu đựng được, dễ bị chết cóng trên phố.
Tô Trần vốn không định đi làm phiền người anh em A Sửu, dù sao A Sửu cũng chỉ là một đứa nhóc giúp việc vặt trong khách sạn, cuộc sống cũng không dễ dàng gì.
Nhưng trước mắt không còn cách nào khác, chỉ có thể đến khách sạn Thiên Ưng tìm A Sửu tá túc lại một đêm. Trước tiên phải sống qua cái lạnh đêm nay đã, ngày mai khi mặt trời lên cao ấm áp hơn sẽ tính tiếp.
Tô Trần vừa trằn trọc suy nghĩ vừa đi về hướng cửa Tây, đến trước cửa khách sạn Thiên Ưng. Công việc làm ăn nơi đây hết sức phát đạt.
Tô Trần rất nhanh đã nhìn thấy A Sửu đang luống cuống tay chân trong đại sảnh, thậm chí còn ngửi thấy mùi rượu thịt nồng đậm từ trong khách sạn bay ra khiến y chảy nước miếng không thôi.
ooOoOoOoo
Khách sạn Thiên Ưng là sản nghiệp của Thiên Ưng Môn – một trong năm bang phái lớn của Ngô Quận, rất có tiếng ở huyện thành Cô Tô. Nơi đây cũng là một trong những khách sạn có tiếng bậc nhất, là chốn các hào khách giang hồ thường xuyên lai vãng.
Khách sạn xa hoa bề thế, trên dưới ba tầng lầu, khách đến ngồi kín cả đại sảnh.
Hôm nay khách sạn Thiên Ưng cực kỳ náo nhiệt, Vương đại chưởng quỹ, đám đầu bếp và hơn mười tên tiểu nhị đều đang bận rộn chiêu đãi khách đến dự yến tiệc tháng chạp của Thiên Ưng Môn.
Mấy trăm tên tráng hán giang hồ đều mặc cẩm y đại bào, lưng giắt đao kiếm, theo vị trí trong bang mà phân ra ngồi tại các tầng lầu, trên bàn rượu cụng ly cụng chén, ầm ĩ hô to, uống rượu ăn thịt, vô cùng náo nhiệt.
Có vài lão già mặc cẩm bào, cưỡi trên lưng những con thần tuấn cao lớn. Những nhân vật lớn trong Thiên Ưng Môn cũng đã xuất hiện.
“Cung nghênh Lý đại hộ pháp, Vương đường chủ đại giá quang lâm.”
“Ai dô, Liễu đại tổng quản, cuối cùng thì ngài cũng đã tới rồi! Bên trong đã chuẩn bị tiệc rượu xong xuôi, mọi người đang chờ ngài đấy.”
Vương đại chưởng quỹ của khách sạn vội vàng mang theo vài tên tiểu nhị đi ra dắt ngựa cho lão, miệng không ngừng nịnh hót lấy lòng.
Tô Trần nhìn thấy trong khách sạn tụ họp những hào khách giang hồ mặc cẩm bào của Thiên Ưng Môn, ra ra vào vào, trong lòng chỉ còn lại cảm giác kinh sợ.
Trước kia y vẫn nghe các ngư dân ở thôn Chu nói, những hào khách Thiên Ưng Môn này, trên thì quen biết với quan phủ, dưới thì quen biết giang hồ, hắc bạch lưỡng đạo đều làm ăn; lại thường xuyên chèn ép ngư dân thôn Chu, thủ đoạn bóc lột so với quan sai còn ghê hơn, khiến cho người ta nghe thấy liền hoảng sợ.
Hào khách giang hồ của Thiên Ưng Môn không dễ trêu chọc, sơ ý một chút là bị đánh đập dã man.
Tô Trần rất sợ những tên hào khách giang hồ này, ngày thường cũng không dám một mình đi vào trong khách sạn Thiên Ưng.
Trong khách sạn, Tô Trần cũng chỉ quen biết với đứa nhóc giúp việc là A Sửu.
A Sửu bằng tuổi y, trên mặt còn có một vết bớt màu xanh, nhìn qua có hơi xấu, trong khách sạn cũng như ở huyện thành không có bạn bè, thường bị mấy người làm thuê lớn tuổi hơn ở khách sạn ức hiếp.
Có điều, Tô Trần biết, mặc dù hình dáng của A Sửu không được dễ nhìn, nhưng nhân cách của nó lại rất tốt, cho nên hai đứa trở thành hảo huynh đệ. Mỗi lần y đến huyện thành đều tìm A Sửu chơi đùa.
“Trần ca đó à, sao ca ca lại đến đây!” A Sửu đang lau ghế, dọn dẹp cơm thừa canh cặn trên bàn, nhìn thấy Tô Trần xuất hiện ở ngoài khách sạn, không khỏi kinh hỷ, muốn chạy đến bắt chuyện cùng Tô Trần.
Bỗng nhiên một bàn tay lớn từ trên giáng xuống, dùng sức nhéo lỗ tai A Sửu, sau đó truyền đến tiếng Vương đại chưởng quỹ đang nổi giận: “A Sửu, tên lười biếng này, muốn trốn việc đúng không? Còn không mau đi dọn bàn đi!”
“Ai da, lỗ tai sắp rớt… rớt rồi! Đại chưởng quỹ tha mạng!” Lỗ tai bị nhéo đau, A Sửu la lên như lợn bị chọc tiết, liên tục xin Vương đại chưởng quỹ bỏ qua.
Phần đông những hào khách đang ăn uống trong tửu lầu thấy cảnh này, không khỏi cười ha ha, vỗ bàn một cách khoái chí.
Tô Trần lại càng không dám tiến vào khách sạn Thiên Ưng, trước tiên ở xa xa phất phất tay với A Sửu, sau đó vội vàng tiến vào trong góc nhỏ đầu đường đối diện với khách sạn, chờ đến lúc khách sạn đóng cửa.
A Sửu vốn là một tên tiểu nhị sai vặt, phải bưng trà rót nước cho đám hào khách giang hồ đang ở trong khách sạn không ngơi nghỉ, e rằng đến lúc khách sạn đóng cửa mới có thể rảnh tay được.
Tô Trần nhìn sắc trời, đã nhá nhem tối rồi. Đoán chừng đến tối, sau khi đám hào khách này ăn uống no say sẽ rời đi.
Y đối với những chỗ khác trong huyện thành cũng không quen thuộc, sợ lạc đường nên ban đêm càng không dám đi lung tung, chỉ có thể đợi ở góc đường, chịu đựng cơn đói.
Làm tiểu nhị bên trong khách sạn Thiên Ưng cũng không dễ dàng gì. Chỉ cần A Sửu bưng đồ cho khách chậm một chút là liền bị đại chưởng quỹ chửi mắng không ngớt.
Còn có một số hào khách tính tình hung dữ, đám tiểu nhị bưng đồ chậm một chút liền cho một cái bạt tai xây xẩm mặt mày.
Tô Trần lui vào trong góc tường, từ xa nhìn thấy cảnh tượng như vậy, cảm thấy xót xa thay cho A Sửu.
Những người làm thuê mướn cho khách sạn rất đáng thương, vừa bận vừa mệt, đã thế lại còn bị đám hào khách giang hồ cùng đại chưởng quỹ thay phiên đánh chửi.
Y ở vùng sông nước thôn Chu, tuy rằng cuộc sống rất kham khổ, thường xuyên ăn xong bữa nay lại lo đến bữa mai có gì ăn không, nhưng cũng không bị người ta nhục mạ như vậy.
Ngày thường, cha mẹ bận bịu đánh cá ở hồ lớn, để y mặc ý bắt cá trên sông nhỏ, trèo cây lấy trứng chim, hái rau dại trên đất hoang, tự mình tìm đồ ăn. Tự do quen rồi, không có ai quản thúc y.
Lòng Tô Trần ai thán, không biết cho A Sửu hay là cho chính bản thân mình.
Về sau, y ở huyện thành này tìm một việc vặt theo phụ người khác, e rằng cũng giống như A Sửu, cả ngày bị người ta bắt nạt.
ooOoOoOoo
Mặt trời lặn xuống hướng tây, bầu trời hoàn toàn bị bao phủ bởi màn đêm.
Gần khuya, đám tráng hán Thiên Ưng Môn trong khách sạn Thiên Ưng đã ăn uống no say, ôm quyền chào cáo biệt nhau, từng người từng người rời đi. Khách sạn Thiên Ưng lúc này mới đóng cửa.
Trên mặt A Sửu có mấy vết máu bầm, lỗ tai sưng phù, rõ ràng là bị đại chưởng quỹ và đám hào khách giang hồ kia đánh chửi không ít. Nhưng rốt ruộc khách sạn cũng đã đóng cửa, trên mặt nó lộ ra vẻ hưng phấn.
Những hào khách Thiên Ưng Môn ăn uống rất tùy tiện, còn thừa lại rất nhiều thức ăn.
Đồ ăn còn thừa lại rất nhiều, hôm nay hiếm khi có dịp Vương đại chưởng quỹ từ bi thánh thiện để cho đầu bếp cùng đám người làm thuê gói ghém mang về.
Ngay cả một tiểu nhị cấp thấp như A Sửu cũng được chia không ít.
Nó dùng một tấm lá sen lớn đem chỗ thức ăn thừa này bọc lại, còn có mấy nắm cơm lớn và một ít thịt vụn thừa, sau đó vẫy gọi Tô Trần khi ấy đang nấp trong góc tường tránh gió rét. Hai đứa mừng vui, cùng nhau trở lại hậu viện khách sạn Thiên Ưng.
Hậu viện của khách sạn Thiên Ưng rất lớn, là chỗ đám đầu bếp và mấy người giúp việc nấu cơm, rửa rau và làm các việc lặt vặt khác.
Ở trong góc sân, có một phòng củi dùng để chứa rơm rạ và củi, chính là chỗ ở của A Sửu.
Tô Trần thấy mặt mũi A Sửu bầm dập thì cảm thấy hổ thẹn nói: “A Sửu, lại gây thêm phiền toái cho đệ rồi! Hại đệ bị Vương đại chưỡng quỹ đánh một trận.”
“Nói gì thế, chúng ta là huynh đệ, cho dù ca ca không đến thì mỗi ngày đệ cũng bị Vương đại chưởng quỹ đánh. Trần ca lại đây, khó khăn lắm ca ca mới đến huyện thành một chuyến, hôm nay đệ mời ca ca ăn no một bữa! Chỗ này có nửa cái chân giò hầm cách thủy, còn có non nửa cái đuôi cá diếc kho. Đây chính là đồ tốt do đầu bếp của khách sạn chúng ta nấu, không giống với cách nấu cá với nước trắng của gia đình chúng ta, có bỏ thêm một ít dầu hạt cải, muối trắng và hơn mười loại hương liệu, nấu bằng lửa lớn, cực kỳ thơm.”
A Sửu khoe. Mặt mày hớn hở, nó phấn khởi trải cái túi đồ ăn ra đất.
Tô Trần ngửi thấy mùi hương kì lạ, nuốt nước bọt “ực” một cái.
Nhà y là ngư dân ở thôn Chu, đương nhiên có thể thường xuyên ăn cá hồ tôm sông. Tôm cá của khách sạn Thiên Ưng phần lớn là do ngư dân của thôn Chu đem tới bán. Có điều, cách nấu cá ở nhà so với cách nấu của khách sạn hoàn toàn khác biệt. Cách nấu cá ở nhà rất đơn giản, chỉ cần cho cá vào trong nồi nước, nấu chín là có thể vớt lên ăn. Hương vị rất nhạt nhẽo, lại còn rất tanh.
Nếu như có thể bỏ vào trong nồi một ít muối ăn và vài lá cải xanh, lại thêm một chút dầu cải, ngửi được một mùi dầu mỡ và muối, đối với những ngư dân thôn Chu mà nói là một cách nấu ăn xa xỉ.
Mà như đầu bếp của khách sạn Thiên Ưng, bỏ vào trong nồi vài muỗng dầu, một nắm muối, lại thêm hơn mười loại hương liệu không biết tên để kho cá diếc, sắc hương vị đều tuyệt vời, quả thực là quá xa xỉ, đến nỗi ngư dân thôn Chu không thể tưởng tượng nổi.
Tô Trần chưa bao giờ được ăn món ngon như vậy, chỉ là thường xuyên nghe A Sửu kể qua.
“Không cần, A Sửu, đệ cứ ăn đi! Ăn xong chừa lại một ít cơm, một ít nước đồ ăn để cho ta nếm thử hương vị thơm ngon là được rồi.” Trong lòng có chút ngưỡng mộ, nhưng Tô Trần vẫn từ chối.
Y đến tìm A Sửu là để có một chỗ ở tạm, tránh cái lạnh buổi đêm, có chút cơm để ăn cho khỏi chết đói đã là rất phiền cho A Sửu rồi, sao lại có thể chiếm tiện nghi lớn như vậy chứ.
“Ca ca khách sáo với đệ làm gì, đệ ở trong khách sạn làm việc, mỗi ngày đều có thể ăn những món ngon như thế này! Khó khăn lắm ca ca mới đến chỗ đệ làm khách một bữa. Ca ca ăn trước đi, còn dư lại đệ sẽ ăn.”
A Sửu nóng ruột, lập tức đưa đồ ăn qua chỗ Tô Trần, tựa như không ăn chính là không nể mặt mũi nó.
Thực ra, một đứa nhóc làm thuê mướn như nó là tầng lớp áp chót trong khách sạn. Đồ ăn thừa của khách hàng để lại đều bị đại chưởng quỹ, đầu bếp và những người phụ việc lớn tuổi hơn chia nhau hết. Đến phiên đứa nhóc làm thuê tiếp vặt như nó, dĩ nhiên còn lại chẳng đáng bao nhiêu.
Ngày thường, ngay cả nước canh thịt thừa, nó cũng chưa từng uống qua. Nó dõi mắt chờ mong những bát nước canh béo ngậy, nhưng đều bị đám giúp việc lớn hơn chia nhau hết.
Chỉ có hôm nay – yến tiệc tháng chạp của Thiên Ưng Môn, mới có nhiều đồ ăn thừa như vậy. Tất cả mọi người đều được phân chia đầy đủ rồi, nó mới may mắn có được một hai phần mang về.
“Đệ ăn trước đi!”
“Không, Trần ca ăn trước đi!”
Hai gã thiếu niên đẩy tới đẩy lui. Ngửi thấy mùi thơm của chân giò, non nửa cái đuôi cá diếc kho cùng với vài nắm cơm lớn, chúng nó đều thèm muốn chết nhưng không ai chịu ăn trước.
Cuối cùng hai đứa nó quyết định, chia mỗi đứa một nửa, đỡ phải đưa đẩy từ chối.
Tô Trần và A Sửu lập tức ăn ngấu ăn nghiến những “món ngon” này, ăn không còn một mẩu, cảm thấy mỹ mãn về bữa ăn no này. Hương vị của những món ngon này đủ cho chúng nó nhớ về dư vị trong suốt mấy tháng.
ooOoOoOoo
Trong màn đêm hun hút của huyện thành Cô Tô, ngoại trừ thanh lâu, kỹ viện và sòng bạc là mở cửa suốt đêm thì không còn trò gì khác để tiêu khiển.
Tô Trần và A Sửu ăn uống no nê xong, bèn chui vào trong đống rạ nói chuyện phiếm, kể đủ các loại chuyện thú vị về huyện thành Cô Tô và thôn Chu.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...