Sông Đông Êm Đềm

Acxinhia bị gả cho Stepan từ năm mười bảy tuổi. Người ta đã đem nàng về từ thôn Dubrovka, từ vùng cát bên kia sông Đông.

Một năm trước khi về nhà chồng, một ngày mùa thu, nàng đi cày trên đồng cỏ, cách thôn chừng tám vec- xta. Đêm ấy, cha nàng, một lão già năm mươi tuổi, đã lấy dây buộc chân ngựa trói tay nàng và cưỡng dâm nàng.

- Mày chỉ hé răng một lời là tao giết ngay. Nhưng nếu mày giữ kín, tao sẽ mua cho một cái áo ngắn bằng nhung và một đôi ghệt có đế. Tao dặn thì phải nhớ lấy: hễ có chuyện gì là tao giết ngay… - Lão đoan chắc với Acxinhia như thế.

Ngay đêm ấy, Acxinhia chạy về thôn, trên mình chỉ còn cái váy lót rách mướp. Nàng lăn ra ôm lấy chân mẹ, cố nén những tiếng nức nở, kể lại tất cả… Mẹ nàng và anh nàng thắng luôn cặp ngựa vào chiếc britka, cho cả Acxinhia lên, rồi phóng thẳng đến chỗ người cha. Anh nàng là lính trung đoàn Atamansky vừa mãn hạn trở về.

Trên quãng đường tám vec- xta, thiếu chút nữa gã quật chết hai con ngựa. Ba mẹ con vớ được lão già gần chỗ nghỉ chân ngoài đồng. Lão vẫn còn say bí tỉ, đang nằm ngủ như chết trên chiếc áo choàng trải dưới đất, cạnh đấy lăn lóc một chai vodka nốc cạn. Chính mắt Acxinhia trông thấy anh nàng tháo thanh ngang trên xe, đá thốc cho lão già đang ngủ tỉnh dậy, rồi chỉ hỏi gọn lỏn đôi câu là giơ luôn cái thanh bọc sắt, giáng cho lão già một cái vào tinh mũi. Hai mẹ con thượng cẳng chân hạ cẳng tay nện lão già một trận suốt một tiếng rưỡi đồng hồ. Bà mẹ đã nhiều tuổi, bao giờ cũng rất nhu mì, nhưng hôm ấy bà như phát điên, cứ nắm chặt lấy tóc ông chồng bất tỉnh nhân sự cho con trai ra sức đưa chân đá. Acxinhia nằm dưới gầm xe, hai tay ôm đầu, nức nở không ra tiếng… Lôi lão già về nhà thì trời đã sắp hửng. Lão rên rỉ, rống lên như con bò và cứ luôn luôn đưa mắt vào nhà trong tìm Acxinhia. Lúc nầy nàng đang phải trốn vào một xó. Lão già bị rách đứt một bên tai, máu chảy đầm đìa xuống gối. Đến tối thì lão tắt thở. Bà con láng giềng được cho biết rằng lão quá chén ngã lăn trên xe xuống, nên toi mạng.

Năm sau có những người mối đi chiếc britka trang hoàng rất đẹp đến dạm Acxinhia. Acxinhia cảm thấy thích anh chàng Stepan cao lớn cổ to thân hình cân đối. Ngày cưới được định vào thời kỳ ăn mặn mùa thu. Người ta làm lễ cưới cho đôi trai gái vào một ngày sắp sang đông, tiết trời giá lạnh, thỉnh thoảng lại có tiếng băng nứt rất vui tai. Từ ngày ấy, Acxinhia về nhà Astakhov với tư cách là một bà chủ trẻ. Mẹ chồng nàng là một mụ già cao lớn, lưng còng, đang ốm vì một bệnh ác nghiệt của đàn bà. Vừa chè chén vui chơi hôm trước thì bảnh mắt hôm sau mụ đã đánh thức Acxinhia dậy, lôi nàng vào bếp, rồi cứ luôn tay chuyển những cái gắp than từ chỗ nọ sang chỗ kia, chẳng biết để làm gì, và bảo nàng:

- Thế nầy nhé, cô nàng dâu yêu quý của tôi ạ, người ta cưới cô về không phải để cô hú hí đú đởn, để cô ườn thân ườn xác ra đâu. Bây giờ thì cô đi vắt sữa mấy con bò. Sau đó cô sẽ vào với cái bếp lò mà làm bữa. Tôi già rồi, không còn có sức để làm gì nữa đâu. Mọi việc làm ăn trong nhà, cô hãy nhận lấy, một tay cô phải thu vén lấy thôi.

Cũng ngay hôm ấy, Stepan lập tâm đem người vợ trẻ của hắn vào nhà thóc, đánh cho một trận thừa sống thiếu chết. Hắn đánh vào bụng, vào ngực, vào lưng, đánh có tính toán thế nào mà cho người khác khỏi nhận biết. Và cũng từ đấy hắn bắt đầu ăn mảnh, lăng nhăng với những mụ vợ lính vắng chồng đĩ rơi đĩ rụng. Hầu như đêm nào hắn cũng nhốt Acxinhia vào nhà kho hay trong phòng để đi chơi.

Acxinhia cắn răng sống nhục như thế một năm rưỡi trời, tới khi sinh được một đứa con. Sau đó cũng có dễ thở một chút, nhưng Stepan vẫn quá dè sẻn những phút gần gũi vuốt ve và vẫn ít ngủ đêm ở nhà như xưa.

Nhà nuôi nhiều gia súc, công việc nội trợ nặng nề làm cho Acxinhia suốt ngày tối tăm mặt mũi. Stepan chỉ dài lưng tốn vải: ngày ngày hắn chải qua cái bờm tóc rồi bỏ đi đàn đúm với bè bạn, hút thuốc, đánh bài, tán gẫu về những chuyện mới xảy ra trong thôn.

Gia súc thì một mình Acxinhia phải trông nom, bao nhiêu công việc trong nhà ngoài ngõ đều đổ cả lên đầu nàng. Mẹ chồng nàng thì chẳng đỡ đần được chút gì: hễ phải động chân động tay một chút là mụ rên rỉ nằm vật ra giường, người co quắp, cặp môi nhợt nhạt vàng ệch dành ra mỏng dính như sợi chỉ, hai con mắt long lên như mắt thú dữ vì đau cứ dán lên trần. Trong những phút như thế, mặt mụ vốn đã lốm đốm những nốt ruồi đen to tướng, lại đổ mồ hôi như tắm và những giọt nước mắt cứ nối đuôi nhau trào ra. Thế là Acxinhia lại vứt bỏ công việc đấy, chạy trốn vào một chỗ nào đó trong xó nhà, nhưng mắt vẫn không rời được mặt mẹ chồng, trong lòng vừa kinh sợ vừa thương hại.

Được một năm rưỡi thì mụ già qua đời. Sáng hôm ấy Acxinhia có những cơn đau bụng trước giờ sinh nở. Nhưng đến giữa trưa, một tiếng đồng hồ trước khi đứa bé ra đời, mụ già bỗng lăn ra chết, trong khi mụ đang đi gần cửa chuồng ngựa cũ. Lúc ấy Stepan đang say bí tỉ. Bà mụ từ trong nhà chạy ra tìm hắn, định bảo hắn đừng dẫn xác tới trước mặt người vợ đẻ, nhưng bà vừa đi được vài bước thì đã thấy mụ mẹ chồng của Acxinhia còng queo đấy rồi.

Sau khi đứa bé ra đời, Acxinhia cũng cảm thấy gắn bó với chồng hơn, nhưng thật ra nàng vẫn không có tình cảm gì với anh ta, chẳng qua chỉ có niềm thương đầy cay đắng của người đàn bà và thói quen cùng sống với nhau mà thôi. Chưa đầy tuổi tôi, đứa bé đã chết. Và cuộc sống lại như cũ. Đến khi Grigori chòng ghẹo, ngáng đường không cho nàng đi, thì nàng hoảng sợ, cảm thấy rằng chàng thanh niên ngăm ngăm đen và đáng yêu ấy cứ hút mình theo anh ta.

Grigori theo đuổi tán tỉnh Acxinhia một cách bền bỉ, cái bền bỉ gân bướng của con bò mộng. Nàng thấy rõ rằng Grigori không sợ Stepan. Trong thâm tâm nàng cảm thấy Grigori sẽ không buông mình ra, nhưng về lý trí nàng lại không muốn thế, mà cố hết sức cưỡng lại. Tuy nhiên trong khi đó Acxinhia vẫn nhận thấy rằng ngày lễ cũng như ngày dưng, mình bắt đầu ăn mặc chải chuốt hơn và cố làm cho Grigori nhìn thấy mình nhiều hơn, dù nàng vẫn tự dối mình.

Mỗi khi được cặp mắt đen của Grigori vuốt ve một cách thô lỗ và điên cuồng, Acxinhia lại cảm thấy ấm áp và rạo rực làm sao ấy. Buổi sáng, lúc thức giấc ra vắt sữa bò, nàng cứ mỉm cười một mình và không hiểu vì sao lại có ý nghĩ: "Hôm nay sẽ có một chuyện gì vui lắm đây. Nhưng chuyện gì thế nhỉ? Grigori… Griska…" Tình cảm mới mẻ nầy xâm chiếm Acxinhia và làm nàng sợ. Trong ý nghĩ, Acxinhia cứ rụt rè, mò mẫm, như phải qua sông Đông trong tháng ba trên lớp băng thủng lỗ chỗ.

Sau khi tiễn Stepan đi trại binh dịch, Acxinhia quyết định sẽ gặp Grigori càng ít càng tốt. Sau lần đi thả lưới, quyết tâm ấy càng vững hơn.

8. Trước ngày lễ Lá hai ngày, bà con trong thôn chia bãi cỏ. Ông Panteley Prokofievich đi nhận phần. Chia xong ông về ăn bữa trưa.

Ông è è trong họng, tháo đôi ủng rồi khoái trá gãi gãi cặp giò đau như dần vì phải đi nhiều.

- Nhà ta được chia phần ở gần bờ Đất đỏ đấy. Cỏ cũng chẳng tốt gì cho lắm. Đầu trên ăn đến mép rừng. Có chỗ trần trụi chẳng được sợi nào. Nhưng có băng sẽ mọc nhanh đấy.

- Thế bao giờ cắt hả cha? - Grigori hỏi.


- Đến ngày lễ thì bắt đầu cắt.

- Thế có bắt con Daria đi không? - Bà lão cau mày hỏi.

Ông Panteley Prokofievich xua tay ra ý nói "thôi đừng quấy rầy nữa".

- Nếu cần thì sẽ bảo đi. Nhưng dọn bữa trưa ra đi chứ? Làm gì mà xù lông xù cánh đứng đấy thế?

Bà già mở cửa bếp lò ầm ầm và lôi trong lò ra món súp bắp cải hâm lại. Trong khi ngồi ở bàn ăn, ông Panteley Prokofievich còn kể con cà con kê về chuyện chia cỏ và chuyện lão ataman giảo quyệt thiếu chút nữa thì lừa được tất cả những người có mặt trong cuộc họp.

- Mấy năm trước lão đã bịp được một mẻ rồi đấy, - Daria nói xen vào - Chia xong cả rồi lão vẫn còn xui được mụ Malaska Frolova rút thăm lại.

- Lão vốn dĩ là một thằng đê tiện như thế đấy, - Ông Panteley Prokofievich lầu bầu.

Dunhiaska rụt rè hỏi bố:

- Cha ơi cha, thế ai sẽ cào cỏ và đánh đống?

- Còn mày làm gì hử?

- Một mình con chẳng làm hết được đâu cha ạ.

- Ta sẽ gọi ả Acxinhia nhà Astakhov cùng làm. Mấy hôm trước Stepan đã có lời nhờ cắt hộ. Phải giúp anh ta mới được.

Sáng hôm sau, Mitka Korsunov cưỡi một con ngựa non chân trắng, yên cương hẳn hoi, đến sân nhà Melekhov. Mưa lất phất. Một đám mây đen lơ lửng trên thôn. Vẫn chễm chệ trên yên, Mitka khom lưng mở cửa hàng rào, rồi cứ thế cho con ngựa tiến vào trong sân.

Bà già đứng trên thềm tru tréo lên:

- Cái thằng của tội của nợ kia, mày mò đến đây làm gì thế hử? - Giọng bà rõ ràng là khó chịu. Vốn là bà chẳng ưa gì cái thằng Mitka liều lĩnh và hay gây gổ nầy.

Mitka buộc ngựa vào lan can, ngạc nhiên hỏi:

- Bác làm sao thế, bác Ilinhitna? Cháu đến tìm thằng Griska đây mà. Nó ở đâu thế bác?

- Nó ngủ dưới nhà kho ấy. Nhưng mày bị tê liệt rồi hay sao thế? Không thể đặt chân xuống đất mà đi được nữa à?

- Bác ạ, bác chỉ lắm chuyện? - Mitka bực mình nói lại. Rồi nó ngất ngưởng bước vào dưới mái nhà kho, vừa đi vừa đập cái roi ngựa rất đẹp vào đôi ủng véc- ni.


Grigori đang ngủ trên chiếc xe gỗ đã tháo phần trước. Mitka nheo con mắt bên trái như nhằm bắn rồi quất cho Grigori một roi.

- Dậy đi, đồ mu- gích 1?

Đối với Mitka, "mu- gích" là tiếng chửi độc địa nhất. Grigori bật dậy như một chiếc lò xo.

- Mày làm gì thế hử?

- Ngủ trưa thế nầy đủ rồi đấy!

Nầy Mitka, đừng giở trò khỉ, tao cáu lên bây giờ…

- Đứng dậy, có việc đây.

- Việc gì thế?

Mitka ngồi xuống cái nẹp gỗ bên cạnh xe và đập roi ngựa vào đôi ủng cho những miếng bùn khô rơi xuống.

- Griska ạ, mình đang bực mình đây…

- Sao thế?

- Còn sao nữa, - Mitka văng tục một thôi một hồi. - Là nó hay ai đi nữa tao cũng cóc sợ. Một thằng trung uý kỵ binh mà cũng lên mặt.

Mitka bực quá, cứ rít răng nói liến thoắng, hai chân run bần bật.

Grigori nhỏm dậy.

- Thằng trung uý ky binh nào?

Mitka nắm lấy tay áo Grigori, giọng đã bình tĩnh hơn.

- Cậu đóng yên ngay một con ngựa đi, chúng mình sẽ ra bãi cỏ hoang ven sông. Phải cho nó biết tay mới được! Mình đã bảo với nó như thế nầy nầy: "Thưa quan, chúng ta hãy thử cái xem". Nó bảo: "Được anh cứ gọi tất cả bạn bè xa gần của anh lại đây, tôi sẽ đánh bại cả lũ cho mà xem. Con ngựa mẹ của tôi đã giật giải trong cuộc đua ngựa của quan quân ở Pêtécbua đấy". Nhưng đối với mình thì cả con ngựa mẹ lẫn con ngựa con nhà nó có ra cái thớ gì, toàn là những của đáng nguyền rủa? Mình không để con nào vượt được con ngựa non của mình đâu?

Grigori vội vàng mặc quần áo. Mitka lẵng nhẵng theo sát gót Grigori. Nó kể tiếp, giọng lắp bắp vì tức giận:

- Chính thằng trung uý kỵ binh nầy đã đến chơi ở nhà Mokhov, nhà lão lái buôn ấy. Hượm cho mình nghĩ xem cái tên thổ tả của nó là gì đã. Đại khái là Litnhitki thì phải. Cái thằng ấy béo phị, mặt cứ làm ra vẻ nghiêm nghị. Lại còn đeo kính nữa. Nhưng không sao cả! Nó đeo kính cũng chẳng được tích sự gì đâu, con ngựa non của mình không để cho nó vượt đâu!


Grigori vừa cười vừa đóng yên con ngựa cái già để lại lấy đực và dắt nó ra cái cổng phía sân đập lúa đề cha khỏi trông thấy, rồi ra đồng cỏ. Hai người cưỡi ngựa tới bãi cỏ hoang ven sông, dưới chân núi. Vó ngựa dẫm xuống bùn lép nhép. Trên bãi cỏ đã có một số người đang chờ Grigori và Mitka bên cạnh cây tiêu huyền khô; viên trung uý kỵ binh Litnhiki cưỡi một con ngựa cái thon khỏe rất đẹp, cùng bảy tám chàng trai trong thôn, cũng cưỡi ngựa.

- Bắt đầu từ chỗ nào bây giờ! - Viên trung uý hỏi Mitka. Hắn vừa sửa lại cái kính kẹp mũi 2 vừa ngắm những bắp thịt chắc nịch trên ngực con ngựa non của Mitka.

- Từ cây tiêu huyền đến đầm Hoàng đế.

- Đầm Hoàng đế ở đâu? - Cặp mắt cận thị của viên trung uý nheo lại.

- Thưa quan, kia kìa, ở lề rừng ấy.

Những con ngựa đã xếp thành hàng. Viên trung uý giơ ngọn roi lên quá đầu, chiếc lon trên vai hắn nhô hẳn lên.

- Tôi đếm đến "ba" thì bắt đầu nhé! Sẵn sàng cả chưa? Một, hai… ba!

Hắn cúi rạp người xuống mũi yên, cho ngựa phóng lên trước cả bọn, một tay đưa lên giữ chiếc mũ cát- két. Hắn dẫn đầu trong giây lát Mitka rướn người trên bàn đạp, mặt nhợt nhạt vì hồi hộp. Grigori có cảm tưởng như nó giơ mãi cái roi lên trên đầu rồi mới quất xuống mông con ngựa non.

Chặng đường từ cây tiêu huyền đến đầm Hoàng đế dài chừng ba vec- xta. Chạy được nửa đường thì con ngựa non của Mitka xoài thẳng ra như một mũi tên, đuổi kịp con ngựa cái của viên trung uý.

Grigori phóng ngựa một cách miễn cưỡng và ngay từ đầu chàng đã tụt lại phía sau. Trên lưng con ngựa chạy nước nhỏ, Grigori tò mò nhìn đám người cưỡi ngựa phi mỗi lúc một xa, nom như cái xích tuột dần từng mắt.

Ở gần đầm Hoàng đế, nước lũ mùa xuân bồi cát lên thành một cái gò, đỉnh gò vàng vàng nhô lên như cái bướu lạc đà, với những đám hành dại lơ thơ, lá nhọn hoắt, gọi là hành rắn, Grigori thấy viên trung uý và Mitka phi ngựa lên gò và lao sang phía bên kia cùng một lúc, những người còn lại rời rạc đuổi theo. Chàng tới được bờ đầm thì những con ngựa đầm đìa mồ hôi đã đứng túm tụm lại một chỗ.

Bọn con trai xuống ngựa vây quanh viên trung uý. Trong bụng Mitka như mở cờ nhưng nó cố không để lộ ra. Tuy vậy mặt mày cũng như mỗi cử chỉ của nó vẫn đầy vẻ dương dương tự đắc. Trái với điều Grigori mong đợi, viên trung uý chẳng có vẻ ngượng chút nào. Hắn đựa lưng vào một cái cây, vừa phì phèo điếu thuốc, vừa giơ ngón tay út chỉ con ngựa cái của hắn, còn ướt đẫm như vừa tắm xong. Hắn nói:

- Tôi vừa cho nó chạy một trăm năm mươi vec- xta đấy. Mãi hôm qua mới về tới ga. Nếu nó vừa được nghỉ ngơi đầy đủ thì chẳng bao giờ anh vượt được tôi đâu, Korsunov ạ.

- Rất có thể như vậy lắm, - Mitka làm ra vẻ rộng lượng.

Gã con trai mặt đấy tàn hương về tới đích cuối cùng nói giọng ghen tị:

- Toàn khu chẳng có con ngựa non nào chạy nhanh hơn con của Mitka đâu. Con ngựa quả là hay. - Mitka vỗ vào cổ con ngựa non và nhìn Grigori với một nụ cười đờ đẫn, tay nó run lên vì xúc động.

Hai người tách khỏi đám thanh niên kia ra về, nhưng không theo đường phố mà lại vòng theo chân núi. Viên trung uý đưa hai ngón tay lên lưỡi trai chào từ biệt hai người một cách khá lạnh nhạt rồi quay đi.

Về gần tới ngõ rẽ vào sân, Grigori mới trông thấy Acxinhia đang đi về phía mình. Nàng vừa đi vừa tước một nhánh cây mềm. Nhìn thấy Grigori, Acxinhia cúi gầm mặt. Mitka nháy mắt kêu lên:

- Hỡi đoá hoa tuyết cầu yêu dấu của anh, hỡi cô nàng sống khổ sống nhục, làm sao mà e thẹn thế, chúng anh có tồng ngồng cưỡi ngựa ngoài đường đâu!

Grigori vẫn nhìn thẳng trước mặt và đã gần đi qua. Nhưng bất thình lình chàng quất con ngựa đang bước khoan thai mấy roi liền.

Con ngựa khuỵu hai chân sau rồi chồm lên, làm bùn bắn tung tóe khắp người Acxinhia.

- Trời ơi, đồ quỷ ác hại người!


Con ngựa còn đang hăng máu, Grigori quay phắt nó lại, cho nó đi sát vào người Acxinhia rồi hỏi:

- Tại sao không chào?

- Mặt thế mà đòi người ta chào à?

- Chính vì thế mới phải ăn bùn. Lên mặt vừa chứ!

Tránh ra cho người ta đi! - Acxinhia khua hai tay trước mõm con ngựa và kêu lên. - Làm gì mà cho ngựa dẫm người ta?

- Ngựa cái đấy 3

- Cái hay đực cũng tránh ra cho người ta đi!

- Làm gì mà giận dữ thế, Acxiutca 4? Hay vì chuyện ngoài đồng cỏ hôm trước?

Grigori nhìn thẳng vào mắt Acxinhia. Nàng như có điều gì muốn nói, nhưng chưa nói ra được thì hai khóe mắt đen láy của nàng đã long lanh mấy giọt nước mắt, môi run lập bập nom rất đáng thương.

Nàng luống cuống nuốt nước mắt khẽ nói:

- Thôi đừng làm tội tôi nữa, anh Grigori… Tôi có giận dữ gì đâu…

- Tôi… - Nàng chưa nói hết câu đã bỏ đi.

Grigori ngạc nhiên. Chàng cho ngựa chạy về đến cổng thì đuổi kịp Mitka.

- Hôm nay cậu có ra bãi chơi không? - Mitka hỏi.

- Không.

- Sao lại thế? Hay là người đẹp gọi tới đêm nay?

Grigori đưa tay lên lau trán, không trả lời.

--- ------ ------ ------ -------

1 Nông dân Nga (ND).

2 Một thứ kính không có gọng, kẹp vào sống mũi bằng một cái díp (ND).

3 Nguyên văn, "Làm gì mà cho con ngựa đực dẫm người ta - Ngựa cái đấy không phải ngựa đực đâu (ND).

4 Tên dùng để gọi Acxinhia một cách âu yếm (ND).


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui