Sơn Hà Bất Dạ Thiên


Tiểu Đường lang vô liêm sỉ
Lính gác cổng nhìn danh thiếp Đường Thận đưa, cung kính mời hai huynh muội vào cửa.
Đường Thận và Đường Hoàng chờ trong phòng khách một lát, đã thấy một ông cụ cao gầy đi vào phòng.

Cụ ông diện mạo quắc thước, mặc áo sam màu xám.

Ông nhìn Đường Thận, nhìn Đường Hoàng, rồi tiến lại gần trả danh thiếp cho Đường Thận, hỏi: “Chẳng hay tiểu công tử tên họ là gì? Tôi là quản gia Lương phủ.

Thật tiếc quá, hai vị ghé thăm đúng lúc đại nhân đang đi Kim Lăng, e là phải hơn một tuần nữa mới về.”
Lương đại nho đi Kim lăng rồi ư?
Đường Thận không ngờ hôm nay đi bái phỏng hai người thì một người không muốn tiếp mình, một người thì đi vắng.

Cậu bèn nói: “Tôi họ Đường, người thôn Triệu gia ở huyện Ngô.

Hồi còn dưới thôn tôi đã có duyên gặp Lương đại nhân một lần.”
Quản gia nói: “Hai tháng trước quả thực là đại nhân có tới thôn Triệu gia, chẳng hay Đường tiểu công tử có việc gì gấp cần gặp đại nhân không?”
Đường Thận lắc đầu: “Không, chỉ là tôi vừa mới chuyển nhà tới phủ Cô Tô.

Lúc gặp gỡ, đại nhân có dặn về sau hãy đến tìm ngài.

Tôi luôn nhớ lời dặn đó, nên đến Cô Tô đã tìm tới ngay.”
Quản gia bảo: “Nếu không có việc gấp, vậy chờ đại nhân đi Kim Lăng về, tôi sẽ phái người tới báo cho công tử.

Tiểu công tử có thể để lại địa chỉ không?”
Đường Thận nói địa chỉ nhà mình cho quản gia biết.

Quản gia đích thân tiễn hai anh em ra tận cửa.
Trên đường về nhà, Đường Hoàng nhỏ giọng: “Anh ơi, sao anh quen được ông tai to mặt lớn này thế? Lương đại nhân có thật là phủ doãn Cô Tô không hả anh? Cổng nhà ngài ấy có cả lính canh luôn!”
“Em biết nhiều ghê nhỉ.”
“Chuyện! Em không biết ông huyện lệnh huyện Ngô là ai, nhưng phủ Cô Tô của chúng mình có ai mà không biết Lương đại nho chứ!”
Đường Thận vô cùng muốn nói: Hai tháng trước anh nhóc cũng đâu có quen biết Lương đại nho, còn “anh” đây thì càng cóc biết ông huyện lệnh là ông nào.
Đường Hoàng lại thao thao bất tuyệt: “Lúc Lương đại nho tới nhậm chức phủ doãn Cô Tô, cha mừng lắm, còn khen với chúng mình mấy lần liền.

Kẻ sĩ trong thiên hạ có ai mà không ngưỡng mộ bốn vị đại nho! Nhưng mà em nhớ cha bảo Lương đại nho bị cách chức nên mới đến phủ Cô Tô.

Anh ơi, ‘cách chức’ nghĩa là gì thế?”
Đường Thận nhíu mày, chuyện quan trường cậu không rành chút nào, chủ nhân cũ của thân thể này không quan tâm tới vấn đề đó nên ký ức rất nhạt nhòa.

Hơn nữa, Đường tú tài chỉ là một tú tài nghèo chốn thôn quê, hiểu biết hạn chế, những điều ông nói ra đều rất chung chung.
Đường Thận nói: “Sao em nhớ rõ thế, cha từng nói như thế hả? Anh không nhớ luôn.”
Đường Hoàng hếch cằm: “Bởi vì cha nói, dẫu Lương đại nho bị cách chức mới tới đây, nhưng cuộc sống của ngài ấy vẫn giàu sang chẳng khác nào thần tiên vậy, cha hâm mộ lắm.

Anh ơi, em cũng muốn được sống như thần tiên.”
Đường Thận: “…”
Có cái quái gì trong đầu hai cha con nhà này vậy?
Về tới nhà, Đường Thận vừa vào cửa đã ngửi thấy mùi khét lẹt.

Cậu vội vã chạy vào bếp, liền thấy Diêu đại nương đang vật lộn với một thứ gì đó trong cái chảo sắt to đùng, nhưng cái cục đấy đen thùi lùi và mùi thì cháy khét nồng nặc hết cả nhà.

Diệu đại nương ho sặc sụa, may mà Diêu Tam về nhà kịp, anh ta vội vàng đổ sạch đống cháy đen sì trong chảo đi. 
Diêu Tam: “Mẹ, mẹ làm gì mà cháy kinh thế?”
Tay nghề nấu nướng của Diêu đại nương rất khá, từ khi hai mẹ con tới Đường gia, bà vẫn lo cơm nước cho cả nhà.


Đây là lần đầu tiên Diêu đại nương làm cháy thức ăn.
Diêu đại nương nói: “Mẹ về nhà thấy các con vẫn đi vắng, liền nhớ tiểu đông gia có nói muốn lấy bột mì làm thành tương.

Thế là mẹ bèn lấy thử một ít bột mì làm thử, nào ngờ hỏng hết cả.”
Diêu Tam lấy làm lạ: “Tiểu đông gia, tôi chưa bao giờ nghe chuyện bột mì cũng có thể làm tương đâu.”
Đương Thận không ngờ lần đầu tiên Diêu đại nương làm cháy thức ăn là để nấu tương ngọt!
Cậu dở khóc dở cười bảo: “Diêu đại nương, sao bác lại vội vàng thế, không chờ cháu về.

Để cháu làm thử cho, bác đứng xem nhé.

Thực ra món tương ngọt này cháu mới thấy người ta làm thôi chứ chưa tự tay làm lần nào, chắc phải thử nghiệm vài lần đó!”
“Được lắm!”
Diêu đại nương dọn dẹp sạch sẽ nhà bếp rồi hấp mấy cái bánh bao.

Cả nhà ăn no xong bèn phấn khởi kéo nhau xuống bếp xem Đường Thận nấu tương ngọt.
Đường Thận thay áo vải thô, xắn hai tay áo lên.

Cậu nhìn chiếc chảo sắt đen nhánh, hít sâu, thở đều, rồi quay sang trộn bột mì trước.
So với các loại gia vị cần dùng thì bột mì trắng ở thời đại này có giá cao hơn hẳn.

Lần đầu thí nghiệm chưa chắc đã làm ra tương ngọt, Đường Thận chỉ lấy đúng ba thìa bột mì.

Cậu cho bột vào trong bát, thêm nước khuấy đều, rồi trộn thêm một chút xì dầu và bốn thìa đường trắng.
Khuấy kĩ hỗn hợp đến khi sánh đều, cho một ít dầu hạt cải vào chảo.

Chảo nóng, Đường Thận đổ bát bột trộn vào trong chảo.
Vừa mới đổ bột vào được một lát, bột đã dính hết vào đáy chảo làm Đường Thận không quấy được.

Hỗn hợp bột quánh đặc bị cháy ngay, không ngạc nhiên, mùi khét ngập cả căn bếp.
Bốn người kho sù sụ chạy ra khỏi bếp.

Đường Hoàng léo nhéo: “Anh à, anh nấu còn chẳng bằng Diêu đại nương, bà nấu mãi mới cháy, còn anh nấu chưa gì đã cháy rồi!”
Đường Thận bị bóc mẽ, nhặng lên: “Có thôi đi không?”
Rửa chảo rồi thử nghiệm lần hai.

Không có gì bất ngờ cả, Đường Thận lại thất bại.
Kiếp trước, Đường Thận chẳng mấy khi nấu cơm, nhưng ông trời run rủi cho cậu ở chung phòng với một “Masterchef” chính hiệu hồi làm nghiên cứu sinh.

Tương ngọt, bơ lạc, bánh cuốn hành, bánh bao, bánh quẩy, món nào cũng có.

Chỉ cần hôm trước chép miệng bảo “Thèm pizza quá!”, sáng ngày hôm sau lập tức anh bạn “Masterchef” sẽ cho ra lò một khay pizza nóng hổi, trăm phần trăm bếp nhà làm.
Đường Thận đã từng xem anh bạn cùng phòng nấu tương ngọt, nhưng lúc “lăn vào bếp” mới phát hiện là khó hơn mình tưởng.
Đường Thận nhìn hỗn hợp bột trong bát, lại liếc sang dầu ăn màu nâu sẫm…Chợt một ý tưởng lóe lên.

Cậu lại đổ hỗn hợp bột vào trong chảo, quấy đều.

Ba “quan sát viên” đều cho rằng lần này Đường Thận lại làm cháy thôi, nhưng bất ngờ là cậu vừa đảo bột vừa từ từ đổ dầu ăn vào lòng chảo.
Tiếng xèo xèo của dầu sôi vang lên trong căn bếp, hỗn hợp bột dần dần sánh mịn lại thành tương màu nâu, một mùi thơm lạ kì tỏa lên từ chiếc chảo.
Mùi thơm khiến Đường Hoàng liếm mép: “Anh ơi, mùi gì mà thơm thế?”
Diêu đại nương nói: “Tiểu đông gia, đừng cho nhiều dầu thế.

Hôm nay cậu bảo tôi đi ăn thử ngoài đường, tôi ăn khá nhiều món thì thấy khẩu vị của người Cô Tô nhạt lắm, không ăn nhiều dầu mỡ.


Cậu cho nhiều dầu thế, họ không thích ăn đâu.”
Đường Thận nếm thử thành quả tương ngọt, nêm thêm một thìa đường.

Mùi hương đậm đà ngập tràn căn bếp nhỏ, Đường Hoàng và Diêu Tam đều nghển cổ hít hà, nóng lòng muốn nếm thử xem thành phẩm ra sao.

Đường Thận vừa đổ tương ra bát, Đường Hoàng đã lanh chanh nhảy tới.
“Em nếm trước!”
Đường Hoàng nhúng đũa vào bát tương, thứ tương này nâu nâu, sền sệt, nhấc đũa lên là dính trên đũa.

Cô bé liếm hết tương trên đũa, khen nức nở: “Ngọt quá, thơm quá! Tương này còn ngon hơn cái tương thơm thơm nhà trưởng thôn làm!” Nói xong, cô bé lại ăn thêm nữa.
Đường Thận lại mời Diêu Tam và Diêu đại nương nếm thử.
Diêu Tam: “Ngon quá đi!”
Diêu đại nương có vẻ đăm chiêu: “Vị thì được đấy, nhưng tiểu đông gia à, tôi thấy chưa hợp miệng lắm.

Cậu cho nhiều dầu quá nên hơi ngấy.

Người Cô Tô thích ăn nhạt, ngọt thì họ cũng ưa đấy, nhưng món này ngọt quá.”
Đường Thận hỏi: “Diêu đại nương, bác thấy người ở đây không thích ăn dầu mỡ thật ạ?”
“Quả đúng vậy, tôi đi ăn mấy hàng liền, thấy họ cho ít dầu mỡ lắm.”
Đường Thận: “Cũng chưa chắc là họ không thích ăn dầu, mà có thể là chưa tìm ra món nào ngon hơn khi có dầu, ăn mà không bị ngấy.”
“Ồ?”
Đường Thận: “Bác có để ý, có một số món phải có nhiều dầu thì ăn mới ngon không?”
Diêu đại nương nghĩ ngợi, nói: “Thịt viên chiên ngập dầu ăn ngon đấy, nhưng không ăn được nhiều, sẽ ngấy.”
Đường Hoàng giơ tay: “Em thích ăn bánh quẩy nhất, hôm qua Diêu đại nương dẫn em đi ăn sáng, em thấy người Cô Tô cũng thích ăn bánh quẩy chiên lắm!”
Đường Thận gật đầu: “Đúng, mọi người đều thích ăn mấy món nhiều calo, càng nhiều calo càng ngon miệng.”
“Nhiều calo là gì hả anh?”
Đường Thận giải thích: “Là dễ khiến cho em béo lên ý.”
Đường Hoàng la lên: “Vậy em không được ăn nhiều bánh quẩy rồi!”
Diêu đại nương khá băn khoăn: “Tiểu đông gia nói vậy tôi không hiểu, nhưng người phủ Cô Tô chắc chắn sẽ không thích món này đâu.”
Đường Thận mỉm cười: “Diêu đại nương, bác không thích ăn món này là vì bác lớn tuổi rồi, khẩu vị thanh đạm hơn người trẻ.

Chi bằng mấy hôm nữa mình mở một quán hàng, thử luôn xem phản ứng của mọi người thế nào.”
Cùng lúc đó, Đường Thận không hề biết, khi cậu đi ra khỏi Lương phủ, một bóng người vẫn bám theo đã vội vàng trở về nhà Đường cử nhân.
“Ý con là, người Đường Thận viếng thăm rất có thể là Lương đại nhân?”
Nha hoàn gật đầu, thưa: “Con quan sát kĩ càng rồi thưa phu nhân.

Sáng nay Lương đại nhân đã rời Cô Tô, việc này lão gia có nhắc đến.

Đường Thận đưa danh thiếp, được lính gác nghênh đón vào Lương phủ, chỉ một lúc sau, Lương quản gia đích thân tiễn cậu ta về.

Con thấy sự tình không đơn giản, nên về bẩm với phu nhân trước chứ không đưa ngay hai mươi lượng bạc cho anh em nhà kia.”
Đường phu nhân vốn đang chải đầu chuẩn bị đi nghỉ, nhưng nghe nha hoàn bẩm báo xong, bà trầm ngâm đặt chiếc lược xuống.
Người hầu gái này là nha hoàn hồi môn của phu nhân, từ bé đã theo hầu bà.

Tuy trẻ tuổi nhưng cô xử sự rất khôn khéo, nên bà mới giao cho làm việc này.

Việc cô thuật lại có lẽ không sai sót mấy, chắc chắn người mà anh em họ Đường muốn đến chào hỏi là Lương đại nhân.
“Phu nhân?”
Đường phu nhân bảo: “Vậy con vào kho lấy thêm mười lượng bạc nữa, đến tiệm may Linh Lung chọn vài bộ quần áo hợp lứa tuổi tặng hai đứa nó.


Rồi con mua thêm một ít đồ dùng hằng ngày, giấy mực, bút nghiên, và mấy quyển sách.

Chúng ta không đưa tiền nữa, chỉ tặng đồ thôi.

Con không cần chọn những món quá đắt tiền, nhưng phải sắm đầy đủ vào, và chất lượng phải tốt.”
Nha hoàn gật đầu: “Vâng thưa phu nhân.

Tặng đồ xong, phu nhân có muốn con nói thêm gì không ạ?”
“Đừng nói thêm gì cả.

Vốn là ruột thịt, không cần vồn vã làm thân chỉ vì bọn trẻ có thể quen biết Lương đại nhân.

Nhà chúng ta chưa đến mức phải bợ đỡ người khác như vậy.”
“Dạ.” Nha hoàn thưa rồi quay đầu định đi.
Đường phu nhân nhắc nhở: “Khoan đã.

Con nhớ lấy, bất luận thế nào, hai đứa trẻ đó cũng là thiếu gia và tiểu thư nhà họ Đường.”
Người hầu gái ngẫm nghĩ, gật đầu thưa vâng.
Bên nhà kia, Diêu Tam đang rán bánh chiên thì bỗng nghe tiếng gõ cửa.
Đường Hoàng: “Để em đi mở cửa.”
Cô bé mở cửa ra, liền thấy khách ghé thăm là một cô gái chừng hai mươi tuổi.

Đương Hoàng ngây ngẩn, chưa kịp nói gì thì cô ta đã cúi đầu thưa: “Chào tiểu thư.”
“Ô, tôi không phải tiểu thư gì đâu.

Anh ơi, có người tìm nhà mình này, em không biết có phải nhầm nhà không.”
Đường Thận đi tới, nha hoàn lại cung kính: “Chào thiếu gia.”
Đường Thận cũng ngạc nhiên lắm, theo bản năng cậu cũng nghĩ cô ta tìm nhầm nhà.
Nha hoàn lễ phép nói: “Tôi là nha hoàn thân cận của Đường phu nhân.

Hồi nãy hai vị đi gấp quá, lão gia bận việc không tiếp đãi được, mãi đến lúc hai vị đi phu nhân cũng mới biết tin, nên phu nhân sai tôi tới tặng thiếu gia và tiểu thư mấy bộ quần áo hè và thu, ngoài ra còn có sách và bút, mực.

Hai vị vừa chuyển tới phủ Cô Tô, phu nhân lo có nhiều thứ chưa kịp sắm đủ.” Cô nói xong liền có mấy người cửu vạn khiêng hai chiếc rương vào trong sân.
Đường Thận nhìn hai chiếc rương, khéo léo từ chối: “Cảm ơn ý tốt của Đường phu nhân.

Chỉ có điều đồ đạc chúng tôi đã mua đủ cả rồi, e là phải phiền chị mang về thôi.”
“Bẩm thiếu gia, như vậy không được ạ.

Việc này nếu làm sai lời dặn, phu nhân sẽ quở trách tôi mất.”
Đường Thận từ chối thêm vài lần, nhưng người hầu gái còn kiên trì hơn cậu.
Cuối cùng cô hầu gái cũng ra về, Đường Thận nhìn hai cái rương trong sân, cười bất đắc dĩ. 
Đường Hoàng và Diêu đại nương xúm vào mở rương ra xem, quả thật là bên trong chỉ có đồ dùng hằng ngày, áo quần và giấy mực.

Không có đồ gì quý giá, quần áo cũng là những món Đường Thận, Đường Hoàng có thể mặc.

Tuy chất vải không phải tơ lụa quý, nhưng kiểu dáng lại khá đẹp, chứng tỏ những món đồ này được chọn lựa rất tỉ mỉ.
Diêu đại nương nói: “Tiểu đông gia, người thân của cậu tử tế quá, những món đồ này nếu chỉ dùng tiền thì chẳng thể mua được, phải dụng tâm lắm đấy!”
Đường Thận nói: “Mới một buổi, họ đã biết chúng ta ở chỗ nào rồi.”
Đường Hoàng: “Hả?”
Đường Thận kiểm tra đồ trong rương, nghĩ một chút, nói: “Nhưng xem ra Đường phu nhân không có ác ý.”
Thôi thì được đến đâu hay đến đấy.
Mấy ngày sau, Đường Thận suy đi tính lại rất nhiều lần, thậm chí còn nghĩ đến khả năng Đường phu nhân đoán ra anh em họ muốn ra ở riêng nên cố ý lấy lòng, song cuối cùng cậu vẫn loại bỏ khả năng này.
Đường tú tài là con dòng thứ, dựa theo luật lệ của triều đình, ông ra ở riêng cũng không được chia bao nhiêu phần gia sản.

Nhà Đường cử nhân không đến mức vì chút tiền còm đấy mà mưu tính với hai đứa trẻ con.

Hơn nữa, Đường Thận muốn ra riêng, cắt đứt quan hệ giữa hai nhà, vốn cũng không phải vì tiền.
“Lẽ nào bọn họ biết mình xin gặp Lương đại nho, nên muốn lôi kéo quan hệ?”
Nhưng đợi mấy hôm sau khi đồ được đưa đến cũng không thấy bóng dáng Đường cử nhân, Đường phu nhân, hay thậm chí là người hầu gái. 
Đường Thận: “Chẳng nhẽ mình lấy lòng tiểu nhân đo dạ quân tử, suy nghĩ quá nhiều rồi chăng?”

Bèn gạt chuyện này ra khỏi đầu.

Chiều hôm đó Diêu Tam về nhà, mang theo giấy phép mở sạp hàng ở phường buôn.
Diêu Tam phấn khởi: “Cuối cùng cũng mở sạp được rồi!”
Diêu Tam mấy hôm nay đã đóng xong một xe bán đồ ăn sáng.

Chiếc xe của anh không “xịn sò” như phiên bản hiện đại, chỉ là một chiếc xe gỗ có thể đẩy bằng tay.

Họ mua bếp lò, than, làm một thùng bột từ đủ loại ngũ cốc khác nhau, chuẩn bị ngày mai mở hàng.
A Hoàng và mẹ con Diêu gia đều hào hứng vô cùng, còn Đường Thận thì cứ suy nghĩ miên man.

Chiều hôm đó cậu đi vòng quanh Toái Cẩm nhai một lượt, tối đến dặn Diêu Tam: “Diêu đại ca, ngày mai anh đi ra đồi Hổ1 ngoài thành, thuê khoảng mười mấy mười cả nam lẫn nữ, già lẫn trẻ.

Thời gian thuê là nửa canh giờ, giá cả tự anh thỏa thuận.”
“Vậy không khó, phủ Cô Tô đông dân, dễ tìm người nhàn rỗi.

Nhưng mình thuê người để làm gì hả tiểu đông gia?”
“Bánh chiên chúng ta làm có ngon không?”
Diêu Tam nuốt nước bọt, hồi tưởng lại mùi vị: “Ngon lắm! Tiểu đông gia à, tôi không ngờ bánh chiên phết tương ngọt lại ngon như thế.

Nhưng thế thì sao ạ?”
Đường Thận nói: “Tiền của chúng ta ít nên không có thì giờ đợi mọi người phát hiện ra là bánh nhà mình ngon, nên chúng ta phải kiếm tiền càng nhanh càng tốt.

Chỉ mình anh biết bánh nhà mình ngon thì không đủ, phải nhiều người biết mới có lợi.”
“Vậy thì có liên quan gì đến việc thuê người?”
Đường Thận tỉnh bơ, nói như đinh đóng cột: “Thuê người, tâng bốc lên!”
Sáng sớm hôm sau, trên phố Toái cẩm, rất nhiều chủ sạp quà sáng phát hiện hôm nay có một sạp hàng mới.
Người đẩy xe là một người đàn ông vạm vỡ tuổi băm, người thu tiền là một bà cụ, người chế biến món ăn sáng là một cậu thiếu niên chừng mười ba, mười bốn tuổi.
Lúc đầu trước sạp hàng này không có ai cả, nhưng tự dưng lại có bảy tám người đến.

Họ chẳng buồn ngó đến mấy hàng xung quay mà tự động xếp thành một hàng dài trước sạp của cậu thiếu niên kia. 
“Tôi nghe nói bánh chiên ở hàng này ăn ngon lắm.”
“Đúng rồi, hôm qua tôi ăn một cái thôi mà suốt cả đêm vẫn còn thèm.”
Các chủ sạp kế bên: “…” 
Bốc phét! Rõ ràng là sạp này vừa mới dựng sáng sớm hôm nay, tính đến lúc này còn chưa đầy một canh giờ!
Nhưng người qua đường ai mà biết sạp hàng này vừa khai trương hôm nay.
Thấy người xếp hàng đông, khen ngon, rất nhiều người đi ngang qua bèn dừng lại nối vào hàng.
Một người hỏi: “Ê ông anh, cái bánh chiên ngũ cốc này là cái gì? Tôi chưa nghe ai ở Cô Tô nhắc đến cả.”
Không đợi có người trả lời, một người đàn ông đứng tuổi ở đằng trước đã hồ hởi khen: “Bánh chiên này ngon lắm chú em ơi! Hai hôm trước tôi có mua cho vợ tôi một cái, vợ tôi ăn thử xong cứ khen nức nở suốt.

Nhưng ông chủ mỗi ngày chỉ làm đúng một trăm cái thôi, bán hết là không làm thêm nữa.

Mãi hôm nay tôi mới mua được thêm đấy.”
“Thật ư? Chỉ bán một trăm cái?”
“Đúng rồi! Chú em à, tôi mua xong rồi, chú cứ từ từ xếp hàng nhé, đừng vội.”
“Được, cảm ơn ông anh.

Tôi chắc chắn sẽ mua về ăn thử.”
Đường Thận cứ chiên xong một cái bánh là tiếng rao của Diêu Tam vang dội khắp nửa Toái Cẩm nhai: “Bánh nóng hổi vừa thổi vừa ăn đây!”
Cứ thế, Diêu đại nương đếm tiền liên tục, làm Đường Hoàng trố cả mắt.
“Diêu… Diêu đại nương, bà véo con một cái đi.

Hôm nay mình mới mở hàng, còn chưa đầy một canh giờ, sao đã có nhiều người xếp hàng mua bánh chiên nhà mình thế? Con có nằm mơ không…”
Đường Thận rán bánh luôn tay, nghe thế thì nhếch mép cười phì, vênh mặt nghĩ bụng: Thế mà đã tính là đông!
Cậu dùng cả hai chiêu “marketing bỏ đói” và “marketing xếp hàng2” đã thành công rực rỡ ở cả ngàn năm sau, thu hút được mười mấy khách hàng chẳng phải chuyện dễ như bỡn sao?
Chủ hàng kế bên: “….”
Sao lại có hạng người vô liêm sỉ thế cơ chứ!!!
[2] Marketing bỏ đói: Giới hạn lượng hàng bán ra để tạo cảm giác khan hiếm, khiến khách hàng càng muốn mua.
Marketing xếp hàng: Dùng đoàn người xếp hàng để kích thích trí tò mò và khuyến khích người qua đường xếp hàng, từ đó bán được thêm hàng..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui