Ngày hai mươi bảy tháng tám, Ngự Lâm quân áp giải bè đảng Trương Phong về kinh đợi xét xử.
Xuất phát từ Thứ Châu, đoàn áp tải đi được khoảng hai phần ba lộ trình thì đến phần đường quan đạo mới xây.
Bọn Trương Phong bị còng bằng xích sắt, nhốt trong xe, đi ngang qua những ruộng lúa mạch vàng ươm.
Tả thị lang bộ Hộ Từ Lệnh Hậu giục ngựa chạy song song với xe chở tù, nói với Trương Phong: “Trương đại nhân, ông trông kìa, chúng ta đang đi trên con đường quan đạo ông tham ô đấy.
Ông làm quan hơn hai mươi năm, là tiến sĩ cùng khóa với lão phu, hà cớ gì ông lại làm khổ mình như vậy!”
Sát hông chữ “lợi” treo một con dao.
Mặt mũi, tóc tai Trương Phong bơ phờ, bết bát.
Ông ta ngước mắt nhìn lên trời, dường như không nghe thấy những gì Từ Lệnh Hậu nói nữa.
Ba ngày sau, Ngự Lâm quân về đến kinh thành.
Trương Phong và hơn mười viên quan khác bị tống vào nhà giam của Đại lý tự.
Hôm đó, Vương Trăn đích thân dâng sổ kế toán lên hoàng đế.
Triệu Phụ xem xong thì giận đùng đùng, ra lệnh cho Đại lý tự thẩm vấn lũ Trương Phong thật kĩ càng, ngõ hầu truy bằng được thủ phạm đằng sau vụ này.
Cùng lúc ấy, Thượng thư bộ Công Viên Mục – người bị điều đi giám sát công trình ở U Châu – cũng trở về kinh thành.
Trong khu làm việc của Trung Thư tỉnh ở điện Cần Chính, Viên Mục lấy hộp Bích Loa Xuân thượng hạng ra để cùng nhâm nhi với hai viên Thị lang nhà mình.
Trong gian nhà, ba vị quan đứng đầu bộ Công ngồi quây quần bên chiếc bàn, Viên Mục vén tay áo tự châm trà, nếm một hớp, khoan khoái thở ra:
“Trà ngon quá xá! Sống trên đời ấy à, cứ mỗi ngày trôi qua là bớt đi một ngày, nếu được thường xuyên thưởng thức trà ngon nhường này, thì chớ nên lãng phí.”
Tả thị lang Lý Ngọc Đức cầm chung trà, ngơ ngác nhìn Viên Mục.
Bên cạnh ông ta, Hữu thị lang Tạ Thành im ắng cúi đầu, không nói chi cả.
Hai hôm sau, Thiếu khanh Đại lý tự Tô Ôn Duẫn dẫn quan binh xộc đến nha môn bộ Công, bắt giữ Hữu thị lang Tạ Thành về quy án.
Cả triều đình choáng váng.
Hôm sau lên triều, Thượng thư bộ Công Viên Mục vẫn chưa hết bàng hoàng, đứng ra xin tội ngay với hoàng đế.
“Bẩm thánh thượng, thần lơi lỏng quản lí, để cấp dưới phạm tội tham ô tày đình! Đường quan đạo Thứ Châu là công trình quan trọng của triều ta, là vĩ nghiệp nghìn thu.
Sông Kinh Hà gặp mưa lớn gây sập cầu khiến gần một trăm người thợ bị lũ cuốn tử vong, tội của thần không thể tha thứ.
Xin bệ hạ hãy trừng phạt thần!”
Ở điện Tử Thần chỉ có các quan từ tứ phẩm trở lên mới được dự buổi chầu.
Viên Mục mới nói xong, Tả thị lang bộ Công là Lý Ngọc Đức và các Lang trung trong bộ đều đứng ra thưa: “Quan viên bộ Công đều phạm lỗi giám sát thiếu chu toàn, xin bệ hạ giáng tội!”
Trên ngai rồng, Triệu Phụ lẳng lặng nhìn các quan bộ Công đang xin tội.
Phải một lúc sau, ông ta mới nhẹ nhàng cười với Tả tướng Kỷ Ông Tập: “Kỷ khanh, khanh bảo trẫm nên làm gì cho phải đây?”
Kỷ Ông Tập tiến lên, thưa: “Hữu thị lang bộ Công Tạ Thành tham ô, vơ vét của công, khiến cầu sông Kinh Hà sập trong mưa lớn, gây thương vong cho gần một trăm người, tội không thể tha.
Viên đại nhân công tác ở U Châu, có lòng mà không đủ sức, chẳng thể phân thân ra để quản hai đầu.
Tuy có lỗi quản lí chưa nghiêm, nhưng không phải cố tình lơ là chức trách.”
Triệu Phụ gật đầu: “Kỷ khanh nói có lý lắm.
Viên khanh, ngươi coi sóc việc làm đường ở châu U thay trẫm, đúng ra trẫm phải ban thưởng cho ngươi mới đúng.
Nhưng nếu ban thưởng cho ngươi, thì trẫm không còn mặt mũi nào mà đối diện với hồn thiêng gần một trăm thợ thuyền và các quan viên trên trời.
Như vậy, trẫm cho khanh lấy công bù tội, có được không?”
Viên Mục giơ hốt ngọc lên cao: “Thần đội ơn bệ hạ.”
“Nói ‘đội ơn’ dễ dàng quá nhỉ?” Triệu Phụ bất ngờ đổi giọng, hừ một tiếng khiến cả điện Tử Thần sởn tóc gáy.
Quần thần trong điện nín thở.
Triệu Phụ cười nhạt: “Cứ coi như chuyện sông Kinh Hà ngươi lấy công bù tội đi, nhưng Viên Mục này, ngươi nói trẫm hay, ba năm trước đây, khi miền Nam mắc nạn tuyết lớn, Tạ Thành ngang nhiên ăn hối lộ, ngươi đang ở chỗ nào?”
Viên Mục rên rỉ trong lòng, biết hôm nay mình phải ngã ở ải này rồi.
Quả đúng vậy, thực ra, lần này hoàng đế phái ba tâm phúc của mình đến U Châu, Thứ Châu và Ninh Châu hoàn toàn không phải để điều tra vụ tham ô quan đạo, mà cốt là để điều tra viên quan cao cấp nào trong bộ Công đã ăn chặn tiền cứu trợ nạn tuyết nghiêm trọng ở miền Nam cách đây ba năm.
Ba năm trước, Giang Nam có mùa tuyết lớn nhất trong hàng trăm năm lịch sử, khiến mấy vạn bách tính tử vong vì giá lạnh.
Triều đình chi không biết bao nhiêu tiền của để cứu trợ thiên tai mà như muối bỏ bể.
Nguyên mùa đông năm ấy, dân chúng cả vùng miền Nam lâm vào cảnh cùng quẫn, khố rách áo ôm.
Sang mùa xuân năm sau, tuyết lớn tan dần, hàng vạn bộ hài cốt từng bị chôn vùi bắt đầu lộ ra.
Khi các quan địa phương báo cáo số người thương vong và mất tích lên, cả triều đình bàng hoàng kinh sợ.
Mùa xuân sau nạn tuyết, Triệu Phụ tự lên Đàn Trời cầu phúc cho dân chúng, viết chiếu xưng rõ tội trạng của mình.
Mấy tháng trước, Triệu Phụ sai Đường Thận dẫn Tô Ôn Duẫn đến viện Hàn Lâm tìm tài liệu, chính là để bắt đầu tra ngược lại vụ án tham ô hồi ấy.
Không sai, nạn tuyết năm ấy gây thiệt hại lớn không chỉ vì thiên tai khắc nghiệt mà còn có bàn tay con người.
Số người tử vong không phải gần một trăm thợ thủ công, mà là hàng vạn lê dân bách tính!
Trong quá trình âm thầm điều tra, Tô Ôn Duẫn đã lần ra được một ít manh mối, bèn bí mật bắt giữ một số quan viên địa phương.
Anh ta biết tính chất vụ việc cực kì nghiêm trọng nên không hề trình báo trên triều, sợ đánh động đến những kẻ chóp bu.
Tô Ôn Duẫn thẩm tra gắt gao, dùng cực hình xét hỏi những quan viên tham ô, cuối cùng cũng tìm ra được ngọn nguồn, xác định được quan lớn đứng sau vụ án thảm khốc ấy là người của bộ Công, ít nhất phải thuộc hàng tam phẩm trở lên.
Trong bộ Công, các quan thuộc hàng tam phẩm trở lên chỉ có ba người, một là Thượng thư Viên Mục, hai là Tả thị lang Lý Ngọc Đức, và ba là Hữu thị lang Tạ Thành.
Chính vì thế, Triệu Phụ đã sai ba người tâm phúc là Vương Trăn, Tô Ôn Duẫn và Tống Tuân lên phương Bắc điều tra xem, rốt cuộc ai trong ba người đó mới là kẻ cầm đầu thực sự.
Vụ sập cầu Kinh Hà chẳng qua là một sự trùng hợp, nhưng phải nói, vận làm quan của Tô Ôn Duẫn xuân đến phát hờn.
Trong vụ án lần này, anh ta chẳng những thộp cổ được Tạ Thành, mà còn vơ được thêm một đống lâu nhâu khác, công lao to gấp bội.
Một tướng nêu công chết vạn người1, gần một trăm vong hồn tan xương nát thịt dưới lòng sông Kinh Hà lạnh căm đã xếp thành nấc thang cho Tô Ôn Duẫn tót lên mây xanh!
Trên điện Tử Thần, Triệu Phụ tức giận nhiếc móc Tạ Thành, khiển trách bá quan.
Tạ Thành giờ này đã bị tống giam rồi, Triệu Phụ không có đối tượng để trút giận, bèn đổ tuốt lên đầu Thượng thư bộ Công Viên Mục.
Viên Mục quỳ phục xuống thỉnh tội: “Thần quản lí thuộc hạ không nghiêm, tội đáng muôn chết! Xin bệ hạ hãy cách chức thần, trừng trị thần thích đáng, thần không còn mặt mũi nào nhìn bệ hạ, không còn mặt mũi nào đối diện với muôn dân nữa!”
Vở tuồng hiền thần xin tội lại được biểu diễn trong điện Tử Thần.
Triệu Phụ lạnh lùng khiển trách Viên Mục mấy câu liền, Viên Mục nước mắt ngắn nước mắt dài, khóc lóc sụt sùi thảm thiết, nào là thương thay dân đen tị nạn vùi thây trong trận tuyết ba năm trước, nào là đau thay những sinh linh chết đuối ở Kinh Hà hôm nay, nào là mắng mỏ bản thân không biết nhìn người.
Quanh đi quẩn lại một phen Triệu Phụ mới nói: “Được rồi được rồi, việc này cũng không hoàn toàn là lỗi của Viên khanh.”
Viên Mục nước mắt tèm lem, rống lên: “Bệ hạ!”
“Phạt ngươi sáu tháng bổng lộc, về ngay U Châu, đôn đốc việc xây dựng quan đạo cho hẳn hoi tử tế, làm không xong thì đừng có bước chân về bộ Công!”
“Thần lĩnh phạt!”
Vở diễn minh quân trung thần hạ màn xuất sắc, Viên Mục đứng lên, trở lại hàng ngũ các quan.
Phạt xong rồi thì đến hồi ban thưởng.
Đại thái giám Quý Phúc đứng ra đọc thánh dụ2: “Các khanh, trẫm vâng mệnh trời cao, Thiếu khanh Đại lý tự Tô Ôn Duẫn cơ trí thận trọng, sáng suốt tài giỏi, can đảm hơn người.
Nay thăng làm Hữu thị lang bộ Công hàm tam phẩm, kiêm nhiệm chức Thiếu khanh Đại lý tự.
Nhậm chức ngay từ hôm nay.”
[2] Dụ tức là lời truyền bảo của người trên xuống người dưới
Tô Ôn Duẫn bước ra từ hàng ngũ các quan Đại lý tự, cao giọng thưa: “Đội ơn bệ hạ3.”
Quý Phúc đọc tiếp: “Các khanh, trẫm vâng mệnh trời cao, Thượng thư bộ Hộ Vương Trăn trung thành giỏi giang, làm việc nhạy bén kịp thời.
Nay ban thưởng năm mươi lạng vàng trắng, ba mươi cuộn gấm trắng.”
Vương Trăn hô: “Đội ơn bệ hạ.”
“Các khanh, trẫm vâng mệnh trời cao…”
Lần lượt các quan trong đoàn Giám sát Sứ có công điều tra vụ án ở Thứ Châu được ban thưởng, Triệu Phụ tuyên bố tan triều, bá quan lục tục ra về.
Hôm nay là phiên trực của Đường Thận, cậu đã trở lại với công việc ghi chép hàng ngày của Khởi Cư lang.
Tan triều, Triệu Phụ sang điện Thùy Củng, cậu liền đi theo ông ta.
Trong quá trình di chuyển, Đường Thận và hai Khởi Cư xá nhân khác đi cách Triệu Phụ một quãng, nghiêm chỉnh cúi đầu giữ im lặng.
Đường Thận không hề hỏi tại sao trong số quan lại đi Thứ Châu lần này, chỉ có mỗi mình không được ban thưởng.
Đến điện Thùy Củng, Triệu Phụ lật qua lật lại đống tấu chương trên bàn, đùa rằng: “Quý Phúc, ngươi xem đống tấu này đi, ngày nào cũng hành trẫm đến mụ cả đầu.
Trẫm đã già, mắt mờ lắm rồi, làm sao đọc nổi tất cả chỗ tấu chương này chứ!”
Quý Phúc lập tức mỉm cười xun xoe: “Quan gia hồng phúc tề thiên, thọ ngang trời đất, vĩnh viễn không già.”
Triệu Phụ cười mắng: “Cái mồm khéo đáo để chưa kìa!” Đoạn ông ta nhìn các quan Khởi Cư chầu hai bên, hỏi Đường Thận: “Cảnh Tắc, ngươi thấy thế nào?”
Đường Thận lập tức đứng dậy, hành lễ rồi nói: “Bệ hạ ngày đêm lo việc nước, nhờ vậy mà muôn dân được kê cao gối ngủ, mạnh mẽ oai phong nhường ấy, sao có thể nói là già được ạ.”
Triệu Phụ mỉm cười, giở một bản tấu rồi tiện tay đặt nó sang bên.
“Cảnh Tắc cũng học được cách ăn nói của lũ hoạn quan rồi.”
Quý Phúc thấy tâm tình Triệu Phụ có vẻ vui, vả lại lão đã biết trước đôi điều, bèn đảo mắt, nhỏ giọng nói: “Bệ hạ ghét bỏ nô tài rồi.”
Triệu Phụ cười ha hả: “Thế ngươi có tủi thân không?”
Quý Phúc làm bộ như tủi hờn lắm mà không dám nói.
Cười xong, Triệu Phụ nhìn Đường Thận, nghiêm túc hỏi: “Cảnh Tắc có trách trẫm hôm nay ban thưởng cho tất thảy quần thần mà bỏ qua ngươi không?”
Đường Thận thưa: “Thần không dám.
Có thể san sẻ gánh lo cho bệ hạ đã là vinh hạnh lớn lao của thần rồi.”
“Dù vậy, cũng không thể bạc đãi ngươi được.” Nói rồi, Triệu Phụ nháy mắt ra hiệu cho Quý Phúc, Quý Phúc lập tức tiến lên, chậm rãi đọc thánh dụ: “Các khanh, trẫm vâng mệnh trời cao, Khởi Cư lang Đường Thận tài tư mẫn tiệp, ngôn từ sâu sắc, thấu hiểu tấm lòng trẫm.
Nay thăng làm Trung Thư xá nhân hàm tứ phẩm, nhậm chức ngay trong ngày.”
Đường Thận tuy đã dự liệu được, nhưng khi trực tiếp nghe dụ lệnh thăng chức, cậu vẫn hết sức choáng ngợp.
Trăm mối cảm xúc đan xen trong lòng, Đường Thận hồi tưởng lại toàn bộ những gì đã trải qua suốt một năm nay, cuối cùng mới ngẩng lên nhìn vua với gương mặt đầy ngỡ ngàng.
Cậu nghẹn ngào nói: “Bệ hạ…”
Triệu Phụ mỉm cười: “Cảnh Tắc, tiếp chỉ đi chứ, hay là không ưng phần thưởng này?”
Đường Thận lập tức hành lễ: “Thần đội ơn bệ hạ!”
Đường Thận lĩnh chỉ xong thì trở về chỗ ngồi của Khởi Cư lang.
Triệu Phụ nói với cậu: “Để Cảnh Tắc sang điện Cần Chính, coi như là chút lòng riêng của trẫm.
Ngươi xem tấu chương các quan viết ở đây đi, đến mấy chuyện vặt vãnh như ‘Trái sơn trà ở Lĩnh Nam chín nẫu, gấp lắm rồi ạ’ cũng tâu lên với trẫm! Hay như cái này chẳng hạn, văn vẻ bay bướm, trẫm đọc hoa cả mắt, hóa ra cũng chỉ để chúc trẫm hai tháng nữa sinh nhật vui khỏe.
Nếu Cảnh Tắc đến điện Cần Chính giúp trẫm thẩm duyệt tấu chương, nhất định sẽ hiểu suy nghĩ của trẫm, có thể tóm tắt ngắn gọn nội dung tấu chương cho trẫm, đúng không nào?”
Triệu Phụ đã nói thế, Đường Thận làm sao mà ngồi được nữa, cậu đứng lên ngay: “Thần nhất định không phụ thánh mệnh.”
Triệu Phụ nhìn Đường Thận, bỗng nói: “Trẫm là trẫm không nỡ để Cảnh Tắc đi chút nào đâu!”
Ông ta vừa dứt câu, cả Quý Phúc lẫn hai Khởi Cư xá nhân trong điện đều phải nhìn Đường Thận bằng ánh mắt ngưỡng mộ.
Lời Triệu Phụ nói nửa thật lòng, nửa vờ vĩnh.
Về một mặt, Triệu Phụ thấy Đường Thận là một trong những quan viên trẻ tuổi hiếm hoi làm việc thực chất, nghiêm chỉnh.
Suốt một năm nay theo hầu cậu cũng thường xuyên nắm bắt được ý của ông ta.
Không chỉ thế, nhờ là sư đệ của Vương Trăn – tâm phúc của Triệu Phụ, Đường Thận còn được thơm lây và lọt vào mắt xanh của đức vua.
Vì những lí do ấy, để Đường Thận đi, thực lòng Triệu Phụ cũng lấy làm tiếc.
Mặt khác, chính vì Đường Thận đang nổi đình đám giữa lớp trẻ trong triều mà Triệu Phụ rất muốn thu phục cậu, khiến cậu toàn tâm toàn ý trung thành với mình.
Quả nhiên, Đường Thận cảm động rơi nước mắt: “Thần nguyện cúc cung tận tụy vì bệ hạ, đến chết mới thôi!”
Triệu Phụ thỏa mãn cười tươi.
Chiều tối, hoàng đế lên đài Đăng Tiên tu luyện.
Được nửa canh giờ thì Hữu thị lang bộ Công kiêm Thiếu khanh Đại lý tự Tô Ôn Duẫn vào cung xin yết kiến.
Tô Ôn Duẫn đến cửa đài Đăng Tiên lại gặp Đường Thận.
Thái giám vào bẩm báo lên hoàng đế, còn Tô Ôn Duẫn thì đứng chờ ở cửa, đối diện với Đường Thận.
Tô Ôn Duẫn cười: “Nghe nói sáng sớm hôm nay Đường đại nhân đã được thăng làm Trung thư xá nhân tứ phẩm, đáng mừng thật đấy.”
Đường Thận hành lễ: “Đa tạ Tô đại nhân.
Hạ quan cũng chúc mừng Tô đại nhân vừa lên chức Hữu thị Lang bộ Công tam phẩm.”
Ánh mắt đẹp say lòng người của Tô Ôn Duẫn bám lấy Đường Thận hồi lâu, anh ta nói: “Từ sau khi rời Thứ Châu, ta cứ băn khoăn mãi một việc.
Đường đại nhân này, nếu đêm đó trong trạm dịch có người tông cửa vào, chém chết hai ta ngay tại chỗ, thì ngươi nghĩ hôm nay ai sẽ là người mang thi thể chúng ta về kinh ẵm hết công trạng đây?”
Đường Thận: “Việc chưa từng xảy ra, Tô đại nhân nghĩ ngợi làm gì.”
Chăm chú quan sát Đường Thận thêm một lúc, Tô Ôn Duẫn lại bảo: “Ngày mai Đường đại nhân sẽ đến điện Cần Chính nhậm chức, ta đợi ngươi ở điện Cần Chính đấy.”
Không bao lâu sau, Tô Ôn Duẫn đi vào đài Đăng Tiên.
Trong đài Đăng Tiên, Giám chính Khâm Thiên giám Lý Tiêu Nhân cầm chiếc bát ngọc, nhúng lá trúc vào nước trong bát, nhẹ nhàng vẩy lên người Triệu Phụ.
Hoàng đế Đại Tống khoác đạo bào, ngồi nghiêm trang ngay giữa trận Thái cực Bát Quái, nhắm mắt tu tiên.
Tô Ôn Duẫn đến xong cũng không lên tiếng, chỉ đứng đó chờ.
Qua một khắc, Triệu Phụ mở mắt ra, nói: “Ngươi lui xuống trước đi.”
Lý Tiêu Nhân sững người mất mấy giây mới hiểu ý Triệu Phụ, bèn mau chóng rời khỏi đài Đăng Tiên.
Triệu Phụ đưa mắt nhìn Tô Ôn Duẫn, vẻ mặt hững hờ như bậc tiên nhân đã thoát ly khỏi tình cảm và dục vọng.
Tiếng ông ta vang vọng trong đài Đăng Tiên: “Phỉ Nhiên đến bao lâu rồi?”
Tô Ôn Duẫn: “Mới một khắc thôi ạ.”
Triệu Phụ vẫn ngồi xếp bằng, hỏi: “Tình hình thế nào?”
Tô Ôn Duẫn trả lời: “Án tham ô trong thảm họa tuyết miền Nam ba năm trước, chỉ lần ra được đến Tạ Thành.
Lên cao hơn nữa, nếu không phải không có kẻ nào thì tức là chúng giấu quá khéo, không thể tóm được sơ hở.
Thần vô năng, xin bệ hạ thứ tội.”
Triệu Phụ gật gù khe khẽ, dường như đang suy tư điều gì.
“Nạn tuyết năm ấy ảnh hưởng rất lớn, triều đình phát hai trăm vạn lượng để cứu tế, nếu chỉ có mình Tạ Thành thì còn non sức lắm.” Triệu Phụ cảm thán, nhưng thay vì đi sâu vào việc ấy, ông ta lại thâm thúy ám chỉ chuyện khác: “Ta nhớ rõ năm ấy, họa tuyết lớn không gây thiệt hại gì cho phủ Cô Tô.
Đúng là nơi địa linh nhân kiệt, Đường khanh là người Cô Tô đấy.”
Tô Ôn Duẫn đương nhiên hiểu ý hoàng đế.
Về lí thuyết, đúng ra Tô Ôn Duẫn sẽ nhân dịp này thêm mắm dặm muối, dìm Đường Thận xuống ngay.
Song anh ta chỉ nhếch môi rồi thưa: “Tuy Đường đại nhân đã từng là học trò của Phủ doãn Cô Tô Lương Tụng – Lương đại nhân, nhưng tâu bệ hạ, sau khi Lương đại nhân tự ải, chưa đến một tháng, cậu ta đã ngược Bắc đổi thầy ngay tắp lự, cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Lương đại nhân.
Quyết đoán đến nhường ấy, khiến thần cũng phải thấy tự ti.”
Nghe thì có vẻ Tô Ôn Duẫn chỉ đang nhận mình không bằng Đường Thận, nhưng thật ra anh ta đang nói kháy Đường Thận là đồ gió chiều nào theo chiều ấy, thầy vừa mất đã chạy theo người khác, Lương Tụng dưới đất có linh, khéo tức đến nỗi chết rồi cũng phải vùng dậy.
Triệu Phụ ngẩng lên nhìn Tô Ôn Duẫn.
Tô Ôn Duẫn bĩu môi, khinh Đường Thận ra mặt.
Triệu Phụ nói: “Kẻ thức thời là trang tuấn kiệt, việc này đúng là Cảnh Tắc sai, nhưng chẳng qua là trẻ người non dạ.”
Tô Ôn Duẫn thôi tỏ ra dè bỉu, không nói nữa.
Triệu Phụ phất tay: “Lui đi.”
“Vâng.”
Ra khỏi đài Đăng Tiên, Tô Ôn Duẫn tia ngay Đường Thận ngoài cửa, cười tươi roi rói, thái độ vênh váo cực kì: “Đường đại nhân, thế là ngươi nợ ta một ơn huệ lớn rồi đấy.
Từ rày trở đi, vụ ta mượn ngươi làm bia ngắm ở Thứ Châu coi như xí xóa nhé.”
Đường Thận nhíu mày.
Tô Ôn Duẫn không dài dòng, nghênh ngang ra về.
Trong đài Đăng Tiên, Triệu Phụ mân mê hai viên dạ minh châu trong trẻo.
Ông ta nhìn xuống sàn đầy suy tư: “Trẫm nhớ, Đường Thận năm nay mười bảy tuổi nhỉ.”
Trong đài Đăng Tiên chỉ có Triệu Phụ và Quý Phúc.
Tự dưng hoàng đế nói vậy, Quý Phúc mất một lúc mới nhận ra Triệu Phụ đang chờ mình trả lời, bèn đáp: “Bẩm bệ hạ, Đường đại nhân đỗ Thám hoa năm mười sáu tuổi, tức là vào đầu năm ngoái.
Nô tài còn nhớ, Đường đại nhân là Thám hoa lang do chính bệ hạ khâm điểm ạ.”
Triệu Phụ: “Ừ, đúng là như vậy, suýt tí nữa trẫm quên mất.
Trẫm rất thích văn của cậu ta, nhớ bài văn cậu ta viết nhân ngày sinh nhật trẫm năm ngoái, giọng văn thật tuyệt vời biết bao.”
Quý Phúc cười nói: “Đường đại nhân giỏi giang hơn người, tuổi trẻ tài cao, nô tài hết sức ngưỡng mộ.”
“Hà hà, đúng là cái đồ già ranh.”
Một thoáng yên tĩnh trôi qua, Triệu Phụ thong thả nhận xét: “Xét về tài siểm mị4, cậu ta cũng sánh ngang với Tử Phong đấy.”
[4] Nịnh nọt, nịnh hót
Quý Phúc sững người, không nói nên lời.
Triệu Phụ thở dài: “Trẫm lại rất thích cậu ta như vậy.”
Một bề tôi thấy lợi quên nghĩa, a dua nịnh hót đối với đấng minh quân mà nói, chính là kẻ gian thần tiểu nhân, thế mà Triệu Phụ lại thích kiểu người ấy, thích vô cùng.
“Tô Phỉ Nhiên ghét cậu ta, Vương Tử Phong thích cậu ta.” Triệu Phụ cảm khái, “Sao thiên hạ lại sinh ra một Đường Cảnh Tắc hay ho thế nhỉ, vừa khéo kẹp giữa hai người kia.
Thế nên, trẫm càng thích.”
Quý Phúc có khôn khéo đến mấy thì cũng chỉ là một hoạn quan, lão ta không hiểu ý Triệu Phụ, chỉ đành cười xòa.
Lẽ dĩ nhiên, một lão thái giám hiểu được quyền mưu của đế vương mới là lạ.
Trên triều đình, các quyền thần đức cao vọng trọng đều đã lớn tuổi và có phe phái riêng của mình.
Ngay cả với Triệu Phụ, việc thay đổi những người này cũng hết sức nhức đầu, tiềm ẩn hậu họa khôn lường.
Trong khi đó, nhóm quan trẻ tuổi được Triệu Phụ cố ý nâng đỡ những năm gần đây, dẫn đầu bởi Vương Trăn và Tô Ôn Duẫn, dần dần đã có vị thế ngang bằng với các cựu thần.
Mà trong nhóm trẻ này thì Vương Trăn lại kình nhau với Tô Ôn Duẫn.
Nếu bây giờ đặt một bàn cờ vào điện Tử Thần cho tất cả mọi người quan sát, để các quan làm quân cờ còn thiên tử cầm quân, bàn cờ ấy sẽ có con sông chia hai bờ, bên Sở bên Hán, vừa tách biệt rõ rệt vừa hòa trộn với nhau.
Gió mưa trên triều đình chưa gạt nổi đôi mắt già nua lâu nay của Triệu Phụ.
Trăm năm nữa, ông ta vẫn sẽ là hoàng đế tài đức, sáng suốt không ai bằng trong lịch sử Đại Tống.
Ông ta muốn hậu thế phải tán dương mình cả đời.
Ông ta sẽ bất tử, ông ta sẽ trở thành vị vua thánh minh nhất trần đời.
Nụ cười của Triệu Phụ trở nên sâu xa khó đoán, ông ta nhắm mắt, tiếp tục tu tiên.
Đến tối, quan viên bộ Lễ đưa quan bào mới đến phủ Thám hoa.
Đường Thận thay áo mới, Đường Hoàng hớn hở chạy quanh anh trai mấy vòng liền.
Phải mất một lúc cô bé mới bớt kích động, bĩu môi: “Rõ ràng là y phục cho đại quan tứ phẩm hẳn hoi, anh à, sao anh mặc vào trông chả khác trước tí nào thế?”
Đường Thận lườm cô em: “Vào năm Khai Bình thứ ba khi Tống Liêu chiến tranh liên miên, Thượng thư bộ Hộ hồi ấy, giờ là Hữu tướng Vương Thuyên – Vương đại nhân đã dâng thỉnh nguyện, đề xuất đơn giản hóa phục sức của bách quan để giảm bớt gánh nặng cho quốc khố.
Em nhìn cái tay áo mà xem.”
Đường Hoàng lại gần, nhòm kĩ: “Tay áo làm sao hả anh?”
“Thêu chỉ bạc kia kìa! Chỉ có quan tứ phẩm mới được dùng chỉ bạc thôi!”
Đường Hoàng: “…”
Ai mà nhìn ra nổi!
Đường Thận thăng quan, cả nhà vui mừng khôn xiết.
Quan trọng nhất là, từ giờ Đường Thận được ngủ nướng thêm hai khắc.
Trong các quan, Khởi Cư lang phải dậy sớm nhất, họ phải tiến cung trước tất cả những người khác.
Từ hồi làm quan Khởi Cư, Đường Thận cả năm nay không được ngon giấc.
Dù không có phiên trực, cậu cũng phải dậy sớm vào cung, sẵn sàng đợi lệnh.
Hên nữa là tuy Đường Thận mới nhậm chức, và chức Trung thư xá nhân tứ phẩm cũng phải lên triều, nhưng ngày đầu tiên đi làm, cậu không phải vào triều, chỉ cần đến điện Cần Chính nhận nhiệm vụ sau buổi chầu là được.
Kể từ khi làm quan, hôm nay Đường Thận mới có một giấc ngủ no nê.
Sáng sớm hôm sau, cậu mặc quan bào, đi lên điện Cần Chính.
Trước đây Đường Thận đã ghé thăm điện Cần Chính nhiều lần.
Điện Cần Chính là nha môn duy nhất trong hoàng cung, là cơ quan làm việc đặc biệt của Trung Thư tỉnh ở Đại Tống.
Vì thế, điện Cần Chính cũng được gọi là nha môn Trung Thư.
Tuy vậy, không phải tất cả quan Trung Thư tỉnh đều làm việc ở điện Cần Chính.
Hồi trước Đường Thận làm Khởi Cư lang, về lý thuyết thì cũng là quan viên thuộc Trung Thư tỉnh, nhưng nơi làm việc của Khơi Cư lang là nha môn Trung Thư ở ngoài cung chứ không phải trong điện Cần Chính.
Để khái quát thì điện Cần Chính được chia làm ba khu vực.
Khu thứ nhất là nơi làm việc của bốn tướng công, tức là Tả tướng Kỷ Ông Tập, Hữu tướng Vương Thuyên, Tả thừa Trần Lăng Hải và Hữu thừa Từ Bí.
Khu thứ hai là nơi làm việc của Thượng thư Lục bộ, gồm ba gian phòng, cứ hai bộ chung một gian.
Thượng thư sáu bộ không phải lúc nào cũng làm việc trong điện Cần Chính, họ cũng hay có mặt ở nha môn từng bộ bên ngoài cung.
Còn khu vực đằng sau những gian nhà trên là nơi làm việc của các quan khác trong Trung Thư tỉnh.
Quan Trung thư tam phẩm chia nhau hai phòng.
Đường Thận là quan tứ phẩm thì dùng chung một phòng với các quan tứ phẩm khác.
Ở Trung Thư tỉnh, chỉ có quan tứ phẩm trở lên mới được vào điện Cần Chính làm việc.
Đường Thận đến điện Cần Chính từ sớm, cậu không để mọi người chờ mình mà đến trước khi buổi chầu kết thúc.
Sau buổi chầu, các quan trở về điện Cần Chính.
Ba quan Trung Thư xá nhân cùng phẩm hàm với Đường Thận thấy cậu đến sớm thì ngạc nhiên lắm, mọi người chắp tay: “Chúc mừng Đường đại nhân, từ giờ chúng ta là đồng liêu rồi.”
Đường Thận cười: “Đa tạ Quý đại nhân, Lưu đại nhân và Lâm đại nhân.”
Trung Thư xá nhân Quý Mậu cười: “Lần trước gặp Đường đại nhân mới cách đây ba tháng thôi.
Hôm ấy ta đến chỗ Vương tướng công, vừa khéo gặp đại nhân.
Chỉ kịp liếc nhau một cái, không ngờ hôm nay đã thành đồng liêu với Đường đại nhân.”
Một Trung Thư xá nhân khác nói: “Đường đại nhân năm nay mới mười bảy tuổi, đúng là tuổi trẻ tài cao.”
Bốn người khách sáo một phen, Quý Mậu mới nói: “Trong điện Cần Chính, ta làm việc cho Kỷ tướng công, Lưu đại nhân hỗ trợ Vương tướng công, Lâm đại nhân thì do Trần tướng công sai sử.
Như vậy, Đường đại nhân sẽ theo Từ tướng công.
Giờ mới tan triều, Từ tướng công đang bận lắm.
Cứ chờ một lúc rồi sẽ có người đến tìm Đường đại nhân.”
Quý Mậu nói đúng, sau nửa canh giờ, có sai nha đến phòng gọi Đường Thận, báo rằng Hữu thừa Từ tướng công triệu kiến cậu.
Đường Thận chỉnh trang lại quan bào, đi theo sai nha đến gian làm việc của Từ Bí.
Từ Bí đang xem tấu chương, thấy Đường Thận đến thì ông nhẹ nhàng gật đầu với cậu.
Đường Thận cũng không lên tiếng, ngoan ngoãn đứng ra sau lưng Từ Bí.
Từ Bí xem tấu chương xong thì thở dài, đưa cho Đường Thận bảo: “Ngươi đọc thử đi.”
Đường Thận cung kính nhận cuốn sổ, mở ra xem.
Lúc mới mở ra, cậu cũng bình tĩnh lắm.
Mà đọc được một nửa, Đường Thận bắt đầu thấy hoang mang.
Cậu nghĩ ngợi một chút, bèn đọc lại tỉ mỉ từ đầu.
Đường Thận: “…”
Đường Thận bảo: “Hạ quan xem xong rồi ạ.”
Từ Bí nhấp một ngụm trà: “Thấy sao?”
“… Liễu đại nhân phủ doãn Thương Châu văn từ hoa mỹ, tài giỏi xuất chúng, thần không bì kịp.”
Nói tóm lại là: viết nhảm nhí thái quá, đọc đau hết cả đầu!
Từ Bí cười bất đắc dĩ: “Đây cũng là việc của ngươi đấy.
Tấu chương của quan viên địa phương đều chuyển về đây cho ta, sau khi ta đọc xong sẽ tóm lược những điểm chính yếu, trình lên bệ hạ.
Đường đại nhân trước đây làm Khởi Cư lang, hẳn cũng biết mỗi ngày bệ hạ phải duyệt bao nhiêu tấu chương đúng không?”
“Hạ quan biết ạ.”
Từ Bí cảm thán: “Bệ hạ vẫn như xưa!”
Lần đầu tiên, Đường Thận thấy đồng cảm với hoàng đế Triệu Phụ..
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...